Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Trầu Cau Trong Văn Hoá Việt

 

1.Dẫn nhập.

Đối với thôn quê Việt, trầu cau là một nét văn hóa hết sức đặc biệt, đậm đà bản sắc dân tộc.  "Miếng trầu là đầu câu chuyện", dân thôn ai có việc gì đến nhà người nhà tôn trưởng hoặc vào cửa quan, cũng đem buồng cau vào là quý. Trầu cau là thứ lễ nghi truyền thống . Xưa kia, trầu cau là những thứ  không thể thiếu trong các dịp xã giao hay lễ hội của người Việt trong hội hè, cưới hỏi và cả cuộc sống thường ngày. 

Thực vậy, trầu cau tượng trưng cho tình yêu chung thủy, nồng thắm và hạnh phúc bền chặt của lứa đôi. Cây trầu và cây cau là hai thực vật có khắp mọi miền nông thôn nước Việt, từ Bắc đên Nam . Tuy rằng ngày nay các phong tục tập quán này mất đi khá nhiều nhưng nó vẫn còn mang ý nghĩa sâu đậm trong văn hóa và văn chương Việt Nam

2.Trầu cau trong văn hoá việt .

 Trầu cau là đề tài trong bài hát quen thuộc:

Ngày xưa có hai anh em nhà kia
Cùng yêu thương ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa.
Vì hai người cùng yêu một cô gái làng bên,
Nhưng người anh được kết duyên cùng nàng.
Vì như thế nên người em lòng buồn rầu bỏ đi khỏi làng... 

Và câu chuyện thần thoại kể thêm là người em đi tìm anh hoá thành cây cau và người vợ đi tìm chồng hoá thành cây trầu quấn quanh cây cau, và người anh biến thành tảng đá  để minh chứng cho sự trong sáng, tình nghĩa anh em, vợ chồng của họ! Câu chuyện này nhân cách hóa nguồn gốc của cây cau, cây trầutảng đá vôi là những thứ được sử dụng để ăn trầu cũng như giải thích tục lệ sử dụng trầu cau trong các đám cưới. 

 3. Cây cau (Areca catechu)  là một loài cây trong họ Arecaceae được trồng nhiều tại khu vực nhiệt đới châu ÁThái Bình Dương.  Nó là loại cây thân gỗ trung bình, cao tới 20 m, với đường kính thân cây có thể tới 20–30 cm. Các lá dài 1,5–2 m, hình lông chim với nhiều lá chét mọc dày đặc. Người dân trồng cau quanh vườn nhà vì giá trị kinh tế đáng kể của nó có từ việc thu hoạch quả. Ca dao  nói về cây cau:

- Trái cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần, mai anh học xa.
Anh lấy em từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám,  thiếp đà năm con.
Ra đường người  ngỡ còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

-Vào vườn hái quả cau non
Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

Người thiếu nữ muốn tìm hiểu gia thế nhà người con trai sắp yêu,  chỉ cần nhìn vào vườn cau nhà:

Đến nhà trông trước trông sau
Trông nhà mấy cột trông cau mấy hàng

Thi sĩ Hồ Xuân Hương ca tụng miếng trầu cau:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.


Nhà thơ Hàn Mặc Tử nhắc đến các vườn cau ở Huế:


Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Câu thơ của dân gian: Con gái Cần Thơ Vĩnh Long, Đất gạo trắng nước trong, Người mơn mởn như xoài, Da trắng như bông bưởi, Mắt đen như hạt nhãn, Tóc thơm như mùi hoa cau…


Trong quả cau có chứa các ancaloit như arecolin, arecain, guraxin. Chúng tăng cường tiết nước bọt (nước bọt bị nhuộm đỏ). Ở châu Á, người dân thường cuộn lá trầu không bên ngoài miếng cau, có thể quết thêm chút vôi tôi tùy theo địa phương, để tăng hương vị khi nhai. Nhưng ở Trung Quốc, món này không cần cuộn lá trầu.

Quả cau thường được so sánh với chất caffeine, thuốc lá và rượu về khả năng gây kích thích cùng ảo giác nhẹ ngắn hạn khi sử dụng. Chúng hoàn toàn có tính chất gây nghiện. Chất arecoline trong quả cau sẽ kích thích các thụ thể trong não, gây ra chứng nghiện nicotine.

Năm 2004, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đưa hạt cau vào nhóm số một trong danh sách các chất gây ung thư, có nghĩa là đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh nó là chất gây ung thư cho con người.

Hạt cau cũng là một loại thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc, được cho là có tác dụng cải thiện đường ruột hoặc trị cảm lạnh. Tuy nhiên, bản chất gây ung thư của cau đã quá rõ ràng. Những con số thống kê về bệnh ung thư do nhai trầu cau là bằng chứng rõ nhất. Tạp chí Lancet cho biết khi kiểm tra 8.222 người bị ung thư khoang miệng tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, các chuyên gia phát hiện 90% bệnh nhân có thói quen ăn trầu cau.

Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu CNKI của Trung Quốc cho biết tỉ lệ ung thư miệng tại Hồ Nam – thủ phủ sản xuất trầu cau ở Trung Quốc – cao hơn 30% so với các khu vực còn lại. Báo cáo của Lancet kêu gọi chính phủ Trung Quốc hạn chế quảng bá hình ảnh ăn trầu cau như một bước tiến tới lệnh cấm triệt để hơn đối với hạt cau trong tương lai. Họ thừa nhận rằng các chính sách như vậy sẽ gây hại cho nông dân cùng các bên liên quan khác trong ngành sản xuất, nhưng việc hạn chế dùng hạt cau để bảo vệ sức khỏe là quan trọng hơn cả.

4. Cây trầu ( Piper betle). Là một loại cây thảo, phổ biến với từ thời ông bà ta xưa nay,  thuộc họ Piperaceae (họ hồ tiêu). Đây là loài cây thường xanh, loại dây leo thân cây cau và sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng và các hoa đuôi sóc màu trắng, có thể cao tới 1 mét.  Cây Trầu là một loại cây đa năng dùng để ăn và làm thuốc, là một loài cây gia vị hay cây thuốc, lá của nó có các tính chất dược học.  Loài này có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á và được trồng ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia. 

Ca dao Việt nhan nhãn ca ngợi trầu cau như vinh danh tình yêu:

-Tiện đây ăn một  miếng trầu
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là?
-Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.


và nhắn nhủ:


Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đều

Phàm việc tế tự tang ma, cưới xin... việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng. . "Miếng trầu là đầu câu chuyện", dân thôn ai có việc gì đến nhà người nhà tôn trưởng hoặc vào cửa quan, cũng đem buồng cau vào là quý. 

Nhà tư gia cúng giỗ tổ tiên tất phải có cơi trầu. Khách đến chơi nhà, phải có trầu thiết đãi. 

Ở Việt Nam có hai loại trầu chính: trầu mỡ và trầu quế.  Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, nhỏ lá, được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu

Nhiều nghiên cứu gần đây còn cho biết lá trầu  còn chứa cả chất tanin, đường, diataza và tinh dầu. Tinh dầu của nó có màu vàng nhạt, hương thơm nồng, khi nếm có vị nóng và cay. Ngoài ra, trầu không còn chứa một dạng phenol có tên là chavicol có đặc tính khử trùng rất tốt. 

Tại một số quốc gia như Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam v.v thì lá trầu được nhai cùng với vôi tôi (hydroxit canxi) hay vôi sống (ôxít canxi) và quả của cây cau. . 

 Vôi có tác dụng giữ cho thành phần hoạt hóa của trầu không nằm ở dạng base tự do hay chất kiềm, điều này cho phép nó đi vào trong máu thông qua hấp thụ dưới lưỡi

Tổ hợp của cau, trầu và vôi để nhai, còn được gọi là "miếng trầu", đã được người dân trong khu vực sử dụng vài nghìn năm. Khách đến chơi nhà, phải có mời trầu . Miền Nam ta trước kia có 18 thôn vườn trầu nổi tiếng  ở vùng Hóc Môn -Bà Điểm,  bạt ngàn xanh mướt .Trầu ở đây lá vàng ươm, mỏng như giấy quyến, vị cay mà không nồng. Để được như vậy, ngoài yếu tố thổ nhưỡng, người trồng trầu phải mất nhiều công phu: từ cách làm giàn, làm luống, liếp; cho tới cách tưới nước sao cho không bị úng; phân bón phải là phân trâu, bò, ngựa, phân bánh dầu (xác đậu phộng sau khi ép lấy dầu), đặc biệt là phân tằm; cả nọc cho trầu leo cũng phải được chọn kĩ… Cách hái lá cũng thật tỉ mỉ: chờ cho lá phát lên nảy nhánh mới bắt đầu hái, và chỉ hái từ lá thứ hai, thứ ba từ ngọn trở xuống của nhánh, không hái lá trên thân (dày, ăn cay nồng), cuống màu xanh thì hái, màu hồng thì thôi. 

Thái Công Tụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét