Đây là bài số năm trăm tám mươi ba (583) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.
Hôm nay người việt xin mời quý thân hữu cùng tham gia múa hát Đêm Ai Cập trên du thuyền Nile Cruise, đi viếng đền Abu Simple rồi đi cưỡi lạc đà dọc theo sông Nile ở Aswan nhé.
Nào trước nhất chúng ta hãy cùng tham dự Đêm Ai Cập trên Nile Cruise
Ăn tối xong quý bà lo sửa sang nhan sắc để tôi nay tham dự buổi dạ tiệc Đêm Egypt do ban giám đốc Nile Cruise khoản đãi có ăn bánh ngọt, có đãi cocktail, đặc biệt là có màn cùng nhau nhảy múa theo nhịp điệu âm nhạc Ai Cập.
Úi chào, phu nhân nào cũng xinh đẹp diễm lệ với trang phục đặc biệt kiểu cách Ai Cập rất đẹp.
Có bà tốn thêm 10 đồng để hóa trang thành Cleopatra, vẽ mắt vẽ mày y chang nữ hoàng Ai cập nổi tiếng này.
Riêng người viết thì mặc chiếc áo đặc biệt màu xanh có hình hoa văn Ai Cập mới mua, đeo xâu chuỗi màu xanh kiểu Ai Cập, và quấn khăn trên đầu kiểu Ai Cập luôn cho trọn bộ "Người Đẹp Ai Cập”. Mỗi người một vẻ, đêm nay quý bà ai cũng đẹp lạ lùng hết ráo. Riêng quý ông thì cũng "u như kỹ", ngôi im lo chụp hình, quay phim theo "lịnh bà bà". Smile!
Có thể nói quý bà phe ta đều tham dự vào cuộc vuì so với các phái đoàn khác trên tàu.
Người viết là người được chụp hình nhiều nhất và cũng là người "quậy" nhất vì nhảy nhót, vỗ tay múa chân, chơi trò chơi “dính chùm” khi nhảy múa theo lịnh của người điều khiển chương trình cho đến khi tàn cuộc vui. Còn vui được thì ta cứ vui mà lị!
Tới nay tôi ngủ ngon lành vì đã nhảy múa mệt nhoài. Cám ơn hướng dẫn viên du lịch Ai Cập rất vui tính và dễ thương đã cùng đoàn nhảy múa vui vẻ.
Xin mời xem Youtube Cùng nhảy với nhau trong Đêm Ai Cập trên Nile Cruise
Thăm Abu Simple Temple, kỳ quan kiến trúc độc nhất ở Ai cập cổ xưa đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Sáng thức dây, cả đoàn ra phi trường Aswan để đáp chuyến bay đi thăm Abu Simbel Temple. Lại qua thủ tục xét hỏi khó khăn ở phi trường. Đi du lịch Ai Cập là phải thế.
Hãy nghe ông Trần Nguyên Thắng, hướng dẫn viên của ATNT Travel viết về Abu Simbel nhé.
“…Năm 1813, hai người khảo cổ và mạo hiểm Âu Châu đã đến Abu Simbel đánh thức hai ngôi đền thờ Ramses II Temple và Nefertari Queen Temple thức dậy sau hơn 3,000 năm ngủ yên dưới lòng cát. Tuy trải qua thời gian dài thử thách với khí hậu khắc nghiệt của vùng sa mạc, nhưng có lẽ nhờ những trận bão cát sa mạc đã “ôm ấp” chôn vùi di tích Abu Simbel vào lòng sa mạc nên di tích này mới may mắn còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng phải mất thêm bốn năm sau (1817), con người mới chính thức nhìn thấy được diện mạo dung nhan di tích Abu Simbel được khai quật lên.
Câu chuyện Abu Simbel được kể lại, gần 3,300 năm trước triều đại Ai Cập 19 có một vị đại đế tên Ramses II là một vị đại đế lớn mạnh nhất trong các pharaon thời Ai Cập cổ. Ông trị vì lâu nhất và cũng là một vị vua có nhiều công trình xây cất lăng tẩm và điêu khắc tượng nhất trong tất cả mọi vương triều cổ Ai Cập. Các nhà khảo cổ cho rằng các công trình này của ông chỉ nhằm mục đích biểu hiện uy quyền của một vị pharaoh vĩ đại và tự biến ông thành một vị thần linh oai dũng với người dân Ai Cập thời đó.
khi đến Abu Simbel du khách không phải chỉ có thưởng ngoạn ngôi đền thờ dành cho Đại Đế Ramses II mà du khách còn có dịp thưởng ngoạn ngôi đền của Hoàng Hậu Nefertari cách đó không xa. Đây là ngôi đền dành cho người vợ mà Đại Đế Ramses II thương yêu.
Tuy không thể so sánh được với ngôi đền thờ của nhà vua, nhưng không vì thế mà ngôi đền Nefertari không làm ngạc nhiên du khách. Trước cửa vào của ngôi đền đá là sáu bức tượng đứng, trong đó bốn tượng là Ramsses II và hai tượng là Hoàng Hậu Nefertari. Bên trong là những bức phù điêu khắc trên tường diễn tả về sự liên hệ của hoàng hậu và các nữ thần Ai Cập….-“Trần Nguyên Thắng)
Mời xem Youtube Abu Simbel
https://www.youtube.com/watch?
Trời nắng nóng như thiêu đốt. Chúng tôi trở lên xe buýt ra phi trường Aswan để về lại Nile Cruise ăn trưa.xong khởi hành đi thăm High Dam, ngồi tàu nhỏ Felucca cruise ngắm cành hai bên bờ sông, ngắm Aga Khan,and Kitchener's Island, xong đi dạo Botanical Garden.
Bốn đêm ngủ ở trên tàu Nile Cruise đã để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm dễ thương, đáng nhớ vì chúng tôi được ngắm cảnh đẹp dọc theo sông Nile đi từ Luxor, qua Esma, đến Aswan, được viếng thăm nhiều thắng tích Ai Cập cổ xưa, được nhảy múa tưng bừng "chơi tới bến" theo điệu nhảy trong trang phục Ai Cập của "Đêm Ai Cập huyền bí". Thật là chuyến đi cruise đầy thú vị!
Ăn tối xong, chúng tôi phải về thu xếp hành trang để ngày mai rời khỏi Nile Cruise để chuyển sang một nơi ở mới là Pyramisa Isis Island Resort,một khách sạn 5 sao khác trên một hòn đảo mà phương tiện đi lại chỉ bằng tàu mà thôi
Đến nhà hàng ăn trưa tại một nhà hàng gần đó chúng tôi phải dùng tàu mà đi. Ăn trưa no nê rồi chúng tôi xuống tàu đi đến một sa mạc nhỏ bên bờ sông Nile để cỡi lạc đà lần thứ 1. Trên tàu người hướng dẫn viên Ai Cập dễ thương này đã quấn chiếc khăn choàng trên đầu của tôi theo kiểu Á Rập, biến tôi thành một phụ nữ Á Rập che kín cả mặt mày chỉ chừa lại hai con mắt mà thôi cho nên nếu nhìn hình chưa chắc bạn đã nhận diện ra được người viết.
Cả đoàn cười rộ lên và trầm trồ khen ngợi tôi sao giống y chang phụ nữ Á Rập nhưng xinh đẹp hơn vì tôi choàng khăn màu đỏ và mặc áo đỏ nổi bật. Khi nào muốn chụp hình xinh đẹp hơn ngày thường, tôi thích mặc áo màu đỏ là thế đấy. Smile!
Cỡi lạc đà dọc sông Nile ở Aswan - Ai Cập
Chúng tôi đã cưỡi lạc đà trên sa mạc ỏ Dubai, ở Petra Jordan rồi mà vẫn nôn nao, thích thú khi cưỡi
lạc đà dù nó cao lớn. Người nài bảo con lạc đà quỳ xuống thấp, đỡ tôi ngồi lên lưng lạc đà xong xuôi an toàn rồi mới ra lịnh lạc đà đứng dậy. Thế là tôi đã ngồi trên lạc đà cao nhồng rồi. Nhiều người trong đoàn vì sợ độ cao nên đã không dám cưỡi lạc đà. Thật tiếc quá vì đã mất đi niềm vui khi cưỡi lạc đà.
Cả đoàn cưỡi lạc đà dọc theo sông Nile nối kết nhau với những sợi dây cột vào nhau. Có nơi chú nài để lạc đà đi sát bờ sông, báo hại một đoàn viên sợ quá la oái oái. Anh Tiến trong đoàn dẫn đấu đã dùng Iphone chụp hình "đoàn lữ hành trong sa mạc" rất đẹp.
Đoàn lạc đà đi khoảng 15 phút thì ngừng lại nơi địa điểm bán đồ lưu niệm. Chúng tôi đi bộ vào trong làng Nublan để xem cách sinh hoạt của dân làng và xuống tàu quay lại về khách sạn để dùng cơm tối. Vui thật!
Sau khi về phòng để chuẩn bị đi ngủ, chúng tôi khám phá ra các ổ cắm điện không có điện nên không thể cắm đồ sạc điện được. Tôi xuống Information Desk để báo cáo thì giữa đường gặp anh trưởng đoàn. Tôi bèn báo cáo sự việc và cùng “xếp” vào phòng kiểm tra lại thì thấy có một nơi còn cắm điện được, nhưng nửa đêm thì cũng tắt ngúm luôn.
Thế là buổi sáng thức dậy chúng tôi rất bực mình nên "cự nự" với ông trưởng đoàn đã không báo cáo Information Desk giúp chúng tôi để kiểm tra lại ổ điện trong phòng tôi. Khi vị trưởng đoàn đến báo cáo Information Desk và yêu cầu kiểm tra lại thì phát hiện lý do không có điện là vì người bồi phòng đã không cắm điện vào ổ cắm điện đúng cách nên phòng chúng tôi bị mất điện trong khi các phòng khác vẫn có điện.. Thế là chúng tôi đã sống một đêm trên “hoang đảo không đèn” dù là chúng tôi đang ở trong khách sạn 5 sao trên đảo. Sáng hôm nay chúng tôi phải đáp phi cơ từ Aswan trở về Cairo rồi nên đã mất đi một đêm huy hoàng ở khách sạn 5 sao ở Ai Cập. Thật là một kỷ niệm khó quên.
Kinh nghiệm thứ tư xin được chia sẻ với các bạn là phải yêu cầu vị trưởng đoàn báo cáo Information Desk ngay tức khắc, nếu có trở ngại gì xảy ra trong phòng của bạn, dù là bạn đang ở khách sạn 5 sao nhé.
Còn Tìếp….. Xin mời đọc phần cuối viếng Kim Tự Tháp lớn nhất ở Ai Cập tuần sau nhé. Smile!
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 583 - _ORTB 1008-10521)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét