Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Mùa Thu Lá Rụng

 

Kể từ hồi vào Thu năm nay (2008), đợi mãi mới có một ngày của mùa Thu theo “tiêu chuẩn” của người viết. Sáng dậy, nhìn ra ngoài đường thấy trời vần vũ và lá bay ngập trời. Mở cửa cho không khí lạnh thổi vào, tôi hít lấy hít để cái chất lành lạnh của cơn gió mùa Thu.

Vội thay quần áo và lái xe ra một thư viện công cộng ở gần nhà. Tuy biết thư viện chưa mở cửa, nhưng không sao, tôi đi bộ ra một hiệu McDonald gần đó, uống một ly cà phê và ăn một cái bánh ngọt cho đỡ đói bụng. Ăn cho lẹ để còn có nhiều thì giờ đi quanh những con phố với lá vàng, lá đỏ rơi đầy đường. Đây là những giây phút thần tiên nhất của đời tôi: không còn bị quấy rầy bởi những “dead line” (làm việc cho xong đúng lúc), không còn phải bị thôi thúc của cái thời “nợ nần đời cơm áo” nữa. Ngày xưa khi còn phải đi dạy, tôi chỉ nhìn và cảm nhận được mùa Thu nó đẹp. Bây giờ, trong đời về hưu và trong những lúc như thế này, khi đang ngăn chặn được những lo buồn vẩn vơ, tôi có cơ hội được “nhìn” bằng mắt và “thấy” được cảnh vật và cảm xúc bằng tâm hồn bình an trong những giây phút đó.

Sau khi đã thấy “no bụng” với những giây phút an tĩnh, tôi vào trong thư viện, ngồi trong chiếc ghế bành bọc da, nhìn qua cửa kính để thấy lá vàng, lá đỏ bay, và bắt đầu ghi lại những dòng tình cảm mà mình đang thu nhận được. Phải ghi chép ngay vì khi về đến nhà, giữa tiếng điện thoại reo, tiếng cháu gọi “ooong” ơi ới, tôi sẽ quên hết vì cái “memory” (phần nhớ) của tôi đã bị “delete” (bị xóa) mất tiêu rồi.


Lúc đang đi bộ dưới trời Thu âm u với lá vàng rơi, nhớ lại buổi họp mặt ngày hôm qua với các giáo sư đồng sự đã về hưu và một ông còn đang đi làm. Như thường lệ, mỗi năm chúng tôi hẹn đi ăn với nhau 2, 3 lần gì đó.

Ông MG, giáo sư còn đang đi dạy, thường email cho tôi biết ngày giờ và địa điểm của buổi họp mặt. Ông ta là người đề xướng vì các giáo sư tại nhiệm mới biết họ rảnh rang vào thời điểm nào. Sau khi đã thỏa thuận, tôi gọi điện thoại cho các đồng sự đã về hưu TSR, RC, FR. Tôi thích gọi điện thoại cho họ hơn là gửi email. Gọi điện thoại để có dịp hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình và để biết họ có cơ hội đi du lịch ở đâu. Nhất là để tôi thuyết phục họ đi gặp bạn bè vì người viết có linh tính có nhiều thứ bất ổn cho nhừng ai đã về hưu như chúng tôi.

Chúng tôi đến thẳng nhà hàng “The Horizons”, ngay tại cư xá (Centennial Residence) của nhà trường. Đối với các nhà giáo chúng tôi, cư xá này đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp. Cuối thập niên 70, sau khi phân khoa Kỹ Thuật chúng tôi dọn sang một “campus” (trường sở) mới toanh với khuôn viên rất hữu tình và phòng ốc vừa đẹp vừa hiện đại, nhưng chúng tôi lại không có nhiều sinh viên như đã dự trù. Lý do chính là vì sinh viên từ các thành phố ở xa khó có chỗ để trọ học tại Toronto. Nhà trường và các giáo sư đã có nhiều buổi họp “brain storming” (moi óc) để kiếm thêm ngân quỹ và xây ký túc xá này. Chúng tôi cứ phải chờ và đợi, trong khi phải đối phó với nạn “khan hiếm sinh viên” đưa tới nạn thiếu ngân quỹ nhà trường.

Thiên niên kỷ mới đã mang lại cho nhà trường một tin vui bất ngờ: người chủ khách sạn “Howard Johnson” ngay bên cạnh “campus” của chúng tôi đã thỏa thuận bán lại cho nhà trường với giá rất phải chăng. “Bất chiến tự nhiên thành”, khách sạn này có đủ phòng ốc và chỗ đậu xe cho sinh viên nội trú. Đặc biệt nhất là nhà hàng “The Horizons” (tên do trường chúng tôi đặt ra) là nơi do chương trình “Tourism & Hospitality Department” (Du lịch và Quản Trị Nhà hàng) quản trị.

Các sinh viên trong ngành này thực tập nấu ăn và tiếp khách giống hệt như trong các hiệu ăn lớn vậy. Những năm còn đi dạy, tôi đã từng được thưởng thức nhiều món ăn tuyệt vời, lồng khung trong không khí ấm cúng của một khách sạn.

Tôi lái xe gần một tiếng đồng hồ từ phía Tây của thành phố Toronto, đi xa lộ băng qua Toronto để tới nhà hàng “The Horizons” nằm ở vùng Ðông Bắc của thành phố Toronto. Vì về hưu mới 6 năm nên tôi còn nhớ rõ đường đi. Tuy nhiên khi tới cư xá Centennial Residence, tôi phải lái xe vòng quanh mới tìm ra chỗ đậu xe của thực khách. Lúc rẽ vào cư xá, nhớ lại hồi Nghiệp Ðoàn Giáo Chức chúng tôi đình công để phản đối việc chính phủ cắt giảm ngân sách trong việc giảng dạy của chúng tôi vào năm 1989. Khi các giáo chức chúng tôi đình công, một vài bạn bè Việt Nam của tôi đã nhíu lông mày: “Giáo chức mà đình công sao?” Ðối với người Tây phương, đình công là một quyền lợi của công dân! Tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười và nghĩ bụng: “Tớ đình công để ủng hộ cho nền giáo dục và các sinh viên thì tớ mất lương nhưng không phải là tớ bất lương đâu!”

Chúng tôi đình công vào tháng 11 năm 1989. Trời rất lạnh nên phải đốt củi trong các thùng “tô nô” để sưởi ấm cho đỡ lạnh cóng. Khi nào quá lạnh và khát nước, dân “nhà – giáo – đình – công – vô – lương – lậu” chúng tôi chui vào khách sạn Howard Johnson để ăn bánh, uống cà phê và theo dõi tình hình thương lượng giữa Nghiệp Ðoàn và Chính Phủ. Phần lớn những “thành phần nòng cốt” (hard core teacher strikers) trong vụ đình công này nay đã về hưu và một số cũng đã “về hưu với cõi trần gian” này rồi. Chúng tôi đã bị chính phủ bắt buộc phải trở lại với lớp học (nếu không, chúng tôi sẽ bị phạt $5,000.00 một ngày) nhưng cũng nhờ vụ đình công này mà bây giờ Chính Phủ Tỉnh Bang Ontario mới có một qui ước rõ rệt về giờ giấc giảng dạy cũng như các chương trình giảng dạy (curriculum) của từng bộ môn và các chương trình học (programs, course outlines), không được cắt giảm tùy theo cái hứng bất tử của các chính trị gia “bất cần đời”! Cũng nhờ những đóng góp vô vị lợi của các “hard-core-teacher-strikers” mà bây giờ 25 trường Cao Đẳng (còn được mệnh danh là Đại Học Cộng Đồng) của tỉnh bang Ontario đang vững mạnh và có tầm vóc quốc tế với nhiều sinh viên ngoại quốc đến học, mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngân quỹ nhà trường.

Giờ đây trong phòng ăn, nhìn qua cửa kính thấy khuôn viên của “campus”, tôi liên tưởng tới những vui buồn trong nghề đi dạy. Cảm động nhất khi nghĩ đến những cha mẹ của học trò đã từng đến gặp hay gọi điện thoại cho tôi để thăm dò việc học của con cái họ. Một bà thư ký già trong trường đã tới văn phòng và tâm sự với tôi: “Con trai tôi đã 22 tuổi, nó thường đêm thức, ngày ngủ và chẳng chịu học hành gì cả. Tôi xin ông cho nó vào học ngành của ông và nhờ ông ‘mài’ nó dùm tôi!”

Anh chàng đã học với chúng tôi được một năm rồi tự ý bỏ học. Ít lâu sau, bà mẹ này tươi cười đến báo tin cho tôi: “Con tôi sau khi nó thôi học với các ông, nó đã kiếm được một việc làm và bây giờ nó có bạn gái, nó đã yên bề gia thất rồi”. Tôi mỉm cười vu vơ: “Hóa ra cha mẹ và nhà trường đã không hữu hiệu bằng tình yêu trong việc dậy dỗ!”

Nhớ lại những khuôn mặt của các giáo sư đồng sự trong bữa ăn thân hữu hôm qua, tôi nghĩ ngay tới anh chàng sinh viên MG ngày xưa của chúng tôi để rồi tới năm 2003 đã trở thành người giáo sư kế vị của tôi sau khi tôi về hưu vào năm 2002.

Trước khi trở về College để đi học lại, MG đã từng là một Manager trong ngành Ðiện Toán. Chán cảnh lo bị thất nghiệp, MG đã gặp tôi tại nhà trường để hỏi rất nhiều câu hỏi liên quan tới ngành Công Chánh tại nhà trường và công ăn việc làm sau khi sinh viên đã ra trường. Cuối thập niên 80, MG đã ghi danh với Department của chúng tôi. Vì là một “mature student” (sinh viên già) và rất ham hoạt động, MG đã trở thành Chủ Tịch của Câu Lạc Bộ Sinh Viên Công Chánh. Không những vậy, năm sau, sinh viên MG đã lãnh Giải Thưởng Công Chánh của Ban Giảng Huấn chúng tôi, dựa theo tiêu chuẩn điểm số cao nhất của những môn Công Chánh. Tuy lúc đầu, khi sinh viên MG mới gia nhập Phân Khoa Khoa Học và Kỹ Thuật của chúng tôi, tôi hay bị “vất vả” với anh chàng Chủ tịch sinh viên này vì anh chàng đòi hỏi quyền lợi rất nhiều cho sinh viên, không những cho Department Công Chánh của chúng tôi mà còn cho sinh viên trong các Department khác nữa. Ông Khoa Trưởng đã giao trách nhiệm cho tôi (lúc đó tôi đang làm Giáo Sư Trưởng Phòng của ngành Công chánh) phải làm sao cho anh chàng này “hài lòng”. Sau nhiều lần nói chuyện với nhau, anh chàng đâm ra thân thiện với tôi và đã giúp cho ngành Công Chánh chúng tôi rất nhiều trong việc thu nhận (recruitment) sinh viên và cải tổ phòng ốc, cũng như cải tổ chương trình Công Chánh.

Sau khi MG đã ra trường, anh chàng hỏi ý kiến tôi về vấn đề học lên tiếp và chính tôi đã thảo lá thư xin cho MG tiếp tục học Công chánh tại một Đại Học khác. Chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi tin tức với nhau. Tới năm 1994, khi Department Công Chánh của chúng tôi bị College bắt đóng cửa, MG cũng như nhiều sinh viên đã tốt nghiệp của chúng tôi còn đứng ra bênh vực cho sự sống còn của ngành Công Chánh nữa.

Cuối cùng Department của chúng tôi đã bị đóng cửa vào năm 1996 sau khi nhà trường đã cho phép giáo sư TRS chính thức về hưu. Mấy giáo sư khác bị mất việc và bắt buộc phải về hưu non. Riêng giáo sư RC và tôi còn được giữ lại để dạy những môn liên quan tới Công Chánh trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh ( Environment Protection Technology). Ngành Bảo Vệ Môi Sinh đã do tôi và hai Giáo Sư Trưởng Phòng của ngành Hóa học và ngành Sinh Vật Học soạn thảo và được nhà trường cũng như Bộ Đại Học và Cao Đẳng của Tính Bang Ontario chấp thuận cho ra đời vào đầu thập niên 1990.

Giáo sư RC chỉ dạy thêm một năm nữa rồi ông về hưu non. Tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng vì Department Công Chánh của chúng tôi đã thực sự bị đóng cửa và các đồng sự đã bó buộc phải về hưu hết sau gần 30 năm làm việc với nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ liên lạc đều đặn với các cựu sinh viên của trường Công Chánh cũng như các hội viên của Hội Ái hữu Sinh viên Việt Nam của College để trám đi những khoảng thời giờ rảnh rỗi nghĩ ngợi viển vông.

Những lần trở về Toronto thăm gia đình, MG đều đến thăm tôi để nhớ lại những lần chúng tôi đã cùng nhau hăng say làm việc. Sau khi MG ra trường và đi làm, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua email. Trong thời buổi này tôi tính chuyện về hưu non. Tôi có ý định “thảo kế hoạch” tìm cách làm thế nào để MG “thế chân” cho tôi trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh. Ông ta sẽ giảng dạy những môn liên quan tới ngành Công Chánh (thử đất đá, lọc nước uống/ nước phế thải, giải quyết vấn đề rác rưởi, bảo trì hệ thống cống rãnh; ô nhiễm trong nước, trong không khí và trong đất đai…) Tôi nêu ý kiến này với các đồng sự đã về hưu và tất cả 3 ông TSR, RC, FR đều tán thành và góp thêm ý kiến để tìm cách “bưng” MG vào thế chân tôi trong Department Bảo Vệ Môi sinh.

Năm 2000, sau khi báo tin về hưu non với ông Khoa Trưởng và Phụ Tá Khoa Trưởng, cả hai người này đều không muốn tôi về hưu ngay, lý do chính là tôi là vị giáo sư duy nhất trong ngành Bảo Vệ Môi sinh còn am tường về những môn học liên quan tới ngành Công Chánh. Vì đã có “kế hoạch” trong đầu, tôi đề nghị với họ nên thuê kỹ sư MG để dạy bán thời gian (Part time Professor) những môn tôi đang giảng dạy để mà tôi có thì giờ “gò” cho ‘ông giáo lính mới tò te’ này rồi sau khi tôi về hưu, ông MG sẽ là một trong những “candidate” cho chức vụ Giáo Sư Thực Thụ của tôi. Tôi hứa với hai ông này rằng cả ba ông TRS, RC, FR, và nhất là tôi sẽ luôn luôn đóng vai “quân sư quạt mo” cho MG để giúp cho Phân Khoa Kỹ Thuật chúng tôi không bị “đứt đoạn” trong phần kỹ thuật liên quan tới những môn học Công Chánh trong chương trình Bảo Vệ Môi Sinh. Ông Khoa Trưởng và Phụ Tá Khoa Trưởng đã chấp thuận lời đề nghị của tôi và kết quả là ông MG đã được bổ nhiệm để cùng dạy với tôi trong 2 năm (2000 – 2002) trong chức vụ của một Giáo Sư Bán Thời Gian (Part-time Professor. Các Giáo sư Bán Thời gian thường được tuyển chọn dễ dàng hơn vì họ chỉ dạy theo từng “semester” mà thôi và số giờ dậy không nhiều).

Đầu năm 2002, khi tôi nộp đơn về hưu non, ông Phụ Tá Khoa trưởng nói với tôi:
Ông Khoa Trưởng và tôi cũng muốn ông MG thay thế ông trong việc giảng dạy vì trong 2 năm vừa qua, sinh viên rất có cảm tình với ông ấy. Sau khi ông đã về hưu, chúng tôi vẫn muốn có một Kỹ Sư Công Chánh như ông MG. Cái khó của chúng tôi là theo qui chế “Employment Equity” (bình đẳng trong nghề nghiệp, ưu tiên dành cho các phụ nữ da mầu và người khuyết tật), ông MG là một người đàn ông da trắng, ông ấy sẽ bị rất lép vế trong vấn đề được tuyển lựa. Chúng tôi phải nhờ ông giúp nhà trường bằng cách ông cũng sẽ là một thành viên trong Ban Tuyển Lựa Giáo Sư sau khi ông đã về hưu. Chúng tôi rất mong ông giúp chúng tôi soạn thảo những chi tiết quan trọng trong chức vụ Giáo Sư Thực Thụ của ông. Chúng tôi phải có những văn kiện hết sức hợp lý, hợp tình để tránh những rắc rối về luật pháp sau này, mặc dù ông MG cũng như các ứng viên khác (candidates) sẽ được chấm điểm rất công minh bởi Ủy Ban Tuyển Chọn Giáo Sư. Tôi xin nhắc ông rằng Ủy Ban Tuyển Chọn này gồm có 12 thành viên, trong đó có 2 Ðại Diện Sinh Viên cùng với các nhân viên nhà trường trong Nghiệp Ðoàn Phụ Giảng (Support Staff), Nghiệp Ðoàn Giáo Sư (Academic Staff), và Nghiệp Ðoàn Hành Chính (Administration Staff).”

Sau mấy tháng soạn thảo và bàn định, mùa hè năm 2002, Phân Khoa chúng tôi đã đăng báo việc tuyển lựa giáo sư và vào cuối tháng 10 năm 2002, ông MG đã may mắn “trúng tuyển” sau kỳ tuyển lựa gắt gao (Có nhiều ứng viên rất sáng giá. Các ứng viên đã phải tự soạn bài ở nhà và đứng giảng dạy ngay trong lớp học trước mặt 12 thành viên Giám khảo của chúng tôi). Riêng phần chúng tôi – ba vị giáo sư già đã về hưu, lứa “đàn anh” của tôi và cá nhân tôi, chúng tôi đã ăn khao để mừng cho vị “tân giáo sư” đã trên 50 tuổi: giáo sư MG.

Giáo sư MG đã móc nối nhà trường với các công-tư sở trong công, kỹ nghệ rất tài tình và nhờ vậy mà “linh hồn Công Chánh” trong bộ môn Bảo Vệ Môi Sinh vẫn sống còn vững mạnh. Ðây là nguyện ước của 4 vị Giáo Sư Công Chánh đã về hưu sau nhiều năm tận tụy với nghề đi dậy và nghiệp dĩ Kỹ Sư! Các giáo sư “già” chúng tôi ngoài việc chia xẻ kinh nghiệm dạy học với giáo sư MG, còn trao tặng lại cho giáo sư MG và nhà trường rất nhiều các sách giáo khoa cũng như những tài liệu giảng dạy khác.

Những đồng nghiệp đã về hưu, ai nấy đã lộ vẻ già nua và sức khỏe cũng đã suy sụp ít nhiều. Mỗi lần gặp nhau trong bữa ăn trưa, câu chuyện nổ như pháo tết và chúng tôi nhớ lại những môn học, những khuôn mặt học trò, và nhắc lại những đồng sự nay chẳng còn nữa. Vui buồn lẫn lộn. Chúng tôi gặp nhau trong tình bạn chân thật, lâu năm và đậm đà. Gặp nhau được ngày nào hay ngày ấy.

Lá Thu vẫn tiếp tục rớt rụng để rồi biền biệt bay đi, theo quy luật của Tạo Hóa.
“Faculty do not die, they just fade away.” như người Âu Mỹ thường nói!

Ðàm Trung Phán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét