Vào ngày 25/7/21 tại Hội Quán Hội Y Sĩ - thư viện Diên Hồng 7 rue du Disque - 75013 Paris, Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức chiều sinh hoạt văn học nghệ thuật quy tụ nhiều khuôn mặt quen thuộc nổi tiếng trong cộng đồng ở Paris. Có những vị khách dù cao tuổi đã không quản ngại đường xa, trời lúc mưa lúc âm u và dịch bệnh mà vẫn đến tham dự.Tất cả đều đến trước giờ đứng đầy hành lang và ngoài sân vui vẻ hàn huyên với nhau. Sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay gồm:
Phần 1:Tác giả & Tác phẩm.
Phần 2 Thuyết trình đề tài:"Xây dựng một căn bản hiểu biết và suy luận nhờ minh triết Đông Tây", do BS Nguyễn Tối Thiện diễn thuyết.
Mở đầu chương trình là nghi lễ truyền thống quốc ca quốc kỳ và phút Mặc Niệm do KS Lê Minh Triết phụ trách. Không khí trong khán phòng thật nồng ấm tình bằng hữu, sau hơn một năm Paris bị giãn cách vì đại dịch. Tươi mát hơn vì buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay có người điều khiển chương trình thật duyên dáng và xinh đẹp. Bước vào chương trình sinh hoạt văn học MC Thẩm Thái Hà đã giới thiệu TS Nguyễn Thị Phượng Anh là thành viên trong CLB VHVNP, thay mặt ban tổ chức ngỏ lời cám ơn đến tất cả quý khách tham dự.
Nha sĩ Thẩm Thái Hà cũng là thành viên trong ban biên tập thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Hải Ngoại, và đã đọc lá thư ngỏ:
THƯ NGỎ
Biến cố tháng Tư 1975 người Việt bỏ nước ra đi đã đánh đổi mạng sống và tất cả để có một cuộc sống tự do nhân bản. Để bảo tồn văn hóa và bản sắc dân tộc nơi xứ người, một số Cộng Đồng Người Việt ở hải ngoại đã hình thành tại các nước thuộc Thế giới Tự Do. Nhờ cuộc sống mới này, các trào lưu Văn Hóa người Việt hải ngoại có thêm điều kiện thể hiện Tính Người và Tình Người phong phú hơn.
Thời gian qua, trong hai năm từ 2015 đến 2017 chúng tôi đã thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris. Cuốn sách dầy 610 trang, đã trình bày Con Người và Tác Phẩm những nhà văn hóa tiêu biểu của Paris. Nhưng vì số trang sách giới hạn mà những nhà văn hóa thì nhiều. Do đó chúng tôi tiếp tục thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại, bắt đầu từ 2017 và hoàn tất năm 2022. Mục đích thực hiện cuốn Sách là nhằm lưu lại cho những thế hệ mai sau làm tài liệu nghiêm chỉnh nghiên cứu, muốn biết về công việc bảo tồn văn hóa dân tộc của người Việt ở hải ngoại.
Những Tác giả có trong cuốn sách này được chúng tôi đưa ra thảo luận rất lâu, và có sự góp ý của một số Vị trong giới làm văn hóa ở khắp hải ngoại.
Đây là cuốn sách nhằm vinh danh Sự Nghiệp những người làm văn hóa đã tận tụy, liên tục đóng góp công sức cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc từ trước năm 1975 cho đến sau này ở hải ngoại. Về những Tác giả đã khuất núi hoặc không liên lạc được, chúng tôi đã cố gắng viết những nhận định khách quan về tác phẩm và tác giả đó.
Thực hiện cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại là một việc rất nhiêu khê. Đây là một công trình rất khó khăn vì số người làm văn hóa ở hải ngoại quá đông. Sau một năm thảo luận, xin tạm chọn một số tiêu chuẩn:
- Những người hoạt động văn hóa có thành tích trước 1975, nay sang hải ngoại vẫn tiếp tục hoạt động, làm ra tác phẩm, đồng thời tham gia vào những tổ chức, hội đoàn nhằm thực hiện các công trình phổ biến Văn Hóa Việt Nam nơi các xứ sở đã định cư.
- Những người sáng tác văn học nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo, hoặc trình diễn... trong lãnh vực Văn Hóa, sau năm 1975 ở hải ngoại đã có những công trình lớn, những tác phẩm giá trị mang tính nhân văn.
- Cũng như cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris, trong cuốn sách này chúng tôi cũng không thể trình bày đầy đủ các tác giả, các nhà văn hóa vì số trang giới hạn! Những tác giả được trình bày trong sách là những khuôn mặt tiêu biểu. Chúng tôi không viết nhận định về tác giả vì Tiểu sử và quá trình hoạt động đã nói lên giá trị của họ. Đối với những tác giả, những nhà văn hóa đã khuất núi hoặc không liên lạc được, chúng tôi đã Vinh Danh trong những bài sinh hoạt cộng đồng ở hải ngoại.
- Để thực hiện cuốn sách, ngoài những thành viên trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris, chúng tôi đã mời thêm một số nhà văn hóa ở hải ngoại từ Âu Châu, Mỹ, Canada, Úc Châu vào Ban Chủ Trương. Đặc biệt chúng tôi xin ghi ơn các Vị đã quá cố, đã đóng góp ý kiến, bài vở và mong chờ cuốn sách thành công : BS Nguyễn Bá Hậu, Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Nhật Tiến, TS Trần Bích San, GS Nguyễn Văn Nhiệm, GS Nguyễn Song Thuận, GS Trần Văn Thu, Nhà nghiên cứu Phật Học Minh Nhật.
Chúng tôi xin chân thành ghi ơn tất cả quý vị đã góp ý kiến, công sức và vật chất cho cuốn sách. Cám ơn Ban Biên Tập đã đóng góp cụ thể, công sức cho cuốn sách.
Thay mặt Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris
Nhà văn Đỗ Bình
Thay mặt Ban Biên Tập
TS Nguyễn Thị Phượng Anh
Tiếp theo MC Thẩm Thái Hà giới thiệu nhạc sĩ Cát Tưởng và đã đọc lời giới thiệu của nhà văn Đỗ Bình về nhạc sĩ Cát Tưởng:
"Cát Tưởng khi mới vào tuổi đôi mươi là lúc quê hương chịu một biến cố đau buồn nên đã bị cuốn theo cơn lốc của đất nước. Có lẽ những hình ảnh của quê hương luôn ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người thiếu nữ tha hương đã tạo sự rung động mãnh liệt. Từ đó trái tim nghệ sĩ của Cát Tưởng đã hòa nhập những vui buồn với tha nhân, với cuộc đời và đất nước để viết lên những vần thơ những ca khúc. Trong nghệ thuật Cát Tưởng đã tìm cho mình một lối để đi mà ca từ giai điệu và những ngôn ngữ thơ đã hòa quyện tạo thành một cõi riêng cõi của Cát Tưởng không trùng vào muôn ngàn lời ca, ý nhạc khác, của thế giới bao la nghệ thuật. Cát Tưởng là người nhạc sĩ khởi đầu viết về nhạc trữ tình trong đó chất chứa khung trời hình ảnh quê hương nên ca từ có chút triết lý nhân sinh. Sau nhiều năm sáng tác tâm hồn nhạc sĩ như những trái chín chứa nhiều vị ngọt hướng về Thiền và cách sống Thiền. Nhưng theo tôn giáo tu là giải thoát, lánh đời, mà tư tưởng Thiền có tính cách phá chấp, rất tự do thiên về cái đẹp của nghệ thuật. Người có tư tưởng thiền rất tự do phóng khoáng đi gần với cái Chân Thiện Mỹ. Cát Tưởng có tư tưởng và cách sống có màu sắc thiền. Qua bao nhiêu mùa trôi đi, sự biến đổi của thiên nhiên, cuộc đời, tình nhân thế, thế mà dòng nhạc của Cát Tưởng hôm nay giai điệu vẫn mượt mà, Cát Tưởng vẫn đam mê, mơ mộng nên chất thơ nhạc vẫn bồng bềnh còn lãng mạn truyền cảm. Những ca khúc: Khép Cơn Mê Địa Đàng, Tim Nuông Nụ Hồng và Người Ơi Tình Ơi....
Nhạc sĩ Cát Tưởng tự hòa âm & phối khí, một ngành rất khó của âm nhạc. Tác giả chơi đàn và trình bày. Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa trong nhạc cảnh đã giúp cho giai điệu nhạc phẩm thêm chất thơ."
MC Thẩm Thái Hà đã trao đổi đôi lời với nhạc sĩ Cát Tưởng và mời nhạc sĩ trình bày ca khúc đắc ý. Trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chiều nay, Nhạc sĩ muốn giới thiệu đến khách qúy chọn lọc một ca khúc trữ tình đợm màu triết lý, do bà mới sáng tác mang tên "Sương Khói Hạnh Phúc". Nhạc sĩ Cát Tưởng vừa chơi đàn guitare vừa diễn tả bằng một giọng hát truyền cảm xúc động.
Tiếp theo Kỹ sư, nhà văn Lucien Trọng, là tác giả cuốn Enfer Rouge mon Amour, Hồi Ký trại cải tạo, Vẽ Bộ Sách Tranh. Và DS, nhạc sĩ Đặng Mộng Lan, là học trò của cố nhạc sĩ Xuân Vinh và theo học đàn Tranh của GS Nguyễn Thanh Vân. Chiều nay Lucien Trọng và Đặng Mộng Lan đã hát, và sử dụng những loại đàn cổ để trình bày về Dân Ca Ba Miền.
Một nghệ sĩ tài năng của CLBVHVNP phục vụ quý vị đó là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Bình độc tấu một bài cổ điển của Francisco Tarrega để tưởng nhớ hai nhạc sĩ thường chơi nhạc cổ điển Tây Phương trong Câu Lạc Bộ, đã quá cố là GS Phạm Đình Liên và đạo diễn, nhạc sĩ Lê Phương.
Tiếp theo Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng đã nói về con người và tác phẩm của nhà thơ Hàn Mặc Tử và ngâm bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Qua phần 2: thuyết trình và thảo luận đề tài Xây dựng một căn bản hiểu biết và suy luận, rèn luyện trí tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây, do BS Nguyễn Tối Thiện diễn thuyết, với sự điều hợp của BS Nguyễn Bá Linh và NS Thẩm Thái Hà.
BS Nguyễn Bá Linh phát biểu:
"Đề tài này thật ra nặng chất hàn lâm nên rất mong quý khách chịu lắng nghe để có thể trao đổi với nhau về cách suy tư và lối sống ở đời."
sau hơn một giờ nói chuyện, bài thuyết trình của BS Nguyễn Tối Thiện đã nêu ra đưọc những điều căn bản hiểu biết để suy tư, nhất là sự phân tích về ý nghĩa: Thật giả, Đúng sai, Thiện ác, Những phương pháp suy luận, Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình.
BS Nguyễn Tối thiện nói về : Những phương pháp suy luận:
"Suy luận bắt đầu bằng sự hiểu biết. Càng có nhiều kiến thức thì lý luận càng sắc bén và chính xác. Lý luận cũng dựa trên ngôn ngữ, ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc và đúng với ngữ pháp (văn phạm). Cho nên phải học, học phải hỏi, hỏi để hiểu, hiểu để nhớ, nhớ để không lầm lẫn, để hành động hợp lẽ phải và xứng đáng với phẩm cách con người.
Có nhiều pháp lý luận:
a- Pháp Qui nạp (induction): lý luận qui nạp đi từ những nhận xét cá thể riêng biệt để đi tới một kết luận tổng quát. Thí dụ : con quạ ở VN màu đen, quạ ở Phi châu màu đen, quạ ở Âu châu màu đen, vậy tất cả quạ trên thế giới đều màu đen.
b- Pháp Suy diễn (déduction) : lý luận suy diễn đi từ một ý tưởng tổng quát để đưa ra những đề nghị riêng biệt. Như Tam Đoạn Luận của Aristote (Syllogisme)
.Tất cả con người đều chết
.Socrate là người
.Vậy Socrate cũng chết
c- Pháp Loại suy (suy diễn giả thuyết, abduction ou hypothético-déduction) : theo triết gia Charles Sanders Peirce là lối suy luận bẩm sinh của con người, có khả năng đưa ra những giả thuyết khác hơn những gì quan sát được, thường là những điều không thể quan sát trực tiếp được, nhưng có thể giải thích những sự kiện hay hiện tượng muốn nghiên cứu.
d- Pháp So sánh: lý luận nhằm nhấn mạnh những điểm giống nhau hoặc khác nhau của 2 sự vật, 2 sự kiện, 2 con người…với điều kiện là phải so sánh những gì có thể so sánh được.
e- Pháp Phân tích: đi từ cái tập hợp tổng thể phân chia dần tới các đơn vị chi tiết. Thí dụ từ bộ phận –> mô –> tế bào –> nhân –> bào tương –> thành phần cấu tạo của nhân và bào tương.
f- Pháp Tổng hợp: nhằm đưa ra một ý tưởng tổng quát hoặc một ý niệm khái-quát-hóa (conceptualisé)bao trùm các đơn vị chi tiết. Thí dụ : khái niệm Toàn-cầu-hóa bao gồm tất cả những sinh hoạt kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa...
g- Pháp Phê phán: vạch ra những điểm yếu, những sai lầm hoặc những điểm mạnh, điểm hay của đối phương, của sự việc.
h- Pháp Biện chứng: lý luận cân nhắc giữa những luận cứ tốt, thuận lợi hoặc những dữ kiện xấu, bất lợi cho một vấn đề.
i- Pháp Ngụy biện (sophisme) : lý luận dựa trên những dữ kiện không xác đáng, không có thật hoặc lý luận ba phải nói hàng hai.
j- Pháp Bác bỏ: đưa ra những dữ kiện phi lý hoặc những hậu quả tai hại của giải pháp hay ý tưởng đó để bác bỏ nó.
k- Pháp Nhượng bộ: chấp nhận một phần những luận cứ của đối phương nhưng lại đưa ra những luận cứ đối nghịch khác để bác bỏ phần còn lại »….
Bài viết của BS Nguyễn Tối Thiện rất công phu và phong phú. Trong trang giấy này chúng ta không thể đi sâu vào từng chi tiết, mà chỉ điểm qua những nét chính của bài thuyết trình.
Mời qúy Bạn cùng chúng tôi bước vào phần thảo luận qua lời mở đầu của BS Nguyễn Tối Thiện:
"Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu bằng sự quan sát không những chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan. Như các vị đã biết công dụng của 5 giác quan, xin hỏi có ai biết giác quan thứ 6 là gì không?"
KS Nguyễn Kim Lan trả lời: "Đó là Ý thức".
NS Thẩm Thái Hà góp ý:
"Tâm lý học bao gồm nhận thức về nội tâm và nhận thức ngoại cảnh. Đó là trạng thái hay đặc tính của sự nhận thức."
BS Nguyễn Tối Thiện giải thích:
"Có 4 tầng tri thức (hiểu biết)
Tri thức do quan sát : thức tri.
Tri thức do học hỏi, ghi nhớ: tưởng tri.
Tri thức do suy tư: tuệ tri.
Tri thức do trực giác: giác tri.”
Ông giải thích thêm:
“Tầng tri thức sau tùy thuộc tầng tri thức trước và mỗi tầng có những điều kiện của nó. Nếu tầng trước sai thì các tầng sau cũng sai luôn.
Những điều kiện của tri thức là do sự quan sát, do sự học hỏi ghi nhớ, do suy nghĩ, do trực giác”
Nhà văn Đỗ Bình hỏi:
“Phần trên BS Nguyễn Tối Thiện đã nhắc đến một số ý niệm về đúng sai, thật giả, thiện ác, nhưng Thế nào là hiểu đúng? Trong lãnh vực Triết học theo nguyên ngữ Tây phương là yêu sự khôn ngoan hay còn gọi là sự hiểu biết, mà các triết gia gọi là hữu thể ( Être), nói theo Đông Phương là Đạo. Anh có thể nói rõ về ý nghĩa của sự hiểu biết?”
BS Nguyễn Tối Thiện trả lời:
"Có 3 mức độ hiểu (compréhension)
a/- Hiểu theo danh từ: nghĩa là theo hình vị (morphème) của chữ viết hay theo hình tướng của sự vật. Cái hiểu nầy diễn tả theo thực tại qui ước (réalité conventionnelle), nghĩa là theo bề ngoài, chưa có sự suy nghĩ sâu sắc bên trong; như cái hiểu của người thư ký đánh máy, thấy sao biết vậy để đánh máy cho trúng mà không cần hiểu ý nghĩa sâu xa, ngầm chứa bên trong.
b /- Hiểu theo sự diễn dịch của người nghe hay thấy. Cái hiểu nầy tùy thuộc trình độ văn hóa và hiểu biết của người đó, đôi khi nó không đúng với ý muốn diễn tả của người nói hay viết và có thể không đúng cả với sự thật nữa. Đây là cái hiểu của người thường hay của một học sinh trung học khi làm phân tích một đoạn văn.
c/ - Hiểu sự vật đúng như nó là như vậy (la réalité telle qu'elle est) hay đúng với ý muốn diễn đạt của tác giả. Đây là cái hiểu của người làm phê bình văn học, phải đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài văn nầy, biết hành trình tư tưởng của tác giả, biết ý muốn của tác giả diễn đạt đàng sau những câu viết và đồng thời phải biết sự thật khách quan của vấn đề.
Về sự hiểu biết ta cũng có 3 mức độ:
Có những nghề nghiệp cần phải có sự hiểu biết rộng, như các bác sĩ toàn khoa để hướng dẫn bịnh nhân đúng theo qui trình định bịnh và trị bịnh. Còn các bác sĩ chuyên khoa cần hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình. Riêng các bậc thầy thì phải hiểu biết vừa rộng vừa sâu để giảng dạy và nghiên cứu. Sự hiểu biết sâu rộng là hiểu biết tổng hợp về lịch sử tư tưởng loài người trên một địa hạt nào đó, để thấy sự diễn biến, hành trình tư tưởng con người qua những giai đoạn lịch sử từ sơ khai đến ngày nay, để nhìn thấy những bế tắc và lỗ hổng của nhân loại hầu phát minh những giải đáp."
BS Nguyễn Bá Linh:
"Xin anh cho biết Khoa học có tìm được Sự thật?
Câu thứ hai: lý trí ý thức có tìm được sự thật không?"
BS Nguyễn Tối Thiện:
"Khoa học là môn học để tìm tới thực chất của sự vật. nên phương pháp khoa học là khách quan, không lệ thuộc con người. Tuy nhiên sự thật vẫn còn tùy thuộc trình độ hiểu biết của thời đại. Phương pháp khoa học là tốt nhất để tìm sự thật nhưng vẫn chỉ là tương đối."
"Lý trí, ý thức hai từ này hơi khác nghĩa nhau:
-Lý trí bao gồm cả 3 ý niệm: ý thức, tri giác, suy luận.
-Ý thức theo tôi có 3 ý nghĩa:
*- là sự nhận biết, nắm bắt một đối tượng khi nó lọt vào 6 cửa của giác quan
*- là sự nhận thức về thực chất, về tầm quan trọng của sự việc.
*- theo Tâm lý học PG Ý thức bao gồm tất cả các loại tâm."
GS Nguyễn Bảo Hưng:
“Thưa các anh chị,
Tôi có được tham dự vào buổi thuyết trình về đề tài "Rèn luyện trí tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây". Đúng như anh Đỗ Bình nhận định, đề tài không chỉ rộng lớn mà còn thâm trầm sâu sắc nữa, nên một buổi hội luận trong vòng 4 giờ không thể bàn thảo vấn đề cho tới cùng. Về phần tôi, nay xin nêu lên một vài thắc mắc liên quan đến hai điểm chính trong bài thuyết trình như sau:
1) Tầm công dụng hữu ích của các phương pháp suy luận
Trong bài thuyết trình BS Thiện có nêu ra một số qui tắc hay pháp suy luận như pháp so sánh, pháp phân tích, pháp tổng hợp, pháp biện chứng v.v... giúp ta biết cách suy luận để biết cách phân biệt cái đúng cái sai, cái phải cái trái ... Vậy các pháp suy luận này, một khi đã nắm vững và áp dụng đúng, có bảo đảm là giúp ta nhìn ra Sự thật hay không? Sở dĩ có thắc mắc này vì, theo tôi, có sự khác biệt giữa Sự Thật và những sự thật. Nếu không thì ta đã chẳng nghe nói "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" , mà cả sư lẫn vãi trong khi cãi vã đều biết áp dụng các pháp suy luận kể trên
2) "Sự Thật" là gì? Làm sao để phân biệt được nó với những "sự thật".
Nếu chúng ta có câu "Sư nói sư phải vãi nói vãi hay", thì bên trời âu nhà thần học kiêm triết gia Blaise Pascal, ngay từ thế kỷ 17 cũng đã có câu phát biểu :"Vérité au deçà des Pyrénées, erreur au delà" “Bên này dãy Pyrénées là chân lý, thì bên kia dãy lại là lầm lạc". Vật Sự Thật hay Chân Lý là gì? Làm sao để phân biệt được nó với những sự thật ở đời, và liệu ta có thể đạt được Chân Lý hay không?
Trên đây là một vài câu hỏi nêu lên mà tôi nghĩ rằng, mọi ý kiến đóng góp đều giúp chúng ta đào sâu và tìm hiểu hơn đề tài thuyết trình đặc sắc của B.S Nguyễn Tối Thiện. Thân chào quí anh chị."
TS Nguyễn Thị Phượng Anh:
“Tôi rất đồng ý với ý kiến của giáo sư Nguyễn Bảo Hưng. Xin BS Thiện cho biết sự Phân biệt giữa thiện và ác? Thế nào là điều thiện theo quan niệm Phật Giáo?Cám ơn anh.”
Theo Khổng Giáo nói về Thiện và Ác.
Đó là thuyết Chính Danh. Chính Danh thì thân phải chính mà ngôn cũng phải chính nữa. Lý tưởng của đạo Khổng là trở thành một Đại Nhân, Quân tử. Muốn thế thì phải học, Khổng Tử rất yêu thích sự học, ông học suốt đời : học để làm sáng tỏ cái Đức sáng, để cải hóa người khác, để cố gắng tìm kiếm sự tuyệt thiện (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện- sách Đại Học) .
BS Nguyễn Tối Thiện:
“Chúng ta có thể đối chiếu với Đạo Phật, nhưng lý tưởng tột cùng của Phật Giáo là sự giải thoát, nó mang 4 sắc thái:
- Giải thoát khỏi những ràng buộc, ham muốn
- Khỏi những phiền muộn, khổ đau
-Khỏi những quan kiến sai lầm
- Khỏi vòng sanh tử luân hồi (Niết Bàn)
Chư Phật 3 đời đều dạy con người, muốn giải thoát phải thực hành 3 điều: làm lành (bố thí, phục vụ…), lánh dữ (giữ gìn giới luật), Thanh lọc tâm (tham thiền). Trên con đường thực hành 3 điều trên con người phải biết phân biệt thế nào là Thiện và Bất Thiện (ác). Bởi vì có thể bố thí hay hành thiền mà không đúng cách với một tâm ý không trong sạch sẽ là một trở ngại không nhỏ.
Thiện là những yếu tố hỗ trợ, giúp đỡ ta tiến bước dễ dàng trên con đường giải thoát. Bất Thiện là bất cứ nghịch duyên do tư tưởng, lời nói hay hành động làm ngăn trở sự tu tiến của ta. Và Tâm lý học PG đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau:
- Lành mạnh, không phát sinh từ các phiền não (tham,sân,si)
- Có lợi ích cho cá nhân và tập thể,
- Có tính cách khôn ngoan sáng suốt
- Không làm cho bậc thiện-trí phiền trách, tự mình cũng không ăn năn hối tiếc
- Có kết quả là an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.
Thế nào là điều Bất Thiện: BT trái với định nghĩa trên đây về điều Thiện, nhưng bản thể của nó không ra ngoài Tham, Sân, Si. Đôi khi chúng mang những tên gọi khác nhau tùy theo ngữ cảnh như : phiền não, lậu hoặc, triền cái, chấp thủ, tà kiến…”
GS Nguyễn Minh Cầm:
“Xin BS Nguyễn Tối Thiện cho biết sự khác nhau giữa nhận xét và phê bình? ”
BS Nguyễn Tối Thiện:
“Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình:
- Nhận xét là quan sát, ghi nhận, mô tả sự vật, sự kiện, con người.
- Phê bình là đưa ra những đánh giá về giá trị tốt hay xấu theo quan điểm của người phê bình.
+ Nhầm lẫn giữa bản chất và hình tướng:
- Bản chất: thực thể, thể tính của con người hay sự vật (cụ thể hay trừu tượng) có thể dùng để Định nghĩa hay Phân loại sự vật ấy.
- hình tướng: dáng dấp, hình dạng, thể hiện bề ngoài.
+ Nhầm lẫn giữa ngụy biện và ngộ biện:
-Ngụy biện: cố ý đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để bào chữa. (sophisme)
-Ngộ biện: lý luận sai lầm nhưng không cố ý (paralogisme)”
Cuộc hội luận rất hào hứng.
Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình góp ý: “đề tài thảo luận thì rộng lớn, một buổi chiều không đủ để đào sâu đến tận cùng ý nghĩa của vấn đề. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này ở những buổi hội thảo khác”.
MC Thẩm Thái Hà tuyên bố chấm dứt buổi sinh hoạt lúc 18 H00.
Thật là ở xứ lạ quê người tình đồng hương là quý, có những buổi gặp gỡ, họp mặt bằng hữu gặp lại nhau là một hạnh ngộ.
Nguyễn Thị Phượng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét