Ðặt chưn tới Úc, ai cũng được chánh phủ cho đi học tiếng Anh 510 giờ miễn phí. Học “cầu vừa đủ xài”. Ðể không phải cái gì cũng động từ “to quơ”. Biết “Yes” và “No” để đi làm cu li cho Úc.
Mới đầu Úc hỏi cái gì, tui cũng “yes” hết ráo. Nói “no” sợ nó giận; nó đì mình sói trán. Sau thấy trả lời “yes” là mình ngu. Vì có lần thằng boss nó cự nự: “Chú mầy say “yes”; đồng ý rồi sao không làm?”. Tui đâu có hiểu nó sai cái gì đâu mà làm? Từ đó, nó hỏi cái gì tui cũng nói: “No”. Làm nó hết sai tui luôn. Quá phẻ!
Sau khi học tiếng Anh chút đỉnh để dằn bụng, huỡn huỡn tui tìm hiểu cái hệ thống chánh trị của Úc coi nó tròn méo ra sao mà dám vỗ ngực, xưng hùng, xưng bá là tự do dân chủ! Chưa tới 4 năm là nó nắm đầu bắt tui đi bầu tiểu bang rồi tới liên bang. Hổng đi bầu, nó phạt gần cả trăm đô chớ có ít đâu!
Bà con mình ai cũng biết dân Úc rặt hồi xưa vốn là dân chôm chỉa bên Anh bị đày qua đây. Truyền thống chôm chỉa đó vẫn còn nhe. Thấy thiên hạ có cái gì hay hay là Úc nó chôm về xài. Mắc công suy nghĩ sáng chế mà chi? Ðể thời giờ uống bia vì đời ngắn lắm mà!
Ai cũng biết chôm dễ nhứt là chôm của má mình. Chính vì vậy, Úc chôm của mẫu quốc Anh cái hệ thống chánh trị kiểu Westminster. Theo hệ thống đó, đảng nào có nhiều dân biểu thì có quyền thành lập chánh phủ. Ðảng có số ghế dân biểu đứng hàng thứ hai là đảng đối lập. Quanh năm suốt tháng, hai đảng họp hành ở Hạ viện, cãi nhau chí chóe như khỉ, sùi bọt mép như con nít.
Úc còn tiện tay chôm của chú Sam cái hệ thống tiểu bang và vùng lãnh thổ. Cái khác là Thống đốc được dân Mỹ trực tiếp bầu. Thủ hiến thì Úc chọn theo hệ thống Westminster.
Bà con mình thường nghĩ Thủ tướng bao giờ cũng quyền lực hơn Thủ hiến. Trật lất! Thời ôn dịch nầy, Thủ hiến có quyền nhốt dân. Như tiểu bang Victoria của tui bị nhốt lâu nhứt trên thế giới. Nhốt nhiều lần, hơn 230 ngày và vẫn còn đang nhốt. Hổng biết tới ngày nào mới được tự do đi nhậu để nói dóc như xưa?
Mới sáng ngày đầu tháng Mười, Gladys Berejiklian, Thủ hiến New South Wales, đông dân nhứt nước Úc, được tờ The Financial Review phong là một trong “10 người quyền lực nhất ở Úc trong năm 2021”.
Nhưng oái oăm thay tới 1 giờ trưa, thay vì họp báo về số người nhiễm và chết vì COVID-19, phải nhốt ai thì nàng đột ngột rủ áo từ quan, lên non tìm động hoa vàng với anh, làm ai nấy đều chưng hửng!
Gladys Berejiklian, cái tên dài thòng khó đọc vì nàng vốn là một đứa bé 5 tuổi người Armenia nhập cư. Vào tiểu học, Gladys mới học nói tiếng Anh. Gladys Berejiklian sinh nhựt năm 20 tuổi mặc chiếc áo “Superman”, chứng tỏ nàng rất đam mê quyền lực.
Ðời mà! Làm đàn bà, con gái đẹp thì đi làm tài tử đóng phim. Còn Trời không cho đẹp thì đi làm chánh trị. Gladys Berejiklian bắt đầu hoạn lộ công danh bằng con đường làm chánh trị. Tốt nghiệp Ðại học Sydney năm 1993, lúc 23 tuổi, chỉ cần 4 năm, nàng đã làm Chủ tịch đoàn Thanh niên Ðảng Tự do NSW. Lần đầu tiên tranh cử vào Quốc hội NSW, năm 2003, Gladys Berejiklian thắng sít sao, vỏn vẹn có 144 phiếu. Nhưng các cuộc bầu cử tiếp theo ghế đơn vị Willoughby, Gladys đã thắng một cách dễ dàng.
Mới nhiệm kỳ đầu, Gladys Berejiklian đã được giao làm Bộ trưởng Giao thông đối lập năm 2006. Năm 2015, làm Bộ trưởng Ngân Khố, nàng chấm dứt việc ngân sách bị thâm thủng dài hàng thập kỷ. Năm 2017, Gladys Berejiklian làm Thủ hiến tiểu bang NSW.
Cuối năm 2019, những đám cháy rừng nghiêm trọng vào mùa Hè xứ Úc là một thử thách rất lớn. Nhưng với tài lãnh đạo, Berejiklian đã thành công trong việc đối phó với thảm họa cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra.
Lửa rừng, khói chưa kịp tan hết thì đại dịch COVID-19 ập đến. Berejiklian buộc phải cô lập tiểu bang. Một mặt tăng tốc việc chích ngừa cho dân. Số ca nhiễm COVID-19 đang cao, giảm từ từ và nàng định ra thời điểm tiểu bang sẽ mở cửa trở lại.
Thủ tướng Scott Morrison và người dân ai nấy cũng đều ca ngợi, tuyên xưng Berejiklian là “Người phụ nữ đã cứu nước Úc”. Ðàn bà dễ có mấy tay?
Nhưng giờ đây Gladys Berejiklian lại không thể cứu được cái “job” thơm như múi mít của mình. Nàng té ghế, vì nàng chỉ là một nhi nữ thường tình, lụy bởi một chữ tình.
Bởi cuộc đời rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối. Mối tình lãng mạn kéo dài 5 năm trong bí mật. Không ai biết cho đến khi nàng bị Ủy ban độc lập điều tra về tham nhũng triệu tập ra làm nhân chứng trong vụ anh yêu, dân biểu vùng Wagga Wagga, là hạm, đụng gì táp nấy.
Từ chức dân biểu, anh yêu chuẩn bị vác chiếu ra Tòa. Còn nàng như ngồi trên trái bom hẹn giờ, nổ chậm. Và giờ định mệnh đã điểm. Ủy ban độc lập điều tra về tham nhũng đang coi nàng là một nhân vật cần phải điều tra. Họ đang xem xét coi bà Thủ hiến có hành vi xung đột giữa thi hành công vụ và thủ lợi riêng tư, vi phạm lòng tin của quần chúng không. Vì lúc làm Bộ trưởng Ngân khố, Berejiklian đã cấp 5 triệu đô cho một câu lạc bộ ở khu vực bầu cử của anh yêu vào năm 2017. (Hành động nầy giống như xài tiền thuế của nhân dân để mua phiếu cho bồ Tèo của mình)
o O o
Vậy là từ hoạn lộ thênh thang, nàng đành rủ áo từ quan! Mắt mũi đỏ hoe, cố kềm tiếng khóc, Thủ hiến Gladys Berejiklian tuyên bố: “Tôi rất đau lòng khi thông báo rằng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức Thủ hiến, không còn làm dân biểu nữa. Nhưng tôi khẳng định một cách rõ ràng, tôi luôn hành động với mức độ chính trực cao nhất. Từ chức Thủ hiến không có nghĩa là tôi có tội”.
Nói xong, Berejiklian với vẻ đau khổ hằn sâu trên khuôn mặt, nàng bước vào hậu trường. Cửa đóng lại. Hoàng hôn đã sụp xuống. Ðàn đứt ngang cung, cuộc đời chánh trị của một người chỉ mới có 51 cái xuân nồng.
Em Ba Lùn, “se” phòng nhà tui, bất ngờ nghe tin dữ về thần tượng, mắt em cũng đỏ hoe như đi đám ma. Em hỉ mũi rột rột thấy gớm. Tui cười khè khè, nói: “Thần tượng của em Ba làm bằng đất sét bỗng gặp mưa. Nên nó rã bèn ra! Em Ba dư nước mắt khóc như cha chết mà không sợ người đời chê mình kém trí? Há em không nhớ: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài hay sao?”.
Nghe tui chọc quê như vậy, em Ba Lùn tức ói máu, nên rống họng, lên lớp tui một bài về chánh trị nhập môn. Em nói là: “Bà Thủ hiến từ chức để cho Ủy ban điều tra là đúng. Trước khi Ủy ban điều tra kết luận là bà chưa có tội. Anh đừng vội kết luận gì cả.”.
Tui cãi: “Không có cái Ủy ban bài trừ tham nhũng nào dám rớ tới cọng lông chưn của Thủ hiến; nếu bà ấy không có làm gì sai trái? Nếu là em, không làm gì trật em có chịu từ chức, bỏ cái “job” thơm như múi mít hay không?”.
Người dân đã bị gạt quá nhiều bởi các chánh trị gia. Cứ mỗi lần mở miệng ra là sống liêm khiết, là sống vì nước, vì dân. Nhưng sự thực lại không phải vậy! Người dân tiểu bang NSW hào phóng trả cho Thủ hiến tiểu bang New South Wales một năm tới $407,980. Rồi đủ thứ phụ cấp nữa. Không đủ hay sao mà còn ngắt véo đầu nầy, đầu nọ? Thiệt là làm anh thất vọng não nề!
Khi bàn về một chánh trị gia, em Ba đừng để cảm tính che lấp mất tánh khách quan. Ðuối lý, em Ba Lùn thua me, gỡ bài cào nói: “Tại em yêu anh lầm lỡ? Em trao duyên lầm tướng cướp. Em nghe lời thằng chả xúi bậy!”. Tui hỏi móc họng: “Bộ thần tượng của em là con gái mới tới tuổi dậy thì hay sao?”.
Chính những người dân ngu khu đen NSW chổng khu đóng thuế, mới trao duyên nhầm tướng cướp. Cãi không lại, em Ba Lùn tuyên bố: “Từ rày về sau, nhậu cửng cửng về, đừng có xin tui cho hun một cái nữa nhe”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét