Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Xuôi Về Miền Tây

    Tôi chuẩn bị khăn gói quả mướp, ra xe đò Kim Mã xuôi về miền Tây. Nhưng trước khi rời Sài Gòn, tôi cần thăm một Người, rất thân, rất đặt biệt…nhưng chưa gặp mặt bao giờ. Người tôi muốn nói đến, là con của một quân nhân. 

    Cơ duyên đưa đẩy, tôi biết được Người trẻ này, qua làn sóng phát thanh SBS Úc châu. Cháu đã chia sẻ cảm nghĩ của mình, khi đi tìm hài cốt cha nơi vùng Việt Bắc. Ông không là người Vĩnh Long, nhưng đã từng đóng quân tại đây, đã hy sinh một phần tuổi trẻ cho Vĩnh Long, quê tôi. Tôi điện thoại thăm cháu trước khi về Vĩnh Long. Nhưng cháu nằng nặc, nhất định xin gặp mặt ngay. Sau lần đầu gặp gỡ, như biết nhau từ thuở nào. Mỗi cử chỉ, hành động và lời nói của cháu thật tự nhiên trong thâm tình, thân quen trong yêu thương…và lưu luyến lúc tạm chia tay.

Người xa mà ngỡ như gần
Người thương lại chẳng nợ nần gì nhau


Thật là như vậy!

    Sau đó, tôi ra bến xe đò, xuôi về Vĩnh Long, một nơi tưởng như nghìn trùng, nay bước chân xa lại tìm về. Ngôi trên chuyến xe buýt, ghế số 3, rất dễ quan sát cảnh trước mắt. Tôi trân trọng từng phút giây đang hiển hiện, nên không muốn chợp mắt, nhưng eo ơi…Một con mắt của tôi nhắm lại để tránh cảnh lách qua lạng lại của bác tài. Một con mắt kia mở thao láo, như muốn thu nhỏ quê hương lại, “…để người viễn xứ mang cho vừa.” *. Phương tiện giao thông thật tiện lợi, khác xa mấy mươi năm về trước. Những chuyến xe đò bây giờ, đã đến tận nơi đón khách đi và đưa người về đúng chỗ. Xe tiến dần đến Cầu Lầu, trong một chiều đẹp nắng. Chiếc cầu quen thuộc thân yêu của thuở nào. Không biết nắng nơi đây thật đẹp hay lòng người rộn rã khiến chiều say say...

  
(Nền Đất Xưa Với Căn Nhà Mới)
  
 Vẫn con đường Văn Thánh ngày xưa, bây giờ đổi tên là Trần Phú. Con lộ tấp nập, xa lạ, gần như không nhận ra. Nhà hai bên đường san sát, trông hẹp hơn, có nhiều người đi bộ, lắm xe đạp và xe gắn máy. Đường được cho là đổi mới, nhưng không sao che giấu hết nét cũ kỹ, thiếu sửa sang, khiến lòng người phương xa chùng xuống. Buồn riêng mình hay cho người hiện cư ngụ nơi này!?

    Xe dừng ngay trước sân nhà. Cũng mảnh đất này, nhưng đổi thay qua nhiều thời đaị. Khoảng 1949, nơi đây rất vắng vẻ, lèo tèo mấy nóc gia. Căn nhà lá đầu tiên được ba dựng nên, một thời che mưa nắng cho các con đi học, mặc dù các chị tôi mới ở trình độ lớp ba, bậc Tiểu Học. Ba đốn những cây Sao trong vườn ông nội, chặt từng bẹ dừa nước dọc ven sông rạch, tuốt lá, chầm thành tấm, dùng lợp mái nhà. Vật liệu xây cất, toàn là cây nhà lá vườn, được ba tom góp, mướn ghe chở từ ấp Phú Hữu thuộc quận Vũng Liêm, đến tận Vĩnh Long và thuê bác Hai cùng với nhóm thợ mộc từ Giồng Ké, dựng lên.

   Dì ba Nguyệt, là người thay thế ba má chăm sóc chị hai, chị ba của tôi. Trong căn nhà này, còn có thêm người dì bà con đang theo học nghề may, cậu tư học đóng giày, cậu Ẩn, em chồng của dì ba. và cho ba người ở trọ, từ Vĩnh Bình lên để đi học. Trước sân nhà, ba trồng toàn là cây so đũa. Cây cao, thấp, lớn, nhỏ, đủ cỡ. Loại cây này chóng lớn lại hữu dụng. Thân dùng làm củi, hoa và trái làm thức ăn. Người trong xóm quen gọi là “Nhà So Đũa”. Cả nhà toàn là miệng ăn, nên dì ba tìm thêm lợi tức qua việc làm kẹo dừa, kẹo chuối để bán. Vài năm sau, dì ba rời xa “Nhà So Đũa”, còn lại hai chị và các cậu phải nương nhau sống. Kèo, cột của căn “Nhà So Đũa”, không bền chặt theo năm tháng. Có những hôm, giông to gió lớn, hai chị tôi sợ sập nhà, phải chạy núp dưới tàng cây mít hoặc cây vú sửa. Vì thế, nhà được sửa sang lại, vách được thay bằng ván và lợp tôn.

    Trong thời chiến, không an ninh, loạn lạc lan tràn, ba má gạt lệ rời ấp Phú Hữu, lên sinh sống ở xã Giồng Ké. còn gọi là Trung Ngãi. Anh tư, chị năm cũng lần lượt lên Vĩnh Long, rồi đến Hiệp và tôi. Từ đó, nguồn cung cấp thực phẩm hàng tuần cho chúng tôi là những giỏ đồ ăn, những bó củi được cột chặt chẽ bằng chính bàn tay yêu thương của ba và gửi đi qua chuyến xe đò liên tỉnh Vĩnh Long – Vĩnh Bình.

    - “Nhà Học Trò” ra lấy đồ! 
Từ đó, căn " Nhà So Đũa" được đổi tên mới, do các bác tài xe đò..

    Sau này, khi ông anh “quyền huynh thế phụ” vào Đại Học. Anh đi xa, còn lại mấy chị em, để bớt công quét dọn sân trước, nên chúng tôi trồng toàn hoa Mười Giờ, khắp cả sân, ngoại trừ lối đi. Khoảng 10 giờ sáng, sân trước rực đỏ một màu, bấy giờ người trong xóm gọi là “Nhà Mười Giờ”. Đến đầu mùa xuân Mậu Thân, năm 1968, căn nhà Giồng Ké chìm trong biển lửa và ba má tôi dọn hẳn lên Vĩnh Long ở chung với các con.

    Giờ đây, đứng trên nền đất cũ, căn nhà xưa không còn, đã hoàn toàn đổi khác, không còn dấu tích. Bây giờ là một tiệm buôn. Những người đã từng sống trong ngôi nhà xưa ấy, như chim đã xa tổ..., đa số các anh chị em tôi đang bên trời viễn xứ… Chỉ còn lại vài người của năm cũ và dăm kẻ xa lạ được thuê làm việc, đang chung sống.

    Sân trước nhà, hôm nao rực đỏ đúng giờ, toàn sắc Hoa Mười giờ, nay chỉ là thềm xi măng, xám xì, hực nóng. Nhưng cái nóng sân nhà là cái nóng quê hương, không làm tôi khó chịu, tự an ủi mình như thế. Cái thềm nhà cao cao, lót gạch, nơi mươi mấy năm trước, chiều chiều, các chị em tôi thường tụ tập, đảo mắt xem “ông đi qua bà đi lại”, thèm thuồng nhìn những người trẻ cùng lứa, được tự do phóng xe, rong chơi. Còn mấy chị em tôi chỉ ngồi ngắm thôi, thế mà vẫn bị má mắng hoài về tội… “ngồi chưng táp lô”. Cây xoài to trái ngày xưa, đêm đêm ngồi học bài, nghe một tiếng “bịch", vừa vui say vừa vội vàng mang đèn dầu lửa ra soi để lượm xoài rụng. Học trò con nhà nghèo, đêm về bụng đói meo mà! Cây mận năm nào, trưa trưa trèo hái trái. Bây giờ, đứng tần ngần suy tới nghĩ lui, chẳng tìm ra cái gốc trước đây, đã nằm ở đâu. Căn nhà vách cây, màu xám, có mắt cáo thoáng mát bốn mùa, có khung cửa sổ nho nhỏ. Cũng tại khung cửa sổ đó, một đêm nọ đang ngồi học bài…chúng tôi vội tắt đèn cái rụp, thập thò đứng rình rập, lén lúc nhìn và trộm nghe các thầy của mình vừa trò chuyện lúc đang ăn hủ tíu, từ chiếc xe đẩy bán, gỏ lốc cốc mời hàng trên đường Văn Thánh năm xưa. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!

    Kỳ thiệt! Về lại đây, mỗi lần mở lời ra là… “mấy mươi năm trước” và lúc nói không biết bao nhiêu là chữ “xưa…xưa…xưa”. Hình như “đệm” thêm chữ “xưa” cho đã nhớ hay sao vậy đó! Mọi sự đều thay đổi, người xưa nay trở lại, cảnh cũ không còn, quanh đây xa lạ, người quen không nhận ra mình và tôi lạ với cả chính tôi…khiến tôi bồi hồi như thấy chính mình là nhân vật được lồng trong Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương.

    Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi * *
    Hương âm vô cải mấn mao tồi
    Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

    Dịch nghĩa

    Về Quê Tình Cờ Ngồi Viết
    Xa quê từ lúc còn bé, già mới trở về
    Giọng nói không thay đổi, chỉ tóc tai xơ xác
    Trẻ con thấy không biết là người làng
    Cười hỏi khách từ đâu đến.
   
 
 (Bàn Cẩm Thạch Bị, Lưu vật của Ông Bà Nôi - Vết Đạn Xuyên Ngang, Năm 1968)

    Tôi rời nơi đây khi tuổi đời còn khá trẻ. Nay trở lại chốn cũ, tóc đổi màu sương tuyết. Gặp những đứa trẻ đang sống trong căn nhà này, nhìn tôi như một người khách lạ, còn hỏi tôi từ đâu tới. Nhưng làm sao chúng biết được, tôi, người đã một thời lớn lên từ nơi này.

    Tôi về lại Vĩnh Long vào một buổi chiều, nên chưa gặp một ai quen trong xóm. Đúng ra tôi chưa muốn gặp một ai. Vì là ngày đầu tiên trở về chốn cũ, nơi cất giùm tôi thời con gái. Tôi đã đi loanh quanh nhà, tìm hoài, tìm lại thời con gái của mình, nhưng không còn gì…Có chăng, một vài quyển sách thời đi học và chiếc bàn bằng đá cẩm thạch. Mặt bàn đã bị nứt, mang vết tích chiến tranh, của năm Mậu Thân 1968. Dù mặt bàn có vết đạn bắn thủng xuyên một lỗ nhỏ, đã được bàn tay ba vá lại bằng loại xi măng trắng, nhưng nhìn vào nơi ấy, tôi vẫn còn thấy hình bóng ba, má, các anh chị em tôi và làn sóng người chạy loạn trong đêm kinh hoàng.

 
(Sánh Cũ - Năm 1972) 

    Trải qua cuộc bể dâu... Ừ! Thôi thì sống trong phút giây hiện tại trước đã. Nhưng Vĩnh Long ơi…

    Vĩnh Long cất giùm thời con gái!
    Mùa xuân nào trộm hái hoa đào
    Đưa tay với với lấy cành cao
    Hương chạm ngọt ngào đôi vai nhỏ


Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét