Sáng sớm hôm nay, khi còn đang yên giấc, một tiếng hét rầm trời đánh thức hai thân già. Mở choàng mắt, tôi thấy phòng vẫn tối om. Ánh bình minh còn đang lưu luyến đó đây trên mặt địa cầu, chưa lóe qua khung cửa. Ngày mới có hứa hẹn bất ngờ, vì tiếng la tiếng hét từ bên kia đường bắt đầu sao quá sớm.
Chúng tôi ngao ngán. Muốn ngủ thêm cũng không được nữa, vì những tiếng la kèm với những câu hét khó hiểu liên tiếp vang lên, dồn dập như có ai đấm thùm thụp vào tim, vào óc! Trời ạ. Người đâu mà có hai lá phổi lớn thế. Căn phòng ngủ này, nằm phía sau căn nhà chánh và con lộ mấy chục thước mà còn nghe rõ như ai cắm cái loa phóng thanh sát tai. Khi nào sửa sang xong, dọn sang đó, làm sao chịu cho thấu?
Tôi nằm đó, trong trí nở bừng một bức tranh toàn xám. Mới đầu chỉ nhiễu vài giọt, rồi dần dần chúng loang dần thành vũng nước, men theo phiến đá, đổ xuống thành thác, rồi thành một dòng sông trôi ra biển lớn, bao phủ mọi sự bằng rặt một màu xám. Đủ sắc thái của màu xám. Không màu hồng của mây. Không màu xanh của lá, mặc dù “Thiên đường hạ giới” này có vô số lá. Không cả màu đại dương. Tôi cố hình dung tìm về những bức tranh đủ màu tươi thắm chàng và tôi đã phác họa, rồi tô, rồi vẽ, khi mua được căn nhà này, sau hơn bốn năm tìm kiếm, mà vô ích. Ai đã đốt chúng thành tro.
Giờ, sau khi dọn vào đây gần một năm, chúng tôi đã khám phá ra điều gì? Thấy gì?
Chúng tôi khám phá ra rằng luật lệ đặt ra để làm cho người đời chế diễu. Vì những luật như cấm bắn súng trong khu dân cư; cấm đốt cây đốt, cấm săn heo rừng, khi gần khu gia cư … vẫn vi phạm hàng tuần, hàng tháng. Đã bao lần chúng tôi ngồi trong nhà nghe tiếng súng mà run, mà lo lắng không biết bị đạn lạc lúc nào? Đã bao lần phải đóng hết cửa lại, bật quạt hút khói tối đa để đỡ hít khói từ ngoài vào lồng phổi phần nào? Có gọi cảnh sát thì cũng huề tiền, vì họ là những người thân, người quen của người vi luật.
Chúng tôi thấy cái “nền văn hóa” bên thiên đàng hạ giới này là một nền văn hóa chỉ biết có mình, một nền văn hóa thủ thân, một nền văn hóa “chúng mình/chúng nó”, một nền văn hóa dồn người mới tới vào chân tường qua các thói quen lạ đời của những “ma cũ” hoặc của những người có nơi này là quê hương. Một nền văn hóa khác hẳn những gì du khách chứng kiến. Chúng tôi thế đó, không chịu thì dọn đi. Biết vậy sao dọn sang đây làm gì? Lỗi tại ai, khi không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi chọn nơi này để về hưu?
Tôi khám phá ra rằng dù cho người chủ chó có tỏ thái độ phục thiện trước mắt mình, để rồi sau đó, không làm gì khác như đã hứa. Chó vẫn sủa. Tôi khám phá ra rằng, khi xin người đàn ông vặn nhỏ volume của máy và của miệng, người này hết lời xin lỗi. Rồi sau đó, mọi sự trở lại như cũ. Tôi khám phá ra rằng sau khi nói chuyện với chủ chó không xong, chúng tôi bỏ bóp bụng bỏ ra năm ngàn đô la để nhờ luật sư can thiệp, hy vọng có những ngày, những đêm an hưởng “thiên đàng”. Tôi khám phá ra rằng sau khi gửi cho mỗi chủ chó một lá thư, luật sư báo cho biết họ đã dùng hết tiền chúng tôi đã gửi (và có thể còn nợ họ cả ngàn nữa), mặc dù luật sư không giúp giải quyết được gì. Chó khắp nơi vẫn sủa. Sủa ngày, sủa đêm. Nếu muốn tiếp tục thì cần bỏ thêm tiền vào quỹ của họ! Thất vọng, nhưng chúng tôi phải ngừng việc kiện tụng, vì không biết ai sẽ bảo đảm văn phòng luật sư này sẽ bắt buộc hai người chủ chó ác tâm sẽ cộng tác để huấn luyện chó của họ, hầu chúng tôi tìm được bằng an trong tâm hồn?
Chỉ có một điều hay trong cái khổ nạn này là từ khi sa thải người luật sư, những sinh hoạt của chàng của tôi không phải bị đứt quãng nữa, vì mỗi khi chó sủa, phải ghi xuống ngày giờ chó sủa, sủa bao lâu, chó nhà nào, phía sau nhà, phía trước nhà, bên phải hay bên trái, vì luật sư muốn có bằng chứng, nếu sau này phải ra tòa.
Bây giờ, sau gần một năm dọn vào xóm này, chúng tôi trực diện thêm hai vấn đề mới. Người đàn ông bên kia đường bị bệnh tâm thần, la hét bất kể giờ giấc; và gần một chục chiếc xe mô tô đủ loại phân khối chạy lên, chạy xuống con đường, với ống pô xả tối đa, rú ga đinh tai, nhức óc.
Có ai ngờ. Khi đi coi căn nhà cũ kỹ này hai, ba lần, chúng tôi không hề nghe tiếng người hét. Chúng tôi không hề biết có 16 con chó chung quanh nhà. Chúng tôi không hề biết có những chiếc xe mô tô chạy lên, chạy xuống bẩy tám lần. Có những cuối tuần họ họp nhau lại, gần chục chiếc. Chúng tôi đâu ngờ đã sa vào một ổ kiến lửa. Một rừng u minh. Một vùng đầm lầy, không biết bao giờ mới thoát khỏi.
Tháng trước, có người bạn gọi hỏi thăm vì muốn dọn sang thiên đàng hạ giới để sống những ngày an nhàn còn lại. Tôi không giấu giếm, kể hết. Tôi khuyên bạn nên đọc “giữa những hàng chữ” những cuốn sách nói về việc chuẩn bị khi dọn sang đây. Vì không một nơi nào trong ba, bốn cuốn sách chúng tôi tìm mua và đọc khi còn ở Cali đã hoàn toàn nói hết mọi sự về bộ mặt thật của hàng xóm bên này! Tôi nói thêm là khi đã đọc hết, hiểu hết và chấp nhận hết, và nếu có khả năng mua ít nhất sáu mẫu đất, và có thể tập cho mình, khi sang bên này, chỉ ngước nhìn bầu trời xanh mây trắng, chỉ luyện tai nghe tiếng chim hót trên cành, thì bạn có thể ở chung với những kẻ ngang nhiên cướp thiên đường, cướp đi sự bằng an trong tâm hồn, sự tươi vui trên ánh mắt hay sự yên ắng của một thiên đường đúng nghĩa, thì xin cứ tự nhiên.
Dù sao tôi mong rằng những gì xẩy ra cho phần đông các bạn và của hai đứa chúng tôi không phải là mẫu số chung cho tất cả các xóm làng bên thiên đường hạ giới này, hầu những gì viết về nước Mỹ tử tế vẫn còn là thật.
Khổng Thị Thanh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét