May mà một tuần sau ngày bãi trường My mới bị bệnh. Không biết con bé ăn phải món gì hay lây ở đâu mà bị thương hàn, người ngợm chỉ còn da bọc xương. Mái tóc chấm vai óng mượt ngày nào bây giờ le hoe, xơ xác. Nhìn vào gương con bé còn không nhận ra mình! Mẹ cứ vuốt đầu con gái mà xót xa. Điều khổ nhất là My thèm ăn đủ thứ, nhưng chỉ được húp cháo hoặc nước súp. Mẹ nói ăn cơm vào là thủng ruột tức thì. Ba cũng kể, ngày xưa cô Út của My năm lên bảy bị thương hàn. Lúc khỏi bệnh, bà nội vì dốt, cứ ép cô Út ăn cơm, vài hôm sau cô chết vì bị thủng ruột. Ông nội khóc quá chừng, dòng họ đã hiếm con gái, mà cô Út lại đẹp nhất trong số tám người con. My nghe xong, sợ chết nên ráng húp cháo (đôi khi còn chan thêm nước mắt mới là thảm sầu!).
Còn cả tháng nữa mới tựu trường nên ba mẹ bàn nhau cho My lên Đà Lạt dưỡng bệnh. Dì Hai của My theo chồng lên trên ấy cả chục năm nay. Dượng Hai là công chức đổi lên làm việc ở Tòa Thị Trưởng. Mẹ sẽ dẫn My lên Đà Lạt, ở chơi với dì ít hôm rồi về. My ở lại độ ba tuần để hưởng không khí trong lành, mát mẻ của xứ hoa đào.
Vì là lần đầu đi trên con đường này nên mọi thứ đều rất mới mẻ lạ lùng đối với My. Hai hòn đá chồng ở Định Quán khiến con bé hơi rét, thầm nghĩ “nó” mà rớt xuống thì mấy cái nhà phía dưới chắc sẽ dẹp lép như cái bánh tráng! Những đồi trà ngút ngàn, thẳng tắp chạy vào tận chân núi xa xa, thấp thoáng từng đoàn phụ nữ mang giỏ hái trà, toàn bộ đẹp như một bức tranh thủy mạc.
Xe đò ngừng tại Bảo Lộc cho hành khách dùng cơm trưa. Mẹ kêu một đĩa cơm sườn nướng thơm phức. Phần My thì mẹ đã chuẩn bị sẵn một hộp cơm nhão gần như cháo đặc ăn với ruốc! Thấy bộ mặt ỉu xìu của con gái, mẹ an ủi ráng kiêng cữ thêm ít hôm nữa sẽ được ăn uống bình thường. Xe qua khỏi Di Linh là không khí thay đổi hẳn. My cảm thấy mát mẻ khỏe khoắn hẳn ra và xe cũng bắt đầu lên dốc, có những chỗ con đường ngoằn nghoèo như ruột gà. Càng lên cao, thông hai bên đường càng nhiều, không khí thơm ngát mùi nhựa thông. My không dám nhìn ra cửa sổ, vì xe chạy trên cao, một bên là vực thẳm, sâu hun hút phía dưới. Mỗi lần hai chiếc xe ngược chiều qua mặt nhau là con bé thấy thót cả ruột vì sợ!
Ba đã đánh điện báo trước nên dì sáu ra tận bến xe đón. My thấy càng ngày dì càng đẫy đà. Tuy ngoài bốn mươi mà da mặt dì không một nếp nhăn, trắng mịn rất đẹp. Mẹ thua dì hai tuổi, nhưng cái nắng gay gắt của Sài Gòn khiến mẹ trông già hơn dì chút xíu.
Nhà dì Hai là một căn biệt thự xinh xắn nằm gần cuối đường Phan Đình Phùng. Không phải nhờ số lương công chức của dượng hai, mà chính nhờ cửa tiệm bán phụ tùng và sửa xe gắn máy của dì mới có tiền mua căn biệt thự này. Dì vốn có tay buôn bán nên khách hàng rất đông. Qua khỏi cánh cửa sắt ngoài cổng là một khoảng sân trồng rất nhiều hoa. Trong góc vườn, sát hàng rào có một cây khá cao, nở từng chùm hoa vàng rực rỡ, sau này My mới biết tên là Mimosa. Trong những ngày còn ở Đà Lạt, chị Trúc đèo My đi chơi trên những con đường dẫn vào những làng mạc xa xa, nơi có vườn trồng nhiều trái cây như mận, dâu. Những công rẫy trồng đủ thứ rau đã làm nên danh tiếng "Rau Đà Lạt" lẫy lừng. Dọc hai bên đường, My thấy nhiều ơi là nhiều những đóa hoa màu vàng. Những đóa hoa này vừa giống hoa cúc lại từa tựa hoa quỳ. Thân cây cao khỏi đầu người cho hoa chi chít, làm nên hai hàng rào thiên nhiên rực rỡ vàng. My cũng hỏi chị Thanh Trúc, chị bảo đó là Dã Quỳ. Chao ơi, cái tên thật là đẹp và hoa cũng thật là đẹp. Từ đó bỗng nhiên My đâm ra yêu nhất hoa Dã quỳ. Tại My thấy loài hoa này có chút gì đó hoang dại chứ không kiêu sa như hồng, như lan, cũng không "tiểu thư" cổ điển như những loại cúc thường.
Dì dượng có ba người con. Chị Thanh Mai lớn nhất đã lập gia đình và theo chồng xuống Nha Trang. Anh Minh học trường Trần Hưng Đạo. Anh vừa đậu Tú tài hai, khóa tới đây sẽ xuống Sài Gòn học Kỹ Sư Phú Thọ. Chị Thanh Trúc sẽ lên lớp Đệ nhị trường trung học Bùi Thị Xuân. Hai năm rồi My không gặp anh chị, từ sau đám cưới chị của My, con bé nghĩ chắc họ thay đổi nhiều lắm. Quả thật, nghe tiếng chó sủa, một thanh niên cao lớn từ trong nhà chạy ra. Anh chàng cười thật tươi, lên tiếng chào dì Ba, rồi quay qua My, nheo mắt:
- My còn nhớ anh Minh không? Ủa, sao ốm nhom vầy nè!
Con bé chỉ biết cười bẽn lẽn, mẹ phải lên tiếng:
- Em nó bị thương hàn cả tháng nay nên dì mới đem nó lên đây dưỡng bệnh đó cháu.
- Vậy mà cháu có biết gì đâu. Bảo đảm ở đây một thời gian là bé My sẽ mập mạp trở lại. Để cháu xách valy cho dì.
Phòng khách nhà dì Hai rộng, chưng bày trang nhã. Phòng ăn có chiếc bàn dài với tám chiếc ghế. Bàn ghế bằng gỗ cẩm lai chạm trổ tinh xảo. Nhà có bốn phòng ngủ. Chị người làm ngủ ở căn phòng nhỏ cạnh nhà bếp. Phía sau vườn trồng rau, cải. Có hai cây mận và một giàn su su.
Dì cho biết Thanh Trúc phải ra tiệm thế dì bữa nay. Căn phòng dành cho mẹ con My nhìn ra bên hông nhà. Sát tường rào có mấy gốc hồng đang trổ hoa. Khóm màu vàng, khóm màu hồng nhạt, nhưng My thích nhất là cụm hồng màu đỏ san hô. Con bé vốn thích những màu tươi thắm.
My mệt quá nên ngủ một giấc ngon lành cho tới khi mẹ đánh thức dậy ăn cơm tối. Dượng Hai vẫn vậy, nhưng chị Trúc thì thay đổi rất nhiều. Da mặt mịn màng, hai má hồng tự nhiên chớ không còn mụn đầy như hai năm trước. Chị cao hơn và mái tóc cũng dài hơn xưa. Dưới mắt của con bé My mười ba tuổi thì chị Trúc rất đẹp. Thấy My từ trong phòng đi ra, Thanh Trúc chạy lại nắm tay, ngắm con bé từ trên xuống dưới rồi kêu lên:
- Trời đất, nghe nói em bị bệnh, không ngờ lại ốm nhom ốm nhách như vầy. Không sao, dì Ba cứ để em My lại đây, cháu bảo đảm vài tuần nữa là My sẽ thành... bé bự Michelin cho dì coi. Khí hậu trên này tốt lắm.
Chiều nay My được ăn cháo gà. Trời lành lạnh, sau một giấc ngủ không mộng mị, My đói bụng nên ăn thật ngon lành. Mẹ vui lắm. Chị em lâu ngày mới gặp nên chuyện trò như bắp rang. Ăn xong Thanh Trúc kéo My vô phòng. Con bé choáng ngợp trước những màu xanh trong phòng cô chị. Rèm cửa màu xanh lơ, khăn trải giường, áo gối màu xanh hồ thủy, thậm chí cái mền bằng len cũng xanh rêu luôn. Trước cặp mắt tò mò của cô em họ, Thanh Trúc cười:
- Tên chị có nghĩa là cây trúc xanh đó nhỏ. Vì vậy chị thích màu xanh lắm.
Sau này My còn biết lúc nhỏ, chị Trúc hay bị tụi nam sinh chọc ghẹo:
Trúc xinh Trúc mọc đầu đình.
Em xinh ...
Những câu sau cứ bị “cải biên” nham nhở nên đôi khi Thanh Trúc tức đến phát khóc! Tên của người ta hay như vậy mà bị đem làm trò cười!
Mẹ chỉ ở chơi có ba hôm là phải trở về Sài Gòn. Sợ ba ở nhà ăn uống thất thường, sợ anh Trung không ai nhắc nhở sẽ theo bạn bè đi chơi mút mùa. Mẹ lo, lo, lo... như tất cả những người vợ, người mẹ Việt Nam khác. Dì Hai thở dài, chẳng mấy khi em có dịp lên chơi mà không ở lâu lâu một chút! Chả là dì lấy chồng sớm nên chị em xa nhau cũng sớm!
Ba tuần ở Đà Lạt là thời gian đẹp nhất của My. Con bé được anh Minh và chị Trúc dẫn đi chơi khắp nơi và chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm. Thác Prenn hùng vĩ, Hồ Than Thở êm đềm, thơ mộng. Chuyện tình bi thảm của hai nấm mộ nơi đây khiến trái tim non nớt của My bồi hồi cả buổi. Chị Trúc dẫn My đi ăn mì Quảng và chè đậu ván bên hông chợ Đà Lạt. Những thứ này ở Sài gòn con bé chưa bao giờ được ăn nên thấy ngon miệng lạ lùng. Mì Quảng không giống chút xíu nào với những thứ mì mà My đã được ăn như mì hoành thánh, mì vịt tiềm... Nghe chị Trúc nói loại mì này là món đặc sản của vùng Quảng Nam. Mà thật vậy, nhìn tô mì Quảng được người chạy bàn đặt xuống trước mặt, My không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy trong tô mì, ngoài những sợi mì dẹp dẹp, còn được tô điểm vài con tôm nho nhỏ cùng vài lát thịt heo. Ngoài ra còn có rau húng lủi, rau quế, hoa chuối thái mỏng, sà lách, vài lát ớt xanh, bánh tráng mè nướng, và đậu phụng rang giã nhỏ. Nước chỉ chan chút xíu chứ không nhiều như những loại mì thông thường. Nhưng mà ngon lạ lùng. Trước khi về Sài Gòn, My còn xin chị Trúc cho trở lại ăn lần nữa cho đã thèm. Rau cải ở xứ này thì tươi ngồn ngộn mà lại rẻ rề. Hoa thì vô số. Muôn màu muôn vẻ. Nhớ cái hôm My hỏi tên những chùm hoa vàng trước sân nhà, chị Trúc nói là hoa Mimosa, rồi chị reo lên:
- À, Mimosa có chữ Mi. Từ đây chị sẽ gọi My là Mimosa...hay quá! Vậy là bỗng dưng My có cái biệt danh Mimosa. Con bé nghĩ thầm, về lại Saigòn, kể cho đám bạn nghe, có khối đứa ganh tị với My vì cái biệt danh diễm lệ này cho coi.
Chị Trúc dẫn My lên trường của chị cho biết. Trường Bùi Thị Xuân có hai dãy lầu đối diện nhau, cách một khoảng sân rộng. Nữ sinh ở đây nổi tiếng là đẹp. Đứng ở cổng trường nhìn thẳng qua rặng núi LangBian bốn mùa mây phủ đẹp mơ màng. Mỗi ngày chị Trúc phải leo lên con dốc, ngang qua ngôi Chùa Linh Sơn cổ kính để đến trường. Có lẽ nhờ leo đồi xuống dốc hàng ngày mà các cô gái Đà lạt cô nào cũng ngực nở eo thon, thân hình lý tưởng. Cũng chẳng cần thoa kem kiếc lôi thôi, cô nào cô nấy làn da cứ trắng mịn như nhung, đôi má hồng tự nhiên không khác những cánh hoa anh đào, năm nào cũng nở rộ dọc theo hai bên bờ hồ Xuân Hương mỗi độ Xuân về.
Anh Minh có người yêu tên Thục Anh. Cô nàng học lớp seconde bên Lycée Yersin. Thục Anh cắt tóc tém, mặc đầm. Chị chạy chiếc xe đạp mini màu trắng mỗi lần tới chơi. Chị nói chuyện liếng thoắng, cười luôn miệng, đôi khi lại xổ tiếng tây với anh Minh. My có cảm tình với Thục Anh, nhưng dì Hai thì chê con nhỏ "đầm" quá. Dì thích con gái phải dịu dàng hơn. Thanh Trúc nói nhỏ với My là mẹ sợ sau này khi lấy nhau, Thục Anh sẽ “ăn hiếp” anh Minh! Nhưng anh Minh yêu Thục Anh lắm. Anh đã từng cầm đàn guitard gẩy từng tưng và ca ông ổng: Đời tôi chỉ yêu có một người...và Thục Anh ngó bộ rất cảm động. Nhưng anh Minh còn phải học bốn năm nữa mới ra trường. Ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một mối tình học trò biết có bền vững với thời gian? Người ta nói xa mặt cách lòng, huống hồ Sài Gòn hoa lệ lại dập dìu tài tử giai nhân...
Anh Tuấn là bạn trai của chị Thanh Trúc. Anh học Chính Trị Kinh Doanh bên Viện Đại Học Đà Lạt. Anh hơn chị Trúc ba tuổi, bố anh là đồng nghiệp của dượng Hai. Anh Tuấn đẹp trai, dáng người thanh nhã nhưng ít nói. Thường thường chỉ nhìn chị Trúc nói rồi cười. Tuần lễ đầu My không gặp Tuấn vì anh đi Nha Trang thăm ông bà nội. Anh Tuấn về đem biếu nhà dì sáu bao nhiêu là quà, nào tôm, nào cua, cá biển. Nhưng My thích nhứt món mực khô. Buổi tối nướng lên rồi đập cho tơi ra, mấy anh em ngồi nơi bộ ghế mây đằng sau vườn, vừa ăn mực nướng chấm tương ớt vừa nói chuyện quên thôi. Có hôm anh Minh kể cho My nghe chuyện con ma ở căn biệt thự màu trắng nằm trên đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương, làm con bé không dám ngủ một mình, phải xách gối qua xin tị nạn bên phòng chị Thanh Trúc. Hôm sau dì Hai rầy anh Minh lớn đầu rồi mà còn bày đặt hù con nít! Buổi tối anh Tuấn đến chơi, My hỏi chuyện đó có thật không, anh cười bảo là anh cũng chỉ nghe nói chớ chưa được diện kiến con ma nên không thể trả lời là có hay không!
Hít thở không khí trong lành, ăn rồi đi chơi, đêm nào cũng ngủ một giấc quên cả trời đất, nên chỉ hai tuần sau là mặt mày con bé đã thấy phinh phính. Mái tóc cũng óng ả hơn. Thanh Trúc nói đùa chỉ còn một tuần lễ để “vỗ béo” bé My. Phải làm sao cho dì dượng Ba không nhận ra con gái mình nữa mới là tài. Sáng nào Thanh Trúc cũng ép My ăn một khúc bánh mì trét bơ có phết một lớp mứt dâu, cộng thêm một ly sữa nóng. Con bé vỗ cái bụng căng phồng kêu lên chị Trúc ơi, em ú nu, sắp thành con heo rồi đây nè! Chị Trúc cười, My tuổi Hợi, không thành con heo vậy muốn thành con chuột hả. My dẫy nẩy nói không không, em chúa là sợ chuột!
Chúa Nhật, ăn trưa xong, chị Trúc rủ My ra nhà sách Hòa Bình mua báo. Hai chị em từ trong tiệm đi ra chợt thấy anh Tuấn cùng với một người con gái rất đẹp mặc đầm, cũng từ trong tiệm phở Đắc Tín đi ra. Cô gái quàng tay anh Tuấn có vẻ thân mật. Họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ, lên xe Vespa của anh Tuấn phóng đi, không nhìn thấy chị em My. Mặt chị Trúc sa sầm như bị phủ một áng mây đen. Thay vì mua báo xong hai chị em sẽ đi ăn kem, nhưng chị Trúc kêu nhức đầu muốn về. My biết tỏng cái nguyên nhân của bệnh nhức đầu bất thình lình này nên cũng yên lặng đi theo chị. Về nhà chị Trúc không nói không rằng đi thẳng vô phòng. My biết chị đang giận anh Tuấn nên cũng không dám nói năng gì, đi về phòng dở báo Tuổi Xanh ra đọc. Buổi chiều chị Trúc ăn có nửa chén cơm rồi lại vào phòng, mặt buồn rười rượi. Dì hỏi chị có bệnh không thì chị lắc đầu. My biết lý do nhưng đời nào dám xì ra cho mọi người hay.
Khoảng bảy rưỡi anh Tuấn đến chơi. Nghe tiếng xe Vespa của anh, chị Trúc vội vàng qua phòng nhờ My ra nói với anh Tuấn là chị nhức đầu, không tiếp anh được. Nghe chị Trúc bị nhức đầu, anh Tuấn có vẻ lo lắm, hỏi My lung tung. Con bé thấy tội, tự hỏi không biết có nên nói thật với anh hay không? Sau cùng thấy anh lo lắng, dùng dằng không muốn về, My đành nói mí mí là hồi trưa hai chị em đứng bên nhà sách Hòa Bình thấy anh từ trong tiệm phở Đắc Tín đi ra... Anh Tuấn ngẩn người ra ít phút, như chợt hiểu anh kêu lên:
- Chết anh rồi! Có phải hai người thấy anh đi với một cô gái?
My gật đầu. Anh Tuấn vò đầu bứt tai:
- Oan cho anh quá. Cô đó là con ông chú anh vừa mới ở Sài Gòn lên chơi. Thúy Hương muốn anh chở đi ăn phở. Anh đâu có ngờ hai em đứng bên tiệm sách! Tối nay anh định tới rủ hai em ngày mai đi chơi với anh và Thúy Hương. Tụi mình sẽ đi picnic ở Thung lũng Tình Yêu. Thiệt tình!... Suy nghĩ một hồi anh nói: bây giờ My làm ơn vô nói rõ chuyện này với chị Trúc giùm anh được không? Chắc chị sẽ hết giận anh.
My gật đầu, nói anh chờ chút rồi đi vào phòng chị Trúc ráp bo y chang những gì đã nghe và không quên tả oán thêm rằng anh Tuấn buồn lắm, mặt ỉu xìu như cái bánh tráng bị nhúng nước! Thanh Trúc nghe xong có vẻ dịu xuống một chút, nhưng bỗng xí lên một tiếng, nói My trở ra hỏi tại sao anh Tuấn không “thông báo” với chị chuyện cô em họ của anh lên chơi, để chị “bắt gặp” rồi mới nói? Như vậy là anh... gian!
Anh Tuấn nghe xong thì kêu trời, nói chính anh cũng không biết, Thúy Hương theo chú anh đi công tác trên này có năm ngày mà thôi. Anh định ngày mai sẽ giới thiệu hai người với nhau, không ngờ... nói xong anh thở dài, gãi đầu gãi tai... My nói anh đợi rồi lại chạy trở vô phòng cô chị năn nỉ giùm. Lần này Thanh Trúc mới chịu ra gặp người yêu. Tuấn mừng quá chạy lại nắm tay nhưng Trúc giựt tay lại, chu mỏ cật vấn:
- Anh em họ mà sao hai người khoác tay nhau thân mật quá vậy? giống như là...là...
- Tại Thúy Hương học trường tây nên tự nhiên như vậy đó. Em có muốn anh thề...
- Thôi lần này em tha cho anh. Vừa nói Thanh Trúc vừa háy người yêu, cặp mắt có đuôi...
My thở phào nhẹ nhỏm. Vậy là trời quang mây tạnh, cuộc đời trở lại màu hồng!
Trước ngày về lại Sàigòn My buồn quá. Ba tuần ở Đà Lạt qua nhanh như một giấc mơ. Nhưng giấc mơ dù có đẹp đến đâu thì cũng phải thức giấc. My sẽ về lại Saigòn với anh Minh. Chị Mai Khanh của My đi lấy chồng nên phòng của chị bỏ trống từ hai năm nay. Anh Minh sẽ ở nhà My để đi học. Dì Hai và Thanh Trúc mua không biết cơ man nào là đồ cho My đem về Saigòn. Rượu dâu, mứt dâu, khoai lang mật phơi khô (món này My có thể “gặm” quanh năm không hề chán!). Một gói khô nai to tướng cho ba My nữa chứ. Anh Tuấn tặng My một tấm bản gỗ để bàn hình bầu dục. Chính giữa khắc chữ MYMOSA (thay vì Mimosa với i ngắn) thật bay bướm. Góc trên khắc chùm hoa mimosa vàng rực rỡ, góc dưới khắc hình một chú nai vàng ngơ ngác. Anh Tuấn thật đáng yêu! Chị Thục Anh, dù đang buồn thúi ruột vì sẽ phải xa anh Minh, cũng đi mua tặng bé My một chiếc gùi con con thật xinh xắn do đồng bào Thượng đan. My an ủi chị bằng cách hứa sẽ chăm sóc thật tốt cho anh Minh. Chị Thục Anh ghé tai My nói nhỏ "cần nhất là My canh chừng, không cho anh Minh quen thân với cô nào nhé." My gật đầu nheo mắt với chị ra cái điều em hiểu tâm sự của chị rồi.
... Sáng sớm hôm đó, sương mù còn giăng đầy trên những rặng thông xanh, la đà trên mặt hồ Xuân Hương như mây như khói, cả nhà đã đưa anh Minh và My ra bến xe. Chị Thục Anh cũng đạp xe ra tiễn anh Minh. Dì Hai căn dặn con trai đủ thứ. Minh cười, ôm mẹ hôn chụt vào má, nói:
- Má làm như con xuất ngoại không bằng. Đà Lạt – Sàigòn đi có mấy tiếng đồng hồ thôi mà! Con ở với dì Ba có gì mà má lo dữ vậy. Thục Anh đang cười con kìa.
Tại anh Minh muốn chọc chị Thục Anh, chớ My thấy cặp mắt chị đang long lanh, giống như những giọt nước mắt đang chực trào ra. Có lẽ vì vậy mà miệng chị cười méo xẹo! Trái tim nhỏ bé của My mà cũng còn thổn thức trước cảnh chia ly này, huống hồ...
Xe chạy đi rồi mà bên tai My vẫn còn văng vẳng tiếng chị Thanh Trúc: tạm biệt Mimosa. Đừng quên chị nha. Mimosa... Mimosa....
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét