Dựa
vào các thi phẩm của Tiền Nhân Tàu cũng như Việt, các học giả Việt Nam
đã đưa ra nhiều dạng đặc biệt của Đường Luật Thi. Nhưng có lẽ độc đáo nhất
của Việt Nam chính là "Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".
Đây là một dạng thơ Thất Ngôn Đường Luật, do các thi nhân Việt Nam sửa hai câu Thực hoặc hai Luận từ 7 chữ còn lại 6 chữ.
Dạng thơ này xuất hiện từ thời này? Do ai khởi xướng?
A - Nguồn Gốc và Thời Kỳ Xuất Hiện
Kể
từ khi Nguyễn Thuyên viết bài "Văn Tế Cá Sấu" bằng chữ Nôm, được ca
tụng, đã khiến các thi nhân của ta có thêm động lực, bắt đầu sáng tác
thơ Nôm theo Luật Đường.
Vào Thời Trần,Thơ Nôm phát triển rất mạnh,
nhưng hầu hết là các dạng thơ Đường Luật, Lục Bát..., riêng thơ Nôm
Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn không hề xuất hiện trong triều đại Nhà
Trần. Mãi đến thời kỳ đầu của Nhà Hậu Lê, ta mới thấy xuất hiện trong
"Quốc Âm Thi Tập "của Nguyễn Trãi. Từ đó dạng thơ này được thi nhân các
triều Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục sáng tác.
- Theo bài biên khảo của Nguyễn Phạm Hùng trong hopluu.net :
[Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn (TNXLN))]
"...nó
được đánh dấu bởi tên tuổi những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi
(1380-1442) với Quốc âm thi tập (trong đó có 186 bài TNXLN trên tổng số
254 bài), Lê Thánh Tông (1442-1497) và các thi sĩ thời Hồng Đức với
Hồng Đức quốc âm thi tập (trong đó có 135 bài TNXLN trên tổng số 328
bài), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với Bạch Vân quốc ngữ thi tập y
(trong đó có 97 bài TNXLN trên tổng số 161 bài), Trịnh Căn (1633-1709)
với Ngự đề Thiên Hoà doanh bách vịnh (trong đó có 10 bài TNXLN), Nguyễn
Hữu Chỉnh ( ? - 1787) với Ngôn ẩn thi tập (trong đó có 5 bài TNXLN)...
..Có
người cho rằng, thơ TNXLN xuất phát từ thơ Nôm Đường luật, trải qua
những thử nghiệm sáng tạo mới nhưng bất thành, cuối cùng lại quay trở về
với thơ Nôm Đường luật. Chúng tôi lại nghĩ khác, nó xuất phát từ Đường
luật, trải qua những thử nghiệm sáng tạo với mong muốn "hoán cốt đột
thai" để tạo ra thể thơ mới, "tồn tại song song" với thơ Nôm Đường luật
(ngay trong cùng một tập thơ Nôm của các nhà thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh
Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cùng tồn tại song song hai lối thơ này), nhưng
do không tạo được một thi luật ổn định và vững chắc, nên cuối cùng đã tự
tiêu vong. Đến thế kỷ XVII, XVIII(*), thể thơ này không còn thích hợp
nữa ..."
- Theo bài Biên Khảo của Trần Trọng Dương trong nguvan.hnue.edu.vn:
"...Quãng
vài chục thập kỷ trở lại đây, giới nghiên cứu văn học đã bỏ ra nhiều
công sức để đi tìm lời giải mã cho hiện tượng câu thơ Nôm sáu chữ của
nhiều tác giả nổi tiếng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Có thể kể đến các
ý kiến của Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Ngọc
San, Lê Hoài Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Ngô Văn Phú, Phạm Luận, Phạm Thị
Phương Thái… Kết luận hiện nay dễ được chấp nhận hơn cả, là giả thuyết
coi đây là một thể loại mới - một sáng tạo độc đáo của Việt Nam mà người
đi đầu là Nguyễn Trãi. Thể loại mới ấy được định danh là thể “thất ngôn
xen lục ngôn” [Nguyễn Phạm Hùng 2006]. Nguồn gốc của thể thơ này chính
là thất ngôn Đường luật, một thể thơ đồng thời xuất hiện trong hàng loạt
thi tập nổi tiếng và cổ kính như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi
tập, Bạch Vân Am thi tập,… Một số nhà nghiên cứu khẳng định như vậy đã
ngầm thực hiện một phương trình khá bất tiện, rằng Nguyễn Trãi đã “sáng
tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn” bằng cách “cải tạo thất ngôn Đường
luật”; ở khía cạnh thi luật học cổ điển thì “các câu lục ngôn thất luật”
ấy là sự phát triển từ thể thơ gò bó có nguồn gốc Trung Hoa. Sự “sáng
tạo/ cải tạo” ấy được chứng minh bằng cách: các câu lục ngôn/ ngũ ngôn
là sự sáng tạo về mặt số lượng âm thanh và nhịp điệu. Và những nhịp điệu
lạ lẫm (thực ra là thất luật ấy) lại là những đóng góp lớn của Nguyễn
Trãi cho văn hóa Việt Nam..."
Như thế, chúng ta có thể
khẳng định dạng thơ này do cụ Ức Trai khởi xướng và được các thi nhân
đời sau tiếp tục dùng trong sáng tác.
B - Các bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn
Trần Tình Số 9
Bảy tám mươi bằng một bát tay,
Người sinh ở thế mấy nhàn thay.
Lan đình tiệc họp mây ảo,
Kim cốc vườn hoang dế cày.
Nhật nguyệt soi đòi chốn hiện,
Đông hè trãi đã xưa hay.
Ta còn lãng đãng làm chi nữa,
Tượng có trời bày đặt vay.
Nguyễn Trãi
----
Cây đánh đu
Bốn cột lang nha cắm để chồng,
Ả thì đánh cái ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cọc đem về để lỗ không.
Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập
(Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sửa bài thơ "Cây Đánh Đu" thành bài Thơ "Đánh Đu" mà chúng ta từng biết)
-----
Đêm thu vô nguyệt
Lề la vặc vặc rạng tơ hào
Phải mịt mù nay vì cớ sao
Nhân bởi hắc vân ngất phủ
Há rằng ngọc thỏ hèn sao
Hằng nga chiếm lấy làm song viết
Thục đế tuồng ni dám ước ao
Mựa dắng (*) đêm nay trăng thấy nguyệt
Thu qua đông đến quế càng cao.
Nguyễn Toàn An
(*) Mựa dắng: Tiếng cổ có nghĩa là “chớ nên bảo rằng”.
Sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề ghi chép về Bảng nhãn Nguyễn Toàn An, có đoạn viết:
Ông
người làng Thời Cử, huyện Đường An (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải
Hưng), thuở hàn vi phải sung làm lính cắt cỏ nuôi ngựa trong cấm cung.
Một
đêm trung thu, vua Lê Thánh Tông cùng quần thần hội họp trước sân điện
đón trăng. Chẳng ngờ đêm ấy trăng thu không tỏ, nhà vua bèn ra đề: “Đêm
Thu Vô Nguyệt” (Đêm trung thu không trăng), sai các quan ngâm vịnh. Bữa
ấy Nguyễn Toàn An đến phiên hầu tiệc, ông cảm xúc nảy nở ra tứ thơ, bèn
mạnh dạn dâng lên.
Nhờ bài thơ này Nguyễn Toàn An được vua ban
thưởng cho rất hậu, lại cho giải ngũ về nhà theo việc đèn sách. Năm Nhâm
Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) ông thi đỗ Bảng nhãn.
-----
Nhân Tình Thế Thái 12
Cầu may cuốc nguyệt gánh yên hà
Nào của nào chăng phải của ta
Đêm đợi trăng lồng bóng trúc
Ngày chờ gió thổi tin hoa
Thấy cơ doanh mãn (*) cho hay chửa
Phải đạo trung thường chớ có qua
Dẫu lấy thánh kinh noi thửa học
Ví chưng xuất xử đạo thờ cha
Nguyễn Bỉnh Khiêm
(*) Doanh mãn: đầy đủ
----
Trách Chiêu Hổ
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hầm chớ mó tay
Hồ Xuân Hương
Dạng thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn đã thể hiện tinh thần tự chủ của Cha Ông.
Từ
ngàn xưa, dân tộc ta đã có tinh thần độc lập, lại ham học hỏi, biết gìn
những gì tốt đẹp, đồng thời lưu giữ những cái hay của Người và tìm cách
biến đổi thành nét riêng của Mình.
Hy vọng truyền thống này sẽ mãi được con cháu trân trọng để văn hóa và bản sắc riêng không bị mai một.
Huỳnh Hữu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét