Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Kỷ Niệm 200 Năm Ngày Giỗ Của Đại Thi Hào Nguyễn Du


Hôm nay, ngày 16 tháng 9 năm 2020, nhân kỷ niệm 200 năm ngày giỗ của đại thi hào Nguyễn Du, tôi xin kính cẩn cúi đầu bái phục và tri ân đại thi hào Nguyễn Du, người đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều thi phẩm giá trị, mà trong đó thi phẩm Truyện Kiều có giá trị rất cao về nội dung lẫn hình thức. Có thể nói, Truyện Kiều là một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều không những cho chúng ta thích thú mê say và có thể thuộc lòng ít nhiều vần thơ trong 3254 câu thơ lục bát, mà nhà đại thi hào Nguyễn Du còn khắc sâu trong tâm trí những người đọc thơ ông nhiều hình tượng nhân vật điển hình như: Sở Khanh là kẻ điếm đàng gạt gẫm phụ tình, Hoạn Thư là người đàn bà cả ghen đến nham hiểm, độc ác và thủ đoạn, Tú Bà là bà mối mại dâm hay một hào kiệt lụy tình dẫn đến cái chết đứng uất hận như Từ Hải. ..Tên của những nhân vật này được người Việt chúng ta nhắc nhở không ngừng kể từ khi thi phẩm ra đời ( Khoảng năm 1809-1810). Chúng đã trở thành thành ngữ lưu dụng trong truyền khẩu dân gian như “ Chết đứng như Từ Hải”, “ Ghen như Hoạn Thư”, “ Làm nghề tú bà”( danh từ riêng trở thành danh từ chung!) hay “ Hắn là kẻ sở khanh!”( danh từ riêng trở thành tính từ!)

Thơ truyện Thuý Kiều không đơn thuần là một câu chuyện kể, nó có một triết lý rất sâu sắc mà ngay khi mở đầu thi phẩm, đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định rằng mỗi người có một số mệnh . Chữ tài luôn đi đôi với chữ mệnh. Chúng là hai vấn đề đối nghịch nhưng luôn đi song song với nhau:

“Trăm năm trong cõi người ta 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau!”
Rồi, đại thi hào Nguyễn Du khẳng định thêm rằng:
“Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Thuý Kiều, nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều là cô gái xinh đẹp, tài hoa nhưng số phần chịu cảnh phong trần nên nàng đã trải qua bao nhiêu cảnh truân chuyện, khổ ải. Vì chữ hiếu, nàng phải hy sinh mối tình thề nguyền với Kim Trọng, bán mình để cứu cha và em trai. Sau đó nàng liên tiếp rơi vào tay những kẻ xấu như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, và Thúc Sinh. Nàng đã chịu cảnh dập hoa tàn nhụy nơi lầu xanh, lại còn bị Hoạn Thư, vợ Thúc Sinh, đối xử tàn nhẫn. Dù vậy, ngay trong phần mở đề, đại thi hào cho rằng đấng tối cao luôn công bằng về số phần đời người. Những người có nhiều tài thường có kèm theo nhiều tai họa.

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.


Tài và mệnh trong Truyện Kiều đã phản ánh sâu đậm triết lý Đông Phương, triết lý Phật Giáo. Theo đại thi hào Nguyễn Du, con người rơi vào những tai họa liên tiếp, ắt phải do cái nghiệp của mình tạo ra từ kiếp trước.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
Tuy nhiên, đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định rằng:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng thơ lục bát trong Truyện Kiều làm rõ chữ tài gắn liền với chữ tai ra sao và ông đã lý luận cái giá trị của chữ tâm vượt ba lần chữ tài như thế nào, chúng ta hãy cùng ôn lại truyện thơ Thuý Kiều để tìm hiểu thêm bài học giá trị mà ông lồng vào trong truyện thơ này.
Trong khi sơ lược miêu tả vẻ đẹp sắc sảo, linh hoạt và thu hút của Thuý Kiều kèm theo trí thông minh và tài năng thiên phú về các môn thi, họa, nhạc của nàng, đại thi hào Nguyễn Du đã tỉ mỉ kể cho chúng ta rõ tấm lòng nhân hậu, đa cảm và hay quan tâm của Thuý Kiều qua những sự kiện sau:
Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh, nàng lưu ý ngôi mộ không hương khói:

“Rằng: Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

Sau khi nghe thuật kiếp hồng nhan của ca nhi Đạm Tiên, Thuý Kiều cảm thương đến rơi lệ:

“Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Rồi nàng thắp hương, cúi lạy Đạm Tiên:

“Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.
Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra.”


Cũng trong lần đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh ấy, Thuý Kiều gặp Kim Trọng và yêu chàng. Tuy nhiên, sau này khi gặp gỡ riêng tư với Kim Trọng trong cảnh “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì nàng đã thưa rằng:

“Thưa rằng: đừng lấy làm chơi,
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao !”

Và rằng:

“đã cho vào bậc bố kinh,
đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầụ
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi !”
“Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt lại đền bồi có khi !
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân .”

Như bao nhiêu cô gái trong thời phong kiến, Thuý Kiều rất trọng chữ trinh, nhưng khi cha và em trai rơi vào vòng lao lý bởi những kẻ gài bẫy gây oan, nàng đã bán thân mình để cứu cha và em:

“Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
.. Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha !”

Tuy nhiên, khi bị Tú Bà ép rước khách, nàng đã dùng dao tự vẫn.

“Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.”


Nhưng, mũi dao không kết liễu cuộc đời nàng! Thuý Kiều đã phải đắm sâu vào kiếp phong trần bởi lời ngon ngọt của Tú Bà, sự lừa gạt của Sở Khanh, sự truy cùng đuổi tận, và hành hung tàn nhẫn của mụ môi giới tình dục.
Trong thân phận của kẻ bị áp bức, Thuý Kiều luôn ước mong thoát khỏi tay Tú Bà. Thúc Sinh là người đã đã giúp nàng thực hiện ước vọng. Hắn đưa nàng ra khỏi Lầu Xanh và chung sống với nàng như phu phụ. Tin đến tai vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư. HoạnThư rất căm tức nhưng bình tĩnh lập kế hại Thuý Kiều và bẻ mặt chồng. Bà sai người chuốc thuốc mê Thuý Kiều , đốt nhà của Thuý Kiều và Thúc Sinh, dựng hiện trường giả rằng Thuý Kiều đã bị chết cháy, xong tạo tình cảnh dở khóc , dở cười cho Thúc Sinh chứng kiến cảnh bà đày đọa Thuý Kiều.

“Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quì tận mặt bắt mời tận tay.”

Hoạn Thư đã ép Thuý Kiều dâng rượu cho chồng uống, hát cho chồng nghe, đe nẹt khi nàng tấu lên những ca khúc làm chồng bà buồn, rồi sau cùng, buộc nàng phải xuất gia, mặc áo cà sa và tu ngay trong chùa của khuôn viên nhà.
Nếu Thuý Kiều khổ não cảnh mua hương bán phấn trong Lầu Xanh dưới sự cai quản của Tú Bà, thì trong khuôn viên của vợ chồng Thúc Sinh, nàng đã bị Hoạn thư đày đọa tinh thần đến cùng cực. Hành xử của Hoạn Thư đã khiến Thúc Sinh cũng đành thua cuộc, túng cùng. Nguyễn Du đã tỏ rõ tình cảnh này như sau:

“Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
Thực tang bắt được dường này,
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng.
Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu!
Thân ta ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!”

Vải Giác Duyên hiểu rõ tình cảnh của Thuý Kiều bị ép tu trong tình cảnh quản thúc nên giúp nàng tìm đường trốn thoát. Vải Giác Duyên tưởng giúp Thuý Kiều trú chân trong nhà Bạc Bà trước khi trốn thoát, ai ngờ Bạc Bà cũng một phường tham lam như Tú Bà:

“Nào ngờ cũng tổ bợm già,
Bạc bà học với Tú bà đồng môn!
Thấy nàng mặt phấn tươi son,
Mừng thầm được mối bán buôn có lời.”
Bạc Bà ép nàng lấy cháu của mình là Bạc Hạnh
“Thế nào nàng cũng phải nghe,
Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai.
Bấy giờ ai lại biết ai,
Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh.
Nàng dù quyết chẳng thuận tình,
Trái lời nẻo trước lụy mình đến sau.”
Cùng đường dù tính chữ tòng,
Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
Nữa khi muôn một thế nào,
Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu?"

Thuý Kiều đã than thân trách phận rằng:

“Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!
Nghĩ đời mà chán cho đời,
Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!
Tiếc thay nước đã đánh phèn,
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!”

Nhưng rồi một đêm trăng thanh gió mát , nàng đã gặp Từ Hải, một người oai dũng và khí phách.

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.”
Hai người đã gá nghĩa trăm năm.
“Trai anh hùng, gái thuyền nguyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.”


Từ Hải là thủ lĩnh tài ba đã từng làm điêu đứng triều đình nhà Minh. Với oai danh của mình, Từ Hải đã giúp Thuý Kiều trả thù những người làm hại nàng trước đây như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh và thi ân vải Giác Duyên.
Khi được Từ Hải hết lòng thương yêu, Thuý Kiều tưởng sẽ được sống an vui trong cảnh phu phụ đầm ấm:

“Nàng rằng phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng môt lòng xin đi”

Ai ngờ Thuý Kiều nghe lời thuyết khách ma quỷ của Hồ Tôn Hiến, khuyên bảo Từ Hải ra hàng triều đình để có thể sống một đời bình thường, nên Từ Hải sa vào hoàn cảnh tuyệt vọng “Mắc mưu chết đứng giữa đàng”.
Trước cái chết của Từ Hải, nàng đã than rằng:

“Khóc rằng: Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!
Mặt nào trông thấy nhau đây?
Thà liều sống thác một ngày với nhau!”

Oái ăm thay, Thuý Kiều không chết. Sắc đẹp của nàng đã khiến Hồ Tôn Hiến động lòng.

“Quan quân kẻ lại người qua,
Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần.
Đem vào đến trước trung quân,
Hồ công thấy mặt ân cần hỏi han.
Rằng: Nàng chút phận hồng nhan,
Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!”

Sau khi cho phép Thuý Kiều cảo tang Từ Hải, Hồ Tôn Hiến bắt nàng hầu rượu, rồi đàn hát cho hắn thưởng thức.

“Trong quân mở tiệc hạ công,
Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu”

Mặc dù Thuý Kiều đàn nhạc khúc ai oán, não lòng than cho thân phận bạc mệnh của mình nhưng đã làm hắn mê say muốn chiếm đoạt:

“Nghe càng đắm ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!”

Hành động của hắn đã khiến Thuý Kiều phải than:

“Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời ?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang.”

Số “hồng nhan bạc mệnh” của Thuý Kiều đã khiến Tam Hợp đạo cô chép miệng than với vải Giác Duyên rằng:

“Hết nạn ấy đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần!”

Nhưng nhà sư đã đề cao cái tâm của Thuý Kiều đã động lòng trời, khiến nàng hết kiếp nạn:

“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm,
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.”
 

Vải Giác Duyên nghe xong, lân la đến song Tiền Đường tìm cách cứu mạng Thuý Kiều đưa về chăm sóc. Sau này, khi Vương quan và Kim Vân đi tìm chị , nhờ vải Giác Duyên chỉ chỗ, đưa về đoàn tụ gia đình.
Đại thi hào Nguyễn Du đã mượn lời của sư Tam Hợp để ca ngợi cái tâm của người con gái xinh đẹp, có tâm có tài nhưng không may mắn- vận mệnh không được phần thanh cao. Qua cuộc đời truân chuyên mà Thuý Kiều trải qua, đại thi hào Nguyễn Du cho chúng ta thấy những tệ đoan trong xã hội phong kiến thời bấy giờ, mà bất cứ xã hội nào thời nay cũng không tránh khỏi. Những hành vi của họ luôn gắn liền với mưu kế thâm độc để bẫy những người hiền lương vào những lợi ích gian manh của họ. Và để kết thúc vấn đề được đưa ra trong phần mở đề về chữ tài, đại thi hào đã muốn khuyên chúng ta rằng:

“Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh."

Truyện Kiều quả là di sản triết học Đông Phương qua cảm nhận và đánh giá đúng đắn về nhân tình thế thái của người Việt. Bất cứ thời đại nào, xã hội nào, bên cạnh những con người tài đức, trung hiếu, nhân hậu, chúng ta cũng thấy không thiếu con người tham lam, hãm hại, lợi dụng, ganh tị, gian trá, xảo quyệt… Những hành vi xấu xa này có thể bức bách những con người lương thiện (bình thường hay tài đức) đến chỗ đau khổ, ân hận, thậm chí cái chết. Những con người tài hoa với tấm lòng nhân hậu như Thuý Kiều còn lâm vào cảnh bị bức tử huống hồ những người có tài mà không đức. Nếu có tài mà không đức thì tai họa ngẫu nhiên rơi xuống không thể lường. Suy cho cùng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và đây là câu nói mà người Việt nào cũng thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói về tâm và tài.

Đại thi hào Nguyễn Du không những đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản thơ truyện lục bát giá trị và còn cho chúng ta nhân sinh quan sống hết sức hữu ích. Ngày nay, chúng ta, các văn thi sĩ Việt Nam cố gắng noi gương tiền nhân, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị để tiếp tục phát triển văn học Việt Nam. Tiếp tục dạy cho con cháu chúng ta nói tiếng Việt, hiểu thơ Việt. Dù ở nơi nào, chúng ta nên tâm niệm rằng: 

“Tiếng Việt còn, người Việt còn!”

Cung Thị Lan
Ngày 16 tháng 9 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét