Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.
Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải.
Mọi việc suông sẻ nên cảm thấy rất yêu đời, tôi tinh nghịch nhắm bên mắt
trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh,
rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi lên reo vui, cảnh vật trong
trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng
Windex. Nhớ lại ngày mổ mắt, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường
Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn các thủ tục thông
thường như những lần phải thử nghiệm hay mổ xẻ trước đây, nhưng lòng tôi
thanh thản không một chút âu lo. Từng giọt thuốc an thần từ túi treo
trên cao nhỏ vào mạch máu làm tôi chơi vơi, bềnh bồng.
– Bà Nguyễn, bắt đầu nhé!
Tiếng bà bác sĩ nhẹ nhàng thoảng bên
tai, mắt tôi tê đi, không cảm giác. Chợt hai đốm đen hình vuông hiện ra
rồi từ từ một vầng mây màu hồng đỏ, màu đỏ tuyệt vời, bay bay. Một mảng
xanh “turquoi” lượn lờ trên nền trời xanh trong. Cứ thế, những quầng mây
màu sắc đẹp chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhẹ nhàng bay bay, chơi vơi,
chơi vơi…đưa tôi đi vào một vùng an lạc mênh mông như có tiếng gió nhẹ
nhẹ, như có tiếng thầm thì và tôi thiếp đi trong cảm giác thật êm ái lạ
lùng.
– Xong rồi, bà Nguyễn! Bà nghỉ ngơi một chút rồi về nhé. Sáng mai trở lại gặp tôi.
Tôi bừng tỉnh khi bà bác sĩ dịu dàng vỗ nhẹ cánh tay tôi, chiếc giường lại được đẩy về phòng đợi khi sáng.
Trong đời, hai lần tôi có niềm sung
sướng ấy. Niềm hạnh phúc mênh mông trong tuyệt vời cảm giác, như mê
thiếp trong hoan lạc dị thường… Lần đầu tiên là sau một buổi tọa thiền,
đặt lưng xuống giường, tôi mê đắm trong cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng
ấy.
Miên man trong suy nghĩ, tôi cùng ông xã đã về đến nhà con gái. Tuần này chúng tôi đến ở chơi nhà con như một kỳ nghỉ hè.
– Bố mẹ dậy sớm thế, đi những đâu rồi? Bố mẹ có lên những con đường đi bộ trên núi chưa?
Cô con gái đang tỉa mấy cây hồng trong khu vườn trước cửa ngước lên hỏi khi thấy chúng tôi về.
– Chưa, bố mẹ mới đi quanh đây thôi.
Nhà cửa đẹp, không khí thật êm ả, thanh bình. Mai các cháu có đi leo
núi, có đi “hiking” nhớ rủ ông bà đi cùng nhá!
– Mời ông bà vào uống cà phê, ăn tạm một miếng bánh “croissant” rồi chúng con đưa ông bà qua San Francisco chơi.
Tiếng cậu con rể từ trong nhà vọng ra, cùng mùi cà phê tỏa ra thơm ngát.
Đã lâu không ghé thành phố biển Cựu
Kim Sơn, khung cảnh vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Bầu trời hôm nay
màu xám, nhiều mây và hơi lành lạnh, nên dù đang mùa hè vẫn phải mặc áo
ấm. Vẫn những chiếc xe điện kêu leng keng, chở du khách thăm thành phố.
Con đường Lombart vẫn ngoằn ngoèo và những con dốc dựng đứng làm chùn
bước những người lái xe còn yếu. Khu quanh biển vẫn tấp nập khách nhàn
du. Sau khi lái xe một vòng quanh phố, chúng tôi ghé lại công viên cho
các cháu chạy nhảy, chơi đùa. Khi tụi nhỏ đã mệt rồi, cả nhà kéo vào
phố Tàu ăn mì trong một tiệm khá ngon.
Về tới nhà còn sớm nên các cháu rủ xuống hồ bơi.
– Mẹ mới “surgery,” xuống hồ bơi mẹ cẩn thận nghe.
Cô con gái luôn miệng nhắc vì cháu
nghe kể có người sau khi mổ “cataract” không giữ gìn kỹ nên bị thông
manh, nhìn mọi vật không rõ nữa.
Mang cặp kính đen to bản của nhà
thương cho, tôi nằm trên chiếc phao nổi trong một góc khuất của hồ bơi
mặc cho mấy ông cháu chơi đùa. Hai vợ chồng cô con gái lúi húi sửa soạn
cho bữa ăn tối ngoài vườn.
Buổi sáng trời không mây, bây giờ vài
cụm mây trắng từ đâu tới, lang thang trên bầu trời xanh trong đưa tôi về
thời gian cách đây mười mấy năm mà tưởng chừng như mới hôm qua…
***
Đó là khi tôi còn đi làm. Một buổi
chiều đang ở sở tôi bổng lên cơn ho sặc sụa, ho như xé ruột gan, nước
mắt chảy ràn rụa, tôi phải xin phép về sớm. Tôi rất ghét đi bác sĩ vì
không thích cảnh ngồi dài người chờ đợi nên thường khi bị ho như thế tôi
chỉ uống thuốc ho, nhờ nhà tôi xoa dầu nóng khắp châu thân rồi nằm
nghỉ. Sau một giấc ngủ dài là khỏe lại ngay. Lần ấy nhà tôi nhất định
đưa tôi đi bác sĩ.
Sau những khám nghiệm thông thường, bà bác sĩ lấy một dụng cụ nhỏ kẹp vào ngón tay tôi. Đọc kết quả bà thốt lên:
– Bà Nguyễn, bà phải nhập viện ngay. Độ oxygen trong máu bà thấp quá, chưa đến tám mươi phần trăm!
Bà nói nhân viên gọi ngay xe cứu
thương. Hai vợ chồng nhìn nhau tê điếng. Trầm trọng vậy sao! Xe cứu
thương đến, mọi vật như lao xao và tôi như người mộng du, nằm trên chiếc
băng ca, chui vào lòng chiếc xe hụ còi chạy nhanh.
Trong phòng cấp cứu tôi vẫn thảng
thốt, mới tuần trước đi Houston ăn Tết với gia đình cô em gái, khỏe mạnh
không một triệu chứng nào, bây giờ nằm đây những dây cùng nhợ. Vô
thường đến vậy sao!
Mỗi ngày y tá đến lấy máu, cứ vài
tiếng lại đo nhịp tim, đo huyết áp, đưa tôi chui vào hết máy nọ, máy kia
để tìm bịnh. Mấy hôm đó trời chuyển mưa, gần như ngày nào cũng có mưa,
có ngày mưa nhẹ, có ngày mưa như vũ bão, gió rít từng cơn. Buổi chiều
sau khi tan sở là nhà tôi và cháu út lại đến thăm, ngồi bên giường đến
tối mịt mới về. Ban đêm còn lại một mình tôi không tài nào ngủ được,
lòng ngổn ngang trăm mối, mệt mỏi thiếp đi thì y tá lại vào để đo nhiệt
độ, đo tim, đo máu, lấy máu để thử nghiệm.
Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi làm “Angiogram” nhà tôi và cháu út đang ngồi cạnh giường. Viên bác sĩ đến đã thản nhiên nói:
– Tôi rất buồn, bà Nguyễn, bà vướng
phải một căn bệnh hiếm, “Pulmonary Hypertension,” bịnh không chữa được,
chỉ đợi thay phổi, thay tim. Bà còn sống khoảng chừng hai năm, hãy thu
xếp và hãy vui những ngày còn lại.
Mặt nhà tôi trắng bệch ra và thằng con
cắn môi, dụi mắt để ngăn tiếng nấc. Tôi điếng người nhận bản án tử
hình! Tôi có cảm giác mặt tôi như đanh lại và người như tê đi.
Buổi sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe
lăn rời khỏi bệnh viện, trong lòng tôi đau đớn vô ngần. Từ nay tôi là kẻ
tàn phế. Mũi lúc nào cũng phải có ống thở oxygen. Tôi thật sự thành
người tàn phế!
Sau một tuần mưa gió, hôm ấy trời nắng
ấm. Tôi nhớ căn nhà nhỏ của tôi, xa có hơn mười ngày mà tưởng chừng như
lâu lắm. Trước nhà, cả dãy Hồng dọc lối đi đầy hoa. Vào nhà, tôi ra
sân sau thăm khu vườn nhỏ, vạn vật như tươi cười trong nắng. Cây
Apricot hoa chi chít từ gốc đến ngọn, màu hồng dịu dàng như màu hoa Anh
Đào của Nhật. Cây Mận đầy hoa trắng xóa trên cành. Cây Đào ăn trái hoa
thưa hơn, màu hồng đậm hơn, duyên dáng ở một góc vườn. Bên hông nhà một
dàn Nho vòm tròn hình vòng cung, lá non xanh và những chùm nho xinh xinh
đã tượng hình. Bao phủ mặt đất từng khoảng cúc tím, cúc vàng nở rộ,
những bông “Lily of the Nile” cũng như cố vươn lên mỉm cười với tôi.
Thoang thoảng hương thơm của bụi hoa Nhài trộn lẫn hương hoa Hồng, dàn
hoa Hồng với những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng hai mươi lăm xu, màu hồng
phấn, thơm nhè nhẹ. Hai cây Bông Giấy đỏ thắm quấn quýt hai bên cột
“patio.” Nhìn phong cảnh của khu vườn mà lòng tôi nghẹn lại.
Bấy giờ là mùa xuân, chim non ríu rít
truyền cành. Cảnh đẹp quá, thiên nhiên đẹp quá. Tôi như say với nắng,
màu nắng thật ngọt ngào. Tôi như say với gió, làn gió thật thơm tho.
Từng phiến lá rung rinh, từng cánh hoa khoe sắc… Trời ơi… cảnh tươi đẹp
thế kia, tôi yêu quá… thế mà chỉ hai năm, hai năm là hai mươi tư tháng,
là bẩy trăm ba mươi ngày tôi phải vĩnh viễn rời xa. Tôi chỉ còn thời
gian ngắn ngủi như thế trên cõi đời này sao… và tôi đã bật khóc.
Những chuỗi ngày tiếp theo ủ ê, buồn
nản. Ban ngày chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng, đi vào, đi ra… dù sao
tôi cũng phải sửa soạn, sửa soạn cho một chuyến đi thật xa, về miền
miên viễn. Đầu óc mông lung, nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi lại vùi đầu vào
gối mà khóc, khóc cho vơi, khóc cho thỏa. Ban đêm giấc ngủ chập chờn với
những cơn ác mộng, tỉnh dậy mệt nhoài, trăn trở.
Tôi thấy mình như đang đi trên một
cánh đồng vắng lặng, hoang vu. Trời xám và hình như lất phất mấy giọt
mưa. Đồi núi mênh mông, cỏ mênh mông, những bông cỏ may như bám vào mặt,
những ngọn cỏ dại như vướng vào chân. Cảm giác bơ vơ đến tột cùng. Bỗng
một đám người từ đâu ùa tới đuổi dồn tôi vào một ngõ sâu hun hút, như
một con đường hầm tối đen. Tôi cắm đầu chạy và như hẫng chân, bừng tỉnh,
tim đập mạnh, mệt nhoài.
Từ ngày ở nhà thương về tôi hay có
những cơn ác mộng như thế. Trong cơn mơ tôi thường gặp những đám người
đen đúa, bẩn thỉu, không ra mặt người, không ra mặt quỷ chạy đuổi tôi và
tôi chạy trối chết cho đến khi hoặc như vấp phải vật gì hoặc vì quá
nhược sức tôi ú ớ vùng tỉnh dậy.
Tôi
nghe nói khi con người ở bên bờ tử sinh hay nhập nhòa, chập choạng nhìn
được cõi bên kia, một thế giới vô hình mà khi mạnh khỏe, dưới ánh mặt
trời ta không nhìn thấy. Tôi nhớ hồi mẹ chồng tôi bịnh, đến gần ngày cụ
mất cụ hay mê sảng: “Sao ở đâu ra mà lắm người vào nhà mình thế này.
Đuổi đi, đuổi chúng nó đi”.
Tôi buốt ruột khi nghĩ đến cha mẹ tôi,
hai thân già còm cõi sẽ phản ứng ra sao nếu tôi bất hiếu đi trước, để
cho “lá úa phải khóc lá xanh,” bầy chị em mỗi năm vẫn ríu rít gặp nhau
và con, cháu tôi… Tôi sắp phải dời xa tất cả. Có đêm tôi mơ tôi mặc
chiếc áo dài nhung đỏ nằm bình an trong chiếc quan tài, đèn nến lung
linh và tôi bay như chim trong bầu trời bát ngát, thoải mái, nhẹ nhàng.
Tôi yếu và hốc hác hẳn vì lo buồn, vì
khó ngủ, vì nghĩ ngợi lung tung. Ngày nghỉ nhà tôi đưa đi bộ quanh khu
nhà ở hoặc ra khu công viên có cỏ hoa tươi tốt cho tinh thần sảng khoái
nhưng cứ đi được một quãng ngắn là tôi phải dừng lại thở dốc, lên ba bốn
bậc cầu thang tim đã đập thình thịch phải ngừng!
Cho đến một đêm lũ người đó lại
đuổi theo tôi, tôi lấy hết sức bình sinh cắm đầu chạy. Những bước chân
chạy theo đằng sau dồn dập, như gần, thật gần. Rồi không hiểu sao trong cơn sợ hãi ấy bản năng của tôi bỗng trổi dậy với một ý chí quật cường. Tôi quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào đám người đen đúa, bẩn thỉu đó và quát vào chúng:
– Sao tụi bay theo tao hoài vậy, có đi đi không?
Rồi tôi lao thẳng tới đuổi họ. Họ quay người chạy đi và biến mất.
Kể từ lần ấy tôi không còn nằm mơ thấy mình bị rượt đuổi nữa. Thì ra “ma trong mơ” cũng biết sợ kẻ mạnh và ăn hiếp kẻ yếu đó chứ!
Các bạn trong sở chia nhau đến phụ nấu
cơm nước và chuyện trò làm tôi vui. Các bạn ở xa biết tin cũng điện
thoại hỏi thăm, gửi tặng kinh sách và băng giảng của các Thày. Những sự
ủng hộ tinh thần này, cộng với sự lo lắng, chăm sóc, và thương yêu của
gia đình đã giúp tôi mạnh mẽ hơn lên.
Và tôi quyết chí phải chống lại chứng
bệnh ngặt. Tôi bắt đầu tập thiền. Cậu em rể đem bài chỉ dẫn cách tập
Dịch Cân Kinh bảo tôi cố tập. Hàng tuần tôi phải đi ba bác sĩ, một
chuyên về tim, một chuyên về phổi, và vẫn phải trở lại bà bác sĩ gia
đình. Mỗi tháng phải đến phòng khám bệnh của trường Đại Học UCLA để bác
sĩ chuyên môn về bịnh Pulmonary Hypertension điều trị. Tiểu Linh, bạn
của cô em tôi, PhD về Đông y, sau khi bắt mạch, khám bịnh có cho một toa
thuốc tăng cường thể lực, cân bằng khí huyết và nhìn sắc diện tôi cô
nói: “Chị còn vượng lắm, cần nhất là giữ tâm thanh thản và tinh thần
vững vàng thì chị sẽ vượt qua.”
Mỗi tối tôi ngồi khoanh chân tập thở.
Lúc đầu, tôi chưa thể xua đi những tạp niệm, chưa thể lắng tâm tư mình
như lóng gạn bình nước táo. Tôi ôn lại cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến
lúc trưởng thành, những vất vả gian nan sau năm 1975 khi chồng phải đi
cải tạo, những vinh nhục khi lên voi lúc xuống chó, những ngày lênh đênh
trên chiếc thuyền con ra khơi vượt biển, những khó khăn khi một nách
hai đứa con thơ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, phất lên rồi
thất bại và bây giờ lại mắc căn bịnh hiểm nghèo. Tại sao? Tại sao??
Những câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu óc. Có những lúc tôi như ngộp thở rồi
lại dằn lòng xuống, tập trung để cố gắng hít vào thật sâu và thở ra
thật từ từ.
Nhà tôi là người ít nói, sự lo âu làm
cho anh lại càng ít nói hơn. Muốn an ủi vợ mà chẳng biết nói sao, chỉ
nhắc nhở uống thuốc, chịu khó đưa đi bác sĩ và ái ngại khi thấy tôi ủ
dột, buồn phiền. Thằng cháu út ra vào im lìm, không dám làm gì gây tiếng
động mạnh, len lén nhìn mẹ xót thương. Thỉnh thoảng tôi nhói lòng khi
bắt gặp nhà tôi ngồi trong xó tối khóc lặng lẽ. Không khí trong nhà thật
ảm đạm, thê lương.
Nghĩ đến lời nói của ông bác sĩ và
khuôn mặt vô cảm của ông ta ngày trước, tôi thật giận và trong một lần
đến phòng mạch của ông tôi đã hỏi thẳng:
– Thưa bác sĩ, ông có phải là Thượng
Đế không mà ông biết rõ ngày giờ tôi chết? Sao ông có thể nói như vậy
với bệnh nhân? Nếu tinh thần người bịnh không vững thì tôi nghĩ họ có
thể chết vì lời nói của ông chứ không phải vì căn bịnh.
Ông bác sĩ có vẻ không phật lòng chút
nào, chắc vì đã quá quen với những trường hợp như thế, nên ông đem một
quả tim bằng plastic ra để giảng giải. Ông đưa những tài liệu về căn
bệnh này và chịu khó ngồi trả lời những câu hỏi vặn vẹo của tôi. Tóm lại
bịnh chưa có thuốc chữa, con người sống nhờ máu đưa oxygen đi nuôi cơ
thể, áp suất trong phổi cao nên phổi khó hấp thụ Oxygen, phổi không làm
việc tốt thì tim phải làm việc nhiều, phải bơm máu nhiều lần hơn cho đủ
lượng oxygen cần thiết và như thế thành của quả tim sẽ dầy ra, to ra,
đến một ngày tim sẽ chai cứng, sẽ đình công không làm việc nữa…và ông
khuyên tôi phải cắm ống thở vào mũi cả ngày lẫn đêm để tăng cường nồng
độ oxygen trong máu cho tim bớt khổ, đợi đến ngày gặp cơ hội có tim phổi
sẵn sàng để thay. Bệnh viện ở UCLA đã ghi tôi vào danh sách chờ người
cho tim phổi.
Khi trời chớm vào Thu, gió nhè nhẹ,
nắng hanh hanh. Rặng phong hai bên đường bắt đầu đổi màu. Sau mấy tháng
đã quen, ống thở không làm tôi vướng víu. Hàng ngày, giọng nói hiền từ,
dịu dàng như người cha già của thầy Thích Thanh Từ qua các băng giảng đã
cho tôi hiểu về lẽ vô thường, về lý nhân duyên, về luật nhân quả và
nhất là về nghiệp lực của con người qua đời đời kiếp kiếp. Thời kỳ xuống
tinh thần đã qua, tôi lấy lại tự tin cho cuộc sống. Buổi sáng tôi ra
sân sau tập thể thao, ngắm trời đất, cỏ cây, những chiếc lá vàng đã lác
đác rơi. Tôi yêu đời nhưng tôi không còn sợ chết. Tôi đã hiểu ra, ai rồi
cũng phải chết, đâu có ai sống hoài. Tôi thấy tôi thật hạnh phúc là đã
được báo trước chuỗi ngày còn lại, để có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời,
về thân phận con người. Tôi không còn dằn vặt mình, không còn than trời
trách đất. Tôi hết so sánh với các em, các bạn để buồn tủi về định mệnh
nghiệt ngã của mình. Sống một ngày vui một ngày, tôi tự nhủ và tôi sẵn
sàng đứng dậy như bao lần trong cuộc đời tôi đã từng gục ngã rồi lại cắn
răng đứng dậy để vươn lên. Nếu có vướng nghiệp từ muôn kiếp trước thì
tôi vui lòng trả cho hết nghiệp trong kiếp sống này và tôi sửa soạn sẵn
sàng để ra đi.
Tự tin như thế, yêu đời như thế, tôi
chấp nhận số phận, và nghĩ mình phải làm một cái gì đó trước khi ra đi,
chứ không thể ngồi mà...đợi chết! Phải nói là tôi rất cám ơn nước Mỹ,
cám ơn cộng đồng của cái đất nước tự do tuyệt vời này, đã cung cấp thật
nhiều cơ hội mở mang kiến thức cho những ai thích học hỏi, để cho tôi
được hưởng ké theo ngày ấy. Tôi vào “Recreation Center” của thành phố
tìm lớp học. Tôi học vẽ, học làm đồ gốm, và học trang trí nhà cửa. Ở đây
tôi có thêm nhiều bạn mới, những người già đã về hưu, những người nội
trợ sau khi đưa con đi học thì vào trường. Ngồi trong lớp tôi chăm chú
nặn những bình hoa, sáng tạo những vật dụng trong nhà. Tôi khắc những
con búp bê Nhật Bản thật là xinh. Rồi những ngày đẹp trời tôi đem giá vẽ
ra vườn để đắm mình vào thế giới của màu sắc. Tôi bắt đầu viết văn.
Những bận rộn và sự đam mê nghệ thuật đã giúp tôi quên đi bệnh tật.
Nhiều lúc tôi lẩn thẩn nghĩ, nếu không bịnh tôi có được về hưu sớm và sống thoải mái như thế này không!
Biết tôi bị bệnh, bạn bè quen biết xúm
nhau kẻ khuyên ăn món này người cho món khác. Một chị bạn gửi cho hột
cải thuốc của Nhật, lá cải tựa như lá rau cải làn bảo gieo hột trồng cây
lấy lá ăn tốt lắm. Tôi rắc luôn cả gói, chỉ mấy tháng đã có cải non ăn.
Có người bạn khác gửi cho đĩa tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Thế là cứ buổi
sáng thì Dịch Cân Kinh và buổi tối thì SNTT. Khi ngồi thiền tôi đã bớt
nghĩ ngợi lung tung, hít vào thật sâu và khi thở ra tôi thấy rõ luồng
hơi ấm chuyển trong người. Bên cạnh thuốc tây tôi đã uống mấy trăm thang
thuốc bắc. Uống thuốc tây nhiều khi chữa được phổi lại hỏng gan. Thuốc
bắc gia tăng hệ thống miễn nhiễm và giúp điều hòa khí huyết.
Thời gian từ từ trôi, tôi tìm đến
nhiều bạn thân, đến nơi hội họp. Tôi nhờ ông xã chở đi tham gia các buổi
văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, tham gia các câu lạc bộ thơ văn, vui với
các hội nhóm phụ nữ. Ở nhà tôi viết văn, vẽ, và tập viết thư pháp. Tôi
hết mặc cảm với ống tube oxygen, còn đùa giỡn là mình có “món nữ trang
đặc biệt,” trêu chọc ông chồng già của tôi để “cheer him up.”
Khi hết thời gian hai năm theo phỏng
đoán của ông bác sĩ, tôi thấy người khỏe khoắn hơn rất nhiều. Khi gặp
lại ngài bác sĩ đã phán sau hai năm tôi phải chết, thì ông ta cười:
– Bà Nguyễn, bà là bệnh nhân tuyệt
vời. Bà là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh hiếm này mà không bị tồi tệ hơn.
Bà ráng cầm cự thêm vài năm, họ đang nghiên cứu nhiều, hy vọng sẽ tìm ra
thuốc tốt để chữa căn bịnh này.
Mười bẩy năm đã trôi qua từ ngày ấy. Bây giờ tôi vẫn còn đây!
Sự nghiên cứu của các khoa học gia vẫn giậm chân tại chỗ đối với “căn bịnh hiếm” này chứ chưa tìm ra giải pháp nào khá hơn.
Nhưng chính tôi, một người từng đứng
giữa đôi bờ sinh tử, đã tìm thấy những kinh nghiệm vô cùng tuyệt vời có
thể giúp những bịnh nhân như tôi tồn tại. Xin tóm tắt chia sẻ với bạn
đọc: Sống tự tin, hòa nhập với gia đình, bạn bè, cộng đồng, học, và tham
gia nghệ thuật. Đặc biệt nhất, là môn thiền định. Tôi đã áp dụng triệt
để môn ngồi thiền để buông xả hết lo âu sầu muộn và giữ được lòng thanh
thản an nhiên. Có thể nói, thời gian ấy, tôi yêu đời còn hơn bất cứ ai…
Đỗ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét