Đời xưa có câu khá nổi tiếng:
“Lương y như từ mẫu” (Thành ngữ Việt Nam)
Ý của câu nói là người thầy thuốc giỏi cũng ví như người mẹ hiền. Mẹ nuôi con từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành với tình thương yêu vô bờ bến. Không quản ngại bất cứ khó khăn, tấm lòng của mẹ đối với con bát ngát như biển rộng Thái Bình Dương. Người thầy thuốc chẳng những cần giỏi, mà còn cần tốt và nhân ái đối với người bệnh.
Nghĩ cho cùng, thuở xưa hay ngày nay, bao giờ cũng cần hai yếu tố quan trọng như vậy: người y sĩ cần giỏi và tốt.
Trở lại chuyện ngày xưa, còn một câu khác tương đối ít người biết hơn:
“Lương y đa kỳ tật” (Thành ngữ Việt Nam)
Câu này có nghĩa là thầy thuốc giỏi hay có “kỳ tật”. Chữ “kỳ tật” ở đây có nghĩa là nét đặc biệt. Có lẽ người xưa muốn ám chỉ những thầy thuốc giỏi thường khác biệt với những thầy thuốc bình thường?
Có thể người thầy thuốc dám dùng những phương cách chữa bệnh táo bạo, những thang thuốc đặc biệt không có trong sách vở và lại thành công trong việc chữa bệnh. Nhưng thời nay có mấy người thầy thuốc dám làm những chuyện như vậy?
Nhưng cũng có thể câu thành ngữ ám chỉ người y sĩ đặc biệt khác người ở chỗ làm được những chuyện khác ngoài phương diện y khoa như viết văn, làm thơ, âm nhạc...
Một thí dụ rất rõ ràng là người giáo sư y khoa quá cố Trần Văn Bảng.
Vị thầy đáng kính phục Trần Văn Bảng có tiểu sử tóm lược như sau:
- Tốt nghiệp: tiểu và trung học trường Bưởi, đại học y khoa Hà Nội.
- 1936: nội trú bệnh viện.
- 1940: bắt đầu dậy ở trường đại học y khoa, giảng viên đại học y khoa Hà Nội.
- 1954: di cư vào Nam, tiếp tục dậy sinh viên tại đại học y khoa Sài Gòn đến mãi sau 1975 khi qua định cư ở Pháp.
- 1956: tu nghiệp về bệnh Cùi ở Paris.
- Quản Đốc Chương Trình Bài Cùi và Trưởng Phòng Cùi Học tại Viện Pasteur Sài Gòn trong nhiều năm.
- Trưởng Khu Bệnh Truyền Nhiễm tại Bệnh Viện Tâm Thần Chợ Quán (bệnh viện của người điên).
Những thành tích đáng kể trong lĩnh vực y khoa của thầy Trần Văn Bảng:
- Huy chương vàng Y Khoa Hà Nội 1940.
- Huy chương vàng bộ y tế Sài Gòn.
- Dịch quyển Introduction à L'étude de la médecine expérimentale của Claude Bernard.
- Soạn cuốn Nomenclature des recherches médicales au Sud-Vietnam.
-Prix Marchoux cùi học 1962.
- Viết trên 30 bài viết về bệnh cùi.
Bình thường, đa số ai cũng sợ người cùi và người điên, nhưng giáo sư Bảng thì khác. Sau đây là lời thầy Trần Văn Bảng tâm sự trong cuộc phiếm luận tay ba về Tính Đam Mê với họa sĩ kiêm y sĩ Dương Cẩm Chương và bác sĩ giáo sư y khoa Nguyễn Hữu:
“ ...Sở dĩ tôi “mần” bệnh cùi là thấy khoa này nó hấp dẫn về bình diện nhân đạo của nó. Người cùi bị thành kiến sai lầm kỳ thị, hắt hủi, nên ngoài công tác điều trị ta còn phải cứu trợ tinh thần, phục hồi nhân vị cho họ. Đám người cùi đông đảo ở Việt Nam là một loại người đau khổ nhất trên đời. Tôi cùng với cộng sự viên, và những người kế tiếp, xây dựng Chương Trình Bài Cùi đã lượm được khá nhiều kết quả, cho đến ngày 30-04-1975, thì chương trình bị dẹp, người cùi lại trở về hoàn cảnh cũ...”
(Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ, trang 26 / Bằng Vân Trần Văn Bảng)
Miệt mài với những bệnh nhân khùng điên hay bị cùi và không thắc mắc mà còn vui mừng khi được người khác đặt tên là “Thầy Cùi”, cùng lúc thầy Bảng vẫn mê mải làm thơ. Thi hữu Lương Danh Môn đã trêu ghẹo thầy Bảng bằng hai câu sau:
"Đã trót say mê về Bệnh Hủi
Lại còn vớ vẩn với Nàng Thơ!"
Thầy là một nghệ sĩ, theo đúng nghĩa của chữ nghệ sĩ. Y khoa và văn nghệ đã pha trộn trong đầu óc người y sĩ. Những bài học thầy giảng dạy cho sinh viên đều có văn thơ đi kèm.
Dạy sinh viên y khoa về môn Triệu Chứng Học(Physical Diagnosis), ở bài học đầu tiên về Đau Nhức, thầy đọc ngay:
"Đau như đòn ghen
Rát như lửa bỏng"
Một thí dụ khác khi thầy Bảng giảng dạy về đả chẩn tức là cách thức gõ để khám bệnh (percussion). Lúc bác sĩ khám bệnh, gõ vào lồng ngực người có nước trong màng phổi (pleural effusion) sẽ thấy tiếng đục và gõ vào lồng ngực người bị bệnh nhiễm khí trong màng phổi (pneumothorax) sẽ thấy tiếng trong, thầy Trần Văn Bảng đã ví von câu thơ Kiều:
“Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”
Có khi đang dạy học, thầy đọc cả một bài thơ vừa sáng tác cho sinh viên nghe.
Phải nói ngoài y khoa, thầy Bảng lại có rất nhiều hoạt động văn nghệ.
Khi viết văn, làm thơ ngoài tên Trần Văn Bảng, thầy còn dùng những bút hiệu khác nhau Bằng Vân, Lưu Văn Vong và Sĩ Ngông.
Giáo sư Trần Văn Bảng đã từng là:
- Chủ biên tập san Y Khoa Sài Gòn.
- Trợ bút nội san trường Bưởi.
Những tác phẩm văn nghệ của giáo sư Bảng:
- Mảng Vui, Sài Gòn 1971.
- Mếu Cười, Texas 1979.
- Huyền Thoại Tình Và Thơ, Toronto 1981.
- Duyên Thơ Tình Bạn, Texas 1985.
- Thơ Dịch Bằng Vân - Sợi Tơ Lòng, Paris 1995.
- Một số tập thơ nhỏ:
. Sống Đẹp Chết Đẹp.
.Thơ Tục Cổ Kim (cộng tác với Quê Hương).
. Thơ Khóc Bạn.
- Một số khá nhiều bài viết trong các báo chí tập san ngành y khoa.
- Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ.
Đây là tác phẩm cuối cùng và lớn nhất. Giáo sư Trần Văn Bảng đã sưu tầm và giới thiệu khoảng gần 80 người, theo ý thầy, là những văn thi nhạc sĩ trong các ngành y dược nha khoa Việt Nam với đa số là y sĩ. Nhắc đến trong quyển sách, kể từ thuở xa xưa có những thầy lang nhà nho như Hải Thượng Lãn Ông (1720-?), Nguyễn Đình Chiểu (1882-1888), Phan Văn Trị (1830-1910)... qua những người tương đối “mới” nhưng cũng đã khuất như Phạm Hữu Chí (1905-1938), Nguyễn Tuấn Phát tự Anh Tuấn (1913-1981), Nguyễn Hữu Phiếm (1910-1976), Lê Khắc Quyến (1915-1978)... đến mãi những nghệ sĩ của các thế hệ y khoa “trẻ” gần đây như Ngô Thế Vinh, Trần Xuân Dũng, Nguyễn Trùng Khánh, Nguyên Bích, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Công Huyền Tôn Nữ Tường Vi...
Thầy sửa soạn, viết quyển sách này trong nhiều năm, cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Một người y sĩ nghệ sĩ già, tóc trắng như sương, cặm cụi viết về những người... khác trong những giờ phút cuối của cuộc đời quả là một hình ảnh cảm động!
Giáo sư Bảng khi qua đời đã để lại bản thảo và theo di chúc, quyển sách Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ dầy 608 trang, được Hội Y Giới Việt Nam Tự Do Tại Pháp và Hội Y Sĩ Việt Nam Tại Canada ấn hành năm 1997.
Cùng với các vị giáo sư khác như Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Hữu...vị giáo sư y khoa đáng kính phục Trần Văn Bảng đã xây dựng ngành y khoa Việt Nam từ lúc khởi đầu. Giáo sư Trần Văn Bảng nổi tiếng trong giới y khoa Việt Nam là người thầy dạy học rất giỏi, hết lòng dạy dỗ sinh viên y khoa và cũng có tiếng là một người thầy thuốc thật là nhân hậu, tận tâm đối với bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Văn Lân đã nhớ và ghi lại trong bài viết Giáo Sư Trần Văn Bảng Làm Thơ Và Làm Thuốc về phòng mạch tư của thầy Bảng ở Việt Nam ngày xưa. Ai đã từng đến phòng mạch tư của thầy Bảng ở Sài Gòn trước 1975 đều nhận thấy phòng mạch của thầy rất đơn sơ nhưng ấm cúng. Điều này hầu như có thể chứng tỏ thầy không giàu về tiền, nhưng chắc chắn thầy có nhiều tình người.
Đoạn văn sau đây viết năm 1995, khoảng một năm trước khi thầy từ giã cõi đời, khi một bạn văn thơ nhỏ tuổi hơn và cùng trong gia đình y khoa Việt Nam qua đời, cho thấy tâm hồn đầy tình cảm của giáo sư nghệ sĩ Trần Văn Bảng:
“ ...Đọc lý lịch Phạm Thế Trường, thấy anh sinh năm 1939: Anh qua đời mới có 56 tuổi, có lẽ đầu anh chưa bạc, chao ơi mệnh trời oái oăm:
Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây...
Tại sao vậy, anh Phạm Thế Trường ra đi để tôi ở lại như một chiếc lá vàng khô còn lay lứt trên cành: Đa thọ thì đa cảm lụy; càng sống lâu, càng “đau đớn lòng vì những điều trông thấy”. Đau đớn nhất là cảnh sinh ly tử biệt, nhiều người thân yêu đã đi trước mình. Mỗi lần nhận được hung tin, là lòng se sắt, gạt lệ viết bài thơ khóc bạn tổng cộng tới hơn 20 bài.
Nay được tin Phạm Thế Trường qua đời, mình muốn khóc, nhưng:
Tuổi già hạt lệ như sương...
Mình muốn cầm bút viết thì văn khí đã cạn..."
(Thương Tiếc Phạm Thế Trường/Trần Văn Bảng)
Bài thơ người nghệ sĩ già viết khi biết mình chẳng còn sống bao lâu:
"Khăn gói sẵn sàng rời quán trọ
Ra đi, lá rụng trước thu phong
Đoái trông vạn sự đều hư ảo
Kể cả tình yêu “có cũng không”...
...Tay không nợ trắng, ly bôi cạn
Nhẹ gánh ra đi ngả bóng chiều
Ấy thế là xong đời luẩn quẩn
Trong vòng hư ảo kiếm tình yêu.”
(Ra Đi/thơ Trần Văn Bảng)
Những vần thơ song thất lục bát thầy Bảng viết từ giã bạn bè khi nghĩ chẳng bao lâu sẽ đến lúc nhắm mắt:
“ ...Bạn ở lại, tôi đi trước nhé!
Có thương nhau cứ để bên lòng
Thở dài một tiếng là xong:
“Chao ơi! Tội nghiệp Sĩ Ngông chết rồi!”...
(Lời Chào Vĩnh Biệt/thơ Bằng Vân)
Là một gương sáng cho tất cả các thế hệ y sĩ Việt Nam về sau, giáo sư y khoa Trần Văn Bảng (1909-1996) chẳng những là một lương y đa kỳ tật, mà còn là một lương y như từ mẫu.
Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California, U.S.A.
Tháng 06, 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét