Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Bóng Câu Qua Cửa Sổ

Hàng sau: Yến Nga, Thiền
Hàng trước: Thanh Vân, Tuyết Mai. (Các nam sinh viên không nhớ tên)

Tôi bước vào khuôn viên trường Luật Cần Thơ khi tuổi chưa 20, cảm tưởng vừa ngỡ ngàng vừa vui thích. Ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được ghi danh với tính cách sinh viên, nghĩa là biết mình sẽ có chút gì tự do tự lập. Vui thích vì cảm thấy mình đã trưởng thành với tính cách sinh viên (dù chỉ là sinh viên trường Luật! ) thì đó cũng là một niềm hãnh diện nhỏ đi kèm theo vài mơ ước. Tuy chưa biết mình sẽ chọn ở cuối học trình để làm gì: Luật Sư, Chuyên Viên ngân hàng, Thẩm Phán.... nhưng viễn ảnh tươi đẹp làm lòng tôi vui vui và thoáng chút choáng váng. Điều thay đổi lớn trước nhất là được mặc áo dài màu thay vì chỉ áo dài trắng như lúc còn ở bậc Trung Học. Mỗi ngày tôi có dịp ‘làm dáng’ để mặc một màu áo khác nhau. Hai câu thơ của Nguyên Sa làm lòng tôi rộn rã: 

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Nhớ năm học đầu, trong giảng đường rộng lớn có khoảng 300 (?) sinh viên, tìm một chỗ ngồi không dễ, nên phải đến sớm để chọn chỗ.... Không biết cơ duyên nào, tôi (Thanh Vân) dân Vĩnh Long sang Cần Thơ, lại gặp một cô Vĩnh Long khác để trở thành bạn thân nối khố mà trước đó tôi không hề quen biết dù khi hai đứa kể về gia đình thì chúng tôi không lạ gì nhau (Vĩnh Long nhỏ nên gia đình này nghe tiếng của gia đình kia là điều thông thường). Cô Vĩnh Long khác ấy tên Yến Nga trở thành bạn thân và rồi sau đó 2 đứa tôi lại kết bạn thêm với hai cô Cần Thơ thuyần tuý khác nữa, đó là Thiền và Tùng. Thế là nhóm chúng tôi có 4 người, trở nên thân thiết và cùng chia sẻ buồn vui ngọt bùi. Điều chia sẻ trước nhất là chúng tôi thay phiên nhau đi học sớm để giữ chỗ cho ba đứa kia. Tình bạn của 4 đứa gắn bó, chân tình tưởng như chúng tôi đã quen nhau từ năm xửa năm xưa nào. Ở ngoài lớp học, lúc nào chúng tôi cũng kháo chuyện, cũng tâm tình, cũng đi ăn, cũng ciné... chung 4 đứa với nhau cả. Như hình với bóng. 

Một điều tôi vẫn nhớ là năm thứ nhất Luật, cô em vợ của thầy Khoa Trưởng Nguyễn Hữu Lành cùng học chung lớp với chúng ta. Cô là người Huế, nên cung cách không giống dân lục tỉnh của đa số sinh viên. Cô e thẹn, nề nếp, nhút nhát.... còn đám con gái miền Nam chung lớp thì ... rần rần nói cười, tự nhiên, vui vẻ. Cho nên cô ấy sau giờ học là vội vả đi trở về ngôi nhà bên cạnh giảng đường dành cho Khoa Trưởng. Dường như cô không kết bạn với ai, có lẽ vì giọng Huế rặc quá khó nghe để làm cho người miền Nam lục tỉnh hiểu. 

Giờ đây tên các Thầy của những năm học Luật tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ vài thầy như thầy Nguyễn Hữu Lành, thầy Vũ Quốc Thông, thầy Nguyễn Ngọc Huy.... nhưng khuôn mặt và tiếng giảng bài của các Thầy khác vẫn in trong trí nhớ. 

Tôi vẫn nhớ Thầy dạy Dân Luật (?) khi dạy Thầy có nêu trường hợp một phụ nữ bị hiếp dâm... thì tòa án buộc tội bị cáo thế nào.... và phải xem người phụ nữ có đồng tình không ? v..v.. và v..v.. Lúc ấy mới lớn lên, nghe giảng bài mà .... thẹn thùng. Nhớ Thầy dạy Luật Hành Chánh, thầy kể một công dân Pháp đi bộ buổi tối và ngả té vì có công trường sửa chữa ngoài đường. Anh công dân đi kiện chính phủ vì đã không chu đáo bảo vệ kỹ công trường để gây tai nạn cho dân. (Một chuyện lạ đối với dân VN ta, vì thuở ấy nào có ai dám đi kiện chính phủ!). Nhớ Thầy dạy Kế Toán rủ cả lớp đi picnic ở vườn ổi và có văn nghệ văn gừng bỏ túi ca hát, xướng thơ... thật là vui. Nhớ Thầy Dân Luật khác rất khó tính, đưa cours cho học nhưng dặn dò là không được học thuộc lòng bài của Thầy mà phải sáng tạo, Thầy còn hăm là nếu bài viết ghi lại y nguyên cours thì Thầy sẽ cho điểm nhỏ. 

Kỷ niệm nhiều lắm vì thời đẹp nhất vẫn là thời sinh viên. Thời ấy đẹp vì vừa bước ra khỏi ngưỡng ‘mài đủng quần ở trung học’ còn bị cha mẹ anh chị kiểm soát, phải đi thưa về trình, lên đến đại học thì kể như lớn rồi.... tha hồ tự do phóng khoáng! Nói vậy chứ thời trước 1975, con gái ở tỉnh còn hiền, còn nhát... dù có chút tự do cũng giữ gìn, giữ kẽ lắm, không giống như thời nay, nghe chuyện học trò trong nước mà hỡi ơi! Tuy vậy dưới mái trường Luật nhờ trai gái học chung và tuổi đã trưởng thành nên cũng có những trái tim rung động, những ánh mắt trộm nhìn, những lời tỏ tình vụng dại.... nhưng là những chuyện tình hiền lành và nhút nhát. 

Giáo sư Nguyễn Hữu Lành dự tiệc Tất Niên cùng với một phụ tá (?)
Cầm micro anh Thành (?), ngồi: Sĩ đang điều chỉnh ampli, lưng: Mẩn, áo đen: Tâm

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 làm đổ vỡ hết mộng mơ thuở sinh viên, mọi ước tính cho tương lai bay thành mây khói. Tôi bỏ Cần Thơ lên SG tìm cách đi ngoại quốc qua Toà Lãnh Sự Pháp. Đến xứ lạ quê người cuối năm 1975 và nhận Pháp làm quê hương thứ hai. Ở thủ đô Pháp, trong cộng đồng người Việt, một cô bạn mới người Huế Minh Châu là cựu Luật Sư ở SG cho tôi biết cả gia đình giáo sư Nguyễn Hữu Lành đã vùi mình trong biển cả khi đi vượt biển vì bị chìm tàu. Thầy Vũ Quốc Thông và Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, Viện Trưởng viện Đại Học Cần Thơ đều mất trong trại học tập. 
Sửng sờ, buồn đau cho số phận một số người Việt, một số nhân tài của Việt Nam. 

Thời sinh viên Luật Cần Thơ những năm 1972, 73, 74 giờ nhìn lại đã suýt soát 50 năm. Ngồi nhớ kỷ niệm xưa thấy mình đã già, đã gần 70 tuổi, thất thập cổ lai hy rồi, các giáo sư và bạn bè cũ có người đã khuất núi. Như anh Hoàng nhà ngang trường Đoàn thị Điểm, nơi chúng tôi vẫn tụ tập tại nhà anh để làm điểm hẹn, anh đã mất cách nay 2 năm... Tôi về Việt Nam năm 1993 có gặp lại anh. 

Bạn thân trong nhóm chúng tôi thì mỗi người một nẻo: Thanh Vân ở Pháp, Yến Nga ở Toronto Canada, Tùng ở Melbourne Úc, Thiền vẫn ở Cần Thơ. Tôi thường sang gặp Yến Nga với một đàn cháu ngoại của bạn, có gặp Tùng một lần tại Paris, chỉ tiếc chưa gặp lại Thiền mà nhiều kỷ niệm vẫn còn lưu giữ sâu trong lòng đó Thiền ơi!

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà gần 50 năm rồi. Ai cũng đã là ông bà nội ngoại, ai cũng có vết nhăn nơi khoé mắt, mái tóc đen đã đổi màu. Vào tuổi về hưu, gác kiếm lui về ở ẩn nên có thì giờ nhiều hơn để ngồi nhớ về kỷ niệm của một thời đã mất. Một thời đẹp vô cùng của tuổi 20. 

Phan Thị Thanh Vân
(Paris)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét