Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Thu Đất Khách




Chiều ngày 7 tháng 10 năm 2001 tại hội trường FIAP số 30 rue Cabanis quận 14 Paris Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris đã tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật với chủ đề: “Thu Đất Khách”. Khách ham dự đầy hội trường nhưng vẫn giữ im lặng, rất nhiều người phải đứng dọc hai dãy hành lang để lắng nghe những bài thuyết trình và phần văn nghệ chọn lọc do những trí thức văn nghệ sĩ trình bày. Điều khiển chương trình là nghệ sĩ Thúy Hằng và họa sĩ Nguyễn Đức Tăng. 

Mở đầu, danh ca Thanh Hùng trình biểu diễn ca khúc Tình Nghệ Sĩ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn &Từ Linh và Giọt Mưa Thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong qua phần đệm dương cầm của nhạc sĩ Xuân Vinh và guitar của nhạc sĩ Mainith.
Tếp theo là nhạc phẩm “Không Còn Mùa Thu” của nhạc sĩ Việt Anh do bác sĩ Tố Lan, một chất giọng thiên phú rất truyền cảm trong làng văn nghệ Paris trình diễn. Kế đến bác sĩ Phạm Đăng Thiện một chất giọng ténor thính phòng trong bài “Mùa Thu Paris” của nhạc sĩ Phạm Duy. Giáo sư Quỳnh Hạnh đàn tranh và diễn ng âm: “Thu Trong Ca Dao Việt Nam”. Ca sĩ Tuyết Dung giọng ca vàng của dòng nhạc trữ tình, thính phòng Paris qua ca khúc “Thu Hát Cho Người” “của Vũ Đức Sao Biển. Dược sĩ Nguyễn Đình Tuấn diễn ngâm bài thơ: “Bài Hát Mùa Thu” của thi sĩ Đinh Hùng. Nghệ sĩ Diệu Khánh được mệnh danh là Hồ Điệp của Paris diễn ngâm bài “Giọt Lệ Thu” của nữ sĩ Tương Phố, với tiếng sáo của Trần Tam Nguyên.
Lần đầu tiên ba nhạc sĩ lão thành thời tiền chiến cùng xuất hiện trước khán giả để thổ lộ tâm tình, nguồn gốc, cảm hứng sáng tác về những nhạc phẩm được công chúng yêu thích suốt nửa thế kỷ: Nhạc sĩ Xuân Lôi (84 tuổi) với nhạc phẩm Nhạt Nắng, nhạc sĩ Trịnh Hưng với nhạc phẩm Lối Về Xóm Nhỏ, nhạc Lê Mộng Nguyên với nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối.
Phần văn học quy tụ nhiều khuôn mặt quen thuộc như:

Nữ sĩ Nguyễn thị Vinh thành viên của ự Lực Văn Đoàn với những tác phẩm vang bóng một thời, từ Oslo đến thuyết trình đề tài: “Tự Lực Văn Đoàn Ngôi Nhà Ánh Sáng Thơ Văn.”

Nhà thơ Hoàng Xuyên Anh trong nhóm Thi Đàn Lạc Việt, từ Cali đến trình làng hai tác phẩm: “Nỗi Lòng Cô Phụ, Khung Trời Kỷ Niệm” được giáo sư Lê Mộng Nguyên giới thiệu. Bài nói chuyện của giáo sư Lê Mộng Nguyên đã làm khán giả bùi ngùi, có người không cầm được nước mắt khi nghe kể những bất hạnh về cuộc đời cỉa nhà thơ Hoàng Xuyên Anh phải gánh chịu. Thơ đã đến với tâm hồn đau khổ Hoàng Xuyên Anh, làm vơi những nỗi niềm. 

Nhà thơ Đỗ Bình đã giới thiệu tác giả và tác phẩm của nữ điêu khắc Vương Thu Thủy với những tác phẩm triển lãm, và nhà văn, đạo dễn trần Song Thu với tác phẩm Hoàng “Hôn Trong Mắt Em”. 
Giáo sư Võ Thu Tịnh đã thuyết trình đề tài: “Phong Trào Thơ Mới, cuộc cách mệnh thi ca đầu thế kỷ hai mươi”. 

Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng giới thiệu tác phẩm biên khảo “Hoa Tâm” của nhà thơ Phương Du: Thơ là tâm linh giải thoát sầu đời.
Nhà thần học Nguyễn Tấn Phước giới thiệu ba tác phẩm của nhà thơ ý Nga: “ Trái Đắng Quê Nhà, Góp Lửa, Lục Bát Đấu Tranh”. 

Thúy Hằng giới thiệu nhà văn, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật người được giải văn học nghệ thuật hải ngoại, tác giả nhiều tác phẩm trước và sau năm 1975 từ Oslo sang thuyết trình đề tài: “ Vai Trò Ngưòi Cầm Bút Lưu Vong” trong đó ông xác định hại chữ “lưu vong” có nghĩa:“ Ra đi mà không trở lại quê cũ được!”. Theo ông người xầm bút lưu vong phải làm ba điều:

- Vượt khỏi con người của mình.
- Gửi đi một tín hiệu.
- Viết về những vấn đề của con người lưu vong qua các chủ ề: chính trị, xã hội và gia đình. 
Nhân dịp này ông cũng triển lãm một số tranh. 
Buổi sinh hoạt chấm dứt vào lúc 19h30. 
Lữ Bằng
( trích tuần báo Đại Chúng W.DC, báo Á Châu Paris)

Tâm Tình Nghệ Sĩ


Nắng thu se lạnh làm xao xuyến những tâm hồn tha hương. Đường phố Paris ngập những chiếc lá vàng, có những chiếc vừa mới lìa cành bay như đàn bướm thật quyến rũ. Dọc sông Seine những hàng cây soi bóng nước, những hình ảnh đó dễ gợi cảm hứng cho văn nhân thi sĩ dệt lên những thiên tình sử về Paris. 

Một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề:Tâm Tâm Tình Nghệ Sĩ do câu lạc bộ Văn Hóa tổ chức, quy tụ những khuôn mặt quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ: Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, nhà thơ Hoàng Xuyên Anh, nhà thơ Thụy Khanh, Nhà thơ Hà Lan Phương, nhà văn nữ Trúc Thanh, nhà văn Hồ Trường An, nhà thơ Đỗ Bình, nhà thơ Vũ Nguyên Bích, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Minh Nhật, BS Nguyễn Bá Linh, BS Dương Kim Lan,GS Nguyễn Ngọc Chân, GS Nguyễn Bảo Hưng, TS Nguyễn Tấn Phước, nghệ sĩ Diệu Khánh, nghệ sĩ Thúy Hằng, danh ca Thanh Hùng, danh ca Mỹ Hòa, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, điêu khắc gia Vương Thu Thủy, đạo diễn Trần Song Thu, Bùi Mạnh Căn …Ở Pris có nhiều người hát nhưng ít ca sĩ, nhất là giọng ngâm nữ lại càng hiếm. Một số giọng ngâm nữ xuất sắc là những nghệ sĩ: Bích Thuận, Diệu Khánh, Linh Chi, Anh Trần, Thụy Khanh, Thúy Hằng, Thụy Hương, Bích Xuân, Ngọc Xuân và Mỹ Hòa. Sau năm 2000 có một số nghệ sĩ sân khấu cải lương, ca sĩ, nhạc sĩ đã rời Paris sang Mỹ lập nghiệp.

Mở đầu, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu:“Thưa các anh chị, hương ấm của Thu Đất Khách còn đọng lại, cái ám áp của mùa thu năm nay không những do thời tiết mà còn do những người bạn phương xa của chúng ta là anh chị nhà văn Nguyễn Thị Vinh &Nguyễn Hữu Nhật và nhà thơ Hoàng Xuyên Anh mang đến. Ở quê người còn có những cuộc họp mặt bằng hũu gặp lại nhau là một hạnh ngộ. Trong sinh hoạt này ngoài bạn văn còn có những người bạn xưa. Để thân mật xin mời nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật làm MC.

Nguyễn Hữu Nhật:“Xin chào qúy anh qúy chị. Tôi xin giới thiệu đến qúy vị một danh ca mà tuổi trẻ chúng tôi chỉ dám đứng xa nhìn thôi. Đó danh ca và tài tử Thanh Hùng. Xin anh cho biết cảm tưởng của anh ở giới ca nhạc và chúng tôi nghe nói rằng anh còn biết ca vọng cổ. Từ khi ông Sáu Lầu : Đêm nghe tiếng trống mà nhớ chồng là Vọng Cổ Hoài Phu, những gnười chồng bị những người ngoại xâm đêm bắt đi đi từng chuỗi và đi xuống tàu để đày qua các đảo khác thì người ta gõ những tiếng trống. Người đau đớn không phải người ra đi mà chính nững bà mẹ, bà chị, những người em gái Việt Nam nghe tiếng trống qua bao nhiêu lần khắc khoải đó. Anh có thể cho chúng tôi nghe một đoạn nào trong tiếng trống của vọng cổ chăng? "

Thanh Hùng: " Xin cảm ơn anh Nguyễn Hữu Nhật, xin cáo lỗi cùng các anh các chị Thanh Hùng đã không còn hát vọng cổ từ lâu. Ngày xưa Thanh Hùng có học vọng cổ của nhạc sĩ Út Trong cũng là Thày của nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nhưng Thanh Hùng Không có duyên nên thú thật với anh Nhật là mình quên rồi! Mình còn nhớ mình làm kép cải lương làm kép chánh các đoàn, nhưng không có duyên. Mình xin phép anh Nhật và qúy vị xin hát một bài của thi nhạc sĩ Đỗ Bình đó là bài “Mộng Vàng”, bài nhạc thật lãng mạn viết về một kỷ niệm xưa. Mời anh Đỗ Bình đệm dương cầm."
Nguyễn Hữu Nhật:"Tôi không biết nói chi hơn là tuyệt vời. Cảm ơn anh Thanh Hùng." 

Nguyễn Hữu Nhật: “Tôi xin được thưa với các anh các chị một trong những người làm thơ nữ ở hải ngoại này mà chúng tôi thật sự đã đọc rất kỹ từng chữ một bởi vì hơi khắt khe một chút, thưa các anh các chị bên ngoài có lẽ các anh các chị đã nghe thấy có những tiếng eo sèo, tiếng bấc tiếng chì trong đó người ta nói có phần đúng, hễ ai có tiền in thơ là thành thi sĩ !Người ta ví lá mùa thu rụng nhiều, nhưng thi sĩ còn nhiều hơn số lá vàng đó ! Nhà thơ nữ mà chúng tôi đọc kỹ là nhà thơ nữ Thụy Khanh, chị viết rất ít, đôi khi chậm nhưng mà lắng đọng, mỗi bài gởi gấm được hình ảnh và âm nhạc. Đó là sự thận trọng của người có học chứ không phải là a dua, có sẵn điều kiện rồi in, để tạo ra một hiện tượng khiến người đọc nghi ngờ chung cả chúng ta. Và người đó ngày hôm nay anh chị em chúng ta hân hạnh được tiếp đón là nhà thơ nữ Thụy Khanh có nhã ý muốn giới thiệu bài thơ của Nguyễn Thi Vinh trong tập Cõi Tạm.”

Thụy Khanh:“Thật là một cuộc tao ngộ lý thú Thụy Khanh không thể ngờ là gặp lại anh chị Nguyễn Hữu Nhật Nguyễn Thị Vinh, gặp lại một số các anh chị đã quen từ trước nhưng mà lâu gặp như chị Mỹ Hòa, anh chị Căn, anh Tùng và anh chị Đỗ Bình.”

Thụy Khanh diễn ngâm bài Đôi Mắt của Nguyễn Thi Vinh, Đỗ Bình đệm dương cầm, sáo Nguyễn Đức Tăng. 

Nguyễn Hữu Nhật: “Xin cảm ơn nhà thơ Thụy Khanh Paris. Chúng tôi có thể nói một điều không khí khách rằng các anh các chị dù sao ở trên bước đường không may mắn đó chung như nhau nghĩa là cùng một lứa bên trời lận đận, các anh chị được hận hạnh lận đận ở Paris, nhưng chúng tôi lận đận ở nơi mà người ta hãnh diện là mái nhà ở Châu Âu mà nó khuất nẻo, hiu quạnh lắm ! Khi mà chúng tôi đi từ Oslo sang Paris, chúng tôi có cảm giác như mình đang mò dần về đến Sài Gòn. 
Tôi có một người em gái, đồng thời là bạn văn là Hà Lan Phương. Cảm nghĩ của hà Lan Phương như thế nào xin cho anh chị em chúng tôi được biết?"

Hà Lan Phương: “Thưa các bác, các anh các chị Phương được biết anh Nguyễn Hữu Nhật chị Nguyễn Thị Vinh là một hân hạnh và rất cảm động. Phương chỉ nghe danh chị Vinh từ hồi xưa qua trang sách, nay khi gặp chị Vinh, chị đối sử với Phương thật thân ái, Phương rất cảm động. Phương thấy Nauy với Paris không xa, chị lâu quá không qua chơi !Mỗi năm anh chị qua đây một lần thì chúng mình gặp nhau nhiều hơn.”

Nguễn Thị Vinh: “Cảm ơn Hà Lan Phương, em nói rằng là chưa gặp em, em nhầm đấy ! Anh chị đọc em và đã gặp em trong tác phẩm của em, trong các bài mà em. Vì cái sự đồng chí ở trong các bài của em rải rác trên các báo do thành ra lòng qúy mến nên các anh chị phải tìm đến em, chứ không phải bây giờ mới là lần đầu tiên gặp.”

Nguyễn Hữu Nhật : “Thưa các anh các chị từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975 thì chúng ta sợ nhất hai chữ “đồng minh và đồng chí”, hai chữ đó nó làm tình làm tội dân tộc mình ! Anh chị em chúng ta mỗi người kể như tạm tạm yên nhưng chưa ổn, vì còn có những thao thức nào đó vì thế Nguyễn Hữu Nhật khi làm thơ tình tthì muốn làm vui thôi thí dụ như :

"Bắc thang sát nách tường hoa
Xem người nhan sắc có ra nhìn trời 
Gặp nhau chẳng nói một lời 
Đêm về không ngủ nằm cười trong chăn."

Bài thơ khác:

"Tối nào anh cũng làm thơ
Dù em là tấm gương mờ đã lâu
Trước khi đi ngủ chải đầu
Để trong giấc mộng gặp nhau đàng hoàng."

Nguyễn Hữu Nhật :“Thưa các anh các chị, một trong những người mà mang thời sự và chiến sự đi qua bên này vào trong lúc người Việt ở bên Mỹ ít có dám đi nơi nào, mà người đó vì thơ, vì các bạn văn mà sẵn sàng đi qua bên này. Đó là nhà thơ Hoàng Xuyên Anh. Cho chúng tôi làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, chúng tôi không ở một cơ quan thông tấn nào hết cả. 

Cho chúng tôi đượchai câu hỏi: 
Xin Hoàng Xuyên Anh cho biết cảm tưởng về Thu Đất Khách 7 tháng 10 năm 2001? 

Hoàng Xuyên Anh:"Hoàng Xuyên Anh trân trọng kính chào qúy vị. Thật là một điều vinh hạnh cho Hoàng Xuyên Anh được tham dự sinh hoạt Thu Đất Khách, anh chị Đỗ Bình đã ưu ái nên Hoàng Xuyên Anh mới có dịp hội ngộ qúy anh qúy chị. Buổi sinh hoạt thật là thành công mỹ mãn Hoàng Xuyên Anh đoán khoảng 400 người đến tham dự ; đó là một điều hãnh diện cho ban tổ chức và cũng là niềm hãnh diện cho Hoàng Xuên Anh và anh chị Nhật Vinh được gặp qúy thi hữu ở Paris. Hoàng Xuyên Anh rất là ghi nhớ Thu Đất Khách; vì vậy Hoàng Xuyên Anh có sáng tác về Thu Đất Khách như sau để tặng ban tổ chức, tặng qúy vị ở đây:« Paris đất khách những thu vàng ".

Nguyễn Hữu Nhật:" Xin nhà thơ cho chúng tôi biết cái không khí sinh hoạt văn nghệ ở Paris và sinh hoạt văn nghệ ở Mỹ nơi nhà thơ ở như thế nào ? "

Hoàng Xuyên Anh: "Kính thưa qúy vị, vì yêu văn học Hoàng Xuyên Anh thấy những người tha hương như chúng ta ở đâu cũng đầy tình người, tình văn nghệ sĩ. Ở bên Cali chúng tôi là khi một thi sĩ, hay một người từ xa đếnThi Đàn chúng tôi cũng như bên Văn Bút tiếp đón thật nồng hậu. Bằng chứng là anh Đỗ Bình qua lần đầu tiên gặp gỡ thúng tôi đã tổ chức một buổi tiẹc rất là long trọng, trong đó có văn nghệ : hát, ngâm thơ để đón anh chị. Nghệ sĩ Bích Thuật đến Cali thì chúng tôi cũng đón rất là nồng hậu, và tôi cũng làm một bài thơ tiễn chị Bích Thuận khi chị rời Cali. Bài thơ đó có trong tập thơ của Hoàng Xuyên Anh. Những hội ngộ trong Thu Đất Khách thật là đậm đà tình văn nghệ sĩ mà Hoàng Xuyên Anh sẽ nhớ mãi, nhớ trong đời không bao giờ quên.Xin cảm ơn qúy vị."
Nguyễn Hữu Nhật:"Thật là tuyệt vời không ? Người tự nguyện tự giác, người này trong lòng đang dào dạt muốn trình bày với anh chị em về nước Mỹ lắm nhưng chúng ta xin hẹn nhà thơ Hoàng Xuyên Anh vào một dịp khác. 
Nguyễn Hũu Nhật:"Thưa qúy vị một trong những người Paris mà chúng tôi được biết là Bà Hằng, chúng tôi vẫn cứ nói đùa, và đây là bà Hằng nà bà Hằng này của ông Đỗ Bình, chứ không phải là bà Hằng của ông Chu Tử. Bà Hằng của ông Chu Tử, ở Sài Gòn trước năm 1975 đã thử thực hiện quay một cái phim Yêu, sau đó rồi sẽ quay một phim khác. Ông Chu Tử có đến mời bà Nguyễn Thị Vinh đóng vai bà Hằng, mà ông Chu Tử lúc bấy giờ khi ông bị đạn về, tay ông cứ vẫy ra như thế này, mà người gầy ốm như cây sậy, đó là hình ảnh giống như Pascal tả. Cuối cùng dĩ nhiên tôi là người trong gia đình thì tôi hỏi ông Chu Tử dù sao Nguyễn Thị Vinh cũng là một tác giả, để tác giả đó trả lới có đồng ý đi đóng phim hay không ? Nhưng riêng tôi thì tôi hỏi ở trong phim cái đoạn mà anh chàng phải bế bà Hằng mà khi anh đóng vai anh chàng bế bà Hằng thì liệu anh có bế nổi không ? Khi đó tôi thấy ông Chu Tử ông cứ nhấc lên xuống cái kính, cái tay ông cứ vẫy vẫy. Ông bảo : Thôi, Thôi thôi!! Và bây giờ chúng ta xin mời một bà Hàng khác. Đây là bà Hằng cô giáo của ông Đỗ Bình, lái xe bay bướm, làm MC thận gọn gàng và còn diễn ngâm được nữa."
 
Thúy Hằng: Kính chào qúy anh qúy chị, Thúy Hằng xin diễn ngâm bài «Chỉ Yêu Cuộc Tình » của Đỗ Bình.

“Thuở yêu em mộng mị,
ta ướp sợi tóc dài,
vào trang thơ nhật ký,
đêm về mơ bóng ai.
gió khuya người có lạnh?
sao hồn ta chơi vơi
hay em là hư ảnh?
tội bài thơ không lời!
xưa mỗi lần em hát,
ta hòa khúc đường tơ.
bờ môi đương ngào ngạt,
sao em vội hững hờ.
phố buồn tình vỗ cánh,
lá vàng che mất nhau.
ga chiều sương thu lạnh,
áo trắng em về đâu?!
để mưa sầu thỏ thẻ,
trên phiếm lá ngu ngơ.
gót hài xưa hoang phế,
gợi ta buồn vu vơ!
Ôi tình thơ ngày đó,
vẫn ngất hồn ta say,
nhưng dáng xưa phố nhỏ,
đã tàn theo khói bay! ” 

Minh Đạo: Xin góp với anh chị buổi vui ngày hôm nay. Anh Nguyễn Hữu Nhật với tôi có thể là gọi thân, anh em được vì có những chuyện tôi biết về anh mà anh không biết về tôi. Ở đây là những người bạn có người biết có người không. Anh Đỗ Bình biết tôi cũng làm thơ, thực sự ông Nhật không hề biết tôi làm thơ! Nhưng gặp ông tự nhiên tôi nhắc đến một bài thơ tôi đăng ở đâu đấy mà ông đã đọc được.Bài thơ đó có tên Hoa Cúc vàng và đã pổ nhạc mà ông này đã hát ở trung tù. Những bài thơ ông Nhật viết sau này và in ra phần rất lớn là tôi không nghe được. Nhưng nghe những lời thơ, mỗi câu thơ trị giá ít nhất là từ 3 đến sáu tháng tù. Tôi ôm những bài thơ của ông Nhật như ôm mìn nổ vậy, nó động ra thì tôi ở tù, nếu tôi khai ra thì ông ở tù! Thành ra những kỷ niệm của chúng tôi là như vậy. Bài đó là Hoa Cúc Vàng, xin đọc mấy câu thơ tình, ông này đa tình lắm!

“Chỗ em đứng chờ anh ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em anh tưởng áo hàng lụa bay.”

Gần đây thì tôi cũng gìa rồi thấy ông Nhật lãn mạn làm thơ tiình được thì tôi cũng đắm say được. Hôm đi chợ tết gặp một bà Việt Nam mặc chiếc áo vàng và thoáng một cái bà ấy đi mất, thú thật lòng trần thì tôi cũng nhớ bà áo vàng đó, và bài thơ Hoa Cúc Vàng nó như thế này:

“Chiều nay giữa chốn đông người
Nở ra bông cúc vàng tươi áo nàng.
Hồn tôi như những giây đàn.
Rung lên mấy điệu cung thương ngậm ngùi.
Ai mang hoa cúc đi rồi
Để riêng tôi với hồn tôi thẫn thờ.
Ước gì hóa bướm trong mơ
Đùa vui quấn quýt bên tà áo ai.”

Nguyễn Hữu Nhật: Bà áo vàng đi đâu rồi?

Minh Đạo: Bà ấy đi đâu làm sao tôi biết!

Đỗ Bình:“Anh Nhật cũng đọc cho tôi nghe một số bài thơ lúc ở chung tù, những bài thơ đó chưa đặt tựa.: ”

Thơ gửi tự do.

“Nếu thật chờ nhau mà hóa đá,
Thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
Ngàn năm không thấy dấu chân em? ”

Không đề

“Cô vào lớp dạy học trò 
Văn chương trong sáng dạy cho yêu người
Ngoài cửa sổ là cuộc đời
Thế cô có dạy khi cười mà lại đau?
Đêm về nằm mộng gặp nhau
Bẻ đôi cục phấn ngày sầu dài thêm! ”

Minh Đạo: “Đời tôi chỉ sợ có hai người, sợ nhất là bà mẹ tôi, và sợ thứ hai là sợ bà vợ tôi! Và hai người đều đã ra đi rồi! Tôi chẳng gì để sợ hãi. Thế cho nên thỉnh thoảng ăn cái gì tôi cũng nhớ mẹ, và đôi khi tôi cũng làm bài thơ mẹ và phổ nhạc. Bài thơ mẹ chắc ông Nhật cũng chưa nghe, đại khái như vậy. Như vậy nói tôi là nhạc sĩ, thi sĩ thì oan quá! Tôi chưa có cuốn sách nào ra đời hết. Có những bài nhạc tôi viết cho mẹ tôi, tôi viết cho người ra đi vợ tôi thế thôi, và tôi viết cho tôi, xin nói rõ tôi viết cho mẹ vào mùa Vu Lang cách nay mấy năm.” Minh Đạo người nhạc sĩ có thời làm cựu thẩm phán đã chẳng than trách và đổ thừa cho ai khi thế sự đã thay đổi, mà chỉ ngậm ngùi cho những năm tháng tù đày và cuộc đời phiêu bạt. Nhớ mẹ Minh Đạo đã mượn nốt nhạc để giải nỗi sầu như một lời tạ tội với mẹ:

«Trong hương khói bay bay,trong đôi mắt cay cay trên bàn hương khói tỏa con nghe mẹ thở dài. Hôm nay ngày giỗ mẹ, nhớ từ thuở ấu thơ cha đã không còn nữa, mẹ con cùng bơ vơ. Dắt díu nhau từ đó, mẹ nuôi con từng ngày, mỗi ngày một tóc bạc, mỗi ngày một chua cay! Những miếng cơm nước mắt, những tủi nhục kiếp người. Mẹ nửa con một nửa cùng chia bớt dòng đời. Hôm nay ngày giỗ mẹ, con nhìn lên trời cao, bây giờ mẹ trên ấy, mây gió ngàn năm bay. Đời con giờ phiêu bạt, bạc đầu vẫn trắng tay. Cúi đầu xin lỗi mẹ, con nghe mẹ thở dài!»
(Con Nghe Mẹ Thở Dài)

Mỹ Hòa: “Anh hát làm sao mà để cho anh Đỗ Bình vừa đàn vừa rơi lệ như vậy, chứng tỏ Đỗ Bình hôm nay rất là cảm động vì tiếng hát của anh! " 

Minh Đạo: “Xin cảm ơn, ông bạn ông khen tôi là bình thường thôi, đời tôi có hai người khen là ông Đỗ Bình và ông Nguyễn Hữu Nhật: đó cũng là điều may mắn: Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận“Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa". 

Đỗ Bình : “Mẹ tôi đặt tên tôi chỉ ước vọng cho tôi có một cuộc đời thật bình thường, nhưng chiến tranh và tù đày làm cho tôi bất th ường, và nó làm cho mẹ tôi buồn ! Trong thời kỳ chiến tranh, ước mơ nhỏ bé của mẹ tôi là mong cho đứa con trai mình không chết trận, may mà tôichỉ bị thương, sau đó lại mong tôi ra khỏi trại tù dể gần gũi gia đình. Chiến tranh dù đã chấm dứt nhưng t ôi vẫn còn xa gia đình ! Cho nên vừa rồi nghe bài thơ phổ nhạc của anh Minh Đạo hát tôi vô xúc động, bởi vì ai cũng có một người mẹ cả. ”

Minh Đạo: “Xin đọc một bài thơ tình nữa thơ dang dở có khi nó hay hơn là đầy đủ ”:

“Thôi em ạ, cô đừng buồn
cuộc đời một cõi vô thường mà thôi.
Đời người như lá khô rơi
Trùng trùng mây trắng phương trời là đâu?
Thoảng bay sương trắng mái đầu
Tôi, và tôi với mối sầu còn nguyên! ”

Nguyễn Hữu Nhật: “Thưa các anh chị, anh Lê Văn Tùng, bút hiệu là Minh Đạo. Nhưng khi tôi nói dến bút hiệu này đó là nó có nhiều ngả để sang tác, nhiều khuynh hướng. Nếu ai bảo anh là nhập thế thì sai, nếu ai bảo là xuất thế không đúng, anh ấy sống với tất cả tình yêu thiên nhiên, tình mẫu tử, đặc biệt tôi thưa với các anh các chị chắc chắn tình bè bạn rất tốt. Ở trong tù, những người đi tù về thường hay khoe cái này cái kia thì kệ người ta, tôi chỉ xin thưa với các anh các chị, ở trong tù lâu dài chỉ xin thưa hai điều là giữ cho tinh thần mình đừng chao đảo, đừng mơ hồ là làm cái việc A hay B là được về sớm và những việc AB đó có những tác dụng xấu với những người khác hay là giữ cái thân thể. Vì sau khi tù về tôi đi lên cầu thang không nổi! 
Một trong những người giữ thơ của tôi ở trong tù là là anh Tùng, tôi không thuộc thơ gì cả! Thí dụ ban ngày tôi đi lượm cái vỏ bao thuốc lá, khi đó kiếm một mẩu bút chì rất khó, tôi phải đổi một phần khoai sắn để đổi lấy một mẩu bút chì và viết ở trong đêm và viết được dòng nào thì gập lại, đến Khi buổi sáng đi nhà bàn thì tôi phải học thuộc. Học thuộc để giữ trong đầu, nhưng giữ cũng không xuể vì tôi làm nhiều quá! Thế rồi anh bạn tôi mới chia sẻ. Ở ngoài này chúng ta có giữ thơ của nhau chỉ nói lên cái lòng yêu thơ, gìn gĩư cho nhau. Mà trong tù nó có ít nhất là 14 ngày cùm hai chân, chưa kể những ngày tháng sau đó còn có những thử thách khác nữa. Do đó những tấm lòng anh em cứ trải dài ra. Mặc dù là thẩm phán, nhung anh Tùng cũng là thợ hồ thứ xịn, còn tôi trước khi sang bên khu lò rèn dể làm dao kéo thì tôi đi theo làm phụ thợ hồ. Hai anh em đi tất ta tất tuởi bên bờ con sông Mã nhớ đến thơ của Trần Quang Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, chúng tôi hai người đọc hành đi trên đó nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm bên bờ sông Mã, mà trong cái bài thơTây Tiến của Quang Dũng, về sau này tôi gặp anh Trần Quang Duũng thì anh nói rằng: “Moi bây giờ đó Toi, moi chỉ thèm mỗi tháng ăn được một bát phở thôi!”
Anh từ Hà Nội theo một người con gái đi dạy học vào khu Tây Nguyên kinh tức là tế mới và bây giờ thì anh Quang Dũng cũng đã mất rồi! Nhưng mà những kỷ niệm của chúng tôi bên bờ dòng sông Mã đó. Ở trong tù lâu qúy vị tưởng là nó buồn chán bi đát kinh khủng có, nhưng mà nó cũng có niềm vui nào đó thì chúng tôi mới tồn tại, mới sống. Một trong những niềm vui đó là chúng tôi lúc nào cũng bị hối thúc, là khẩn trương, là khắc phục, nghĩa là lúc nào thì giờ cũng khít khao không cho một giây phút nào thư dãn, để manh động chống đối! Thì đó là chính sách của người ta, nhưng mà bù lại thí dụ khi ra sân tắm không có gì để che thế là chúng tôi ở sống trở về với thời kỳ của ông Adam, nhưng mà những cán bộ vác Aka ở trên bờ thì noang ngoác bảo như vậylà thiếu văn hóa!Thế là về sau những người nào mặc quần áo ở tiệm Adam thì sẽ bị ghi tên.
AnhTùng với tôi bàn với nhau và chỉ cho anh em cách là chúng ta từ dưới sông lên cứ lấy tay che mặt mình thôi, thế còn các phần ngoài khuôn mặt ai biết ai là ai đâu!

Minh Đạo: “Anh bạn tôi có nhắc lại chuyện xưa, đó là cái vết khó quên. Thật ra ngày nay cứ một hai tháng tôi vẫn còn nằm mơ thấy ở trong trại, đó là sự thật như vậy! Tôi phải kể cho các bạn nghe, ông Nhật về trước tôi, buổi sáng khi tôi đang nấu nước ở trong bếp, ông này đến và nói với tôi là: Bây giờ em về, hồi đó còn xưng em, bây giờ lớn tuổi rồi nên xưng là ông. Ông có làm cho tôi bài thơ xuýt tôi ở tù! Bài thơ đó viết trên một tờ giấy, bai àthơ nó dài lắm, có câu : 

“ Mai tôi về nam, bác ở lại
giữ gìn trong sáng tấm lòng quê. 
Một ngày gần nhất ta gặp lại
tình vẫn cao như ngọn núi kia. ”

Cái ngày gần nhất đó là nhiều năm về sau. Bài đó tôi mang theo, và nó xét rất nhiều lần từ Bắc vào trong Nam, vào cái trại Xuân Lộc ấy tình cờ nó xét , nó tóm được bài thơ. Lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện, tự nhiên nó nhờ chữ Bác, nó tưởng Bác Hồ, sau đó tôi phải đốt đi! Bài thơ đó dài lắm… 

“Sáng nay con chim quyên lại hót đi, 
cứ yên chí đi , cứ yên chí đi. 
Tôi rất thấy vô vàn ý nghĩa thay lời chào trước lúc chia ly” . 

Nguyễn Hữu Nhật:"Vào khoảng mùa hè chớm thu ở vùng Thanh Hóa Cẩm Thủy tức là trại Lý Bá Sơ cũ. Có hai trại giam gian khổ hà khắc nhất đó là trại Hà Giang Cổng Trời;, thứ hai là trại Cẩn hủy nơi mà anh Đặng Văn Tiếp đã mất ở đó. Chúng tôi ở đó có những mùa nghe những tiếng chim kêu như: Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột, nhưng các anh em sĩ quan bị nhốt ở đó lài nghe: Bắt quan quá cực, bắt quan quá cực! Đa số những cán bộ họ rất thích những lon đựng bột sữa guigô, và hột quẹt. Từ đó tiếng lài thành:“ thu gô thu quẹt. thu gô, thu quẹt”. Nhưng lại có tiếng chim khác nó lại làm cho chúng tôi vừa buồn cười vừa bùi ngùi và suy nghĩ, tiếng chim nghe là :” Cứ yên chí đi, cứ yên chí đi”.

Nguyễn Hữu Nhật: "Thưa các anh các chị,Anh Trịnh Hưng đã từng đi kháng chiến dưới cái ý niệm yêu nước thật là đuổi quân xâm lăng nhưng không biết rõ những mưu đồ chính trị là A hay B. Sau đó anh trở về thành, anh là một trong những nhạc sĩ thể hiện đậm đà tình ca quê hương. Khoảng thời gian anh may mắn gặp nhiều những văn nghẹ sĩ ở trong chiến khu, một trong những người đó là anh Quang Dũng. Xin mời anh Trịnh Hưng nói chuyện đôi nét về nhà thơ của Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến”

Tịnh Hưng:“Hôm nay tôi hân hạnh được đến đây gặp anh Đỗ Bình và sung sướng gặp các anh chị họp mặt vui. Có cái thú nhất là tôi gặp Nhật vì ở cạnh nhà tôi lúc mới hai mươi tuổi. Ở sát nhà anh em coi như anh em ruột, hơn ba mươi lăm năm nay mới gặp lại cái đó là tôi sung sướng nhất!
Còn nói về anh Quang Dũng lúc đó tôi mới 17, 18 tuổi, anh ấy là bạn thân của người anh rể tôi là Lê Khải Trạch. Anh thương tôi như em vì cùng ở một đoàn. Tôi ,biết rõ anh ấy lắm nhiều chuyện mà tôi có thể nói trên đời này không thể biết về anh vì anh không kể cho ai cả. Chỉ có mình tôi được biết mà tôi chỉ nghe lỏm. Cả cuộc đời anh báo chí cũng ni sai hết!Nói tiểu sử đều nói láo hết!Thơ cũng thế nhiều người cũng viết sai cả chữ, ví dụ như bài thơ “Quán Bên Đường:“Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ”. Ông Duyên Anh và ông ký giả Lô Răng viết: “Em mệt mỏi sốt hồng lên má” đỏ thì nó khác hẳn đi! lại bỏ cả từng đoạn của người ta đi.
Cuộc đời của anh Quang Dũng thì cũng nhiều chuyện, đặc biệt nhất là Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến đều là tâm sự của mình. Khi anh đi Tây Tiến về anh ở mặt trận ra sao anh về nói lại tất cả. Trong đó có câu: “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Đến năm 1954 về Hà Nội cho đến lúc chết chưa được một bữa cơm nào no, dù là ăn độn! Chưa có lúc nào có áo ấm để mặc, khổ như thế! Chuyện vui của cuộc đời Quang Dũng: Có người bạn mời đi ăn bát phở người ta ăn hết rồi mà anh còn húp từng tí nước. Bạn hỏi, anh trả lời: “Ba năm nay tôi có được anh phở đâu do dó tôi ăn từng sợi dể hưởng hương vị”. Khổ đến như vậy! 
Thế rồi câu chuyện ông Nguyễn Tuân mới lãnh số tiền nhuận bút, biết Quang Dũng đói mời đi ăn, nhưng Quang Dũng dáng to lớn nên ông bảo thôi ăn xôi cho no bụng. Vào hàng xôi, bà hàng xôi bưng ra hai bát xôi, ông Nguyễn Tuân mới ăn có mấy miếng mà Quang Dũng đã ăn hết rồi. Nhà văn Nguyễn Tuân thấy vậy nói: “thưa ngài ngài dùngthêm nữa ?Dạ xin vâng”. Bà chủ nhà nghe thấy ông Quang Dũng dạ năm lần mà ông Nguyễn Tuân chưa ăn hết một bát. Cho đến bát thứ tám cũng điệp khúc dạ xin vâng. Quang Dũng làm thơ quê hương ít thơ tình. Anh có làm bản nhạc Ba Vì Mà Cao tôi còn giữ đây cả hình ảnh tài liệu của anh tôi có đầy đủ hết. Những người đàn bà mà anh làm thơ tình như Quán Bên Đường, Cô Gái Vườn Ổi hay Người thiếu nữ …”, có một điều đặc biệt tôi đều biết mặt, tên tuổi ba người đàn bà đó. Cuộc đời Quang Dũng cũng lạ lắm khổ cho đến lúc chết! 
Khi anh chết rồi mới được nghe trên đài ngâm thơ của anh! Tôi chưa thấy ai nói tại sao nhà thơ Quang Dũng lại tên là Bùi Đình Diệm, và còn nói ông là anh của cựu Trung tướng VNCH Bùi Đình Đạm, thật ra ông là cháu ruột chứ không phải là anh ! Chưa ai nói tên Bùi Đình Diệm ra tên Trần Quang Dũng, và tên đó có từ ngày nào ? Không ai biết đến ! Nếu mà biết rõ điều đó mới viết tiểu sử Quang Dũng được." 

Nguyễn Hữu Nhật:“vì thời gian eo hẹp trong sinh hoạt này, xin trình bày qúy anh chị mình đã chuẩn bị tờ tạp chí văn nghệ sắp sửa ra, là một trong những tờ mình cố gắng làm cho nó gọn gàng. Mình rất mừng rỡ khi gặp anh Trịnh Hưng, và có xin thỉnh các bài viết của anh Trịnh Hưng về các văn nghệ sĩ mà thời gian anh măy mắn quen biết và đã được đi qua. Anh Trịnh Hưng có nhìn về đời sống thân phận kẻ sĩ nói chung, văn nghệ sĩ Việt Nam nói riêng suốt một cuộc hành trình lịch sử ở trong giai đoạn qua, quả là có nhiều điều hãnh diện, và có nhiều điều cũng hết sức ngậm ngùi! Xin cảm ơn anh Trịnh Hưng và để rồi qúy bạn chúng ta sẽ đọc một loạt bài của anh trong tạp chí Hương Xa."

Trúc Thanh: "Tôi rất xúc động được nghe tiếng ngâm thơ của các anh chị, và tôi cũng rất cảm ơn anh chị Đỗ Bình về cuộc họp mặt hôm nay tôi được đến đây góp mặt để chúng tôi gặp lại anh nguyễn Hữu Nhật chị Nguyễn Thị Vinh . Không khí văn nghệ rất vui vẻ tôi tiếc là không có tài hát như là chị Thuy Khanh, anh Minh Đạo. Thì tôi chỉ nhớ một tí câu chuyện về anh Quang Dũng để góp một phần tí ti trong cái to lớn.Tôi xin kể một câu chuyện hơi buồn về văn học: Anh Quang Dũng to con như vậy, nhưng khi anh già rồi «nhà nước » cấp cho anh chiếc xe lăn không thể ngồi lọt dể di chuyển được! Khi anh trở về Hà Nội gặp lại người yêu cũ, người yêu đầu tiên là cô vườn ổi. Bà nói : Nếu chiều nay anh đến nhà, em sẽ kho cho anh nồi cá với lá gừng bằng nồi đất, kho khô ăn với cơm tấm. Chiều hôm đó ông đến và ăn một bữa cơm ngon lành với người đẹp, ông ăn thật nhiều và sau đó hát: Em vẫn là hai mươi tuổi, em vẫn là người tình năm xưa".

Nguyễn Hữu Nhật: "Thưa chúng ta vừa nghe hát, vừa nghe ngâm thơ . Bây giờ chúng ta đến một phần mà chúng ta cũng thích đó là Ca Trù nó. Lịch sử về ca trù thì nhiều nguồn khác nhau, nhưng mình cứ căn cứ vào khoảng năm 40 của Hai Bà Trưng các đào nương ngày đó đã có những sinh hoạt giết giặc rồi, về những sinh hoạt về ca trù nó đòi hỏi sự phổ nhạc hay bằng thanh nhạc và nó phải giữ được làn hơi của hò, của ca dao từ những năm 40 nkhi hai bà là những vị nữ hoàng đầu tiên".

Nguyễn Hữu Nhật: “ Xin hân hạnh mời chị Diệu Khánh, người mà từ phương xa chúng tôi được nghe là Hồ Điệp Paris.”

Diệu Khánh:“ Diệu Khánh rất hân hạnh được gặp tất cả các anh các chị để ngày mai khi mà các anh chị trở, và đi xa xôi ngàn dặm thì cũng có cái lưu niệm của Paris để các anh chị đem theo đấy. Diệu Khánh xin diễn ngâm bài Ca Trù bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khu ê, với tiếng đàn của nhạc sĩ Đỗ Bình và tiếng sáo của nghệ sĩ Nguyễn Đức Tăng.”




Mỹ Hòa, một danh ca, người đầu đàn trong nhóm Tam ca Ba Con Mèo nổi tiếng ở Sài Gòn năm xưa trước 1975. Mỹ Hòa trình bày ca khúc: “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn, Đỗ Bình đệm dương cầm. 
Thụy Khanh trình bày ca khúc “Một Lần Nào Cho Tôi Được Gặp Em” củaVũ Thành An.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn trình bày ca khúc phổ từ mấy bài thơ ngắn của Nguyễn Thị Vinh.

Nguyễn Hữu Nhật: “Xin cảm ơn các anh các chị, vừa rồi ai cũng đóng góp cả những lời tâm tình hay cảm nghĩ… vv.. Người mà nín thở qua sông, người đó phải lôi ra là Nguyện Thị Vinh.

Nguyễn Hữu Nhật: “Xin giới thiệu Nguyễn Thị Vinh, nhà văn"nhớn" của tôi.”
Nguyễn Thị Vinh: “Thưa các anh, các chị và các bạn đây trước hết các bạn đã hiểu đây là sự áp bức, ít nhất các anh các chị phải có tinh thần nào đó chống đối áp bức. Tôi xin tố cáo cái người làm mất tự do và áp bức là Nguyễn Hữu Nhật.

Nguyễn Hữu Nhật: “xin mời Mỹ Hòa đìều khiển chương trình.”

Mỹ Hòà:“ Xin ngâm một bài thơ tình thật lãng mạn của chị Nguyễn Thị Vinh”:

“Chỉ rửa chân dưới ầu ao
May lay động cả trăng sao trên trời.
Chỉ trông thấy mặt nhau cười
Chút tình người nọ đã đời người kia. ”

Diệu Khánh: “Diệu Khánh xin ngâm bài thơ “Hà Nội Trong Tôi ”của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Vinh. Xin đọc lời của tac giả:“ Sau khi cha mẹ mất bốn anh em của tác giả phải rời căn nhà ở phố Bờ Hồ đến thuê căn gác xếp ở phố hàng Than Hà Nội.(Chú thích của nhà xuất bản Anh Em). Xin tiếng sáo của anh Nguyễn Đức Tăng và tiếng đàn của anh Đỗ Bình. ”

“ Tôi xa Hà Nội lâu rồi
mà sao Hà Nội trong tôi vẫn gần.
Đi nhiều những tưởng quên dần
Ngờ đâu cảnh cũ cũng ngần nớ thêm.
Nhớ cả tiếng rao quà đêm
Lẫn khuya trở lạnh chăn em ngủ vùi.
Phố nghèo gác hẹp mà vui
Duỗi chân chạm vách ngó trời mái thưa.
Sông Hồng se lạnh chiều mưa
Thuyền vào bến đậu người chưa lên bờ.
Ngọn tre chìm khói sương mờ
Nhòe bay đàn sếu ngắm mùa thu sang
Rằng trôi chuyển khúc âm vang

Bãi xưa vườn ổi chín vàng nắng hong
Nhớ ơi là nhớ đường thành
Tường xưa vách lở rêu xanh ngọn tàn.
Chạnh nhớ Bà Huyện Thanh Quan
Hồn xưa thu thảo nghe đàn hơi may
Hà Nội trong tôi sáng nay
Quê người sắc trắng tuyết bay ngoài trời.
Làm xiêng tưởng hoa sữa sai
Tuổi già nhớ mẹ như thời trẻ thơ.
Hà Nội trong tôi bây giờ
Thực mà vẫn ảo là mơ thật rồi”

Thanh Hùng:“ Kính thưa qúy anh chị, Thanh Hùng xin hát một bài để kính tặng anh chị Nguyễn Hữu Nhật chị Hoàng Xuyên Anh. Đó là bài “Hướng Về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương. Bài này Thanh Hùng có một kỷ niệm là đã đứng hạng nhì trong cuộc thi hát do Đài Pháp Á tổ chức năm 1953. Hùng Cường đưúng nhất với bài “ Cô Hàng Nước”. 

Mỹ Hòa:“Từ dầu đến giờ còn hai giọng vàng mà cac anh chị chưa được nghe giọng của anh Tăng và Đỗ Bình. :Xin mời anh Nguyễn Đức Tăng.”

Nguyễn Đức Tăng: “Nãy giờ toàn là giọng Hồ Điệp; Hồng Vân, Hoàng Oanh ngâm, bây giờ là giọng nam. Nguyễn Đức Tăng xin ngâm bài: Phố Bờ Hồ của Nguyễn Thị Vinh, xin tặng anh chị Vinh Nhật.” 

Mỹ Hòa:«Và sau đây đến giọng quý vị chờ đợi đó là giọng của nhà thơ Đỗ Bình.»

Đỗ Bình:"Tôi xin ngâm bài Đoạn Khúc Ru Anh, trong tập Khung Trời Kỷ Niệm của Hoàng Xuân Anh"

Hoàng Xuyên Anh:"Cảm ơn anh Đỗ Bình đã chuyên chở thơ Hoàng Xuyên anh đến qúy vị. Hoàng Xuyên Anh nghe rất cảm động muốn khóc vì nhớ thương người chồng đã ra đi."

Nguyễn Thị Vinh:"Cảm ơn Đỗ Bình đã cho nghe một giọng ngâm mà tôi không ngờ là người em tôi lại có giọng như vậy. Và cảm ơn Hoàng Xuyên Anh với cái đau thương như vậy em đã gởi những đau buồn của đời em vào thi ca để em được yên tĩnh tâm hồn những dòng thơ như vậy. Đó là một tấm gương từ nay cho đến khi chị đổi kiếp mỗi khi có gì đau buồn chị nghĩ đến cái đau buồn của em không thấm vào đâu, thì chị chịu đựng được. Xin cảm ơn em."

Hoàng Xuyên Anh:"Em cảm ơn chị Nguyễn thị Vinh đã cho em những lời vàng ngọc và cũng là những lời hun đúc em đứng lên và vươn lên, để em cống hiến những vần thơ cho văn học nghệ thuật và cho đời." 
Nhà văn Nguyễn Thị Vinh thổ lộ bài thơ viết cho nhà văn Nhất Linh và Mỹ Hòa đọc :

"Chỉ rửa chân dưới cầu ao 
mà lay động cả trên sao trên trời.
Chỉ trông thấy mặt nhau cười
Chút tình người nọ đã đời người kia"

Lời của tác giả: "Nhân một buổi thăm mộ bậc đàn anh nhà văn Nhất Linh ở xã Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Nay là ngoại thành Sài Gòn ngày 21 tháng 2 năm Ất Tỵ 1965. Tôi viết bài này xong chép lại một bản, nhưng còn một bản đốt cho anh". Tác giả Nguyễn Thị Vinh. Nhà văn Nguyễn Thị Vinh đã sáng tác bài thơ gồm tên một số tác phẩm của nhà văn Nhất Linh.

"Dòng sông Thanh Thủy về đâu
Cũng không đoạn tuyệt với màu nho phong.
Xóm Cầu Mới vẫn chờ mong
Bướm trắng đâu muốn lạnh lùng nắng thu.
Đôi Bạn Tình, Người Quay Tơ.
Hai Buổi Chiều vàng chảng bao giờ tối tân. 
Tôi đến thăm anh anh biết không
Đất trời hẳn cũng cảm thông tấm tình
Tỉnh đi anh, dậy đi anh
Nghe như lòng đất chuyển mình
Cỏ trên nấm mộ lung linh u hoài
Gió mơ hồ nhẹ thở dài
Hình như mờ nhạt trên vài dáng mây
Tiếng anh văng vẳng đâu đây
Nhắc tôi nhớ tới phút giây tư tình
Sống là chi thác là chi ?
Âm dương đâu có nghĩa gì
Chúng mình muôn thuở vẫn đi chung đường.
Hiểu nhau qua những tình thương
Trọng nhau vì nghĩa văn chương thế tình

Xót xa Cho đất nước mình
Máu xương oan khuất tội tình do đâu ?
Giờ anh nằm trong lòng đất lạnh
Tôi sống giữa trần gian bơ vơ !
Trên nẻo đường cô quạnh
Hai chúng mình ai đơn lạnh hơn ai ?
Bây giờ là cuối tháng hai
Mùa xuân dương thế còn dài không anh ?
Sao tôi quá ngại chán chường
Sợ mình gục ngã giữa đường đang đi !
Cỏ trên mộ anh xanh xanh
Êm nghe tiếng lá lìa cành
Nghe như tiếng bước chân anh hiện về.
Nói đi anh kể đi anh
Có gì ngăn cách chúng mình
Phải ba thước đất vô tình này chăng ?! "


Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 19h00.
Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét