Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Y Học Thường Thức: Nhiễm Trùng Đường Tiêu Hóa (Bác Sĩ Hoàng Cầm)


Y HỌC THƯỜNG THỨC 

Nhiễm Trùng Đường Tiêu Hóa Bác Sĩ Hoàng Cầm 

Dấu hiệu và triệu chứng chung 

 Tiêu chảy, phân có thể có máu, chất nhầy.
 Ói, mửa.
 Đau quặn bụng.
 Sốt.
 Nhức đầu, đau mình mảy. 

Tiêu chảy nhiều lần có thể khiến thiếu nước trầm trọng trong cơ thể gây ra các triệu chứng: mạch yếu, miệng khô, môi nẻ, mắt trũng, nước tiểu đậm và ít. Tiêu chảy gây tử vong cao đối với trẻ em và người lớn tuổi. 

Nguyên nhân 

Nhiễm trùng đường tiêu hóa do thức ăn, uống bị nhiễm siêu vi trùng, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Siêu vi trùng Quá nửa các trường hợp nhiễm trùng đường tiêu hóa là do siêu vi trùng. Các loại siêu vi trùng thường thấy là: 
Rotavirus: gây tiêu chảy cho trẻ em gửi tại nhà giữ trẻ và người già trong viện dưỡng lão. Tiêu chảy có thể kèm theo ói mửa và sốt nhẹ, kéo dài trong một tuần lễ. Bệnh thường xảy vào mùa đông. Trong thời gian tiêu chảy, điều cần thiết là uống đủ nước. Trẻ em bị tiêu chảy mà có dấu hiệu thiếu nước trong cơ thể thì cần gặp bác sĩ để trị liệu, trường hợp thiếu nước nghiêm trọng phải truyền dịch. 
Norwalk virus tồn tại lâu dài trong môi trường nên thường gây tiêu chảy cho một nhóm người sinh hoạt chung nhiều ngày (sinh hoạt gia đình, du thuyền, cắm trại tập thể). Bệnh này lây gián tiếp khi ta sờ trúng siêu vi trùng trong môi trường rồi sờ lên mặt hay cổ mình. Ngoài tiêu chảy và ói mửa, người bệnh cảm thấy đau nhức mình mảy. Bệnh kéo dài khoảng 3 ngày. 

Vi khuẩn 

Vi khuẩn, ngoài việc làm ô nhiễm thức ăn và đồ uống, còn sinh ra độc tố đưa tới tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các thức ăn dễ bị nhiễm độc tố: thịt gia cầm, bò, heo, trứng, sữa cùng các thuộc chất của sữa. Tiêu chảy, ói mửa, đau bụng thường tự chấm dứt sau vài ngày tới một tuần lễ. Trong thời gian lâm bệnh, chỉ cần ăn nhẹ, uống nước đầy đủ, thông thường không cần dùng thuốc. Trẻ em và người lớn tuổi có bệnh mạn tính cần gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể cho thuốc trụ sinh trong ít ngày, nếu thấy cần. Trẻ em thiếu nước nghiêm trọng, cần được nhập viện để truyền dịch. 
Cách phòng ngừa tốt nhất là giữ sạch đồ dùng đựng thức ăn, rửa tay kỹ trước khi làm món ăn, nấu chín thức ăn (rửa thớt bằng nước và xà bông). Tránh ruồi làm ô nhiễm thức ăn đã nấu chín. 
Sau đây là một số vi trùng làm ô nhiễm thức ăn: 
Campylobacter làm ô nhiễm sữa, thịt gà, vịt, chim, 
Salmonella làm ô nhiễm sữa, trứng, thịt gia cầm, heo, bò. Đa số người mắc bệnh dưới 20 tuổi. 
Shigella. Vi trùng có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc hàng ngày. Tỷ lệ nhiễm trùng Shigella đường tiêu hóa cao tại các xứ nghèo. Trẻ em từ 1 tới 5 tuổi ở nhà giữ trẻ dễ bị tiêu chảy do loại vi trùng này vì lây lẫn nhau. 
Escherichia coli (thường gọi tắt là E. Coli) làm ô nhiễm nước uống, thịt, trái cây, rau, Vi trùng hiện diện trong đường tiêu hóa và phân loài súc vật ăn cỏ như trâu, bò, trừu. Vi trùng dễ làm ô nhiễm sữa trong khi ta vắt sữa và nhiễm trùng thịt khi ta giết những súc vật này. Độc tố của E. Coli ra có thể phá vỡ các hồng huyết cầu, gây suy thận cấp tính cho bệnh nhân trẻ em và người già yếu. Các trường hợp này cần được trị liệu tại bệnh viện. Trong trường hợp nhẹ, tiêu chảy, đau bụng giảm dần rồi ngưng trong vòng một tuần lễ. Cần uống nhiều nước, ăn thức ăn nhẹ, ít rau, ít chất béo. 
Phòng ngừa: cần rửa tay sạch trước khi làm món ăn, nấu chín thức ăn. Staphylococcus hoặc Clostridium Perfringens. Độc tố do các vi khuẩn này sinh ra gây ngộ độc thực phẩm. Tiêu chảy, đau bụng thường tự chấm dứt trong 1-2 ngày. Thức ăn bị nhiễm trùng thường là sữa, thịt gia cầm.Phòng ngừa: cần rửa tay sạch trước khi làm thức ăn, nấu thức ăn chín. 
Helicobacter Pylori. Vi trùng hình soắn như đinh ốc, lây qua thức ăn hoặc nước uống. Bệnh thường lan truyền giữa những người trong cùng gia đình, nhất là từ mẹ sang con nhỏ dưới 3 tuổi. Vi trùng sống và phát triển trong lớp màng nhầy của dạ dày và tá tràng, có khả năng làm hư màng nhầy dẫn tới tình trạng loét (xin đọc thêm bài “Loét dạ dày”). Cách phòng ngừa tốt nhất là giữ vệ sinh về ăn uống, Mẹ cần rửa tay sạch khi cho con ăn, trước và sau khi thay tã, lót. 

Ký sinh trùng 

Giardia lamblia. 
Ký sinh trùng này làm ô nhiễm giếng nước uống, suối, ao, hồ. Ký sinh trùng vào cơ thể do uống nước giếng hay tắm trong suối, ao, hồ có giardia. Vào cơ thể, ký sinh trùng sinh sản trên lớp màng nhầy của tá tràng, có thể gây ra tiêu chảy kinh niên hay cấp tính, làm ăn mất ngon, xuống cân. Trong trường hợp tiêu chảy thường tái phát, cần gặp bác sĩ. Chẩn đoán: tìm ký sinh trùng trong phân hay trong chất dịch hút ở tá tràng. 

Trị liệu: Metronidazole. 

Amip. Ký sinh trùng Amip gây bệnh kiết lỵ. Bệnh thường thấy ở xứ nóng như nước ta. Amip ở trong đất dưới dạng có vỏ bọc, vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống, thường tích tụ ở đoạn ruột già phân di chuyển chậm như đoạn dưới của đại tràng lên (ở bên phải bụng dưới) và đoạn cuối của đại tràng xuống (phía trái bụng dưới). Trong vỏ bọc, ký sinh trùng không gây bệnh. Sau khi tới ruột già, vỏ bọc bể, ký sinh trùng sinh sản trên lớp màng nhầy, làm loét màng nhầy, kích thích thần kinh ruột già, tức là gây bệnh kiết lỵ. 

Dấu hiệu và triệu chứng kiết lỵ:
 Bụng đau quặn.
 Mắc đi cầu gấp rút, phân ít, lẫn với nước, máu và chất nhầy.
 Vừa đi cầu xong, bụng lại quặn đau, phải đi cầu nữa.
 Sốt nhẹ, mệt. 

Ký sinh trùng có thể xâm nhập gan, làm bọc mủ trong gan khiến bệnh nhân có cảm giác nặng, đau ở phía dưới bên phải ngực. Trong ít trường hợp, ký sinh trùng có thể đi xuyên qua thành ruột già vào các mạch máu, rồi theo tuần hoàn mà tới phổi, não. 
Trị liệu: cần gặp bác sĩ. Thông thường thì các dấu hiệu, triệu chứng và khám lâm sàng đủ để chẩn đoán, nhưng bác sĩ cũng cho thử phân để tìm ký sinh trùng. Thuốc trị: Metronidazole, Emetine. 
Phòng ngừa: đình chỉ dùng phân người bón cây, rửa sạch rau, trái cây, rửa tay kỹ trước khi làm thức ăn và trước bữa ăn. 

Các loại ký sinh trùng khác. 

Các ký sinh trùng khác là giun và sán. 
Giun đũa, giun móc, giun kim rất phổ thông ở xứ có khí hậu nóng và ẩm như nước ta. 
Sán truyền qua người do ăn thịt có nhiễm ấu trùng sán. Giun và sán đều có thuốc chữa rất hiệu quả. Giun đũa là ký sinh trùng có nhiều nhất trong đường tiêu hóa của bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, nhất là ở những nơi điều kiện vệ sinh công cộng thấp và phân người còn được dùng bón cây, Trứng giun vào cơ thể do thức ăn không nấu như rau sống, trái cây. 
Vào đường tiêu hóa, trứng nở ra ấu trùng, nhỏ li ti. Ấu trùng đi xuyên qua màng ruột vào các mạch máu, rồi theo máu đi tới tim, phổi. 
Tại phổi ấu trùng thoát ra khỏi mao quản, rơi vào tiểu phế quản rồi di chuyển ngược đường dẫn khí tới họng và trở lại đường tiêu hóa. Ấu trùng thành giun lớn (dài 20-40cm, ngang 3-5mm) ở ruột non, sống lâu chừng một năm. Giun cái thụ tinh, đẻ ra rất nhiều trứng, trứng theo phân ra ngoài. 

Chẩn đoán: 

Ấu trùng khi tới họng gây ho, khó thở, ngứa. Chụp phim phổi: nhiều hạt nám nhỏ trên khắp phim, 
Giun ở ruột: bụng căng lớn (thường là trẻ nhỏ), thỉnh thoảng lẩm nhẩm đau bụng. Đôi khi thấy giun trong phân hay giun bị ói ra ngoài qua mũi, miệng. 
Thử nghiệm phân: có trứng giun trong phân. Giun móc, dài khoảng 1cm, sống trong lớp màng nhầy của tá tràng. Ngoài việc hút máu để sống, giun móc còn làm cho ruột chảy máu liên tục, khiến người bệnh xanh xao, yếu đuối. 
Trứng giun theo phân ra ngoài. Trong đất ẩm và ấm, ấu trùng ra khỏi trứng sau 1-2 ngày. 
Ấu trùng có thể vào cơ thể người qua da tay và chân, khi tay và chân tiếp xúc vơi đất có ấu trùng. Sau khi chui qua da, ấu trùng theo tuần hoàn máu đi tới tim, phổỉ rồi tới đường tiêu hòa như trường hợp giun đũa. Chẩn đoán: Đau bụng, ăn mất ngon, tiêu chảy. Người lớn xanh xao, yếu mệt. Trẻ em xanh xao, chậm lớn. 

Thử nghiệm phân: có trứng giun và có tế bào máu trong phân. Giun kim, nhỏ như chiếc kim, kích thước: 10mm x 0.5mm. Lan truyền giữa những người cùng gia đình, phần nhiều là trẻ em. Trứng giun theo thức ăn vào miệng. Tới đoạn đầu ruột non, ấu trùng nở ra khỏi trứng, di chuyển xuống, sống ở đoạn đầu ruột già. Giun cái sau khi thụ tinh, di chuyển xuống vùng hậu môn đẻ trứng về ban đêm. 

Chẩn đoán:
-Ngứa ở vùng hẩu môn về ban đêm.
-Thử nghiệm phân: trứng và giun trong phân. Sán bò, sống trong ruột bò, dài trên 10m. Sán heo, sống trong ruột heo, dài khoảng 7m. 
Sán gồm một đầu bám vào thành ruột, hút thức ăn, thân gồm nhiều khúc nối tiếp nhau. 
Sán đẻ ra nhiều trứng, trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng di chuyển tới các cơ. Trong cơ bắp, ấu trùng có vỏ bao bọc, tồn tại trong trạng thái bất hoạt. 
Sán vào người do ăn lòng bò, heo có chứa trứng sán, hoặc ăn thịt có chứa ấu trùng. Không nấu kỹ, ấu trùng còn sống, nảy nở thành sán lớn ở trong ruột non, đẻ ra trứng, trứng theo phân ra ngoài, làm ô nhiễm đồng cỏ hay thức ăn của heo. 

Chẩn đoán: 
Dấu hiệu chắc chắn là có trứng hay môt đoạn sán ở trong phân. 
Các triệu chứng và dấu hiệu khác thường không đặc biệt như: đau bụng, buồn nôn, thiếu máu. 

Tóm tắt 

Siêu vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng qua miệng xâm nhập đường tiêu hóa. 
Dấu hiệu và triệu chứng: tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, sốt nhẹ. Phân có thể có máu, chất nhầy. Tình trạng trên thường giảm dần và chấm dứt trong một tuần lễ. 
Khi bị tiêu chảy cần uống nhiều nước, ăn thức ăn nhẹ, nghỉ ngơi. 
Trẻ em và người già, cần gặp bác sĩ để được trị liệu, tránh những biến chứng do thiếu nước, muối khoáng gây ra. 
Ký sinh trùng ruột vẫn còn là vấn đề phổ thông. Vì vậy, hàng năm nên tới bác sĩ để khám sức khỏe và thử phân. Nếu có nhiễm trùng ruột, bác sĩ sẽ cho thuốc chữa. Chữa bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa có lợi ích cho cá nhân và làm giảm ô nhiễm môi sinh, ngăn ngừa ký sinh trùng lan sang người khác. 
Phòng ngừa bệnh cần được đặc biệt chú ý: rửa tay sạch trước khi làm món ăn, rửa sạch rau và trái cây trước khi ăn. Nấu chín thức ăn. Tránh ruồi làm ô nhiễm thức ăn. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Amip Entamoeba histolytica 
Ấu trùng Larva 
Giun kim Pinworm 
Giun móc Ancylostoma duodenale 
Giun đũa Ascaris 
Sán dây Tapeworm 
Tá tràng Duodenum

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét