Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Đà Lạt Chiều Thu


Quán Xuân Hương. Một ly cà phê, vài điếu thuốc có “cán“ hiệu Sàigòn là tiêu chuẩn cho mỗi người. Câu chuyện trao đổi giữa ba đứa chúng tôi vẫn như cũ: quãng đời đi học, ngày vào quân trường, buồn vui đời lính, nhục nhằn cải tạo rồi sóng gió, lất lây của hiện tại bấp bênh. 

- Dù sao thì trong đám tụi mình, mày vẫn sướng hơn hết. Nguyễn Duy Tân ngả người ra sau, nhìn tôi, nói. Giờ này tà tà ở đây và có vẻ thầy bà ra phết. 
- Cùng tuổi mà sao nó may mắn thế! Nguyễn Ngọc Thưởng tiếp lời. Ngoại trừ lúc đi lính và cải tạo thì hình như đời nó luôn được ưu đãi hơn mình. 
- Thì tại tao thuộc Tân Mão, còn tụi mày Nhâm Thìn. Khác nhau nhiều. Nhưng tụi mày tối về có người gãi đầu cho ngủ. Còn tao vẫn cu ky thì sao!? 
- Tại mày còn bày đặt kén chọn thôi. A! Hay là vẫn nặng tình với người đẹp nào đó trong mấy cành hoa của Trường mình ngày xưa? Tương tư bà nào mà coi bộ chung tình đến thế. 

- Tao nhớ rồi. Thưởng reo lên. Lần nào lên đây nó cũng chỉ quanh quẩn chỗ tụi mình, hay lòng vòng qua đường Thành Thái, Hải Thượng, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng. Mấy chỗ đó thì tao không biết, chứ còn khu Bá Đa Lộc này thì hai đứa tao là thổ địa. 
- Thú thật đi. Ai vậy? Mấy hôm nay được tin của người đẹp nào chưa? 
- Tìm được thì cũng không cho “đài phát thanh“ tụi mày biết đâu! Mệt cho tao lắm. 

- Dĩ nhiên là phải la làng cho mọi người biết. Thưởng nói. Tại vì mày giấu kỹ quá. Lên đây liên tục mà chưa thấy giới thiệu ai một cách chính thức. Toàn là em, rồi bạn thì ai mà tin mày chứ! Còn lần này thì không thấy ai hết. Mày làm gì mà tà tà thế! Lại còn ăn mặc như cán bộ. 
- Đúng đấy! Nếu không phải là bạn thì gặp mày ngoài đường tao đếch thèm nhìn. 
Tôi bật cười: 
- Gì mà dữ vậy!? 
- Thì mày cứ nhìn lại mình đi. Quần áo đồng phục. Màu xanh này lạ quá. Chưa thấy bao giờ. Nhưng nếu bỏ cặp kính cận ra thì mày trông hắc ám như công an kinh tế hay cán bộ phường khóm lắm. Bộ đồ này “chôm“ ở đâu vậy? 
- Tụi mình biết nhau thì không sao nhưng lỡ ai đó trong giới đồ bông không hiểu, tưởng mày “đổi màu“ rồi thì mệt lắm đó nghe! 

- Tụi bay khỏi lo cho tao. Ăn mặc như họ chỉ là bề ngoài thôi. Miễn là không biến chất. Vã lại, nhờ đám Thanh Niên Xung Phong này mà tao lên đây mấy lần rồi. Văn nghệ thôi mà. Có làm hại ai đâu. Lại được dịp du lịch thoải mái. Tụi mày nghĩ xem có đúng không!? 

- Thì đành là vậy. Thưởng đập nhẹ lên vai tôi. Nhưng mày cẩn thận vẫn hơn. Nhớ Đà Lạt quá thì viết lách rồi gửi lên cho tụi tao đọc. Còn không thì mau tìm một hộc tủ biết đi mà thảy vào đó cho rồi. Hay là đã có người nào trong mấy em “xung phong“ rồi chăng?! 

- Thôi! Tạm dừng ở đây. Chờ nó thật thà khai báo còn hơn đoán tới đoán lui. Bây giờ tao phải qua chợ phụ thằng em. Cho tao góp chút gió. 
Tân vừa nói vừa cho tay vào túi. 
- Tao cũng vậy. Mình chia tay là vừa. Thưởng tiếp lời, móc ngay một nhúm tiền từ túi quần. 
- Tụi bây khỏi lo. Đã có người trả rồi. 

Thấy cả hai trố mắt ngạc nhiên. Tôi chỉ vào phía trong, nơi có một bàn tay giơ lên vẫy vẫy, nói tiếp:
- Bố Kèn, tổng khậu của nhà hàng này đãi tụi mình. Nhóm bạn của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng giới thiệu hồi tháng 6 . Ổng kết tao luôn từ lúc đó. 
- Thằng này tài thật. Quen cả người trong nhà hàng mới khai trương này. Tân lẩm bẩm. Thôi thì mày chuyển lời cảm ơn bác giùm tụi này vậy. 

Tôi đưa tay chào người đầu bếp già mới quen rồi theo hai bạn bước xuống tam cấp. Chúng tôi tôi chia tay ngay trước quán. Tân qua đường, hướng về phía cầu Ông Đạo để lên chợ, Thưởng rảo bước về phía Thủy Tạ để leo dốc Palace về Bá Đa Lộc, còn tôi đứng tần ngần nhìn theo cả hai phía cho tới khi hai bạn hút bóng. 


Tháng 10! Tháng của Đà Lạt vào thu. Trời mây dìu dặt. Nắng nhạt, gió nhẹ. Bình thường thì gió từ mặt hồ Xuân Hương tạt lên, mang theo hơi nước đủ lạnh để khách bộ hành cho tay vào túi áo ấm. Nhưng lòng hồ đã khô cạn từ hôm 18/6/1984, là ngày tháo nước để sửa lại con đập tại cầu Ông Đạo- cũng là đường qua chợ và khu Hòa Bình- nghe nói đã bị rạn nứt, nên chỉ có chút bụi đỏ bay bay mỗi khi có xe qua lại trên đường. 

Đà Lạt như mang một vết nám trên mặt khi Xuân Hương bây giờ chỉ là một khối trũng khổng lồ, trơ trẻn. Lòng hồ mang màu nâu đỏ chạy mút tầm mắt từ đập nước đến tận vườn hoa Bích Câu. Thanh Thủy và Thủy Tạ nhìn nhau trơ đáy cột. Màu nắng, màu mây, màu trời không còn tấm gương phản chiếu nên đã cùng màu hoa và lá cỏ tạo thành một bức tranh nhức mắt vì sự tương phản kịch cỡm. 

Tôi chậm rãi thả bước xuống hồ để đi tắt qua sân Cù. Đến khi qua nửa bề ngang mới thấy một dòng nước nhỏ chảy dài và chẻ lòng đất thành một vết nứt mà từ phía trên đường lộ không thể nhìn thấy được. Vết nứt nhỏ mang dòng nước chảy từ hướng cuối hồ xuống đập nước và mất hút ngay đó. Tôi lẩn thẩn tự hỏi khi mở nước vào hồ thì sẽ phải mất bao lâu. Trong khi đó phải mất hai ngày, và một đêm mới xả hết nước xuống bên kia đập. 

Với tay như muốn đụng trời, tưởng chừng như có thể gom mây khi ngồi xuống thảm cỏ mềm mại trên sân Cù. Chiều thả bóng cây dài trên vùng đất nhấp nhô như sóng lượn của những triền đồi nho nhỏ. Tôi sảng khoái nằm dài trên cỏ và ngạc nhiên khi thấy rau má mọc đầy trên đất, giữa lớp cỏ thấp và mịn màng. Rau má! Chất sơ kèm sinh tố, cứu tinh của những người cải tạo khắp nơi, đưa tôi về núi rừng Hiệp Đức, nơi mà tôi cùng với những chiến hữu khác đã nếm mùi đói, rét, và những cực hình để hành xác nhưng được mang mỹ từ cải tạo! Cải tạo tư tưởng bằng hình thức lao động, nên sức lực của những người tù mang danh cải tạo viên được nặn, vắt đến tận cùng cạn kiệt. Con gì nhúc nhích là ăn. Lá gì nhai được là nuốt. May mắn cho những người tù khổ sai tại vùng rừng núi Quảng Nam là đã được thiên nhiên ban phát đọt dương xỉ, lá tàu bay và nhứt là… rau má. 

Đã gần 10 năm trôi qua nhưng hình ảnh cũ vẫn rõ nét trong đầu. Trong trại tù tại vùng rừng núi Trường Sơn, thì những chiều như hôm nay thật là hiếm, quí. Nhứt là khi có dịp vào rừng rút mây, đốn gỗ rồi thả theo suối cho trôi về tới trại, lần nào chúng tôi cũng tìm cách len lỏi thật sâu, đi thật xa vào rừng đốn, chặt cho thật nhanh rồi kéo dài thời gian để tận hưởng những giây phút “tự do“ khi không có cảnh vệ kè súng canh chừng. 

Mới đó mà đã như xa xôi lắm. Đúng 13 năm! Tính từ ngày lên Đà Lạt ghi danh học. Hình như từ dạo đó trở về sau là con số 26 của tháng 10 luôn là những dấu ấn thời gian không thể nào quên. Tình cờ ngẫu nhiên, hay sự trớ trêu của tạo hóa!? Lời nói của hai bạn lúc còn trên quán Xuân Hương làm tôi nhớ những ngày vào thu của thời mới lớn. Thời của những biến chuyển quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, và cũng là những lần định phận mà may mắn thay, đều suông sẻ trôi qua. 

Một năm sau ngày chọn Chánh Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt thay vì du học tại Bỉ, thì tôi đã khoác áo lính và trên đường từ Đồng Đế đến Bình Thuận để tham gia công tác Chiến Tranh Chính Trị nhằm giải thích Hiệp Định Paris. Năm kế tiếp thì lại có mặt trên Pleiku trong chuyến thực tập Trung Đội Trưởng với các Tiểu Đoàn BĐQ biên phòng. Năm 1974 thì được về học Khóa Sĩ Quan Tiếp Liệu Binh Đoàn, cũng đúng ngày 26 tháng 10. Và mới 5 năm trước thì vượt biên suýt bị bắt tại Cà Mau. 

Ngần ấy sự kiện trong đời đủ làm tôi bâng khuâng mỗi khi tới khoảng thời gian chìm nổi trước đây. Hôm nay cũng là ngày 26 Tháng 10. Mùa thu. Một thứ bảy đẹp trời trên cao nguyên Lâm Viên. Thêm một lần lang thang thả bước. Thêm một chiều lãng đãng, mơ màng, tư lự như một khách nhàn du đang mở lòng để đón nhận những nét đẹp thầm lặng của núi đồi và hoa lá. 

Xong vài điếu thuốc và đảo một vòng nhìn ngắm cảnh vật chung quanh thì gió mát và êm ả làm tôi thấy buồn ngủ nên lại lững thững xuống đồi để băng qua bên kia lòng hồ, về hướng Thủy Tạ. Tôi thật sự không biết mình đang cần gì, tìm gì. Quá khứ và kỷ niệm thì luôn đầy ắp, nhưng người xưa thì không thấy đâu. Bạn tôi nói đúng. Lần nào có dịp trở lên đây tôi cũng đều cố gắng tìm đến những con đường mà họ đã nêu tên, hoặc tìm đến ngôi trường Đại Học nằm trên con dốc cuối sân Cù, chỉ để nhìn rồi nhớ. 

Lần nào cũng vậy, ngắn hạn hay dài ngày, tôi cũng đều cố gắng ghé ngang tìmcác bạn. Có khi gặp, khi không, chỉ để bắt tay sau vài câu thăm hỏi và hàn huyên qua loa rồi đi. Chiều nay cũng không ngoại lệ, tôi lòng vòng Đà Lạt cũng chỉ để lòng hòa tan vào con người và cảnh vật, chìm đắm vào khung trời kỳ ảo của hoài niệm mặc dù cường độ mộng mơ đã không còn nồng nàn như những năm xưa. Muốn được như thế thì phải loại bỏ những thứ tình cảm khác, đôi lúc cũng thiêng liêng không kém. Và cái giá phải trả là phải khoác bộ đồng phục Thanh Niên Xung Phong, theo họ lên sân khấu để nói những câu thoại sáo rỗng của kịch bản. 

Lời nói chỉ đầu môi, con người chỉ đóng kịch. Một hình thức hài kịch trong chính kịch của đời sống hiện tại! Tôi chỉ là một cái máy phát thanh biết suy nghĩ và biết diễn kịch, trên sân khấu và cả ngoài đời. Tất cả những việc này đều do bản năng sinh tồn và từ đó được dịp du lịch miễn phí. Tôi chợt nghĩ đến lời cảnh giác của hai đồng môn kiêm đồng đội. Tôi có thể bị hiểu lầm. Nhưng làm sao giải thích!? Có thuyết phục được ai chăng, khi mà những người gặp trên đường đều dành cho tôi cái nhìn thiếu thiện cảm. Có phải vì vậy mà nơi nào tôi đến gõ cửa hỏi thăm người xưa thì chỉ toàn nhận lại những câu lạnh lùng hay những cái lắc đầu không biết, không rõ và… không có?! 

Bước chân vô định lại đưa tôi ngang qua Hotel Du Parc trên đường Yersin, cũng là khách sạn Nguyễn Công Trứ của sĩ quan theo học các khóa Cao Đẳng Quốc Phòng, rồi qua trường Trí Đức bên đường Nhà Chung. Đó là những đoạn đường quen thuộc của những lần ghé thăm Đà Lạt và của thời trọ học huy hoàng nhưng ngắn ngủi.

Hàng tường vi bên cạnh Bưu Điện đã không còn, nhưng tà áo trắng tan trường và những nụ cười hồn nhiên vẫn thật đẹp làm sao! Tượng đài Nữ Vương Hòa Bình vẫn trầm lắng trong khuôn viên giáo đường. Hàng ghế sau cùng, bên trái vẫn muôn thuở chìm trong mờ ảo của bóng tối. Chưa đến giờ lễ Misa ban chiều nên ánh điện duy nhứt vẫn là ngọn đèn trên bàn thờ, nơi để Mình Thánh Chúa. 

Lờ mờ trên bệ quỳ của hàng ghế vẫn còn dấu tên khắc vội. Kỷ niệm duy nhứt của những ngày thần tiên sống đời trọ học xa nhà chỉ còn bấy nhiêu đó, nên lần nào lên đây tôi cũng đều ghé vào đọc vội câu kinh, chạm tay vào dấu khắc, rồi bồi hồi nhớ lại những lễ chiều êm ả, giản dị nhưng trang nghiêm bên cạnh vài bạn thân cùng chỗ trọ. 

Con dốc dẫn xuống bờ hồ và đập nước đã điểm vàng với từng khóm quỳ hoa bắt đầu nở rộ. Mùa Thu Đà Lạt đây rồi. Hoa vàng sậm với đốm nâu mang mùi ngai ngái của núi rừng là sắc hương đặc biệt của mùa thu cao nguyên. Hoa dại nên không được trân trọng đúng mức như Mimosa, nhưng màu vàng rực rỡ của quỳ hoa có mặt ở khắp các nẻo đường để âm thầm góp thêm màu sắc và vẻ đẹp cho cảnh trí. 


Tôi dừng lại ở cuối con dốc, định gõ cửa ngôi nhà ngày xưa là quán cà phê Không Tên, nhưng lại tần ngần một lúc rồi bỏ đi. Đã hỏi thăm một lần rồi. Người chủ mới có nói là không biết gì về chủ nhân cũng như tin tức của ông, và cũng không thấy ai ghé lại hỏi thăm như tôi đã làm khi trở lại Đà Lạt lần đầu, hai năm trước. 

Đang lầm lũi qua cầu để lên Hòa Bình thì có tiếng xe thắng lại kế bên. Hạnh, người Đội Trưởng Văn Nghệ của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng và Xuân Bình, Tổ Trưởng Tổ Kịch của Thanh Niên Xung Phong, cùng bước xuống xe “ca”, cười cười. 

- Đi đâu mà bỏ cả cơm trưa vậy “Xếp“? Hạnh nói trước. 
- May là gặp anh ở đây. Cứ sợ ông xỉn chỗ nào rồi là tiêu đời tụi này. Xuân Bình tiếp lời. 
- Tôi nhớ giờ dựng phông màn và chuẩn bị sân khấu mà! 

Tôi vừa nói, vừa leo lên xe. Dường như có bóng dáng của Nguyễn Duy Tân lướt qua phía bên kia đường với ánh mắt vô thưởng vô phạt, nhìn theo xe một hồi lâu. Buổi chiều nhàn du coi như chấm dứt. Sắp tới là đêm ca nhạc và kịch nghệ có bán vé vào cửa của Xí Nghiệp Chè Lâm Đồng và Thanh Niên Xung Phong. Đành phải tạm quên vở kịch ngoài đời để làm tròn vai diễn trên sân khấu. Ngoài đời hay trên sân khấu thì cũng là chiếc mặt nạ để tạm che nỗi lòng và tâm sự của một con người trong ngục tù bao la hình chữ S! 

Tôi lại nhớ tới câu chuyện trên quán, nhớ bạn có lẽ vẫn còn tất bật dù đã sắp hết một ngày. Mỗi người một hoàn cảnh riêng trong phận số chung. Nhưng tôi có phần nào thấm thía với lời than thở nhẹ nhàng của họ khi chợt nhận ra là ít nhứt, hôm nay, trong khi các bạn đó đang trả nợ cơm áo thì tôi nhởn nhơ tận hưởng hạnh phúc của núi đồi và phố xá Đà Lạt trong một chiều Thu. 

Tôi bất giác thở dài khi xe dừng lại bên hông rạp Hòa Bình. Một vài tiếng nữa thì màn kịch sân khấu bắt đầu và sau đó không lâu tôi lại trở về vở kịch của đời mình, một vở kịch không có cốt truyện, cũng không có không gian và thời gian nhứt định mà diễn viên, đạo diễn và khán giả cũng chính là mình. Là một trò chơi sinh tồn, là mặt nạ để hòa lẫn vào dòng đời nghiệt ngã và cũng là phương tiện duy nhứt để yên thân mà tìm thoáng hương xưa và kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm với Đà Lạt đang vào thu như hôm nay. 

Huy Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét