Y HỌC THƯỜNG THỨC
Ăn Khó Tiêu Bác Sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Trung bình khoảng 25% người lớn có triệu chứng ăn khó tiêu, sau bữa ăn 1-2 giờ, thức ăn tưởng như còn trong dạ dày.
Trước khi bàn tới ăn khó tiêu, ta cần biết qua về diễn tiến bình thường của việc tiêu hóa.
Thức ăn thuộc ba loại chính: chất bột, chất mỡ và chất đạm. Các chất trên được hấp thụ vào máu qua việc tiêu hóa.
Tiêu hóa trải qua ba giai đoạn: Ở miệng, răng cắn và nhai thức ăn thành miếng nhỏ. Vào dạ dày, do tác dụng của acit và nước do dạ dày tiết ra, từ 2 tới 3 lít trong mỗi bữa ăn, thức ăn được nghiền nát thành một hỗn hợp loãng, Tới đoạn đầu ruột non, do tác dụng của các dịch tiêu hóa và men, mật, tiết ra từ tụy tạng và gan, thực phẩm được biến đổi thành phần tử nhỏ nhất: tinh bột thành đường glucose, galactose, fructose, chất đạm thành acit aminê, chất mỡ thành những hạt nhỏ kết hợp với muối mật. Suốt chiều dài ruột non, các chất bổ dưỡng lần lần được ngấm qua màng ruột vào máu. Việc chuyển mỗi chất dinh dưỡng từ ruột vào máu cần tới một chất khác trong máu đón nhận, tương tự chiếc hộp nhận hàng, mỗi loại hộp riêng cho mỗi món hàng, thí dụ đường và chất đạm cần muối sodium, sinh tố B12 cần chất tiết ra từ màng nhầy của dạ dày, chất sắt cần transferrin.
Tóm lại. diễn tiến tiêu hóa tự nhiên, nhưng không đơn giản. Một bệnh hay một xáo trộn nào ảnh hưởng tới việc tiêu hóa cũng khiến khó tiêu.
Nguyên nhân
- Phản ứng phụ của thuốc bào chế và ma túy: thuốc giảm đau như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, Cortisone; thuốc trụ sinh như erythromycin, tetracyclin; thuốc có chất sắt; các chất ma tùy…
- Các thức uống: rượu, cà-phê, trà. -Đàn bà mang thai, đàn bà đã mãn kinh.
- Các bệnh tổng quát trong cơ thể: tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh bộ hô hấp, bệnh tuyến giáp, bệnh thận, ung thư.
- Bệnh thuộc bộ tiêu hóa: hẹp thực quản, viêm thực quản, bệnh dội ngược dịch vị, thoát vị dạ dày (một phần dạ dày trồi lên phía trên hoàng cách mô), loét dạ dày, viêm tụy tạng mạn tính, sạn mật, xơ gan, viêm gan, viêm ruột. Bệnh bộ tiêu hóa là nguyên nhân chính gây khó tiêu.
Cho tới khi đã chữa khỏi các bệnh này, chứng khó tiêu cũng còn có thể kéo dài một thời gian nữa.
- Lo âu, trầm cảm. Triêu chứng Triệu chứng của các bệnh bộ tiêu hóa: nặng ở bụng trên sau bữa ăn, ợ hơi, ợ chua, nóng ngực, bụng sình hơi, lẩm nhẩm đau bụng, ăn mất ngon, ăn chóng no, xuống cân, dễ mệt.
Chẩn đoán
Các triệu chứng kể trên thường nhẹ nên bệnh nhân không chú ý tới. Nhưng qua thời gian dài, tình trạng tiêu hóa trì trệ khiến sức khỏe tổng quát suy giảm, người bệnh cần gặp bác sĩ để được điều trị. Nay nhờ các phương pháp chẩn đoán mới: nội soi và sinh thiết, siêu âm, chụp hình cộng hưởng từ và các xét nghiệm khác, việc chẩn đoán bệnh bộ tiêu hóa trở nên dễ dàng, chính xác hơn, thường khiến cho việc trị liệu được kết quả tốt.
Phòng bệnh và trị liệu
- Dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu, ít chất béo, ít gia vị.
- Cữ thuốc lá, rượu, cà-phê, trà.
- Tránh nằm trong 1-2 giờ sau bữa ăn.
Khi chứng ăn khó tiêu kéo dài nhiều tuần lễ, cần gặp bác sĩ để:
- Coi lại các thuốc đang dùng có gây trở ngại cho việc tiêu hóa hay không?
- Khám sức khỏe, chữa các bệnh tổng quát của cơ thể.
- Khám nghiệm các cơ quan tiêu hóa để trị liệu nếu có bệnh.
- Trong trường hợp không tìm thấy bệnh của bộ tiêu hóa, bác sĩ có thể cho thuốc kích thích tính di động của các cơ quan tiêu hóa.
Thuốc uống trước mỗi bữa ăn, trong 1 tới 2 tháng. Kết quả được từ 60-80% bệnh nhân sẽ bình phục.
Bảng đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Bệnh dội ngược dịch vị Gastro Esophageal Reflux Disease (GERD)
Chất đạm Protein
Chất ma túy Narcotics
Chất men Enzymes
Chụp hình cộng hưởng từ Magnetic Resonance Imaging (MRI)
Nội soi Endoscopy
Siêu âm Ultrasound
Sinh thiết Biopsy
Xơ gan Cirrhosis
Thoát vị dạ dày Hiatal hernia
Mãn kinh Menopause
Trầm cảm Depression
Tụy tạng Pancreas
Viêm gan Hepatitis
Viêm tụy tạng mạn tính Chronic pancreatitis
Viêm thực quản Esophagitis
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét