Đã bao nhiêu lần dự tính viết một bài về rượu vang, một hiện tượng khá kỳ thú trong cuộc đời tôi, nhưng vì bận rộn với công việc làm ăn và cũng vì chưa thực sự có niềm tin về kiến thức của mình nên tôi đã lưỡng lự chưa làm được. Tuy nhiên, trong những dịp gặp gỡ bạn bè quanh bàn ăn nhậu hay liên hệ trên emails. Tôi lại mong có dịp “phô diễn “ một chút kiến thức của mình về rượu với bạn bè làm vui và cũng để thỏa mãn bản tính thích tâm sự trong lãnh vực ít hay nhiều có liên quan đến chuyên môn của mình.
Ngẫu nhiên, tuần vừa rồi khi nhận được tạp chí “ Viên Giác “ số 221, tháng 10 năm 2017, bài viết “ RƯỢU VÀ TÔI ” của tác giả Nguyên Trí Hồ Thanh Trúc. Tôi đã đọc bài viết với tất cả cảm khoái khi tác giả dùng lối văn rất chân thật để dẫn dắt người đọc vào con đường duyên nợ của tác giả với rượu ngay từ khi lên bốn tuổi. Đặc biệt là nhờ bài báo đó, tôi tìm ra một cách viết, chủ đề về rượu nhưng không đi quá sâu hay quá nhiều vào khía cạnh khoa học mà chỉ lướt qua một cách khái quát về rượu (giống như tác giả Hồ Thanh Trúc) mà thôi .
Điều quan trọng nhất là tôi muốn làm nổi bật lên cái cơ duyên lạ kỳ mà Rượu đã đến với tôi, cho tôi những kiến thức khá tốt về nó. Chính nhờ kiến thức này tôi đã có những người bạn rất tốt, rất chân thành, mặc dù tửu lượng của tôi rất kém nếu không muốn nói là tôi không thể uống được quá một ly nhỏ rượu vang.
Tôi không biết những thế hệ trước ông nội tôi có ai nghiện hay có khả năng uống rượu như hũ chìm hay không. Nhưng thế hệ của ông tôi, bố tôi cũng như thế hệ của tôi, không có một ai trong họ hàng ghiền hay mang tiếng bê tha với rượu. Lúc tôi còn là đứa bé 8,9 tuổi, đôi lần trong các dịp giỗ tết, bố tôi cùng với chú bác tôi quây quần ăn uống, nhưng chỉ vài chai bia cho cả 5, 6 người. Rồi ai ai cũng đỏ mặt tía tai, than nhức đầu và tìm cách đi ngủ. Bài viết này khá dài nên tôi chia nó ra làm 2 phần:
Phần một gồm 4 tiểu đề:
1. - Rượu, người bạn vẫn còn xa lạ.
2.- Một vở kịch khó quên.
3.- Rượu, những kiến thức khởi đầu.
4.- Ông bố vợ, Lệnh Hồ Xung Nhật bản.
Phần hai gồm 5 tiêu đề :
5.- Người hàng xóm, họ Lưu Linh.
6.- Ông già Samichlaus với chai rượu trong mơ.
7.- Một người bạn mới quen nhờ rượu.
8.- Vài hiện tượng khó hiểu, những chai rượu ở Việt Nam.
9.- Những cảm nhận lạc quan về rượu.
Phần một
1.- Rượu, người bạn vẫn còn xa lạ.
Cá nhân tôi vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng nên tôi đã bước vào đời rất sớm so với bạn bè cùng lứa. Tôi đã giao du với đủ hạng người, tốt cũng như xấu trong một khu lao động tối tăm của xã hội mà gia đình tôi là một thành viên. Ngay ở cái tuổi lên 8 , lên 9, hình ảnh những cảnh say sưa ngả nghiêng, chân bước xiêu vẹo, phá làng phá xóm, đánh vợ chửi con… của những ngài Lưu Linh trong xóm, đã xảy ra quá thường trong tuổi thơ ấu của tôi. Bạn bè tôi tại đó, chỉ với tuổi chớm lớn, 12, 13 nhưng hầu hết đã biết phì phò điếu thuốc trên môi hay tham gia những bữa nhậu lai rai kèm theo lon bia hay tí rượu đế ! Trong cái môi trường “ dễ đua đòi, bắt chước “ đó tôi vẫn đứng ngoài và dị ứng với rượu một cách rất kỳ lạ, khó tin.
Đôi lần vì mồi chài, xui bẩy của bạn bè hay o ép của “ đàn anh “ trong xóm. Tôi cũng đã phải nhăn mặt nhấp môi hay hít vài hơi thuốc lá. Nhưng cũng đủ làm cho tôi nhức đầu, ho sặc sụa và chịu thua ! Có lẽ vì hiện tượng kỳ lạ, không quen đó đã giúp cho tôi cách xa những tật ách của rượu và thuốc lá rất dễ dàng, suốt cuộc đời của tôi vậy.?
Lớn lên, bước qua bậc trung học, chập chững bước lên đại học. Ở cái lứa tuổi 19, 20, phần rất lớn bạn bè đồng lứa, họ hút thuốc, ăn nhậu, cờ bạc, rượu bia coi như là chuyện thường tình, không có gì để phê phán. Nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy cái cảm khoái từ những thú vui mà các bạn tôi cố gắng tập tành, coi như biểu tượng sự khôn lớn của người thanh niên thời đại văn minh. Sau khi tốt nghiệp, đi làm việc được hơn một năm, cũng như bao thanh niên thời chiến tranh. Tôi bị động viên vào quân đội khoảng một năm trời rồi lại trở về với cuộc sống dân sự. Với môi trường quân đội và công chức, có thể nói “dịp may” quen thuộc với rượu bia, ăn nhậu đã đến với tôi rất nhiều và dễ dàng. Những lần hội ngộ bạn bè cùng quân ngũ. Tiệc tùng chiêu đãi khách tại cơ quan rồi đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, ngay cả chuyện chia buồn vì cha mẹ, ông bà ra về với đất đá hư vô ..v…v.. Vẫn phải có những lon bia, hũ rượu. Tôi vẫn là kẻ vô duyên, không cảm khoái, đứng bên lề với cái chất lỏng đê mê, mộng ảo đó!
Biết bao nhiêu lần nhập cuộc vui với bạn bè, tôi luôn luôn mang tiếng là tên “ phá mồi “ vì chỉ biết ăn mà không biết uống! Nói thật, dù bị mang tiếng như vậy, nhưng tôi vẫn có cái tốt để bạn bè không ghét bỏ và cũng chẳng quên mời gọi tôi nhập cuộc khi có dịp ngả nghiêng! Đó là tôi có tố chất của một người duy nhất trong cuộc nhậu còn tỉnh táo, không say (có uống đâu mà say!). Cuối cùng tôi đóng vai trò “ thu dọn chiến trường” hay cõng vác những chiến tướng của Lưu Linh không còn khả năng đi về bằng hai chân!
Đầu năm 1974, lên máy bay rời xa Vietnam sang Nhật bản. Một môi trường mới, dù khuôn thước, luật lệ khắt khe nhưng nạn say xỉn có lẽ cũng chẳng thua kém gì so với Việt nam. Những buổi tối lang thang ở những khu ăn chơi. Huynh đệ Lưu Linh, chân phải đá chân trái, nghêu ngao hát hò. Miệng toàn mùi sake hay bia rượu thơm lừng bước ra từ những ăn tiệm, quán nhậu cũng đầy nhóc. Nhất là thời gian, khoảng hơn 5 năm tôi học hành và kiếm sống tại Kagoshima, thành phố cực nam của Nhật bản, vương quốc của rượu shoyu (sản phẩm từ khoai ngọt, còn sake từ gạo ) danh tửu của địa phương. Tôi có thể đoan chắc, cư dân nơi đây không một ai, dù đàn ông hay đàn bà, trí thức, giầu có hay lao động, bần dân mà không ai, không biết uống rượu. Uống một cách rất đáng nể, uống không biết say mà đầy cảm khoái!
Với thời gian khá dài đó, trong môi trường đại học cũng như trong xưởng hãng nơi tôi làm việc. Những dịp “ kom-pa “ (company) của sinh viên, giảng viên trong đại học hay bạn đồng nghiệp trong công ty xảy ra rất thường.Tôi vẫn là thành viên được mọi người kêu gọi, dù họ biết tôi chỉ dám nhấp môi để cụng ly làm vui cho cuộc nhậu và im lặng “phá mồi“ ! Có lẽ nhờ bản tính dễ hoà đồng, thích vui đoàn nhóm. Thêm vào đó, cái khả năng “bi bô” tiếng Nhật của tôi không chuẩn, đã làm cho họ thích thú, cười vui mà cho nhập cuộc !.
Có thể nói với khoảng 6 năm ở Nhật, tôi vẫn giữ được bình thản, lạ lùng với rượu bia. Vẫn không biết ý nghĩa thật của chữ ngon hay dở của nó dù rất nhiều người ôm lấy nó như một người bạn tâm giao ! Dĩ nhiên cũng có những lúc buồn chán vì thất bại, vì tương lai mờ mịt ( khoảng 3,4 năm sau 1975) tôi cũng đã bao lần có ý buông xuôi, tìm quên trong mờ ảo! Nhưng may mắn thay, những ý nghĩ tiêu cực đó chỉ thoáng qua. Ngày xa rời Nhật bản, tôi vẫn là kẽ xa lạ với rượu.
2.- Một vở kịch khó quên.
Trong khoảng thời gian ở Nhật bản, có một giai thoại mà tôi nhớ mãi liên quan đến rượu và vị giáo sư trưởng phân khoa thực phẩm, cũng là thầy đỡ đầu cho việc học của tôi. Một hôm vào khoảng gần 7 giờ tối thứ bẩy, tất cả các sinh viên khác đã ra về. Chỉ còn một mình tôi đang loay hoay với công việc trong phòng thí nghiệm. Không biết từ lúc nào, ông đến vỗ nhẹ vào vai tôi, nói vài chuyện vu vơ rồi mời tôi đi ăn cơm tối để chia vui vì ông vừa có đứa cháu nội đầu tiên. Tôi cúi đầu nói vài câu chúc mừng, nhưng vẫn không dấu được chút suy nghĩ. Hình như nhìn thấy vẻ ngần ngừ của tôi vì lời mời không báo trước. Ông vỗ nhẹ vài cái lên vai tôi, miệng mỉm cười nói:
-Tôi biết anh đang khó nghĩ vì chuyện quà mừng cho cháu tôi phải không ? Khỏi lo lắng cho mệt! Anh nhận lời mời, chia vui với tôi là đủ lắm rồi.
Rồi chẳng cần tôi trả lời, ông xua tay ra dấu cho tôi dẹp công việc, chuẩn bị đi với ông.Với hoàn cảnh đó tôi chẳng có lý do gì để từ chối, nhất là tôi biết rất rõ, ông chỉ mời một mình tôi trong khi trong phòng thí nghiệm có khoảng chục sinh viên khác, một ông thầy phó và một ông phụ giảng.
Chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng tại trung tâm thành phố. Vừa đẩy cánh cửa kéo, chưa kịp cởi đôi giầy. Từ phía trong nhà hàng, một phụ nữ trung niên, có lẽ là chủ hay quản lý, trong bộ kimono sặc sỡ đon đả, nồng nhiệt bước ra tận mép thềm cửa quỳ lạy đón chào thầy trò chúng tôi. Qua vài câu đối đáp rất thân quen giữa bà ta với thầy, cho tôi biết ông là một khách hàng rất thường của nhà hàng.
Theo hướng dẫn của người phụ nữ, chúng tôi vào một căn phòng trải tatami không quá rộng. Nơi đó đã bầy sẵn những món ăn trên một chiếc bàn bằng gỗ màu nâu đậm, ngắn chân. Hai người phụ nữ khác cũng với bộ kimono, hoan hỉ quỳ lạy đón chào chúng tôi. Họ đưa tay xếp nắn lại chiếc gối nệm ra ý mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn ăn.Thầy vui vẻ giới thiệu tôi với hai người phụ nữ hầu rượu. Rồi với giọng nói rất chậm và rõ ràng ông nhắc hai người tiếp viên phải làm sao cho tôi uống thật say, càng nhiều càng tốt. Quay sang tôi, ông đập nhẹ cánh tay tôi, đầu gật gật với vẻ thích thú:
-Hôm nay là ngoại lệ, anh phải uống thật say. Đừng lo, tôi sẽ gọi taxi ,đưa anh đến tận nhà.
Thành thật khi nghe ông nói với giọng quả quyết như vậy đã làm tôi có chút run lo! Bữa cơm buổi trưa quá nhẹ, sơ sài với vài mẩu bánh mì và một trái chuối. Cái dạ dày trống không như vậy có lẽ chỉ cần vài giọt rượu, không quá 10 phút, cũng đủ làm cho tôi không còn tỉnh táo đứng dậy. Nói chi đến việc cầm cự nhiều giờ để chia vui với ông được? Nếu như vậy, tôi sẽ làm niềm vui của ông thành nhạt nhẽo, vô duyên! Điều mà tôi hoàn toàn không muốn !
Đúng lúc đang bối rối, một cô hầu bàn từ phía cửa căn phòng khệ nệ đem vào một cái khay gỗ mầu nâu đựng nước nóng dùng cho việc hâm rượu. Trên nắp khay có khoảng chục bình rượu nho nhỏ bằng sứ trắng để vừa khít vào những lỗ tròn của cái khay. Cô gái để chiếc khay hâm rượu xuống mặt tatami khoảng giữa hai phụ nữ tiếp rượu mặc kimono rồi lễ độ cúi đầu chào và lui ra khỏi phòng. Hướng mắt nhìn vào chiếc khay hâm rượu với chút vui mừng vì tôi đã tìm ra một lối thoát cho cái khó khăn của mình.
Ghé sát vào tai người phụ nữ tiếp rượu, ngồi sát bên cạnh. Tôi thì thầm nói với bà ta vài câu, rồi lấy cớ đứng dậy muốn vào phòng rửa tay. Người phụ nữ hơi chau mày khó hiểu nhưng cũng đứng dậy, bước theo tôi ra ngoài phòng ăn.Tôi nói cho bà ta hiểu về hoàn cảnh khó xử cũng như khả năng uống rượu bết bát của tôi. Nếu tôi say quá sớm sẽ làm thầy buồn vì cuộc vui qua mau !! Mong bà cảm thông mà pha cho riêng tôi những bình rượu rất nhẹ! Ban đầu bà ta có vẻ ngạc nhiên, có ý không bằng lòng. Nhưng có lẽ, vẻ chân thành xin xỏ và nhất là với cái vốn tiếng Nhật sứt mẻ của một tên ngoại quốc đã làm bà thích thú. Mỉm cười bà nhìn tôi hỏi:
-Hai, tám (2:8) được không ? ( 2 phần rượu pha với 8 phần nước, khoảng 5% rượu nguyên chất, tương đương với bia )
Hơi nhăn mặt, tôi nói với bà ta, tỷ lệ đó vẫn còn rất nặng so với “ tửu lượng” của tôi ! Cuối cùng sau vài lần cù cưa, bà ta lắc đầu, thở dài nhè nhẹ nhưng cũng không quên đưa mắt thích thú nhìn tôi vì cái trò ma mãnh, mà có lẽ lần đầu tiên trong nghề nghiệp bà ta được tham gia !! Tỷ lệ một, hai mươi (1:20) đã được chúng tôi thông suốt!
Thế là xong, tôi trở lại bàn ăn. Một lúc sau, cô gái hầu bàn khệ nệ bưng ra một cái khay hâm rượu khác, cũng đầy những bình rượu nhỏ trên nắp khay, thay thế cho cái cũ, rồi ra khỏi phòng ăn như chẳng có gì xảy ra. Người phụ nữ tiếp rượu nhìn tôi mỉm cười. Kín đáo chỉ cho tôi dấu tích khác biệt của mấy bình rượu trong chiếc khay hâm rượu mới, vừa được thay thế!
Thế là cuộc ăn uống của thầy trò chúng tôi tiếp tục trong vui vẻ sảng khoái cùng với những lời nói đưa đẩy ngọt ngào, cung phụng món ăn và rượu rất chuyên nghiệp của hai người tiếp rượu. Với cái lối pha lạt nhách, chỉ khoảng 1.25 % chất rượu. Thêm vào đó lại được ăn no những món ăn “vương giả “ thì làm sao đánh gục được tôi, để rồi tôi phải nhờ đến thầy dìu đỡ về nhà như thầy tưởng tượng được?! Dĩ nhiên, dù với lượng rượu như nước lã cũng làm cho khuôn mặt tôi gay đỏ nhưng tôi vẫn tỉnh táo, cười vui không một lần từ chối khi thầy muốn cụng ly, cạn chén!
Cuộc vui thật sự trọn vẹn! tôi vẫn tỉnh táo! Thầy cũng vừa lòng vì tôi đã nhập cuộc với ông từ lúc khởi đầu cho đến lúc tiệc tan. Một điều rất thích thú đã làm tôi và ông cười vang mỗi khi gặp nhau và nhắc lại. Đó là sau bữa nhậu hôm đó, không phải ông đưa tôi về nhà. Ngược lại chính tôi đã phải dìu ông vào taxis và cũng chính tôi phải đỡ ông vào nhà với cái nhìn rất ngạc nhiên của bà vợ của thầy.
Sáng thứ hai tuần kế tiếp, khi tôi đến phòng thí nghiệm, mọi sự bình thường như mọi ngày, chẳng có gì khác lạ. Nhưng vào khoảng 10 giờ là thời gian giải lao, tôi và nhóm sinh viên đang quây quần uống trà ăn bánh. Thình lình thầy bước vào với khuôn mặt rất vui, tự kéo chiếc ghế ngồi xuống mép bàn rồi đưa mắt nhìn chúng tôi. Cười thành tiếng, Thầy chỉ vào tôi ông vui vẻ nói to:
-Cả phòng chúng ta bị anh ta đánh lừa rồi! Tối hôm trước, anh ta đã đi ăn nhậu với tôi trên trung tâm thành phố. Tửu lượng của anh ta chẳng yếu tí nào, ngược lại còn tỉnh táo, dìu dắt đưa tôi về tận nhà đó!
Rồi ông kể rất rõ ràng từng chi tiết cuộc ăn nhậu của tôi và ông cho tất cả mọi người nghe! Bạn bè trong phòng thí nghiệm ồn ào, nhìn tôi với khá nhiều thắc mắc, khó tin! Họ hỏi tôi đủ chuyện. Có người còn nhẹ nhàng phê phán tôi đã không thật lòng với họ trong các buổi kom-pa trước kia ..v..v… Tôi cũng chỉ tìm cách biện hộ cho qua, nào là vì vui quá với thầy mà quên say! Nào là người hầu bàn tiếp mời liên tục những món ăn hợp khẩu vị nên không sót bụng mà không say! ..v..v.. và ..v..v … Tôi giấu kín cái trò ma mãnh của mình.
Cũng thật may, sau cuộc vui (không trong sáng đó ) khoảng vài ba tháng sau thì tôi tốt nghiệp. Nhờ sự giới thiệu của ông, tôi đã có việc tại một công ty về thực phẩm trong tỉnh cho đến ngày tôi sang Thuỵ sĩ định cư. Vào khoảng năm 1990 ông và ông thầy phó trên đường sang Anh quốc dự hội thảo khoa học, cả hai ông tạt thăm gia đình tôi vài ngày. Trong một bữa cơm, tôi đem rượu mời hai ông. Thấy tôi uống ít, có vẻ yếu rượu. Với chút ngạc nhiên, ông nhắc lại lần uống rượu “ dữ dội “ với ông nhiều năm về trước. Lúc đó tôi mới nói sự thật của lần uống rượu không minh bạch đó cho hai ông nghe ! Cả hai nhìn tôi thích thú cười vang và còn khen tôi lanh trí, khôn ngoan!
Năm 2005 trong lần về thăm gia đình bên vợ tại Kagoshima, tôi có điện thoại đến nhà ông, nhưng lạ kỳ không có ai bắt máy, tôi nghĩ chắc hai ông bà đi thăm gia đình con cháu ở Osaka.Tôi điện thoại đến ông thầy phó, mới biết tin ông bị ung thư phổi đã đến giai đoạn cuối và hiện đang nằm tại một bịnh viện trong thành phố. Vội vàng cùng vợ, chúng tôi đến thăm ông. Nhìn thấy ông tong teo nằm trên giường bệnh. Những sợi dây nối vào cơ thể đến những máy móc chung quanh, cho tôi cái cảm giác rất buồn vì biết chắc không lâu nữa tôi và ông sẽ vĩnh biệt nhau. Khi được người y tá đánh thức. Ông nhìn vợ chồng tôi với ánh mắt mừng rỡ, cố gắng đưa tay ra hiệu cho người y tá dùng máy rút đàm ra khỏi cổ họng để ông nói chuyện. Ra hiệu cho tôi cúi xuống gần hơn, ông thì thào hỏi thăm sức khoẻ tất cả người trong gia đình tôi. Chúc tôi mãi mãi hạnh phúc, thành công. Đưa cánh tay èo ọt vời vợ tôi đến gần, ông nói nhỏ nhưng rất rõ ràng:
- “ Nó là một người chồng rất tốt, hãy biết trân trọng ! “
Tâm sự với ông thêm một lúc, thấy ông quá yếu, gần như muốn ngất đi vì cố gắng tiếp chuyện với chúng tôi. Người y tá ra dấu cho biết cuộc thăm viếng nên chấm dứt. Trong nước mắt, tôi nói vài lời từ giã, cám ơn và chúc ông mau mạnh khỏe để lại có dịp đến thăm viếng ông trong lần về thăm Nhật bản sắp tới. Nhưng tất cả chỉ là những lời chúc tụng, hứa hẹn vu vơ! Tôi về lại Thuỵ sĩ được vài tuần lễ thì nhận được tấm thiệp với hai sọc “ chỉ đen” chéo bên góc phải, từ người con trai cả của ông báo tin ông đã ra đi !!
3.- Rượu, những kiến thức khởi đầu.
Cuối năm 1979, khi rời Nhật Bản đến Thuỵ Sĩ định cư. Tôi vẫn là người rất mù mờ và có ít nhiều thành kiến không tốt với cái chất lỏng mà rất nhiều người coi nó như nguồn vui tuyệt vời trong cuộc sống của họ. Nhưng khi được vào làm việc cho phân khoa thực phẩm thuộc Đại học bách khoa Zuerich. Tôi đã có dịp tiếp xúc với rượu dưới khía cạnh khoa học, nhờ đó sự hiểu biết của tôi về rượu có vẻ thoáng khoát, tích cực hơn. Cũng chính nhờ những kiến thức đó tôi đã có được những tao ngộ rất thú vị trong cuộc sống.
Vào làm việc cho đại học cùng với 8 người khác, mỗi người chúng tôi đều nhận một đề tài khảo cứu khác nhau trong lãnh vực khoa học thực phẩm. Trong đó có một người chuẩn bị cho luận án tiến sĩ của anh ta, liên quan đến những tác nhân trong biến đổi phẩm chất của rượu vang trong biến chế và tồn trữ. Với đề tài này, anh ta đã nhờ tất cả nhân viên cơ hữu của phân khoa, vào mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, sau bữa cơm trưa, dành cho anh ta khoảng 5 ,10 phút tại phòng đọc sách trong thư viện của phân khoa. Nơi đó trên mỗi chiếc bàn nhỏ đã để sẵn khoảng 8, 9 ly rượu vang khác nhau cùng với một đĩa các món ăn như fromage, salami, thịt xông khói..v..v.. dùng cho người thử rượu nhấm nháp và một tờ giấy khổ A 4 ghi số loại rượu thử với những khoảng trống dành cho sự nhận xét. Sau đó anh ta thu nhận tờ giấy ý kiến của mọi người. Sáng thứ tư tuần kế tiếp, cũng tại thư viện của khoa. Anh ta sẽ cho mọi người biết về kết quả thử nghiệm đồng thời nói sơ qua về kỹ thuật biến chế, đặc tính của loại nho, chất phụ trợ tạo mùi, tạo sắc ..v..v… đã được nhà sản xuất xử dụng trong sản xuất và tồn trữ của những mẫu rượu mà tuần trước anh ta nhờ mọi người uống thử và cho ý kiến.
Có thể nói trong suốt 3 năm trời khảo xét rượu và tường trình kết quả của anh ta, tôi không bỏ qua một lần nào. Với tôi mỗi một lần thử rượu và nghe anh ta giải thích, tường trình kỹ thuật biến chế. Nêu ra những khác biệt về mùi, vị kèm theo những bảng phân tích hoá học của các mẫu rượu bằng máy sắc ký áp suất cao (HPLC). Đối với tôi là những bài học tuyệt vời , rất say mê. Tôi có cảm tưởng mỗi lần tham dự là một lần kiến thức về rượu vang của tôi tăng lên rõ ràng. Với khoảng 3 năm dài liên tục học hỏi một cách say mê như vậy, sự hiểu biết về rượu vang của tôi đã có những căn bản rất chuẩn xác, đầy tự tin!
Cũng nhờ cái bệ phóng kiến thức căn bản đó, rượu vang thực sự đã là người bạn rất tâm giao của tôi, mặc dù tửu lượng của tôi vẫn yếu kém như xưa! Chỉ với một ly nho nhỏ khoảng 50cc cũng đã làm tôi đỏ mặt tía tai và muốn đi nghỉ ! Nhưng tôi không bao giờ bỏ qua những dịp may nếu được cử đi tham dự các cuộc triển lãm hay hội thảo về rượu tại Thuỵ sĩ và Âu châu. Tại Zuerich, vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm có lễ hội “thử rượu “ (Wine Expose ) qui tụ rất nhiều nhà sản xuất rượu vang trên thế giới đến tham dự và quảng cáo sản phẩm của họ. Đó cũng là dịp rất thường tôi cùng với bạn bè từ xa đến Thuỵ sĩ để được cùng với họ nếm thử những loại rượu trên thế giới .
Cũng nhờ hiểu biết về rượu một cách khoa học đó. Trong suốt nhiều chục năm sống và làm việc tại Thuỵ Sĩ, nhờ tì kiến thức về rượu, tôi đã có được những dịp may quen biết được người bạn tâm giao, trí thức trong xã hội. Tôi nêu ra một vài giai thoại xảy ra trong đời tôi có liên quan đến rượu như một kỷ niệm hoài tưởng về họ.
4.- Ông bố vợ, Lệnh Hồ Đại Ca Nhật Bản.
Bố vợ tôi trong thời chiến tranh thế giới ông là một sĩ quan huấn luyện Kendo (3 đẳng) cho quân đội Nhật tại Mãn Châu. Khi chiến tranh chấm dứt ông bị Nga Xô bắt làm tù binh, lao động khổ sai tại để xây dựng đường hoả xa xuyên Siberia. Sau đó được tự do, trở về Nhật, ông bước vào nghề giáo học. Qua vợ và mẹ vợ tôi cho biết ông là một người rất mê và uống rượu rất giỏi.
Ông đã sang Thuỵ Sĩ thăm gia đình tôi vài ba lần ngắn hạn, nhưng mùa hè năm 1990 khi đã nghỉ hưu, ông sang ở với gia đình tôi nhiều tháng trời. Với thời gian khá dài này, ông đã được chúng tôi tiếp đãi rất nhiều loại rượu, từ bia, rượu vang, champagne đến những rượu mạnh (whisky, cognac ….) của nhiều nhãn rượu trên thế giới. Biết ông thích và hiểu rượu cho nên tôi luôn luôn lựa chọn những loại rượu thuộc hàng khá cho ông thưởng thức. Đôi lúc cũng thấy xót túi tiền vì không hề rẻ cho những chai rượu ngon! Tuy nhiên phải công nhận khi nhìn cách uống rượu rất từ tốn, chậm rãi cùng với vẻ mặt tràn trề khoái cảm của ông. Nhất là khi ông nuốt từng ngụm rượu, rồi gật gù, nói vài tiếng ngắn gọn : “Tuyệt ! Tuyệt ! đúng là ngon thật “ ! Đã làm tôi quên hết cái cảm giác tiếc tiền vì mua rượu mà còn thích thú được nói chuyện với ông về phẩm chất của loại rượu mà ông thưởng thức.
Một buổi tối cả đại gia đình vui vẻ quanh bàn ăn, trong khi ông đang nhâm nhi một ly rượu với thịt xông khói. Cũng như các lần trước ông hít hà tấm tắc khen rượu ngon. Nói vài câu cám ơn tôi đã cung cấp cho ông. Bà mẹ vợ nhìn ông mỉm cười trêu chọc:
-Với ông, con sâu rượu thì có loại rượu nào mà không ngon!?...Chỉ tổ tốn tiền của chúng nó mà thôi !
Vợ chồng chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói:
-Cái khoái của người dám bỏ tiền ra mua rượu cho người khác uống, Đó là họ biết, người uống rượu có khả năng hiểu biết về rượu đó, bà à!
Thế là khởi đầu cuộc thảo luận về tiền mua rượu của vợ chồng tôi và tài năng uống và biết về rượu của ông được đưa ra tranh cãi. Cuối cùng ông vui vẻ nói:
-Tôi chỉ tội nghiệp chúng nó phải bỏ tiền ra mua rượu, chứ biết giá trị của rượu với tôi thì bà khỏi lo cho mệt !
Tôi im lặng ghi trong lòng câu nói đó của ông với một dự tính tìm cách xác định sự thật tài năng uống rượu của ông khi có dịp. Rồi khoảng tuần lễ sau đó, mùa nghỉ hè của lũ con đã đến, gia đình chúng tôi và ông bà làm cuộc du lịch Âu châu bằng xe microbus. Với khoảng gần 3 tuần lễ chúng tôi đi gần như khắp Nam và Trung Âu châu. Đến đâu tôi cũng kín đáo dành thời gian đến các cửa hàng bán rượu hay siêu thị lựa mua vài chai vang có tiếng tăm hay thông dụng. Đặc biệt tại Pháp tôi đến các địa danh nổi tiếng về rượu như Bordeaux, Burground, Loire, Côtes du Rhône… Hay ghé vào thăm viếng, nghỉ chân tại các lâu đài, và cũng phải “ bấm bụng “ bỏ ra khoảng 50 hay 60 USD trả cho một chai rượu vang, chưa thể gọi là siêu hạng nhưng cũng thuộc loại “ khá ngon “ cho mục đích muốn chứng thực tài năng uống rượu của ông bố vợ!
Mang về nhà với khoảng hơn 10 loại rượu khác nhau, cộng thêm một số rượu khác của Úc, Mỹ , Nam Phi, Chile và 5 loại của Thuỵ sĩ, đã có sẵn trong hầm rượu (hầm trú ẩn của căn nhà, đã được tôi dùng chứa trái cây, thực phẩm và rượu) của mình. Tổng cộng tôi đã có một danh sách gồm 23 loại rượu vang khác nhau sẵn sàng cho việc kiểm nghiệm.
Sau vài ngày nghỉ ngơi, vào một ngày cuối tuần ấm áp. Tôi nói ý định của tôi là muốn thử tài biết và hiểu về rượu của ông. Không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tôi nói. Có lẽ ông đã manh nha đoán được ý định của tôi trong lần du lịch vừa qua. Ông nhìn tôi mỉm cười và nói:
-Tao chỉ ngại làm vợ chồng mày tốn tiền quá nhiều mà thôi, chứ cái trò muốn thử tài uống rượu của tao, chắc chắn mày sẽ không phải thất vọng đâu !
Nghe ông nói quá tự tin như vậy, tôi cũng có phần hào hứng. Nhưng tôi nghĩ đến vấn đế khác và nói với ông:
-Tiền mua rượu có tiếc thì tôi cũng đã mua rồi ! Nhưng vấn đề ở đây, tôi phải mở ra một lúc hơn 20 chai cho ông thử. Rượu còn lại khi đã mở, làm sao tiêu thụ hết, nếu để quá 2,3 ngày thì coi như chỉ làm dấm trộn salade mà thôi!
Nghe tôi nói xong, ông cười thành tiếng, đưa tay nắm vai tôi lắc nhẹ, Với vẻ thích thú ông nói :
-Khỏi lo về chuyện phí phạm, tao bảo đảm với mày trong 2 hay quá lắm 3 ngày là tất cả sẽ được giải quyết ổn thoả!
Chẳng chờ tôi trả lời, ông dí dỏm:
-Nhưng phải là loại rượu ngon mới hết nhe!
Thế là cuộc “xét nghiệm “được thực hành ngay vào buổi tối hôm sau. Cũng như kiểu thử rượu mà người bạn tôi làm ở phòng thư viện phân khoa thực phẩm hơn 10 năm về trước. Hơn 20 chục cái ly đựng rượu khác nhau, được đánh số mà chỉ tôi có danh sách. Tất cả được xếp thẳng hàng trên chiếc bàn ăn khá to, cùng với một đĩa lớn có đủ những món “ mồi “, sẵn sàng cho ông bố vợ nhập cuộc, trổ tài.
Ông im lặng nhắc từng ly rượu, nhấp một ngụm nhỏ, nuốt từ từ rồi chép miệng vài cái trước khi bỏ một miếng đồ nhắm vào miệng nhai chậm chậm. Im lặng một chút rồi ông lập lại y như vậy cho ly rượu tiếp theo. Sau khi nhấp tất cả các ly rượu xong, đưa mắt nhìn lại hàng ly, suy nghĩ một chút rồi cầm lấy khoảng 9, 10 cái ly bỏ sang một bên, nói nhỏ trong miệng: không đặc biệt!
Ông lập lại như lần đầu với số ly rượu còn lại. Rồi cũng trầm ngâm suy nghĩ và loại ra 4, 5 ly! Nhưng lần loại thứ hai này ông có chút lưỡng lự, cầm 2 ly trong số bị loại lên uống và thử lại một lần nữa, với tí chau mày, nhưng cuối cùng ông quyết định loại nó ra khỏi vòng chiến .
Lần thứ 3, rồi thứ 4 kéo dài lâu hơn, có ly rượu được ông thử đi thử lại 2, 3 lần rồi mới quyết định rút nó ra khỏi vòng tranh chấp! Đến vòng thứ 5, còn lại 4 ly, ông nhấp lại nhiều lần, mỗi lần lại im lặng trầm tư, lưỡng lự! Có lúc ông cầm một ly lên, bỏ sang một bên, suy nghĩ rồi lại nhấp thử và lại mang nó để lại chỗ cũ. Cuối cùng ông nói vợ tôi rót cho ông một ly nước lọc ! Uống ngụm nước to, sục nước trong miệng một tí rồi mới uống, như rửa đi cái mùi vị của rượu còn sót lại trong miệng. Rồi ông cầm ly rượu còn lưỡng lự lên nhấp một ngụm để nó trong miệng một lúc rồi mới từ từ uống. Cuối cùng không có chút lưỡng lự, ông quyết định bỏ ly rượu đó vào nhóm bị loại.
Vòng kế tiếp với 3 ly cuối cùng.Trước khi nhấp một ly nào ông đều dùng nước súc miệng như đã làm với vòng trước. Cứ vậy ông làm đi làm lại 3 lần, uống nước, súc miệng rồi uống rượu. Cặp lông mày đen đậm của ông cháu lại tỏ vẻ không dễ tìm ra được sự lựa chọn. Ngồi thừ ra im lặng đưa mắt nhìn cả 3 ly rượu, sau cùng ông đưa tay cầm lấy một ly rượu xoay vài vòng, ánh mắt chau lại, đưa mắt nhìn tôi và nói:
-Tao loại ly này, nhưng hai ly kia, nói thật tao không thể nào xác định được ly nào nhất, ly nào nhì! Cả hai đều đạt đến mức ngon, đậm đà không thể chê được. Mùi vị quá ngon thấm vào cổ họng một cách rất êm nhẹ. Nuốt xong rồi nhưng trong miệng vẫn còn dư hương mùi thơm của rượu!
Cũng chẳng để cho tôi nói, ông tiếp theo:
-Tao hy vọng cảm nhận của tao là đúng, nhưng nói thật tất cả mấy chục loại rượu hôm nay tao thử thuộc thuộc hàng ngon hay rất ngon. Bỏ xa những chai rượu vang mà tao đã uống ở Nhật!
Mang tờ danh sách 23 loại rượu ra, đối chiếu với chọn lựa của ông. Tôi đã thừ người ra vì ngạc nhiên với kết quả! 5 trong số 6 loại rượu vang đỏ của Thuỵ sĩ bị loại ngay vòng đầu hay vòng thứ 2. Còn duy nhất 1 loại đó là ly rượu mà ông đã loại nó ra trong 3 ly rượu cuối cùng. Chai rượu tên là Sassi Grossi được sản xuất tại tiểu bang Tessin vùng nói tiếng Ý của Thuỵ sĩ tại làng Mendrisio một làng chuyên trồng nho giống Merlot để làm rượu. Chai rượu này do một anh bạn làm trưởng ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang Tessin tặng tôi trong một lần anh ta đến thăm gia đình tôi. Với vị thế trong ban kiểm soát phẩm chất thực phẩm của tiểu bang thì chắc chắn phải là một chai rượu rất ngon. Anh ta là một người trong nhóm khảo cứu của chúng tôi và dĩ nhiên biết rất rõ khả năng biết về rượu của tất cả mọi người trong nhóm nên phải là chai rượu đặc biệt.
Còn 2 chai cuối cùng mà ông không quyết định được ngoài chữ tuyệt hảo là 2 chai của Pháp đều ở vùng Bordeaux. Trong lần du lịch vừa qua khi ghé vào thăm quan lâu đài Figeac (quận St. Emilion). Người hướng dẫn viên của lâu đài dẫn chúng tôi thăm viếng sơ sơ hầm ủ rượu của họ, giới thiệu những loại rượu độc đáo mà họ sản xuất. Vì sự nồng nhiệt của anh ta, tôi đã phải bấm bụng bỏ ra khoảng 45 Euro mua cho họ một chai. Chai rượu này được đóng trong hộp gỗ kèm theo một tờ giấy nhỏ mô tả sơ sơ về loại rượu. Nó được đóng chai năm 1986( 5 năm tuổi ) và được làm bởi 3 loại nho của địa phương là Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Merlot. Tên chai rượu là Figeac ( St.Emilion) cũng là tên của lâu đài.
Chai còn lại, cũng ở Bordeaux, tôi mua trong ngày cuối cùng của Wine Expose, tai Zürich khi các hãng rượu bán đại giảm giá để thu dọn ( hình như với giá khoảng 40 Sfr.), Tên chai rượu là Baychevelle ,St. Julien ( Beychevelle là tên của lâu đài, làng St. Julien ) rượu làm từ 54% nho Cabernet Sauvignon + 38% nho Merlot và 8% nho Petit Verdot. Trong năm Expose đó loại rượu này được xếp hạng 19/20 !( của cuộc xét nghiệm ) và được xếp vào nhóm rượu tuyệt hảo.
Sau khi nghe tôi giải thích kết quả kèm theo lời cảm phục với tài thưởng thức rượu của ông. Ông nhìn tôi và nói câu xin lỗi vì đã không cho rượu Thuỵ sĩ vào nhóm 2 chai cuối cùng ngon nhất. Tôi cười và cho ông biết thật ra rượu vang của Thuỵ sĩ cũng như các QG khác còn rất nhiều loại rất siêu hạng nhưng tôi không có khả năng bỏ ra hàng trăm hay hàng ngàn USD cho một chai để ông thử đó mà thôi.
Trước khi dẹp bàn tiệc thử rượu, tôi nhắc khéo ông về 23 chai rượu đã mở, dở dang nhờ ông thu vén hộ! Ông cười vỗ vài cái vào vai tôi và nói tôi khỏi lo, tất cả sẽ hết trong thời hạn như ông đã hứa!
Đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về, tôi cũng chẳng chú ý đến việc còn hay hết của hơn 20 chai rượu dở dang. Dĩ nhiên ở bữa cơm tối, vài chai trong số đó được mang ra cho bữa ăn. Nhưng đến ngày thứ ba, buổi tối khi về nhà, chưa kịp ngồi vào bàn ăn, vợ tôi cho biết tất cả rượu uống dở dang đã hết nhờ tôi xuống hầm rượu mang lên một chai khác !Tôi ngẩn ngơ một lúc nhưng cũng thấy khoái trong lòng. Đúng như ông bố vợ đã hứa, tất cả số rượu đã được ông “ thu dọn “ rất đúng hẹn. Tôi không phải lo phí phạm vì để lâu,rượu sẽ hư !
Nhìn ông bố vợ, to lớn võ biền, hình ảnh Lệnh Hồ Xung với tửu lượng kinh hồn trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung chợt hiện ra trong trí nhớ tôi.Tôi có cảm giác ông bố vợ của tôi hình như có cái gì giông giống Lệnh Hồ đại ca thì phải ?! Ông cũng có tài nhận biết, thưởng thức rượu đến mức thượng thừa! Tửu lượng cũng đạt đến mức không say, khó có người so sánh được! Chỉ với hơn 3 ngày mà ông tiêu thụ rất nhẹ nhàng khoảng 15, 16 chai rượu, không phải là một chuyện dễ dàng mà kẻ bình thường có thể làm được như ông! Nhất là trong hai ngày đi làm về nhà vào buổi tối ông không có dấu hiệu gì chứng tỏ say xỉn! Rất bình thường khi nói chuyện cười đùa với mọi người và chơi đùa với 3 đứa cháu ngoại hoàn toàn tỉnh táo, vô tư!
Hết phần một
Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(Viết lại Zürich March 2023 )
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa