Lý Bạch 李白 (701-762), (kém Vương Xương Linh 3 tuổi), tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.
Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ Lý cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên, ...
Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.
Nguyên tác Dịch âm
憶秦娥 Ức Tần Nga
簫聲咽 Tiêu thanh yết1,
秦娥夢斷秦樓月 Tần Nga 2 mộng đoạn Tần lâu nguyệt.
秦樓月 Tần lâu nguyệt,
年年柳色 Niên niên liễu sắc,
灞陵傷別 Bá Lăng 3 thương biệt.
樂遊原上清秋節 Lạc Du nguyên thượng thanh thu tiết,
咸陽古道音塵絕 Hàm Dương cổ đạo âm trần tuyệt.
音塵絕 Âm trần tuyệt,
西風殘照 Tây phong tàn chiếu,
漢家陵闕 Hán gia lăng khuyết.
(Năm 761. Bồ Tát man và Ức Tần Nga được coi là tổ của từ khúc).
Chú giải
憶秦娥 Ức Tần Nga: tên một điệu từ; điệu này có sách thì nói do Lý Vệ Công đặt, sách thì nói khắc tại núi Vô đương, sách thì nói của Lý Bạch. Không biết sách nào đúng. Nhưng chắc là một từ khúc đời Vãng Dương, điệu này với điệu Bồ tát man đều là rất xưa và là tổ của những Từ khúc.
Tiêu 簫: Nhạc cụ làm bằng ống trúc.
咽 Yết 1: (danh từ) yết hầu; (đông từ) nghẹn, nuốt xuống. Ý nói tiếng tiêu nghe thê lương, nghẹn ngào như tiếng khóc ấm ức kể lể, ai oán.
殘照 tàn chiếu; chỉ mặt trời gần lặn.
陵闕 lăng khuyết: Lăng là mộ phần của vua, khuyết là cửa ngoài cung điện.
秦娥 Tần Nga 2: là con gái Tần Mục công tên là Lộng Ngọc công chúa, kết duyên với Tiêu Sử. vì mê điệu ống tiêu chàng thổi. Tương truyền nàng Lộng Ngọc 弄玉 con gái của Tần Mục công 秦穆公 đời Xuân Thu, còn gọi là Tần nữ, Tần Nga, Tần vương nữ... rất giỏi thổi tiêu, sênh; một hôm nằm mơ thấy người tiên tuấn tú xưng tên là Tiêu Sử 萧史 ở núi Thái Hoa Sơn 太華山 đến cùng Lộng Ngọc thổi tiêu. Khi tỉnh mộng Lộng Ngọc bèn tâu cha xin tìm Tiêu Sử về kết duyên. Một hôm khi 2 người thổi tiêu thì chim phụng đáp xuống nghe. Hai người bèn cưỡi phụng bay lên tiên. (Cũng có người kể là 2 người bỏ đi mất vì bị xã hội than phiền về tiếng tiêu làm xáo trộn đời sống của dân chúng).
Mộng đoạn 夢斷: đang nằm mộng tỉnh dậy, đồng nghĩa với mộng tỉnh.
灞陵 Bá lăng 3: là nơi có lăng mộ của Hán Văn Đế ở Phía đông thị trấn Diên An , tỉnh Thiểm Tây. Tại đây có 1 cây cầu trên đường thông Hoa bắc, đông và đông nam. Người nước Hán lúc bấy giờ mỗi khi đưa người thân đi xa, khi đến cầu này bẻ 1 nhánh liễu thương tâm tiễn biệt (có 1 bài sáo tên là "Chiết liễu" là ý này (Xem bài thơ Xuân Dạ Lạc Thành Văn Địch của Lý Bạch)
樂遊原 Lạc Du nguyên là gò Lạc Du gần Trường An, vua Hán Tuyên Đế lập miếu ở trên đó, người du ngoạn đến dâng lễ cúng, thường là vào ngày 3 tháng 3 hoặc 9 tháng 9.
咸陽 Hàm Dương: kinh đô nước Tần, cách Trường An vài trăm dặm về phía tây bắc.
Hàm Dương cổ đạo: cổ thành Hàm Dương hiện nay ở tỉnh Thiểm Tây, cách thị trấn Hàm Dương 20 dặm về phía đông. Vào thời Hán, Đường, đây là đường quân sự và kinh thương trọng yếu.
Âm trần 音塵: ám chỉ tin tức. Trong bài này âm trần có nghĩa là âm thanh và bụi bặm do xe chạy qua.
Tây phong 西風: gió thu;
Tàn chiếu 殘照: ánh sáng lúc mặt trời lặn.
Hán gia 漢家: hán triều 漢朝。
Lăng quyết 陵闕: mộ phần và cung điện của hoàng đế.
Dịch nghĩa
Ức Tần Nga
Tiếng tiêu ấm ức,
Lúc Tần Nga tỉnh mộng thì trên lầu nhà họ Tần, trăng đã lên.
(Nhắc lại) Trăng đã lên ở trên lầu nhà họ Tần,
Hàng năm mầu sắc (xanh) của dương liễu,
(Vẫn ám ảnh) sự buồn thương ly biệt trên cầu Bá Lăng.
Tiết thanh thu (tiết trùng dương) ở trên khu Lạc Du Nguyên,
Âm thanh (ồn ào) và bụi bặm trên con đường cổ ở Hàm Dương đã không còn.
(Nhắc lại) Âm thanh và bụi bặm đã không còn.
Gió tây (gió thu) lúc ánh sáng tàn của ngày,
(Chỉ còn) lăng mộ và cung điện của nhà Hán (để lại)
Dịch từ
Ức Tần Nga
Tiêu ai oán,
Tần Nga 1 tỉnh mộng lầu trăng sáng.
Lầu trăng sáng,
Triền miên sắc liễu,
Bá Lăng 2 chia cắt.
Lạc Du có tiết thu trong vắt,
Hàm Dương lối cũ âm thanh bặt.
Âm thanh bặt,
Phương tây nắng tắt,
Hán lăng hiu hắt.
Lời bàn của
Bài từ theo điệu Ức tần nga (xin xem giải thích trong chú giải), kể rằng tiếng tiêu nghẹn ngào, ai oán đánh thức thiếu nữ tình mộng trên lầu Tần lúc trăng vừa lên. Thời điểm là buổi xế chiều. Khi tỉnh dậy thiếu nữ thấy phong cảnh trung quanh nhuốm một màu ly biệt ảm đạm: sắc liễu đầy rẫy trên gò Bá lăng; cảnh thu trong trẻo trên gò Lạc Du, cảnh tịch mịch trên lối cũ Hàm Dương…; gió thu nhè nhẹ; nắng tàn buổi chiều…; nhìn xa xa chỉ thấy lăng tẩm triều Hán nằm trơ trọi buồn bã…
Bài từ có 10 câu 46 chữ mà chứa đủ những chi tiết ấy; ý tứ phong phú; ngôn ngữ và vần điệu phức tạp. Tác giả kể những phức tạp ấy đã diễn ra chóng vánh như một giấc chiêm bao. Ông không đưa ra một kết luận nào cụ thể nào, có ý để cho độc giả tự lựa chọn. Bài từ rất hàm súc, rất cô đọng, rất Lý Bạch.
Con Cò
***
Nhớ Tần Nga
Tiêu to nhỏ,
Tần Nga chợt tỉnh lầu trăng tỏ.
Lầu trăng tỏ,
Năm dài liễu biếc,
Ba Lăng ly khổ.
Lạc Du gò đất thu vàng võ,
Hàm Dương bụi cũ không trên lộ.
Không trên lộ,
Chiều tàn Tây gió,
Hán triều lăng mộ.
Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jun. 26/2022.
***
***
Ức Tần nga: tên từ điệu gồm 46 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn 5 câu có 3 trắc vận và 1 điệp vận.
Cách luật:
B X T vận
X B X T B B T vận
B B T điệp vận
X B X T cú
T B B T vận
X B X T B B T vận
X B X T B B T vận
B B T điệp vận
X B X T cú
T B B T vận
B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần
Ức Tần Nga, Lý Bạch
1-
Sáo thút thít.
Tần Nga tỉnh mộng, trăng Tần biếc
Trăng Tần biếc
Hằng năm sắc liễu
Bá Lăng ly biệt
Nơi vườn Lạc Du, thu vào tiết
Đường cũ Hàm Dương bụi ồn hết
Bụi ồn hết
Gió thu nắng nhạt
Hán cung mộ khuyết.
2-
Tiếng tiêu nức nở bao lần
Tần Nga tỉnh mộng trăng Tần lầu cao
Trăng Tần lầu cao
Hằng năm sắc liễu xanh xao
Lạc Du thu tiết đã vào trùng dương
Đường Hàm Dương dứt bụi ồn
Dứt bụi ồn
Gió thu nhạt nắng Hán còn mộ cung
Lộc Bắc
***
Ức Tần Nga
Tiêu văng vẳng
Tần Nga tỉnh giấc trăng loang trắng
Trăng loang trắng
Liễu sắc biếc
Bá Lăng sầu tiễn biệt
Gió thu thành Lạc Du xanh ngắt
Đường xưa ngõ cũ âm dìu dặt
Âm dìu dặt
Phương đoài tắt nắng
Hán Lăng phẳng lặng
Kiều Mộng Hà
May17th2023
***
Đây là một bài từ rất hay của Lý Bạch, ý lạ và buồn, nhưng câu nào cũng tận cùng bằng vần trắc, đọc không mấy êm tai, rất khó dịch. BS đã đọc những bài dịch trong Thi Viện, không thấy bài nào đáng cho mình ngưỡng mộ, ÔC dịch hay hơn nhiều. (lâu lâu, cũng phải khen chứ!)
Phần giải nghĩa của ÔC, BS thấy rất đầy đủ, nhưng có chỗ BS không đồng ý, rằng Bá Lăng là nơi có lăng mộ của Hán Văn Đế. Như vậy thì Tần Nga, thời Đông Chu, trước Văn Đế cả mấy thế kỷ, làm sao biết mà nhắc trong bài từ? Thi Viện có lẽ đúng hơn, nói rằng đó là tên một cây cầu thời cổ, nơi thiên hạ tới tiễn đưa nhau, nên còn có tên là Đoạn Hồn Kiều.
Theo ý của BS, bài Ức Tần Nga thuộc loại hoài cổ, kiểu Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương của bà Huyện Thanh Quan: Họ Lý nhớ tới chuyện xưa, nàng Lộng Ngọc trong cung, nghe tiếng tiêu, tỉnh mộng, nghĩ đen cầu Bá Lăng, nơi chia ly của thiên hạ, và đoạn sau, Lý nhớ tới Lạc Du Nguyên, chỗ du lịch của người xưa, thường ồn ào náo nhiệt, mà khi mùa thu tới thì vắng vẻ khiến lăng tẩm của nhà Hán, ở gần đó càng hoang vu, quạnh quẽ.
Dịch theo điệu từ Ức Tần Nga:
Tiêu nức nở,
Tần Nga tỉnh mộng, lầu trăng tỏ,
Lầu trăng tỏ,
Năm năm sắc liễu,
Bá Lăng thương khổ.
Lạc Du Nguyên, lúc thu trong mát,
Đường cổ Lạc Dương bụi, ồn hết,
Bụi ồn hết,
Gió tây, chiều xuống,
Hán lăng buồn chết.
Dịch như vậy thì đúng từ điệu, nhưng nghe không thấm, nên dịch thoát theo lục bát:
Ức Tần Nga
Tiếng tiêu ai oán, mơ hồ,
Vẳng đưa về tới kinh đô lầu Tần,
Tần Nga tỉnh giấc mộng xuân,
Khắp lầu trăng sáng, muôn phần đẹp tươi,
Năm năm sắc liễu lả lơi,
Bá Lăng ly biệt, thương người đi xa,
Đồng Lạc Du, lúc thu qua,
Lối Hàm Dương dứt âm ba, bụi trần,
Gió tây nổi, nắng tàn dần,
Mộ lăng nhà Hán âm thầm, quạnh hiu.
Bát Sách.
(ngày 17/05/2023)
***
Vương Vấn Bóng Hình Tần Nga
Tiếng tiêu nức nở vọng vang,
Nghe như oán thán - lỡ làng xót xa.
Chừng khi tỉnh mộng Tần Nga,
Lầu son gác tía, mượt mà trăng soi.
Bao niên dương liễu bên trời,
Sắc màu xanh thắm ỉ ôi phân kỳ.
Bá Lăng lệ ướt chia ly,
Nhịp cầu đôi ngã - còn gì cho nhau?
Lạc Du Nguyên, lẻ bóng sầu,
Thanh thu vào tiết - mái đầu bi thương.
Bụi trần âm vực ngàn phương,
Con đường cổ kính Hàm Dương nhớ hoài...
Gió thu, tia nắng trải dài,
Ngày đà sắp dứt, anh tài miên man
Chỉ còn lăng mộ võ vàng,
Ngai vàng Hán Đế - nát tan mất rồi!
Khánh-Hưng
Nhớ Tần Nga
Tiếng tiêu nức nở u sầu,
Tần nga mộng tỉnh, Tần lâu trăng tà.
Trăng lầu Tần, tháng năm qua,
Soi màu liễu biếc thướt tha bên cầu.
Bá lăng ly biệt thương đau!
Lạc du thắng cảnh, khí thâu dịu dàng.
Trông về nẻo cũ Hàm dương,
Âm thư vắng bặt, con đường quạnh hiu.
Gió tây gợi nỗi cô liêu,
Cửa lăng nhà Hán ánh chiều xuyên ngang.
(Bửu Cầm)
Chú thích:
Nhân dịp mở xem cuốn báo France – Asie, thấy trong đó có một tờ giấy viết bằng bút chì dịch bài thi “ỨC TẦN NGA ” của Giáo sư Bửu Cầm. Theo như bút tích để lại trên tờ giấy của Giáo sư, tôi cho là một giây phút nhàn rỗi ông đã dịch bài này. Chưa rõ là dịch năm nào, đã hoàn chỉnh hoặc cho đăng tải trên những phương tiện báo chí nào chưa. Nhưng Giáo Sư đã khuất núi thành ra không biết giải quyết ra sao. Nay tôi xin phép vong hồn Giáo Sư đăng lên cho mọi người thưởng thức để khỏi mai một.
(Cauminhngoc)
28/8/2013.
(Re'f. Google.com)
***
Long Từ Phổ
B X Tv
X B X T B B Tv
B B Tđv
X B X T
T B B Tv
X B X T B B Tv
X B X T B B Tv
B B Tđv
X B X T
T B B Tv
憶秦娥- 李白
簫聲咽
秦娥夢斷秦樓月
秦樓月
年年柳色
霸陵傷別
樂遊原上清秋節
鹹陽古道音塵絶
音塵絶
西風殘照
漢家陵闕
Ức Tần Nga – Lý Bạch
Tiêu thanh yết
Tần Nga mộng đoạn Tần lâu nguyệt
Tần lâu nguyệt
Niên niên liễu sắc
Bá Lăng thương biệt
Lạc Du nguyên thượng thanh thu tiết
Hàm Dương cổ đạo âm trần tuyệt
Âm trần tuyệt
Tây phong tàn chiếu
Hán gia lăng khuyết
Chú thích: T=thanh trắc Tv=thanh trắc vần Tđv=thanh trắc điệp vận
B= thanh bằng X= thanh bằng hay trắc cũng được
Ức Tần Nga là một điệu từ nguyên thủy do Lý Bạch sáng tác, gồm 2 phần, mỗi phần 5 câu, có 3 vần trắc và 1 vần trùng (điệp vận). Đặc biệt là cả 2 phần đều xài một vần trắc: yết, nguyệt, biệt và tiết, tuyệt, khuyết.
Là một điệu hát hay, nên sau này có nhiều người điền lời. Để phân biệt Ức Tần Nga của Lý Bạch với các bài khác sau này, bài từ của Lý còn có tên Tần Lâu Nguyệt, Bích Vân Thâm, Song Hà Diệp…Các bài Ức Tần Nga khác:
Ức Tần Nga - Thương Ly Biệt - Tống - Hà Mộng Quế 忆秦娥-伤离别-宋-何梦桂
Ức Tần Nga - Vịnh Đồng - Tống - Lý Thanh Chiếu 忆秦娥-咏桐-宋-李清照
Ức Tần Nga - Lâm Cao Các - Tống - Lý Thanh Chiếu 忆秦娥-临高阁-宋-李清照
Ức Tần Nga - Hiểu Mông Lông - Tống - Hạ Chú 忆秦娥-曉朦朧-宋-贺铸
Ức Tần Nga - Dụng Thái Bạch Vận - Bắc Tống - Lý Chi Nghi 忆秦娥- 用太白韵- 北宋-李之仪
Ức Tần Nga - Trung Trai Thượng Nguyên Khách Tán Cảm Cựu - Nam Tống - Lưu Thần Ông 忆秦娥-中斋上元客散感旧-南宋-刘辰翁
Ức Tần Nga - Mai Tạ Liễu - Nam Tống - Lưu Khắc Trang 忆秦娥-梅谢了-南宋-刘克庄
Ức Tần Nga của Lý Bạch là một tuyệt tác văn chương và âm nhạc. Chỉ với 46 chữ trong 10 câu, ông kể một câu chuyện trăm trang nhờ dùng các điển cố mà tôi không nhắc lại ở đây. Trong phần 1, chỉ câu 4 tả cảnh mùa xuân khi nói đến liễu xanh. Trong phần 2 cũng chỉ có 1 câu 9 nói về gió thu.
Các sách có mộc bản bài từ Ức Tần Nga của Lý Bạch:
Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集分類補註-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白
Hoa Am Từ Tuyển - Tống - Hoàng Thăng 花菴詞選-宋-黃昇
Toàn Thục Nghệ Văn Chí - Minh - Chu Phục Tuấn 全蜀藝文志-明-周復俊
Hoa Thảo Dọt Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Ngự Tuyển Lịch Đại Thi Dư - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選歷代詩餘-清-聖祖玄燁
Chú Thích của trang web Ức Tần Nga - Lý Bạch ~ HHD Bellephoto:
Sách "Thiệu Thị Văn Kiến Hậu Lục 邵氏聞見後錄" của Thiệu Bác 邵博 sống vào thời kỳ giữa Nam Bắc Tống và sách "Đường Tống Chư Hiền Tuyệt Diệu Từ Tuyển 唐宋諸賢絕妙詞選 " của Hoàng Thăng 黃升 đời Nam Tống đều chép bài này và bài bồ tát man "Bình lâm mạc mạc" là của Lý Bạch. Từ đời Minh về sau, nhiều tác giả phản bác điều này viện lẽ không tìm thấy trong "Lý Bạch Toàn Tập".
Truyền thuyết cho rằng bài từ này không phải của Lý Bạch, có thể là của Lý Vệ Công hay một tác giả vô danh… không còn đứng vững khi người ta tìm thấy sách Lý Thái Bạch Tập Chú và Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú của Lý Bạch có chép bài từ này.
Từ Phổ cho bài Ức Tần Nga:
Hai từ phổ quan trọng hiện hành đều để bài của Lý Bạch đứng đầu.
a. Khâm Phổ 欽譜 hay Khâm Định Từ Phổ 欽定詞譜 Thanh - Khang Hy, viết về bài Ức Tần Nga 憶秦娥 của Lý Bạch như sau:
憶秦娥雙調四十六字,前後段各五句,三仄韻、一疊韻 Ức tần nga song điều tứ thập lục tự , tiền hậu đoạn các ngũ cú , tam trắc vận 、 nhất điệp vận. Ức tần nga có bốn mươi sáu chữ trong bài song điệu, mỗi điệu năm câu ở phần trước và sau, ba vần trắc và một vần trùng.
Ngoài bài của Lý Bạch là cách 1, Khâm Phổ còn cho thêm 10 cách khác với luật bằng trắc khác nhau.
b. Long Phổ 龍譜 viết:
憶秦娥又名《秦樓月》。始見黃昇《唐宋諸賢絶妙詞選》,題李白作。四十六字,前後片各三仄韻,一疊韻,亦以入聲部為宜。又有改用平韻者,附見於後。Ức Tần Nga hựu danh 《 tần lâu nguyệt 》。 thủy kiến hoàng thăng 《 đường tống chư hiền tuyệt diệu từ tuyển 》, đề lí bạch tác 。 tứ thập lục tự , tiền hậu phiến các tam trắc vận , nhất điệp vận , diệc dĩ nhập thanh bộ vi nghi 。 hựu hữu cải dụng bình vận giả , phụ kiến vu hậu 。Ức Tần Nga còn được gọi là "Tần Lâu Nguyệt". Lần đầu đọc bài "Đường Tống chư hiền nhiếp diệu từ tuyển" của Hoàng Thăng viết về tác phẩm của Lý Bạch. Bốn mươi sáu chữ, phần trước và sau có ba vần trắc, một vần trùng, nhập thoại cũng thích hợp. Lại có người chuyển sang bình vận, phụ họa sau này. (Hạ Chú xài vần bằng trong bài Hiểu Mông Lông, xem cách 9 Khâm Phổ hoặc cách 2 Long Phổ.)
Ngoài bài của Lý Bạch, Long Phổ chỉ cho một cách khác là bài Ức Tần Nga - Hiểu Mông Lông - Tống - Hạ Chú 忆秦娥-临高阁-宋-贺铸.
Từ Phổ
B B Tv
B B T T B B Tv
B B Tđv
B B T T
T B B Tv
T B B T B B Tv
B B T T B B Tv
B B Tđv
B B B T
T B B Tv
憶秦娥- 李白
簫聲咽
秦娥夢斷秦樓月
秦樓月
年年柳色
霸陵傷別
樂遊原上清秋節
鹹陽古道音塵絶
音塵絶
西風殘照
漢家陵闕
Ức Tần Nga – Lý Bạch
Tiêu thanh yết
Tần Nga mộng đoạn Tần lâu nguyệt
Tần lâu nguyệt
Niên niên liễu sắc
Bá Lăng thương biệt
Lạc Du nguyên thượng thanh thu tiết
Hàm Dương cổ đạo âm trần tuyệt
Âm trần tuyệt
Tây phong tàn chiếu
Hán gia lăng khuyết
Chú thích: T=thanh trắc Tv=thanh trắc vần Tđv=thanh trắc điệp vận
B= thanh bằng B= thanh bằng T=thanh trắc
Viết ra tất cả các thanh trong bài Ức TấnNga của Lý Bạch như trong bản bên trên, phần 1 của bài gần giống như phần 1 của cách 2 trong Khâm Phổ.
平平仄韻平平仄仄平平仄韻平平仄韻平平平仄句仄平平仄韻
Dịch thơ:
Từ là một bản nhạc nên khó dịch mà phải điền chữ. Dịch thơ thì thiếu tài năng, xin tạm vay mượn của người khác trên internet.
(Bút tích của GS Bửu Cầm)
Nhớ Tần Nga
Tiếng tiêu nức nở u sầu,
Tần Nga mộng tỉnh Tần lâu trăng tà.
Trăng lầu Tần tháng năm qua
Soi màu liễu biếc thướt tha bên cầu.
Bá Lăng ly biệt thương đau.
Lạc du thắng cảnh, khí thâu dịu dàng
Trông về nẻo cũ Hàm Dương,
Âm thư vắng bặt con đường quạnh hiu.
Gió tây gợi nỗi cô liêu.
Cửa lăng nhà Hán ánh chiều xuyên ngang.
Bửu Cầm
Mời nghe hợp ca do Ôn Ca Hoa Tri Âm Hợp Xướng Đoàn.
Người Trung Hoa trình diễn bài Ức Tần Nga của Lý Bạch rất trang trọng.
Phí Minh Tâm
***
Cảm Tác:
Hoàng hôn phủ bóng ngoài trời
Đâu đây văng vẳng những lời ca than
Đôi lúc pháo kích râm ran
Nay sống, mai chết thế gian vô thường
Mình em nằm rũ trên giường
Mong anh nghỉ phép về nương người tình
Mắt chờ vò võ bình minh
Để quên đom đóm với hình bóng ma
Đồ Cóc
dài quá
Trả lờiXóa