Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Tình Nghĩa

 

Từ khi anh bị stroke và phải nghỉ làm, tôi cũng xin nghỉ làm ở nhà chăm sóc cho anh. Mười năm rồi, mười năm đã trôi qua….mãi đến hai năm gần đây là những tháng ngày mà tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả, cho dù anh vẫn chưa được như xưa, như những ngày anh còn đầy đủ minh mẫn và sức khỏe để đi làm, lo toan cho cuộc sống của gia đình. Dường như anh đã cảm thông được những điều tôi làm cho anh…những săn sóc, những yêu chiều của người vợ đã chung sức phấn đấu với anh qua những trân chuyên của cuộc đời và có lẽ cũng đã nhận thấy những thay đổi nơi tôi…kiên nhẫn, ân cần và dịu dàng hết mực để anh được tĩnh dưỡng an bình. Yên lặng mình tôi, hai vai ” gánh vác sơn hà”, lo cho chồng, cho con với cả một tấm lòng yêu thương.

Chúng tôi quen nhau rất lâu mới lập gia đình với nhau… và trong suốt khoảng thời gian đó, anh là người đã giữ vững cuộc tình với tất cả những khác biệt của nó…đâu phải cứ yêu nhau mà giữ được nhau đâu? Tôi với cá tính dễ nóng giận và nhiều tự ái mà lại rơi vào vòng tay của một anh chàng thư sinh luật khoa trẻ tuổi đầy hoài bão mới bước chân vào đời công chức. Ngày đó, tôi đã ra trường và làm việc được hai năm, cũng đã trải qua một cuộc tình nhưng tự chấm dứt vì cảm thấy không thể mang lại hạnh phúc cho nhau trong cuộc sống chung. Đó là thời gian vừa sau mùa hè đỏ lửa năm 72, chiến tranh đang mở rộng, hầu hết các bạn trai của chúng tôi đã lên đường nhập ngũ, nên đám bạn gái của tôi cũng ngạc nhiên vì biết Đăng theo đuổi tôi đã lâu, có thể coi như là tôi đã nhận lời cầu hôn của Đăng và có nhiều lần Đăng lái xe hơi đưa tôi và mấy cô bạn thân đi chơi, rất lịch sự và hào phóng nên lấy được cảm tình của tụi nó. Cũng đã có một thời gian khá lâu tôi cảm thấy cô đơn và buồn vì đã quen có người đưa đi chơi, tôi không hối hận nhưng cảm thấy ân hận trong lòng vì đã làm Đăng đau buồn và vẫn nghĩ rằng như thế có thể tốt hơn cho cả hai người, dù là bị tụi bạn kết án là …hơi tàn nhẫn.

Và cho đến khi gặp anh, tôi cũng chưa có ai thân cả, thời buổi chiến tranh, những người trai trẻ sinh ra trong thời chiến vào lớp tuổi tôi, không đền nợ nước thì hầu như đã có gia đình. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ tôi coi anh là đối tượng của tôi cả…anh là người miền nam sinh ra ở Saigon và sống tại đây, gia đình anh tuy không giàu có nhưng hầu hết các con đều cho học trường Dòng và học giỏi, anh trẻ hơn tôi, chẳng bao nhiêu, chỉ vài tuổi thôi và chỉ riêng đó cũng không hội đủ tiêu chuẩn rồi. Còn tôi thì theo gia đình di cư vào nam từ ngày còn nhỏ, trôi nổi nhiều nơi, cuối cùng vào học trường hành Chánh và ra làm công chức …thế rồi chúng tôi yêu nhau!!

Vào thời gian đó, quan điểm của xã hội và gia đình vẫn còn khó khăn đối với người muốn kết hôn với người con gái lớn tuổi hơn, nhưng ngược lại thì không ai … phiền hà gì cả ???. Sau khi “ trình diện “ anh với đám bạn bộ tư kết nghĩa của tôi, tôi đã gặp sự phản đối của tụi nó, tuy không đến nỗi quá đáng nhưng đã làm tôi có lúc muốn buông tay. Chúng tôi thường mời người yêu cùng đi chơi chung với nhóm… để làm thân và … chờ lời bình.
Thu, cô bạn thân nhất của tôi và cũng là chị hai của nhóm, có vẻ đăm chiêu
- Có lẽ mày nên suy nghĩ lại, tao sợ rằng gia đình chàng Ba sẽ kiếm cách ngăn cản chuyện của tụi mày, họ có lý do và đến lúc đó sẽ đưa đến nhiều chuyện khó lòng và làm mất thời gian của mày

Kim Anh, cô bạn kế tôi, cảm khái vì biết anh và cũng là dân luật - Tao đã gặp anh Ba vài lần vì có lớp chung, thấy chàng ta cũng được…có vẻ đàng hoàng và có tài ăn nói nhưng không ngờ lại muốn làm anh Ba của tao… thôi thì tùy mày…con tim có lý do của riêng nó Chúng tôi thường gọi người yêu của bạn theo thứ tự của nhóm để dễ nói chuyện. Cúc, cô nhỏ nhất thêm vào
- Tao đồng ý với chị Hai, tính chị Ba lãng mạn lắm, anh Ba cái gì cũng được nhưng có nhiều chị gái độc thân và…còn trẻ quá, mày sẽ mệt lắm đó. Tuy là thế nhưng tụi nó vẫn rất vui vẻ và lịch sự khi có dịp gặp nhau hay đi chơi chung. Có lẽ là thấy tấm chân tình của anh đối với tôi… Anh luôn luôn chăm sóc bảo vệ cho tôi và trong vòng tay bảo bọc thân thương ấy, anh đã làm tan đi những cảm nghĩ về tuổi tác của chúng tôi, tự ngày đó cho đến tận bây giờ

Khi yêu thì đâu nghĩ đến những khác biệt của nhau nhưng khi lấy nhau rồi thì mới thực sự đương đầu với thực tế, và chúng tôi cũng đã có vài cuộc…đụng độ khá sôi nổi vì cả hai đều nóng tính, nhưng chỉ trong giây phút rồi ngộ ra, hễ một người im tiếng thì phe bên kia nhận thấy ngay và mọi việc yên lặng như tờ, như không có chuyện gì xẩy ra cả rồi nhìn nhau cười… học cách nương nhau mà sống, nhất là khi các con có chút hiểu biết thì ráng nhịn nhau nhiều hơn … điều buồn cười là những việc đó đều là những chuyện nhỏ về cá tính, còn đối với những chuyện lớn như bàn về tương lại, hoạch định kế hoạch gia đình hay việc học cho con cái thì lại rất là tâm đầu ý hợp!!!

Cả hai chúng tôi đều cố gắng làm việc và lo cho gia đình sau khi định cư ở Mỹ. Chúng tôi có hai cháu gái cách nhau sáu tuổi, về công việc thì cả hai đều làm việc cho Bưu Điện, anh sửa máy sort mail và làm đêm, còn tôi thì bán tem và nhận bưu phẩm nên làm ban ngày, gia đình có buổi chiều ăn chung và nói chuyện trước khi anh đi làm lúc 10 giờ tối, anh rất thích làm thêm giờ phụ trội vì thích có tiền nhưng lại không thích tiêu pha, ngay cả cho chính anh mà chỉ để dành cho vợ con. Còn tôi thì cố gắng về đúng giờ để lo việc nấu ăn cho gia đình và trông coi việc học của con. Đời sống của những người tị nạn rất vất vả, nhất là phụ nữ vì ngoài việc lo cho gia đình, còn phải giúp chồng đi làm kiếm thêm tiền để cho cuộc sống thoải mái hơn và có chút vốn dành dụm cho con ăn học. Cả hai con tôi đều bị bệnh suyễn từ khi còn rất nhỏ, nên tôi dành nhiều thì giờ chăm sóc cho sức khỏe của chúng, việc cơm nước thì làm giản dị, may là anh ăn uống cũng dễ, không đòi hỏi nhiều và thường nói đùa là anh ăn… “see food“ …sáng đi làm về, nhìn thấy gì ăn được thì ăn rồi đi ngủ, chiều đón vợ con về rồi ăn cơm chiều. Anh ăn uống rất thoải mái không kiêng cữ vả rất thích bánh ngọt…anh trữ bánh đầy tủ và hay mời tôi ăn, cũng may là tôi không thích ngọt, chứ không thì mệt lắm .

Với sự di truyền về bệnh cao máu của gia đình, ăn uống không cẩn thận lâu ngày và làm việc quá nhiều đã làm anh bị stroke. Không nặng lắm nên không thấy ngay…mà dần dần thấy ảnh hưởng của nó… tôi nhận thấy cách anh đi kỳ lạ, anh nói rất ít và không rõ. Nghe lời tôi, anh chỉ đi làm hai ngày trong tuần và đi bác sĩ…. Một bác sĩ thần kinh người Ấn Độ cho tôi biết anh đã bị stroke gần thần kinh não bộ nên ảnh hưởng đến chân, bộ nhớ và nói, may mà không nặng nên cầm cự được… không nên đi làm… cần đi therapy và phải đi check up thường xuyên.

Đầu óc tôi rối tung, mọi việc xảy ra ngoài dự đoán và tưởng tượng, …việc đầu tiên là xin phép cho anh tạm nghỉ làm và dùng sick leave, ngày nào anh không đi bác sĩ thì tôi đi làm…công việc trong sở rất nhiều, có những chiều tôi đi làm về thì thấy anh ngồi chờ bên cửa, chỉ tay vào đồng hồ…ra ý nói sao về trễ vậy, tôi giải thích cho anh là sở đóng cửa lúc 5 giờ, còn phải collect mail gửi đi, nộp tiền bán tem rồi mới về được, anh yên lặng bỏ đi. Nhìn anh bước khập khiễng, xiêu vẹo, tôi đau lòng không cầm được nước mắt. Không có đêm nào tôi ngủ được trọn giấc, trằn trọc suy nghĩ tính toán, tìm cách giải quyết… không thể để anh chờ như vậy, phải nghỉ làm để chăm sóc cho anh, dù có phải cầm thế nhà đi chăng nữa Tôi xin tạm nghỉ làm, dùng family leave, nói chuyện với người đại diện của công đoàn nhờ giúp ý. Sau khi nghiên cứu hồ làm việc của chúng tôi, họ cho biết là cả hai chúng tôi làm việc đủ 25 năm và đã trên 60 tuổi, đủ điều kiện để xin lãnh pension. Điếu may mắn hơn nữa là chúng tôi vẫn được tiếp tục hưởng bảo hiểm sức khoẻ vì đó là quyền lợi đặc biệt cho nhân viên ngành bưu điện, đồng thời nếu muốn, có thể xin lãnh tiền hưu non bên an sinh xã hội.

Những dữ kiện do người đại diện công đoàn cung cấp đã giúp tôi rất nhiều khi quyết định nghỉ việc, sự chi tiêu của gia đình có thể thu vén gọn lại cho thích hợp với hoàn cảnh, nhưng vấn đề bảo hiểm sức khỏe đã làm tôi lo lắng vì chúng tôi chưa đến tuổi để có Medicare, với tình trạng sức khỏe của anh có thể đưa đến những chi phí y tế kinh khủng. Tôi làm đơn xin nghỉ việc và lãnh lương hưu non cho anh và tôi, tôi dành tất cả thời gian để săn sóc cho chồng.

Sau khi nghỉ việc, bệnh tình của anh càng nặng hơn … chỉ nói được một vài tiếng không rõ, thanh âm rất cao như xoáy vào đầu người nghe, nhất là những người bị hay bị bệnh nhức đầu như tôi và luôn tức giận vì không thấy ai hiểu được ý mình, đi thì ngả nghiêng như chàng say rượu, dường như quên hết những chuyện đã xảy ra. Tôi luôn luôn cố gắng nhẹ nhàng với anh, kiên nhẫn để tìm xem anh muốn nói gì …dân dần thì cũng đoán được và cố giữ cho anh không nổi nóng, để chỉ số đo của máu không đột ngột lên cao…có một lần không biết vì bực tức chuyện gì mà câu có than phiền bị nhức đầu, tôi lấy máy đo thì thấy chỉ số máu là 220, tôi hối hoảng nhưng tự trấn tĩnh, biết rằng nếu gọi cấp cứu thì sẽ làm anh hoảng sợ vì anh rất sợ phải vào nhà thương… tôi cho anh uống thuốc và uống nước chanh tươi pha với chút mật ong, nhẹ nhàng trầm tĩnh yên lặng bên anh, lúc sau đo lại thì chỉ còn 170 … hú hồn. Điều làm tôi khổ tâm nhất là mỗi khi ra khỏi nhà vì có việc bận hay đi chợ, lúc về đến nhà thì thấy anh ngồi chờ bên cửa, khi thấy tôi về, anh yên lặng vào phòng nghỉ. Tôi hầu như hoàn toàn ở nhà với anh, cả một hai tuần mới đi chợ, đi đâu cũng vội vàng để về, lúc đi thì dặn dò đủ thứ…không đi ra ngoài một mình, không được làm hay sửa chữa trong nhà, chân như thế mà hay sửa chữa lặt vặt.. có gì hư hỏng trong nhà là tôi dấu biến đi, không cho anh biết, tôi tìm người sửa sau.

Hai đứa con của chúng tôi rất lo lắng về ba nó, hàng ngày gọi hỏi thăm và giúp ý vì học về ngành y tế . Mỗi lần có con về thăm, anh vui vẻ như thêm sức sống, cố gắng tìm lời để nói chuyện với con và cả nhà kiên nhẫn ngồi nghe anh nói chuyện, thỉnh thoảng góp thêm vào để anh nghĩ là mọi chuyện vẫn bình thường như trước

Dù tôi chăm sóc cho anh rất cẩn thận, hai bữa cơm trưa chiều đều làm đồ ăn có nhiều rau tươi và cá để tránh chất mỡ vì độ chất béo của anh còn rất cao, nhưng vẫn thấy anh hay bị mệt và có hai lần như gần xỉu nhưng lúc nào cũng có tôi ngay cạnh nên không sao… bác sĩ bắt đeo máy đo nhịp đập của tim và khuyên vào nhà thương ngay để điều trị vì nhịp đập của tim quá nhanh…anh không nghe lời và tôi phải bảo hai con và hôn phu của con gái lớn về ngay, giúp tôi khuyên và làm áp lực ,,, cuối cùng anh đồng ý vào nhà thương với điều kiện là … không mặc đồ của nhà thương … để mau được về.!!!!

Sau gần hai tuần ở nhà thương, bác sĩ đã giải phẫu và thông được van tim cho máu lưu thông được nên không phải đeo máy trợ tim, tôi và các con mừng vô cùng. Anh bình phục rất mau, chỉ hai tháng sau thì nói có phần rõ hơn, đi vững hơn được nhiều và đã có những phán đoán tốt về sự kiện xảy ra chung quanh. Sau lần tái khám sáu tháng, bác sĩ cho phép đi du lịch nếu đi cùng với gia đình. Hơn một năm sau, tất cả gia đình chúng tôi đi Hawaii để làm đám cưới cho con gái lớn. chiều theo ý muốn của hai đứa nó.

Dần dần, tôi để anh làm vài việc ở vườn như quét sân, cắt cỏ hay chụp hình hoa tôi trồng như trước. Cắt cỏ thì dễ vì vườn trước hay sau nhà đều nhỏ, cỏ chẳng có nhiều, máy cắt cỏ nhỏ chạy bằng pin, nhẹ và khi đẩy đi cắt cỏ , có cái máy vịn vào nên không sợ té. Tuy vậy, tôi vẫn đi theo anh, quanh quẩn bên anh để phòng hờ, tôi vẫn hay nói đùa với các chị em tôi là …” chàng đi cắt cỏ, nàng đi theo hầu” để diễn tả cái cảnh dễ thương đó…Chụp hình, coi vậy mà khó hơn vì phải “xuống tấn “ cho chắc rồi hai tay cầm máy ảnh hay phone mới bấm được, đã vậy mà cũng có mấy lần lảo đảo muốn té vi mất thăng bằng nên tôi rất hạn chế, chỉ để anh chụp hình khi có tôi ngay bên cạnh mà thôi

Khoảng hai năm sau thì anh khá hơn nhiều, nhất định đòi lái xe trở lại và chê tôi lái xe lạng quang, tôi mới có bằng lái sau khi anh bị bệnh. Cuối cùng thì tôi bằng lòng nhưng chỉ được lái khoảng ngắn như đi đến trail để đi bộ hay đi chợ chỉ cách nhà vài phút, khi nào cũng phải có tôi bên cạnh phòng hờ có chuyện gì thì có người giải thích. Có thể nhờ đó mà anh tập trung tư tưởng và cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn.

Có những buổi trưa tôi ngồi yên lặng trên ghế đá sau vườn dưới gốc cây cạnh hồ nuôi cá nhỏ anh tự làm lấy ngày trước…lắng nghe tiếng nước chảy nhẹ qua phiến đá và chim hót trên cành, tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Vào lúc đó, anh thường ngủ giấc trưa khá dài vì quen làm đêm nên khó ngủ vào khuya tối, tôi cũng hay khó ngủ nên thường nói chuyện với anh, kể lại cho anh những kỷ niệm yêu thương ngày trước, vui vẻ dí dỏm mong khơi lại trí nhớ của anh. Nhớ lại có một đêm khi ánh trăng khuya chiếu qua rèm mỏng cửa sổ vào phòng, tôi kể cho anh nghe chuyện hai đứa đi dạo chơi trên đồi cỏ lau cao gần xa lộ Biên Hoà dưới ánh trăng trong gió lộng, anh chợt nói… anh nhớ tóc em bay theo gió, dễ thương lắm…làm tôi cảm động rơi nước mắt. Những lần sau, khi kể chuyện tôi hay ngừng chờ anh nhớ và kể cho tôi nghe tiếp… có khi anh nhớ, có lúc không. Tôi không đếm được biết bao nhiêu lần “gạ chuyện “ như vậy nhưng quả thật đã giúp anh rất nhiều trong việc khôi phục và tập trung trí nhớ.

Thấm thoát mà cũng đã hơn sáu năm trôi qua, tôi cảm thấy mình đã thay đổi rất nhiều, không còn dễ nóng giận như xưa, kiên nhẫn và chịu đựng… luôn luôn dịu dàng, giúp đỡ và bảo bọc cho anh. Tôi ngộ ra rằng sự việc đã thay đổi, ngược lại với thời gian chúng tôi yêu nhau khi còn trẻ, và cũng như anh ngày đó, tôi làm với tất cả yêu thương, hy sinh tất cả để anh được yên tĩnh nghỉ ngơi, mong phục hồi lại sức khỏe, dù cũng biết rằng rất khó nhưng biết đâu với tấm lòng thành và tình nghĩa vợ chồng sâu đậm mà trời sẽ cho chúng tôi những đãi ngộ và may mắn ???

Khi con gái út của chúng tôi ra trường dược, anh rất vui mừng vì đã lo được cho con đến nơi đến chốn. Từ những ngày anh có chút nhận thức, tôi luôn luôn bàn định với anh về những điều dự định như phụ giúp cho gia đình con gái lớn, đi thăm cháu ngoại hay lo việc học hành cho con út…thường thì anh lắng nghe tôi nói nhưng thỉnh thoảng cũng có ý kiến và sự chuẩn định của nó cho tôi biết là anh đã phục hồi rất nhiều. Sau khi cả gia đình xuống Richmond dự lễ ra trường, chúng tôi có chuẩn bị một bữa tiệc mời các anh chị em và gia đình cùng bạn bè đến ăn mừng ngày cháu tốt nghiệp. Anh và tôi lên bục để cám ơn… tôi cầm micro nhưng sau khi chào khách, anh lấy nhẹ micro trên tay tôi, tôi ngạc nhiên nhưng cười cười và yên lặng chờ… anh bắt đầu nói…chỉ vài câu ngắn gọn nhưng có ý nghĩa làm mọi người vỗ tay mừng… mừng cho cả hai cha con. Tôi đón lấy micro anh trao lại, nói thêm vài lời với quan khách và con gái…lòng dậy lên biết bao nỗi vui mừng và thương cảm.

Bây giờ chúng tôi sống yên tĩnh bên nhau…anh nhớ dần ra những yêu chiều ngày cũ, không nói nhiều nhưng luôn luôn làm tôi vui cười như muốn đền bù sự săn sóc yêu thương của vợ… cảm thông được những khó khăn và hy sinh trong những năm tháng qua … tuy anh không diễn tả được nhiều nhưng qua ánh mắt nụ cười tôi hiểu được và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Trong những buổi sáng cùng anh dạo bước trên con đường mòn, dưới những tàn cây… nghe tiếng chim hót, ngắm những bụi hoa dại nở đầy hoa bên bờ suối nhỏ hay mấy chú sóc đùa giỡn đuổi nhau trong nắng … lòng cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cám ơn thượng đế đã ban cho chúng tôi những tháng ngày còn lại êm đềm và hạnh phúc bên nhau. Trăm năm tình viên mãn

Bạc đầu nghĩa phu thê (vô danh)

Ý Nhi

1 nhận xét: