Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Đi Chơi


- Sao ba không đi đâu hết mà cứ lút thút ở nhà hoài vậy?, Ba thấy người ta già trẻ lớn bé sồn sồn rần rần về VN không? Ba nên đi , không xa thì gần. Ba nhớ lúc trước con nghe ba nói "đi một ngày đàng học một thúng khôn"..." (*)
- Thôi con, ba không thích ngồi bó rọ trên máy bay cả mầy giờ, ngột ngạt"
- Vậy chớ ba cứ hàng ngày thịt kho trứng ...thì sao?(*)
- Thì ba cũng có dưa leo, có dưa giá, có cải bẹ xanh chấm tương kho dầm chao, có boston lettuce trộn dressing, có su xào, có khổ qua xào trứng, squash luộc...
- Nhưng...Tụi con mua giấy máy bay cho ba...ba đi đâu cho con biết....Không on đơ gì hết! (*)
- Ừ. Thôi cũng được Nhưng để ba tìm trước cả tháng thì giá mới rẽ....
......................
- Rồi, ba định đi Vancouver mấy ngày, thăm cô dượng con, ngày giờ đi ngày về trên desktop, giá rẽ 500, round trip, non-stop, bay gần 5 giờ.
- Được rồi, ba để tụi con................. Nhưng sao ba chọn giờ đi trưa quá vậy? (*)
- Đi sáng thì kẹt đường, mà khi tới đó thì bên đó còn sáng...
- Thôi ....Ba chắc chắn rồi phải không? Ba bắt đầu soạn hành lý đi... passport và giấy chích ngừa covid, nhứt là các thuốc phòng thân nhớ để trong xách tay, đừng bỏ trong vali. Vali của ba đi mấy lần trườc còn tồt không? Ba nhớ 1 bộ đồ trong ba lô để vali bị lạc thì có mà thay (*)
......................
- Tụi con lo không biết ngày mai chuyến ba đi có bị delay không vì dự báo thời tiết quá xấu cho chiều mai. Chiều nay con in check in cho ba.
- Tại sao mấy con mua giấy máy bay giá kỳ vậy?
- Life is too short, ba à !!! Đây là giấy check-in con in ra nhưng khi tới phi trường, qua kiểm soát an ninh rồi thì ba phải (thế nầy.... thế nầy....thế nầy.....)(nhiều thế nầy nữa) (*)
......................
(*)=lại dặn dò, hạch hỏi.

- Tại gia tùng phụ, Xuất giá tùng thê. Thê tử tùng tử.- Câu châm ngôn nầy phải được tuyệt đối thi hành. Anh đào Vancouver - 2023. Khi vừa trổ bông thì màu hồng phấn, sau đó bông thành màu trắng.

- Cậu ba! Đưa vali con kéo cho....
Nhìn chiếc xe trống trơn, "Ba má cháu đâu?" "Dạ, con để ba má con và vợ con ngồi trong quán ăn chờ cậu ".
- Cháu vô trước đi, cậu theo sau nhưng đừng nói gì hết nhe.
Người em rễ nhìn thấy con trai đi trước và có ông già nào đội kết áo len dầy mang ba lô theo sau: "Ai như anh ba".
- "Anh nói sảng hả, anh ba đâu đây mà anh ba ".
Vài giây sau, cô em nhảy dựng "ANH BA, ANH BA!", nó nhớ lại đang trong quán đông người nên ngồi xuống và miệng cười mà nước mắt rơi vì mừng anh em trùng phùng! "Em thấy lạ tại sao gia đình nầy 4 người mà dọn 5 cái diã...Em hỏi thì con Thủy không trả lời mà chỉ cười cười...Vũ, sao con không cho ba má biết cậu ba qua thăm? "
- Cậu ba dặn con. Con nghe lời cậu.
- Ờ, ờ...
................
Kể lại vài chuyện vui ngắn:

Chuyện vui thứ nhứt là xứ gì mà lạnh như mùa đông Houston dù đang mùa xuân, giữa tháng 4, Tất cả người đi ngoài đường đều áo len , áo ấm mùa đông ngắn có dài có vừa chịu mưa vừa ấm. Tôi đi mà cười cười vì thầm so sánh nơi nầy và bên Houston, nhiệt độ cách biệt xa. Mồ hôi bắt đầu tươm, cũng vừa bước tới cửa thì hơi lạnh và gíó lùa làm mồ hôi rút trở vô thân!!!! Lý do để mồ hôi tươm ra: Sau khi ra đến ngả đi để đến nơi làm thủ tục nhập cảnh thì, vừa đi theo đoàn người, vừa lầm bầm " tên nào vẽ kiểu phi trường ngốc quá, đường xa vạn dặm, lại leo thang rồi đi rồi nhờ thảm di động đưa rồi lại đi rồi lạ tuột thang rồi lại nhờ thảm đưa đi rồi lại...." kể sao cho hết đọan đường trần dài hun hút mới đến nơi trình giấy tờ, rồi bước vào phòng nhận hành lý. Bước vào phòng thì tối tăm mắt mũi vì đâu có biết hành lý nằm trên vòng quay nào, mỗi vòng quay lại dài thườn thượt! Thôi thì rán lết, lúc nầy thì bắt đầu lết chớ hết bước dài bước ngắn nổi nữa rồi. Rồi đến hàng máy để tự trả lời các câu hỏi mà thường trước đây phải ghi trên giấy trên máy bay. Tiếng ăng lê thì ù ù cạc cạc, biết nút nào bấm đâu, bấm lộn yes qua no thì "tàn đời"! Rồi bộ máy tưởng tui đẹp trai lắm sao mà còn ra lịnh nhìn ngay để chụp hình!!! Rồi máy in ra 1 băng giấy mà khung hình tui thì trắng bốc thêm vào đó là gạch tréo. Nhớ lúc trước thì chia động từ "tu-quẹt" trong máy bay, bi giờ thì chia thứ động từ "tu-quơ". Lại kéo vali đi trao băng giấy in và passport cho 1 ông Ca-na-điên và được ông chỉ hướng cho đi ra....xông đất Canada. Xin nói trễ tràng lời cám ơn ông ấy vì ông ấy đưa tay chỉ hướng đi ra, may mà ông ta không lời chào mừng, "queo-cơm-tu-ca-na-đa". Vui rồi vì tuổi nầy mà tay xách nách mang kéo vali nặng trình trịch và vẫn lết ra đến cỗng, người khách trước tôi thì được ông ấy chỉ đi hướng khác, chắc là tại tôi tóc bạc da đồi mồi và xài passport Mỹ đàng hoàng.

Chuyện vui thứ nhì là xứ gì mà mưa dầm, mưa liên miên, nước mưa rơi liên tu bất tận. Sáng trưa chiều tồi suốt ngày suốt đêm, mưa nhỏ rổi ào nặng hột rồi lại lâm râm, 24 giờ một ngày, mỗi phút 60 giây không dứt hột, mặt đường luôn luôn ướt "đường xa ướt mưa, đường gần cũng ...mưa ướt". Mưa thì mưa, đường uớt thì đường ướt, quán ăn vẫn đầy, khách du lịch vẫn đi xem cảnh, mall vẫn đông . Cả 4 ngày tạm trú thì 4 ngày hầu như không có ánh nắng, âm u và u ám.
Chuyện vui thứ ba là tôi đã đến đứng dưới 1 cây đào trổ bông rất đẹp, tàng cây rất lớn, sum sê cành và bông mà không có lá. Cả 1 đoạn đường dài được trồng hai hàng anh đào, nụ bông đầy cành. Hứa hẹn mùa bông thật đẹp trong tuần sau. Chắc chắn là không thể so sánh hàng anh đào tại đây với hàng anh đào tại DC. Tại DC, cành anh đào de ra mí nước , rồi bông lại rụng nổi trôi trên mặt nứơc, cảnh đó thơ mộng làm sao. Nhưng, vẫn "có còn hơn không"!

Chuyện vui thứ tư là trong khu phố cỗ, họ vừa xây dựng lại 1 đồn lính theo kiều xưa - fort ?-: hàng rào bằng trọn thân cây cao hơn 15 thước , 4 góc có 4 chòi canh. Tất cả đều làm bằng các thân cây ghép lại. Đồn lính được xây dựng lại trên mô đất không cao lắm. Có thể là trong thời gian tới sẽ đón khách vào xem để nhớ lại thời xưa, khi người da trắng đến chinh phục đất đai và lập nghiệp.
Và chuyện vui thứ năm là các quán ăn đều "lười biếng" hay "chễnh mãng" mở cửa, hay chủ và nhân công đều "dư ăn dư mặc". Gọi hỏi giờ mở cửa, dặn chỗ thì được biết chưa mở cửa dù đã 2 giờ chiều !!!!! Hay khi gọi thì quán đã đóng cửa dù chỉ mới 6 giờ chiều!!! Tại một quán hot pot Đại Hàn, nhân công và chủ (?) đều là phái nữ, lễ độ tiếp khách. Giờ đây, ngồi nhớ lại mới nhận ra ...mình ngu hay dại hay khờ hay bất cẫn hay thiếu "cái thắng tay kè bên" nên bị hố một vố lỗ lã to, tội lớn tầy trời: tối hôm đó tui làm tàng làm chảnh trả tiền bửa ăn bằng tiền mặt mà là với mỹ kim! Mà đúng ra nếu các cô tiếp viên, đẹp thùy mị lắm, xí xô xí xào với tui thì tui đâu bị hố. Nếu các cô ấy xí xô với tôi thì tôi lại phải chia hai loại động từ "tu-quơ với tu-quẹt".

Chuyện vui thứ sáu là giá cả hàng hóa không rẽ. Tôi mua 1 máy đo huyết áp, thi hành lời dặn của con làm quà tặng cô dượng, hỏi giá thì được biết là 85$CAN, trong khi đó giá tại Houston chỉ là 36$US, Nghe giá là đã hết hồn, " Cám ơn, tôi không mua". Nhưng nhớ lo con dặn nên " Xin lỗi, gói cho tôi " (hình như 1$CAN = 0.85$US). Mua trong Walmart nổi tiếng là bán hàng giá thấp! Nếu 1$CAN=50CentUS thì giá cũng chỉ 72$CAN.
Và đây có thể là chuyện vui cuối cùng trong chuyến đi xa 4 ngàn dặm: Sau khi chọn được 2 áo khoác cho hai cận vệ bên Houston, đứa em nói "anh không cần trả tiền tại quầy mà bỏ vô thùng nầy..." Tôi nhìn nó sau khi tôi thấy thùng đó chỉ giống thùng rác gồm 2 ngăn, nó lấy mấy cái áo bỏ vô 1 ngăn, rồi đứa cháu lấy bao giấy đứng trước ngăn kia để....nhận 2 cái áo ...đã được tính tiền!!! Đúng như lời con tôi nhắc nhở "đi một ngày đường biết được thêm một thúng các điều mới".

"Anh ba biết không, ngày trước anh qua đây, hai đứa nó mua nào là mít nho chuối, ...l..., ..Em hàm bì để ăn sáng tại nhàỏi thì tụi nó cười và đồng thanh trả lời tụi nó thấy giá rẻ nên mua để ăn lần lần. Em nghe vậy thì tin vậy thôi. Ai ngờ tụi nó sửa soạn đón anh"
Có vậy mới có chuyện để kể về chuyến tiếu ngạo giang hồ.

Nơi đó là tại thành phố Langley, thành phố vệ tinh nhỏ của và cách Vancouver khoảng 40 cây số, đang phát triển, nơi nào cũng thấy đang xây cất, dân địa phương trồng nhiều loại nấm và vài loại berry cho nên có nhiều green house. dọc theo bờ sông thì có các bè cây và các trại cưa.

Thùng tính tiền: bỏ món hàng vô ngăn nầy.......Món hàng được chuyển qua ngăn kế, sau khi đã tính tiền
Họ quá văn minh hay tôi quá dốt như chú thượng trong rừng mới ra chợ???

Nguyễn Cao Khải



1 nhận xét: