Reng! Reng! Từng hồi chuông điện thoại reo inh ỏi như thúc dục, khiến bà Khanh vội vàng lau tay vào chiếc khăn làm bếp, nhấc điện thoại ghé vào tai. Vừa mới a lô là đã nghe tiếng bà chị cả xổ một tràng dài:
-Ủa, chị tưởng em đi ra ngoài sớm dữ vậy chớ…
Bà Khanh cười:
-Đâu có. Em đang hâm nồi bánh canh giò heo để anh Thanh thức dậy ăn sáng. Sau đó tụi em mới đi Ottawa . Ở đây mấy chục năm rồi mà tụi em chưa đi ngắm hoa Tulipe lần nào. Sẵn thăm cặp bạn luôn thể.
- Gì mà quê òm vậy! Anh chị đi mấy lần rồi đó. Đẹp hết biết luôn.
Đoán trước cái tính hay “đi vào chi tiết” của bà chị thân mến, bà Khanh chặn ngang:
-Chị kêu em sớm bộ có chuyện gì hả?
Đầu giây bên kia im lặng mất vài giây, rồi giọng bà Bá cất lên, buồn buồn:-
-Khanh à, em có nhớ ngày chị em mình đặt chân xuống thành phố Montréal này là ngày nào hay không?
Bà Khanh bỗng nhiên thấy lòng chùng xuống, bùi ngùi:
-Quên sao được. Hai gia đình mình tới đây ngày 14-5-75. Còn một tuần nữa là đúng ba mươi ba năm rồi! Lẹ quá hả chị!
-Ừ, nhớ hồi nào, chị em mình còn ngồi khóc như mưa ở Sài Gòn, ngày 28-4-75. Chị cám ơn Trời Phật đã độ trì cho gia đình mấy chị em mình chạy thoát. Em nghĩ coi, miền Nam mình lúc đó có bao nhiêu triệu người, vậy mà mình được may mắn ở trong số ít oi những người vượt thoát được.
- Chị nói đúng. Em còn nhớ lúc ngồi xe chạy ra Tân Cảng, thấy ngoài đường dân chúng cũng chạy lao xao, mặt mày hớt hãi. Có đám còn tay xách, nách mang những đồ hôi được trong mấy cơ quan của Mỹ bỏ lại. Tiếng súng đì đùng khắp nơi thấy sợ quá chừng. Nói đến đây, bà Khanh thở dài, đầu óc hiện lên dày đặc những hình ảnh thê thảm năm xưa.
-Xe chạy vô bến Tân Cảng, bà Bá tiếp lời, nghe nói Việt Cộng đang chiếm bên kia cầu, ai cũng xanh máu mặt hết trơn. May mà mình đến đúng lúc. Chậm chút xíu là tàu tách bến rồi!
Tuy đang buồn nhưng bà Khanh cũng cười:
-Chị nhớ cái gia đình đông nghẹt cả mấy chục mạng ngay bên cạnh gia đình mình hay không?
- Cái gia đình khuân theo cả đống đồ ăn đó chớ gì? Lại còn nằm nệm nữa chớ!
-Đúng rồi. Họ có con gái là vợ một người Đại Hàn trên tàu, nên họ đã lên tàu từ mấy hôm trước. Đem theo cả chục thùng mỳ gói, bánh trái lu bù…
-Ừ, ai như gia đình mình, chạy mình không lên tàu. Mấy đứa nhỏ đói meo đói mốc. Chị còn nhớ cảnh thằng Cu Tâm với con Bé Ngà nhà mình dòm lom lom cái thằng nhỏ bên cạnh nhai nhóc nhách suốt ngày. Nghĩ lại mà đứt ruột!
Bà Khanh cười
-Chị quên là thằng nhỏ đó có cho hai nhóc tì nhà mình mấy hột nho khô hay sao? Của ít lòng nhiều mà!
Tiếng bà Bá chép miệng:
-Nhớ lại hồi đó nhà mình cả chục người chia nhau có 1 hộp cá mòi với cơm sấy khô. Đói quá cũng nuốt ào ào! Lúc đói thấy cái gì cũng ngon. Chẳng bù bây giờ, thịt cá ê hề lại ngán tới cổ! Ứ hự!
-Chị có nhớ dưới hầm tàu nóng như thiêu như đốt, người nào cũng kiếm thứ gì đó để quạt phành phạch, khiến lòng tàu như có một đàn bướm đang chớp cánh hay không? Rồi lúc tàu chạy ngang Rừng Sát mọi người hầu như nín thở, làm như nếu thở mạnh, Việt Cộng trên bờ sẽ nghe thấy. Hì hì hì!
-Trời! Lúc đó tình hình nghiêm trọng quá mờ, chị Bá phản đối, lỡ tụi nó thụt cho 1 trái B 40 là tàn đời. Em không nhớ tàu Việt Nam Thương Tín bị Việt Cộng pháo kích theo ra tuốt ngoài biển, khiến nhà văn Chu Tử bị chết thảm đó sao?
-Vậy mà tàu mình chạy lên chạy xuống từ Vũng Tàu tới Cà Mau ba, bốn ngày trời mà vẫn bình yên vô sự. May mà cuối cùng cái ông nội Cố vấn Mỹ thoát ra được. Nghe đâu đây là một tay C.I.A hạng gộc. Cố Vấn An Ninh vùng Bốn Chiến Thuật. Anh Thanh em nói ông ta thoát ra biển bằng một chiếc ghe nhỏ. Nếu nhân vật "trầm trọng" này không ra tới, hổng biết chiếc tàu còn trôi nổi lên xuống bao nhiêu ngày nữa mới chịu đi qua Subic Bay , mà dân chúng trên tàu đã lây nhau bịnh đau mắt. Người nào cặp mắt cũng đỏ lòm như mắt tôm luộc. Thiệt là trần ai khoai củ! May mà mấy ngày sau anh Thanh ra tay đỡ đẻ cho 3 bà trên tàu nên gia đình mình mới được thuyền trưởng ưu ái mời lên boong ở. Đúng ra mấy bả đâu đã tới ngày sanh, nhưng bị căng thẳng quá độ thành ra chuyển bụng luôn. Trên tàu chẳng có dụng cụ y khoa gì hết, vậy mà ông Thanh cũng làm tròn trách nhiệm. Ba bà đều mẹ tròn con vuông.
-Tức cười nhứt là những ngư phủ của các làng chài lưới ven biển, khi được vớt lên tàu, đã đem theo lủ khủ quang gánh, TV, có người còn đem theo xe Honda, thủy thủ Đại Hàn liệng tòm xuống biển luôn! Chị sợ nhứt là lúc có một vị tu hành nhân danh những người lên sau, đòi chia tiền của Mỹ viện trợ. Khanh có nhớ ổng nói gì hông?
- Sao mà hổng nhớ. Ổng nói tiền Mỹ viện trợ cho những người di tản đâu? Phải đem chia đều cho mọi người. Đại diện ban điều hành hỏi tiền gì? Thế là Ngài Tarzan nổi giận, giở giọng hăm dọa, sau khi đã kết án Ban Điều Hành đã chia chác nhau số tiền viện trợ đó. Bên phe ổng đông gấp ba lần những người xuống tàu trước, nên cũng đáng nể lắm chớ bộ!
-Hì hì! Bởi vậy họ mới trình lên thuyền trưởng Đại Hàn. Công nhận là ông này gồ ghề thiệt. Ổng bèn nói với vị Tu hành kia, nếu lộn xộn họ sẽ bắt ổng quăng xuống biển. Rồi còn cho đám thủy thủ cầm súng đứng canh cả đêm nữa chớ. Vậy là im re!
- Chị thấy không, ngay một người lãnh đạo tinh thần cho cả một cái làng, mà đầu óc còn hủ bại, hẹp té như vậy biểu sao đám dân ngu khu đen khá lên được?
-Thôi, chị em mình hổng khá thì có! Những người kia qua Mỹ, sau này họ làm nhiều tiền tới nỗi đốt chị em mình cháy tan xác còn được nữa à!
Bà Khanh cười:
-Chị biết tánh em lè phè mà, lại không có duyên buôn bán như chị, thành ra thôi thì cứ đi làm lương ba cọc ba đồng cho chắc ăn. Bây giờ về hưu non cũng khỏe. Ở xứ này có ai chết đói đâu mà sợ. Bề gì cũng có chánh phủ lo mà…
- Chớ hổng phải như bên Việt Nam: Nhân dân đừng no, để nhà nước no hén! Bà Bá sực nhớ ra, vội nói với em, chị mới gặp chị Đáng dưới phố Tàu hôm kia. Chỉ gởi lời thăm Khanh đó. Năm nay tóc chỉ bạc trắng hết trơn. Đi đường phải chống gậy, nhưng mặt mũi vẫn hồng hào, đẹp lão quá chừng. Chị nhớ lúc ở đảo Guam, chỉ một mình với mười đứa con và một bà mẹ già. Người đâu mà can đảm phi thường!
- Em chỉ nhớ lúc tàu vừa cặp bến Subic Bay, cả nhà mình sau bảy ngày đói khát dưới tàu, đã ăn uống tận tình tất cả những gì ban tiếp tân Mỹ dọn ra mời. Ô hô! Ai tai! Hậu quả là vừa xuống phi trường Đảo Guam là cả nhà bị Tào Tháo rượt chạy trối chết. Nếu không nhờ chai thuốc Élixir parégorique của chị Đáng thì nguy to!!! Hì hì hì. Bà Khanh không nín cười được khi nhớ lại cái cảnh người chạy ra, kẻ chạy vô chiếc lều, người nào người nấy ôm bụng, mặt mày nhăn nó như khỉ ăn gừng. Sữa tươi, sandwich và cam Mỹ ngon quá mà. Ai cũng chiếu cố nên mới ra nông nỗi!
-Chị nhớ đã gặp nhiều người quen trên đảo mà không nhận ra nhau. Với cái nóng hừng hực như lửa thiêu, mà mỗi ngày hai lần đứng sắp hàng để lãnh cơm thì ai mà hổng thành Chà Và ma ní cho được! Với lại khẩu phần cơm trắng cộng với hột gà bột khuấy lên đều đều thì chị em phụ nữ trở thành mình hạc xương mai ngay. Khỏi phí công, phí sức đai ết đai iếc khổ sở như bây giờ! Mà dân Việt Nam mình cũng kỳ. Bếp Mỹ bỏ chai maggi nào ra cho dân chúng xịt vô cơm là bị chôm chai nấy. Riết rồi họ không thèm bỏ maggi ra nữa. Thật đáng xấu hổ! May mà chị em mình chỉ ở Guam có 1 tuần rồi được phái đoàn Canada nhận cho qua định cư ở Québec.
-Bây giờ nghĩ lại em còn rùng mình đó chị à. Dám dắt díu nhau ra đi mà trong túi chỉ có vài chục đô la. Lại còn không biết đi đâu nữa chớ! Cứ nhắm mắt mà bước lên tàu. Thiệt là đánh liều nhắm mắt đưa chân. May thay Con Tạo xoay mình qua xứ Canada đất lạnh tình nồng nầy! Em không bao giờ quên được sự tiếp đón nồng nhiệt, thân thiện của người dân Québec. Họ thật sự là những người giàu lòng bác ái hén chi. Hồi trước, khi mình còn ở Mỹ Luông đó, người Việt ở Campuchia bị lính Miên cáp duồng, phải chạy về Việt Nam nương náu. Nhưng họ có được nuôi nấng đàng hoàng đâu nà. Em thấy buồn cho dân mình ghê! bà Khanh thở dài.
-Cũng bởi chiến tranh liên miên mà em. Như xứ Iraq bây giờ, ngày nào cũng bom nổ đạn rơi, người chết như rạ. Chị nghĩ chắc ông bà mình cũng tu nhơn tích đức dữ lắm, nên đám con cháu mới được như ngày nay. Chị em mình ở Canada , con Bác Ba ở Úc, con chú Sáu ở Ý, còn con cô Út đều ở Mỹ.
Hồi đó mới chân ướt chân ráo tới thành phố Montréal là được chính phủ đưa vào ở trong một khách sạn thật sang. Ngày ba bữa toàn cơm tây. Mấy ngày đầu còn thấy ngon, sau đó ngán muốn chết luôn! Lần đầu được nếm món spagetti chan sốt cà chua, thịt băm, nấm...ngon ơi là ngon. Rồi pizza cũng lạ miệng. Tụi nhỏ ăn như điên. Chỉ có đám già là mau ngán.
-Phải rồi. Nhớ nước mắm chảy nước miếng luôn. Lúc đó chỉ cần có cơm trắng chan nước mắm cũng ngon chết giấc, nói chi tới món canh, món xào, món kho! Nhứt là ông Thanh nhà em ngày nào cũng phải "sơi" cơm mới chịu nổi!
-Thì anh Bá em cũng gốc "guộng" mà. Mỗi ngày đúng bốn chén cơm mới đủ "đô'! Bà Bá nói đùa.
-Em nhớ từ hôtel Queen, em theo anh Bá với anh Thanh lần hồi hỏi thăm đường mà cũng mò tới Phố Tàu Montréal. Trời ơi, nói sao được cái hạnh phúc, cái thống khoái của ba người khi bước chân vô tiệm, mỗi người ăn một tô hoành thánh mỳ. Em chắc đó là tô mỳ ngon nhất trong cuộc đời của em. Sau khi ăn xong, ba anh em mới tà tà làm một màn "thăm dân cho biết sự tình". So với phố Tàu các nơi, chắc phố Tàu Montréal là nhỏ nhất. Bằng cái bụm tay. Giống như phố núi Pleiku, đi dăm phút đã về chốn cũ. Phố này đi quãng mươi phút là hết đường. Vậy mà tụi em cũng vác về cho mỗi gia đình một cái nồi cơm điện National và một chai xì dầu.
Bà Bá ngắt ngang:
-Ờ, chị nhớ rồi. Thấy hai anh em mỗi người ôm về một nồi cơm điện chị mừng hết lớn. Mong mau mau dọn ra khỏi hôtel để nấu cơm ăn. Chị còn nhớ cái "bin đinh" chị em mình ở đường Alma đó. Trời ơi, đông nghẹt Việt Nam . Sau này mùi nước mắm đuổi tụi da trắng đi hết ráo!
-Đó là sau này. Em nhớ hôm ra nhà mới, mình đi chợ Steinberg mua một bịch gạo, một con gà và một cây sà lách. Bữa cơm đầu tiên với thứ gạo chi cứng ơi là cứng, thịt gà luộc chấm xì dầu, nước luộc gà bỏ rau sà lách làm canh, vậy mà mọi người ăn quên thôi. Còn ngon hơn cao lương mỹ vị!
Bà Bá cười:
-Hèn chi hồi xưa có một vị vua, bị ông Trạng Quỳnh chơi khăm bỏ đói cả ngày trời. Lúc bụng đói meo, Trạng Quỳnh mời ổng ăn cơm với tương chao, vậy mà ông ta thấy ngon hơn sơn hào hải vị trong Cung đình! Sau đó Khanh có nhớ ai đã chỉ cho chị em mình hàng tuần đi chợ thịt Saint- Laurent không?
-Lâu quá em không nhớ ai. Chỉ nhớ là hồi đó thịt cá sao mà rẻ khủng khiếp. Rẻ nhất là cánh gà. Xương heo, xương bò cho không. Dân Mít tha hồ vác về nấu súp. Nhưng còn nói mẻ là xin cho chó ăn, để khỏi mất mặt bầu cua!
- Chị thì thỉnh thoảng vác một cái đầu heo có hai đồng, về nhà cạo sạch sẽ, xắt ra làm dưa đầu heo ngâm dấm cho mấy ông nhậu lai rai. Cánh gà rẻ nhất nên tuần nào cũng cánh gà chiên bơ, cánh gà luộc chấm muối tiêu chanh. Khổ nhất không có nước mắm, món nào cũng nêm muối. Chấm thì chấm xì dầu. Mà cũng tức cười, bên Việt Nam đường mắc đắng, qua đây đường tính ra còn rẻ hơn muối!
Bà Khanh chép miệng:
-Em nhớ hôm thèm món bún bò xào. Thịt bò bên này mềm mại, chớ không dai nhách như bò bên mình. Bữa đó em xào thịt bò với cần tây (céléri), rồi luộc spagetti cọng nhỏ để thay bún, rau thơm thì chỉ có rau húng quế của Ý, mùi nồng hơn rau húng của mình. Thay nước mắm tỏi ớt bằng xì dầu tỏi ớt, vậy mà cả nhà cũng ăn một bữa ngon thấu trời xanh.
Tiếng bà Bá cười hí hí bên kia đầu giây:
-Khanh còn nhớ cái lần chị bị đau cổ tay hết một tuần lễ không? Tại chị chặt quai da để làm món bì. Chị đãi cả nhà Khanh ăn bì bún đó nhớ chưa?
-A, em nhớ ra rồi. Mà ai dạy chị làm da bì vậy? Cũng ngon hết sẩy con cào cào đó nghen.
-Má mình dạy chớ ai. Hồi xưa dưới quê, đâu có ai bán thứ đó. Muốn ăn thì phải làm lấy mà thôi. Làm cực lắm đó nghen em. Chị phải dặn tụi bán thịt quen dưới Saint Laurent cho chị da heo tươi. Đem về rửa sạch. Lạng bỏ lớp mỡ dưới da. Xong rồi cuộn lại đem nấu. Khi da chín vớt ra ngâm vào nước lạnh có pha chút phèn chua cho da dòn. Vài tiếng đồng hồ sau mới đem ra lạng từng miếng mỏng, dài độ hai lóng tay. Sau cùng dùng dao thiệt bén xắt từng cọng nhỏ cỡ cây tăm xỉa răng. Chị vừa lạng vừa xắt, da heo dai nên sau đó bị đau cổ tay cả tuần. Anh Bá cứ chọc quê chị:"cái miệng mà kiện cái thân". Vậy mà lúc làm món bì bún, cơm bì, ổng ăn còn nhiều hơn ai hết!
-Em nhớ chị cũng luộc spagetti thế bún để ăn với bì phải không? Vậy mà cũng ngon quá trời. Em không biết tại lúc đó mình thèm quá hay sao, mà ăn món gì cũng thấy ngon, tuy rằng cứ phải lấy món nọ thế món kia lung tung cả lên.
-Hình như là cả nửa năm sau mới có người Việt Nam mở tiệm, nhập cảng đồ từ Thái Lan qua phải không Khanh?
-Hình như vậy. Chị nhớ không, cách đây ba mươi ba năm, một chai nước mắm dở òm mà họ bán tới $3.75. Bây giờ có cả chục hiệu, hiệu nào cũng ngon mà chưa tới $ 2.00 một chai. Giá một chai nước mắm hồi đó còn mắc hơn một giờ làm lương tối thiểu. Em nhớ như in lương tối thiểu hồi đó là $2.25.
-Ngộ biến phải tùng quyền chớ sao? Chị Bá xổ nho chùm! Bây giờ chỉ có gan rồng là không có bán, còn thứ gì cũng ê hề. Mà lạ, giờ đây chị thấy cơm với rau dưa lại ngon miệng Khanh à. Hôm nào lên Chùa ăn cơm chay, chị thấy ngon cách gì. À, tuần này là rằm lớn. Khanh đi chùa Huyền Không với chị nghen. Chùa này có món bún bò chay ngon nổi tiếng lắm.
Bà Khanh định hỏi chị đi chùa lễ Phật hay để ăn bún bò, nhưng chưa kịp nói thì có tiếng ông Thanh cất lên thình lình từ cửa bếp:
-Đang nói chuyện với ai mà say sưa vậy bà nó?
Bà Khanh vội vàng từ giã chị, móc điện thoại lên giá rồi quay qua trả lời chồng:
- Còn ai trồng khoai đất này! Chị Bá với em đang nhắc lại những ngày mình rời Sài Gòn, qua Guam rồi qua Montréal đó mà. Nhiều kỷ niệm buồn quá. Nhớ lại còn rùng mình!
Ông Thanh chọc quê vợ:
-Chị Bá có biết là nhờ kết duyên với một ông Bắc Kỳ thứ thiệt như anh, em mới có cái may “xuất ngoại” hay không? Nếu lấy một ông Nam Kỳ, anh nghĩ chắc em đã bị ở lại với bác và đảng rồi! Tha hồ sơi bo bo, sắn, khoai lang sùng!
-Xì, tưởng bở! Trong tử vi của em có sao Thiên Di . Hổng chừng nhờ số của em mà anh mới đi ra nước ngoài được đó. Hổng cám ơn còn nói!
Ông Thanh cười xí xóa:
-Thôi thôi, xin chịu thua bà xã yêu dấu! Kiến bò bụng rồi nè. Em nấu món gì mà nghe mùi thơm lừng vậy? Anh ăn được chưa?
Bà Khanh múc nước lèo trong vắt đổ lên những cọng bánh canh trắng nuột, điểm vài lát giò heo xắt mỏng, vài con tôm lột vỏ đỏ au. Sau cùng rắc một nhúm hành tím chiên vàng rộm lên trên:
-Xin mời ông Tướng sơi cho nóng. No rồi còn lái xe cho tui đi Ottawa thăm anh chị Nghĩa mà tụi mình gặp hôm tham gia Đêm Thắp Nến nhớ ngày 30-4 ở Cộng Đồng đó. Sẵn ngắm hoa Tulippe luôn. Thôi em đi tắm rửa, sửa soạn trước. Vừa nói bà Khanh vừa đi vô phòng. Ông Thanh gọi với theo:
-Em ơiii, còn cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc của anh?
Bà Khanh ném lại mà không cần nhìn lui:
-Bữa nay cho phép anh tự lực cánh sinh!...
Tiểu-Thu
Montréal 15-4-2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét