Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Nhớ Lại Tháng Ngày Qua….


Những kỷ niệm thời thơ ấu

Nơi sinh của tôi là thành nội Huế, gần hồ Tịnh Tâm đầy hoa sen nở rộ vào tháng sáu, thơm ngát dịu cả một vùng trời. Mẹ tôi cũng sinh vào tháng sáu nên mẹ tôi được ông ngoại tôi đặt cho biệt hiệu là "Bạch Liên", hoa sen trắng. Mãi về sau này khi em gái tôi ra đời, mẹ tôi đặt cho em tên Mỹ Liên, tôi mới được mẹ giải thích vì sao mẹ đặt tên này cho em.

Khi lên 5 tuổi thì tôi theo cha mẹ vô Sài Gòn vì cha tôi phải vào Sài Gòn làm việc. Ông bà ngoại, họ hàng Nội Ngoại của tôi tất cả ở Huế. Cha mẹ tôi là một trong những người "tiên phong" trong họ hàng vào Sài Gòn lập nghiệp thuở đó. Mỗi lần có cô dì chú bác từ Huế vào Sài Gòn chơi, ai cũng mang theo một ít quà quê hương miền Trung xa lắc xa lơ cho gia đình tôi, nào là nón lá bài thơ hay chiếc nón găng nặng trịch quê quê có thêu rồng phượng mặt bên trong, nào là những xâu hột sen khô, mè xửng dòn, mè xửng dẻo, bánh ít đen lá gai, những con nuốc không chân trắng phau (miền Nam gọi là con sứa) ăn với trái vả đắng chát chấm mắm ruốc mà ngày xưa còn bé tôi chẳng thấy nó ngon ở chỗ nào cả, chỉ thấy mẹ tôi hít hà chắt lưỡi chép miệng "răng mà ngon như ri hè" …... Những món quà tuy nhỏ nhoi tầm thường nhưng thấm đượm cả một tình quê hương, làm sao mà không ngon cho được. Mãi sau này, khi sống xa quê hương hàng vạn dặm, xa cả một nửa vòng trái đất, lúc đó tôi mới lờ mờ cảm nhận được những cái nho nhỏ mà vô cùng quý báu đó.

Ông bà nội tôi mất sớm nên chúng tôi chỉ còn ông bà ngoại. Tôi không nhớ rõ năm nào, chỉ biết là lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, cha tôi chở chúng tôi bằng chiếc xe Citroen màu đen từ Sài Gòn về Huế ăn Tết với ông bà ngoại và gia đình cậu dì của tôi. Một mình mẹ lo sửa soạn chuẩn bị mọi thứ cho bầy con 6 đứa một chuyến đi chơi xa. Chuẩn bị ở đây có nghĩa là ngoài quần áo, giày dép, áo len áo ấm này nọ vì thời tiết vào dịp tết ở Huế lạnh lắm, mẹ còn phải bới xén các thức ăn vặt vãnh cho anh em chúng tôi ăn dọc đường, từ trái cây, khoai sắn cho đến cơm vắt thịt kho, thịt chà bông …vì lũ anh em chúng tôi như "tằm ăn rỗi" lúc nào cũng ăn và lúc nào cũng đói, mà ăn dọc đường dọc xá thì vừa bụi bậm lại vừa tốn kém. Là con gái lớn tôi được mẹ giao phó mang đồ ăn thức uống chất vào xe để còn biết chỗ mà lấy cho các em khi chúng nó kêu đói.

Chuyến viễn du từ Sài Gòn ra Huế

Tôi chỉ nhớ là ngày ấy từ sở làm về, mới bước chân vào nhà cha tôi đã hối hả giục cả nhà lên xe. Hối giục vẫn là một thói quen cố hữu của cha tôi và mẹ tôi thì lúc nào cũng bắt cha tôi chờ, không bắt chờ sao được khi mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà chỉ một tay mẹ lo… Thứ nào chúng tôi chưa kịp đem lên xe là cha tôi bắt bỏ lại, vội vã lái xe ra khỏi thành phố, lên xe rồi ông mới giải thích cho mẹ và anh em tôi vì sao mà phải quýnh quáng đi như ma đuổi như thế. Ông nói giờ phút chót, chính phủ đã ra lệnh giới nghiêm khẩn cấp, cấm ngặt tất cả mọi di chuyển ra khỏi thành phố trong dịp Tết, công chức càng tuyệt đối không được rời nhiệm sở …. Nếu chần chờ thêm vài ba tiếng đồng hồ nữa thì không thể nào ra khỏi thành phố, và như thế là phải dẹp chuyến đi ăn Tết ở Huế mà cha mẹ tôi đã chờ đợi và hứa hẹn với ông bà ngoại từ mấy tháng nay. Đó là những ngày trước Tết Canh Tý….

Ngày xưa những chuyến du lịch xa xôi như thế này thật là hiếm hoi chứ không như bây giờ. Từ Sài Gòn mà lái xe theo quốc lộ số 1 về đến Huế là cả một ….chuyến viễn du, cứ như là đi du lịch năm châu bốn bể ra ngoại quốc không bằng. Năm đó mẹ tôi đang mang thai người em thứ 7 của tôi, cô em gái duy nhất, nếu tính ngược dòng thời gian thì năm đó phải là năm 1960…..Một mình cha tôi lái từ Sài Gòn ra Huế, một chuyến đi dài gần 1000 km, đi máy bay chong chóng thời ấy cũng phải mất cả 3 tiếng đồng hồ, còn lái xe hơi thì cà rịch cà tang phải đi mất 3 ngày 2 đêm mới đến. Chúng tôi đã đi qua những tỉnh miền Trung quen thuộc như Phan Thiết, Cam Ranh, Nha Trang, xa hơn nữa là Quy Nhơn, Bình Định,Tuy Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà nẵng và cuối cùng về đến Huế. Con đường quốc lộ số 1 thời ấy có thể nói là còn tạm an ninh, không có những đồn bót canh gác nghiêm phòng cẩn mật kiểm soát như sau này. Đường xá thì ổ gà ổ vịt, khi là một khúc đường nhựa không có lề đường, không có vạch kẻ ngăn chia hai chiều, khi thì chỉ là một con đường đất đỏ, bụi tung mịt mù, những cây cầu cũ kỹ vặn mình răng rắc mỗi khi xe chúng tôi qua cầu …Xe cộ dọc đường phần lớn là xe đạp, họa hoằng lắm mới có một chiếc xe đò chở lưa thưa hành khách với những giỏ cần xé nằm lỏng chỏng trên nóc theo nhịp xe nhún lên nhún xuống lắc lư tránh ổ gà cứ như sắp sửa rơi xuống đường.

Cha tôi cứ phải bấm còi tin tin để qua mặt xe hàng, mỗi lần qua mặt như thế anh em chúng tôi lại được dịp vỗ tay ầm ĩ, cha tôi cũng vui lây với lũ con mà quên đường xa dằn xóc …. Đường xá có dằn xóc tốt xấu kiểu gì thực ra cũng chẳng ăn thua gì với lũ trẻ con chúng tôi. Cả sáu anh em tôi lúc ấy chỉ thích đứng, chen nhau mà đứng để được nhìn đằng trước, không ai chịu ngồi. Lấn được là lấn, chẳng đứa nào nhịn đứa nào. Chỉ có 2 cậu em nhỏ nhất là đành phải ngồi vì lấn không lại mấy ông anh và bà chị. Thời đó làm gì có chuyện cài giây an toàn, đứng mãi cũng mỏi nên anh em chúng tôi thay nhau ngồi, và dĩ nhiên chỉ chịu ngồi khi buồn ngủ vì lý do dễ hiểu là không thể ngủ đứng được. Mỗi lần dừng chân ở đâu để nghỉ xả hơi ăn uống, lúc lên xe đi tiếp anh em chúng tôi tự điểm danh từ số 1 đến số 6, con số 6 thì tôi hô giùm cho cậu em út lúc đó mới 3 tuổi. Tài xế chỉ cần nghe đến số 6 là rồ máy chạy, cha mẹ tôi phải dọa như thế để chúng tôi sợ mà lo leo lên xe nhanh nhanh, chứ đứa leo lên, đứa leo xuống, cứ như cóc bỏ dĩa thì chẳng bao giờ "đề pa" đi được. Tội nghiệp cha tôi phải gồng người ra mà lái vì mẹ tôi không biết lái xe. Nhưng có lẽ làm quan tòa phân xử anh em tôi vì dành chỗ đứng tốt trên xe cũng đủ làm mẹ tôi mệt lử, hết quay bên này đến quay bên kia dỗ dành, công việc này e còn mệt và căng thẳng hơn cả lái xe …

Những đôi guốc gỗ

Tôi còn nhớ khi về đến Quy Nhơn, chúng tôi phải nghỉ đêm cuối ở đây, đêm đầu thì ngủ lại ở Nha Trang. Bọn anh em tôi, 4 đứa lớn ngủ một phòng, 2 em nhỏ thì ngủ chung với cha mẹ tôi. Khách sạn để guốc gỗ ở ngoài cửa phòng cho khách trọ đi cho sạch chân … Anh em tôi ở nhà vốn quen chạy chơi với chân không, nay thấy mấy đôi guốc gỗ ngộ nghĩnh nên cả bọn khoái tỉ, cứ thế mà thay nhau xỏ guốc, mang guốc, rồi đi tới đi lui lộp cộp trong phòng ngủ, lâu lâu có đứa còn giả bộ ra mấy lu nước nằm dọc hành lang để ….rửa chân cho mát. Mấy anh em tôi cứ thế mà đi tới đi lui, lụp cà lụp cụp suốt đêm. Cha mẹ tôi lúc này đã yên giấc sau một ngày mệt nhọc, không ngờ là bầy con đang phá làng phá xóm, phá giấc ngủ của khách ngủ trọ trong khách sạn… Sáng hôm sau khi xuống trả tiền trọ, ông chủ khách sạn đưa cho cha tôi mảnh giấy nhỏ của một người khách trọ nào đó. Tờ giấy với nội dung "Yêu cầu khách sạn cất guốc khi có con nít đến ngủ trọ". Ông chủ khách sạn kể rằng, đêm khuya ông khách trọ này không ngủ được vì ồn quá đã bỏ đi và để lại mảnh giấy này. Cha mẹ tôi cầm mảnh giấy trong tay….nhưng biết làm sao hơn với lũ con nghịch ngợm, có la mắng chúng tôi lúc đó thì chuyện cũng đã rồi, đành xin lỗi và có lẽ cũng đang thầm xin lỗi ông khách trọ không quen đã để lại một lời trách hết sức là nhẹ nhàng lịch sự và tế nhị….

Ra khỏi địa phận Qui Nhơn Bình Định là đèo Đại Lãng phong cảnh thật hữu tình … Trên cao nhìn xuống những rặng dừa xanh ngút ngàn, sóng biển trắng xóa đập vào ghềnh đá văng bọt nước lên cao, bờ biển khi ẩn khi hiện sau rặng dừa xanh, ánh nắng rực rỡ trong vắt của buổi ban mai nhảy múa trong những tàng cây cao hai bên ven đường, lúc đó sao tôi thấy lòng mình thơ thới yêu đời, yêu phong cảnh quê hương không thể tả, mặc dầu tôi chỉ là một con bé con mới 8 tuổi đầu !

Đèo Hải Vân

Càng về gần đến Tam Kỳ, Đà Nẵng, trời càng âm u, ánh nắng chan hòa của đoạn đường Nha Trang-Quy Nhơn bây giờ đã được dần dần thay thế bằng những giải mây mù thấp trĩu nặng nước mưa … Leo lên được gần đến đỉnh đèo Hải Vân thì bỗng dưng xe của cha tôi….làm reo, không chịu chạy nữa. Đèo Hải Vân thật ra không quá cao nhưng đối với kỹ thuật xây đường xá của Pháp ngày xưa thì đèo chỉ được chạy một chiều, chiều lên hoặc chiều xuống, xe nào lên được tới đỉnh thì phải ngừng ở đó, đợi mọi xe phía bên kia đèo lên hết dốc mới được phép chạy xuống. Mỗi lần lên xuống như vậy là mất cả tiếng đồng hồ, thành ra xe nào cũng hối hả cho kịp giờ lên đèo và xuống đèo. Bây giờ xe của cha tôi chết máy như thế này chắc là phải kẹt lại ở trên đỉnh đèo rồi, làm sao mà xuống cho kịp lần đổ đèo này…

Tuy là con nít nhưng lòng tôi lúc đó cũng đánh lô tô lo sợ, chỉ biết cầu mong sao cho xe sớm chạy lại được…Bầu trời vẫn vần vũ, mây giăng thật thấp tưởng như nắm bắt được trong lòng tay, mưa vẫn như trút, dòng nước cuồn cuộn theo triền dốc hai bên đường càng làm tôi thêm lo sợ, mắt đã bắt đầu rơm rớm chực khóc mà cố gượng. Cha tôi mở nắp máy xe tìm cách sửa, mẹ tôi bầu bì cũng ráng lúp xúp đi bộ lên con dốc cao để tìm người phụ giúp cha tôi. Anh em tôi lúc đó đứa nào cũng biết thân, không dám chọc phá nhau, cả bọn đứng im thin thít chung quanh xem cha sửa xe, cũng chẳng đứa nào chịu ngồi lại trong xe, kể cả thằng em 3 tuổi …. Cuối cùng, không biết cha tôi mở cái nắp gì mà hơi nước phụt ra cái rầm…Thằng em thứ 4 của tôi đang đứng xớ rớ gần đó hoảng quá, nhắm mắt nhắm mũi nhảy đại sang một bên. Bên lề đường chỗ xe cha tôi nằm ụ có một cái hố cạn, cu cậu nhảy làm sao mà rơi tọt nằm gọn lỏn trong hố, mặt mày xanh ngắt vì sợ. Sau cú "xì hơi" đó máy xe nổ lại, thế là xe cha tôi theo kịp đoàn xe đổ dốc xuống đèo…..

Xuống hết đèo, vào đến địa phận Lăng Cô. Miền Trung của tôi sao nghèo nàn quá đỗi, trời tháng giêng lạnh buốt mà người ta vẫn đi chân không, không giày không dép, đầu đội chiếc nón lá che những giọt mưa tới tấp, trên người mặc cái áo tơi cũng kết bằng lá, lầm lũi gánh gồng hay đạp xe đạp đi trong mưa gió. Nón lá và áo tơi lá ướt đẫm nước mưa đã là những hình ảnh không bao giờ quên được trong trí óc non nớt của tôi.

Tết Canh Tý 1960 ở Huế

Về đến Huế, có ông bà ngoại, có cậu mợ cô dì, có các anh các chị họ….xúm xít xung quanh mừng rỡ, cha mẹ tôi như rũ bỏ được bao nhiêu lo lắng cho đoạn đường thiên lý vừa trải qua… Cái Tết đó tôi được sống trọn vẹn trong tình gia tộc, có ông bà và họ hàng quý mến thương yêu. Tết đó tôi được mặc chiếc áo dài đầu tiên trong đời, chiếc áo của bà chị họ bằng nỉ màu cà phê sữa sao mà ấm áp và đẹp quá, chiếc áo đã được tôi diện cả ba ngày Tết.

Sáng mùng hai ngủ dậy cha tôi đưa cả nhà về làng thăm mộ ông bà nội tôi. Làng nội tôi chỉ cách Huế 15km, làng Dương Nổ, có con sông mang cùng tên làng, một nhánh sông đào của sông Hương, chảy ra cửa biển Thuận An. Con sông này cha mẹ tôi vẫn thường tranh cãi nhau vì mẹ tôi vẫn cho rằng con sông Bồ chảy qua làng Niêm Phò của mẹ tôi, con sông này đổ ra Phá Tam Giang, rộng lớn hơn sông Dương Nổ của cha tôi. Mẹ tôi vẫn cho rằng sông đào, sông nhân tạo thì không thể nào rộng lớn hơn sông thiên nhiên được. Đến ngày hôm nay tôi vẫn không biết sông làng Ngoại hay sông làng Nội rộng hơn mà "phân xử" đúng sai cho cha mẹ.

Mộ ông bà nội tôi nằm ngoài ruộng đồng, đường ra mộ bùn lầy ướt át trơn trợt, phải đi bộ ra xa tắp mới đến …Trời tháng giêng ở Huế có mưa phùn nhè nhẹ, trong không khí có mùi lành lạnh rét mướt của mùa đông. Ở Sài Gòn quen với cái nóng nhiệt đới, lũ anh em chúng tôi đứng trước mộ ông bà mà hai hàm răng đánh bò cạp vì lạnh, môi đứa nào đứa nấy tím ngắt chỉ ưng mau mau được quay về căn nhà của ông bà ngoại, được ôm cái lồng ấp có những cục than nho nhỏ mà bà ngoại phát cho mỗi đứa chúng tôi. Về làng thắp được nén hương cho ông bà nội tôi, cha mẹ tôi rất lấy làm mãn nguyện và chắc là không còn cảm thấy mệt nhọc khi phải lái xe mấy ngày mấy đêm, đi cả ngàn cây số với lũ con nghịch như quỷ. Những ngày cùng các anh chị lớn, con của cậu tôi, đi thăm các lăng tẩm Tự Đức, Khải Định là những kỷ niệm khó phai trong lòng tôi.

Vui cách mấy rồi cũng không kéo dài mãi được, mồng 4 Tết gia đình tôi phải quay trở lại Sài Gòn. Thật là kỳ lạ, chuyến "đi ra Huế", tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu, thế mà chuyến "đi về Sài Gòn" tôi lại hoàn toàn không nhớ một mảy may gì cả. Trong ký ức của tôi ngày ấy chỉ còn sót lại một điều duy nhất là đêm cuối cùng trước khi chia tay, tôi đã khóc sướt mướt khi biết rằng ngày mai phải xa rời người chị họ, chị lớn hơn tôi 3 tuổi và cũng chính chị là người đã cho tôi cái cảm giác được làm người lớn trong chiếc áo dài mặc ké của chị trong 3 ngày Tết vừa qua. Tôi khóc vì ngày mai chị em tôi phải xa cách nhau, không biết khi nào mới lại được gặp nhau…..Làm sao tôi biết được là sẽ có cái ngày đảo chánh, lật đổ ông tổng thống mà ngày ấy tôi không biết tên, đưa đẩy gia đình cậu tôi vào Nam sinh sống, cho chị em tôi được trùng phùng!!!

Hè 1965 ở Huế

Mùa hè năm 1965, mùa hè thứ hai của tôi ở trường Trưng Vương, cha tôi ra nhậm chức ở Huế, đem theo cả gia đình về lại nơi chôn nhau cắt rốn, anh em tôi theo cha mẹ về Huế mà lòng buồn rười rượi vì phải xa bạn xa trường ở Sàigòn….

Về Huế nhằm vào dịp nghỉ hè, chưa phải đụng tới sách vở nên chúng tôi tạm quên những chuyện tương lai bạn mới trường mới xa vời phức tạp, chỉ biết tận hưởng những ngày hè đầy thú vị mà ở Sài Gòn chưa chắc chúng tôi đã có thể có được. Ngày nào chúng tôi cũng đạp xe đạp từ Tòa Khâm, nơi nhà mới của chúng tôi ở Huế, đạp về Đập Đá, về Vĩ Dạ hay đạp lên Bến Ngự, dốc Nam Giao, đạp qua cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp mà bây giờ tôi mới tỉ mỉ nhận ra ….Đạp vào Thành Nội, tìm đến hồ Tịnh Tâm, ngày nào siêng lắm thì đạp lên Thiên Mụ, đạp bở hơi tai vì phải leo lên con dốc khá cao, để rồi quay xe trở về, thả hai tay co giò …đổ dốc. Dọc đường dừng xe tôi hái những chùm trái keo (phượng tây) bên lề, nhét đầy túi làm đồ nhắm dọc đường. Loại trái keo có hình thù giống như trái phượng nhưng trái nhỏ hơn và có mùi hăng hắc, không bùi như hột phượng. Vừa đạp xe, một tay vịn ghi đông xe đạp, tay kia bóc vỏ trái keo với sự trợ giúp của hàm răng, nhần nhần ra những hột keo xanh xanh nho nhỏ, nhai bùi bùi trong miệng, rồi vứt đại vỏ keo xuống con đường Lê Lợi nằm dọc theo bờ sông Hương tỏa đầy bóng mát êm ả của hàng phượng vĩ đỏ rực trồng hai bên đường.

Những ngày tập bơi bì bõm ở Đập Đá, nhà của ông bà ngoại tôi. Khúc sông Hương này rẽ quành theo Cồn Hến nên nước chảy không xiết lắm, anh em tôi chặt vài thân cây chuối trong vườn, hì hục hè nhau lăn xuống sông cho nổi lềnh bềnh tứ tán, rồi cứ thế mà cắm đầu nhảy tõm xuống nước, vịn theo mấy nhánh cây mọc vươn ra ngoài, lặn hụp theo kiểu "bơi chó" ra tới được những thân cây chuối đang trôi nổi bồng bềnh trước mặt, rồi cứ thế mà mỗi đứa tay ôm một thân cây chuối và chân thì đập vùng vẫy quậy nước tung tóe để…tập bơi. Lúc lên lại bờ, đứa nào đứa nấy đều run rẩy ướt như chuột và áo quần thì dính đầy mủ chuối, giặt kiểu gì cũng không ra hết mủ….Mấy anh em tôi tự học bơi với nhau, chẳng ai là thầy ai, đứa nào bạo dạn ít sợ thì học nhanh, biết bơi sải, bơi nhái, đứa nào nhát cáy thì tha hồ uống nước sặc sụa, rồi đứa sau theo đứa trước, như một bầy rái cá ….lặn hụp trong dòng sông êm ả của quê nhà. Những chiếc thuyền nan đánh cá chạy dọc ven sông, gõ lóc cóc vào thành ghe cho cá nghe tiếng động mà tụ tập tới cho họ giăng lưới bắt, đành quay mũi ghe, chèo đi hướng khác tìm chỗ giăng lưới vì ở đây những con …"rái cá Sài Gòn" đang khuấy động cái yên tĩnh của khúc sông, cá tôm gì cũng sợ, lặn trốn mất tiêu.

Cầu Bến Hải

Hè đó cha tôi cho anh em chúng tôi ra Quảng Trị thăm cầu Bến Hải, chiếc cầu biên giới chia đôi hai miền đất nước. Cầu Bến Hải, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17….. những cái tên này đối với tôi ngày ấy thật là xa tắp, nằm ở đâu đó chứ không phải trên giải đất Việt Nam mặc dầu Bến Hải chỉ cách Huế khoảng 60 hay 70 cây số đường chim bay. Cha tôi chỉ cho phép bốn anh em lớn chúng tôi đi theo, căn dặn cẩn thận không được chạy lăng quăng và không được nói vớ vẩn bậy bạ. Những lời dặn dò của cha tôi khiến tôi đâm ra mất cảm tình với cây cầu mặc dầu tôi chưa hề thấy bóng dáng nó ra sao. Những tháng ngày nghỉ hè ở Huế, anh tôi và tôi thường vặn radio nghe chương trình Dạ Lan vào buổi tối, đôi lần cô Dạ Lan có nhắc đến tên chiếc cầu Bến Hải, nhưng chiếc cầu với tôi lúc đó như một thực thể xa vời .

Từ xa trên một quãng đồi khá cao, nhìn xuống bên dưới chúng tôi đã thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ đang ngạo nghễ phất phới tung bay trong không gian vắng lặng đồng không mông quạnh không nhà không cửa của vùng phi quân sự…. Càng đến gần, chiếc cầu biên giới đơn sơ nhỏ bé bắt ngang con sông Bến Hải càng hiện rõ dần. Gió lồng lộng nhưng cũng không đủ làm gợn sóng lăn tăn làn nước xanh ngắt đang lặng lờ chảy dưới chân cầu. Một phẳng lặng an bình tưởng như không có gì có thể khuấy động được nếu không có dàn loa phóng thanh mấy trăm cái được treo làm ba tầng, các mặt loa hướng thẳng sang bờ Bắc bên kia cầu. Bên cạnh dàn loa là dàn đèn pha với không biết bao nhiêu là bóng đèn sẵn sàng rọi chiếu bất cứ ngọn cây khúc cỏ nào hai ven bờ.

Bên bờ Bắc của cây cầu biên giới, một cột cờ khác cũng cao không kém gì cột cờ bên này, lá cờ đỏ sao vàng cũng đang phất phới tung bay trước gió. Bên kia không thua gì bên này, cũng có một dàn loa phóng thanh, có lẽ to hơn và cao hơn dàn loa bên bờ Nam, các mặt loa đen ngòm hướng sang bờ Nam như thách thức khiêu khích.

Chúng tôi tới cầu Bến Hải may là nhằm lúc hai bên đang ngừng giờ phát thanh, chỉ có cơn gió lồng lộng làm tung bay phần phật hai lá cờ của hai bờ Nam Bắc như thách thức nhau…. Chỉ có tiếng gió lao xao còn ngoài ra là một im lặng rợn người.

Không hiểu ngày ấy vì sao mà cha tôi đã đưa bốn đứa con lớn của ông về lại cây cầu biên giới này? Sau này khi đọc xong tập hồi ký của cha tôi, tôi mới thấm thía được tấm lòng của ông lúc ấy. Ngày xưa cha tôi đã từng liều mình vượt qua cửa Việt, bỏ lại đằng sau những tháng ngày tù đày đen tối đầy hận thù của miền Bắc, trở về vùng quê hương yêu dấu ấm áp tình người. Cửa Việt ngày đó cũng là một ranh giới phân chia bên này bên kia, bên Việt Minh và bên Quốc gia….Những kỷ niệm ngậm ngùi của một quá khứ xa xưa như sống lại với cha tôi khi ông đứng lặng trên cây cầu Bến Hải chia cắt hai miền…

Một đồn canh nhỏ nằm lặng lẽ giữa cầu, lằn ranh giới chính thức chia hai miền Nam Bắc được cả thế giới công nhận !!! Cha tôi dắt bốn anh em tôi xuống cầu, đi theo cha tôi là hai người cảnh sát cận vệ. Những mảnh ván của cây cầu run nhẹ dưới chân tôi, nước sông vẫn lặng lờ chảy, cảm giác sợ sệt trong tôi lúc đó như biến mất, tôi vẫn nhớ là lúc đó tôi "vênh mặt" lên như sẵn sàng đối kháng với bất cứ một đe doạ nào…Một thứ "tuổi trẻ ngông nghênh", chỉ biết mình mà không biết người…

Đứng trên cầu, tôi tò mò giương mắt cố nhìn cho rõ bờ bên kia…Thấp thoáng xa xa chỉ thấy có vài bóng người ra vào một đồn canh nhỏ bên kia bờ. Một người lính bộ đội miền Bắc đang đứng canh gác bên kia cầu, thấy cha con tôi anh ta cũng bước lên cầu và từ từ tiến đến gần chúng tôi. Hai bên hình như có đôi lời "chào hỏi" nhưng không bắt tay nhau. Tôi nhìn thao láo người lính của miền Bắc, mặt anh ta lạnh như tiền!!! Lúc đó tôi đã thầm nhủ "sẽ không bao giờ có một ngày mình đặt chân lên phần đất của bờ Bắc bên kia, chắc là sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đó".

Mấy chục năm sau, mặc dù đất nước không còn chia cắt, không còn bờ Bắc bờ Nam nữa nhưng lòng tôi vẫn ngần ngại không muốn về. Đã biết bao lần bay ngang bay dọc trên không phận Việt Nam, từ trên cao nhìn xuống mảnh đất thân thuộc yêu dấu, khoảng cách với quê hương chỉ vỏn vẹn 10 km theo độ cao của máy bay nhưng sao quá xa cách diệu vợi với tôi…..Mãi cho đến 33 năm sau, khi vượt qua được cái ngần ngại không muốn về thăm quê hương, chúng tôi mới quyết định đi theo một nhóm du khách Đức về lại Việt Nam. Lần đầu tiên đặt chân xuống phi trường Nội Bài của Hà Nội, lòng tôi đã chùng lại, tâm trạng bồi hồi khó diễn tả…. Dù chân đã đứng trên mảnh đất quê hương nhưng cái cảm giác xa cách như khi ngồi trên cao nhìn xuống giải đất quê hương lại trở về trong tôi. Vì Hà Nội không phải là Sài Gòn, vì Hà Nội không phải là Huế của tôi….

Cái cảm giác của tôi của một thời xa xưa: tò mò, xa cách, khó gần gũi khi đứng trên chiếc cầu Bến Hải ngăn chia hai miền Nam Bắc Việt Nam cũng không khác gì cái cảm giác mỗi khi nhìn sang phía Đông của bức tường Bá Linh khi bức tường vẫn còn là biên giới ngăn chia hai bên Đông Tây của nước Đức. Cổng "Brandenburger Tor" bên phía Đông của bức tường không gợi trong tôi một chút thân thiện gần gũi. Tôi đã nhìn "Khải Hoàn Môn" của Đông Đức không khác gì khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng của bờ Bắc sông Bến Hải của một ngày xa xưa….

Khi bức tường Bá Linh sụp đổ, dân chúng hai miền Đông Tây của Đức đã ôm nhau nhảy múa mừng vui ngày đất nước họ từ nay thống nhất thành một. Ngày đó tôi đã đem một chai Champagne vào hãng để chúc mừng các đồng nghiệp người bản xứ. Chúc mừng người ta mà lòng thì buồn vời vợi khi chạnh nghĩ đến đất nước quê hương của mình. Quê hương mình đi trước họ, quê hương mình cũng không còn bị chia cắt nhưng sao mình vẫn phải làm người dân xa xứ, sống lạc loài nơi xứ sở quê người ???

Bến Ngự

Lúc gia đình tôi còn ở Huế, anh em tôi đã nhập học vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh hay Hàm Nghi thì biến động miền Trung bùng nổ, đâu đâu cũng nghe "đả đảo Thiệu Kỳ", đâu đâu cũng chỉ thấy biểu tình và biểu ngữ… Cha tôi đưa mẹ tôi và các em nhỏ vào lại Sài Gòn vì ở Huế không còn yên lành nữa. Không hiểu sao lúc ấy cha mẹ tôi lại để ba anh em lớn chúng tôi ở lại Huế, sau này tôi hỏi lại thì mẹ tôi nói rằng "sợ các con nghỉ học nửa chừng không có học bạ để nộp lại cho trường ở Sài Gòn". Cho tới bây giờ, sau mấy chục năm đã trôi qua, trải qua bao nhiêu biến cố hãi hùng khác, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ngày xưa, mẹ tôi vẫn còn rùng mình tỉnh giấc không ngủ lại được, vì sao hồi đó lại to gan để mấy đứa con lớn ở lại Huế, nếu lỡ dại có chuyện gì xảy ra thì gia đình chia cắt, cha mẹ một đằng con cái một nẻo!!!

Mặc cho tình hình sôi động ở Huế, anh em tôi dọn về Bến Ngự ở với người dì, người em gái út của mẹ tôi, chờ ngày trường học mở cửa lại mà đi học cho đến hết niên khóa. Lúc đó tôi chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra ngoài chuyện trường học bây giờ đóng cửa, mặc dầu chưa hết niên khóa, nhưng không phải đi học, được ở nhà vui chơi thỏa thích. Những ngày tháng ở chung với người dì vui tính, anh em chúng tôi ngày nào cũng nhảy xuống sông Bến Ngự trước mặt nhà bơi ngang bơi dọc. Dì tôi ở chung với gia đình nhà chồng, có mấy người em cũng cỡ tuổi anh em chúng tôi, cả bọn lại hợp tính hợp tình, suốt ngày vui đùa với nhau nên tôi chẳng thấy nhớ cha mẹ và các em của tôi gì cả.

Thu, cô em chồng đảm đang của dì tôi, Thu học cùng lớp với tôi ở Đồng Khánh, tuy học cùng lớp nhưng hình như Thu lớn hơn tôi 1-2 tuổi. Thu có nuôi hai con heo trong vườn nhà, con heo nái gần ngày sinh nên chỉ nằm lười biếng quanh quẩn trong chuồng. Ngày nào Thu cũng dụ khị anh em tôi vớt bèo dưới sông lên để Thu xắt nhỏ, trộn với thân chuối và cám cho heo ăn. Ngày nào lôi lên được một về bèo thật lớn là tôi hỉ hả nhất định đòi Thu tiền công vớt bèo, Thu thường trả nợ tôi bằng dĩa bánh bèo hay vài cái bánh bột lọc, hình như những thức ăn này lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Cái đêm heo nái chuyển bụng đẻ, tôi muốn cùng Thu thức để canh chừng nhưng rồi ngủ gục lúc nào không hay. Sáng hôm sau tỉnh dậy, chạy ra chuồng heo, thấy mấy chú heo con nằm bú vú mẹ ngon lành, tôi đứng ngẩn tò te nhưng không dám trách Thu…tại sao không đánh thức tôi dậy để phụ làm cô mụ cho heo. Tôi chỉ nhớ khi chia tay với gia đình dì để trở lại Sài Gòn với cha mẹ tôi, tôi cũng đã lại khóc sướt mướt, vì có chia tay nào mà vui đâu?

Vào Sài Gòn tôi được trường Trưng Vương cho nhập học lại, trở lại lớp cũ có bạn bè quen biết lúc trước và học ở đây cho đến ngày đậu tú tài rồi sang Tây Đức du học. Trước khi lên đường đi du học, khoảng đầu tháng hai, sau khi ăn Tết, cha mẹ tôi cho tôi về Huế thăm mộ ông bà nội tôi. Huế vẫn còn mùa đông, vẫn còn mưa phùn bay lất phất, vẫn còn cái lành lạnh gai gai không quen cho người Sài Gòn, tôi đã được cô cháu gái, tuy là hàng cháu nhưng cùng tuổi với tôi vì cha nó, người anh họ con bác cả của tôi, cũng gần gần bằng tuổi cha tôi.

Hai cô cháu tôi đèo nhau bằng chiếc Honda về làng, con đường ra mộ lầy lội bùn non, chúng tôi gửi xe ở một quán cóc rồi lội bộ ra cánh đồng. Tiếc thay cánh đồng trong mùa đông đã ngập đầy nước, tôi chỉ còn biết đứng xa xa nhìn gò mã của ông bà nổi chênh vênh trên ruộng nước mà không thắp được một nén hương trước ngày ra đi. Lúc đó tôi nghĩ thầm, lần này không thắp hương được thì thắp lần sau, chắc cũng không muộn màng gì ….

Cái lần sau đó tôi phải đợi mãi đến 33 năm sau.Trên chuyến bay từ Hà Nội về Huế khi tôi trở lại Việt Nam, tôi đã nghẹn ngào và bật khóc khi cô tiếp viên của hãng hàng không Việt Nam báo tin máy bay sắp đáp xuống phi trường Phú Bài của Huế.

Hoang mang

Cuối hè năm 1974, cha mẹ tôi cho tôi về Sài Gòn thăm nhà trước khi nhập học khoá mùa đông cho năm học sắp tới. Cha mẹ tôi chỉ sợ tôi sẽ không có thì giờ về thăm nhà khi bắt đầu chuẩn bị thi ra trường sau đó. Về nhà chưa được bao ngày thì cha mẹ tôi lại hối thúc tôi mau trở sang Đức vì tình hình đột ngột biến chuyển. Nghe lời cha mẹ, tôi lại khăn gói lên đường trở về Đức, đâu biết rằng đây là lần cuối cùng mình còn được thở hít cái không khí tự do trên mảnh đất thân yêu của Việt Nam Cộng Hòa !

Tình hình chiến cuộc dạo đó càng ngày càng khốc liệt. Những trận giao tranh giữa hai bên ngày càng gia tăng, tin tức trong nước và ngoài nước như hai mâu thuẫn, như trắng và đen, chẳng biết phải tin vào ai. Những đàm phán không ngừng của hai miền Nam Bắc và của thế giới làm đầu óc tôi muốn bể tung ra. Lúc này tôi không còn học ở đại học Mainz nữa mà đổi lên Frankfurt, cách Mainz khoảng 30 km. Sáng chiều hai bận tôi đi đi về về Mainz-Frankfurt , quãng đường không xa lắm nhưng xe lửa cứ mỗi trạm lại ngừng nên mỗi ngày đi về cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ. Cầm theo tờ báo đọc cho đỡ sốt ruột quãng đường dài nhàm chán, càng đọc bao nhiêu tin tức, lòng lại càng thêm trĩu nặng bấy nhiêu, dù tôi có muốn giả ngu, giả điếc, giả quên, giả tảng lờ gì đi chăng nữa, nhưng khi tin tức Việt Nam dồn dập đập vào mắt, lại đọc, lại nghe, lại suy luận, lại phỏng đoán rồi lại…. hy vọng này nọ.

Tối nào về nhà mở TV xem tin tức thì cũng lại là những tin tức về Việt Nam. Cả thế giới đang bình luận về Việt Nam, cả nước Đức nói về Việt Nam, bên ủng hộ miền Bắc, bên ủng hộ miền Nam. Đài TV nào, phóng viên nào "chống" miền Nam thì tôi tắt, đổi đài khác, không muốn nghe! Nhưng chính những đài chống miền Nam lại cho những tin tức sát thực nhất, lúc đó thực sự chúng tôi chỉ còn muốn nghe những tin tức "ru ngủ" cho lòng dạ bớt hoang mang, bớt khủng hoảng, nói đúng ra chúng tôi đang muốn trốn tránh sự thực, cái sự thực đau lòng càng ngày càng rõ mồn một.

Bạn bè sinh viên đi học với nhau, đứa nào trong chúng tôi cũng mang một tâm trạng hoang mang lo âu, nói ra với nhau cũng chẳng giúp được gì nhau, nhưng không nói thì chắc nổ tung đầu mà điên lên mất. Nếu gặp phải đám sinh viên "thân" bên kia thì lại cãi nhau, hằm hè nhau như hai kẻ thù, để rồi rút cục ….đường ai nấy đi cho đỡ bực mình. Thư từ qua lại gửi đi thời đó giữa Việt Nam và Đức bình thường phải mất đến 10 ngày mới tới tay người nhận, đọc xong viết trả lời gửi về lại cũng mất thêm 10 ngày nữa, vị chi là 20 ngày, một thời gian quá dài cho những tin tức nóng bỏng đang thay đổi từng ngày từng giờ …. Dạo đó chúng tôi chỉ còn biết gửi express hoặc telegram về cho gia đình khi nghe bất cứ một tin tức nào mà chúng tôi cho là quan trọng, gia đình cần phải biết gấp.

Màu đỏ khủng khiếp

Bản đồ Việt Nam ngày ngày được thế giới đem ra mổ xẻ, dĩ nhiên là TV Đức tường thuật và bình luận rất khách quan những diễn tiến quyết liệt đang xảy ra ở quê nhà. Càng bình luận khách quan ráo hoảnh bao nhiêu, càng như xa muối ớt vào lòng dạ chúng tôi bấy nhiêu. Không gì đau đớn cho bằng phải giương mắt nhìn, phải vảnh tai nghe những điều đau lòng, mà bó tay, biết làm gì hơn bây giờ??? Những bản tin càng ngày càng bi đát hơn, Mỹ đã đồng ý bỏ rơi Việt Nam, không còn một hy vọng hão huyền nào có thể đứng vững được nữa rồi….

Chiều ngày 25.03 anh em chúng tôi ngồi dán mắt trước TV để xem tin tức. Đặc phái viên của đài truyền hình số 1 (ARD) của Đức đang nói về cái tin nóng bỏng "thành phố Huế đã chính thức rơi vào tay Cộng quân", tai tôi lùng bùng lắng nghe giọng nói bình luận đều đều của phóng viên mà nước mắt lặng lẽ chảy lúc nào không hay, cổ họng tôi như nghẹn lại. Bỏ buổi cơm chiều, tôi ôm cái TV nghe tiếp bản tin của đài số 2 (ZDF).

Bản tin truyền đi, bản đồ Việt Nam lại được chiếu lên, lần này màu đỏ đã từ Bến Hải, Quảng Trị, địa đầu của quê hương tôi, rồi nhuộm tràn tới thành phố Huế. Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ được, lòng buồn bã rối bời, Sài Gòn của tôi còn đó nhưng còn.......bao lâu nữa ?? Những ngày sau đó bọn sinh viên chúng tôi không đứa nào còn lòng dạ để học hành hay nói cười gì nữa cả, một màn tang tóc đã bao trùm lấy chúng tôi. Mấy ngày sau thành phố Đà Nẵng cũng mất, tôi không còn nước mắt để khóc vì có bao nhiêu nước mắt tôi đã khóc cho Huế mất rồi …

Ba anh em tôi, hai đứa ở Đức, một đứa ở Bỉ, đánh 3 cái telegram khẩn về nhà, báo cho gia đình ở nhà biết là bằng mọi cách phải rời khỏi Việt Nam, vì không còn một bám víu, một hy vọng gì nữa rồi, hãy tìm cách ra đi lập tức, đừng chờ đợi nữa! Chưa đủ, tôi viết thêm một lá thư kể rõ mọi sự tình tin tức mà tôi có được, một lá thư viết trong tuyệt vọng cùng cực, vì còn gì nữa mà trông mong, vì cả thế giới bây giờ đang bỏ rơi chúng ta. Gửi express, tem dán chồng chất khắp bì thư như thầm mong cho thư bay đi nhanh hơn! Thế mà tất cả mọi telegram và thư express của chúng tôi chỉ về được đến …Thái Lan thì nằm ụ ở đó, hai tháng sau anh em tôi nhận lại đầy đủ nguyên vẹn không mất đi cái nào với lời ghi chú "không người nhận" !!!

Khi thành phố Tuy Hoà mất, cô bạn học cùng đại học với tôi quê ở Tuy Hoà, cô khóc ròng như tôi đã từng khóc cho Huế một tuần trước đó. Màu đỏ khủng khiếp lan tràn nhanh chóng và ngừng lại ở Ban mê Thuộc thì tôi nhận được thư express của cha tôi viết sang, lá thư ông viết lúc Huế và Đà Nẵng sắp thất thủ, tin tức qua lại giữa cha con tôi mất đi thời gian tính. Dạo đó cha tôi làm việc cho Air Vietnam, Hàng Không Việt Nam. Vì những chuyến bay ở Huế bị hủy bỏ, hành khách ứ đọng, nhân viên địa phương không thể giải quyết tình trạng rối beng nên ông phải bay về Huế.

Cha tôi viết: Đáp xuống phi trường Phú Bài vắng vẻ, đường từ Phú Bài về Huế bị chận lại, nếu cứ lấy xe đi đại về Huế, tuy có sự trợ giúp của quân đội nhưng rất có thể bị kẹt lại trong thành phố, như thế phi cơ sẽ quay về Sài Gòn và sẽ không có mặt cha …. Cha cùng phi hành đoàn đã làm lễ hạ kỳ ở phi trường Phú Bài trong không khí trang nghiêm với đôi dòng lệ buồn tủi của kẻ thua trận… Xếp lá cờ trong tay, vĩnh biệt Phú Bài, vĩnh biệt Huế!!

Cha tôi rời Huế 5 giờ chiều ngày 20.03 nhưng mãi đến 25.03 Việt Cộng mới chiếm được Huế. Mấy ngày sau Hàng không Việt Nam lại phái cha tôi bay ra Đà Nẵng để giải quyết hành khách và máy bay đang ứ đọng ở đây. Phi cơ đậu ở phi trường không cất cánh lên được vì hành khách xô đẩy chen lấn nhau lên phi cơ, phi cơ quá trọng tải đành phải nằm ụ, phi hành đoàn lánh mặt vì không biết phải giải quyết làm sao. Đoàn thanh tra đặc biệt của cha tôi ra đến Đà Nẵng cũng bị kẹt cứng luôn tại đây đến mấy ngày. Sài Gòn phải gửi cấp tốc một chiếc Caravell bay ra Đà Nẵng để tìm cách bốc đoàn thanh tra về lại Sài Gòn.

Cha tôi viết tiếp: Máy bay đáp xuống phi đạo nhưng không dám ngừng hẳn lại vì sợ dân chúng ào lên. Trước khi đáp, phi công trưởng đã liên lạc với cha, dặn phải tìm cách "nhảy" lên máy bay khi phi cơ còn chạy chầm chậm trên taxi way. Kế hoạch nhảy máy bay thật táo bạo nhưng đó là cách duy nhất để đem người về (Cha tôi vẫn có giọng kể chuyện thật hấp dẫn giống như ngày xưa khi ông kể chuyện trinh thám gay cấn hồi hộp cho các con nghe, tuy vậy ông cũng đã không dấu được cái ngậm ngùi cay đắng của kẻ bại trận). Năm người trong đoàn thanh tra của hàng không Việt Nam ngồi trên chiếc xe Jeep phóng nhanh trực chỉ hướng phi đạo khi chiếc Caravell ló dạng trên Taxi way… Rút cục chỉ có ba người nhảy lên được, còn hai người kia không dám nhảy nên kẹt lại, mặc dầu phi công đã lượn thêm một vòng quanh phi trường và đáp xuống lần thứ hai nhưng hai người kia vẫn không nhảy lên được…Ra khỏi không phận Đà Nẵng thì phi trường bị pháo kích dữ dội …….“ .

Đọc xong lá thư của cha tôi, tôi càng nhận thấy rõ là người trong nước hình như vẫn không biết hay không nhận ra là thế giới bên ngoài đã bỏ rơi Việt Nam, người trong nước kể cả cha tôi vẫn còn bám víu vào những con cờ vô dụng, vẫn còn hy vọng tình hình không đến nỗi nào …
Màu máu đỏ lúc này đã lan xuống đến vĩ tuyến 11, Hàm Tân, căn cứ gần như cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Ngày nào năm xưa trong chuyến đi về Huế ăn Tết thăm ông bà ngoại của tôi, tôi chỉ nhớ trong tâm khảm đường "đi ra Huế" mà không nhớ đường "đi về Sài Gòn", giờ đây đường "đi về Sài Gòn" của tôi đang được đài truyền hình Đức dẫn giải từng bước một, từng chặng này đến chặng kia, khởi đầu là Huế, rồi đến Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quảng Nam, lan xuống Tuy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, bây giờ làn sóng đỏ dừng lại ở Hàm Tân!!! Có còn giải pháp hòa bình nghiêm chỉnh nào không khi đất nước tôi từ vĩ tuyến 17 nay thu hẹp về đến ….vĩ tuyến 11?

Chúng tôi, những đứa con xa xứ, xa nhà, nhìn cảnh nước mất nhà tan, nhìn cả một miền Nam bị lùa vô rọ, bỗng chốc không còn nhận một tin tức nào của gia đình, thử hỏi còn có gì đau đớn và khủng hoảng cho bằng???? Đứa này hỏi đứa kia, gia đình bạn tôi ở Tuy Hoà đã di tản vào Sài Gòn, từ ngày mất Tuy Hoà bạn tôi cũng đã mất luôn tin tức của gia đình. Tin tức cuối cùng mà tôi nhận được của gia đình là vào khoảng đầu tháng tư cho biết cha mẹ và các em tôi đang lên đường về Rạch Giá …đóng tàu, mua tàu, để vượt thoát theo đường biển.

Mùa Xuân 75

Semester mùa hè đã bắt đầu tự khi nào (15.04.1975), mùa xuân đã trở về, những cánh hoa đỗ quyên vàng cả không gian đã bắt đầu nở rộ, những dãy Narzisse, Tulipe rung rinh trong nắng sớm ban mai vẫn thường làm tôi rộn rã trong tim, nôn nả háo hức chờ ngày nhập học gặp lại bạn bè. Mùa xuân lại đến nhưng sao lòng tôi tan nát chán chường, học làm gì nữa? Chúng tôi hoàn toàn xao lãng chuyện học, lòng dạ nào mà đi học bây giờ khi chúng tôi đang mất hết mọi tin tức của gia đình, khi phải nhìn cảnh sụp đổ của đất nước, khi phải đứng trước một tương lai đen tối vô định, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao, tiền bạc dự trữ không có….Tâm trạng chúng tôi lúc đó phải nói là như chai đá, như ù lì, như một thân cây đang đầy mầm sống mà bị đánh bật rể nằm chỏng chơ ..… Còn một phản ứng nào thích hợp trước cái biến cố khủng khiếp của đời người này hay không? Buồn bã chán chường, sinh viên Việt Nam quốc gia chúng tôi chỉ còn biết tụ nhau lại, không phải để cùng nhau đi ăn trưa như những ngày hạnh phúc bình yên đã qua, mà là để chỉ bảo nhau chỗ nào có thể kiếm việc làm sống đắp đổi qua ngày, chờ tin tức gia đình!!!

Lúc này những cảnh giành giật nhau để được chen vào bên trong tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn được TV Đức trình chiếu trong bản tin buổi tối cho người dân bản xứ. Những chiếc thuyền nan nhỏ bé của đồng bào miền Trung di tản vào Nam cũng được phóng viên của các đài truyền hình thâu gọn vào ống kính và trình chiếu đặc biệt mỗi ngày. Giờ phát hình ăn tiền câu khách nhất là 8 giờ tối, giờ "tử hình" của chúng tôi, chúng tôi đau đớn dán mắt mà nhìn, nhìn cho cay xé hai con mắt để rồi cuối cùng buông những tiếng chửi thề trong thất vọng não nề. Những cuộc biểu tình phản chiến rầm rộ của sinh viên Đức ủng hộ kẻ lấn chiếm, xen kẽ với những đám biểu tình lẻ tẻ không được phối hợp quy mô của sinh viên VN tại Đức vẫn tiếp diễn trong các đại học có nhiều sinh viên quốc gia như Stuttgart, München v...v…Ở Paris có những cuộc biểu tình quy mô hơn của tổng hội sinh viên Việt Nam, nhưng quy mô hay không quy mô, cũng chỉ là những tiếng kêu gào ….vô vọng trong sa mạc.

Làm gì được lúc này? Tiếng nói của sinh viên chúng tôi nhỏ bé quá, mà có quy mô đi chăng nữa thì làm được gì khi thế giới đã quá chán ghét chiến tranh và kẻ hô hào đem lại hòa bình cho đất nước tôi đang chiến thắng trên bàn cờ thế giới? Toà đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Đức ngày ấy bình chân như vại, ông đại sứ không tỏ một dấu hiệu, không có một tiếng nói nào để trấn an hay an ủi bọn sinh viên chúng tôi. Chúng tôi như rắn mất đầu, cuống cuồng chạy lên tòa đại sứ để xin xỏ cho thêm được vài con dấu mộc sắp trở thành vô dụng đóng vào thông hành, cái thông hành của một quốc gia không còn tên trên bản đồ thế giới, với hy vọng (lại hy vọng) may ra với những con dấu này có thể di chuyển trong khắp Âu Châu, vì trong thông hành của sinh viên chúng tôi dạo ấy chỉ được phép ở Tây Đức và về VN. Sống trong một nước cũng đang bị chia cắt, làm sao biết được tình hình xoay chuyển ra sao, nếu một khi Đông Đức "thắng" Tây Đức !!!

Ngày 29.04.1975, như thường lệ, tôi bật đài truyền hình số 2, tôi vẫn thích nghe tin tức đài này vì ông phóng viên có dáng dấp tao nhã, có mái tóc bềnh bồng lãng tử, có giọng nói trầm ấm, vẫn thường có những lời bàn dành nhiều cảm tình cho miền Nam Việt Nam của tôi, chứ không như ông phóng viên già tóc bạc của đài số 1, đài này một mực chiêu đãi bên kia và đã từng vào tận bưng biền làm phỏng vấn với cái gọi là "Mặt trận giải phóng miền Nam".

Người phóng viên quen thuộc của tôi ngày đó đang đứng trên boong tàu của hải quân Mỹ, máy thâu hình đổi hướng liên tục, khi thì hướng ra hải phận quốc tế chiếu hình ảnh của Đệ Thất hạm đội Hoa Kỳ, khi thì hướng về giải đất của Việt Nam đang mờ dần đằng sau, người phóng viên nói lên những lời bình luận của ông, đọc bản tin cuối cùng về Sài Gòn, kết luận một khúc phim lịch sử của VNCH chấm dứt từ đây và ông gửi lời chào tạm biệt khán giả của đài truyền hình Đức…

Trong tiếng gió biển phần phật, ánh nắng chiều dần dần tắt hẳn sau lưng, lời nói của ông ký giả đài ZDF vẫn còn văng vẳng bên tai, những hình ảnh cuối cùng của hòn ngọc viễn đông vẫn còn nhảy múa trong đầu tôi, nhưng mắt tôi đã nhòa đi, những dòng nước mắt đã không còn cần phải che đậy nữa. Thôi thế là hết ….thế là bức màn sắt đã buông xuống, đất nước tôi đã không còn nữa. Đối với tôi không phải chờ đến ngày 30.04 mà là ngày 29.04, khi ống thâu hình của đài truyền hình Đức được đóng lại với những hình ảnh cuối cùng của thành phố SàiGòn.

Buổi chiều ngày 29.04 hôm ấy, khi tôi còn ngồi bất động trước máy truyền hình ở Đức, tôi nào ngờ gia đình cha mẹ và các em tôi lúc đó cũng đang vượt dòng sông Sài Gòn trong đêm tối, xa rời thành phố thân yêu trong ánh lửa cháy bùng của kho đạn Thành Tuy Hạ, trực chỉ ra hải phận quốc tế về hướng hạm đội số 7….

Sau ngày 30.04.1975, làn sóng người di tản với những con tàu exodus đổ xô ra biển Đông, tôi lại dán mắt vào TV, chăm chú nhìn cái màn hình nhỏ bé với cái hy vọng mong manh may ra nhận mặt được người quen, không hề dám mơ tưởng là nhìn thấy được cha mẹ và các em của tôi. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết cha mẹ và các em mình đang ở đâu, Sài Gòn hay Rạch Giá? hay đâu đó trên mảnh đất miền Nam trù phú nay đã bị trao qua tay người khác….

Tên hòn đảo Guam trước đó tôi chưa hề nghe qua một lần, giờ đây ngày nào TV Đức cũng nói đến, họ chiếu từng đoàn người xếp hàng dài chờ nhận thức ăn, chờ làm thủ tục nhập trại hay chờ máy bay đi tiếp sang Mỹ….Tâm trạng của tôi lúc ấy "sao những người này hạnh phúc may mắn đến thế" . Nhìn đoàn người đang xếp hàng dưới cái nắng chang chang ở đảo Guam mà lòng tôi không khỏi ghen tức, một ghen tức trong ngậm ngùi vì biết là ngoài tầm tay của mình. Tôi cứ thầm mơ ước tuy biết chỉ là ảo vọng "phải chi gia đình mình cũng có được cái may mắn này". Bây giờ tôi còn không biết gia đình mình ra sao, ở đâu, thì còn nói chi đến chuyện không tưởng đó. Lúc đó tôi chỉ dám cầu xin làm sao cho tôi biết được tin gia đình thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Tuy vẫn biết là hão huyền nhưng ai cấm tôi nuôi cái hy vọng là nhìn ra cha mẹ hay các em mình trong số người di tản hạnh phúc này !!!!

Sáu tuần lễ sau, 6 tuần lễ dài đằng đẵng trong đời, tôi nhận được lá thư của cha tôi viết đi từ đảo Guam. Cầm lá thư trong tay, nhìn nét chữ thân yêu và quen thuộc của cha tôi, tôi đọc đi đọc lại tên người gửi mà vẫn không dám tin đây là sự thực. Tôi không dám mở cái thư ngay lúc ấy mà chạy bộ đến nhà anh tôi…. Hai anh em tôi ở cùng một con đường cách nhau khoảng 2 cây số.

Đưa anh lá thư, anh cũng như tôi, chúng tôi vẫn không dám tin đây là sự thực. Anh em tôi đã ôm chầm lấy nhau và khóc trong sung sướng khi biết cha mẹ và các em mình sau 23 ngày lênh đênh trên biển cả đã tới được bến bờ bình yên.

Mỹ Nga
(viết để nhớ mãi những ngày đen tối …)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét