Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Bố Cục Trong Thơ Đường Luật


Trong 5 qui tắc bắt buộc của Thơ Đường Luật, có một qui tắc thường được diễn giảng khá mơ hồ, khiến người học làm thơ Đường Luật khó thể thấu đáo. Đó là Bố Cục.

Chúng ta cùng vào Internet xem các trang Thơ Đường nói gì về Bố Cục.

Theo thoduongluat.com

BỐ CỤC: Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần:

1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Ðề, gồm:
- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.
- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.
2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.
3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.
4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

***
Theo hoavien.forumvi.com

Cách bố cục một bài thơ:
Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn bộ phận là: Đề, thực, luận và kết.

1- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài nói lung động cả ý nghĩa trong bài và thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài.

2- Thực hoặc trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.

3- Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác việc khác.

4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi.
***
Nhà thơ Phí Minh Tâm, viết trên trang acvite.com, những điều nói về Bố Cục tương đối giống các trang khác:

2.2.1a Đề: Đề ấn định bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra và gồm có hai phần: Phá đề gồm câu 1 mở đầu hoặc giới thiệu câu chuyện. Thừa đề gồm câu 2 nối tiếp ý cho biết thời điểm, nơi chốn...
2.2.1b Thực: Thực hoặc trạng gồm câu 3 và câu 4 nói lên ý định, nội dung bài thơ.
2.2.1c Luận: Luận gồm câu 5 và câu 6 bàn luận rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.
2.2.1d Kết: Kết gồm câu 7 và câu 8 chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.
Nhưng nhà thơ Phí Minh Tâm cũng có nêu lên điều mà các trang khác chưa nói đến:

2.1, một bài TNBC, gồm 56 chữ chia làm 8 câu mỗi câu 7 chữ, phải nói lên trọn vẹn một câu chuyện với một cấu trúc và đối xứng nhất định.

***
Nhìn chung, hầu hết các Trang trên Internet đều giải thích như nhau, chỉ nói chung chung, không hề nêu ra hoặc giải thích ý nghĩa quan trọng của Bố Cục một cách rõ ràng.

Cũng giống như các bài Luận Văn mà chúng ta từng học ở trường, gồm Nhập đề, Thân Bài và Kết Luận, Bố Cục một bài thơ nói chung và thơ Đường Luật Ngũ Ngôn hay Thất Ngôn nói riêng, cũng có ba phần như thế, được sắp xếp thật rõ ràng, thứ tự về nội dung quanh một chủ đề nào đó, sao cho ý tưởng được gắn kết, từ mở đầu đến kết thúc, không đi lệch ra ngoài chủ đề. Được thế, ý thơ sẽ như một dòng nước chảy liên tục, và mạch lạc, không bị ngắt giữa chừng, người đọc sẽ hiểu ý tác giả trong bài thơ một cách rõ ràng.
Tóm lại, Bố Cục là cách diễn tả ý tưởng tuần tự dựa theo chủ đề duy nhất. Đây là điều rất quan trọng trong thơ Đường Luật, mục đích tránh cho bài thơ mỗi câu mỗi ý, đầu Ngô mình Sở, khiến độc giả trở nên mơ hồ, không biết tác giả muốn nói lên điều gì.

Khi làm một bài thơ Đường Luật, có lẽ do quá chú tâm đến các luật Đối, luật Thanh, luật Niêm...mà người làm thơ như chúng ta, hơi lơ là về tầm quan trọng của Bố Cục, nên ít tìm hiểu kỹ về qui định này, từ đó đôi khi tạo nên những sơ xuất không đáng có, khiến bài thơ làm ra có nội dung rời rạc, không được chặc chẽ, ý thơ mất đi sự liên kết nhịp nhàng và bài thơ trở nên rỗng tuếch, vô vị.


Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét