Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Góc Của Trái Tim




Nhớ khi trao đóa hoa tặng con gái út ngày cháu hoàn thành chương trình sau đại học ở Maryland, con nhỏ cười rạng rỡ đưa tôi tấm bằng cuộn tròn thắt chiếc nơ màu xanh nước biển. Tôi cầm nâng niu trên tay rồi hỏi con:

- “Bây giờ, con còn mơ ước gì nữa?”
- “Con ước mơ được đi vòng quanh thế giới !”, con nhỏ ngước nhìn bầu trời bao la đáp lời mẹ.
Rồi con nhỏ chợt quay qua tôi, hỏi:
- “Còn mẹ? Mẹ ước mơ gì sau khi con đã xong đại học?”.
Tôi nhìn con thật lâu rồi ôm chặc vào đôi tay:
- “Ước mơ của mẹ là được mãi vòng quanh đời con”!

Con nhỏ cười ngất, tưởng tôi nói đùa. “Con sẽ đem mẹ theo trong một góc của trái tim con”, con gái nắm bàn tay tôi đặt vào lồng ngực mình. Bây giờ con chim nhỏ của tôi đã có đôi cánh lớn để bay thật xa, thật cao vào khung trời của đời sống. Người mẹ như tôi chỉ nhìn theo và mong rằng con nhỏ sẽ giữ lời hứa “cho tôi một góc của trái tim”!
***
Sau cuộc ly dị nhiều buồn bã, lụy phiền con trai về giải thích cho mẹ lý do. Rằng cả hai không cùng ý hướng, rằng cả hai không còn chia sẻ nhau niềm vui, nỗi buồn, rằng tình yêu đã hết chỉ còn sự chịu đựng và rằng… nhiều, nhiều lý do khác.Tôi hỏi con trai:

- “Khi con nghiên cứu thuốc có nghĩ hết tất cả phản ứng phụ không?”,thằng nhỏ là bác sĩ dược khoa. “Dĩ nhiên, con phải nghĩ tới . Nhưng không thể dự trù cho tất cả những trường hợp cá biệt khác. Còn tùy vào phản ứng cơ thể của mỗi cá nhân, vào mỗi môi trường địa lý thổ nhưỡng khác nhau..v..v...”, nó trả lời rất chân thành, khoa học.
- “Đúng vậy con à. Hôn nhân của con không khác viên thuốc, nó đem lại hạnh phúc nhưng cũng đầy những phản ứng phụ mà con không thể đoán trước”, tôi nói nối lời theo con.
- “Nhưng tình yêu đã khiến cho con mất mát quá nhiều, tinh thần lẫn vật chất”, con trai tôi thở dài. “Căn nhà xây dựng bao năm, tiền bạc dành dụm bấy lâu, tình yêu và niềm tin dành cho người con gái đó… tất cả đều mất”, con trai tôi ngậm ngùi nói tiếp.
- “Sự yếu hèn của người đàn ông là nói xấu người khác. Đó không phải là tình yêu đâu con! Tình yêu không phải là sự được mất, có không, vốn lời và cả oán hờn, trách cứ. Còn nghĩ đến những điều đó, con chưa thật sự yêu người ta. Con chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi!”, tôi nói với con trai.

Đứa con trai giận mẹ, không gọi phone, không về thăm mấy tuần lễ. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, tôi thấy mình cũng có ít nhiều trách nhiệm trong sự đổ vỡ của con.


Mãi đến một hôm, con trai chạy về ôm lấy mẹ “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con đã hiểu những gì mẹ nói”. Tôi yên lặng nhìn con trai, chờ đợi. “Con đã gọi phone cho Kay. Dù không còn gì, hai đứa đã nói chuyện lại mẹ à. Tất cả sẽ giữ mọi quan hệ tốt đẹp cho nhau.Con cám ơn mẹ”. Kay là tên người vợ cũ của con trai tôi.

- “Không. Mẹ phải cám ơn con, vì đã cho mẹ có một góc trong trái tim con!”, tôi đã thật sự nhìn thấy bóng mình trong ánh mắt của con trai.

***
- “Đâu là quê hương của con hở mẹ? Việt Nam hay nước Mỹ?”, con gái tôi hỏi sau chuyến về Việt Nam thăm gia đình. Khác với anh trai có khai sinh ở Việt Nam, con gái tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Câu hỏi thật đơn giản mà nghe sao nhói lòng.

“… Quê hương là chùm khế ngọt
“Cho con trèo hái mỗi ngày
“Quê hương là đường đi học
“Con về rợp bướm vàng bay
“Quê hương là con diều biếc
“Tuổi thơ con thả trên đồng
“Quê hương là con đò nhỏ
“Êm đềm khua nước ven sông…



Lời hát ngọt ngào, thiết tha đó bao giờ cũng khiến nước mắt tôi lưng tròng. Đó là quê hương của tôi và cũng “chỉ có một”. Nhưng cũng trong ý niệm và hình ảnh này, thì chắc gì đã là quê hương của con gái tôi? Như bao nhiêu đứa trẻ khác, con gái tôi không có sự lựa chọn cha mẹ là ai và nơi chốn chúng “chào đời”. Đất nước Mỹ là nơi sinh ra, lớn lên và có thể sẽ là nơi con gái tôi nằm xuống trong kiếp đời này? Nơi đây chính là quê hương của chúng với một "quê mẹ" tên gọi Việt Nam... Bằng tất cả tình yêu có được, tôi chỉ có thể cho con gái thấy được hình ảnh "quê mẹ" qua trái tim của mình. Tôi dạy ba món ăn Việt Nam mà con gái thích nhất: nấu phở, đổ bánh xèo và làm gỏi cuốn tôm thịt. Dĩ nhiên là phải thêm “tay nghề” làm nước mắm tỏi ớt miền tây nam bộ để thưởng thức món bánh xèo và gỏi cuốn. Con nhỏ học nhanh và nấu ngon hơn tôi tưởng. Có lẽ ẩm thực là chiếc cầu văn hóa ngắn nhất nối liền con gái với hình bóng quê nhà trong tôi?

- “Dù bây giờ quê hương của con là đất nước Mỹ, nhưng Việt Nam mãi mãi là miền đất quê mẹ tự hào trong trái tim con”, đứa gái nhỏ của tôi đã nói lên điều chân thành nhất trong tận lòng. Chúng đã trưởng thành và tôi cũng không “lột da” sống đời. Rồi chúng ta kẻ trước người sau vĩnh viễn rời bỏ đời này, không phải những gì mang theo, mà những gì tôi muốn để lại trong góc trái tim của con gái mình.

Durham, North Carolina
Nguyễn Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét