Trương Tịch 張籍 (768-830) tự Văn Xương 文昌, người Hoài Châu, một đời làm quan khá thuận lợi. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bùi Độ. Ông từng làm Quốc Tử tư nghiệp.
Lời phi lộ
Thơ phản chiến có thiên hình vạn trạng tùy theo từng cá nhân, từng trường hợp, từng hoàn cảnh, từng chiến trường.
30 trong 40 chữ của bài thơ 沒蕃故人 Một Phiên Cố Nhân của Trương Tịch tả những thê thảm mà chiến trường nào cũng có; nhưng 10 chữ của hai câu kết mới thật độc đáo. Nó đặt người đọc vào một hoàn cảnh rất mới của tang tóc, của thương xót, của chia lìa. Có một gã tới thu dọn chiến trường để tìm xác người bạn thân. Vạch mặt hàng ngàn xác chết mà không thấy bạn. Dò la tin tức trong cả quân mình và quân địch cũng chẳng có tin gì về bạn, ngoài cái tin nói rằng bạn mất tích. Trong một thảm bại cỡ này thì mất tích đồng nghĩa với mất xác. Nghĩa cử cuối cùng mà ta có thể làm cho anh là cúng linh hồn anh…. Nhưng ta không dám cúng vì lỡ anh còn sống….
Nguyên Tác Dịch Âm
沒蕃故人 Một Phiên Cố Nhân
前年伐月支 Tiền niên phạt Nhục Chi
城上沒全師 Thành thượng một toàn sư (đọc là si).
蕃漢斷消息 Phiên Hán đoạn tiêu tức,
死生長別離 Tử sinh trường biệt ly.
無人收廢帳 Vô nhân thu phế trướng,
歸馬識殘旗 Quy mã thức tàn kỳ.
欲祭疑君在 Dục tế nghi quân tại,
天涯哭此時 Thiên nhai khốc thử thì
Dịch nghĩa:
Bạn Cũ Mất Tích Ở Đất Phiên
Năm trước (anh theo quân) đánh Nhục Chi,
Trên thành (tôi trông thấy) toàn thể đạo binh (của ta) tan rã.
Giữa Phiên và Hán mất hết tin tức (về anh),
Chết hoặc sống thì cũng là mãi mãi xa nhau.
Không ai thu lượm màn trướng hư nát,
Ngựa chạy về (mang theo) cờ quân rách tan.
Muốn cúng tế anh nhưng nghi anh vẫn còn sống,
Đang khóc ở chân trời xa.
Dịch Thơ:
Bạn Cũ Mất Tích Ở Đất Phiên
Năm trước đánh Nhục Chi
Toàn quân bại cực kỳ.
Hán, Phiên mất tin tức,
Sinh, tử: cũng chia ly.
Không ai dẹp trướng gẫy,
Ngựa tha cờ rách về.
Cúng anh nghi vẫn sống,
Đang khóc góc trời kia…
Hãy phân tách từng câu của bài thơ phản chiến của Trương Tịch:
2 câu đầu;
Trận đánh ở Nhục Chi năm trước toàn quân Hán tan rã.
Câu 3:
Vẫn bặt tin anh cả từ phía Hán lẫn phía Phiên,
Câu 4:
Sống hay chết thì cũng là chia ly vĩnh viễn.
Câu 5 & 6:
Bãi chiến trường sau trận đánh: trướng gẫy ngổn ngang không ai thu dọn, chỉ thấy mấy con ngựa mệt mỏi tha cờ rách về.
Câu 7 & 8;
Hai câu này thê thảm chưa từng thấy: Biết bạn đã chết nhưng không dám cúng vong hồn bạn, sợ nhỡ bạn còn sống, đang bơ vơ khóc ở chốn hoang dã nào đó thì còn xui xẻo hơn cho bạn.
Con Cò dẫu muốn hoang đường hóa sự thật cũng không được bởi vì cái sự thật này đã thê thảm cực độ rồi; không thể hoang đường thêm được nữa.
Mộc mạc vô cùng! Thống thiết cực độ! Bi ai ngất trời!
Con Cò
***
Bạn Cũ Mất Tích Ở Đất Phiên
1/
Đánh Nhục Chi năm rồi,
Trên thành thấy lính vơi.
Hán Phiên tin tức bặt,
Sinh tử biệt ly thôi.
Trướng bỏ không người nhặt,
Cờ tàn theo ngựa hồi.
Ngờ anh sống không cúng,
Lúc ấy khóc bên trời.
2/
Nhục Chi năm trước giao tranh,
Toàn quân tan rã, trên thành buồn trông.
Hán Phiên tin tức đều không,
Chết hay còn sống chẳng hòng gặp nhau.
Không ai dọn trướng nát nhàu
Ngựa về mệt mỏi đeo sau lá cờ.
Nghi anh còn sống không thờ,
Góc trời lúc ấy ngẩn ngơ khóc người.
Mỹ Ngọc
Mar. 2/2022.
***
Từ xưa tới giờ, trong đầu BS, chỉ có nước Nhục Chi, viết như chữ trong bộ Nhục là thịt. Một chữ Nhục khác viết na ná giống chữ Nguyệt, nhưng 2 nét bên trong viết xéo xuống, không viết ngang. Nước Nhục Chi này lúc đầu ở phía Tây Trung Hoa, khoảng tỉnh Cam Túc, Tân Cương, nhưng đánh nhau với các nước láng giềng, kể cả Hung Nô (gọi theo kiểu Tầu), bị thua chạy dần về phía Tây Nam, tới Trung Á, gần Ấn Độ.
-Một là tiêu tan, mất tích.
-Sư là nhiều, đông đúc, như kinh sư. Thầy, người chuyên môn, như sư phụ, luật sư, kỹ sư... Trong quân đội ngày xưa, một sư là 2500 người, một lữ là 500 người. Trong quân đội của mình thời VNCH, một sư đoàn hay lữ đoàn có nhiều quân nhân hơn.
-Đoạn là đứt, cắt đứt.
-Tiêu là tiêu tan.
-Tức là tức thì, tin tức. Tiêu tức đi liền nhau chỉ có nghĩa là tín tức. Vậy đoạn tiêu tức là mất tin, biệt tích.
-Thu là thu dọn, lấy về. Rút lui, như thu quân. Chiếm lấy, như tịch thu, tiếp thu.
-Thức là biết.
-Tàn là còn sót lại như tàn cốt, tàn kỳ. Là thiếu như tàn tật, tàn phế…
Bạn Cũ Mất Tích Ở Đất Phiên.
Năm rồi đi đánh Nhục Chi,
Trên thành cả toán quân suy tan tành,
Hán, Phiên đều mất tin anh,
Tử sinh mình cũng mãi đành xa nhau,
Không người thu trướng nát nhầu,
Ngựa về mới biết mấy xâu cờ tàn,
Muốn cúng anh, dạ bàng hoàng,
Nghi anh còn khóc, lang thang bên trời.
Bát Sách.
(02/03/2022)
***
Bặt Âm Hao (Người lính mất tích ở chiến trường năm ngoái)
Buổi hành quân không lời từ giã
Cả binh đoàn gục ngã tan hoang
Sa trường lều trướng ngổn ngang
Kìa mình ngựa phủ cờ tàn chơ vơ
Lính biệt tích còn ngờ sống sót
Cúng giỗ sao cho trót liệu bề
Người xa mắt lệ ngóng về?
Yên Nhiên
***
Vì lý do nào đó không rõ, từ thập niên 1950, người Hoa Lục phát âm月支 thành nhục chi rồi người Việt phát âm theo như thế. Các nhà nghiên cứu bảo rằng sự phát âm sai lầm này xảy ra một phần vì người thời nay không biết ngữ nguyên ở đâu ra và nhìn lầm chữ 月 thành⺼, cho dù bộ⺼không bao giờ đứng một mình và nhục viết đúng phải là 肉. Có người cãi rằng có tên 肉 vì dân du mục ăn thịt!
Hai tên cổ của Nguyệt Chi là禺氏=Ngu Thị, và 牛氏=Ngưu Thị (trong cổ thư 管子=Quản Tử); ngu lẫn nguyệt là cách chuyển ngữ cho tên (ngoại quốc) của sắc dân Yuezhi trong ngôn ngữ Tochari; về sau 支 biến thành từ đồng âm 氏. Dân du mục Nguyệt Chi phát xuất từ vùng Can Túc bây giờ nhưng bị người Hung Nô đuổi và một nhóm trở thành Đại Nguyệt Chi trong lòng chảo Tarim mà người đời nay biết đến qua xác ướp 小河公主=Tiểu Hà công chúa.
Huỳnh Kim Giám
***
Nguyên tác: Phiên âm:
沒蕃故人-張籍 Một Phiên Cố Nhân – Trương Tịch
前年伐月支 Tiền niên phạt Nguyệt Chi
城上沒全師* Thành thượng một toàn sư
蕃漢斷消息 Phiên Hán đoạn tiêu tức
死生長別離 Tử sinh trường biệt ly
無人收廢帳 Vô nhân thu phế trướng
歸馬識殘旗 Quy mã thức tàn kỳ
欲祭疑君在 Dục tế nghi quân tại
天涯哭此時 Thiên nhai khốc thử thì
Dị bản: * hạ下 thay vì thượng上. Chữ hạ下 hợp lý hơn vì là đoàn binh viễn chinh, nên phải ở ngoài/dưới thành. Dị bản có trong sách Tống và Thanh. Nguyên bản của Trương Tịch cũng như các văn bản đời Nguyên Minh không có dị bản.
· Trương Tư Nghiệp Tập - Đường - Trương Tịch張司業集-唐-張籍
· Doanh Khuê Luật Tủy - Nguyên - Phương Hồi 瀛奎律髓-元-方回
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉 歷代詩選-明-曹學佺
· Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
· Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全 唐詩-清-聖祖玄燁
Ghi chú:
Phiên: còn viết là Phồn, tên gọi người ngoại tộc Hán, ở đây chỉ người Tạng ở vùng Thanh Hải và Tây Tạng ngày nay.
Nguyệt Chi: tên một phủ dưới sự cai trị của nhà Đường, bị bỏ hoang từ giữa thế kỷ thứ 8, địa điểm ngày nay gần thành phố Konduz, đông bắc A Phú Hãn. Còn có tên là Nguyệt Thị月氏. Một vài nơi viết là Nhục Chi ⺼氏 ròu zhī. Nhưng các sách cổ đều có khắc bản 月支= Nguyệt Chi.
Một toàn sư: toàn bộ đoàn quân bị tiêu diệt.
Phế trướng: những doanh trại bỏ hoang sau chiến tranh.
Tàn kỳ: những lá cờ quân binh còn lại.
Dịch nghĩa:
Một Phiên Cố Nhân Mất Bạn Trên Đất Phiên
Tiền niên phạt Nguyệt Chi Năm trước anh xuất chinh đánh Nguyệt Chi,
Thành thượng một toàn sư Dưới thành cả đoàn quân bị tiêu diệt.
Phiên Hán đoạn tiêu tức Tin tức giữa Phiên và Hán bị đứt tiệt,
Tử sinh trường biệt ly Sống chết gì cũng cách xa nhau lâu dài.
Vô nhân thu phế trướng Không có người nhận thu thập doanh trại bỏ hoang trên chiến trường,
Quy mã thức tàn kỳ Chiến mã trở về còn mang quân kỳ rách nát.
Dục tế nghi quân tại Muốn cúng tế, lại hoài nghi anh còn sống,
Thiên nhai khốc thử thì Chỉ còn biết hướng về chân trời mà khóc.
Dịch Thơ:
Nhớ Bạn Mất Tích Ngoài Trận Tuyến
Năm ngoái xuất chinh phạt Nguyệt Chi,
Hán quân bị diệt dưới thành trì.
Thông tin Phiên Hán hầu không có,
Sống chết đường nào cũng biệt ly.
Doanh trại chiến trường còn bỏ đó,
Ngựa chiến trở về không đội kỳ.
Muốn cúng nhưng mong anh còn sống,
Ngó hướng chân trời khóc ai bi.
For a Friend Who Perished in a Long March to the West by Zhang Ji
Translation by Betty Tseng
Two years ago an army was sent to war with Yuezhi,
At the base of their town the whole division was annihilated.
There has been no contact between them and us ever since,
Forever separated are those dead and alive.
There probably remains no one to follow up and decamp,
Those horses that manage to return may still our military banners recognise.
I'd like to hold a memorial service for you, yet I am doubtful if you had really perished,
Here in a world so vast and broad, for you I cry.
Thinking Of A Friend Lost In The Tibetan War by Zhang Ji
Translation by Witter Bynner
Last year you went with your troops to Tibet;
And when your men had vanished beyond the citywall,
News was cut off between the two worlds
As between the living and the dead.
No one has come upon a faithful horse guarding
A crumpled tent or torn flag, or any trace of you.
If only I knew, I might serve you in the temple,
Instead of these tears toward the far sky.
On An Old Friend Lost In Tibet by Zhang Ji
Translation by Innes Herdan
Last year, while beating off the Rouzhi
Your whole army was lost
below a city wall:
News snapped between Tibet and China:
The dead parted for ever from the living.
No one retrieved your useless tent:
Your horse strayed back—
he knew your tattered flag.
Were I sure you were gone.
I would sacrifice to your spirit
Instead of howling my grief to the far skies.
Phóng tác:
Xâm Lược
Mộng chiếm U Krai Na,
Quân đoàn viễn chinh Nga,
Gặp anh hùng giữ nước,
Sống chết vì quê nhà.
Thắng lợi đâu chưa thấy,
Nhận bài học xót xa.
Tội cho đám lính trẻ.
Đang sống hóa ra ma.
3/3/2022
Phí Minh Tâm
***
" L’Empire des lumières"de René Magritte
Mất Bạn Xứ Phiên
1/
Năm xưa đánh Nhục Chi
Thành ngập xác thân kề
Phiên Hán tin dần bặt
Dẫu còn cũng biệt ly
Trại hoang không lính dọn
Ngựa mỏi, rách quân kỳ
Muốn cúng, còn nghi ngại…
Cuối trời lệ ướt mi!
2/
Bạn năm xưa Nhục Chi chinh phạt
Trên thành nhìn, tan nát đại quân
Hán Phiên dứt tuyệt tin vân
Dẫu cho chết, sống một lần chia phôi
Trại tan hoang không người dọn sạch
Ngựa quen đường, cờ rách… hiểu ngay
Cúng anh lần lữa, mong ngày…
Chân trời xa thẳm tôi đây khóc thầm!
Viết thêm:
Bài ngắn chỉ có 40 chữ gói gọn trong 8 câu, không có điển tích, vài chữ khó nhưng ý thật cô đọng và áp dụng đúng thể thơ đường luật; bài này muốn dịch đúng thể thơ, thật đầy đủ ý, nghĩa thì quả là thiên nan vạn nan; LB đành dịch, tuy theo đúng thể thơ, nhưng đã châm chế ít nhiều về ý, về chữ cho sáng sủa.
Cảm tác:
Từ Kúc Cờ Ukraine
Chiều sắc trời dâng lên xanh lục
Ươm lúa vàng mật khúc quê hương
Tên đường xóa tạm yêu thương
Hòa bình mẹ gọi khói vương bếp nồng!
Lộc Bắc
***
Cùng chung nỗi đau, xót thương đến Đất nước và Người dân Ukraine, Kim Oanh xin có đôi lời chia sẻ, đồng hành, cầu nguyện cho Ukraine được sớm hòa bình, tự do cùng thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn ác này.
Tâm Tư Người Lính Trận
Chiến trường dù phải hy sinh
Cỗ quan an giấc hồn linh trở về
Huân chương ngực áo thỏa thuê
Mẹ ơi, bổn phận vẹn thề non sông
Ba lo lắng trẻ lông bông
Giờ đây con đã thành công rạng ngời
Em trai cố học nên người
Xe anh giữ lấy, suốt đời của em
Chị ơi chớ có sầu thêm
Hoàng hôn em chị ngủ yên giấc dài
Xin ngăn dòng lệ hỡi Ai
Chiến tranh sinh tử thân trai xá gì!
Kim Oanh
Úc Châu 3/3/2022
***
Chiến tranh lúc nào cũng tàn nhẫn. Những người lính ra trận mạc mạng sống nhẹ tựa lông hồng, sống chết lúc nào không biết. Tại sao con người cứ gây ra chiến tranh để đánh giết lẫn nhau?
Than ôi, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, quả đất này lúc nào cũng có chiến tranh. Lịch sử Đông Tây đều kể lại những cuộc chiến đẫm máu, hàng loạt người chết vì dành đất, vì xâm lăng, vì tham vọng muốn thôn tính một đất nước nào đó.
Ngày xưa không có luật lệ, nhóm nào mạnh thì đi đánh chiếm phần đất của nhóm kia rồi thu tóm vào lãnh thổ của nước mình. Ngày nay các quốc gia được chia ranh giới hẳn hòi, và cùng nhau các quốc gia thành lập một cơ quan là nơi gởi các đại biểu đến đó họp chung để cùng bàn luận, cùng giải quyết một vấn đề và rồi lấy ý kiến mọi thành viên bằng cách bỏ phiếu. Đó là cơ quan Liên Hiệp Quốc. Cứ tưởng nhờ vậy, thế giới sẽ giải quyết mọi vấn đề bằng cách bàn bạc chứ không bằng vũ khí.
Nhưng con người vẫn là sinh vật hiếu chiến nhất, bất cần Liên Hiệp Quốc, các nước vẫn đánh nhau, nước nào có nhiều vũ khí thì đánh nước yếu hơn. Như hiện nay tình hình đang nóng bỏng ở Ukraina vì bị nước Nga hùng mạnh đem quân sang nhằm thu tóm lãnh thổ Ukraina bé nhỏ.
Trong bài Một phiên cố nhân của Trương Tịch, tả cảnh một đoàn quân bị tiêu diệt và một người đi tìm xác chết của bạn mình mà không thấy.
Lính chết vương vãi nơi nơi
Đi tìm trên những xác người; biệt tăm
Khấn xin bạn sống lâm râm
Phương trời đâu đó khóc thầm nhớ quê!
Thanh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét