Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Dì Dần


Mãi đến năm 14 tuổi, tôi mới biết rằng mình có một dì Út khá giả, khá đẹp và khá… nghiêm khắc. Chị em tôi thường gọi là dì Út chứ tên thật của dì là Dần. Má tôi có ba chị em và mồ côi từ nhỏ. Tên của ba chị em được đặt theo tuổi của mỗi người. Má tôi tên Hợi, dì kế tên Tý và dì Út tên Dần.

Nhưng dì không thích ai gọi dì bằng cái tên này cả. Đám trẻ con chúng tôi lỡ gọi tên tộc của dì sẽ bị la rầy và cho là “hỗn”. Còn người lớn thì đã có một cái tên gọi dành cho dì đi kèm với tên cửa tiệm may của dì nghe thanh lịch hơn nhiều: cô Út Đông Thạnh. Má tôi nói ngày xưa, con nhà nghèo ít có ai được mang tên đẹp, phần cho dễ nhớ phần để dễ nuôi không bị “ông bà” quở phạt nên cứ lấy tên của 12 con giáp hoặc lấy tên nào xấu xấu đặt cho con là… chắc ăn nhất. Đứa nhỏ sẽ ăn no, chóng lớn và khỏe mạnh cùi cụi.

Những năm tuổi thơ trước đó của tôi, ít thấy dì xuất hiện, dù dì ở cùng tỉnh, không biết vì lúc đó tôi còn quá nhỏ nên quên hay vì công việc làm ăn, dì ít tới lui nên tôi không để ý.

Má tôi mỗi khi nhắc đến Dì Út vẫn thường hay nói: “Đàn bà tuổi Dần “cao số” lắm, tính tình lại khó khăn, dữ dằn nữa, nên cũng khó lấy chồng vì mạng Cọp mà, dì Út tụi bây cũng vậy”. Nhà tôi có đứa em trai cũng tuổi Dần nhưng má tôi lại không lo vì cho rằng con trai tuổi Dần (con Cọp) cũng như tuổi Thìn (con Rồng) là tốt lắm. Chắc nhờ vậy mà gia đình tôi có đủ cả hai ông Cọp và Rồng chăng?

Làm đàn bà cũng khổ, không phải chỉ riêng má tôi nói vậy mà thiên hạ ai cũng cho rằng: “Đàn bà tuổi Dần, mạng lớn, khắc chồng, hai ba đời chồng chứ chẳng chơi.” hoặc “ưng mấy người tuổi Dần dễ chết yểu lắm”. Cho nên đàn bà con gái ai lỡ tuổi Dần cứ phải dấu tuổi thật của mình nếu không muốn bị… ế ẩm.

Trong khi đó, đàn ông tuổi Dần lại được quí, quí lắm, sau này chắc sẽ phải làm quan to, đứng đầu thiên hạ, bởi con cọp là chúa tể sơn lâm mà... Ngày xưa, khi vũ trụ còn huyền bí, con người chưa chinh phục được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ mình như ngày nay, người ta không dám kêu Cọp bằng con mà phải kêu bằng ông, thậm chí, còn lập đền, lập miếu thờ cọp nữa kìa.

Dì Út là một phụ nữ có nhan sắc, sống một mình lại siêng năng làm việc nên ở tuổi ba mươi dì đã có nhà, có tiệm và nhiều bạn bè quen biết. Không rõ có phải cái tuổi Dần nó vận vào người đã tạo cho dì một tính khí cứng rắn, đôi khi quá “ương ngạnh” (nói theo lời của mẹ tôi) hay không, nhưng thật tình mà nói, dì rất hiếm khi chịu thua hoặc nhượng bộ ai trong những cuộc tranh cãi hay quyết định điều gì, trong công việc làm ăn hoặc ngay cả trong vấn đề tình cảm.

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp và biết rằng mình có một bà dì khá đặc biệt trong một hoàn cảnh thật hi hữu. Đi cùng má vào thăm dì trong… bót cảnh sát. Người ta bảo dì bị bắt giữ vì đã nổi ghen, xông tới gây gổ và xô xát với người bạn trai lâu năm của dì khi biết mình bị lừa dối và bắt gặp người này đang đi với một phụ nữ khác. Kết quả là người đàn ông phải vào nhà thương vì bị đứt một bên tai và dì vào bót cảnh sát với một vết thương trên trán.

Sau chuyện đó, tim dì “đóng băng” với “bọn đàn ông” mà dì cho rằng toàn là thứ giả dối, lừa đảo, bạc tình… Hơn hai tuần cùng má đi thăm nuôi, tôi đã quen với gương mặt lạnh, ít cười, đôi môi thường mím chặt, chỉ có đôi mắt đen to và hàng mi rậm dài là sinh động của dì. Chắc dì cũng cảm động khi thấy mẹ con tôi ngày nào cũng xách cơm vào thăm nên sau khi được trở về nhà, dì bắt đầu lui tới nhà tôi thường hơn, thỉnh thoảng mua quà bánh cho chị em tôi nữa, khiến chúng tôi thêm quí mến dì.


Dì khá đẹp và là chủ một cửa tiêm may lớn ở Biên Hòa nên cũng rất theo thời trang. Mỗi khi đến tiệm dì, tôi thích ngắm tấm hình bán thân thật to của dì treo trên tường, dì đứng nghiêng người, mặc áo dài màu xanh rêu, có kết những chiếc lá nho nhỏ bằng vải kim tuyến màu nhủ vàng, tay tựa hờ sau gáy, mắt ngước nhìn về phía xa xăm trông không khác gì hình các tài tử đóng phim. Tấm hình này khiến lòng ngưỡng mộ của tôi với dì càng gia tăng hơn. Tết năm đó, dì dắt tôi lên Sài Gòn mua vải đặt cắt may một bộ “đồ tây” theo mẫu trong catelog đàng hoàng khiến con bé mới 14 tuổi lần đầu được diên như Tây cứ đứng ngẩn ngơ trước bộ áo đẹp đẽ, sang trọng mà tưởng như người trong mộng. Má tôi trách:” Nó còn lớn nữa, mày may làm chi ba cái đồ mắc tiền.” Dì gạt ngang: “Chị để tui lo, mốt bây giờ là phải mặc như vậy đó”. Rồi dì mua thêm một bộ áo tắm nói là để cho tôi đi Vũng Tàu chơi với dì và những cô thợ may trong tiệm. Tôi vui mừng và nghĩ rằng mình thật may mắn. Cho đến hôm đi Vũng Tàu thì tôi mới thấy “thần tượng” dì Út của mình bị tan vỡ. Hôm đó, tôi bị cảm ho, người cứ uể oải nên nói với dì là không đi được. Không ngờ, Dì nổi giận đùng đùng mắng cho tôi một trận và đòi tôi phải trả lại bộ áo tắm “Không đi thì để tao cho người khác”. Tôi vừa ngạc nhiên vừa … đau khổ, năn nỉ dì để dành lần sau con đi, nhưng dì nhất định không đổi ý. Tôi đành trả áo lại cho dì mà lòng… ấm ức không thể tả. Dì giận tôi cả tháng và nói sẽ không cho tôi đi đâu với dì nữa. Tính dì là như thế đó, khi vui thì làm gì, nói gì cũng được nhưng ai làm nghịch ý dì thì dì nhớ và nhắc đi nhắc lại… cả đời.

Nhiều lúc, dì lấn lướt cả má tôi nữa nhưng thấy má dù là vai chị lớn nhưng vẫn luôn chịu “lép vế” trước cô em tuổi Dần của mình. Dì không lập gia đình, sống cả đời thanh xuân của dì với cửa tiệm may. Suốt ngày ở tiệm, về tới nhà dì lại tiếp tục quần quật một mình dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, không thuê mướn một người nào phụ giúp vì không tin ai và cũng không thấy ai làm vừa ý dì. Đôi khi má tôi gợi ý dì Út nên nhận một đứa con nuôi hoặc một đứa cháu, con của dì Tý (dì cũng đông con như má tôi nhưng nghèo và chật vật hơn) về ở chung để có người hủ hỉ, chăm sóc khi đau yếu nhưng dì Út cũng gạt đi và nói: “Tui sống một mình quen rồi”.

Dì rất cẩn thận và tin tưởng rằng tự mình có thể đương đầu với mọi tình huống cho đến sau năm 79, dì bị cướp giả dạng là nhân viên công ty điện lực xin vào nhà để ghi số đồng hồ điện, dùng cây kéo cắt vải may áo của dì để trên bàn đâm vào cổ dì một nhát và bỏ đi sau khi không tìm được tiền bạc gì trong nhà. Lần đó dì thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nhờ mũi kéo chỉ lệch một chút về phía bên trái yết hầu nên đã cứu được. Chú Bảy Điều, y tá của phường kể lại lúc đó chú đi ngang trước nhà thấy dì nằm dưới đất ngay bậc thềm cửa, một tay giữ cây kéo còn cắm trong cổ, một tay đưa ra ngoài song cửa sắt ngoắc ngoắc. Chú nói: “Bà này bữa nay giỡn kiểu gì kỳ vậy ta.” Lúc bước tới sát cửa thấy cảnh tượng… hãi hùng đó, chú vội chạy kêu xích lô chở dì vào nhà thương rồi chạy tới nhà báo cho má tôi biết. Lần nữa tôi lại được đi cùng với má tôi đến thăm dì trong một hoàn cảnh trớ trêu hơn. Cổ dì quấn băng kín mít và đôi mắt thì đỏ ngầu vì máu bầm dồn lên hết phần tròng trắng, má tôi phải luộc mấy cái trứng đem vào bảo tôi lăn trên mí mắt dì để cho tan máu bầm. Mà hay thật chỉ hai ngày sau là mắt dì trở lại bình thường. Khi bắt đầu nói chuyện được, Dì nói với má tôi “Sức mấy nó lấy được tiền của tui”, vì dì dấu kỹ lắm, gói trong một cái bọc cột ba bốn lớp ni lông, nhét trên cây xà ngang đặt tuốt trên nóc nhà, nên không ai có thể tìm ra được. Nằm nhà thương được hai ngày, vì sợ không qua khỏi nên dì mới chỉ chỗ và căn dặn má tôi lỡ dì có chết đi thì lấy tiền ở đó ra mà lo liệu cho dì.

Má con tôi hàng ngày vào nhà thương thăm nuôi cho đến khi dì được trở về nhà thì tôi được cử vào nhà dì ngủ mỗi tối để săn sóc và trông chừng dì, sau khi đi làm về. Mấy tuần đầu tôi rất sợ vì cái không khí im vắng, lạnh lẽo ở nhà dì khác hẳn với bầu không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc ở gia đình tôi, tôi chỉ biết tự an ủi là mình chỉ ở vào buổi tối thôi mà. Tôi “đến rồi đi” với dì như vậy cũng hơn nữa năm trời cho tới lúc dì chịu cầm chiếc nhẫn xoàn của má tôi để đổi mấy cây vàng cho hai chị em tôi vượt biên.

Bao nhiêu năm trôi qua, giờ dì đã 84 tuổi, vẫn minh mẩn, vẫn sống một mình và mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để hưu trí, nghe nói càng lớn tuổi dì càng khó tính và kỹ lưỡng hơn. Mãi cho đến năm ngoái, vì già yếu và bị té ngã mấy lần phải vào nhà thương nên dì mới chịu về ở chung với gia đình đứa cháu, con của dì Tý, để có người chăm sóc.

Bây giờ, sống cách xa dì hơn nửa vòng trái đất nhưng mỗi khi nghe nói đến tuổi Dần và những hệ lụy của tuổi này là tôi nhớ ngay đến dì và những kinh nghiệm với dì lúc còn ở quê nhà. Không biết tuổi Dần nào cũng có cùng số phận như dì Út, dì Dần của tôi không: cao số, khó khăn và suốt đời đơn độc?

Tưởng Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét