Thật vậy, sau khi bắt tay vào việc là ông hòa mình cùng với đám người đau khổ này, ông thương xót họ vô biên và luôn hết lòng phục vụ họ trong mọi tình huống. Sự tận tụy của ông đã khiến cho chẳng những nhân viên của ông và thân nhân của những bệnh nhân kính phục, mà ngay cả những bệnh nhân tâm thần nhẹ cũng từ từ khuyên giảm và trở về đời sống bình thường. Có điều đáng nói là những người này sau khi lành bệnh, họ không chịu về nhà, mà xin tình nguyện ở lại đây cùng Bác Sĩ Hoài phục vụ những bệnh nhân khác. Trong khoảng thời gian này, số bệnh nhân phục hồi hoàn toàn ngày càng đông, khiến cho những giám đốc người Pháp trước đây cũng phải kính phục. Tưởng cũng nên nhắc lại Dưỡng Trí Viện Biên Hòa thời đó, mà có lẽ cho mãi đến ngày nay, là bệnh viện tâm thần lớn nhất ở Việt Nam, chuyên trị bệnh nhân bệnh tâm thần. Ngày nay chúng ta thấy khuôn viên bệnh viện được mở rộng, cây cối thoáng mát, bông hoa tươi thắm, cũng là nhờ tấm lòng của Bác sĩ Hoài, người đã vận động không riêng gì Bộ Y Tế Đông Dương mà còn vận động cả Bộ Y Tế Pháp tài trợ cho chương trình mở rộng khuôn viên cho bệnh nhân có chỗ giải trí và đi tản bộ. Ngoài ra, ngoài ngân sách tài trợ của chính phủ, Bác sĩ Hoài còn tạo thêm nguồn lợi chung cho bệnh viện bằng cách thiết lập trại chăn nuôi, trồng tỉa, và tiểu thủ công nghệ và giao phó cho những người mà bệnh đã thuyên giảm dưới sự giám sát của y tá và những nhân viên khác của bệnh viện. Lấy những huê lợi này để làm tăng khẩu phần cho tất cả bệnh nhân.
(Những dãy giường cho bịnh nhân 1934)
(Dưỡng trí viện Biên Hòa 1955)
Năm 1944, Bác sĩ Hoài hợp sức cùng một bác sĩ người Pháp tên Dorolle đã sáng chế ra máy Điện Kinh. Dưỡng Trí Viện Biên Hòa là trung tâm thứ tư trên thế giới thời đó biết sử dụng máy Điện Kinh để chửa bệnh tâm thần, ba nơi khác là Nhật, Ý và Pháp. Đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp và nắm chính quyền cho đến tháng 9 năm 1945. Trong khoảng thời gian này, người Nhật không tài trợ bất cứ kinh phí nào cho những cơ sở đã có từ trước của chính quyền thuộc địa Pháp, nên Dưỡng Trí Viện Biên Hòa không có kinh phí chăm sóc bệnh nhân, nhưng bác sĩ Hoài vẫn cố xoay sở để các bệnh nhân vẫn được tiếp tục ở lại đó điều trị. Trong những lúc khó khăn nhất của bệnh viện Tâm Thần Biên Hòa bác sĩ Hoài đều ra sức gánh vác. Ông đã đảm nhận tất cả mọi vai trò trong bệnh viện từ năm 1930, nhưng mãi đến năm 1947, mới có giấy chính thức bổ nhiệm ông vào chức Giám Đốc.
Dưới thời chính phủ Trần Văn Hữu, vì lý do tài chánh, Thủ Tướng Hữu định cắt bớt khẩu phần của bệnh nhân. Ông đã mạnh dạn chống lại bằng những lời lẽ đầy lòng bác ái: “Họ là những người xấu số nhất, tâm đã rối, trí đã loạn rồi, nay lại làm cho bao tử họ thiếu ăn, để cho cơ thể họ suy mòn, ảnh hưởng không hay đến tâm trí họ thì có khác gì giết phứt họ đâu. Xin cấp trên tìm cách tiết kiệm ở những nơi khác.” Tấm lòng của bác sĩ Hoài luôn lan tỏa và bao trùm khắp nơi nơi. Bên cạnh chuyện lo cho bệnh nhân, ông còn luôn chăm sóc cho nhân viên và những người làm việc tự nguyện trong bệnh viện. Ngoài ra, lúc nào rảnh rỗi là ông nghiên cứu tất cả triết thuyết của các tôn giáo, nhất là Phật giáo, cũng như quan tâm đến vấn đề siêu hình. Càng biết nhiều về giáo lý Phật giáo, ông càng phục vụ tận tụy hơn.
Đối với ông, đời người phải sống như chữ “I”, nên ông đã sáng tác một bài thơ có tựa đề là “Phong hóa chữ I” như sau:
“Chữ I ngay thẳng Chẳng vì ai:
Chẳng tùy ai;
Chẳng khuất ai;
Mãi mãi ta theo ánh sáng...”
Ngoài phạm vi y học, bác sĩ Hoài còn nghiên cứu các vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa, tâm lý, cũng như triết lý siêu hình của các tôn giáo, nhằm trực tiếp giúp ích cho sự tồn tại và phát triển của Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Năm 1951, ông xuất bản quyển Le Problème de la Paix (Vấn đề Hòa Bình); năm 1952 ông xuất bản 2 quyển: Điên & Dưỡng Trí Viện, và quyển Programme d'hygiène mentale (Chương Trình Vệ Sinh Tâm Thần); năm 1953-1954, ông xuất bản quyển De l'organisation de l'Hôpital Psychiatrique du Sud Vietnam (Về Tổ Chức Bệnh Viện Tâm Trí của Miền Nam Việt Nam). Theo bác sĩ Hoài, đối với bệnh nhân tâm thần thì trong giai đoạn đầu của sự điều trị cho bệnh nhân tâm thần, bệnh viện là tàu thuyền đưa bệnh nhân tới bến bờ ổn định tâm thần (Hôpital Bateau); đến giai đoạn kế là tiến dần đến bệnh viện hoa viên (Hôpital Jardin) nhằm đáp ứng với thần trí đang trong giai đoạn phục hồi của bệnh nhân. Bác sĩ đã khẳng định rằng Hoa viên là tấm gương phản ảnh của đạo đức, vì Hoa là sự nhịp nhàng xinh đẹp, là sức sống, trong đó hoa vàng tượng trưng cho sự tinh khôn, hoa đỏ tượng trưng cho từ tâm. Hoa viên cũng là sự bừng nở của thảo mộc, như tấm lòng của con người ta bừng nở tươi vui với đời sống tinh thần, với cảnh giới Niết Bàn, với sinh hoạt của thế giới, và của vũ trụ.
Trong cuộc sống hàng ngày, bác sĩ Hoài sống một đời sống hết sức thanh đạm và giản dị của một bậc hiền triết đã thấm nhuần đạo lý. Ông ăn uống thanh đạm, ăn mặc đơn giản. Ngày ngày, ngoài giờ làm việc, ông còn bỏ giờ ra đọc sách và giải trí, và thường đi bách bộ trong khuôn viên Dưỡng Trí Viện. Có người hỏi bác sĩ Hoài là tại sao ngoài giờ làm việc ông không tìm nơi khác hơn Dưỡng Trí Viện mà tiêu khiển cho tâm trí đở mệt mỏi, bác sĩ Hoài đã khẳng quyết: “Mỗi chúng ta đều là một người điên trong phút giây nào đó.” Thật là chí lý, vì trong xã hội này, nếu nói về khuyết tật, thì mỗi chúng ta đều có khuyết tật cả.
Ông mất vào ngày 28 tháng 5 năm 1955 tại Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Ngày đó chẳng những gia đình ông mất đi một người chồng, người cha, người ông rất đáng kính, mà cả người dân vùng đất phương Nam cũng cảm thấy mất đi một bậc hào kiệt tài danh đầy lòng nhân ái. Chính vì vậy mà ngày làm lễ phát tang, người ta thấy cả rừng người đến phúng viếng, và tất cả nhân viên cũng như bệnh nhân của Dưỡng Trí Viện Biên Hòa đều để tang và quỳ trước linh cửu một vị Thầy, một người cha chung của tất cả các bệnh nhân khi linh cữu của ông được đưa ngang qua bệnh viện. Tất cả nhân viên và bệnh nhân tại Dưỡng Trí Viện Biên Hòa ai nấy đều nói rằng “Phải là người có lòng kiên nhẫn và có một tâm hồn cao cả, không thích xa hoa phù phiếm của cuộc sống ở thị thành, trừ Bác sĩ Hoài, chắc không còn vị Bác sĩ thứ hai nào chịu bền lòng hy sinh đến thế.” Đến tháng 11 năm 1955, chánh phủ VNCH đã cho lấy tên của Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài đặt tên cho Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, và đoạn đường quốc lộ 1, từ cầu trung tâm Cải Huấn Tân Hiệp chạy đến trước Bộ Chỉ Huy Quân Y cũng được mang tên ông. Từ ngày bác sĩ Nguyễn Văn Hoài qua đời đến nay, hàng năm vào ngày 28 tháng 5, toàn thể ban Giám Đốc và nhân viên bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa đều có tổ chức ngày kỵ giỗ cho ông.
Người viết tập sách nầy rất tự hào được làm người đồng hương Vĩnh Long của bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, một trong số những người Việt Nam rất được người Tây phương kính trọng vì tấm lòng từ bi bác ái, một bậc hào kiệt tài danh đầy lòng nhân ái, rất đáng kính, lúc nào cũng hết mực thương yêu đồng loại, nhất là những người có hoàn cảnh không may mắn. Thật là đáng được tự hào và đáng được tưởng nhớ làm sao một tấm gương vị tha bác ái. Tấm lòng bác ái nhân hậu của ông chẳng những được những người có hoàn cảnh không may mắn của vùng Đất Phương Nam ghi nhớ, mà nó sẽ mãi mãi là tấm gương sáng chói cho đàn hậu bối chúng ta noi theo!
( Hình vẽ chân dung Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài, được một bệnh nhân tên Lê Văn Tường vẽ tặng cho gia đình bác sĩ Hoài sau khi được xuất viện vào năm 1960. Đến năm 1995, ông Nguyễn Văn Thuyết, con trai bác sĩ Hoài, đã hiến tặng bức chân dung nầy cho Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa.)
Hình 3-4: Bên trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa 1934*.
Hình 5: Những dãy giường cho bệnh nhân, 1934*.
Hình 6: Dưỡng Trí Viện Biên Hòa 1955*.
Hình 7: Con đường mang tên Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài tại Sài Gòn.
Hình 8: Di ảnh Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài lúc qua đời vào năm 1955*.
Hình 9: Hình vẽ chân dung Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoài.
*Nguồn ảnh từ Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét