Trải VÁCH QUẾ gió vàng hiu hắt...
VÁCH QUẾ hay CUNG QUẾ là một cung điện, còn gọi là QUẾ CUNG. Theo sách Nam Bộ Yên Hoa Ký 南部煙花記 chép: Trần Hậu Chúa 陳後主 xây một cung điện sau điện Quang Chiêu 光昭 cho cung phi Trương Lệ Hoa 張麗華 ở, có một cửa tròn lớn, khảm tấm thuỷ tinh pha lê như hình mặt trăng, sau bôi phấn trắng, giữa sân rộng, trước cửa ấy chỉ trồng một cây quế, tương tự hình cây quế trong mặt trăng, như lời thế tục thường nói: "Nguyệt trung đan quế 月中丹桂". Cung ấy gọi là QUẾ CUNG 桂宮. Quế tức là cây mộc tê 木樨, tục gọi cây hoa mộc, hoa từng chùm như cái vỏ lúa, có hương thơm xa. Ở đây cụ Nguyễn Gia Thiều dùng VÁCH QUẾ để chỉ CUNG QUẾ, nơi của cung nhân có sắc đẹp được vua yêu cho ở đấy. Ngoài 2 câu thơ mở đầu cho Cung Oán Ngâm Khúc là :"Trải VÁCH QUẾ gió vàng hiu hắt , Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng " ra, ta còn gặp từ CUNG QUẾ ở câu 209 khi nàng cung nữ oán than vì đã bị thất sủng :
Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân,
Chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi.
... và đến câu 237 ta lại gặp lại từ VÁCH QUẾ khi nàng Cung nữ thao thức suốt năm canh :
Đêm năm canh lần nương VÁCH QUẾ,
Cái buồn này ai dễ giết nhau.
Giết nhau chẳng cái Lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!
Trong sách Huấn Mông TAM TỰ KINH có câu :"Đậu Yên Sơn, Hữu nghĩa phương; Giáo ngũ tử, Danh câu dương 竇燕山 有義方 教五子 名俱揚" Có nghĩa : Ông họ Đậu ở đất Yên Sơn, có phương pháp nhân nghĩa tốt, nên dạy 5 người con trai đều thi đậu và nổi tiếng. Theo tích sau đây :
Trong đời Ngũ Đại, có danh sĩ Đậu Vũ Quân 竇禹鈞 người đất U Châu (Bắc Kinh) ở cạnh Yên Sơn, nơi đây là đất cũ của nước Yên thời Chiến Quốc, nên mọi người gọi ông là ĐẬU YÊN SƠN, và vì ông đứng hàng thứ 10 trong gia đình nên người đời còn gọi ông là ĐẬU THẬP LANG. Nhà rất giàu có, lại có lòng từ tâm hay làm phước và giúp đỡ người nghèo. Ông bỏ tiền xây một tư thục, rồi mời thầy đồ giỏi đến dạy học cho con mình và cho cả những người nghèo ở địa phương. Gia đình trên dưới đều theo đạo nghĩa và nề nếp của Nho gia, nên 5 người con trai của ông là Đậu Nghi, Đậu Nghiễm, Đậu Khản, Đậu Nhĩ, Đậu Hi 竇儀、竇儼、竇侃、竇爾、竇僖 đều thi đỗ Tiến Sĩ và đều nổi tiếng là những ông quan thanh liêm. Quan Thị Lang Phùng Đạo đã đế thơ tặng ông như sau :
... 燕山窦十郎, Yên Sơn Đậu Thập Lang,
灵椿一株老, Linh xuân nhất chu lão,
丹桂五枝芳。 ĐAN QUẾ ngũ chi phương.
Có nghĩa :
Ông Đậu Thập Lang ở Yên sơn là một cây xuân già linh ứng, nên nảy ra năm cây Đan Quế đều trổ hoa thơm tho. Từ đó, trong văn học cổ..
Các từ QUẾ, ĐAN QUẾ, QUẾ YÊN, QUẾ NON YÊN... đều dùng để chỉ có con hiền, tài giỏi và thành đạt. như trong truyên thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng" có câu :
Rằng anh gặp khách cung tiên,
Đào yêu đã vịnh, QUẾ hiên mấy chồi.
Hay như trong truyện thơ Nôm "Bích Câu Kỳ Ngộ" cũng có câu :
Trận đào vừa mách tin oanh,
Gốc dù sớm đã nảy cành QUẾ YÊN.
Còn trong truyện thơ "Phan Trần" thì chỉ việc sanh được con trai tài giỏi :
Vườn xuân phơi phới mưa sa,
QUẾ NON YÊN đã nảy ra một cành !
Song song với cây QUẾ là cây HÒE. Theo Tống Sử : Trong sách Huấn Mông TAM TỰ KINH có câu :"Đậu Yên Sơn, Hữu nghĩa phương; Giáo ngũ tử, Danh câu dương 竇燕山 有義方 教五子 名俱揚" Có nghĩa : Ông họ Đậu ở đất Yên Sơn, có phương pháp nhân nghĩa tốt, nên dạy 5 người con trai đều thi đậu nổi tiếng. Theo tích sau đây :
Trong đời Ngũ Đại, có danh sĩ Đậu Vũ Quân 竇禹鈞 người đất U Châu (Bắc Kinh) ở cạnh Yên Sơn, nơi đây là đất cũ của nước Yên thời Chiến Quốc, nên mọi người gọi ông là ĐẬU YÊN SƠN, và vì ông đứng hàng thứ 10 trong gia đình nên người đời còn gọi ông là ĐẬU THẬP LANG. Nhà rất giàu có, lại có lòng từ tâm hay làm phước và giúp đỡ người nghèo. Ông bỏ tiền xây một tư thục, rồi mời thầy đồ giỏi đến dạy học cho con mình và cho cả những người nghèo ở địa phương. Gia đình trên dưới đều theo đạo nghĩa và nề nếp của Nho gia, nên 5 người con trai của ông là Đậu Nghi, Đậu Nghiễm, Đậu Khản, Đậu Nhĩ, Đậu Hi 竇儀、竇儼、竇侃、竇爾、竇僖 đều thi đỗ Tiến Sĩ và đều nổi tiếng là những ông quan thanh liêm. Quan Thị Lang Phùng Đạo đã đế thơ tặng ông như sau :
... 燕山窦十郎, Yên Sơn Đậu Thập Lang,
灵椿一株老, Linh xuân nhất chu lão,
丹桂五枝芳。 ĐAN QUẾ ngũ chi phương.
Có nghĩa :
Ông Đậu Thập Lang ở Yên sơn là một cây xuân già linh ứng, nên nảy ra năm cây Đan Quế đều trổ hoa thơm tho. Từ đó, trong văn học cổ...
Các từ QUẾ, ĐAN QUẾ, QUẾ YÊN, QUẾ NON YÊN... đều dùng để chỉ có con hiền, tài giỏi và thành đạt. như trong truyên thơ Nôm khuyết danh Lưu Nữ Tướng có câu :
Rằng anh gặp khách cung tiên,
Đào yêu đã vịnh, QUẾ hiên mấy chồi.
Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ cũng có câu:
Trận đào vừa mách tin oanh,
Gốc dù sớm đã nảy cành QUẾ YÊN.
Còn trong truyện thơ Phan Trần thì chỉ việc sanh được con trai tài giỏi :
Vườn xuân phơi phới mưa sa,
QUẾ NON YÊN đã nảy ra một cành !
Song song với cây QUẾ là cây HÒE 槐. Theo Tống Sử...
Vương Hựu 王祐(923~986)tự là Cảnh Thúc, người đất Tân Huyện tỉnh Sơn Đông, là đại thần đời Bắc Tống. Ông trồng ba cây HÒE trong sân đình và ước nguyên có con làm đến bậc Tam Công. Qủa nhiên, về sau người con thứ của Vương Hựu là Vương Đán làm đến chức Tể Tướng. nên...
QUẾ HÒE trong văn học cổ dùng để chỉ con cái thành đạt và con cái nhà quyền qúy. Như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã kết thúc truyện với gia đình vinh hiễn quyền qúy của Kim Trọng bằng 2 câu :
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một sân QUẾ HÒE!
Không dùng QUẾ HÒE 桂槐 thì dùng QUẾ LAN 桂蘭. Hoa Lan tượng trưng cho sự cao khiết thanh nhã của bậc quân tử, cho dù ở nơi núi sâu vắng vẻ vẫn lan tỏa mùi thơm cao khiết vương giả với câu :"Lan sanh ư u cốc vi vương giả chi hương 蘭生於幽谷為王者之香" như trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã ví:
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
Uổng mùi hương vương giả lắm thay!
Nên QUẾ LAN 桂蘭 cũng chỉ con cháu thành đạt vẻ vang, như trong truyện thơ Nôm "Phan Trần" có câu:
Móc mưa nhuần gội ơn sang,
Nền nhân cây đức bày hàng QUẾ LAN.
Không gọi là QUẾ LAN thì lại gọi là QUẾ TỬ LAN TÔN 桂子蘭孫, là con như hoa Quế, cháu như hoa Lan, như trong truyện thơ Nôm "Phương Hoa Lưu Nữ Tướng" :
Đôi sinh QUẾ TỬ LAN TÔN,
Một mai phục dưỡng gia môn đời đời.
Sau QUẾ TỬ LAN TÔN, ta có QUẾ TRẠO LAN TƯƠNG 桂棹蘭槳, là cột chèo bằng cây Quế, còn mái chèo bằng cây Lan mộc; Ý chỉ chiếc thuyền nhỏ nên thơ trong bài "Tiền Xích Bích Phú 前赤壁賦" của Tô Đông Pha đời Tống, mà trong bài hát nói "Vịnh Tiền Xích Bích" của cụ Nguyễn Công Trứ cũng có trích một đoạn dài :
...Thuyền một lá xông ngang gành bạch lộ,
Buông chèo hoa len lỏi chốn sơn cương.
Ca rằng:
"QUẾ TRẠO hề LAN TƯƠNG ,
Kích không minh hề tố lưu quang.
Diểu diểu hề dư hoài,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương."
Người ỷ ca réo rắt khúc cung thương,
Tiếng tiêu lẫn tiếng ca vang đáy nước...
Trong truyện thơ Nôm "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ trong ý niệm hoài Lê cũng có câu:
Này này QUẾ TRẠO LAN TƯƠNG,
Ví đua Xích Bích chi nhường Đông Pha.
Trong văn học cổ, nói đến chữ Quốc là người ta nghĩ ngay đến QUỐC SẮC, và hễ nhắc đến Quốc Sắc thì lại nhớ ngay đến THIÊN HƯƠNG. Vậy QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香 là gì ? Thì ra đó là thành ngữ dùng để chỉ hoa Mẫu Đơn theo điển tích sau đây :
Theo Đường Thi Kỷ Sự, Quyển Tứ 唐詩紀事.卷四 có ghi lại : Đường Minh Hoàng rất sính thơ. Trong năm Đại Hòa khi đang ngắm hoa Mẫu Đơn nở rực rỡ trong cung mới hỏi kẻ thị thần rằng :"Nay trong kinh thành đang rộ lên ngâm vịnh hoa mẫu đơn, vậy khanh có nghe là thơ của ai xuất sắc nhất chăng ?". Đáp rằng :" Thơ của Trung Thư xá nhân Lý Chính Phong là được khen ngợi nhất, nhất là hai câu :
國色朝酣酒, QUỐC SẮC triêu hàm tửu,
天香夜染衣。 THIÊN HƯƠNG dạ nhiễm y.
Có nghĩa:
Sắc đẹp nhất nước, hoa ửng hồng buổi sáng như đang ngất ngây vì rượu.
Mùi thơm của trời ban, đến đêm vẫn còn vướng vít mãi trong xiêm y.
SẮC NƯỚC ban mai ngây ngất rượu,
HƯƠNG TRỜI đêm đến áo còn vương!
Nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI là thành ngữ dùng để ca ngợi và tôn vinh hoa mẫu đơn, sau dùng rộng ra để ca tụng những giai nhân tuyệt thế, mà người đầu tiên được hưởng cái vinh dự nầy chính là Dương Ngọc Hoàn : Dương Qúy Phi đó vậy ! Trong Truyện Kiều khi diễn tả Kim Kiều gặp gỡ và ngưỡng mộ nhau, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
Người QUỐC SẮC, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e!
... và khi ngắm vẻ xinh đẹp của Thúy Kiều, Mã Giám Sinh đã ngầm đánh giá một cách rất hài lòng là :
Đã nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG,
Một cười này hẵn nghìn vàng chẳng ngoa.
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau!
QUỐC SẮC là người đẹp nhất nước, còn QUỐC SĨ 國士 là Kẻ sĩ, là nhân tài của quốc gia. Như Thúy Kiều chẳng những là người được cụ Nguyễn Du khen là "đẹp nhất nước" (Quốc sắc) mà còn được Từ Hải xem trọng như là một "kẻ sĩ có tài" trong nước :
Từ rằng :"QUỐC SĨ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được không ?"
Nhắc đến QUỐC SĨ 國士 là người tài trong nước, ta lại nhớ đến QUỐC SỈ 國恥 (SỈ dấu hỏi) là Cái Sỉ Nhục cấp quốc gia, và QUỐC THÙ 國讎 là cái Thù chung của cả nước, như hai câu kết trong bài thơ "Thuật Hoài" của danh tướng Đặng Dung đời Trần :
國讎未報頭先白, Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
幾度龍泉戴月磨! Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma!
Có nghĩa:
Quốc thù chưa báo đầu đà bạc,
Mài mãi Long Tuyền dưới nánh trăng !
Còn QUỐC PHÁ 國破 là Nước mất, từ nầy cũng thường hay đi kèm với từ GIA VONG 家亡 để tạo thành thành ngữ QUỐC PHÁ GIA VONG 國破家亡 mà ta thường nói là "Nước Mất Nhà Tan", như 4 câu đầu trong bài thơ "Xuân Vọng" của Thi Thánh Đỗ Phủ đời Đường :
國破山河在, QUỐC PHÁ sơn hà tại,
城春草木深。 Thành xuân thảo mộc thâm.
感時花濺淚, Cảm thời hoa tiễn lệ,
恨別鳥驚心。 Hận biệt điểu kinh tâm !
Có nghĩa:
Nước mất nhưng núi sông vẫn còn đó,
Thành vào xuân hoa cỏ vẫn xanh rì.
Khi cảm khái thì hoa cũng ứa lệ,
Hận cho nỗi biệt ly đến chim cũng kinh hoàng!
Lục bát:
Nước mất nhưng núi sông còn,
Thành xuân cây cỏ xanh rờn khắp nơi.
Khi buồn hoa cũng lệ rơi,
Kinh hoàng ly biệt chim trời bay cao!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét