Guitare phím lõm: Văn Môn
Đàn kìm & bầu: Huỳnh Tuấn
Tiếng hát: Trúc Tiên
Nhìn cảnh người nhớ cảnh ta!
Mấy hôm nay nhìn cảnh con tiễn Cha, vợ xa chồng Ukraine mà nhớ cảnh xưa ở Nhạn Nam Quan, cảnh chia tay của hai Cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi.
Năm 1407, quân Minh xâm lược nước ta. Lúc đó Nguyễn Phi Khanh làm quan dưới Triều nhà Hồ, giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang. Ông bị giặc bắt và giải về Kim Lăng. Con trai ông là Nguyễn Trãi rất hiếu thảo, năm ấy đã 27 tuổi, thấy cha bị bắt thì khóc lóc, định cùng theo để phụng dưỡng cha cho trọn hiếu. Nhưng đến biên giới, tận cửa Nam Quan, thì Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi hãy trở về tìm cách rửa thẹn cho nước, phục thù cho cha, như thế mới chính là đại hiếu.
Nghe lời Cha Nguyễn Trãi trở về, Nguyễn Phi Khanh thân ở nơi xứ người nhưng tâm lại hướng về Giang Sơn chờ tin từ đứa con của mình. Năm 1420 Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn với quyển sách “bình Ngô” nêu rõ kế sách đánh quân Minh, được chủ tướng Lê Lợi tin tưởng.
Năm 1427, Trước sự kiên nhẫn và tấm lòng đại nghĩa của Nguyễn Trãi, 10 vạn quân Minh đã đầu hàng và được cấp đầy đủ ngựa thuyền cùng lương thực về nước.
Từ ngày có Nguyễn Trãi tham gia, nghĩa quân Lam Sơn có sách lược rõ ràng chứ không còn mơ hồ như trước. Từ thế yếu phải chống chọi quân Minh đã giành nhiều chiến thắng và ngày càng lớn mạnh. Rồi nắm thế chủ động, hết tiến về phía nam lại tiến ra bắc, tiến quân đến đâu giành thắng lợi đến đó. Nhờ tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi, quân Minh thua trận dù xấu hổ nhưng phải tâm phục khẩu phục, sau này không còn nghĩa đến chuyện nam tiến nữa.
Một năm sau, năm 1428 thì Nguyễn Phi Khanh mất, thọ 73 tuổi. Ông mất nhưng hẳn rằng cảm thấy hài lòng vì đứa con hiếu thảo của mình đã làm đúng lời dặn dò của mình khi xưa, đó là đánh đuổi quân Minh, giành lại được Giang Sơn Xã Tắc.
Khi Nguyễn Phi Khanh mất, Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc liền tìm cách cho con ông là Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi) đưa hài cốt về nước chôn cất tại núi Đá Bạc, người đời sau gọi núi đó là núi Báo Ân hay núi Báo Đức, hoặc còn gọi là núi Báo Vọng, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dươngngày nay. Ngôi mộ của ông vẫn còn cho đến ngày nay.
Nước Việt mình còn đến ngày nay là nhờ công ơn của các tiền nhân cố gắng gìn giữ khi xưa, cũng như những tấm lòng vàng anh hùng Ukraine hiện tại.
Những gì quí giá của mình ngày nay, nếu không góp sức gìn giữ thì sẽ mất đi trong tương lai.
Trúc Tiên mời các bác các anh chị nghe đoản khúc"Bình Sa Kỳ Ngộ", được ghép bởi hai điệu nhạc cổ Đàn Ca Tài Tử Việt Nam:
Bình sa lạc nhạn và Duyên kỳ ngộ. Trúc Tiên rất thích hai điệu hát này vì cảm thấy nó miêu tả hết nỗi lòng của hai Cha con Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh giờ ly biệt, tiếng nhạc của điệu Bình sa lạc nhạn du dương trầm bổng, ẩn hiện như cánh nhạn lưng trời, bao hàm trong mình cái phóng khoáng của trời đất, phảng phất tiếng nhạn đập cánh trên không trung. Nhưng cũng ẩn chứa một nỗi buồn tiếc nuối… Điệu Duyên kỳ ngộ thì ngược lại hoàn toàn với Bình sa lạc nhạn, âm hưởng vui nhộn, âm điệu trong sáng, tràn đầy hy vọng … như một lời hẹn tái ngộ lúc đất nước thanh bình.
Trúc Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét