Thứ Năm, 17 tháng 3, 2022

Những Tiếng Rao Khuya


Biến cố Tết Mậu Thân 1968, tôi được mười tuổi và đang học lớp Nhì. Khuya ngày mồng Một sau tiếng nổ rền vang đánh thức cả nhà thì đám cháy bắt đầu từ cuối dãy khu trại nhà tôi đang ở. “Tụi bây thức dậy, nhớ gom đồ chạy nhanh đi!”, tiếng má tôi la hoảng. Đã được sắp xếp, tôi và đứa em trai chạy theo anh Hai về phía chợ Vị Thanh; anh Ba và đứa em gái theo má tôi chạy bộc về phía bến xe gần đồn cảnh sát. Tiếng súng nhỏ, lớn vẫn nổ cùng khắp thị xã. Khi tôi và anh Hai đến chợ thì đã thấy xe cảnh sát, lính tiểu khu bao vây và kiểm soát người dân chạy dồn về lánh nạn. Tiếng gọi nhau, tiếng con nít khóc, tiếng xe cứu thương… thật hỗn loạn. Hai anh em theo sự hướng dẫn của cảnh sát vào khu tạm trú trong lồng chợ thì chẳng thấy má tôi cùng anh Ba và đứa em gái đâu cả. Sáng hôm sau, cả nhà tôi may mắn gặp lại trong nhiều tiếng kêu gào khóc lóc của những gia đình nạn nhân khác, không có sự may mắn này. Mười tuổi tôi đã nếm mùi của chiến tranh, đã nhìn thấy xác người và muôn vàn tiếng khóc.

Nhà tôi trong khu gia binh cháy rụi, đồ đạc, quần áo, tập vở học hành… chỉ còn lại là đám tro tàn và cái nền nhà còn hơi nóng của lửa. Năm đó tôi ở lại lớp Nhì vì không có tập vở, quần áo… để đi học trở lại. Cũng may má tôi chôn một ít vàng trang sức, tiền mặt bọc kỹ sâu dưới mặt đất để lấy tiền mướn nhà ở tạm chờ giúp đỡ của tỉnh và viện trợ của quân đội Hoa Kỳ xây lại nhà trong tiểu khu.

Căn nhà mướn nằm dọc bờ và xây mặt ra phía kinh xáng Xà-No. Phía trước có chiếc cổng thấp bằng loại thân tràm với vài bụi bông giấy màu đỏ thẳm. Mặc dù căn nhà mướn nằm trong xóm lao động nghèo, nhưng lại thông thoáng và luôn có những cơn gió mát thổi lên từ bờ kinh xáng. Sau này kể cả khi khu gia binh tiểu khu xây xong, cấp lại căn nhà mới má tôi vẫn mướn căn nhà bên ngoài để phòng khi xảy ra trường hợp cháy nhà Tết Mậu Thân. Mấy anh em chúng tôi thích ở nhà bên ngoài, tự do hơn và nhất là cổng trại đóng lại mỗi tối lúc mười một giờ hằng đêm, “ngoại bất nhập, nội bất xuất” đến năm giờ sáng ngày hôm sau. Nên ban đêm rất im lặng và buồn vô cùng. Vậy là từ khi dọn căn nhà mướn, tôi khám phá ra một điều thật thú vị: những tiếng rao bán hàng rong. Buổi sáng sớm và tuyệt vời nhất là những tiếng rao đêm!

“Bánh mì nóng giòn đây. Ai mua bánh mì nóng giòn hong?”, năm giờ sáng tôi chợt giấc với tiếng rao hàng vang vọng cả xóm. Cùng với tiếng rao là cả một không gian chợt mở, là sự cộng hưởng của tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng những cánh cửa mở ra chào đón ngày mới. Tiếng rao hàng lớn, hối hả như thúc dục cái xóm lao động của tôi phải ngồi dậy, phải chuẩn bị đến trường, phải chuẩn bị cuộc mưu sinh. Và mọi người sẽ quên ngay tiếng rao đó để lao vào bao ngả đường bình thường chông gai trước mặt.

***
“Xin quý vị điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, để không làm phiền người hàng xóm”, tiếng người xướng ngôn viên đài truyền hình nhắc nhở, cũng là lúc đêm mới bắt đầu. Đêm tỉnh nhỏ đã yên tĩnh lại càng lặng lẽ chìm khuất hơn. Thỉnh thoảng đâu đó vọng lại là những tiếng súng đì đùng hay vụt sáng lên vài tiếng bắn hỏa châu lơ lửng trên vòm trời chiến tranh cùng khắp. Hai ông anh tôi không coi ti-vi, ôn bài xong thì cũng rủ nhau đánh cờ tướng. Còn tôi thì thường ngồi trên căn gác xép, nhìn những trái hỏa châu chiếu sáng len lỏi qua khung cửa sổ nhỏ. Chừng như tuổi thơ tôi cũng từng đêm lớn theo với những âm thanh và hình ảnh đó.


“Chè đậu xanh bột báng đây”, tiếng rao không lớn chỉ vừa đủ nghe để mời gọi người chưa kịp đi vào giấc ngủ đầu đêm. Tôi cúi nhìn xuống con hẽm đèn lờ mờ tối, vẫn chưa thấy người bán hàng đâu? “Cháo đậu xanh, đậu đen nóng đây”, tiếng rao gần hơn và phía bên ngoài là bóng người phụ nữ gánh hàng trĩu nặng hiện rõ dần hơn. Gánh hàng nặng nhưng chừng như chị không dám đi mạnh bước mà cố gắng bước gượng để không gây nhiều tiếng động trong đêm. Rồi tiếng rao xa dần, chìm vào cuối ngõ. Tôi nằm nghiêng đầu lắng nghe đêm nhè nhẹ rơi và đâu đó có tiếng mèo đuổi nhau trên mái nhà ai vọng lại. Mười bốn tuổi, ngưỡng cửa của bước chân đầu đời con gái, tôi ít ăn ít ngủ hơn. Ngày thì ăn hàng vặt nhiều hơn ăn bữa và đêm thì trằn trọc nằm nghĩ chuyện bâng quơ. “Bánh bao nóng hổi đây”, thêm một tiếng rao nhỏ dài kéo theo tiếng cộc-cạch của chiếc xe đạp. Không rướn người nhìn qua cửa sổ nhưng tôi đoán là một người đàn ông gầy gò đứng tuổi đang gò lưng đạp chiếc xe đạp chở nặng phía sau thúng đựng bánh bao nóng được giữ kín. Đêm yên lành giấc ngủ của người này là “ngày” lặn lội mưu sinh của người khác. Tôi thắc mắc vô cùng, không hiểu sao tôi là con của má tôi mà không là người khác? Và ngược lại, tại sao đứa con gái bán khoai đầu xóm không phải là con của má tôi? Tôi hỏi, “Tại kiếp trước tao mắc nợ nên kiếp này đầu thai làm má bây”, má tôi vừa nói vừa cười. Nghe vậy thôi, chớ tôi cũng bán tín bán nghi, ai đời mắc nợ mà được làm má bao giờ?

“Cháo đậu xanh nước cốt dừa nóng hổi đây”, tiếng rao trong đêm lần này dù nhỏ đến đâu cũng đánh thức cái bao tử ăn hàng vặt của tôi. Chui ra khỏi mùng, tôi lần mò xuống nhà dưới. “Mày chưa ngủ sao Nga?”, anh Ba tôi gằn giọng. Nga là tên gọi ở nhà của tôi, “Em đói bụng, muốn ăn cháo đậu xanh”.


Bà đặt chiếc gánh sát cửa nhà. Hai đầu gánh được che bởi hai miếng ny - lon phủ ba  góc chừa phía trong là nồi cháo đậu xanh đang bốc khói. “Anh Hai, anh Ba ăn em mua luôn nghen”. Dĩ nhiên là hai ông gật đầu, vì đây là tiền để dành của tôi mà. Chưa bao giờ tôi ăn tô cháo đậu xanh chan nước cốt dừa với tép rang và dưa cải mặn ngon đến như vậy. Trong ánh đèn vàng lờ mờ và dưới vành chiếc nón lá tôi thấy đó là người đàn bà có khuôn mặt chịu đựng, dãi dầu. “Ăn ngon hong em”, bà khẻ hỏi tôi với nụ cười khó khăn. “Cháo nóng, béo ngon lắm. Dì bán được nhiều chưa?”, tôi làm quen. “Cũng kha khá rồi em. Sợ trời lại mưa nữa thì chết”, bà vừa nói vừa ngước lên bầu trời đêm bắt đầu có gió. Gánh cháo đậu xanh rời nhà tôi, bóng người đàn bà cũng khuất dần cuối ngõ. Tiếng rao vọng lại xa xa như gánh nặng trên vai một kiếp đời, một số phận hẩm hiu. Trên căn gác xép, no bụng tôi chợt thấy buồn ngủ và hai ông anh đã tắt đèn phía dưới. Gió thổi thốc lên như đang chuyển cơn mưa.

“Bánh bò bánh tiêu nóng hổi đây”, tiếng rao khuya như xói vào lòng người. Đêm càng khuya tiếng rao càng nhỏ dần và vang xa từ đầu xóm đến cuối xóm nhà tôi. Tiếng rao trong đêm làm khu xóm lặng yên càng hun hút bóng đèn khuya và đêm chìm khuất sâu hơn. Giấc ngủ chợt đến cho người trong giường ấm là cuộc sống mưu sinh ngoài kia cho bao con người lam lũ phận đời… Hình như mỗi tiếng rao là một nỗi buồn man mác, là nỗi niềm của phận đời phiêu bạt, nổi trôi. Đêm mưa, tiếng rao nghe như buồn hơn và trở nên lạc lõng, lọt thỏm vào màn đêm tĩnh mịch.

*** 
Tôi nằm nghiêng người, lắng nghe tiếng đêm trôi trong bao nỗi nhớ. Đã bao nhiêu năm nỗi “nhớ nhà” không còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó nữa. Nỗi nhớ nhà bây giờ là những hình ảnh của một quê hương trong ký ức, một tuổi thơ vời vợi lúc nhớ lúc không. Quê hương thứ hai đã trở thành một vùng đất “quê tôi” cho dù chúng ta có nhận lấy hay khước từ; đã trở thành mọi nề nếp của thói quen, của sự có mặt và cả cuối cùng cho sự buông tay về cát bụi mai này.

Đêm càng chìm sâu càng yên tĩnh, càng mênh mông nỗi nhớ chập chùng. Tôi chợt thèm, thèm da diết một tiếng rao đêm. Thèm nghe đâu đó một tiếng rao nhỏ kéo dài theo tiếng cộc-cạch của chiếc xe đạp, của những bước chân lẹp-xẹp mặt đường quằng gánh trên vai. “Bánh bao nóng hổi đây”, “chè đậu xanh bột báng đây”… như vẫn còn văng vẵng đâu đây hình dáng một con xóm trong đêm, một huyện lỵ nằm dọc theo bờ sông nhỏ. Quê hương tôi như chợt thu gọn lại trong những tiếng rao khuya với bao số phận đời người. Hay bây giờ, trong cuộc sống công nghiệp hóa hiện đại đã không còn nữa nét văn hóa đêm khuya của một thời ký ức. Họ đã về đâu, cuộc sống khốn khó, nhọc nhằn đó ra sao trên mọi nẽo đường đời nghiệt ngã? Nhưng đêm nay, nằm bâng khuâng nơi đất khách quê người xa lắt, tôi thèm vô cùng một tiếng rao khuya…

North Carolina 
Nguyễn Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét