Hôm nay chủ nhật, Thanh Vân được các con dẫn đi xem triển lãm về Napoleon. Người Pháp rất ngưỡng mộ vị Đại Đế của mình và dù cuộc triển lãm đã bắt đầu từ ngày 28/5/2021 và sẽ kéo dài đến ngày 19/12/2021, số người đến xem vẫn đông, vẫn phải mua vé trước.
Cuộc triển lãm cho trưng bày những vật dụng của Napoleon dùng hàng ngày, như khi ra trận mạc, ông ngủ trên cái giường xếp và lều trại của ông rất đơn giản. Tuy người ta bảo ông nhỏ con nhưng thực sự Napoleon cao 1m68.
Gốc gác từ đảo Corse, cậu bé Bonaparte mới 10 tuổi đã được cha gởi qua lục địa Pháp đi học. Thông minh, giỏi toán nhưng cậu bé bị bạn bè trêu chọc vì có giọng nói của người ở đảo, nên cậu thường cô độc
Cuối đời, bị người Anh giam lỏng ở đảo Sainte-Hélène, dù vẫn có nhiều người hầu cận, ông kéo dài những ngày vô vị buồn nản và từ trần tại đây năm 1821, hưởng thọ 52 tuổi
Năm 2015, Thanh Vân đã có viết một bài về “Napoleon, Trận chiến cuối cùng”, dịp kỷ niệm 200 năm ngày ông thua trận ở Waterloo và bị bắt đem đi đày ở đảo. Kính mời đọc chuyện một nhân vật lẫy lừng nhưng có kết cuộc buồn thảm.
Napoléon, Trận Chiến Cuối Cùng
Youtube : Video Napoléon - Trận Chiến Cuối Cùng:
Cách đây 200 năm, vị Đại Đế người Pháp đã chinh phục và thâu tóm một phần lớn lãnh thổ Âu Châu từ đất nước xứ Tây Ban Nha đến bờ cõi Ba Lan chỉ trong vòng 15 năm lại bị bại trận vào ngày 18 tháng 6 năm 1815 tại Waterloo trước hai đạo quân Anh và Phỗ (Prussiens, thuộc nước Đức, ngày nay). Sau ngày lịch sử đó, Napoléon bị đưa ra đảo Sainte Hélène và từ trần tại đây 6 năm sau, vào năm 1821 hưởng thọ 52 tuổi.
Dù đã 200 năm, trận Waterloo và nhân vật Napoléon vẫn được người ta nhắc đến, một người dân bình thường ở một góc trời nào đó trên trái đất, khi hỏi về vị Đại Đế này, họ đều biết. Có thể nói, Napoléon là người Pháp nổi tiếng nhất địa cầu.
Tại sao có trận chiến Waterloo?
Sau nhiều thất bại đầu tiên trong cuộc đời quân sự của mình: tổn thất nặng nề vì thời tiết khắc nghiêt trong cuộc tiến quân trên lãnh thổ Nga, mất Tây Ban Nha, sau đó thất bại trước lực lượng Liên Minh, họ đã tràn vào đến thủ đô Pháp. Nên vào ngày 11/4/1814 tại lâu đài Fontainebleau, Napoléon dưới áp lực của Liên Minh Âu Châu và cả áp lực của chính các tướng lãnh của mình vì các vị tướng này đã quá chán ngán chiến tranh, tất cả ép buộc Napoléon phải từ ngôi. Liên Minh vẫn công nhận danh hiệu Hoàng Đế của ông và cam kết chu cấp cho ông một số tiền hưu bổng hậu hĩnh với điều kiện là ông phải đi ngự trị “ngai vàng mới” ở đảo Elbe, nói cách khác là ông bị lưu đài nhưng vẫn dành cho ông nhiều danh dự. Elbe là một hải đảo nhỏ nằm trên Địa Trung Hải ở gần đảo Corse và không xa bờ biển nước Ý. Nhưng không đầy một năm sau, ngày 1/03/1815, Napoléon dùng thuyền vượt biển trở về Pháp.
Lý do khiến Napoléon rời đảo Elbe là vì có nguồn tin ông sẽ bị Liên Minh áp tải đem đi một đảo khác xa xăm hơn; hay có tin ông sẽ bị ám sát. Thế là với 1 000 quân lính trung thành, Napoléon vượt biển trở về cố quốc. Ngày 1/03/1815 tàu cập bến tại bờ biển Golfe Juan không xa thành phố Cannes, Napoléon xuyên rừng vượt núi, trong 20 ngày, đi theo một lộ trình ngõ ngách nhằm tránh phải đối đầu với quân đội hiện thời của nhà vua Louis thứ 18 ( vua này là em ruột của vua Louis 16, người đã bị xử trảm vào ngày 21 tháng giêng năm 1793 sau cách mạng Pháp) Vua Louis thứ18 được Liên Minh đưa lên ngôi vàng để trám chỗ trống của Napoléon để lại.
Vua Louis thứ 18.
Vào thời điểm ấy, tháng 3 năm 1815, quân đội dưới thời Đế Quốc của Napoléon đã bị rã hàng trong thời gian ông bị đưa ra đảo Elbe . Tuy vậy, trên đường trở về Paris, Napoléon không gặp một sự kháng cự nào của quân hiện tại, mà trái lại đi đến đâu dân chúng và rồi lính tráng đều ngã theo hàng ngũ của ông. Thế là Napoléon trở về Paris, sau 9 tháng cầm chân tại đảo Elbe , trong vinh quang với sự ủng hộ rầm rộ của quần chúng. Biết Napoléon sắp trở về thủ đô, nhà vua Louis 18 vội vã lên xe đi lánh nạn ở Hòa Lan bỏ trống quyền lực cho vị Đại Đế hồi hương này.
Về phần Liên Minh Âu Châu gồm Anh, Áo, Phỗ, Nga, Hòa Lan, Bĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, trong thời gian Napoléon bị cầm chân tại đảo Elbe, Liên Minh đã mở cuộc họp tại Vienne, thủ đô nước Áo để bàn tính về việc chia chác lại lãnh thổ “hậu Napoléon”. Khi hay tin vị Đại Đế này tự ý trở về Pháp họ liền ra một tuyên cáo : không công nhận Napoléon và liệt ông vào thành phần “ngoại pháp luật”, rồi họ cùng ký kết với nhau một hợp ước đồng lòng chống lại Napoléon, tìm cách hủy diệt vị Đại Đế này bằng mọi giá. Ngoài ra họ còn quyết định vận dụng 150 000 quân ở mỗi nước, tổng cộng là 700 000 quân tức khắc và con số này sẽ lên 1 triệu quân vào vài tháng sau, để đối đầu với người đã từng làm các quốc gia họ phải thua trận trong 15 năm, khi Napoléon cầm quyền cũng như đã làm cho họ điêu đứng, chao đao... Nhưng khi trở về kỳ này , Napoléon lên tiếng là ông không còn muốn chiến tranh và đã đưa sứ giả đến mọi quốc gia Âu Châu khác để bày tỏ thiện chí hóa bình của chính phủ mới của mình. Mặc dù vậy, Liên Minh Âu Châu không mải mai tin tưởng vị Đại Đế mà quá khứ xâm lăng vẫn còn ám ảnh trong tâm trí họ, nên họ gạt bỏ ngoài tai những tuyên bố, những kêu gọi đầy thiện chí của “ vị hung thần “ (l’ogre) đã làm họ hoảng sợ những năm trước.
Biết được các QG khác tẩy chay mình mà còn đang vận dụng rầm rộ quân lính để đổ dồn vào bao vây nước Pháp. Vào tháng tư năm 1815, trong một thời gian ngắn, không đầy 2 tháng, Napoléon vội vã, tổng động viên được 125 000 quân lính để đối đầu với 2 đạo quân Anh và Phổ, bất chấp 2 đạo quân này đông gấp đôi với 220 000 ngưới.. Ông quyết định ra quân trước nhằm chận đánh 2 đạo quân Anh và Phổ đang đóng trên đất Bĩ chắn biên giới Pháp về phía Bắc, trước khi đạo quân Áo và Nga sễ tiến đến tiếp sức, siết gọng kềm chống lại ông.
Bắt buộc phải ra quân, Napoléon muốn đánh nhanh để Liên Minh không có thì giờ phối hợp quân đội chống mình. Chiến lược của ông là đánh phủ đầu quân đội của Anh và Phổ khi ông lần lượt tấn công họ từng nhóm một. Muốn tìm một lối thoát vì biết là mình sắp bị bao vây khắp mọi nẻo, Napoléon quyết định ra quân, ông nghĩ là sẽ diệt lần lượt toán quân này rồi toán quân khác, sau đó vào chiếm thủ đô Bĩ, Bruxelles. Như vậy khi tàn phá đội quân Anh và Phổ ông không những làm một cú nổi bật, mà từ đó sẽ uy hiếp Liên Minh, bắt họ phải nhượng bộ. Kế hoạch của Napoléon là len vào giữa 2 đạo quân Anh và Phổ để chia rẽ họ rồi lần lượt diệt từng nhóm. Ông đã dùng chiến lược này nhiểu lần, nhất là trong khi đi đánh ở Ý năm 1796, khi ông chỉ là Tướng Bonaparte và chiến thắng quân Áo một cách vinh quang.
Ra quân lần đầu này, ngày 16/6/1815 Napoléon chiến thắng dễ dàng ở Ligny (phía Bắc thành phố Charleroi) trước đạo quân Phỗ được điều khiển bởi tướng Blücher. Không biết tại sao, sau khi nghĩ suy, 12 tiếng đồng hồ sau, Napoléon ra lệnh cho tướng Grouchy đem 33 000 quân (tương đương với 1/4 số lượng quân lính mình) đuổi theo tàn quân Phổ để tận diệt và để cầm chân họ;
Hai ngày sau, 18 tháng sáu, Napoléon quyết định tấn công quân Anh dưới quyền chỉ huy của Công Tước Wellington tại một nơi không xa làng Waterloo, 20 cây số vào phía nam thủ đô Bruxelles của nước Bĩ.
Vì đâ thắng được quân Phổ 2 ngày trước, Napoléon lòng đầy tự tin, dự định tấn công quân Anh vào sáng sớm. Nhưng Trời đã không thuận lòng ông, chiều hôm trước, mưa tầm tã kéo dài làm mặt đất trở nên sình lầy, khó mà vận chuyển đạo pháo binh nặng nề, nên cuộc tấn công không tiến hành như dự định mà phải chờ đến hơn 11 giờ trưa cho đất có phần khô ráo. 11 giờ 30, Napoléon ra lệnh tiến quân. Đoàn Bộ Binh tinh nhuệ với 20 000 quân ùa lên sáp lá cà với quân Anh trong tiếng hô vang rền “Vive l’Empereur” (Hoan hô Đại Đế, Muôn năm Đại Đế). Nhằm để hỗ trợ nhóm Bộ Binh, đoàn Kỵ Binh cỡi ngựa tiến lên trên dãi đất còn ướt đẫm bùn lầy, những con ngựa khó khăn vướng víu trong đám sình bùn, trong khi đó quân Anh dàn trận theo kiểu hình vuông, chắc nịch như thỏi đá. Những người kỵ binh thiện chiến nhất của Napoléon (les cuirassiers) đã phải vượt lên tấn công 4 lần đạo quân Anh kiên trì, gắn bó như keo, không lay chuyển. Công Tước Wellington, ra lịnh cố thủ vì ông được tin là tàn quân Phổ đang quay trở lại để tiếp ứng quân Anh. Thực vậy, đoàn quân Phổ bị thua trận 2 ngày trước đang chia làm 3 nhánh, trên đường tiến đến phía sau để tấn công quân Pháp về phía hữu. Chính vì nhận được tin mật phấn khởi đó nên Wellington vững lòng ra lịnh cho quân Anh liều chết dù giá nào cũng phải cố thủ.
4 giờ chiều, 33 000 quân Phổ đầu tiên (trong số 70 000 quân) xuất hiện và đánh dồn vào 10 000 quân Pháp từ phía sau. Với 1 chống 3, quân Pháp vẫn vững vàng, nhưng bằng mọi giá quân lính Napoléon phải đẩy lùi đạo quân Anh vẫn dàn trận theo hình vuông ở phía trước. Chính vì vậy vị Nguyên Soái Michel Ney của Pháp đưa đoàn quân cảm tử cuối cùng tiến lên. Vào 6 giờ chiều, những người lính thiện chiến của Tướng Michel Ney gần đẩy lùi quân địch. Công Tước Wellington thật sự lo lắng vì súng đạn đã gần cạn và quân trấn thủ của ông cũng đã suy sụp gần hết. Nguyên Soái Michel Ney phấn khởi, chỉ cần một đoàn bộ binh tiếp tế là trận chiến kể như thành công, ông gởi người về hậu cần xin Napoléon cho bổ xung Bộ Binh. Vị Đại Đế kêu Trời, hét lên : Bộ Binh tiếp viện, ta tìm ở đâu ra bây giờ!
Trong giờ phút thập phần căng thẳng đó, nhóm thứ hai và thứ ba của tàn quân Phổ xuất hiện từ phía hữu, tấn công thẳng vào đoàn quân Pháp làm hổn loạn cả chiến trường. Trời đã sập tối, 7 giờ chiều, Napoléon cố tìm lối thoát, quyết định cho đội binh cận vệ của mình ra trận, để cố một lần cuối phá vở quân Anh phía trước mặt. Đội cận quân cảm tử này (les grenadiers) tấn công thẳng vào quân Anh với sự hổ trợ chung quanh của toán quân Pháp đã hiện diện. Quân Anh nhờ đã đóng quân ở vùng này từ nhiều tháng trước nên hiểu rõ địa hình, địa lợi , họ đặt pháo binh từ trên đồi cao, bắn xuống dồn dập vào đạo quân dũng cảm Pháp, những người lính trước ngã gục, người phía sau vẫn tiến tới. Vào phút đó, bất chợt một đội lính Anh ẩn núp trước từ lúc nào trong ruộng lúa mì, vụt xuất hiện và nả súng thẳng vào nhóm cận binh của Napoléon làm họ ngỡ ngàng không trở tay kịp. Cuộc tiến quân của nhóm cận binh Pháp xem như bị phá vỡ, lại có tiếng hét vang lên “ Cận Quân rút lui “ làm họ càng hốt hoảng nên rối loạn. Đám quân này bị bao vây tứ phía. 3 đội Cận Quân ưu tú của Napoléon bị súng nả thẳng vào, họ ngã xuống như rạ. Quân Anh dùng loa kêu gọi đầu hàng nhưng một vị Tướng khác của Pháp, Tướng Cambronne, trên lưng ngựa, bị kẹt giửa đoàn quân Anh đã can trường hét lên: “Cận Binh thà chết chứ không hàng” (La Garde meurt et ne se rend pas). Vài phút sau vị tướng này bị thương ở đầu và ngã xuống.
Tối hôm đó, 10 giờ khuya, trước khi cùng đoàn tùy tùng rút lui trở về Pháp, Napoléon trong chiếc lều trại của mình hướng mắt nhìn về phía Waterloo âm thầm khóc. Ông khóc vì mỏi mệt, vì chán ngán và buồn thảm vì một đạo quân hùng dũng, tinh nhuệ bị tan nát chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Trận chiến Waterloo ở một làng quê về phía Nam nước Bĩ, đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của vị Đại Đế lừng danh. Nhiều nhà sữ học từ 200 năm qua vẫn tìm hiểu lý do khiến một vị tướng lẫy lừng, một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất của lịch sữ, một vị Tướng duy nhất mà từ Kim chí Cỗ, từ tiền sữ đến cận đại đã thắng nhiều trận chiến trong một thời gian kỹ lục, thật ngắn, với một số quân ít ỏi, thiếu trang bị, vũ khí không đầy đủ để đối đầu với những địch quân hùng mạnh hơn như Áo, Anh, Nga, Phỗ, thế mà ngày giờ này 18/06/1815 Napoléon lại thua trận ở Waterloo. Các nhà sữ học nghiên cứu, phân tách ; hay là :
- Tướng Grouchy lẽ ra phải đem 33 000 quân đến tham trận chứ không nên đuổi theo quân Phỗ mà lại đuổi theo quá trễ, 12 giờ sau, nên không biết là đạo quân này đi về hướng nào,
- Hay lỗi tại Nguyên Soái Michel Ney đã đưa Kỵ Binh vào trận quá sớm, đáng lý ra phải chờ Pháo Binh hỗ trợ nã súng canon vào đội quân Anh đang dàn hàng theo hình vuông rồi mới đưa Kỵ Binh vào.
- Nếu Trời không mưa để đất không bị sình lầy, Kỵ Binh và Pháo Binh tiến lên dễ dàng thì thế cờ đã đổi khác. Và Pháo Binh vì đất còn ướt đẫm nên hiệu quả của những viên đạn canon bị giảm thiểu vì viên đạn khi chạm đất sình lầy không nổ tung lên được như thường lệ;
- Về phần Napoléon cảm sốt, bịnh tật (bịnh trĩ, một căn bịnh rất thông thường nơi những người kỵ mã nên ngày đó ông ngồi đứng khó khăn, không lên lưng ngựa ra quan sát chiến trường và ông còn cả bịnh “bí đái” ) và khởi mầm bịnh ung thư bao tử,nên ông mất đi rất nhiều tài binh lược. Napoléon đã giao phó gần hết trận chiến cho Nguyên Soái Michel Ney. Và điều khác nữa, cuộc tiến quân thần kỳ của Napoléon đã quá quen thuộc, không còn làm đối thủ ngạc nhiên. Hơn nữa Napoléon không ngờ là Liên Minh đã biết rành chiến lược của ông, nên sau những lần hội họp , họ đồng lòng quyết định là bao giờ cũng kết thành một khối, không tách rời ra; và lúc nào, bằng mọi giá nào, cũng phải cố gắng đến cứu hàng ngũ bạn. Đường lối của Liên Minh chống Napoléon trong trận Weterloo đã ấn định trước mà ông không hề hay biết.
Chỉ trong 4 ngày chiến đấu tổng cộng số lính tử vong cho cả 3 đạo quân là 23 000 người , 65 000 thương binh nghĩa là ¼ tổng số lượng quân tham trận, trong đó có thêm 10 000 con ngựa chiến cũng phơi thây. Waterloo là một trong những trận chiến tàn khốc, sát phạt nhất của chiến tranh thời Đại Đế.
Vào năm 1808 nhà văn học Đức, Goethe đã viết: ”Danh tiếng của Napoléon sẽ càng ngày càng lớn mạnh mỗi khi mà người ta hiểu rõ nhiều hơn về ông“ ( Napoléon grandira à la mesure qu ‘on le connaîtra mieux) Điều tiên đoán này quả không sai. Người Trung Hoa đã phiên dịch tiểu sữ Napoléon từ năm 1837, Nhật Bản rất ngưỡng mộ vị Đại Đế này và Nam Hàn mua đứt bản quyền quyển sách nói về Napoléon của nhà văn Pháp Max Galo. Phần nào đó, Napoléon đã được thần tượng hóa.
Dù thua trận ở Waterloo, Napoléon vẫn được xem là vị Tướng lẫy lừng nhất. Stendhal đã viết vào năm 1818 rằng : « Napoléon xứng đáng nối danh Alexandre le Grand và César » (Après tant de siècles, Alexandre et César avaient un successeur). Ngày nay đại đa số khộng biết gì nhiều về Công Tước Wellinton hay Tướng Blücher, mà đâu đâu tiếng tăm của Napoléon cũng nổi như cồn. Từ ngày ông qua đời đến nay số lượng sách báo trên thế giới viết về ông lên đến 80 000 bản. Một kỹ lục! Như vậy, người ta tự hỏi: chiến thắng sau cùng nhất trong trận Waterloo là về phần ai ?
Thanh Vân
Paris, 20 tháng 7 năm 2015.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
- Waterlo 1815 (Thierry Lentz) - La tragédie des Cents Jours (Jacques Olivier Boudon)
- Les Cents Jours, La dernière erreur de Napoléon (Point de Vue, Histoire)
- Napoléon, Le héro absolu (L’express - Hors-série)
- Waterloo, La chute de l’Aigle (Figaro Histoire)
- Mon histoire de France (Hachette Jeunesse)
- L’essentiel de l’Histoire (Carel Dumesnil)
- L’essentiel de l’Histoire (Carel Dumesnil)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét