Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Ngô Trung Tống Nghiêm Sĩ Nguyên 吳中送嚴士元 - Lưu Trường Khanh


Lưu Trường Khanh (707-780) là người Hà Gian (nay là huyện Hà Gian, tỉnh Hà Bắc), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 21 (733) đời Đường Huyền Tông, được bổ chức quan (không rõ chức gì).

Đến đời Đường Túc Tông, ông lần lượt nhậm các chức: Giám sát Ngự sử, Tự bộ viên ngoại lang, Vận sứ phán quan.

Năm 756, vì tính cương trực, ông bị Ngô Trọng Nhu vu cáo, nên bị giam vào ngục Tô Châu, rồi bị giáng làm chức úy ở Nam Ba thuộc Phan Châu. Sau đổi ông làm Tư mã Mục Châu, cuối cùng là Thứ sử Tùy Châu (nên ông còn được gọi là Lưu Tùy Châu).
Khoảng năm 780, Lưu Trường Khanh mất, thọ khoảng 71 tuổi.
Sinh thời, ông kết bạn ngâm họa với Vi Ứng Vật.
Tác phẩm của Lưu Trường Khanh có Lưu Tùy châu tập.

Thơ ông giàu âm điệu, ít điển cố. Các thể loại đều có bài hay, đặc biệt là thơ ngũ ngôn; song nhìn chung, chúng thiếu cái khí khái hào phóng của các nhà thơ thời Thịnh Đường (lời phê bình của một thi sĩ hậu thế).

Ông thích dùng lối hành văn đi bên cạnh đề tài chứ không vào thẳng đề tài như trong bài Ngô Trung Tống Nghiêm Sĩ Nguyên sau đây:

Nguyên bản.       Dịch âm

吳中送嚴士元     Ngô Trung Tống Nghiêm Sĩ Nguyên

春風倚棹闔閭城 Xuân phong ỷ trạo Hạp Lư thành,
水國春寒陰復晴 Thuỷ quốc xuân hàn âm phục tình.
細雨濕衣看不見 Tế vũ thấp y khan bất kiến,
閑花落地聽無聲 Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh.
日斜江上孤帆影 Nhật tà giang thượng cô phàm ảnh,
草綠湖南萬里情 Thảo lục hồ nam vạn lý tình.
東道若逢相識問 Đông đạo nhược phùng tương thức vấn,
青袍今日誤儒生 Thanh bào kim nhật ngộ nho sinh.
Lưu Trường Khanh
***
Chú giải

Có bản chép tên bài này là Tống Lang Sĩ Nguyên 送郎士元 và ghi là của Lý Gia Hữu.
Nghiêm Sĩ Nguyên người đất Ngô, từng được gọi Viên ngoại lang, là bạn thân của tác giả.
Ỷ trạo: dựa mái chèo, (gác mái chèo, không chèo nữa)
Hạp Lư thành: Thành của vua Hạp Lư ở nước Ngô thời Xuân Thu.
Thanh bào: Người áo xanh, dùng để chỉ người nghèo hèn với ý khiêm tốn.

***
Dịch nghĩa:

Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên ở đất Ngô
Gió xuân thổi, dựa mái chèo nơi thành Hạp Lư,
Tiết xuân lạnh, làm cho bầu trời lúc âm u lúc sáng sủa.
Mưa phùn nhỏ làm ướt áo, nhìn cảnh vật không rõ,
Hoa rơi nhẹ xuống đất, không gây tiếng động.
Ánh chiều tà trên sông chiếu vào cánh buồm đơn độc,
Cỏ mướt trên bờ nam trải dài vạn dặm.
(Tới) đường phía đông, khi ông bạn tri kỷ (tương thức) hỏi,
(Ta sẽ trả lời rằng) hôm nay kẻ nho sinh thay (ngộ) áo xanh (đóng vai nông dân nghèo).

Dịch thơ:

Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên ở đất Ngô
Gió xuân gác mái Hạp Lư ngơi,
Khí lạnh khi mờ khi tỏ ngời.
Áo ướt mưa phùn nhìn chẳng rõ,
Hoa rơi lãng đãng vốn không lời.
Nắng tà soi cánh buôm côi lướt,
Cỏ mượt bờ Nam vạn dặm tươi.
Bạn cũ đường đông mà chất vấn,
Nho sinh nay bận áo xanh chơi. 

Con Cò
*** 
Nguyên bản:                 Phiên âm:

別嚴士元1-劉長卿2       Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên-Lưu Trường Khanh

春風倚棹闔閭城            Xuân phong ỷ trạo Hạp Lư thành
水國寒陰復晴3           Thủy quốc xuân hàn âm phục tình
細雨濕衣不見4,5        Tế vũ thấp y khán bất kiến
閑花落地聽無聲             Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh
日斜江上孤帆影             Nhật tà giang thượng cô phàm ảnh
湖南萬里6           Thảo lục hồ nam vạn lí tình
東道若逢相識問7           Đông đạo nhược phùng tương thức vấn
青袍今誤儒生8           Thanh bào kim nhật ngộ nho sanh.
 
Dị bản: Bài thơ này có nhiều dị bản chưa từng thấy.
1 Tùy sách bài thơ có thêm 4 tựa khác:
  嚴士元 Tống Nghiêm Sĩ Nguyên
  送嚴員外 Tống Nghiêm Viên Ngoại
  吳中贈別嚴士元 Ngô Trung Tặng Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên
  送郎士元 Tống Lang Sĩ Nguyên
2李嘉祐 Lý Gia Hu
Bài thơ với tất cả dị bản bên trên đăng trong Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 151 Lưu Trường Khanh. Sách Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 207 Lý Gia Hựu 李嘉祐.  Sách Lưu Tùy Châu Tập - Đường - Lưu Trường Khanh 劉隨州集--劉長卿   chỉ có dị bản 1 và 8 với tựa là Tống Nghiêm Sĩ Nguyên 送嚴士元. Sách Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐 詩錄--徐倬 có tựa bài thơ là Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên 别嚴士元và không có dị bản.
3 do thay vì xuân
4 câu 3:  thủy các thiên hàn ám phục tình 水閣天寒暗復晴 hay là thủy quốc xuân thâm âm phục tình 水國春深陰復晴.
5nhânthay vì y
6 trình thay vì tinh
7quân khứ 君去 thay vì đông đạo東道
8 thay vì nhật
日 

Ghi chú:
Nghiêm Sĩ Nguyên: người Ngô, nay là Tô Châu, Giang Tô, từng giữ chức Viên Thị Lang, bạn của Lưu Trường Khanh
Ỷ trạo: đậu thuyền, dừng thuyền
Hạp Lư: nay là Tô Châu, Giang Tô. Theo truyền thuyết, thành được vua Ngô là Hạp Lư xây vào thời Xuân Thu.
Thủy quốc: thế giới nước, chỉ chung là sông biển ao hồ. Truyện Hoa Tiên: “Bên mê thủy quốc bên ngờ vân hương.” Thơ Mạnh Hạo Nhiên: “Thủy quốc vô biên tế, chu hành cộng sử phong.” Các quốc gia lưu vực hạ sông Trường Giang như: Ngô, Sở, Việt… Ở đây chỉ thành Hạp Lư của nước Ngô.
Xuân hàn: thí hậu lạnh giá của mùa Xuân
Nhàn hoa: hoa dại
Hồ: Hồ phía tây Tô Châu là Thái Hồ 太湖
Thanh bào: áo xanh chỉ quan cấp bậc thấp hay người nghèo hèn khiêm tốn. Vào năm Trinh Quan 4 (năm 630), nhà Đường quy định sắc phục chính thức của quan cấp 3 hoặc cao hơn quần áo màu tím, cấp 5 và 6 màu đỏ tươi, cấp 6 và 7 màu xanh lục, và cấp 8 và 9 màu xanh lá cây. Vào năm Thượng Nguyên đầu tiên (năm 674) lại quy định quan bậc 8 áo màu xanh đậm và quan bậc 9 áo xanh lợt.
Nho sinh: thi nhân tự xưng, nho sĩ, người am tường kinh sách nho, người trí thức của thời phong kiến

Theo những điều được được nói đến, ta có thể đoán thời lúc và niên đại của bài thơ. “Xuân hàn” trong câu 2 chỉ vào cuối đông và đầu xuân. Câu 8 “Thanh bào kim nhật ngộ nho sanh” cho thấy tinh thần suy yếu khi Lưu bị giáng chức lần đầu và phải rời Tô Châu vào đầu năm thứ 3 của Đường Túc Tông (năm 758). Cuộc tiễn đưa này tình cờ ngẫu nhiên khi hai người bạn dừng thuyền ở bến sông nên không có nói đến rượu tiệc mà chỉ miêu tả cảnh vật để gói ghém tình cảm. Có lẽ họ đã lên bờ đi bộ dọc sông khi bị mưa phùn và nhìn hoa rơi. Khi chia tay thì mỗi người mỗi ngã trong cô đơn, chỉ còn tình cảm dành cho nhau là trải dài ngàn dặm. 

Dịch nghĩa:

Biệt Nghiêm Sĩ Nguyên Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên
Xuân phong ỷ trạo hạp lư thành, Thủy quốc xuân hàn ẩm phục tình   
Vào ngày gió xuân bắt đầu, thuyền của chúng tôi neo đậu bên ngoài thành Hạp Lư; thời tiết ở vùng sông nước mang cái lạnh của đầu xuân, trời bất chợt âm usáng sủa.
Tế vũ thấp y khán bất kiến, Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh    
Mưa phùn làm ướt quần áo, nhưng không nhìn thấy; bông hoa trên cây rơi xuống đất, không có một âm thanh nào.
Nhật tà giang thượng cô phàm ảnh, Thảo lục hồ nam vạn lý tình
Bạn ra đi trong hoàng hôn, nắng chiều chiếu vào cánh buồm đơn độc trên sông; cỏ xanh trên bờ nam của Hồ Động Đình trải dài hàng ngàn dặm, chứa đầy tình cảm biệt ly của tôi.
Đông đạo nhược phùng tương thức vấn, Thanh bào kim nhật ngộ nho sanh
Trên đường về đông, nếu ai đó có quen biết hỏi về hoàn cảnh của tôi, xin hãy nói với họ rằng tôi có một cuộc sống bình thường, và bị ngộ nhận là nho sinh.
 
Dịch thơ:

Tiễn Nhau

Ngày gió dừng thuyền bến Hạp Lư,
Trời xuân lạnh tỏ lúc âm u.
Mưa phùn áo ẩm không nhìn thấy,
Hoa rụng từ cành tiếng nhẹ ru.
Nắng chiếu buồm đơn đưa tiễn bạn,
Cỏ thắm bờ nam chẳng tạc thù.
Về đông ai hỏi thăm hoàn cảnh,
Hãy nói dùm tôi kiếp phù du.
 
Farewell to Yan Shi Yuan by Liu Chang Qing
The day spring wind started to blow, we moored at He Lu City,
The weather in water country had cold early spring, and the sky changed suddenly from dark and cloudy to clear and bright.
The slight rain wetted our robes, but could not be seen,
Flowers fell from trees to the ground without making a sound.
You left in late afternoon, and the sun reflected on your lonely sail,
The south shore of the lake was covered with miles of green grass as much as our emotions.
On your way east, if someone asked about me, please tell him that I am an ordinary man, mistaken for an intellectual.

Phí Minh Tâm
***
Các Bài Dịch Khác:

- Nhược: nếu, giả sử, ví thử.
- Ngộ: nhầm, sai lầm. Theo ý BS thì tác giả than với bạn là mình sai lầm vì đã làm quan.
Trong gió xuân, ta dừng thuyền ở thành Hạp Lư (và lên bờ gặp bạn Sĩ Nguyên.)
Ở chỗ nhiều nước (sông, hồ) này, thời tiết mùa xuân lạnh nên cảnh vật khi tỏ khi mờ.
Mưa nhẹ, ướt áo quần, nhìn không thấy.
Hoa dại (nhàn hoa theo ý anh Tâm) rụng xuống đất mà không nghe tiếng động,
Lúc ngày tàn, thấy bóng một cánh buồm cô lẻ,
Cỏ xanh biếc ở phía nam hồ làm tâm tình lai láng.
(Bạn ơi) nếu đi đường về phía đông, nếu như gặp người quen hỏi thăm, thì nói rằng tôi đang mặc áo xanh (vì bị biếm), và tôi thấy mình sai lầm khi nhận chức quan.

Vậy thì theo cách hiểu của BS, bài thơ được diễn giải theo văn xuôi như sau:


Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên ở Đất Ngô

Gió xuân tựa mái đậu thành Lư,
Trời xuân lạnh lẽo sáng lại mờ
Mưa phùn ướt áo nhìn không thấy,
Hoa rừng chạm đất chẳng nghe rơi,
Ngày tàn trên sóng buồm cô lẻ,
Cỏ biếc hồ nam nhớ chẳng vơi,
Đường đông ví thử người quen hỏi,
Nay mặc đồ xanh lỡ một đời.


Bát Sách.
***
Đất Ngô Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên


Gió xuân thành Hạp mái chèo ngưng
Lạnh giá sông xuân rợp lại trong
Áo ẩm mưa phùn, nhìn chẳng rõ
Hoa rơi chạm đất dội âm không
Chiều tà sóng nước thuyền cô lẻ
Cỏ biếc hồ nam vạn dặm trông
Đông hướng, người quen chừng có hỏi
Áo xanh hiện tại ngỡ nho phong!

Lộc Bắc
***
Tiễn Người Đi

Trời se lạnh ảo huyền cảnh sắc
Trong gió xuân dừng mái chèo thôi
Mưa bụi bay áo vừa thấm ướt
Chấp chới mơ hồ hoa nhẹ rơi
Cánh buồm côi trên sông nắng chiếu
Cỏ biếc bờ xa tình chơi vơi
Đường về nếu có người quen hỏi
Hãy nói rằng tôi ẩn dật rồi

Yên Nhiên
***
Tiễn Nghiêm Sĩ Nguyên Từ Tống


Hạp Lư xuân gió thổi thuyền ngưng,
Nước lạnh âm u bỗng sáng bừng,
Áo chẳng thấy mưa dầm hạt nhiễn,
Đất không nghe tiếng rụng hoa rừng
Cánh buồm mặt nước trôi xa thẳm,
Cỏ biếc Hồ Nam mọc chẳng ngừng.
Về tới đường đông ai có hỏi,
Vải mầu xanh nhã những ngày dưng.

Mỹ Ngọc
Oct. 7/2021.
(Hoa Nhàn: Hoa dại, Hoa Rừng)

***
Cảm Tác:

Sông Hồng nước đỏ máu trôi
Thuyền ta một cánh sóng lôi qua bờ
Chèo nhanh chẳng sợ bạn chờ
Tiễn chân thượng lộ phất cờ Nam đi
Rừng cao su có sợ gì
Miễn sao lương tốt có chi chần chừ
Rồi sẽ liên lạc bằng thư
Ôi hay bến vắng dân cư không người

Đồ Cóc
***
Góp ý:

春風倚棹闔閭城 Xuân phong ỷ trạo Hạp Lư thành. Nước Ngô bị nước Việt diệt năm 473 BCE và Hạp Lư thật sự ra không phải là tên của kinh đô nhà Ngô mà là tên của Ngô Hạp Lư, ông nội của Ngô Phù Sai (vua cuối cùng của nhà Ngô). Cho tới thập niên 1950, các nhà viết sử và khảo cổ không biết rõ vị trí của kinh đô nhà Ngô nằm ở đâu vì hầu như không có sử liệu gì về nước Ngô sau thời Tư Mã Thiên. Vì lý do gì Lưu Trường Khanh gọi Tô Châu là Hạp Lư thành? Có phải chăng nhà thơ không muốn nhắc nhở đến thời ông gặp nạn và bị giam cầm trong ngục Tô Châu?
Tôi đồng ý với anh Tâm về lối hiểu hai câu thơ cuối, (bản dịch sang Anh ngữ dịch sai câu cuối vì I am an ordinary man, mistaken for an intellectual có nghĩa 'tôi là một người tầm thường bị ngộ nhận thành một nhà trí thức'). Người dịch hiểu đúng 誤=ngộ là lầm lẫn hay nhìn lầm (nghĩa trong cụm từ 'ngộ nhận') nhưng ý Lưu Trường Khanh muốn nói rằng ông bị nhìn lầm thành người học trò chỉ vì mặc màu áo lục (của ngạch quan lại thấp bé nhất). Mặc dù họ Lưu không nói rõ ra, hai câu cuối nói đến cuộc đời lên voi xuống chó của nhà nho thời Đường.
Bài thơ tả cảnh mùa xuân ở Tô Châu và Thái hồ - những nơi nổi tiếng là danh lam thắng cảnh của Hoa lục nhưng họ Lưu không thể thấy (vì trời chiều ảm đạm, mưa phùn, hoa rụng không ai hay), cũng như ông không mong được thấy lại cảnh phồn hoa ở kinh đô nhà Đường vì đã bị biếm đến vùng Tiêu Tương.
Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét