Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

Ngã Rẽ

1.

Buổi sáng, sau một giấc ngủ vùi trả bữa cho cả tháng trời ít ngủ vì lo học thi Tú Tài phần hai, Hương Thư xách chiếc xe PC ghé qua nhà Tường Vi ở một ngõ hẻm thuộc khu Bàn Cờ rủ Vi đi ăn sáng. Hai cô nàng thân nhau từ khi còn là hai cô bé bước chân vào ngưỡng cửa Trưng Vương, hai con bé con cột tóc đuôi ngựa ngồi ngay bàn đầu lớp Đệ Thất B1. Cả hai cùng học giỏi, ngày thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, hai đứa cùng đậu bình. Khi chọn ban để lên đệ nhị cấp đáng lẽ Hương Thư phải chọn ban B vì Thư luôn nhất toán trong lớp và thích những môn khoa học. Ngược lại Tường Vi thích hợp về văn chương, bài luận văn và những bài giảng văn của Vi luôn được làm bài mẫu đọc lên cho cả lớp. Thế mà hai cô nàng đều chọn ban A vì muốn được học cùng nhau thêm mấy năm nữa.

Đến trước cửa nhà Vi, Thư vẫn ngồi nguyên trên xe, ghếch chân lên bậc thềm gọi chõ vào trong nhà:

– Vi ơi, Vi ơi, Vi ứa ừa…

Ngày đó làm gì có điện thoại để gọi hẹn trước và đâu phải nhà nào cũng có chuông cửa để bấm nên đến nhà ai thì cứ gọi vang cả xóm.

Vi thò đầu ra cửa sổ:

– Làm gì mà réo sớm thế? Ta tưởng mi còn chưa dậy nổi. Đem xe vào đây ngồi chờ ta thay quần áo.

Hai nàng thiếu nữ tuổi thanh xuân chở nhau trên chiếc xe PC, vạt áo lụa bay trong nắng ban mai vàng tươi, hai mái tóc dài phất phơ theo gió. Trông hai cô nàng như hai cánh bướm vườn xuân.

Ngồi đằng sau, Vi vỗ nhẹ vai Thư:

– Ê mi, ta muốn ăn bún ốc.

Thế là chiếc PC chạy về hướng chợ Bến Thành.

Thư và Vi vén tà áo dài ngồi xuống chiếc ghế đẩu sát bên sạp gỗ, hít hà. Trên sạp, hai mâm ốc còn nguyên vỏ, vàng ươm, xếp cao có ngọn. Nồi nước dùng bốc khói nghi ngút và mấy thúng rau ôi thôi là ngon. Đủ thứ rau, rau muống chẻ, tía tô, kinh giới, húng cây. Một rổ giá sống trắng phau và một rổ rau sà lách xanh mướt thái nhỏ để cạnh hoa chuối bào mỏng màu hồng tím. Hai lọ thủy tinh ớt xay đỏ tươi kích thích sự tiết tâm linh của khách. Bà hàng luôn tay thoăn thoắt nhể ốc, những con ốc bươu vàng au, béo ngậy.

Mấy ngày thi căng thẳng đã qua, Thư và Vi nhẹ người như vừa trút xong gánh nặng ngàn cân, thưởng thức hết hai tô bún ốc ngon lành, hai cô nàng rủ nhau bát phố.

– Thư ơi, ghé Khai Trí xem có cuốn sách nào mới không. Mi đọc “Yêu” của Chu Tử chưa?
– Chưa, lo học thi thí mồ, thì giờ đâu mà đọc sách. Ừ, tụi mình vào tiệm sách đi.

Hai cô sóng bước trên đường Lê Lợi, sáng sớm nên đường xá còn thưa thớt, cả hai cùng bảo nhau đi thẳng, chớ có la cà vào những sạp dọc hai bên lề vì người bán chưa mở hàng, vô ý có thể bị phiền phức.

– Thư, bọn nhỏ Trang kìa!
Vi kéo tay Thư chỉ vào ba cô gái đi ngược chiều sắp bước vào Khai Trí. Năm cô con gái gặp nhau ríu rít:
– Trang, Linh, Ngọc! Bọn mi cũng mua sách à? Bài thi sao? Làm khá hết chứ?
Trang đáp:
– Thì cũng tạm tạm thôi, đến ngày xem bảng mới biết được. Bọn mi ăn sáng chưa? Tụi ta vừa ở hẻm Casino ra.
– Lại bánh cuốn hả? Hay bún chả? Ta với Vi mới đi ăn bún ốc.
– Hè này ta lên Đà Lạt nghỉ hè ở nhà chị Trâm. Đợi xem kết quả rồi tụi mình rủ nhau cùng đi nghe!
Ngọc cũng chen vào:
– Lạy Trời cho tụi mình đậu hết rồi đại náo Đà Lạt một phen.
Linh đứng bên cũng gật gù:
– Nhà chị Trâm đủ chỗ chứa tụi mình thì ta cũng xin phép bố mẹ cho đi chơi xa một chuyến.

2.

Trời cũng chiều người nên kỳ thi đó cả năm cô nàng cùng có tên trên bảng, ngũ long công chúa học cùng lớp và khá thân nhau, rủ nhau đi chơi một tuần cho bõ những ngày mệt mỏi học thi, về sẽ lại phải ôn bài để tham dự những lớp thi tuyển vào các phân khoa đại học.

Trang ôm chầm thằng bé kháu khỉnh, khoảng năm tuổi, hôn hít nựng nịu và ríu rít chỉ từng đứa bạn một, giới thiệu với chị:

– Chị Trâm ơi, bốn nhỏ bạn em: Thư, Vi, Linh, Ngọc. Thằng cu Tý lớn quá rồi, có nhớ dì Trang không nè?

– Chị nhận được điện tín của em hôm kia. Sao, các em đi đường mệt lắm không? Để chị đưa các em vào phòng cất hành lý rồi sửa soạn ra ăn cơm với anh chị, anh cũng sắp về tới rồi.

Nhà chị của Trang là một ngôi biệt thự xinh xắn nằm lưng chừng đồi. Mặt trước, qua một dãy nóc nhà là một thung lũng bát ngát hoa. Đằng sau, con dốc thoai thoải đi lên đồi thông, những cội thông già, thân cây cao, to, thẳng tắp. Nhà nọ cách nhà kia cả một khu vườn.

Sống ở Sài Gòn ồn ào, bụi bậm, đông đúc, lên tới đây không khí thật trong lành, cảnh thiên nhiên bao la, bát ngát, năm nàng con gái như lạc vào chốn thần tiên.

Bước vào nhà, mùi phở thơm phức quyện vào hơi lành lạnh khiến các cô thấy bụng đói cồn cào, nhất là sau gần một ngày ngồi xe đò lắc lư.

Trang hít hà:

– Chị nấu phở hả? Bận cháu mà sao chị giỏi vậy?

– Ờ nghe các em lên, chắc mệt nên chị cứ nấu sẵn nồi phở cho tiện. Các em ở chơi một tuần thì tối nay nghỉ ngơi cho lại sức, sáng mai hãy dậy sớm đi chơi.

Chị Trâm hướng dẫn cả nhóm lên lầu trên, một căn phòng sát nóc nhà, rộng, sàn gỗ lim đánh xi bóng mầu nâu đen, mái nhọn, ở giữa vừa cho một người cao có thể đứng thẳng, hai bên vách thấp hơn, quét vôi màu nâu hồng nhạt, một bên bao bọc bằng những kệ sách và tủ kính nhỏ để trưng đồ kỷ niệm. Phía vách đối diện kê hai chiếc nệm giường chồng lên nhau, phủ vải hoa, có thể dùng làm ghế, khi kéo xuống thành chiếc giường lớn. Một chiếc tủ đứng ở cuối phòng đầy gối và chăn bông. Sát bên cửa sổ kính nhìn ra khu đồi thông sau nhà, một chiếc bàn thấp, trên bàn bày một lọ hoa hồng tươi, quanh bàn mấy chiếc gối vuông để ngồi kiểu Nhật.

– Phòng này anh chị dùng làm phòng đọc sách hoặc làm phòng ngủ khi có khách. À, phòng vệ sinh ngay sau cái tủ lớn kia.

Cả bọn nhìn theo tay chị, nhận ra một cánh cửa nhỏ ngay cạnh chiếc tủ đứng.

– Các em muốn ngủ chung cho vui thì ở cả đây. Chị còn một phòng ngủ nữa của cháu ở dưới nhà, nếu cần các em có thể dùng, chị cho cháu vào phòng anh chị.

Thư lên tiếng:

– Chị cho chúng em ở phòng này là tốt quá rồi chị ạ. Chị cứ để cháu ngủ phòng của cháu. Cám ơn anh chị rất nhiều.

Năm cô con gái thay quần áo rồi cùng nhau tíu tít xuống nhà phụ chị Trâm dọn bàn.

Phòng ăn liền phòng khách, sàn gỗ nâu bóng, bộ sa lông bọc vải nhung màu đỏ sẫm hài hòa với tấm thảm dày viền những chùm hoa hồng lót bên dưới, tường quét vôi màu phơn phớt lòng trứng. Trong lò sưởi, ánh lửa bập bùng, củi thông tỏa mùi thơm át cả mùi phở và tí tách như reo vui. Chiếc đèn chùm tỏa ánh sáng ấm áp xuống bàn ăn đã có hai đĩa giá tươi với rau húng, ngò gai, chanh, ớt ở hai đầu. Các nàng ríu rít sắp đũa, muỗng, tương ớt, tiêu, hành giấm…

Nhìn quanh phòng các nàng trầm trồ, trên tường phía sau bàn ăn, một bức tranh tĩnh vật to vẽ một mâm trái cây thật đẹp, những quả táo, lê chuối và chùm nho mọng nước. Ngoài phòng khách, ba bức tranh cùng kích thước nhưng vẽ ba loại hoa hồng khác nhau đem sự tươi vui cho căn phòng, phía tường đối diện, một dãy dài, toàn hình thằng cu Tý từ khi mới chào đời đến bây giờ.

Nghe tiếng Vespa vào sân, cả nhà nhìn ra. Anh Hòa cất xe, bước vào. Tiếng chị Trâm reo vui:

– Anh về đúng lúc quá, cả nhà đang đợi. Đói bụng rồi đây này!

Trang chạy ra chào anh và giới thiệu với anh từng đứa bạn. Mọi người vui vẻ ngồi vào bàn. Bộ bàn có tám ghế nên vừa khéo, anh cu Tý được kê thêm một nệm phụ ngồi giữa bố mẹ.

Anh chị Hòa Trâm khoảng trên ba mươi tuổi, quen nhau từ ngày học chung Đại Học Sư Phạm, ra trường mới làm đám cưới, được bổ nhiệm lên thành phố này. Anh dạy ở trường Trần Hưng Đạo còn chị dạy ở Bùi Thị Xuân. Anh chị còn trẻ, nói chuyện rất gần gũi và hiểu biết nên các cô từ từ dốc bầu tâm sự, trêu ghẹo nhau hoặc kể lể tâm tình nhờ anh chị gíúp ý kiến.

Vi được chiếu cố đầu tiên. Thư kể cho tất cả nghe chuyện các chàng đang theo đuổi Vi và hai chàng được vào chung kết là Quân và Tùng. Chị Trâm chậm rải:

– Vi chưa cần quyết định ngay, em còn trẻ, còn thì giờ tìm hiểu, cứ giao thiệp trong vòng lễ giáo, đến khi em cảm thấy em nghiêng về ai, em ở bên người nào em cảm thấy hạnh phúc thì đó là người em sẽ lựa chọn.

– Chị Trâm, lỡ nó thấy thương cả hai thì sao chị? – Trang lí lắc.

Chị Trâm cười, từ tốn:

– Như vậy là Vi chưa thật yêu ai cả. Biết đâu có chàng thứ ba xuất hiện sẽ đánh bạt hết hai anh chàng này? Nếu chưa yêu đừng hứa hẹn, đừng cho người ta hy vọng. Đã quyết định rồi phải dứt khoát và sòng phẳng. Đừng để bị rơi vào cảnh “ Đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình đem theo”, đó là chuyện của mấy ông nhạc sĩ, mấy bà văn sĩ. Lấy chồng phải yêu chồng và xóa hết những vương vấn cũ. Không một ông chồng nào dù là thánh đi chăng nữa chấp nhận cảnh vợ nằm cạnh mình mà lại nghĩ đến người khác.

Bích Ngọc xen vào:

– Còn nhỏ Thư này chị, nó quyết định đi du học mà vẫn còn vương vấn mấy cái đuôi theo nó lòng thòng. Em đã nói nó dẹp đi, mơ mơ màng màng chuyện yêu đương thì làm sao mà học được. Chỉ có trượt dài dài rồi về nước tay không thôi.

– Tùy theo mức độ sâu đậm tới đâu đã chứ. Nếu yêu nhau chết bỏ thì chị chắc Thư đã không đi, còn nếu chỉ mới có cảm tình thôi thì Thư nên giữ mối giao hảo như một người bạn. Xa nhau cũng là cái thước đo tình cảm nhau. Các em còn thì giờ mà, chưa có gì chắc chắn ở tuổi này, các em còn phải nghĩ đến chuyện học để lo cho tương lai.

Anh Hòa góp ý:

– Các cô quan niệm thế nào là tình yêu? Yêu để lãng mạn, mơ màng, có người để nhung nhớ, bâng khuâng hay các cô muốn tìm hiểu để kiếm người chia sẻ cuộc đời với mình?

Cả nhóm nhao nhao:
– Yêu là chết ở trong lòng một ít.
– Yêu là tìm thương đau.
– Yêu là lòng bâng khuâng.

Không khí đùa giỡn thân mật, vui vẻ hẳn lên. Bích Ngọc rụt rè:

– Anh chị ạ, chúng nó cứ bảo là em cân đo đong đếm. Theo em việc lập gia đình là quan trọng. Em muốn có một gia đình bình yên, hạnh phúc như các chị của em. Chúng nó nói cứ việc sống theo con tim, tim nói yêu là… yêu! Em sợ lắm. Khi quen ai em phải cân nhắc, đắn đo. Người đó có phải là người chồng tốt không, có đem đến cho mình cuộc sống gia đình êm ấm không. Người đó phải yêu em trước anh chị ạ! Em sẽ chọn một trong những người đã chọn em. Em không dám mạo hiểm như tụi nó. Em sợ đau khổ. Em không muốn bẽ bàng!

– Đó là quan niệm đứng đắn nhất và an toàn nhất cho người con gái nhưng đời còn nhiều chuyện phức tạp và phiền toái không như dự tính của mình.  Các em đến đây chơi, anh chị vui lắm. Cũng hơi khuya rồi, các em cần nghỉ ngơi. Còn một tuần lễ nữa, tha hồ chúng mình bàn luận. Thôi, các em đi ngủ nhé! Năm cô gái thu dọn sạch sẽ, sửa soạn lên lầu.

Linh còn tiếc nuối:

– Chị Trâm ơi, nhà anh chị đẹp quá, chị mua lâu chưa hả chị?

– Nhà thuê em ạ. Anh chị may mắn gặp được ngôi nhà này, chủ ở bên Pháp, giao cho một công ty quản lý nhà đất trông coi. Họ chỉ cần có người ở để căn nhà có sinh khí và giữ gìn nhà cho họ thôi. Tiền thuê chỉ đủ để họ trả tiền chăm sóc nhà em ạ. Anh chị được họ chọn trong số mấy người hỏi thuê. Chị ở đây hơn bốn năm rồi. Từ khi thằng cu Tý mới được sáu tháng.

Năm cô con gái kéo tấm nệm xuống làm thành một chiếc giường to, bốn cô nằm chung, Linh lấy một cái chăn bông và một chiếc gối nằm sát gần cửa sổ. Đêm nay có trăng, trăng sáng vằng vặc trên nền trời nhung thẫm. Linh thèm một gia đình ấm êm, hạnh phúc như chị Trâm. Linh ao ước được học Sư Phạm, ra làm cô giáo, gặp được người mình yêu và người ấy yêu mình.

Nhưng có lẽ chuyến đi chơi kỳ này là chuyến chót Linh được rong chơi với các bạn. Chỉ vài tuần nữa Linh bắt đầu đi làm trong một hãng thầu của Mỹ mà bác Hải, anh của bố có người quen giới thiệu. Lương họ trả khá, hơn cả tiền lương hàng tháng của bố bây giờ. Là chị lớn trong gia đình đông con, sau Linh là ba em trai, tiếp đến là hai em gái. Bố chỉ là công chức thường, mẹ yếu ớt không xông xáo, bương chải. Thời buổi gạo châu củi quế, tháng nào gia đình cũng phải giật gấu vá vai, Linh phải quyết định đi làm gánh đỡ cho cha mẹ. Nhìn trăng, chỉ còn ánh trăng khuya nghe tiếng lòng thổn thức của Linh. Nước mắt lăn dài, tiếng sụt sịt khe khẽ.

Trang trăn trở, nghe anh chị và lũ bạn luận về tình yêu Trang lan man nghĩ về hoàn cảnh của mình. Trang có cảm tình nhiều với anh Khiêm, bạn anh Trung, em liền sát dưới chị Trâm. Mái tóc Khiêm lòa xòa trước trán, cặp mắt to, đen buồn vời vợi như thu hút hồn người. Mỗi khi trong nhà nhìn ra, Khiêm đứng dựa lưng vào tường, hai chân bắt chéo nhau hờ hững, miệng ngậm điếu thuốc trông rất nghệ sĩ là tim Trang đập rộn ràng. Nghe anh kể chuyện về những cô con gái anh quen, Trang như đau tức ở lồng ngực. Anh đâu có để ý đến Trang, anh xem Trang như một đứa con nít. Trong đêm lại một tiếng thở dài.

3.

Buổi sáng bầu trời âm u, mây xám, sũng nước, những cây thông sau nhà như vặn mình trong gió. Chỉ còn hai ngày nữa là chấm dứt một kỳ nghỉ hè vui. Theo chương trình, hôm nay các nàng sẽ đi thăm thác Cam Ly, chiều về dạo phố, mai đi trại hầm mua mận về làm quà. Và sáng sớm ngày mốt các nàng ra bến xe đò để trở về mái nhà xưa.

Gần mười giờ mà nắng vẫn chưa lên, ngoài khung cửa sổ mây xám còn giăng đầy. Chương trình thay đổi vì nếu trời mưa đường lên thác sẽ trơn trượt nguy hiểm. Cả nhóm quyết định đi trại hầm, gần và là đường trong thành phố. Ngày mai nếu khô ráo sẽ đi chơi thăm thắng cảnh thiên nhiên. Thư thấy người uể oải muốn bịnh nên thoái thác nằm nhà.

Vùi mình trong chăn, căn phòng thật yên tĩnh, Thư thấy nhớ nhà, nhớ cha mẹ vô cùng. Mới đi xa một tí mà đã nhớ thế này, vài tháng nữa đi ngoại quốc du học, ở xa thật xa thì sẽ nhớ đến đâu. Tự nhiên nước mắt ứa ra, Thư cắn ngón tay khóc thút thít. Chả có ai ở nhà nên Thư tha hồ mít ướt, tha hồ thả hồn chơi vơi. Hôm có kết quả thi mẹ đã khóc kể với Thư là có người cho mẹ biết bố đang phản bội mẹ, cặp với một cô gái trẻ lắm. Thư còn nhớ như in ngày bố đưa Thư lên Làng Đại Học Thủ Đức để dạy nàng lái xe. Thư rụt rè:

– Bố có thương con không?
– Sao con hỏi vậy?
– Bố có còn yêu mẹ không?
– Tại sao hôm nay con hỏi bố những câu lạ vậy?
– Bố… có bồ… phải không bố?
– Ai nói với con chuyện đó?
– Con biết là con biết! Con muốn bố cho con biết sự thật. Nếu bố không nghĩ gì đến hạnh phúc gia đình nữa thì con sẽ không đi đâu hết, con ở nhà với mẹ!

Nói xong Thư rấm rứt khóc. Bố phải rẽ vào con đường vắng, ngừng xe để giải bầy. Bố kể cho Thư nghe chuyện tình của bố. Bố vẫn yêu mẹ và các con. Bố vẫn nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Người ấy chỉ như một bóng mát qua đường mà thôi. Cô ta trẻ, không đẹp lắm nhưng rất tình cảm và lãng mạn.

– Bố cho con gặp người ấy được không?

Thư đã được bố đưa đến nhà chị Thúy, “người ấy” của bố. Chị rất trẻ, chỉ hơn anh Huy vài tuổi, người dong dỏng cao, tóc dài đen mướt, da hơi ngăm ngăm, khuôn mặt trái soan, trán cao, cặp mắt lá răm, sáng nhưng thoáng buồn. Bố ra nhà ngoài nói chuyện với ông cụ để hai chị em tự nhiên.

Chị Thúy nói:

– Chị yêu bố em, kính trọng bố em. Bố em có nói rõ về hoàn cảnh gia đình, không lừa dối chị. Bố cho chị xem hình mẹ em và các em, bố em cũng nói với chị là bố yêu gia đình lắm.
– Vậy tại sao chị lại yêu bố em?
– Bố em như thần tượng của chị, chị yêu bố em như tôn thờ thần tượng.
– Chị không nghĩ đến mẹ em à? Rồi tương lai? Mọi chuyện sẽ đi về đâu?
– Chị không hề xâm phạm quyền lợi của gia đình em. Gia đình chị khá giả, chị có công ăn việc làm đàng hoàng. Chị không đụng chạm, ảnh hưởng gì về tài chánh của gia đình em mà. Bố em vẫn đầy đủ bổn phận với gia đình mà!
– Chị Thúy, em rất cảm động về tình cảm của chị giành cho bố em và em rất hãnh diện về bố em nhưng em xin chị hãy chấm dứt. Chị yêu bố em như thần tượng thì xin chị hãy yêu bố em như yêu tài tử xi nê. Em thông cảm được với chị nhưng mẹ em không thể cảm thông đâu. Việc đến tai mẹ em, nhất là các bác, các dì em thì phiền lắm. Rắc rối cho chị lắm chị Thúy ạ.

Thư bàng hoàng không định nghĩa được thế nào là tình yêu. Sao đời lại có những người lãng mạn lạ lùng như vậy, quan niệm về tình yêu quái dị như vậy. Qua mấy chuyến “đi đêm” thuyết phục, cả bố và chị Thúy đều cam kết với Thư là mọi chuyện sẽ chấm dứt. Thư giao hẹn hai mươi tư tiếng cho cả hai người và Thư đi Đà Lạt chơi để bố phải lo tạ tội với mẹ. Hy vọng chỉ còn hai người ở nhà bố sẽ dễ dàng năn nỉ và mẹ dễ nhượng bộ hơn. Chỉ còn hai ngày nữa Thư trở về, chắc là mặt hồ sẽ bình yên, viên sỏi nhỏ rơi xuống chỉ làm vài vòng sóng loang ra và mặt nước sẽ lại phẳng lặng như cũ. Thư thấy yêu bố và yêu mẹ hơn bao giờ.

Thư nghĩ đến các bạn, chắc là họ đang chạy nhảy ríu rít ở trại hầm. Trời chuyển mưa mà không mưa, mây xám đã bay đi, mặt trời ló dạng, những vạt nắng vàng đang quét nhẹ lên cành cây, ngọn cỏ. Anh chị Hòa Trâm thật tốt, đã chia nhau đưa các nàng đi chơi khắp nơi. Trong những ngày qua, các nàng được viếng hầu hết thắng cảnh của Đà Lạt, chỉ có hai thác Pongour và Gougah ở xa và an ninh không bảo đảm nên anh chị đã không đưa đi. Thác Cam Ly và trại hầm ở gần nên anh chị để dành cho hai ngày chót.

Thư hồi tưởng những lần đi chơi, sao các nàng hồn nhiên quá, thân thương nhau quá. Sau đây mỗi đứa một cuộc đời, biết có cơ hội gặp gỡ nhau nữa không. Cảnh thiên nhiên ở đây thật tuyệt vời. Các nàng như ngất ngây tại Thung Lũng Tình Yêu, những thảm cỏ thật xanh, bát ngát. Hồ Than Thở, Rừng Ái Ân đượm vẻ u buồn. Dãy núi Lang Biang bao quanh thành phố, gần như ở đâu cũng nhìn thấy rặng Núi Bà in lên nền trời, mang hình dáng một thiếu phụ đang nằm, hai ngọn núi vươn lên rồi thoai thoải xuống vùng bụng thon. Những thác nước thật hùng vĩ, nước chảy mạnh mẻ, ào ào như thị oai, phô diễn sức mạnh của thiên nhiên.

– Thư ơi, Thư đâu?
Tiếng nhỏ Ngọc đã nheo nhéo dưới nhà. Thư tung chăn chạy xuống.
– Nè, ở nhà tội nghiệp, ta mua cho hai ký mận về làm quà.

Vi đưa bọc mận cho Thư.

Bốn cô nàng khệ nệ bưng những túi, những xách, Thư nhón một quả mận chín vàng, cắn ngập răng, sao nó giòn và ngon thế, vị chua ngọt dịu dàng.

Trang lên tiếng, xuýt xoa:

– Trời ơi, mi ở nhà uổng quá Thư ơi, tụi ta ăn tại chỗ, vừa hái vừa ăn quá đã. Ngon lắm mi ạ. Đến vườn mận của nhà học trò anh Hòa, họ vừa bán rẻ, vừa cân đủ, một kí lô cả một bịch tướng, chả bù mua ở chợ, vừa đắt vừa cân non. Đúng là lãi đơn, lãi kép!

Chị Trâm nhắc nhở:

– Các cô đi nghỉ một chút, ăn cơm sớm rồi tối nay anh chị đưa các cô đi chơi. Chị đã nhờ một chị bạn trông hộ thằng cu Tý. Các cô nhớ mang giầy cho thoải mái nhé. Chúng mình sẽ đi bộ.

Buổi tối trời trong, mây mù đã bay đi hết. Trăng đã khuyết nhưng vẫn sáng vằng vặc trên bầu trời. Lớp sương mỏng, trắng đục bao phủ đường đi. Dù là mùa hè nhưng các nàng vẫn phải mặc áo khoác, mang găng tay, khăn quàng cổ và đội mũ. Con đường trải nhựa đen, hẹp, dốc. Từ nhà đến khu phố chợ không xa, các nàng vừa đi vừa truyện trò rúc rích. Đến góc phố, một bà cụ ngồi quạt than nướng bắp, những trái bắp tươi, hạt bắp đều, mọng sữa. Chị Trâm mua cho mỗi người một trái bắp nướng quệt mỡ hành, vừa đi vừa ăn, ngon ơi là ngon. Rảo bước qua khu Hòa Bình và khu chợ vắng hoe, lác đác ít du khách đi chơi đêm, dân sống ở đây thường rút vào nhà buổi tối. Anh Hòa biến đi một lúc, trở về ôm một túi lớn, phát cho mỗi người một gói đậu phộng và một gói hạt dẻ rang nóng hổi. Cả nhóm đi bộ ra hồ Xuân Hương vào nhà thủy tạ ngồi ngắm mặt hồ về đêm, gió nhẹ, mặt nước gợn sóng lăn tăn. Những cặp nam nữ nép bên nhau, quàng vai nhau chia hơi ấm. Họ có thể là những cặp tình nhân hay vợ chồng mới cưới lên đây hưởng tuần trăng mật. Trang nhớ Khiêm quắt quay. Vi và Thư ngồi bên nhau nghĩ đến ngày phải chia tay. Linh ngồi nhìn nước tư lự. Ngọc phân vân không biết ngày mai trời mưa hay nắng, chương trình đi chơi thác có thực hiện được không.

Cuối cùng các nàng cũng được đi chơi thác Cam Ly như dự định. Ngày cuối ở Đà lạt êm ả trôi qua. Buổi tối năm người bạn ngồi quây quần bên lò sưởi, củi ngo thật thơm, ánh đèn vàng ấm áp. Các nàng bàn đến chuyện tương lai, lên đại học sẽ học gì. Đêm ấy năm nàng cùng ngủ trên chiếc giường lớn, cố dỗ giấc ngủ để sáng mai dậy sớm. Mỗi người lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ riêng cho đến khi cả năm thở đều, chìm dần vào giấc ngủ.

Đúng như sự tiên đoán của Thư, sóng gió trong gia đình nàng đã qua. Bố đoạn tuyệt hẳn với chị Thúy. Mẹ đồng ý cho Thư đi du học nhưng mẹ muốn Thư sang Đức cùng với anh Huy, có anh có em lo cho nhau. Con gái mới mười tám tuổi đến nơi xa lạ một mình mẹ không yên tâm. Thế là Thư chờ ngày đi Đức. Linh đã quyết định đi làm nên chỉ ghi tên vào Văn khoa, hy vọng có thể học những lúc có thì giờ rảnh rỗi. Bốn nàng còn lại đều thi đậu vào trường Dược. Mặc dù thi đậu nhưng Vi không thích những chai lọ con con, Vi không thích chúi mũi vào những con số, những công thức vật lý, hóa học lôi thôi, nếu còn Thư ở đây, có thể Vi sẽ học Dược vì muốn học cùng bạn, nhưng Thư quyết định đi rồi nên Vi nhất định ghi tên học Văn Khoa, chỉ còn Ngọc và Trang vào trường Dược. Năm nàng con gái đã có những ngã rẽ khác nhau, sửa soạn bước vào đời.

Đỗ Dung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét