Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

Cảm Nghĩ Về Dịch Thơ


Từ xưa đến nay, các nhà thơ khi có cảm xúc với một bài thơ nước ngoài nào, thường nảy sinh cảm hứng dịch bài thơ đó. Nhìn trên các trang mạng, thông thường chúng ta thấy đa phần đều dịch thơ chữ Hán và một ít dịch thơ Tây Phương.
Thơ Tây Phương rất hiện thực và ý tứ rõ ràng, ít trừu tượng hay hàm chứa điển tích như thơ Đông Phương. Trái lại, thơ chữ Hán thường thâm sâu, vì quan niệm của tiền nhân thích "Văn Dĩ Tải Đạo", đôi lúc khiến người có cảm xúc dịch  không đúng ý bài thơ nguyên tác.
Có thể do xuất phát từ nguồn cảm hứng, nên việc dịch thơ chưa có một nguyên tắc hay quy định nào rõ ràng. Dù gì đi nữa, chúng ta không thể vì thế mà tùy tiện trong khi dịch thơ. Theo cá nhân tôi, một bài thơ dịch tương đối toàn vẹn, phải cần có những điều căn bản như sau: 

1 - Phải Hiểu Đúng:

- Người dịch cần phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng, cặn kẽ từng chữ, từng câu trong bài thơ.
- Phân tích, suy nghiệm, hầu cảm nhận cái thần, cái ý của tác giả. Để thấy được cái hay, cái đẹp của bài thơ nguyên tác (cho dù bài thơ Nguyên Tác có đúng với bài gốc Nguyên Thủy hay không).

2 - Cần Chính Xác:

- Sau khi đã hiểu được ý của bài thơ, người dịch phải trung thành với ý thơ nguyên tác, phải dịch đúng ý tưởng, đúng cảm nghĩ và đúng với tư duy của tác giả.
- Thơ dịch phải có vần điệu, âm thanh du dương, trầm bổng và tao nhã, để có thể lôi cuốn và làm rung động lòng người đọc.
- Một bài thơ dịch không hề bắt buộc giữ đúng với thể loại của bài thơ nguyên tác. Bài thơ nguyên tác là Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú chẳng hạn thì người dịch có thể dùng thể Lục Bát hay thể Thơ Mới...
- Ngoài ra, trong lúc dịch thơ, ta có thể tự do trong sử dụng từ ngữ, nhưng không làm lệch ý của nguyên tác và tương đối đạt các điều được nêu ở bên trên.
- Không nên sử dụng lại "Chữ" của bài thơ nguyên tác.

  Ngoài các bài dịch tuyệt vời của các bậc Tiền Bối, ngày nay có rất nhiều bài dịch thơ Tây, Tàu rất hay, nhưng vì tôn trọng bản quyền Tác Giả, nên tôi chỉ có thể lấy một số bài dịch của Kim Phượng và Quên Đi, tuy tầm thường nhưng cũng có thể đáp ứng phần nào để làm ví dụ cho những điều được nêu bên trên.

A - Dịch Thơ Tây Phương
 
Les Feuilles Mortes                                              

Oh! je voudrais tant que tu te souviennes      
Des jours heureux où nous étions amis         
En ce temps-là la vie était plus belle,            
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui.         
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle    
Tu vois, je n’ai pas oublié.. .                       
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle     
Les souvenirs et les regrets aussi.                     
Et le vent du nord les emporte                     
Dans la nuit froide de l’oubli.                        
Tu vois, je n’ai pas oublié                             
La chanson que tu me chantais.                    
C’est une chanson qui nous rassemble           
Toi, tu m’aimais et je t’aimais                       
Et nous vivions tous deux ensemble              
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais                 
.Mais la vie sépare ceux qui s’aiment             
Tout doucement, sans faire de bruit               
Et la mer efface sur le sable                          
Les pas des amants désunis.                          
 Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,     
Les souvenirs et les regrets aussi                   
Mais mon amour silencieux et fidèle              
Sourit toujours et remercie la vie.                   
Je t’aimais tant, tu étais si jollie,                     
Comment veux-tu que je t’oublie?                  
En ce temps-là, la vie était plus belle              
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui           
Tu étais ma plus douce amie                         
Mais je n’ai que faire des regrets                  
Et la chanson que tu chantais                        
Toujours, toujours je l’entendrai! 
                          Jacques Prévert 

Thơ Dịch: Lá Khô

   Chuyện chúng mình chắc em còn nhớ
        Đôi bạn tình từ thuở thiếu thời
        Tháng năm thật đẹp trong đời
   Nay vầng dương ấm đã rời còn đâu
       Lá vàng úa nát nhầu từng đống
      Anh còn mê ôm mộng ngày nao
             Lá khô lại cứ gom vào
Mơ về kỷ niệm ngọt ngào luyến thương
   Gió cuốn trôi gió phương bắc thổi
       Đêm rét về lạnh mỗi riêng ta
             Nhớ lần em đã ngân nga
    Làm sao quên được bài ca gieo tình
           Lời ca ấy đưa mình gần lại
       Chuyện lứa đôi ước mãi kề bên
        Cầu cho hạnh phúc vững bền
  Đôi ta đắm đuối bỏ quên tháng ngày
        Làm sao biết đời này suôn sẻ
     Luôn chia lìa những kẻ đang yêu
           Ví như biển cả sớm chiều
    Âm thầm xoá hết bao điều cát lưu
     Từng bước mỏi sầu ưu đeo nặng
           Lá úa vàng lại lặng lẽ rơi
      Tiếc thương kỷ niệm chẳng rời  
Yêu nhau thầm hứa một lời thuỷ chung
    Ôi cuộc sống vô cùng hạnh phúc
    Nàng diễm kiều cuốn hút hồn ta
          Sao em lại muốn anh xa
Thời gian tươi đẹp mặn mà bên nhau
    Nắng sáng hồng mai sau khó thể
        Em dịu hiền anh để vào tim
            Tình ca đâu đã dễ tìm
  Như bài hát cũ nào im trong lòng
                           Quên Đi phỏng dịch
Hay bài:
Il pleure Dans Mon Coeur  Mưa Trong Lòng Tôi

Il pleure dans mon coeur       Lòng chảy giọt đau thương
Comme il pleut sur la ville;   Như mưa đẫm phố phường
Quelle est cette langueur       Ê chề phương nao đến
Qui pénètre mon coeur?       Tràn ngập cả tim ta
Ô bruit doux de la pluie        Ôi tiếng mưa dịu dàng
Par terre et sur les toits!         Nhịp đều trên mái lá
Pour un coeur qui s’ennuie,   Lòng này đang buồn bả
Ô le chant de la pluie!            Nghe mưa hát chẳng vơi
Il pleure sans raison               Nỗi buồn không tên tuổi
Dans ce coeur qui s’écoeure. Phải chăng là phản bội
Quoi ! nulle trahison ?…       Có còn gì để nói
Ce deuil est sans raison.         Lòng không ngừng nhỏ lệ
C’est bien la pire peine          Ôi nỗi đau tồi tệ
De ne savoir pourquoi            Nào biết bởi vì đâu
Sans amour et sans haine       Yêu thương và hờn oán
Mon coeur a tant de peine!    Gặm nhấm khiến tim sầu.
Paul Verlaine                                 Quên Đi

B - Dịch Thơ Hán Tự

      長 干 行  其 一 &
      Trường Can Hành Kỳ 1& 2

1/ 
君 家 在 何 處      Quân gia tại hà xứ
妾 住 在 橫 塘      Thiếp trú tại Hoành Đường
停 船 暫 借 問      Đình thuyền tạm tá vấn
或 恐 是 同 鄉。  Hoặc khủng thị đồng hương.
2/
家 臨 九 江 水      Gia lâm Cửu Giang thuỷ
來 去 九 江 側      Lai khứ Cửu Giang trắc.
同 是 長 干 人      Đồng thị Trường Can nhân
生 小 不 相 識。  Sinh tiểu bất tương thức.
              崔顥                       Thôi Hiệu

Dịch Nghĩa: Khúc Hát Làng Trường Can 1&2

1/
Nhà anh ở nơi nào
Còn nhà em ở tại đê Hoành Dương
Xin tạm dừng thuyền cho hỏi
Có lẽ chúng ta vốn chung một làng
2/
Nhà anh kề bờ sông Cửu Giang
Anh thường qua lại bên sông Cửu Giang này
Đúng là hai ta là người cùng làng Trường Can
Sống ở đó lúc còn nhỏ nên bây giờ không biết nhau.
                                                          Quên Đi
Dịch Thơ:
       Trường Can Hành Kỳ 1 & 2
                              1-
              Ở đâu chàng gọi là quê
   Còn em sống tại con đê Hoành Đường
         Dừng thuyền cho thiếp tỏ tường
Láng giềng hàng xóm như dường cùng nơi
                              2-
            Nhà anh kề cận nơi đây
Hay thường qua lại sông nầy Cửu Giang
          Hai ta người ở Trường Can
 Khi xưa còn bé chung làng chẳng quen

                                   Kim Phượng

Đây là bài thơ Cổ Thể, Kim Phượng đã dùng thể thơ Lục Bát để dịch.
***
        寄 友                            Ký Hữu

亂後親朋落葉空      Loạn hậu thân bằng lạc diệp không
天邊書信斷秋鴻      Thiên biên thư tín đoạn thu hồng
故園歸夢三更雨      Cố viên quy mộng tam canh vũ
旅舍吟懷四壁蛩      Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng
杜老何曾忘渭北      Đỗ lão hà tằng vong Vị Bắc
管寧猶自客遼東      Quản Ninh do tự khách Liêu Đông
越中故舊如相問      Việt Trung cố cựu như tương vấn
為道生涯似轉蓬。  Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.
                    阮廌                                    Nguyễn Trãi

Dịch Nghĩa:
Sau loạn lạc bạn bè thưa thớt như những chiếc lá mùa Thu rơi rụng.
Chân trời dứt hẳn bóng chim hồng nhạn mùa Thu đưa thư. (Chữ ĐOẠN ở đây làm ta nhớ đến câu thơ của NGUYỄN DU trong Kiều: Cạn dòng là thắm DỨT đường chim xanh!)

Canh ba nửa đêm mưa rả rích làm mộng hồn cứ luôn mơ về quê cũ. 
Trong quán trọ lòng cứ trầm ngâm mãi giữa bốn bức vách luôn vang dậy tiếng côn trùng. 
Lão Đỗ đâu có khi nào quên được bờ bắc của sông Vị đâu.
Quản Ninh vẫn còn là thân đất khách của xứ Liêu Đông.
Giá có bạn bè thân quen cũ ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm.
Xin hãy đáp rằng cuộc sống còn xoay chuyển giống như là cỏ bồng, dật dờ vô định.

Đỗ Chiêu Đức

Dịch Thơ:    Gởi Bạn

        Tàn cuộc chiến lưa thưa bè bạn
       Còn bên trời chẳng nhạn tin qua
          Mưa đêm càng nhớ quê nhà
Tiếng trùng hòa tiếng ngâm nga não nề
            Đỗ gia mãi nhớ về Vị bắc
      Ninh ở Liêu ruột thắt đêm ngày           

           Việt Trung nào biết hỏi ai
  Cuộc đời vô định giống thay cỏ bồng.

                                               Quên Đi
Đây là bài Đường Luật Thi, Quên Đi dịch theo thể Song Thất Lục Bát.
***
     晚景               Vãn cảnh
       莫挺之                 Mạc Đỉnh Chi
空翠浮煙色,  Không thuý phù yên sắc
春藍發水紋。  Xuân lam phát thuỷ văn
墻烏啼落照,  Tường ô đề lạc chiếu
野雁送歸雲。  Dã nhạn tống quy vân
漁火前灣見,  Ngư hoả tiền loan kiến
樵歌隔岸聞。  Tiều ca cách ngạn văn
旅顏悲冷落,  Lữ nhan bi lãnh lạc
借酒作微醺。  Tá tửu tác vi huân.

Dịch Nghĩa:
            Cảnh Chiều          
Sắc khói nổi giữa màu biếc của nền trời,
Sóng nước gợn giữa màu xanh của mùa xuân.
Quạ đầu tường kêu trong nắng chiều,
Nhạn ngoài đồng tiễn đám mây về.
Nhìn thấy lửa thuyền câu trước vũng,
Nghe tiếng ca người hái củi bên kia bờ sông.
Vẻ mặt lữ khách buồn ủ ê,
Mượn chén rượu để say chếnh choáng.


Dịch Thơ:
      Cảnh Chiều
Khói toả nền trời biếc
Xuân theo sóng nước lan
Quạ kêu trong nắng xế
Nhạn lạc giữa mây ngàn
Trước vũng đèn câu nhạt
Bên bờ tiều hát vang
Nét buồn trên mặt khách
Mong rượu xoá sầu tan.
                      Quên Đi
Đây là bài thơ Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú, Quên Đi dịch đúng theo thể thơ nguyên tác.
***
Có một điều hết sức thú vị, có thể bài thơ "Mẫn Nông Kỳ 2" được dịch ra theo thể thơ lục bát, phải nói là tuyệt diệu, đã thâm nhập sâu vào giới bình dân Việt Nam, để rồi trở thành bài ca dao và được dùng làm câu hát ru con. Phải hay không? không quan trọng, cái quan trọng nhất là trong kho tàng ca dao của ta có được một bài thơ Lục Bát tuyệt tác.

        Cày đồng đang buổi ban trưa  
 Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày          
              Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.             
                                               (Ca dao)
Mẫn nông Kỳ 2 - Lý Thân
憫農 其二               李紳


鋤禾日當午       Sừ hoà nhật đương ngọ
汗滴禾下土       Hãn trích hoà hạ thổ
誰知盤中飧       Thuỳ tri bàn trung xan
粒粒皆辛苦。   Lạp lạp giai tân khổ.

Dịch nghĩa :Xót cho người làm ruộng kỳ 2

Cày cuốc ngay giữa buổi trưa nắng
Mồ hôi tuôn đổ thấm vào trong đất
Trong bữa cơm có ai hiểu cho rằng
Bao nhiêu hạt cơm là bấy nhiêu khổ cực

Dịch Thơ:
                  1
Cày bừa giữa trưa nắng
Đất thấm bao mồ hôi
Mấy ai hiểu được rằng
Nhọc nhằn tạo hạt cơm

 
                  2
       Giữa trưa cày cuốc ngoài đồng
Mồ hôi tuôn chảy thấm trong ruộng cằn
         Ngon cơm xin nhớ cho rằng
Được bao hạt thóc nhọc nhằn bấy nhiêu.

                                                  Quên Đi
Đây là bài thơ Cổ Thể, Quên Đi dịch một theo thể nguyên tác và một theo thể Lục Bát.
***
         烏衣巷                       Ô  Y Hạng     
   
朱雀橋邊野草花           Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜           Ô  y  hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕           Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。       Phi nhập tầm thường bách tính gia.
               劉禹錫                                Lưu Vũ Tích

Dịch Nghĩa:     Ngõ hẻm Áo Đen

Bên cầu Chu Tước đầy những hoa cỏ hoang dại
Nơi hẻm Ô Y trời đã về chiều
Thuở trước, chim én thường xuất hiện trước nhà Vương Đạo, Tạ An
Nay bay vào những nhà bình thường của trăm họ.

Dịch Thơ:               
                         1/
          Chu Tước cầu cỏ hoa bít lối
           Hẻm Ô Y bóng tối dần lan
         Lầu Vương Tạ én từng đàn
Giờ tìm đến chốn dân gian tầm thường
                        2/
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y ngõ hẻm ánh chiều vàng
Một thời én lượn lầu Vương Tạ
Nay dẫu nhà thường cũng phải sang.                     
                         3/
Cầu Chu Tước hai bên đầy cỏ dại
Hẻm Ô Y bóng xế cảnh chiều tà
Trước có hai nhà Vương Tạ
Thuộc giống dòng quyền quý cao sang
Trong cảnh lầu son én sống an nhàn
Qua năm tháng vật đổi sao dời
Đâu rồi cuộc sống thảnh thơi
Lìa nhung gấm én sống hòa mình nơi trăm họ 
                                                Quên Đi

Bài thơ Ô Y Hạng của Lưu Tích Vũ là bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật, Quên Đi dịch theo dạng Song Thất Lục Bát, Đường Luật Tứ Tuyệt và Thơ Mới.

Trên đây là những bài dịch tuy còn nhiều thiếu sót, nhưng cũng đã thể hiện được phần nào về cách dịch thơ trong thời đại của chúng ta.

Huỳnh Hữu Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét