Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Sống Hay Chết Mộng Hay An Lạc Tỉnh Thức


Thực trạng của đời sống con người trên thế giới hôm nay, nhứt là đời sống ở các quốc gia kỹ thuật tiên tiến, ngày càng trở nên sa đọa và đổ vỡ một cách thảm hại. Văn minh tiến bộ có khả năng đưa con người lên những tinh cầu xa xôi, cũng như nâng cao cuộc sống vật chất, chứ chưa bao giờ mang lại an lạc và hạnh phúc thực sự cho ai.

Chính một triết gia nổi tiếng Tây Phương là Jean Paul Sartre đã phải thú nhận rằng: "Mấy ngàn năm tư tưởng Tây Phương không làm lay đổ được dục vọng của con người." Thật vậy, con người trên địa cầu nầy càng ngày càng bị vật chất lôi cuốn; ngày càng sống theo dục vọng, sống như một cái máy, không còn biết gì đến tình cảm của một con người.
Chính vì vậy mà như chúng ta thấy đó, xã hội Âu Mỹ đã đưa đẩy nhiều người đến bến bờ tuyệt vọng với cuộc sống lê lết trong chán nãn và trống rỗng. Sống chỉ biết có vật chất, không còn chút gì nhân bản; hở ra là bực mình quẩn trí, hở ra là cau có quạu quọ, sống để mà sống, chứ không còn một chút gì gọi là "người." Tại sao lại như vậy ? Tại sao lại có tình trạng sống say chết mộng hay "túy sanh mộng tử" như vậy? Sống như đang sống trong cơn say, còn chết thì như đang chết trong mộng, thì còn gì là ý nghĩa của cuộc sống nầy nữa?
Theo Đức Phật, sở dĩ có tình trạng sống say chết mộng như vậy là vì con người ngày càng xa rời chính mình, xa rời chân tâm thực tánh của mình để chạy theo những ảo ảnh huyễn mộng bên ngoài. Những nội kết tích tụ từ bấy lâu nay trong tâm con người là những đống rác mà con người lại cam chịu sống chung với nó. Chẳng những thế, chúng ta còn cố ý trao truyền những rác rưởi nội kết ấy cho con cái chắt chít chúng ta làm hành trang mang vào đời.

Thật đáng tội nghiệp! Cũng theo Đức Phật, chúng sanh nhứt là con người, muốn giải tỏa những nội kết từ nhiều đời kiếp nầy, phải can đảm đứng lên làm một cuộc tự giải phóng tâm linh, trong đó con người không chối bỏ, không bị lôi cuốn, mà cũng không mù quáng chạy theo cách sống vô hồn của xã hội hôm nay. Ngược lại, hãy đứng trong xã hội mà quán sát cho thật kỹ những gì nên theo và những gì không nên theo, cũng giống như một con người đang đứng trong một căn phòng tối, chưa nhận biết đường nào hướng ra cửa, thì khoan vội chạy ra, vì làm như vậy chúng ta sẽ bị đâm đầu vào tường, sướt trán bể đầu. Hãy định tỉnh một lúc và nhận ra cho được sự vật chung quanh mình, rồi từ đó mà lần ra cửa. Muốn không bị dòng thác vật chất cuốn phăng đi, trước nhất chúng ta phải tự tìm về với chính mình, xem coi mình là ai, mình từ đâu tới đây, và tới đây để làm gì ? Nếu tự biết mình là những người con Phật, dù đã lăn trôi trong vạn triệu kiếp luân hồi, vô thỉ vô chung, nhưng mình biết rằng hôm nay mình tới đây không để tiếp tục lăn trôi nữa, mà ngược lại quyết theo chân Phật, trở về lại quê hương chân như mà mình đã một lần dại dột xa rời. Nếu chúng ta nghĩ và làm được như vậy thì những ảo ảnh phù phiếm của văn minh vật chất sẽ không làm cho chúng ta đánh mất chính mình, do đó mà cuộc sống của chúng ta sẽ an vui và hạnh phúc, cuộc tu của chúng ta sẽ là miên trường giải thoát.

Tuy nhiên, Phật pháp nói dễ khó làm, dễ nói đến độ đứa trẻ lên bảy cũng nói được, nhưng khó làm đến độ ông già bảy mươi chưa chắc đã làm xong. Tại sao vậy ? Ai cũng biết và cũng nói được lấy oán trả oán thì oán thù chồng chất, lấy sân hận đáp lại sân hận, thì sân hận tràn đầy. Ai cũng nói được hận thù không thể xóa bỏ hận thù, nhưng lấy được ân để báo oán, lấy được tình thương để xóa bỏ hận thù không phải là chuyện dễ. Muốn làm được như vậy, chúng ta không có con đường nào khác đâu hỡi những người con Phật! Tu không là nói, mà là hành trì, càng nói càng vọng động, càng nói càng lộng ngôn lộng ngữ, càng nói chúng ta càng cảm thấy mình là cái rún của vũ trụ, càng nói chúng ta càng mục hạ vô nhơn. Hãy rạp mình sát đất mà tu, hãy khiêm cung từ tốn học lấy hạnh, nguyện và đức của chư Phật và chư Bồ Tát mà hành trì.
Hãy sống hòa điệu với mọi người mọi loài, chứ đừng trấn áp một ai, ngay cả những chúng sanh vô tình. Sống mà biết từ bi hỉ xả, biết khiêm cung từ tốn, biết nhẫn nhục, biết đâu là đường chánh nẻo tà, biết bác ái vị tha, thì cuộc sống đó chính là cuộc sống của một bậc thức giả. Sống được như vậy thì cho dù chúng ta có đang ở thành thị hay nông thôn, giữa rừng già hay ngay lòng phố thị, từng bước chân ta đi là từng bước an lạc và tỉnh thức, từng sát na ta sống là từng sát na ta sống thực với chân tâm thực tánh của chính mình. Lúc ấy khổ đau hay hạnh phúc cũng chỉ là những danh từ trừu tượng và vô nghĩa với chúng ta mà thôi.

Nói tóm lại, Phật tử hay không Phật tử, muốn không sống say chết mộng, mà ngược lại luôn được sống trong tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc, chúng ta nên bắt đầu bằng việc tự huấn luyện tâm chúng ta hay tự kềm chế chính mình. Để không phải hết ngày dài rồi lại đêm thâu, ta dong ruổi khắp đó đây tìm cầu, mà tìm chưa được cái nầy thì đã mất cái kia, thậm chí lắm khi chính mình cũng không biết là mình đang muốn tìm cái gì nữa. Muốn không sống say chết mộng, việc rất dễ làm trong cuộc sống hằng ngày là nên cố gắng tiết chế thức ăn, y phục, chỗ ở, vân vân, chỉ giữ những nhu cầu căn bản để cắt đứt tham ái. Thứ đến là mình phải biết mình muốn làm gì và đang làm gì, có nghĩa là mình phải luôn cố gắng duy trì chánh niệm trong mọi tư thế, mọi hoạt động. 
Làm được như vậy, là mình đã làm cho tâm an tịnh và trong sáng. Nhưng sự an tịnh nầy không phải là mục tiêu cuối cùng của mình. Vắng lặng và an tịnh chỉ giúp cho tâm an nghỉ tạm thời, cũng như ăn uống chỉ tạm thời giải quyết cơn đói, chứ đời sống chúng ta không phải chỉ có chuyện ăn với uống. Chúng ta phải dùng tâm tỉnh lặng của mình để nhìn sự vật dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của trí tuệ. Khi tâm đã vững chắc trong trí tuệ, chúng ta không còn bị dính mắc vào những tiêu chuẩn tốt xấu của phàm tình, và không còn bị chi phối bởi những điều kiện bên ngoài nữa. 
Với trí tuệ thì chất thừa thải như phân sẽ trở thành chất phân bón, tất cả kinh nghiệm của chúng ta trở thành nguồn trí tuệ sáng suốt. Bình thường, chúng ta muốn được người khen ngợi và ghét khi bị chỉ trích, nhưng khi nhìn với một cái tâm sáng suốt, chúng ta sẽ thấy khen tặng và chỉ trích đều trống rỗng như nhau. Vậy chúng ta hãy để mọi sự trôi qua một cách tự nhiên để tìm thấy sự an bình tĩnh lặng trong tâm. Nói tóm lại, muốn tránh được cái cảnh sống say chết mộng, chúng ta phải luyện tập cho tâm mình luôn được tỉnh giác, chứ không phải chỉ tỉnh giác trong lúc tu tập hay trong lúc tọa thiền mà thôi. Nói cách khác, từng phút từng giây trong cuộc sống chúng ta đều phải tỉnh giác, đều phải có chánh niệm, có nghĩa là làm cái gì biết mình đang làm cái đó, chỉ đơn giản như vậy thôi. 

Mong cho ai nấy đều tỉnh giác trong mọi việc mà chúng ta đang làm, được như vậy thì tự nhiên chẳng những chúng ta không còn trạng huống sống say chết mộng nữa, mà từng phút giây chúng ta sống là từng phút giây tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc. Mong lắm thay!!!

Thiện Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét