Ngày... tháng 12, 2021
Vừa tiêm ngừa Covid-10 đợt 3, Moderna (booster) tối đến bị hành nóng lạnh cả đêm. Sáng nay đầu óc lừ đừ, đành xin nghỉ ở nhà. Bây giờ đi làm trở lại giống như "nhóm chợ" mỗi ngày. Trước khi ngồi xuống bàn phải lau chùi khử trùng tất cả bàn ghế, dụng cụ, màn hình bàn đánh chữ (keyboard) và cả con chuột (mouse). Rồi khi rời công ty cũng phải lập lại quy trình khử trùng như lúc bắt đầu. Cái tệ hại nhất là phải đeo khẩu trang suốt cả ngày làm việc trong không gian kín, theo đúng quy định. Cũng may mỗi tuần chỉ vào làm việc 2 ngày ở văn phòng... Biến chủng Delta còn đang hoành hành thì nay thêm Omicron một biến chủng mới phát hiện tại Nam Phi. Omicron, con Coronavirus mới này có gấp 3 lần đột biến protein gai và 10 lần sức lây lan so với Delta. Nước Mỹ đã công bố có chủng mới Omicron tại hơn 33 tiểu bang trên toàn quốc. Dự đoán sức lây nhiễm của Omicron sẽ phủ khắp toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà siêu vi trùng và giới y học cho rằng đây có thể là "tin vui" vì Omicron lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm và gây tử vong như chủng Delta.
Chắc chắn chiếc khẩu trang che nửa mặt và Covid-19 sẽ còn ở lại với chúng ta trong nhiều năm tháng tới. Chỉ tội nghiệp những đôi môi, những nụ cười đẹp đều bị che lấp trong đời sống hôm nay.
Nhớ biết chừng nào, những bờ môi ngon một thời đã mất...
Ngày... tháng 12, 2021
Không hiểu sao dạo gần đây, hay "bực mình" vô cớ những chuyện không đâu, mà lẽ ra thường tình trước đây ít khi mình để ý đến? Không chừng người ta nói không sai "càng già càng khó chịu"? Hôm nay ngồi ngẫm nghĩ lại thấy cũng đúng, cũng dễ hiểu. Trước hết là sức khỏe, càng già sức khỏe càng kém đi, mắt mờ tay mỏi. Khi cơ thể không nhiều năng lượng, con người cảm thấy tiêu cực hơn trong phản ứng và suy nghĩ. Kế đến là những định kiến, càng lớn tuổi chúng ta càng lệ thuộc vào thói quen khó chấp nhận cái mới, cái khác với bình thường theo kinh nghiệm sẵn có của bản thân.
Bạn bè cũng thu hẹp hơn, đến không có. Ngày xưa có quá nhiều điều để nói, bây giờ chẳng còn gì để tâm sự. "Một ngày như mọi ngày" và sẽ tệ hại hơn, thì "nói năng chi cũng thừa"? Chẳng lạ gì khi người ta cho rằng "người già thường luôn nhắc chuyện ngày xưa"! Mà chuyện xưa thì bao giờ cũng đẹp, vì đã phần nào được gạn lọc qua bộ nhớ của chúng ta trở thành kỷ niệm. Nhưng có bao nhiêu kỷ niệm cho một đời người? Chắc chắn là không nhiều hơn số lượng ngày tháng mà ta đã sống, đã đi qua.
Ôi dòng đời không ngừng chảy, sao lòng người cứ cạn dần theo năm tháng..?
Ngày... tháng 12, 2021
Vài ngày trước một người bạn văn nghệ trong nước gửi điện thư nói vê một tiếng hát Bolero "triệu views", như một hiện tượng trên mạng kênh Youtube. Có lẽ trong 2 năm vừa qua (2019 - 2021), các sinh hoạt ca hát sân khấu tập trung không còn nhiều nữa, do cơn đại dịch Covid-19 gây ra. Hầu như các ca sĩ đều cố gắng đầu tư, mở rộng những sinh hoạt ca hát của mình trên kênh Youtube và mạng xã hội Facebook. Sân khấu thu nhỏ hơn nhưng khán giả thì nhiều, rộng rãi hơn trên toàn cầu... Tiếng hát Bolero "triệu views" này là ca sĩ Sa Huỳnh.
"Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm
Gác vắng đìu hiu khung cảnh âm thầm
Em ơi người xưa đã ra đi
Không gặp em phút phân ly
Không cho sầu thương đổ bờ mi... " (1)
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc)
Với ca khúc Gõ Cửa, ca sĩ trẻ Sa Huỳnh đã có được hơn 17 triệu lượt người nghe. Đây có lẽ là một trong số lượt người nghe kỷ lục dành cho một ca sĩ mới và trẻ. Ngay từ câu hát đầu tiên ta thấy ngay được tiếng hát thật sáng, ngọt ngào và quyến rũ của Sa Huỳnh. Phối khí hòa âm mới lạ được chuyển tải qua giọng hát truyền cảm, lịm ngọt từng chữ từng câu. Tiếng hát Sa Huỳnh đã thật sự làm mới dòng nhạc Bolero. Người nghe như được thưởng thức một bài hát mới trong ca từ quen thuộc của "Gõ Cửa". Số lượt người thưởng ngoạn đã khẳng định vị trí của ca sĩ Sa Huỳnh trong không gian âm nhạc?
"Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?
Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai?
Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ
Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền..." (2)
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc)
Một lần nữa tiếng hát ngọt ngào, trong sáng của Sa Huỳnh đưa ta về với khung trời của kỷ niệm, của những ngày xưa thân ái để lại cho nhau. Hình ảnh khóm dừa xanh lao xao, áo quần nhăn giấc ngủ, đi tìm chim sáo nở hay trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ... là cả tuổi thơ của chúng ta mà không ai không một lần trải qua! Bài hát cũng thu hút "triệu views" của ca sĩ Sa Huỳnh. Dù tuổi đời của ca khúc đã tròm trèm 50 năm nhưng cứ như mới hôm qua. Nghệ thuật không có tuổi chỉ lấp lánh hơn theo thời gian. Cách hát của Sa Huỳnh rất mới nhưng không làm mất đi phần hồn của ca khúc. Bài hát thật sự đưa tôi trở về với những ngày tháng của một thuở Sài Gòn, của lớp nhạc với thầy Phạm Thế Mỹ. Kỷ niệm mà một lần tôi đã nhớ lại, như lớp sương mờ ký ức thoáng qua.
Âm nhạc là tiếng nói của tình yêu và chân dung của kỷ niệm...
Ngày... tháng 12, 2021
Quán phở nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) quận 3, Sài Gòn. Từ đầu ngõ đã thấy dọc hai bên con hẻm là những chiếc bàn ghế thấp chen vai nhau của khách quán phở Dậu. Mùi phở thơm nồng bốc lên cả một không gian. Đó là lần đầu tiên tôi theo Mai, ngón đàn tranh Lê Thị Mai, đến quán phở này, chỉ cách nhà nàng vài con hẻm. Nhiều ánh mắt dừng ăn, nhìn theo người con gái hơi ốm, cao lêu nghêu với nụ cười "Bao Tự".
Như bao thực khách lần đầu ăn tại quán, tôi ngạc nhiên khi không thấy có giá và đĩa rau sống kèm với hai tô phở. Ngoài hành ngò trong tô phở, là thêm dĩa hành tây cắt mỏng ngâm dấm. Chỉ có vậy. Còn đang phân vân, Mai liền giải thích: "Đây là quán phở chính gốc miền bắc. Anh ăn thử đi, rất ngon và sẽ ghiền cho coi"! Quả đúng như lời Mai, tất cả hương vị của tô phở bò nồng thấm bằng chính nước cốt xương, bánh phở, miếng thịt bò cắt mỏng đậm đà.
Vừa ăn Mai vừa kể về quán phở đặc biệt này: bà Dậu gốc Nam Định, người lập quán phở tại Sài Gòn năm 1958, nên có tên phở Dậu. Bà muốn giữ lại truyền thống của hương vị miền bắc, mặc dù ban đầu rất khó khăn vì thói quen ăn phở của người Sài Gòn phải có tương đen tương ớt, giá và dĩa rau sống. Chính sự khác biệt này, phở Dậu đã trở nên nổi tiếng và có mặt đến bây giờ.
Phở Dậu còn được gọi là "quán phở ông Kỳ", vì tướng Nguyễn Cao Kỳ tư lệnh không quân, phó tổng thống VNCH thường đến đây để mua về hay ăn phở ngay tại quán.
Với tôi, phở Dậu là kỷ niệm người bạn gái học cùng lớp nhạc của thầy Phạm Thế Mỹ và bài hát mãn khóa của Mai, ca khúc "Những Ngày Xưa Thân Ái"... Tuổi trẻ có nhiều ước mơ và bồng bột. Để có hôm nhìn lại, tất cả đã trôi xa, mịt mùng ký ức. Những đánh mất của hôm qua, những ăn năn muộn màng của dĩ vãng chỉ còn lại là nỗi buồn dai dẳng. Nhưng vẫn còn hơn không có gì để nhớ, để thương, để tiếc nuối cho một đời người, như cái giếng khô không cả bóng trăng soi!
Và khi nỗi buồn trôi qua, còn lại là bao kỷ niệm đẹp trong ta!
Ngày... tháng 12, 2021
Chỉ còn vài bữa nửa tháng là hết năm 2021. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua dù chúng ta muốn hay không, chờ đợi hay dửng dưng. Cánh cửa này đóng để mở cho những cánh cửa khác rộng hơn. Một năm đầy ấp bao biến động thương tâm không làm cho nhân loại ngừng lại chỉ để ngậm ngùi, thương tiếc mà hướng đến những điều tốt đẹp mới cho ngày mai.
Cuộc sống và thời gian là hai người thầy tốt nhất. Cuộc sống dạy chúng ta sử dụng tốt thời gian và thời gian dạy chúng ta giá trị của cuộc sống.
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
(1) Gõ Cửa - Mạnh Quỳnh
(2) Những Ngày Xưa Thân Ái - Phạm Thế Mỹ
Người Chợ Vãng
(1) Gõ Cửa - Mạnh Quỳnh
(2) Những Ngày Xưa Thân Ái - Phạm Thế Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét