Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Đường Đi Xuống Bãi Mill Một Ngày Xuân

 

So với những ngày còn Adam, đường xuống Bãi Mill mấy tuần nay vẫn thế. Vẫn những con mèo đi loanh quanh trong sân nhà người, vẫn ông già thiếu một chân, dựa vào nạng gỗ lê từng bước ngắn ra lấy báo trước nhà, vẫn những con chó bị cột, nằm sủa âu âu cho đỡ sầu đời, vẫn tiếng chim hót vô tư trong lùm cây, vẫn tiếng thác đổ vội đổ vàng từ trên nguồn, vẫn những căn nhà đóng cửa kín mít, không hề thấy một bóng người ra vô, dù trong gara có xe, vẫn tiếng gõ bong bong vào thanh sắt, đều đều như tiếng tụng kinh và đặc biệt, vẫn Earl, dáng người thấp bé, tóc dầy bạc phơ, với kiểu tóc có một không hai. Dường như ai đó đã dùng một cái tô đặt lên đầu ông già, rồi kéo dọc theo thành tô để thành kiểu tóc độc đáo. Ông này, nhìn từ xa, ai cũng nhận ra. Ngoài tướng đi lẹp xẹp, ông ta luôn mặc một chiếc áo thun cũ dài quá đầu gối, màu mỡ gà, lốm đốm nhiều lỗ rách nhỏ to. Cái quần short của người khác thành quần dài gần tới mắt cá chân của ông. Earl có thú trồng cây. Trong mảnh vườn nhỏ trước nhà, ông hết trồng hàng cây khoai mì tại nơi này rồi lại đổi ý, nhổ lên, trồng nơi khác. Hơn bốn năm nay, tôi chưa hề thấy một cây nào ở lâu đủ để cho củ.

Thế rồi, một ngày kia, bất ngờ có một thay đổi nhỏ nơi cuối con đường. Người đàn bà gốc Gia Nã Đại, sau khi chồng chết, không thể liên tục đối phó với những đòi hỏi vô lý của thành phố, đã chịu thua, rời xa vĩnh viễn Thiên Đàng Hạ Giới. Chủ mới đã cho dựng một cánh cổng gỗ, dẫn vào một con đường khác. Giờ giấc thì hạn chế hơn, chỉ từ 6:30 sáng tới 6:30 chiều.

Thay đổi này, có lẽ Adam không biết, vì đã mất hơn năm nay. Thời gian quả là thuốc tiên. Đối với tôi, thuốc có giúp, dù nồng độ chỉ thoang thoảng như trầm hương. Những lần đầu đi bộ một mình trên con đường này, tôi khóc mãi, khiến ai thấy cũng ái ngại cảm thương. Tôi có muốn ai buồn lây! Nhưng khi đi lại con đường ngày xưa hai đứa hay đi qua cả trăm lần, sau khi bước qua chiếc cổng mắt cáo, rồi dừng lại gốc cây nơi Adam hay nhắc tôi đọc kinh Lạy Cha, rồi cầu nguyện, “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn thì con sẽ khỏi, để con tiếp tục làm công việc cho Chúa với đôi tay của con. Bằng không thì con vâng theo Thánh Ý Chúa”, tôi không thể chống cự được sự nhức nhối của con tim, vì Adam của tôi đã không còn nữa!

Hôm qua là lần đầu tiên, tôi đứng lại gốc cây cổ thụ có dấu mộc của chồng mà tôi không nhỏ lệ. Sau khi đọc kinh Lạy Cha, tôi đã ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy mây trắng, thử tìm một mảnh mây có hình chữ A. Tôi khấn thầm, “Chúa ơi, cho con thấy chữ A, dù một lần, để con đỡ nhớ Adam của con!” Mây hình mèo, hình chó xù, hình voi vịn vào vai nhau, hình này hình kia mà tại sao chỉ một chữ A đơn giản mà tại sao tôi không thấy?

Ngày Lễ Valentine năm ngoái, khi vào thăm Adam trong Hospice, tôi mang một quả bóng viết “I Love You”. Khi ấy, Adam đã không còn nói, không còn mở mắt, không còn ăn uống, dù chỉ mới hôm trước, Adam còn nhìn tôi thều thào “You are so beautiful!” sau khi ăn hết một bát risotto với dầu truffle do tôi đút từng thìa. Cái miệng mở ra như con chim con…

Ngày Lễ Valentine năm nay, tôi tìm thấy trong tủ một tấm thiệp có từ bao giờ. Bên ngoài in bốn chữ “You fill MY heart”, điểm sáu hình quả tim to nhỏ, bên trên đính hình một lọ thủy tinh, đầy những hình quả tim to nhỏ màu hồng, màu đỏ. Bên trong viết thêm “... WITH lots OF love” kèm thêm bốn hình quả tim nữa. Tự dưng, không hiểu vì sao tôi giận người đã khuất quá chừng.

Cầm cây bút Bic, tôi viết nhanh, “Woofer, you’ve been silent too long! You'll have to make up to me when I see you again in Heaven!” Hàng dưới cùng, tôi đề: “I promise”. Thấy tôi có vô lý không? Làm sao Adam có thể cãi lại Ý Chúa, khi Chúa ngoắc tay gọi về sáng sớm hôm đó? Sự vô lý này của tôi có làm cho Adam buồn, ngoài sự mất vui, khi thấy vợ nhớ thương, than khóc mỗi ngày trong căn nhà quá trống vắng này? Một ngày có 24 tiếng. Tôi làm gì để trám hết mười mấy tiếng khi thức? Khi đi đâu, làm gì thì cũng chỉ vài tiếng là phải về nhà. Những khi ở đâu một mình, khi lái xe đi chợ, ngồi trên máy bay về thăm nhà, khi nằm trong cabin của tầu thủy, khi đi du lịch với bạn hữu, với thân nhân… mọi nơi, mọi góc đường tại thành phố này, trên đảo kế bên, kể cả mọi nơi chốn bên tiểu bang đó, nơi chúng tôi sống với nhau mấy chục năm, hay tiểu bang khác, tôi không biết làm sao ngăn được nước mắt.

Một mình. Sao tôi sợ hai chữ này! Với tôi, một mình bây giờ đồng nghĩa với sự thinh lặng tột cùng, với sự cô đơn cùng cực, với nỗi trống vắng trải dài như một dòng nham thạch âm thầm phủ lên một tấm voile mỏng màu hồng nhạt tôi mới trải ra vội vã! Một mình là lúc con tim tôi làm chủ lý trí. Một mình là lúc tôi chịu thua, bỏ cuộc, để cho dòng nước mặn chẩy dài trên má, trên môi. Một mình là khi tôi biết được là tiếng nấc sắp sửa thành tiếng khóc. Tại sao một người với chỉ có nhiêu đó nguyên tố mà có thể để lại ảnh hưởng quá sâu xa cho nửa đời của người kia bị ở lại? Nước mắt tôi ơi, sao không cạn đi cho nhanh? Ai biết được cái nút đóng, mở của dòng lệ thì làm ơn làm phước chỉ dùm tôi!

Tôi biết Chúa đã thương chồng tôi mà cho Adam ra đi đúng lúc. Từ khi biết bị bệnh cho tới khi mất chỉ có bảy tháng và chỉ ở mười ngày trong Hospice. Tới đây tôi phải cố gắng lắm để gõ tiếp.


Trời ơi, mấy tháng nay, tôi tưởng tôi có thể khoe cái chăn màu sặc sỡ tươi vui, cho gia đình, cho bạn hữu, để thấy là tôi đã trở lại bình thường. Nhưng tại sao, sau 392 ngày, tấm chăn này vẫn chưa may xong? Ngày nào tôi cũng phải tháo ra, tháo vào, may lại. Ô vải này sao mà chỉ tuyền một màu xám? Ô vải này sao buồn đứt ruột? Ô vải này sao cứ đẫm ướt?

So với những mùa khác tại nơi này của Đảo Lớn, mùa Xuân năm nay không có nhiều thay đổi, kể cả con đường đi xuống bãi Mill. Ai còn trẻ vẫn đi làm. Trẻ con vẫn đi học. Gà vẫn gáy. Chó vẫn sủa. Mèo vẫn nằm nhàn rỗi ngắm ông đi qua bà đi lại. Có khác chăng là một người từng có đôi, có cặp, có người để thương để yêu, để đồng hành, giờ đã lẻ bóng.

Khổng thị Thanh-Hương

1 nhận xét: