Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Canh Lậu Tử Kỳ 5 更漏子其五 Ôn Đình Quân (Vãn Đường)

 

(Từ)

Ôn Đình Quân (溫庭筠, 812-870), vốn tên Kỳ (岐), tự Phi Khanh (飛卿); là nhà thơ, và là nhà làm từ thời Vãn Đường.

Ông là người đất Kỳ, phủ Thái Nguyên (nay là huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây), là cháu nội của Ôn Ngạn Bác, tể tướng triều Đường Cao Tông.

Ông thông minh, giỏi văn thơ, âm nhạc ; nhưng dung mạo xấu xí và có tính phóng đãng. Ông thường cùng bọn con em vô lại các nhà quý tộc ra vào nơi ca lâu, rượu chè, bài bạc, say đắm nữ sắc, vì thế bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, suốt đời không đỗ được tiến sĩ.

Có một thời, ông hay lui tới nhà quan tướng quốc Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), nhưng sau vì việc riêng, Hồ Đào đâm ra ghét ông.

Đến khi người ông quen là Từ Thương đi trấn giữ Tương Dương, ông được theo làm tuần quan, nhưng rồi vì bất đắc chí, ông xin thôi chức để sống đời phiêu lãng.

Mãi đến khi tuổi đã cao, đời vua Đường Tuyên Tông, ông mới nhận làm chức úy ở Phương Thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866, ông được cử làm chủ thí, cuối cùng làm Quốc tử trợ giáo. Sau, ông lại bỏ chức, từ giã kinh thành Trường An, đi lưu lạc giang hồ cho đến khi mất.

Trước đây, người ta thường coi Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là hai nhà thơ cùng một phái, và gọi là “Ôn Lý”. Song, theo các nhà nghiên cứu văn học gần đây, thì gọi như thế có phần không chính xác, vì phong cách nghệ thuật của hai ông rất khác nhau. Về thành tựu thơ ca, Ôn Đình Quân còn kém xa Lý Thương Ẩn, vì thơ ông có phần “phù phiếm, nông cạn, thiếu những tình cảm chân thành”; nhưng nói về từ thì ông có nhiều bài rất đặc sắc. Từ của Ôn Đình Quân hiện còn hơn 70 bài trong Kim thuyên tập, nội dung hầu như đều viết về phụ nữ, về những mối sầu tương tư; và lấy màu sắc nồng đượm, lời lẽ hoa mỹ, tạo thành phong cách “thơm tho mềm mại, tràn ngập hương vị son phấn” của riêng ông. Phong cách này có ảnh hưởng đến các nhà làm từ đời sau, hình thành “Phái trong hoa” (Hoa gian phái) mà ông được tôn vinh là người đứng đầu.

Cho nên khi nói về từ đời Đường, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã có lời khen ngợi từ của ông như sau:

Từ Ôn Đình Quân rất diễm lệ, lại sáng tác được nhiều điệu mới, ảnh hưởng đến đời sau rất nhiều. Ông đứng đầu trong nhóm từ gia có tác phẩm chép trong bộ “Hoa gian tập”. Ông chiếm một địa vị đặc biệt ở giữa cái thời thơ suy mà từ thịnh.

Tác phẩm của ông có Hán Nam chân cảo và Ác Lan tập, song đều tán lạc không còn nhiều.
(Phỏng theo Thi Viện)


Nguyên tác.       Dịch âm.

更漏子其五      Canh Lậu Tử Kỳ 5

背江樓             Bối giang lâu,
臨海月             Lâm hải nguyệt,
城上角聲嗚咽 Thành thượng giốc thanh ô yết.
堤柳動             Đê liễu động,
島煙昏             Đảo yên hôn,
兩行征雁分     Lưỡng hàng chinh nhạn phân.

京口路              Kinh Khẩu lộ,
歸帆渡              Quy phàm độ,
正是芳菲欲度  Chính thị phương phi dục độ.
銀燭盡              Ngân chúc tận,
玉繩低               Ngọc Thằng đê,
一聲村落雞       Nhất thanh thôn lạc kê.

Chú giải

背 bối: (Động) Cõng, đeo, vác, gánh, gánh vác.
臨 lâm: từ trên cao nhìn xuống.
角 giốc: sừng bò, tù-và, ốc.
玉繩 Ngọc Thằng: Con Cò không biết rõ chòm sao này; nhờ Đạo Mò tìm giùm.

Dịch Từ

Canh Lậu Tử Kỳ 5

Tựa lầu sông,
Nhìn trăng sáng,
Tiếng ốc trên thành ai oán.
Liễu đê động,
Đảo mờ sương,
Nhạn bay chia đôi đường.

Bến Kinh Khẩu,
Thuyền về đậu,
Ngày xuân tươi đẹp trôi đâu?
Nến bạc tắt,
Ngọc Thằng sa,
Trong thôn một tiếng gà./.

Lời bàn

Bài từ tả tâm trạng của một người đàn ông lúc tuổi già, trước phong cảnh gợi nhớ (lầu sông, trăng sáng, tiếng ốc, liễu trên đê, nhạn chia đôi đường):
Câu 1, 2 & 3:
Trên lầu sông (tại một cửa biển); Nhìn trăng biển (ở trên lầu nhìn xuống bóng trăng ở dưới biển); Chợt nghe tiếng ốc trên thành ai oán (câu 3 báo hiệu chuyện buồn sắp tới).
Câu 4, 5 & 6:
Liễu trên đê lay động; Hòn đảo mờ hơi sương; Đàn nhạn bỗng chia đôi đường (chàng sắp phải ra đi: đó là chuyện buồn mà câu 3 đã báo hiệu trước).
Câu 7, 8 & 9:
Trên bến đò ở đường Kinh Khẩu; Nhìn thuyền trở về bến đậu (thuyền đánh cá sáng ra khơi, chiều về bến đậu); Là biết một ngày ngắn ngủi đã trôi qua (ngụ ý cuộc đời ngắn ngủi).
Câu 10, 11 & 12:
Ngọn nến bạc trong phòng đã cháy hết; Chòm sao Ngọc Thằng xuống thấp; Nghe một tiếng gà trong thôn (báo hiệu đêm ngắn ngủi sắp tàn và một ngày ngắn nữa sắp tới….! (Ngụ ý vui-buồn tuần hoàn, ngày nọ tiếp nối ngày kia).
Lữ khách (tác giả) đã qua hết mùa ái ân, nhìn thời gian còn lại của đời mình, buồn man mác.

Con Cò
***
Canh Lậu Tử Kỳ 5

Tựa lầu sông
Ngắm trăng biển
Tù và trên thành nấc nghẹn
Đê liễu động
Đảo mờ sương
Hai hàng nhạn chia đường
Kinh Khẩu lộ
Thuyền về đỗ
Là lúc ngày xuân sắp bỏ
Tàn nến bạc
Sao Thằng tà
Trong thôn một tiếng gà.

Ngắm trăng biển, trên lầu sông
Tù và nấc nghẹn thành không vật vờ
Liễu đê lay động, đảo mờ
Hai hàng chinh nhạn bơ vơ chia đường

Lộ Kinh Khẩu thuyền về nương
Là khi ngày tháng nõn nường sắp qua
Tàn nến bạc, sao Thằng tà
Nắng lên nghe vẳng tiếng gà cuối thôn

Lộc Bắc
Jul22
***
Canh Lậu Từ Kỳ 5.

Tự lầu sông
Trăng biển ngắm
Thành vọng tiếng kèn buồn thẳm.
Đê liễu phất,
Đảo sương dày,
Rẽ đôi đàng nhạn bay.

Kinh Khẩu bến,
Buồm xuất hiện,
Đúng lúc mùa xuân vội biến.
Lệ nến cạn,
Ngọc Thằng sa,
Vọng trong thôn tiếng gà.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.

Apr.5/2023.
***
Canh Lậu Tử Kỳ 5

Tựa lầu sông,
Nhìn trăng biển,
Tiếng ốc trên thành thê thiết.
Liễu đê động,
Đảo sương lan,
Nhạn bay rẽ đôi hàng.

Đường Kinh Khẩu,
Thuyền về đậu,
Đúng lúc xuân tàn, hoa xấu.
Đèn bạc tắt,
Ngọc Thằng xoay,
Tiếng gà vang đó đây.


Bát Sách.
***
Canh Lậu Từ Kỳ 5

Bên lầu sông
Trăng mười tám
Tiếng ốc thành xa… ảm đạm
Đê liễu động
Đảo sương mờ
Song nhạn đôi cánh phất phơ

Kinh Khẩu hiện
Thuyền ghé bến
Ngày dần phai, chiều hấp hối…
Nến lụn bấc
Ảnh sao tắt
Thôn xa rộn rã tiếng gà


Lục Bát

Trăng cao, trăng chếch lầu song
Thành xa tiếng ốc hư không vọng về
Đảo mờ liễu rũ bên đê
Trời sương nhạn trắng mỏi mê đường dài
Bến Kinh Khẩu hiện thuyền ai?
Chiều gom vạt nắng mờ phai dốc đồi
Đêm tàn nến lụn sao rơi
Tiếng gà như giục nắng cời bình minh

Kiều Mộng Hà
April05th2023
***
Canh Lậu Tử Kỳ 5 – Ôn Đình Quân
更漏子其一 - 溫庭筠

Vài sách có mộc bản của bài từ này:

Hoa Gian Tập - Đường -( Hậu Thục )Triệu Sùng Tộ 花間集-唐-(後蜀)趙崇祚
Hoa Am Từ Tuyển - Tống - Hoàng Thăng 花菴詞選-宋-黃昇
Hoa Thảo Đọt Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Ngự Tuyển Lịch Đại Thi Dư - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選歷代詩餘-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Canh Lậu Tử 更漏子: một điệu từ gồm 46 chữ, chia làm 2 đoạn, đoạn trước có 2 vần trắc và 2 vần bằng, đoạn sau có 3 vần trắc và 2 vần bằng. Còn có tên gọi là Phó Kim Thoa, Độc Ỷ Lâu, Lật Thúy Tụ…Các tác phẩm tiêu biểu như Canh Lậu Tử - Liễu ti trường của Ôn Đình Quân", "Canh Lậu Tử - Chung cổ hàn của Vi Trang.

Các chữ trong câu phải có thanh bằng trắc như được ấn định trong từ phổ được chép lại trong bản bên dưới. Có thể có dị bản với số chữ và thanh vận khác hơn bên trên.

Canh: đơn vị đo thời gian ngày xưa, một đêm chia làm năm canh

Lậu: nhỏ giọt.

Canh lậu: để đo thời gian, người xưa sử dụng thùng đồng đựng nước, có dùi lủng một lỗ nhỏ để nước nhỏ ra từng giọt, nước đầy thì cái thẻ khắc giờ nổi lên, xem phân số nhiều ít thì biết được thì giờ đã trôi qua.

Tử: viết tắt chỉ bài hát.
Hai kiểu đồng hồ cổ xưa
Giác: sừng, tên nhạc cụ cổ như kèn, tù và.
Đảo yên hôn: sương mù ban đêm của đảo Thủy Châu mờ ảo.
Kinh Khẩu: Trấn Giang, Giang Tô ngày nay.
Độ: đi từ chỗ này đến chỗ khác.
Độ: sắp qua.
Ngọc Thằng: dây ngọc, tên sao, chỉ hai sao phía bắc của Ngôi sao thứ năm (Ngọc Hành) trong nhóm Bắc Đẩu. 

Mời nghe Canh Lậu Tử:

国乐大典 沙纤沵 古琴演奏《更漏子》
《更漏子》-北京电影学院大三联合动画短片《伴羽人》印象曲
「黄霄雲×欢天喜地七仙女」绝美嗓音《更漏子》掀起一波回忆杀~

Phí Minh Tâm

1 nhận xét: