Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Các Đặc Tính Và Cuộc Thiên Di Của Loài Chim Ruồi - Hoa Vô Ưu Và Hoa Ưu Đàm


Một buổi sáng ra ngoài vườn bất chợt thấy một con chim nho nhỏ, xinh xinh với bộ lông sặc sỡ các màu đang bay vù vù tại một bông hoa hay chuyền vun vút từ chùm hoa này sang chùm hoa khác để nhâm nhi các nhụy hoa hẳn lòng ta sẽ cảm thấy khoan khoái được ngắm một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt vời. Bày chim tí hon đó đã làm cả một góc vườn tươi sáng và linh động hẳn lên, tiếc thay chúng chỉ có tại Tây bán cầu và nhiều nhất là tại vùng Bắc Mỹ và Trung Mỹ. 

Khi chúng bay, tiếng vỗ cánh với nhịp điệu rất nhanh khoảng từ 60 tới 90 trong một giây đã phát ra những âm thanh nghe tưà tựa như hum...hum...nên do đó chúng được đặt tên là hummingbird. Với những nước không có hân hạnh được nghe tiếng vỗ cánh của chúng thì dựa trên hình dáng bé nhỏ mà gọi chúng là chim ruồi, hay chim ong, còn với ai vẫn muốn gọi chúng theo âm thanh của cánh vỗ thì gọi chúng là chim vù vù. Người đặt tên chúng là chim vù vù theo tôi biết là Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo tại Hoa Kỳ, hẳn là sau khi đã quan sát và nghe được âm thanh chúng phát ra khi bay. Tuy nhiên khi chim ruồi bay cực nhanh thì tiếng vỗ cánh của chúng lại nghe giống như tiếng đạn réo hay tên bay với âm rất bổng. 

Tại Canada có tới 5 loại chim ruồi, chia ra tới khoảng 320 chi: loại chim nhiều nhất tại đây là lọai chim có một vòng lông đỏ ở cổ nên được gọi là chim cổ-đỏ hay hồng ngọc thường trú ngụ từ miền đông Alberta trải dài tới Nova Scotia là tỉnh bang tiếp giáp với Đại Tây Dương. Loại thứ hai hiếm hơn, chỉ thấy tại miền tây Canada, có bộ lông hung hung nâu. Trong năm loại chim ruồi này chỉ có loại cổ-đỏ và loại nâu-hung là di tản theo muà.

Vùng Cư trú của chim ruồi cổ-đỏ 

Hình dạng 

Chim ruồi có các đặc tính về hình dạng như sau đây: 
- Chim ruồi thuộc loại chim nhỏ nhất, nặng trung bình khoảng 3 gr, riêng loại chim ruồi cổ-đỏ thường chỉ nặng có 2 g tới 3 gr, còn nhẹ hơn đồng 5 xu. 
- Kích thước chiều dài từ đầu mỏ tới cuối đuôi trung bình là 7.5 cm tới 9 cm, vưà bằng ngón tay trỏ hay dài hơn chút ít. 
- Chỉ chúng mới biết bay đứng nguyên tại chỗ và bay lùi. 
- Chúng bay trung bình 22 m một giây và có thể nhanh tới 20 - 30 mi một giờ. Khi chúng bổ nhào từ trên cao xuống thì không khác gì một mũi tên bắn với tốc độ lên tới 60 mi/giờ, vưà bằng tốc độ thường lệ của xe hơi trên xa lộ. 
- Chúng quyết liệt bảo vệ nguồn thực phẩm của chúng, nhụy hoa và vị trí quanh đó. Chúng cũng xông ra trận với chiến thuật hẳn hoi, khi thì bay sát hai tai địch thủ , khi thì tung vọt lên cao rồi lao bổ xuống thấp, vừa vỗ cánh thật mạnh vưà kêu lên inh ỏi ra điều quyết chiến. Đôi khi những kẻ xâm lăng như diều hâu, rắn chúng cũng không chịu khuất phục và chống trọi một cách dũng cảm. 
- Có hai loại tại Canada di tản hàng năm theo muà trong đó có hành trình bay qua vịnh Mexico 800 km 
- Chúng khéo léo làm tổ trên cây giống hệt như một cái mấu cây 
- Chúng đập cánh nhanh trung bình 55-75 lần một giây. 
- Chúng có thể nhìn xa tới 1.2 km. 
- Chúng rất thông minh. Chúng có bộ não lớn hơn các loài chim khác, chiếm tới 10% trọng lượng toàn cơ thể. Chim ruồi có thể nhớ được bông hoa nào chúng đã từng hút mật và biết được một bông hoa cần bao nhiêu thời gian để tái tạo lại mật hoa. 

Vì loại chim cổ đỏ có nhiều nhất tại Canada nên bài này chỉ đề cập tới chúng mà thôi. 
Con đực có bộ lông lưng xanh biếc màu lá cây và bóng loáng nên trông giống như một viên thúy ngọc, bộ lông bụng màu trắng nâu và đặc biệt có bộ lông cổ đỏ hay vàng sẫm vì vậy có tên là chim ruồi cổ-đỏ hay cổ-hồng-ngọc. Con cái cũng có bộ lông tương tự nhưng lông cổ thì màu nâu nhạt và những lông bên ngoài cùng đôi khi có những điểm trắng. Mỏ của chúng thon nhỏ, nhọn hoắt và thẳng dài không khác gì một mũi kim. Lưỡi của chúng rất dài thường dùng để hút nhụy hoa. 

Thực phẩm 

Thực phẩm chính của chim ruồi là nhụy hoa và các côn trùng, chúng thường thè vào trong hoa một cái lưỡi dài và vừa bay vừa hút mật, đôi khi phải dùng mỏ để xé rách cánh hoa ra cho dễ mút. Chim thường thích những hoa sặc sỡ nhất là màu đỏ rồi đến màu cam chẳng hạn như hoa dâm bụt. Chim ruồi cũng có vai trò giống ong là truyền nhụy cái sang nhụy đực và ngược lại. 

Đường là nguồn năng lượng chính mà chim ruồi sử dụng để bay và mật hoa là nguồn cung cấp đường tốt nhất cho chim ruồi. Mỗi giờ, chim ruồi hút mật hoa từ 5 - 8 lần, mỗi lần từ 30 - 60 giây. Chim ruồi thường hút mật hoa của khoảng 1.000 bông hoa mỗi ngày. Ngoài ra, chim ruồi còn ăn côn trùng để nạp đủ lượng protein. 

Những người muốn cho chim ruồi tới thăm vườn mình thường làm môt dung dịch một phần đường với bốn phần nước để trong một cái đĩa hay bát nhưng cần phải đun sôi để tránh sự lên men và thay dung dịch mỗi tuần. Chim ruồi khi quen với người nuôi thường quay trở lại hàng ngày và ngay cả sau khi di cư đi chỗ khác tới 8 tháng vẫn biết tìm về ngay boong chỗ cũ vì chim biết đánh dấu.bằng cách quệt mỏ vào chỗ ăn uống. 

Chim ruồi tình tự 

Chim ruồi cũng có nghệ thuật tán tỉnh và tình tự một cách đặc biệt, chim đực thường biểu diễn tài nhào lộn khoảng 2 tới 3 m trên không trung ngay trên đầu chim cái, rồi càng ngày càng tiến sát, vỗ cánh vù vù càng mạnh với vận tốc ngày mỗi nhanh. Tiếp đó cả đôi bay như tên bắn tới một địa điểm khác và cuộc nhào lộn lại tiếp diễn cho tới khi chim cái xiêu lòng và chịu tặng ân huệ cuối cùng. 

Khi có thai và sinh con, thường là hai trứng và hai con, chim đực không tham dự gì vào việc nuôi dưỡng cả và cứ tiếp tục rong chơi. Chim cái tự làm tổ ấm lấy và nhả ra các sợi tơ cuốn chặt các lá cây cho dính lại giống như một cái mấu cây. 

Trứng của chim ruồi trông giống như một hạt đậu xanh (pea) và được con cái ấp ủ rất cẩn thận và khi cần đi ăn uống cũng bay theo một đường rất kín đáo để khỏi lộ hình tích. 

Trứng thường nở sau 11-14 ngày ấp, chưa có lông che, mắt nhắm tới 5 ngày mới mở ra và lông bắt đầu mọc. Những con chim non này rời tổ sau khoảng 2 tới 4 tuần tuy đôi khi vẫn còn được chim mẹ nhét thẳng nhụy hoa vào miệng. 

Cuộc thiên di 

Chim ruồi cổ-đỏ trú ngụ muà đông tại Trung Mỹ và Mexico. Khoảng cuối tháng 7 hay đầu tháng 8 mỗi năm chim bắt đầu rời khỏi Canada, chim đực bay trước rồi chim cái theo sau, còn những chim non tới tháng 9 mới khởi hành và tới tháng 10 thì không còn bóng dáng chúng nữa, trong khi tại miền nam Ontario, tại địa điểm Hawk Watch người thích tới ngắm chim đếm được cả hàng ngàn chim ruồi bay qua đây để tìm về miền nam nắng ấm. 

Một số chim ruồi bay thẳng qua vịnh Mexico trong khi một số khác bay theo lối Texas rồi Mexico. Chúng cũng nghỉ dọc đường từ vài phút tới vài ngày tuỳ theo nơi dừng cánh có nguồn thực phẩm dồi dài hay không. 

Tới muà xuân, khoảng tháng 5 chim ruồi lại bay ngược trở lên miền Bắc theo hệt như thứ tự kể trên, trung bình khoảng 30 km mỗi ngày. Trước khi Bắc tiến, chim ruồi đều trút bỏ lông vũ cũ để có một bộ lông cánh mới lành mạnh hơn trong cuộc thiên lý trường chinh. 

Trước kia, người ta không tin rằng chim ruồi bé tí teo như vậy mà có thể bay cả hàng ngàn cây số du giang nam rồi giang bắc nhưng sự thật là vậy qua những sự chứng kiến tại các điạ điểm chúng bay qua như Point Pélée hay Fort Stanley hoặc bay thẳng qua luôn cả vịnh Mexico. 

Sự bảo chủng 

Chim ruồi tương đối có cuộc sống không bị đe doạ nghiêm trọng mặc dầu vẫn có nhiều biến cố có thể ảnh hưởng tới sự bảo toàn nòi giống như thời tiết nhất là gió sương, bão táp và các tai nan khác như mắc phải mạng nhện, bị các loài chim khác tưởng chim ruồi là côn trùng và khi bay thấp quá cũng bị cá đớp nữa. Tuổi thọ trung bình của chúng khoảng 3 tới 5 năm. 

Trong khi di cư, chim ruồi thường vỗ cánh khoảng 20 tới 80 lần một giây nhưng khi bay gấp tần xuất có thể lên tới trên 1,000 một phút. Nhịp tim trung bình của chim ruồi chừng 225 một phút nhưng khi bay xa và nhanh nhịp tim đập nhanh tới 1,260 lần một phút. Nhịp thở trung bình của chúng là 250/phút. Ngoài ra để có đủ năng lương trong chuyến bay chúng phải ăn trước khi khởi hành để sức nặng tăng lên thêm 25% tới 40% của toàn thân. Tương ứng như vậy thì một người phải ăn tới 300 cái hamburger mỗi ngày trước khi bay. 

Chúng thường bay là là trên đỉnh các ngọn cây hay trên mặt nước và thường khi cũng nhờ sức gió như các loài hạc hay ngỗng. Chúng có thể bay liền 18 tới 20 giờ không ngừng nghỉ. 

Tấm gương cho đời 

Chim ruồi được người đời yêu mến và ca tụng vì tượng trưng cho những đức tính sau đây: 
- niềm vui sống và yêu đời 
- linh động thích ứng với hoàn cảnh hay cách xử thế 
- chịu đựng, kiên trì 
- quyết chiến để bảo vệ nguồn sinh sống tức chùm hoa mật ngọt 
- sứ giả tâm linh theo tín ngưỡng của thổ dân. 

Chim ruồi bay đứng để hút nhụy hoa 

Hài-Cú Về Chim ruồi 

Đừng buồn nữa em ơi!
Chim ruồi vỗ cánh vù vù mách:
Hoa vườn đầy mật tươi.

Cánh vỗ náo loạn vườn
Mỏ mài nhọn hoắt như gươm sắc
Quyết bảo vệ hoa hương

Sà xuống tự mây trời
Như tên vù vù, đạn vun vút
Một viên bích ngọc rơi

Trời xanh không gợn mây
Lấp loáng những sắc màu rực rỡ
Một cầu vồng lượn bay

Tiếng vù vù thoáng nghe
Hoa dâm bụt vội vàng xoè cánh
Nhụy dâng mời cố tri

Một vì sao đổi ngôi?
Một viên thúy ngọc lao vun vút?
Một vạt nắng xuyên mây?

Vườn này vườn của ta
Tiếng vù vù như kèn xung trận
Quyết giữ từng cánh hoa

Mấy hôm rầy cãi nhau
Ngắm đôi chim ruồi say mút mật
Bỗng tự nhiên chụm đầu. 

Hoàng Xuân Thảo 
***
CHIM RUỒI TRONG HAI BÀI THƠ CUẢ HAI THI SĨ VIỆT VÀ PHÁP 

Dưới đây là hai bài thơ đặc sắc về chim ruồi của BS Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò và Leconte de Liste 

Con Cò

Thiên nhiên vô tình nung nên khuôn 
Như chim, như ong, như chuồn chuồn 
Mười giây ngàn lần rung vai thon 
Bay vờn hoa tươi, môi thuôn thuôn 

Con chim vù vù ve hoa xuân 
Trông như ong vàng vùng hồng trần 
Tay chuồn vi vu, vù vù ngân 
Nghe như hồn thiêng về thì thầm… 

Bay lên, bay lùi, bay xiên ngang 
Bay yên từng hồi… châm hoa vàng 
Trông như ngàn cành cây hư hoang 
Mời chim dừng chân trong không gian 

Lông tơ mềm mềm bay không lâu 
Cho nên chìm chìm… chim bay sâu 
Đuờng bay trên cao đầy cơ cầu: 
Chim ưng kên kên và diều hâu 

Muà đông chim ơi! Chim nơi đâu? 
Đêm đêm… mây mù sa trên đầu 
Ngày ngày… mưa băng giăng giăng mau 
Bao quanh xương da căm căm đau 

Chờ khi xuân sang chim quay về 
Rung đôi tay chuồn chào mùa huê 
Đầu cành chim bay treo lê thê 
Ngàn xanh hương xuân thơm đê mê 

Ô hay! Chim phiêu lưu như mình 
Đời chim đơn côi nghe buồn tênh 
Lang thang săn mồi trên hoa xinh 
Hay đang tìm về nơi sinh thành 

Bùi ngùi thương chim như thương đời 
Du xuân mà sầu vương môi cuời 
Chôn vùi suy tư trong hoa tươi 
Đưa chân buồn thương vào xa xôi 

Đìu hiu khung chiều ta nhìn chim 
Miên man mơ mòng mê say tìm 
Trong chiều âm u trong im lìm 
Thời gian yên bình cho con tim. 

Hoàng Xuân Thảo 
***
VÀI CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI THƠ CHIM VÙ VÙ CỦA CON CÒ 

Cảm nghĩ đầu tiên tự nhiên tới ngay sau khi đọc xong thì rõ ràng đây là một bài thơ độc nhất vô nhị, một bài thơ vô tiền khoáng hậu. Vì những lý lẽ sau đây: 

1.Trong cả trăm ngàn bài thơ Đường và thơ Vịệt chưa có bài thơ nào lấy con chim ruồi làm đề tài. Cũng dễ hiểu thôi vì loài chim ruồi chỉ hiện diện tại Tây Bán Cầu. Chúng ta những người Việt từ khi di tản sang Bắc Mỹ mới nhìn thấy loài chim này. Không ít chúng ta đã nhìn ngắm chúng mỗi khi ra vườn, nhiều người trong chúng ta còn mời chúng tới chơi bằng cách pha chế sẵn thức ăn đồ uống cho chúng và bày ra sẵn cho chim khách nhưng cũng vẫn chưa có ai có cảm hứng làm thơ về chúng. 

2. Bài thơ gồm 9 đoạn thể thất ngôn, bao gồm như vậy tới 252 chữ mà toàn được viết theo vần bằng. Chắc chắn là tìm cả trong kho thơ nhân loại cũng chẳng thấy được một bài một vần mà dài như thế. 

Thời tiền chiến Xuân Diệu có làm bài thơ Nhị Hồ gồm 7 đoạn nhưng chỉ có 6 đoạn là toàn vần bằng ở cuối câu mà thôi, còn tại đoạn 2 nhà thơ cũng phải để vần trắc ở cuối hai câu. Thế mà khi đó Hoài Thanh đã ca tụng nức nở bài thơ nhiều vần bằng ở cuối câu thơ này, không biết khi đọc được bài thơ toàn vần bằng này thì ông nghĩ sao? 

Bích Khê cũng có hai bài thơ làm toàn vần bằng nhưng ngắn hơn nhiều và không xoay quanh một đề tài rõ rệt như bài thơ Chim Vù Vù của Con Cò. 

3. Bài thơ dùng toàn vần bằng tất nhiên là gửi ý vào lời hẳn rất khó khăn thế mà tác giả vẫn mô tả được hầu hết các đặc tính của loài chim ruồi này kể cả cuộc thiên di: (Những chữ in đậm là nguyên tác) 

ĐOẠN I: 

Thiên nhiên vô tình nung nên khuôn 
Như chim, như ong, như chuồn chuồn 
Mười giây ngàn lần rung vai thon 
Bay vờn hoa tươi, môi thuôn thuôn 

ĐOẠN II: 

Chim ruồi bay, đập cánh nhanh và mạnh nên phát ra âm thanh nghe vù vù. Âm thanh này được lồng trong suốt bài thơ với vần bằng. Đó là lý do theo tôi nghĩ tác giả đã dùng toàn vần bằng. 

Tác giả không những chỉ dùng vần bằng mà còn làm người đọc cũng nghe được âm thanh khi đọc thơ nữa, tưởng như chim đang vỗ cánh ngay bên mình, qua các từ ngữ như vù vù ve hoa xuân, ong vàng vùng hồng trần, tay chuồn vi vu, vù vù ngân, hồn thiêng về thì thầm... 

ĐOẠN III: 

Tác giả tả các thế bay của chim ruồi, bay lên, bay lùi, bay xiên ngang / Bay yên từng hồi và đặc biệt hai thế bay chỉ có ở loài chim ruồi là bay đứng một chỗ hay bay yên từng hồi và bay lùi. Đúng là nhà thơ không bỏ sót những đặc thù này. 

ĐOẠN IV: 

Tác giả nêu lý do tại sao chim ruồi thường bay là là hay chìm chìm, chim bay sâu / đường bay trên cao đầy cơ cầu/ tức là nếu bay cao thì sẽ làm mồi cho các con chim ưng, kên kên và diều hâu. 

ĐOẠN V: 

Tác giả không bỏ quên cuộc thiên di của chim ruồi muà đông thì vắng bóng chim, biết tìm chim nơi đâu là bởi vì tại Bắc Mỹ đầy mây mù, mưa băng giăng giăng khiến xương da đau căm căm nên chim đã phải bay về phương Nam tìm nắng ấm và đồ ăn, thức uống. 

Muà đông chim ơi! Chim nơi đâu? 
Đêm đêm… mây mù sa trên đầu 
Ngày ngày… mưa băng giăng giăng mau 
Bao quanh xương da căm căm đau 

ĐOẠN VI: 

Tác giả cho biết Chờ khi xuân sang chim quay về, chào muà huê, hương xuân thơm đê mê. 

ĐOẠN VII: 

Tác giả sau khi mô tả đời chim ruồi, chạnh lòng nhớ tới thân phận mình, cũng giống như chim tuy tha phương cầu thực nhưng mong một ngày về lại chốn cố hương: 

Ô hay! Chim phiêu lưu như mình 
Đời chim đơn côi nghe buồn tênh! 
Lang thang săn mồi trên hoa xinh 
Hay đang tìm về nơi sinh thành? 

ĐOẠN VIII: 

Tác giả cảm thấy mình cũng như chim mặc dầu được sống tại nơi có đầy đủ hoa tươi cũng như các tiện nghi của cuộc sống nhưng lòng vẫn Bùi ngùi thương chim như thương đời/ Chôn vùi suy tư trong hoa tươi. 

ĐOẠN IX: 

Tác giả trong một buổi chiều nhìn chim, hàm ý tuổi đời đã sắp vãn cho nên chẳng mong ước gì hơn là tấm lòng thanh thản và yên bình như chim kia vậy qua lời tâm tình, Đìu hiu khung chiều ta nhìn chim / Thời gian yên bình cho con tim. 

4.Cách dùng chữ của nhà thơ cũng là cả một sự tìm tòi hay trau dồi đòi hỏi một sự chọn lựa từ ngữ một cách kỹ lưỡng như: 

-Con chim vù vù ve hoa xuân 
-Tay chuồn vi vu, vù vù ngân 
-Hồn thiêng về thì thầm 
-Cho nên chìm chìm, chim bay sâu 
-Đường bay trên cao đầy cơ cầu 
-Ngày ngày mưa băng giăng giăng mau 
-Miên man mơ mòng mê say tim... 

5.Xin ghi nhớ thêm là vì loai chim hummingbird chi có tại Tây bán cầu cho nên danh từ Hán Việt không có đặt tên cho loài chim này. Trên các mạng người ta đã căn cứ trên hình thể của loại chim tí hon này mà dịch ra là chim ruồi trong khi chim có tên hummingbird vì khi vỗ cánh bay chúng phát ra âm thanh nghe từ tựa như hum...hum. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo có lẽ là người đầu tiên dựa theo âm thanh của cánh chim khi đập nhanh và mạnh giống như tiếng ruồi bay vù vù nên gọi chúng là chim vù vù, cá nhân tôi thấy rất hợp tình hợp lý và đáng được phổ biến để gọi tên loài chim hummingbird. 

Một bài thơ toàn vần bằng mà diễn tả được tất cả những tình tiết cuả chim với hàm ý cuộc đời mình trong đó mà lại đẹp cả về hình thức lẫn nội dung thì qủa là một công trình sáng tạo có một không hai, nếu không nói là tuyệt vời. 

Đấy là tôi thú thật rằng chưa đọc kỹ lắm còn nếu như độc giả nào nghiền ngẫm lâu thêm chắc sẽ khám phá ra ở bài thơ độc đáo này nhiều tuyệt kỹ khác của tác giả nữa. 

Và sau hết, tôi không đọc bài thơ nưã, nhắm mắt lại thì chợt có cảm tưởng là vưà xem song một cuốn phim 3D với âm thanh stereo về loài chim vù vù và tai vẫn còn như nghe thấy tiếng vỗ cánh vù vù của bày chim... 

CHÚ THÍCH: 

Loài chim hummingbird chỉ hiện diện tại Tây bán cầu và rất được người tây phương yêu mến. Hàng năm cứ bắt đầu vào muà xuân những người bạn của chim vù vù đã thiết lập một hệ thống truyền tin để thông báo cho nhau biết thời gian bày chim tới địa điểm nào để mọi người tới đón chim tại những địa điểm kế tiếp. 

Những bài thơ về loài chim vù vù này cũng khá nhiều, có thể trên cả trăm bài và dưới đây là danh sách một số bài khá phổ thông: 

1. The Humming-Bird by Emily Dickinson 
2. The Hummingbird by Hermann Hagedorn 
3. The Humming-Bird by Richard Burton 
4. Humming-Bird by Alexander Wilson 
5. To a Humming-Bird by John Vance Cheney 
6. The Humming-Bird by Jones Very 
7. The Humming-Bird by Ira Billman 
8. The Humming-Bird by Laura M. Marquand 
9. The Humming-Bird by Anonymous 
10. A Humming-Bird by Edith Thomas 
11. Humming-Bird by T.A. Conrad 
12. The Humming-Bird by Maurice Thompson 
13. The Humming-Bird by Mary Howitt 
14. By Harry Kemp 
15. Tiny poems for tiny birds by Larry Gates 

BS Nguyễn Thượng Vũ nhận xét: 

Con Cò viết bài thơ theo thể Đường Thi về Chim Ruồi rất là giá trị. Đọc thơ của Con Cò, rồi lại đọc những lời phê bình vô cùng hàn lâm của Hoàng Xuân Thảo tức BS Hoàng Ngọc Khôi thì minh cảm thấy vừa thán phục vừa tủi thân vì không ngờ những người bạn thân tình của mình lại là các người xuất chúng như vậy. 
*** 
BS Đặng Vũ Vương theo lời yêu cầu của tôi muốn giới thiệu một bài thơ tiếng Pháp về chim ruồi, đã gửi tôi bài thơ Le Colibri / Chim Thúy Ngọc của nhà thơ Pháp nổi danh Leconte de Lisle dưới đây: 

Le Colibri

Le vert colibri, le roi des collines,
Voyant la rosée et le soleil clair
Luire dans son nid tissé d’herbes fines,
Comme un frais rayon s’échappe dans l’air.

Il se hâte et vole aux sources voisines
Où les bambous font le bruit de la mer,
Où l’açoka rouge, aux odeurs divines,
S’ouvre et porte au cœur un humide éclair.

Vers la fleur dorée il descend, se pose,
Et boit tant d’amour dans la coupe rose,
Qu’il meurt, ne sachant s’il l’a pu tarir.

Sur ta lèvre pure, ô ma bien-aimée,
Telle aussi mon âme eût voulu mourir
Du premier baiser qui l’a parfumée! 

Bản dịch của Đặng Vũ Vương: 

Con Chim Ruồi Thúy Ngọc 

Con chim ruồi màu xanh ve, ông hoàng của những ngọn đồi 
Khi trông thấy giọt sưong mai và mặt trời rõ sáng soi 
loáng chiếu trong chiếc tổ đưọc thêu dệt bằng cỏ mịn mềm 
Tựa như tia sáng tươi mát, nó bay thoát vào không trung 

Nó vội vã và bay tới những giòng suối nước lân cận 
ở nơi có những cụm tre rập tiếng động của biển xanh 
nơi đó a-sô-ka đỏ với những mùi vị thánh thần 
tự mở ra và mang tia sáng ẩm ướt đến con tim 

Về phiá chiếc hoa vàng rực, bay xuống thấp, nó hạ cánh 
và uống tình yêu nhiều quá mức độ trong chiếc ly hồng 
để chết chưa rõ chiếc ly có thể đã bị cạn khô 

Trên chiếc môi tinh khiết của em, hỡi người em yêu dấu 
cũng tựa như vậy hồn anh muốn được xa lìa cõi sống 
từ chiếc nụ hôn đầu tiên đã làm thơm ngát hồn anh 

Tôi cố dịch sát nghĩa và cũng giữ hình thể 14 câu của thể sonnet, mỗi câu tôi có 12 chữ. 

Đặng Vũ Vương 

CHÚ THÍCH 

Bài thơ này là thuộc thể loại Sonnet, là loại thơ nguồn gốc Ý. 
Đặc biệt thơ sonnet chỉ có 14 câu thơ gồm 2 quatrains và 2 tercets 
1 quatrain có 4 câu thơ và 1 tercet có 3 câu thơ 
Theo cấu trúc nguyên thủy (của Ý) thì 
2 quatrains đầu-tức 8 giòng thơ đầu-là để diễn tả vấn đề và 
2 tercets cuối -tức 6 giòng thơ cuối - là đề xuất cách giải quyết(vấn đề) như vậy câu #9 là để chuyển từ giai đoạn 2 quatrains đầu sang giai đoạn 2 tercets cuối. 

Theo tôi thì trong bài “le colibri” trong 8 câu đầu thi sĩ diễn tả về cuộc hành trình của con chim ruồi bay đến cây ashoka .Trong 6 câu cuối tác giả đối chiếu hình ảnh chim chết sau khi uống nhụy hoa với hình ảnh tâm hồn thi sĩ muốn chết lúc nụ hôn đầu tiên với ngưòi yêu 

Thơ dịch của Hoàng Xuân Thảo: 

Chim Thúy Ngọc

Chim thúy ngọc, vua các ngọn đồi 
Tổ thêu bằng những cỏ mềm tươi 
Khi sương lóng lánh bình minh chiếu 
Bay vút lên như vạt nắng mai. 

Vội vàng bay tới suối bên ngàn 
Tre khóm rì rầm tiếng biển xanh 
Hoa đỏ vô ưu: hương thánh thiện 
Một tia sáng ẩm thấm vào tim. 

Chim nhào xuống đậu trên hoa thắm 
Mút nhụy tình yêu trong chén đào 
Chết mà chẳng biết cạn rồi sao? 

Trên đôi môi trinh, Em yêu dấu! 
Cũng vậy hồn anh muốn thoát bay 
Thơm nguyên tự nụ hôn đầu đời. 

Bản dịch Anh ngữ: 

The Hummingbird 

The humming green, the king of the hills,
Seeing the dew and the clear sun
Shining in its nest woven with fine herbs,
As a fresh ray escapes into the air.

He hastens and flies to the neighboring springs
Where bamboos make the sound of the sea,
Where the red aoka, with divine odors,
Opens and carries a moist flash of light in the heart.

Towards the golden flower he descends, settles down,
And drinks so much love in the pink cup,
That he dies, not knowing whether he has been able to dry up.

On your pure lip, O my beloved,
As my soul too would have wanted to die
From the first kiss that has perfumed it! 

Hoa Vô Ưu: Truyền thuyết Khoa học và Y dược 

Cây Sala thường được dịch là cây Vô Ưu. Sala có nhiều tên gọi: Sala; Sal; Shorea Robusta; Ashoka; Asoka… Là một loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, miền Nam dãy núi Himalaya. Sau này được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á. 

Trong kinh điển Phật Giáo, Đức Phật đản sinh ở gốc cây Sala, trong vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) và nhập diệt giữa hai cây Sala tại Kusinara (Câu Thi Na). Vì thế ngày nay, ngoài cây bồ đề (Bodhi tree, Bo tree, Ficua Religiosa). Cây Sala được chọn trồng ở các khuôn viên Chùa. Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn có các mẫu cây Saraca indica, gọi là Vàng Anh lá nhỏ và Saraca chinensis (S. dives), gọi là Vàng Anh lá lớn. Trong giới chơi cây cảnh Việt Nam cây này còn có tên gọi là cây Ngọc Kỳ Lân, Đầu Lân hay Hàm Rồng. 

Hoa Ashoka (Vô Ưu) là một trong loài những cây linh thiêng tại Ấn độ. Ashoka, theo Phạn ngữ, có nghĩa là không gây ra ưu phiền. 

Vô Ưu qua Truyền thuyết – Tư tưởng: 

Sách thần thoại Ấn giáo Ramayana ghi lại: Trong thời gian bị lưu đày tại Lanka, Seeta đã bị Ravana lưu giữ tại AsokaVana, môt vườn cây Asoka. 

Vẻ đẹp của cây thường được liên kết với những phụ nữ trẻ, xinh đẹp và người Ấn tin rằng, cây sẽ trổ hoa khi được phụ nữ chạm đến. Trong ngày Lễ hội Dohada, các phụ nữ trang điểm rực rỡ được mời đến đá nhẹ hay chạm vào cây bằng chân trái để giúp cây mau trổ hoa. Hội Xuân Asoka-pushpa Prachaayika là dịp các thiếu nữ hái hoa Asoka để cài trên mái tóc. 

Tín đồ Ấn Độ giáo rất quý trọng cây Vô Ưu, họ tin rằng cây là biểu tượng cho Tình Yêu, và là cây dâng tặng riêng cho Nữ Thần Tình Ái Kama Deva. Trong ngày Lễ hội Ashok Shasthi, phụ nữ Bengali thường ăn nụ hoa, và phụ nữ Hindi uống nước có ngâm hoa Vô Ưu với niềm tin rằng nhờ nước này họ sẽ bảo vệ được con cái. Người Ấn Độ còn gọi cây là Anganapriya, có nghĩa là, “thân thiết với phụ nữ”, cây hoa được xem là nhạy cảm với sắc đẹp. Hoa sẽ mau nở khi được phụ nữ đụng đến. 

Theo Phật Giáo, hoa Vô Ưu giữ một vai trò khá quan trọng trong truyền thuyết về ngày sinh của Đức Phật: Tương truyền, năm 563(*) trước Tây Lịch, Hoàng hậu Maha Maya, khi đang mang thai, đã rời Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) để về quê sinh nở. Trong lúc ghé vườn Lubini (Lâm Tỳ Ni), bà đã hạ sinh Thái tử Siddhārtha (Tất Đạt Đa) trong khi môt tay đang vịn vào cành Vô Ưu. 

Ngày Phật Đản thường được tín đồ Phật Giáo trang hoàng bằng hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa ra đời nhân lúc thân mẫu giơ tay vịn cành Vô Ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni. Vừa sinh ra ngài liền cất 7 bước đi trên 7 đóa hoa sen nở ra dưới mỗi bước chân ngài. 

Một số nhà Phật học đã cho rằng Vô Ưu và Ưu Đàm, nếu xét về biểu tượng và ẩn dụ, chỉ là 2 tên gọi của một cây, nhưng thật ra về mặt thực vật thì đây là hai cây khác nhau. Kinh Vô Lượng Thọ – tập Thượng – cũng không phân biệt giữa Vô Ưu và Ưu Đàm khi ghi: “Hoa Vô Ưu vô lượng ức kiếp khó gặp, khó thấy, giống như hoa linh thoại, đúng thời mới xuất hiện”. 

Vô Ưu dưới mắt nhìn khoa học: (Theo tài liệu nghiên cứu của Dược sĩ Trần Việt Hưng). 
Tên khoa học và các tên khác: 

– Tên khoa học: Saraca asoca hay Jonesia Ashok thuộc họ thực vật Asalpinioidae. 
– Tên Anh-Mỹ: Ashoka tree (Sorrowless tree); Sita-Ashok. VÔ ƯU 
– Tên Ấn Độ: Asok; Asoka; Vanjulam. 

Đặc tính thực vật: 

Giống Saraca, nổi tiếng do cho những chùm hoa rực rỡ gồm 11 loài cây thuộc vùng Đông Nam Á. Cây có lẽ có nguồn gốc tại Ấn Độ, Miến Điện và Mã Lai. Nhóm Saraca được trồng để làm cây cảnh và để lấy hoa trưng bầy nơi các bàn thờ thần linh tại Á Châu. Tại Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở vùng Trung và Đông Himalaya, nơi cao độ lên đến 750m; tại các thung lũng Khasi, Garo va Lushai. 

Cây Vô Ưu thuộc loại tiểu mộc, mọc tương đối chậm, cao từ 5 đến 20m, cây cung cấp gỗ cứng. Thân không gai và nhẵn, màu nâu-xám. Cành phân nhánh nhiều tạo thành tán, gần như tròn. Lá kép hình lông chim chẵn, với từ 4 đến 6 cặp lá chét. Lá có dạng gần như ngọn giáo thuôn, tù hay nhọn ở đầu – tùy giống – tròn ở gốc, dài 15-20cm, rộng 5-7cm, màu lục sậm, mặt trên bóng, mặt dưới nhạt hơn. Lá non màu hơi tím, xếp lại và buông thõng xuống. 

Hoa màu đỏ-cam, vàng-cam, sau đó chuyển thành đỏ đậm, mọc thành ngù đặc ở nách lá. Quả thuộc loại quả đậu, màu đen, dài 9-25cm, rộng chừng 4cm, trong chứa từ 4 đến 8 hạt, hình cầu, chừng 35mm. 

Cây trổ hoa quanh năm, nhưng trong các tháng 2 đến tháng 5, hoa có màu sắc rực rỡ nhất. Hoa có mùi thơm dịu, mùi thơm rất mạnh vào buổi chiều tối. 
Thành phần hóa học: 

– Vỏ thân chứa: Tannin (6%), Catechol, Tinh dầu, Heamatoxylin, Ketosterol, Các hợp chất loại Glycoside, saponin, hợp chất phức tạp chứa Calcium (C6H10O5Ca), chứa sắt. Các Glycosides loại Lignan: Lyoniside, Nudiposide, 5-methoxy-9-beta-xylopyranosyl (-) isolariciresinol, Icariside E3, Schizandriside. Các Flavonoids có hoạt tính chống oxy-hóa như (-) epicatechin, epiafzelechin-> (4beta->8)-epicatechin, procyanidin B2. 

– Hạt chứa: Lectin Saracin. (Theo Journal of Natural Medicine Số 61-2007). 
Các nghiên cứu khoa học về Vô Ưu: 

Dịch chiết bằng nước từ vỏ thân được ghi nhận là có chứa 2 hoạt chất: một có hoạt tính kích thích và một có hoạt tính làm thư giãn bắp thịt nơi ruột non của chuột bọ thử nghiệm. Hoạt chất cho thấy có thể kích thích bắp thịt tử cung, gây sự co thắt nhiều lần hơn và kéo dài hơn. 

Hoạt chất loại Glycoside, tinh khiết hóa, kết tinh cũng gây co bóp tử cung, có thể dùng trong các trường hợp xuất huyết tử cung (khi cần đến các Alkaloid của nấm Ergot). Ngoài ra hoạt chất này cũng hữu dụng trong các trường hợp xuất huyết nội mạc buồng trứng, rong kinh khi bị u tử cung, trĩ và kiết lỵ. 

Trong vỏ cây, còn có một hợp chất phức tạp, gọi là Phenolic glyco side P2 có hoạt tính rất mạnh trên bắp thịt tử cung. 

Dịch chiết bằng Alcohol từ vỏ có hoạt tính kháng sinh trên nhiều loại vi khuẩn. Nước trích từ hoa tuy cũng có tác dụng kháng khuẩn nhưng yếu hơn và giới hạn hơn. (Theo Canadian Journal of Microbiology Số 53-2007). 

Nước chiết từ vỏ cũng giúp gia tăng thời gian sinh tồn cho chuột bị gây Carcinoma loại Ehrlich, và làm giảm khối lượng của bướu ung thư loại Sarcoma tumour line S-180. (Theo Indian Journal of Pharmaceutical Sciences Số 54-1992). 

Lectin Saracin ly trích từ hạt quả Vô Ưu có hoạt tính kết dính chuyên biệt với N-acetyl-neuraminyl-N-acetyllactosamine. Saracin có hoạt tính tạo sự phân cắt nhân tế bào lympho nơi người. Saracin kích khởi sự bài tiết IL-2 của tế bào máu đơn nhân (người). Saracin có ái lực với các tế bào T loại CD8(+) hơn là với CD4(+) và được cho là có những hoạt tính điều hòa hoạt động của hệ Miễn Nhiễm. (Theo Archives of Biochemistry and Biophysics Số 371-1999). 
Vô Ưu trong lĩnh vực Y – Dược: 

Trong Y-Dược Ayurvedic (Ấn Độ – Pakistan), Vô Ưu được xem là một vị thuốc của phụ nữ, vị thuốc giúp phụ nữ giữ được “nữ tính”. Cây Asoka được cho là cây bảo vệ sự trong sạch cho phụ nữ. 

Cây được dùng rất phổ biến tại Ấn Độ để trị các bệnh phụ khoa, đặc biệt là về tử cung. Cây được xem là có chứa các phytoestrogens, giúp cải thiện việc cơ thể phụ nữ sử dụng các kích thích tố. 

– Để trị đau bụng, khó chịu: Đun vỏ cây Vô Ưu với sữa bò, thêm một chút đường, lọc qua vải thưa. Uống mỗi ngày với mật ong trong 21 ngày. 

– Trị vết thương, đứt tay chân: Nghiền vỏ Asoca thành bột, trộn thành khối nhão. Hơ nóng khối nhão rồi đắp vào vết thương trong 2 ngày. 

– Trị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh: Nghiền chung vỏ Asoca, tiêu đen, trộn với nước vo gạo, uống với mật ong khi bụng đói, chỉ uống khi bắt đầu có kinh. 

Tài liệu sử dụng: (Tài liệu nghiên cứu của Dược sĩ Trần Việt Hưng). 
Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam (Võ văn Chi). 
The A-Z of Garden Plants (Bay Books). 
Medicinal Plants of India (S.K Jain & Rob. DeFilipps). 
Scientific Basis for Ayurvedic Therapies (Lakshmi Mishra). 

VÀI LỜI VỀ HOA ƯU ĐÀM 


BS Huỳnh Hữu Cửu thuở sinh tiền đã nghiên cứu và viết bài về loài hoa Ưu Đàm. Theo BS Cửu, hoa Ưu Dàm chỉ nở khi có đức Phật giáng thế, cho nên không biết tới bao giờ, kiếp nào loài người mới được chứng kiến hoa Ưu Đàm nở. Lần nở trước là khi Đức Phật Thích ca sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni, Ấn độ. 

Cũng theo BS Cửu hoa Ưu Đàm thật ra là trái sung, trái sung mà thuở nhỏ chúng ta ăn và cứ ngỡ là trái thật ra lại là hoa với các nhụy cuốn tròn lại và tự che kín toàn thân vì lẽ đó chúng ta không bao giờ được nhìn thấy hoa sung nở. 

Sau khi đọc sách và gặp BS Cửu để hỏi cặn kẽ về loài hoa Ưu Đàm mà ta vẫn gọi là trái sung, tôi viết ra bài thơ dưới đây: 

Hoa Ưu Đàm

(Tặng Huỳnh Hữu Cửu 
Tác giả “Hoa Ưu Đàm”)

Thưở nhỏ tôi thường tới 
Gốc sung ao đình làng 
Rung cây cho trái rụng 
Reo hò chia nhau ăn. 

Trái vàng ruột đầy bọ 
Với ong kiến nằm vùng 
Trái xanh vỏ chát xít 
Đều thấy ngon vô cùng. 

Ăn hoài lấy làm lạ 
Hỏi nhau rất tình cờ 
Hàng năm sung đầy trái 
Sao chẳng hề ra hoa? 

Bữa nay đọc sách bạn 
“ Hoa Ưu Đàm” mới hay 
Sung kia ăn ngỡ trái 
Thật ra chính là hoa. 

Người đời thường luẩn quẩn 
Tìm hạnh phúc đó đây 
Có ngờ đâu hoa mộng 
Là trái cầm trên tay. 

Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét