Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Thăm Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam


Cổng chính Đông cùng với bia Đặng tộc Phương nam Linh từ

Sau khi rời Vườn Quốc Gia Tràm Chim khoảng 2:00 pm, phái đoàn nhà vườn chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan Đồng Tháp Mười phần 2. Như dự trù, đến 3:00 pm chúng tôi có mặt tại điểm kế tiếp của chuyến đi là Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tìm hiểu thêm về tiến trình cuộc Nam Tiến từ giửa thế kỷ 16 đến quá bán thế kỷ 20 (1975). 
Trước khi đi cô em họ Ngọc Trâm ở hảng phim Phương Nam cho chúng tôi biết:
Anh Tư, tuần tới anh đi Tràm Chim ở Đồng Tháp anh hãy ghé qua Phương Nam Linh Từ cảnh cũng đẹp lắm, có nhiều điều để anh khám phá và chụp hình. Em cho thực hiện phim “Cậu Bé Nước Nam” một phần ngoại cảnh thu hình tại đây.
Ồ, thế à, anh Tư có xem qua một đoạn quảng cáo phim Cậu Bé Nước Nam, Phương Nam Linh Từ giống hoàng cung lắm đó. 

Đến khu Du lịch Văn Hóa Phương Nam khoảng 3 giờ chiều, để khỏi đi bộ từ cổng vào khung viên Phương Nam Linh Từ khoảng hơn 600 m, chúng tôi mua vé vào cổng và lấy vé xe. 
Phương Nam Linh Từ có nghĩa là nơi thờ tự các anh linh phương nam. Khi vào tham quan toàn cảnh Phương Nam Linh Từ mới thấy không phải như chúng tôi hình dung trước khi đi, thật là một công trình kiến trúc đồ sộ! Những cột gổ quý bằng căm xe đỏ, rất to, ước lượng tổng công trình sử dụng đến khoảng 7000 m3 gổ nhập từ các nước Á Châu, xây dựng trên khu vực 17 mẫu (17 ha), nay nới rộng lên đến 23 mẫu (23 ha). Được khởi công từ tháng 10-2009 đến tháng 12 năm 2017 khai trương đi vào hoạt động. Có thể xem đây là một trong các khu Du lịch Văn hóa có tầm vóc qui mô, xứng đáng tại Miền Nam. Nó còn là đền thờ đầu tiên tôn vinh các vị danh nhân Đất Phương Nam đồng thời cũng là Đặng Tộc Linh Từ do doanh nhân Đặng Phước Thành (Chủ tịch HĐQT Vina Sun Corp) là Chủ tịch danh dự Hội đồng Đặng tộc Việt Nam tài trợ công trình hiện tại kinh phí tăng lên đến 1000 tỷ VNĐ (gần 50 triệu USD) để nới rộng và phát triển thêm nhiều hạng mục.


Tiền điện Phương Nam Linh Từ

Ấn tượng đầu tiên là cổng đồ sộ, uy nghi và dãy tường thành bao quanh, có hai hành lang dài tổng cộng 675m với 240 cột, có tàng lâu các và nghinh phong các, đàn tế trời, đàn tế đất, miếu Thổ Công, v.v…  Cùng với 63 chậu cây kiểng xếp thành hàng 2 bên sân tượng trưng cho 63 tỉnh thành Việt Nam, và 54 loài hoa kiểng, cây xanh ươm trồng chung quanh lấy bóng mát và tô điểm cảnh quan tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.

Gồm 3 khu vực: 
Khu vực Tâm Linh:
Đền thờ các danh nhân có công khai phá, gìn giữ và làm rạng danh đất Phương Nam gồm 125 vị trong đó có 21 tượng bằng đồng đen. Kể từ khi Nguyễn Hoàng (Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên, 1525-1613, tổ phụ 10 đời của vua Gia Long 1802). Tương truyền Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời mà chỉ vào hòn non bộ trước sân, nói:
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
(Dãy núi Hoành Sơn phân chia Hà Tĩnh và Quảng Bình, giao thông phải ngang qua đèo Ngang)
Kể từ đó bắt đầu cuộc Nam tiến, mở mang bờ cỏi về phía Nam. Trong khoảng gần 200 năm nhà Nguyễn ở đàng trong phát triển diện tích đất nước lên gần gấp đôi. Khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, tướng lãnh nhà Thanh chạy sang Việt Nam đầu phục (1680) được triều đình chấp thuận cho Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài khai khẩn cù lao Phố (Trấn Biên Hoà), Dương Ngạn Địch (Trấn Định Tường), Mạc Cữu (Trấn Hà Tiên); Năm 1757, vua Chân Lạp là Ang Tong chuyển giao đất Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc và Vĩnh Long) cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát;  Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) với công cuộc khai phá miền Hậu Giang; Lê Văn Duyệt (1763-1832) trấn thủ Gia Định Thành; Trương Minh Giảng (1841) bình định Cao Miên; Người Pháp khai thác cánh đồng đầy lau sậy bạt ngàn ở Miền Tây Nam Bộ qua hệ thống kinh đào, có bảy ngã kinh nối Cần Thơ,  Rạch Gía, Sóc Trăng và Cà Mau. Quan trọng nhất là kinh xáng Xà-No từ Cần Thơ nối với ngọn sông Cái Bé, Rạch Giá (1901- 1903)… ; Các vị từ Chúa Nguyễn Hoàng mở lối Phương Nam, đến các vua Quang Trung thu phục Tây Sơn Thượng Đạo (vùng Kon-Tum, Pleiku, Buôn Mê Thuộc, Đăk Lắk – Dân tộc Bah-Na, Ê-đê); Vua Gia Long xác lập chủ quyền và khai thác biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu; Năm 1833 vua Minh Mạng sáp nhập lãnh thổ vương quốc Champa vào Việt Nam (Tuy Hòa, Phú Yên, Bình Thuận) và đẩy mạnh chính sách khẩn hoang lập ấp miền Đông và Tây Nam Bộ; Các vị lãnh đạo tôn giáo như đức Phạm Công Tắc (Khai sáng đạo Cao Đài), đức Huỳnh Phú Sỗ (Khai sáng đạo Hòa Hảo), các danh nhân khác như cụ Phan Thanh Giản (vị Tiến sĩ đầu tiên ở đất Phương Nam), học giã Trương Vĩnh Ký, … đều là những nhân vật tiêu biểu trong số 125 vị được thờ tự trong Phương Nam Linh Từ.


Điện thờ 125 vị danh nhân có công khai phá đất Phương Nam trong đó có 21 tượng bằng đồng đen

Bạn có biết không, dọc dài theo dòng lịch sữ mấy trăm năm khai phá đất Phương Nam, trước những linh vị anh hùng nổi danh, bên cạnh đó có muôn ngàn “tấm áo nâu, dẫn mình đi từ cõi đồng sâu, dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, …(Phạm Duy)” và cũng không biết bao nhiêu lưu dân, nông dân là những Anh Hùng Vô Danh có công khai phá, anh dũng gìn giữ mảnh đất quê hương.
 Xin trích một đoạn trong bài thơ Anh Hùng Vô Danh mà chắc quý vị nào cở hàng cao tuổi đều thuộc lòng từ thuở bé:

“… Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt và xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm trinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.”
(Thơ Đằng Phương)

Công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi là dưới các triều đại nhà Nguyễn, có lẽ vì thế mà Phương Nam Linh Từ chọn lối kiến trúc từ cổng, cửa, bao lam, hoành phi có nét chạm trổ tinh vi, sắc xảo như kinh thành Huế thu hẹp.


Mái rồng

 Đàn Tế thiên

Đền thờ Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ được kiến trúc 7 gian, 2 chái, 5 lòng, có mái hạ và hành lang bao bọc chung quanh, để thờ các tiền nhân Đặng tộc: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung, … và Thủy sư Đô Đốc Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ họ Đặng Long Hưng, Phương Nam). 
Ngoài ra còn có một số công trình tâm linh khác như các tượng phật Thích Ca, Quan Âm, Di Lạc, Phước-Lộc-Thọ, … vườn hoa Thư Pháp, vườn 12 con giáp, v.v…

Vườn tượng một số nhân vật văn hóa làm rạng danh đất Phương Nam

Không gian yên ắng trưa hè, một góc trong Phương Nam Linh Từ

Riêng vườn tượng danh nhân hai bên điện thờ làm chúng tôi chú ý. Nhìn qua một số tượng danh nhân nổi tiếng Nam Bộ như: Các đức Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Phan Thanh Giản, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Lầu, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sễn, Sương Nguyệt Ánh, v.v… Cả hai dãy tượng có khoảng trên dưới 20 vị. Rất tiếc chưa có tư liệu đầy đủ về các vị bên dãy phía bên kia vì có nhiều công nhân đang thi công nên chúng tôi không thể đến chiêm ngưỡng, nhưng chúng ta cũng đoán được đây là khu vườn tri ân các nhân vật đã đóng góp trong lãnh vực Văn Hoá làm rạng danh Đất Phương Nam.
Hàng năm đến ngày mùng 8 tháng ba là ngày giổ hội các nhân vật lịch sữ đất Phương Nam, hôm sau mùng 9 tháng 3 giổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm có nghi thức tế lễ với nhạc lễ, trống chiên long trọng. 
Chúng tôi rời khu vực tâm linh nơi cửa Tây, cũng uy nghi như cửa Đông nhưng có giàn Trống Lệnh Phương Nam bằng gổ sến độc mộc lớn nhất Việt Nam, có hai khẩu thần công hai bên. Sau đó qua cầu mái ngói để đến khu vực dựng lại những hình ảnh của quá trình hình thành đất Phương Nam được thu hẹp.

Khu vực Văn Hóa đất Phương Nam:
Thật thú vị, cảnh làng quê miền nam quen thuộc hiện ra trước mắt, mái nhà lá phía trước có đám cây kiểng, lu nước; Sau nhà có buội chuối, buội tre, bên hong nhà có giàn mướp, liếp hành, … Đâu đó là mấy cây ăn trái, một vài hình tượng người bên trong ngôi nhà, có cả ban đờn ca tài tử người thật, đang trình diễn. 
Mười hai kiểu nhà thể hiện từ: Chòi lá đơn sơ thời khẩn hoang lập ấp, rồi nhà lá cột chôn chân, kế đến là nhà kê táng. Khi ruộng vườn đơm bông kết trái thì bắt đầu cất nhà ngói, nhà sàn có hòn non bộ trước sân, quanh vườn có xoài, măng cục, sầu riêng, … sai oằn, trĩu trái!
Đúng là cảnh Nam Bộ rồi đó, chàng trai Bàng Bá Lân từ phương Bắc khi vào Nam thố lộ đầy cảm xúc để rồi mọc rể phương Nam: 

“Em, cô gái miền nam lòng cởi mở
Ôi, thương ai em thiệt là thương
Lời em thơm như măng cục no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới, …”
(Thơ Bàng Bá Lân)

Một kiểu đình làng phổ biến ở Nam Bộ, gian giửa (chánh điện) có bàn thờ Thần Hoàng. Hai bên có khánh thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công với làng, với dân và bao giờ cũng có bàn thờ thổ trạch để thờ những lưu dân năm xưa đi khai phá, mở mang bờ cỏi, siêu mồ lạc mả gọi chung là cô hồn (những linh hồn cô quạnh không nơi nương tựa)! 

Đến đời vua Thiệu Trị, miền nam giặc giã liên miên, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại chính sách tập quyền nhà Nguyễn (1832); Quân Xiêm quấy rối biên giới Việt-Cao Miên (1842-1845) nên việc khẩn hoang bị đình trệ. Đến đời vua Tự Đức (1853) ban hành chính sách khuyến khích dân ngũ Quãng (Quãng Bình, Quãng Trị, Quãng Nam, Quãng Ngãi và Bình Định) vào Nam khai khẩn. Để duy trì và củng cố tinh thần dân chúng, vua Tự Đức ban chiếu sắc phong nhiều đình làng ở vùng đất mới vì vậy nhiều đình dựng lên trong thời kỳ này chỉ thờ Sắc Thần của vua ban.

Thuở trước người nông dân làm lúa mùa 8 tháng nên dựa vào thời tiết, do đó hàng năm có lễ Hạ điền (xuống ruộng) vào 16 tháng 4 Âm lịch là lúc bắt đầu sa mưa, dân gian có hò cấy dậm, hò đối đáp trên đồng ruộng. Và lễ Thượng điền là khi vụ mùa đã xong vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Đây là thời gian khô ráo không mưa, trăng thanh gió mát dân làng tổ chức vui chơi, ca hát, bày trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đẩy cây, múa võ, thi vật, … và sau cùng là bày tiệc thù tạc, chén anh, chén em. Tục lệ đó còn giử ở một số đình làng mặc dù sau này cơ giới hóa canh tác, giống lúa mới năng xuất cao, ruộng làm đôi ba vụ mùa trong năm. 

Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam có nhiều hạng mục tái hiện những ngày hội dân gian trong khu Văn Hóa như lễ Hạ Điền, trò chơi dân gian, … Một khu khác có nhiều gian hàng văn hóa ẩm thực đặc trưng của miền đồng bằng sông Cữu Long.

Khu triển lãm, giới thiệu quá trình phát triển nền văn minh lúa nước:
Trưng bày các dụng cụ của những người đi khai phá nơi vùng đất mới: Cái dao phay, rựa quéo, chà gạt, … (là những dụng cụ thời khai hoang lập ấp); Các nông cụ như cái phảng (phát cỏ), cù nèo (móc gạt cỏ luôn đi kèm với cái phảng), cây nọc (cấy lúa), bừa cào (dọn đất), cái lưởi hái (có nơi gọi là lưỡi liềm, dùng để gặt lúa), … Bên cạnh con trâu, con bò trên đồng áng trong việc trồng lúa thì có cái cày, cái bừa, cái trục, cái cộ (dùng để trâu kéo lúa), .... Các dụng cụ chế tạo bằng thân cây tre, từ hạt lúa thành gạo mà người dân quê gọi là “hạt ngọc của trời”, bởi vì không biết bao nhiêu mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng đồng mới có được hạt gạo. Nào là thúng, cối xay lúa, cối và chày giả gạo, sàng gạo, nia, cái thúng táu (20 lít) & cái thúng giạ (40 lít) dùng đong đo lúa gạo, …  
Mô hình một số phương tiện giao thông thời bấy giờ chỉ có bằng đường thủy: Từ chiếc xuồng độc mộc đến chiếc ghe cà-dom theo kiểu của người Cao Miên; Đến chiếc xuồng 3 lá, 5 lá, xuồng chèo, ghe tam bản hoặc về sau có ghe hầu là loại có mui, cửa chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng của những nhà giàu có. Làng Nhơn Ái (Cần Thơ) có trại đóng ghe hầu là nơi duy nhất tại Miền Tây Nam Bộ, đến năm 1945 thì không còn hoạt động. Có các loại ghe hầu 4 chèo (2 chèo mủi, 2 chèo lái), 6 chèo (2 chèo mủi, 4 chèo lái) đôi khi cũng có loại ghe lớn 8 chèo. 
Rất nhiều hạng mục triển lãm khác như vài loại đồ cổ, các tác phẫm thi ca, mỹ thuật khắc họa trên đá, gổ, …



Một số trong phái đoàn “nhà vườn” đi khám phá Đồng Tháp Mười, từ trái: Họa sĩ & Thư pháp Ngọc Bích (Giám đốc trường dạy vẽ cho trẻ em ArtLight, Cần Thơ), Cô giáo Phương Lam (Trường trung học Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ), Cô Lam Mai (Nghệ nhân hoa vãi, Cần Thơ), Chú Lê Hữu Uy (Arizona, USA), Cô Ngọc Ruby (Nhân viên tư vấn hãng xe Ford, Cần Thơ), Phó nhòm Lê Hoàng Nhiệm (Sếp Cơ sở quà tặng “Trọng Tín Nghĩa”, Cần Thơ)

Tham quan Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam, bao gồm danh nhân lịch sữ, văn hóa, đời sống, tiến trình phát triển toàn diện xã hội mấy trăm năm từ lúc khẩn hoang lập ấp đến thời điểm 1975 thật là một đề tài vô cùng to lớn. Mới đầu nhiều người nghe Phương Nam lầm tưởng là “Nam Kỳ Lục Tỉnh” của Bắc-Trung-Nam. Không phải, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đàng Trong (Phương Nam) và Đàng Ngoài (Phương Bắc). Nếu chỉ quan sát các cảnh quan đặc sắc, kiến trúc đồ sộ, nguy nga, một số sinh hoạt văn hóa dân gian, … thì cũng như chúng ta chiêm ngưỡng một mỹ nhân chỉ nhìn vẽ đẹp thể hiện bên ngoài mà chưa tìm hiểu nét đẹp tâm hồn, tài năng tìm ẩn bên trong. 
Trong chuyến đi này thời gian quá ngắn ngủi để tham quan Phương Nam Linh Từ vỏn vẹn chỉ có 2 tiếng chúng tôi phải ra xe về Cần Thơ sợ trời tối và có mưa lái xe khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lãnh hội được nhiều điểm chính trong công cuộc Nam Tiến của người xưa đi mở mang bờ cỏi Đất Phương Nam.
Đúng 5:00 pm, xe bắt đầu chuyển bánh, phái đoàn “nhà vườn” chúng tôi hoàn tất chuyến đi khám phá Đồng Tháp Mười với hai điểm đến là Tràm Chim (buổi sáng) và Khu du lịch Văn Hóa Phương Nam (buổi chiều) đầy thú vị. 
Tôi nhớ bài hát mà thuở còn học trường làng và hứng thú hát nho nhỏ, cô con gái ngồi bên cạnh thấy hay hay cũng bắt chước hát theo:
“… Đi đi thôi đi lên, trên con đường đầy tia nắng sớm
Đi thăm qua non sông để cho lòng tha thiết yêu!”

(Bài hát Tiếng chim gọi đàn)

Lê Hữu Uy
Phoenix, Arizona Feb 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét