Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Y Học Thường Thức Bộ Hô Hấp (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Bộ Hô Hấp 

Cấu tạo 

Bộ hô hấp là nơi không khí chạy vào thân thể con người để cung cấp dưỡng khí rồi chạy trở ra để thải thán khí. Không khí truyền vào cơ thể qua đường hô hấp tức là đi qua mũi và miệng, tới họng, thanh quản, phế quản và sau cùng là tới phế nang. Cấu tạo chi tiết của đường hô hấp: Họng vừa là nơi truyền không khí hô hấp vừa là nơi chuyển các thức ăn, nước uống từ miệng qua thực quản và có một cơ quan nhỏ tên là nắp thanh quản. Cơ quan này tự động đóng lại, chặn lối vào thanh quản khi ta ăn uống, ngăn cản không cho thức ăn và nước uống xâm nhập vào đường hô hấp. Sau họng tới thanh quản rồi tới khí quản. Khí quản chia ra 2 nhánh là phế quản phải và phế quản trái, truyền tới 2 lá phổi. Mỗi lá phổi chia ra từng phần có màng ngăn và có mạch máu riêng biệt gọi là thùy phổi. Phổi phải có 3 thùy. Phổi trái nhỏ hơn vì dành chỗ cho trái tim nên chỉ có 2 thùy. Trong lá phổi, phế quản chia ra nhiều nhánh, các nhánh này lại tiếp tục chia nhánh càng ngày càng nhỏ hơn. Tới các nhánh nhỏ nhất gọi là tiểu phế quản, đường kính chỉ còn lối nửa li (mm). Mỗi tiểu phế quản ăn thông với nhiều ngàn phế nang là những túi nhỏ và mỏng và là nơi trao đổi dưỡng khí (Ô-xy) và thán khí (CO2) giữa máu và không khí. 

Hai lá phổi nằm trong lồng ngực. Lồng ngực bao gồm xương ức (cũng gọi là xương mỏ ác) ở phía trước, 12 cặp xương sườn ở chung quanh và xương sống ở phía sau. Mô cơ (các bắp thịt) của lồng ngực gồm các bắp thịt gian sườn ở chung quanh và hoành cách mô ở phía dưới. 

Sự vận động hô hấp 

Vận động hô hấp tất nhiên gồm hít vào và thở ra. Hô hấp là một chức năng tự động. Người đang ngủ hoặc bị bất tỉnh cũng vẫn liên tục hô hấp. Khi chúng ta hít vào, các bắp thịt gian sườn co lại nâng xương sườn lên, đồng thời hoành cách mô cũng co lại và hạ xuống thấp. Như vậy là thể tích lồng ngực tăng lên, mô phổi đàn hồi nên chạy theo chuyển động của lồng ngực và thể tích phổi cũng tăng lên. Khi thể tích phổi tăng thì áp xuất trong phổi yếu hơn áp xuất không khí bên ngoài khiến không khí đó bị hút vào phổi. Ngược lại khi chúng ta thở ra thì các bắp thịt hô hấp đều thư dãn khiến thể tích phổi nhỏ bớt, áp xuất trong phổi tăng hơn áp xuất không khí bên ngoài nên không khí bị đẩy chạy trở ra. Khi ta cần hít vào nhiều không khí hơn bình thường, các bắp thịt cổ sẽ co lại để tăng thêm thể tích lồng ngực. Nếu cần thở mạnh ra thì các bắp thịt bụng sẽ co lại, tăng áp xuất trong bụng và đẩy hoành cách mô lên cao để tăng thêm áp xuất trong lồng ngực. 

Chức năng 

Chức năng chính của bộ hô hấp là mang dưỡng khí (Ô-xy) vào máu và thải thán khí (CO2) ra ngoài. Sở dĩ thán khí xuất hiện trong máu là do biến dưỡng trong bộ tuần hoàn theo các hoạt động sau đây: Máu chứa dưỡng khí khởi đầu từ tâm thất trái chạy qua động mạch chủ và các động mạch riêng biệt chuyển tới mọi nơi trong cơ thể. Tới các nơi đó, hoạt động của dưỡng khí là ôc-xít hóa, tạo ra năng lượng nuôi cơ thể. Hiện tượng ôc-xít hóa dùng hết dưỡng khí trong máu đồng thời tạo ra thán khí. Máu chứa thán khí từ mọi nơi trong cơ thể chạy theo các tĩnh mạch trở về tâm thất phải rồi theo động mạch phổi chạy tới phổi. Động mạch phổi chia nhánh nhiều đợt, tới các nhánh nhỏ tận cùng là mao quản. Các mao quản bao quanh phế nang là nơi máu trao đổi khí nghĩa là thải thán khí ra và hút dưỡng khí vào. Sau khi trao đổi khí, máu lại chứa dưỡng khí và truyền qua tĩnh mạch phổi trở về tâm thất trái là đi hết một vòng tuần hoàn. 

Sự trao đổi dưỡng khí và thán khí xảy ra trong phế nang theo hình vẽ bên cạnh đây: Mao quản trong phổi bao quanh phế nang, thành mao quản tiếp xúc thẳng với thành phế nang. Thành mao quản và thành phế nang đều rất mỏng, chỉ gồm có một lớp tế bào nên sự trao đổi khí xảy ra một cách tự nhiên và liên tục. Các hồng huyết cầu trong mao quản do động mạch phổi chia ra đều chứa đầy thán khí. Chúng thải thán khí vào không khí trong phế nang rồi tiếp nhận dưỡng khí khiến cho máu chứa thán khí đổi thành máu chứa dưỡng khí. Máu chứa dưỡng khí trong toàn thể các mao quản phổi đều đổ vào tĩnh mạch phổi rồi trở về tâm thất trái. Chức năng thứ nhì của bộ hô hấp là hoạt động chống vi trùng và các loại bụi xâm nhập phổi. Chức năng này là phối hợp hoạt động của 3 thành phần sau đây: Chất nhầy: Phía trong thành các phế quản từ lớn tới nhỏ luôn luôn có một lớp mỏng chất nhầy tiết ra để bao quanh mọi vi trùng và hạt bụi theo không khí chạy vào khiến cho các vi trùng và hạt bụi này không tiếp xúc được với thành phế quản để tác hại. Lông tơ: Mô cơ (thịt) của các tế bào phía trong thành phế quản kết hợp lại thành nhiều thành phần nhỏ và dài giống như sợi lông được đặt tên là lông tơ. Các lông tơ liên tục ve vảy theo chiều từ dưới lên trên đẩy chất nhầy chứa vi trùng và bụi chuyển động dần lên tới họng với vận tốc từ 5 tới 10 li (mm) trong một phút. Chất nhầy này tức là đàm, tới họng rồi hoặc sẽ ho ra ngoài hoặc sẽ nuốt vào dạ dày mà không tác hại chi hết. Bạch huyết cầu: Phế nang là nơi trao đổi khí nên thành rất mỏng, không có chất nhầy và lông tơ. Hoạt động chống nhiễm trùng và bụi dơ trong phế nang do một loại bạch huyết cầu đặc biệt đảm nhiệm. Các bạch huyết cầu này được đặt tên là thực cầu, chúng có khả năng tiêu hóa vi trùng và bụi. 

Phòng bệnh 

Các phương cách sau đây bảo vệ chức năng hô hấp và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh về bộ hô hấp: Thường xuyên vận động cơ thể: Hoạt động thể dục và thể thao thường ngày giúp ta giữ gìn năng lực của các bắp thịt hô hấp và sự chuyển động dễ dàng của xương sườn khiến chức năng hô hấp không bị trở ngại. Tránh mập phì: Lý do cần tránh mập phì là vì trong cơ thể người mập phì, hoạt động của các bắp thịt gian sườn và hoành cách mô đều bị trở ngại khiến chức năng hô hấp giảm sút. Không hút thuốc lá: Trong phổi người hút thuốc lá, các lông tơ đường hô hấp hoạt động chậm bớt, chức năng trao đổi khí bị khói thuốc làm trở ngại khiến đàm nhớt đọng lại và cơ thể thiếu dưỡng khí. Vì vậy mà họ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra hút thuốc lá lâu dài còn có nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh ung thư phổi. Tiêm chủng (chích ngừa): Có hai loại thuốc tiêm chủng đề phòng bệnh hô hấp là thuốc ngừa bệnh cúm (mỗi năm chích một lần) và thuốc ngừa bệnh viêm phổi (chích một lần có hiệu lực cả đời). Đặc biệt người lớn tuổi cần chích ngừa cả 2 thứ thuốc này. 

Tóm tắt 

Bộ hô hấp là nơi không khí nhập vào cơ thể để cung cấp dưỡng khí và thoát ra khỏi cơ thể để thải thán khí. Cấu tạo đơn giản hóa của bộ hô hấp gồm có mũi, miệng, họng, thanh quản, khí quản, phế quản và phế nang. Bộ hô hấp có 2 chức năng là trao đổi khí và hoạt động chống nhiễm trùng phổi. Việc phòng bệnh hô hấp bao gồm thường xuyên vận động cơ thể, tránh mập phì, không hút thuốc lá và tiêm chủng. 


Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Đường hô hấp Respiratory tract Họng Pharynx Thanh quản Larynx Khí quản Trachea 
Phế quản Bronchus (số nhiều là bronchi) 
Tiểu phế quản Bronchiole 
Phế nang Alveolus (số nhiều là alveoli) 
Thùy phổi Pulmonary lobe 
Bắp thịt gian sườn Intercostal muscle 
Hoành cách mô Diaphragm 
Sự trao đổi khí Gas exchange 
Chất nhầy Mucus Lông tơ Cilia 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD (chronic occlusive pulmonary disease) 
Bệnh ung thư phổi Lung cancer

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét