Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Bộ Tiêu Hóa (Bác sĩ Đinh Đại Kha )


Bộ tiêu hóa 
Bác sĩ Đinh Đại Kha 

Cấu tạo 

Bộ tiêu hóa gồm nhiều cơ quan hoạt động liên kết với nhau để biến thức ăn thành năng lượng và các chất bổ nuôi dưỡng cơ thể. Thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, giống như chạy qua một cái ống dài ở phía trong cơ thể. Chiều dài trung bình của đường tiêu hóa là 9 mét. Kể từ trên xuống dưới, đường tiêu hóa gồm có: miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già. Các cơ quan khác của bộ tiêu hóa gồm có: răng, lưỡi, tuyến nước miếng, gan, túi mật và tụy tạng. 

Chức năng

Chức năng chính của bộ tiêu hóa là biến hóa thức ăn thành các chất bổ dưỡng căn bản, hấp thụ các chất này vào máu và thải cặn bã của thức ăn ra khỏi cơ thể. Thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa theo thời biểu sau đây: 
Thời gian đi qua dạ dày: từ 1 tới 2 tiếng đồng hồ, bữa ăn có nhiều mỡ thì di chuyển chậm hơn. 
Thời gian qua khỏi ruột non: 2 tiếng đồng hồ. 
Thời gian qua khỏi ruột già để bài tiết ra ngoài: từ 12 tới 50 tiếng đồng hồ tùy theo lượng chất xơ trong khẩu phần và tùy theo cơ thể của mỗi người. 
Trong đường tiêu hóa, sự tiêu hóa diễn tiến như sau đây: 
- Trong miệng: Răng cắn và nghiền thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ khiến dễ nuốt và khiến thức ăn dễ ngấm các dịch tiêu hóa. Nước miếng vừa giúp các mảnh thức ăn di chuyển dễ hơn vừa biến một phần tinh bột thành chất đường. Lưỡi đẩy thức ăn chạy qua chạy lại khi chúng ta nhai rồi chuyển thức ăn này qua họng. Lưỡi còn là cơ quan vị giác khiến con người cảm nhận được khẩu vị của thức ăn. 

- Trong họng: Các mảnh thức ăn thấm nước miếng hợp thành những viên nhỏ từ miệng chuyển qua họng rồi tới thực quản. Họng vừa thông với thực quản vừa thông với thanh quản bên đường hô hấp nên có một bộ phận nhỏ gọi là nắp thanh quản để chắn lối không cho viên thức ăn chạy qua đường hô hấp. Trong thực quản: Các cơ nhẵn của thực quản tuần tự dãn rồi co để đẩy các viên thức ăn di chuyển xuống dạ dày. Tại đầu dưới của thực quản có cơ vòng để ngăn không cho thức ăn trong dạ dày dội ngược trở lại thực quản. 

- Trong dạ dày: Dạ dày giống như một cái túi, nằm phía bên trái khoang bụng và sát ngay dưới hoành cách mô. Dạ dày tiết ra acit Hi-rôclo-rich và các dịch tiêu hóa nên có 2 chức năng là giết vi trùng hiện diện trong thức ăn và biến thức ăn thành các chất bổ mà cơ thể hấp thụ được. 

- Trong ruột non: Ruột non giống như một cái ống đường kính lối 2 cm rưỡi và chiều dài lối 7 mét. Ruột non nằm quấn đi quấn lại trong khoang bụng, đầu trên thông với dạ dày, đầu dưới thông với ruột già. Màng niêm của ruột non có rất nhiều nếp nhăn, là nơi hấp thụ khoảng 90% các chất bổ của thức ăn. Gan và túi mật: Gan là một cơ quan đầy đặn không rỗng ruột, nằm phía bên phải dạ dày và dưới hoành cách mô. Gan nặng lối 1300 gram, tiết ra mật. Mật chảy vào túi mật, ngừng lại tại đó một thời gian rồi đi tới ruột non để tiêu hóa các chất mỡ. 
- Túi mật vừa chứa mật vừa làm cho mật đậm đặc hơn. Khi chúng ta ăn thức ăn có chất mỡ, túi mật co lại khiến mật chảy qua ruột non để tiêu mỡ. Sau bữa ăn, túi mật dãn ra và hút lại một phần chất mật còn dư trong ruột non. 
- Tụy tạng: Tụy tạng là một tuyến tiêu hóa lớn, nằm phía sau và phía dưới dạ dày. Tụy tạng hình dẹp, dài lối 15cm và tiết ra các loại men để tiêu hóa chất bột, chất đạm và chất mỡ. Ngoài chức năng tiêu hóa, tụy tạng còn có chức năng điều hòa đường huyết nữa. 
- Trong ruột già: Ruột già hình ống, đường kính lối 6 cm và chiều dài lối 1 mét rưỡi. 
Ruột già có một khúc nằm ngang dưới dạ dày (đại tràng ngang), bên phải ăn thông với khúc lên và bên trái ăn thông với khúc xuống. Đại tràng lên và đại tràng xuống nằm sát 2 bên thành bụng. Thức ăn từ ruột non chạy qua ruột già đã thành phân. Chức năng của ruột già là hấp thụ nước và các chất bổ còn sót lại trong phân. Ruột già chứa một số vi trùng tốt vừa giúp cơ thể hấp thụ sinh tố vừa hạn chế sự sinh sản của vi trùng gây bệnh luôn luôn hiện diện tại đây. Ruột già hấp thụ nước khiến phân biến đổi từ thể lỏng sang thể đặc trước khi bài tiết ra ngoài cơ thể. 

Một số bệnh bộ tiêu hóa 


Các nguyên nhân bệnh lý chính của bộ tiêu hóa gồm có; 
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường ruột là bệnh cục bộ tại dạ dày và ruột non do vi trùng nhiễm vào thực phẩm gây ra. Đây là loại bệnh tiêu chảy phổ thông hơn hết. 
Chứng viêm: Ruột non và ruột già đều có thể bị viêm cấp tính hay mạn tính. Ruột dư bị viêm cấp tính và bệnh viêm ruột già gây độc tố là những bệnh lý cần giải phẫu khẩn cấp. 
Ung thư: Tính từ phía trên đường tiêu hóa trở xuống, ung thư có thể xuất hiện tại: 
- Miệng, 
- Lưỡi, 
- Thực quản, 
- Dạ dày, 
- Ruột già. 

Ngoài các bệnh lý này còn phải kể tới bệnh túi phình ruột già do thành ruột già có nhiều nơi bị suy yếu rồi chịu ảnh hưởng áp xuất thường có trong ruột chèn ép mà nhô ra phía ngoài như hình cái túi. Một biến chứng nguy hiểm của bệnh này xảy ra khi túi phình ruột già bị viêm cấp tính. 

Triệu chứng 

Các triệu chứng tiêu hóa thông thường gồm có: 
- Ói, mửa, có khi kèm thêm xuất huyết 
- Đi tiêu chảy 
- Táo bón 
- Phân có lẫn máu 

Phòng bệnh 

Các phương cách sau đây giúp chúng ta đề phòng bệnh tiêu hóa: 
Vệ sinh ẩm thực: muốn tránh nhiễm trùng dạ dày và ruột, thức ăn phải nấu chín, nước uống phải lọc hoặc đun sôi để loại bỏ vi trùng độc. 
Khẩu phần cần có đủ chất xơ để đề phòng táo bón và bệnh túi phình ruột già. 
Đừng uống rượu hoặc hạn chế mỗi ngày chỉ uống tối đa một chai bia hoặc một ly rượu vang nhỏ (40 phân khối) hoặc một ly rượu pha chế bình thường để đề phòng bệnh xơ gan và một số bệnh ung thư tiêu hóa. 
Đừng dùng tẩu hút thuốc lá để tránh ung thư trong miệng và họng. 

Tóm tắt 

Cấu tạo của đường tiêu hóa ví như một cái ống dài khoảng 9 mét, trên cùng là miệng, dưới cùng là hậu môn. Chức năng của bộ tiêu hóa bao gồm biến hóa thức ăn, hấp thụ chất bổ, bài tiết chất cặn bã và chống vi trùng trong thực phẩm. Đa số vi trùng độc trong thực phẩm sẽ bị acit dạ dày tiêu diệt. Ngoài ra các vi trùng tốt trong ruột già cũng ngăn cản không cho vi trùng độc phát triển. Việc phòng bệnh tiêu hóa bao gồm vệ sinh thực phẩm, tránh uống rượu, tránh dùng tẩu hút thuốc lá và tăng chất xơ trong khẩu phần. 

Bác sĩ Đinh Đại Kha

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Đường tiêu hóa Digestive tract Họng Pharynx 
Thực quản Esophagus Dạ dày Stomach 
Ruột non Small bowel (Small intestine) 
Ruột già Large bowel (Large intestine) 
Tuyến nước miếng Salivary glands Gan Liver 
Túi mật Gallbladder Tụy tạng Pancreas 
Dịch tiêu hóa Digestive fluids Mật Bile 
Bệnh túi phình ruột già Diverticulosis 
Bệnh xơ gan Cirrhosis

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét