Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Chút Vĩnh Long Trong Tôi

⦁ Từ Bóng Hình Năm Cũ


Khi chuyến xe về tới Vĩnh Long, tôi biết mình đã trễ đò. Hơn một giờ trưa, bến đò về các cồn và huyện Chợ Lách thưa dần. Thôi thì đành kiếm gì ăn, rồi đón xe lam về đường bộ, qua bắc Cổ Chiên cũng không muộn. Trời trở gió mang theo hơi nước dọc bờ sông thật dễ chịu. Đang cuối tháng 5, mưa gió bất thường cũng giống như tôi. Chuẩn bị thi cử, mà cứ “long nhong” đón xe đò về nhà mỗi cuối tuần. Mong rằng chiều nay đừng mưa, nếu không lội bộ từ lộ Thầy Cai về Bình Hòa Phước cũng phải dễ. Không hiểu sao, mỗi lần về tới Vĩnh Long là lòng tôi nôn nao lạ kỳ. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi mà tôi bồn chồn chân tay đến no, không muốn ăn gì nữa. Phía bên kia, đối diện bến đò là dãy hàng quán cơm, mì, hủ tiếu… không thứ gì không có. Thôi tính gọn, mua ổ bánh mì thịt nguội, vừa ăn vừa ngồi xe lam cho đỡ tốn thời gian. Mà bánh mì thịt nguội pa-tê gan của bến đò Vĩnh Long thì nổi tiếng vô cùng. Ăn hoài không chán, càng ăn càng nghiền. Lần nào cũng vậy, trước khi xuống đò tôi đều mua thêm vài ba ổ bánh mì thịt chả pa-tê mang về cho đứa em gái, cho mẹ làm quà chợ Vãng! 

-Hoàng… Hoàng phải hông..?

Tôi quay lại trong tiếng gọi tên thật quen. Chị Lệ. Trước mặt tôi, vẫn chiếc áo dài màu xanh nhạt chị Lệ tươi cười rạng rỡ. Nhà bên kia con sông nhỏ, chị Lệ lớn hơn tôi 3 tuổi đang làm thư ký cho hội đồng xã. Dáng cao thon thả, khuôn mặt sáng với nụ cười tươi tắn, chị đẹp nổi tiếng cả xã, cả huyện. Đây cũng là lý do cho những nôn nao bồn chồn, những chuyến xe trễ thất thường của tôi mỗi cuối tuần.

-Hoàng về hồi nào? Đã trễ đò rồi… Hay đợi bao đò về chung với Lệ và mấy anh trên huyện nghe… 
Bao nhiêu thấp thổn, bồn chồn tan biến, tôi chợt nhớ đến chuyện bao đò về nhà:
-Chắc không về đò bao được đâu chị… Hoàng sẽ qua Cổ Chiên, về bằng đường bộ tiện hơn.

Phần lớn các chuyến đò bao đều biết nội tôi, hay khi ghé nhà nội đều không “dám” lấy tiền đò. Vì vậy nội căn dặn tôi rất kỷ, tránh việc bao đò về nhà. Nghe tôi chối từ, chị Lệ hiểu ngay.
-Lệ biết rồi. Để nhắn lại cho bên mấy anh biết, Lệ sẽ đi về phía đường bắc Cổ Chiên với Hoàng…

Sau khi nhắn lại với người chủ đò, chị Lệ dằn lấy tay tôi vừa đi vừa nói:
-Bây giờ mình đi ăn hủ tiếu mỳ. Lệ sẽ dẫn Hoàng đi ăn xe hủ tiếu mỳ ngon nhất chợ Vãng.

Theo chân chị đi vòng qua bên kia bến xe lam, hướng về phía chợ Vĩnh Long. Loanh quanh qua mấy con lộ thì đến một dãy hàng quán kê bàn ghế dọc theo mặt lề đường..
-Tới rồi! Hoàng đói dữ chưa?


Tôi chỉ cười, ậm ừ. Đó là một chiếc xe mỳ quen thuộc của người Hoa, (hình như có tên Triều Ký), trước một quán ăn nhỏ. Đã quá trưa nên cũng vắng người. Quả thật như vậy, đó là tô hủ tiếu mỳ ngon nhất chợ Vãng, ngon nhất đời tôi. Chừng như cả một tỉnh thành rộng lớn của Vĩnh Long thu gọn vào không gian nhỏ bé của quán mỳ Triều Ký. Trước mặt tôi là người con gái đã khiến tôi nôn nao, háo hức suốt chuyến xe đò từ Sài-gòn trở về Bình Hòa Phước mỗi tuần. Người con gái có đôi mắt to tròn, nụ cười rạng rỡ luôn đem đến cho tôi bao niềm vui và mơ ước. Tôi yêu quê nội hơn không chỉ con sông chảy êm đềm có từng cụm lục bình hoa tim-tím nhạt, mà hình bóng thướt tha của chị phía bên kia bờ mắt dõi nhìn sang. Quê hương trong tôi không chỉ là con đường làng rợp bóng dừa nghiêng, mà là những con người, những con người cưu mang một đời tôi không dứt. Hình bóng quê hương trong tôi không chỉ là những bụi tre làng nghiêng đưa chiều gió, mà là mái tóc người thương chiều xõa nắng ven sông. 

Chuyến phà đưa tôi và chị Lệ qua bên kia bờ Cổ Chiên là chuyến phà đẹp và ngắn nhất đời mình. Rẽ vào con lộ thầy Cai, từ đường lớn chạy về Chợ Lách tôi cứ lo sợ buổi chiều nắng hết, ngày sẽ vội qua. Thương cho chị thỉnh thoảng, cũng cố nán dừng lại, cắt nghĩa cho tôi tên một loài hoa bên đường, cứ như lối về sẽ đến nhanh hơn… Để rồi thời gian cũng loáng thoáng trôi qua, mặc cho đời người có níu kéo hay hờ hững không màng. Chị đi lấy chồng khi tuổi đời tôi còn quá nhiều ước hẹn. Mối tình đầu của tôi đã theo con nước êm đềm trước nhà nội xuôi mất cuối nhánh sông quê. Biền biệt. Chỉ để trong tôi những buổi chiều mặt nước sông đầy, tiếng chim chiều gọi mùa thương nhớ. Có chút dòng sông quê nội, có chút Vĩnh Long theo tôi qua bao nhiêu biển rộng quê người… 

⦁ Đến Dấu Ấn Hôm Nay


Cuộc sống là những tình cờ của bao chờ đợi? Hay là những ngẫu nhiên xuôi mênh mông trên dòng đời bất chợt? Mà hề gì phải không các bạn, khi “tha hương ngộ cố tri” thì có gì bằng.

Gần 50 năm thoáng hoặc “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt”, như câu hát của Vũ Đức Sao Biển… Và tôi cũng biền biệt với quê nội theo bao nhiêu dâu bể cuộc đời. Tưởng đã quên, đã chôn sâu những vết hằn ký ức. Ngỡ đã quên đi bao dấu chân dĩ vãng, theo bóng dã tràng. Nhưng làm sao quên khi “cuống rốn” và giấy khai sinh tôi ghi rõ: làng Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long… Cuộc sống đời thường, cơm áo gạo tiền cuốn hút theo dòng thời gian xuôi mãi một dòng trôi! Để có lần tình cờ lan man trên “mạng” tôi tìm lại được một chút Vĩnh Long: trang nhà Long Hồ Vĩnh Long có địa chỉ điện thư Lê Thị Kim Oanh. Tất cả như trở về, con sông trước nhà nội, dòng Cổ Chiên tuổi tôi mới lớn với mối tình đầu đẹp nhất đời người. Với nụ hôn vụng dại tham lam. Với mùi hương con gái lần đầu thương tưởng. Tôi dừng lại và đọc. Càng đọc tôi càng thích thú và cảm phục vô cùng trước những tình cảm, năng lực của người Vĩnh Long với quê hương của mình. Tôi tìm lại chút Vĩnh Long qua chữ viết, qua những hình ảnh thu thập quý giá của trang nhà. Thành thật mà nói, là người có lần dạy văn trường học nhưng đối với chữ nghĩa văn chương tôi cũng chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa”! Viết chỉ là một thú vui tiêu khiển, nói với mình kể với “ai đó” rằng đời này còn biết bao tình yêu, biết bao chuyện đời người có thật. Thời đại của nền công nghệ hiện đại đã và đang thay đổi toàn bộ sinh hoạt xã hội, tinh thần và tình cảm của những thế hệ mai này. Hình ảnh và tình cảm quê nhà cũng thay đổi, cũng được hiện đại hóa bằng những phiếm chữ của vài ngón tay.

Tôi đọc hằng loạt bài viết trong mục “Văn” của Lê Thị Kim Oanh. Để thấy được tâm tình của người con gái Vĩnh Long. Để thấy được một thế hệ “rất gần” tôi với bao nhiêu “thiệt thòi” đẹp nhất của thời con gái. Những thiệt thòi bị cuốn xuôi theo dòng chảy của cuộc đổi đời, của vận nước nổi trôi… Mọi sự lựa chọn đều mất mát. Thế hệ chúng tôi đã phải lựa chọn bao nhiêu điều không mong đợi! Có sự lựa chọn nát lòng, có sự lựa chọn phải trả bằng cuộc đời, bằng sinh mạng. LT Kim Oanh đã ghi lại những điều này bằng sự thơ ngây, chân thành và nhiều nước mắt… Lần nữa, hình ảnh người con gái tôi yêu, như dòng lệ chảy miên man cuối tận nhánh sông dài. Con sông nhỏ xuôi lòng sông cái Lớn, mang theo những cụm hoa lục bình tim-tím nhạt uốn quanh nguồn con nước cuối biển xa. Vĩnh Long trong tôi bàng bạc một màu thương nhớ khôn nguôi… 

Bây giờ Vĩnh Long là một gia đình lớn, mà những dòng sông con chảy ra khỏi quê hương, đáp vào bến bờ nơi quê người xứ lạ. Có thêm một người tôi ngỡ đã quen lâu. Cũng một Vĩnh Long tôi chưa hề gặp mặt, Lê Thị Kim Phượng. Nụ cười, khuôn mặt Vĩnh Long sao như kỷ niệm một lần tôi để lại bến sông. Đã có bao nhiêu khuôn mặt đi qua đời ta? Đã có bao nhiêu ánh mắt, nụ cười làm ta biếng ngủ? Và đã có bao nhiêu khuôn mặt, nụ cười ấy dừng lại đời ta thoáng chợt đôi lần? Ta đã yêu người và có người đã yêu ta… Như một chiều “mưa bên kia sông”, che nghiêng nghiêng khuôn mặt người yêu dấu. 

Người con gái Vĩnh Long cũng ở cách tôi, chừng ấy khoảng cách một quê nhà. Đêm ở đây là ngày bên đó. Cũng là thế hệ của tôi. Thế hệ của cuộc chiến tranh trải dài rồi bất ngờ kết thúc. “Hòa bình” đã nén bao nhiêu con người vào những sự lựa chọn nát lòng. Có chiều dài của khổ đau. Có thước đo của hạnh phúc. Có sự chịu đựng và hy sinh đáng lẽ không nên có. Vĩnh Long thân yêu, êm đềm của tôi có thêm những ngày sau cơn giông bão lớn…

Tất cả cũng sẽ qua đi, dù đợi chờ hay hờ hững. Cuộc sống trôi xuôi, dòng thời gian cũng không trôi ngược bao giờ. Có còn hơn không, bao tình thân thương dẫu muộn màng. Viên đá quý không phải tìm đâu cũng thấy. Có khi cả một đời người, đốt đuốc thâu canh cũng không thấy được một lần. Tôi trân trọng với duyên kỳ ngộ, với những người con của đất Vĩnh Long. Với trong tôi dòng sông Cổ Chiên vẫn muôn đời hiền hòa chảy ngang, thấm bao tấm lòng người chợ Vãng. Của cầu Thiềng Đức, của Cầu Lầu dẫn về con đường của một thời con gái bao bận đi qua. Con nước khi đầy khi cạn, nhưng chiếc cầu sẽ mãi nối liền bao mạch máu về tim… Xin giữ lại chút Vĩnh Long trong tôi suốt hành trình còn lại, chất chứa đầy ấp những nhớ thương…!

Cuối tháng 5, 2020
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét