Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Tại Vùng Sài Gòn
Về di tích lịch sử, Sài Gòn có Lăng Ông Bà Chiểu, nơi thờ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, hàng năm lễ giỗ của Ngài được cử hành rất long trọng trong ba ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, vào những ngày Tết, dân chúng địa phương thường tới lui lễ bái và xin xâm cầu lộc cầu tài rất đông. Ngoài ra, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định là nơi có đông đảo người Việt gốc Hoa nên nơi nào cũng có Chùa Ông Bổn, là nơi thờ cúng ông Châu Đạt Quan, một viên quan Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, chùa Ông Bổn thường tổ chức lễ vía Ông vào hai ngày rằm tháng giêng và rằm tháng 8. Trong vùng Chợ Lớn còn có chùa Bà Thiên Hậu, do người Hoa xây vào năm 1760. Trong chùa hiện còn có một chuông đồng được đúc vào năm 1796 và một bia đá khắc về lai lịch của chùa vào năm 1859. Đình Phú Nhuận được xây vào đầu thế kỷ XVIII, lễ kỳ yên cúng đình được dân địa phương tổ chức rất trọng thể vào ba ngày 16, 17và 18 tháng giêng âm lịch. Trong quận Gò Vấp có miếu thờ Ông Địa(30), được xây vào đầu thế kỷ thứ XIX và được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852, hằng năm lễ hội Ông Địa diễn ra vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Trong quận 8 có Đình Bình Đông, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, hằng năm lễ kỳ yên cúng đình được diễn ra trong 5 ngày từ ngày mồng 10 đến 14 tháng 2 âm lịch. Trong quận Tân Bình có chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất của miền Nam, chùa được xây vào năm 1744 và đã được trùng tu lại vào những năm 1804 và 1909. Tại quận 11 có chùa Giác Viên, được xây từ năm 1798, trước đây chùa có tên là Hố Đất do sư Hải Tịnh khai sơn, đến năm 1850 thì chùa được đổi tên thành Giác Viên. Tại quận 1 có chùa Ngọc Hoàng, được người Hoa xây dựng vào năm 1892, trong chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, và các vị Thần Cửa, Thổ Địa, Phật Mẫu, Địa Tạng, Di Lặc, Dược Sư...Hằng năm diễn ra ngày vía Ngọc Hoàng vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Cũng trong quận 1 có chùa Linh Sơn, được xây dựng từ hơn 200 năm trước. Trước đây thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, đến cuối thế kỷ thứ XIX, dân chúng trùng tu và biến nó thành một ngôi tự viện khang trang. Năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được ra đời tại đây, năm 1932 Hội cho xuất bản tạp chí Phật giáo Từ Bi Âm. Đến năm 1968, Hòa Thượng Nhật Minh về đây trùng tu lại tự viện và kiến trúc ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Quận 3 có chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Xá Lợi, chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, vị sư tổ trụ trì trước đây tu trên núi Yên Tử thuộc dòng Trúc Lâm đời Trần. Dù chùa chỉ mới được xây dựng từ năm 1964, nhưng theo lối kiến trúc cổ kính và sinh hoạt chùa lúc nào cũng rất nhộn nhịp, hằng ngày có rất nhiều Phật tử từ khắp nơi về đây lễ bái. Chùa Xá Lợi được xây vào năm 1956, trong chùa hãy còn tháp thờ xá lợi của đức Phật do Ngài Narada ở Tích Lan dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam. Quận 10 còn có chùa Ấn Quang, được Hòa Thượng Trí Hữu xây dựng vào năm 1948. Trước năm 1975, chùa là trụ sở của Văn Phòng Viện Hóa Đạo, nhưng sau đó trở thành trụ sở của ban trị sự Phật Giáo Việt Nam do chính phủ mới thành lập và bảo trợ. Quận 11 có chùa Phụng Sơn, được Thiền Sư Liễu Thông xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 19, chùa hiện còn khoảng trên 40 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng, trong đó có một số pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn. Quận Thủ Đức có ngôi chùa rất lớn mang tên Nam Thiên Nhất Trụ, được Hòa Thượng Trí Dũng xây dựng từ năm 1958, kiến trúc theo kiểu chùa Một Cột ở Hà Nội. Quận Gò Vấp có thiền viện Vạn Hạnh, đây là trụ sở của trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, văn phòng nghiên cứu Phật giáo, và hội đồng phiên dịch kinh điển. Ngoài ra, tại Sài Gòn còn có Vương Cung Thánh Đường(31). Tại quận nhứt có nhà thờ Huyện Sỹ(32). Quận 5 có nhà thờ Chợ Quán (33), Quận 5 còn có nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Thánh Francisco Xavier(34). Ngoài ra, tại quận nhứt còn có Viện Bảo Tàng Quốc Gia(35). Về di tích lịch sử tại Sài Gòn tại quận nhứt còn phải kể đến các dinh Gia Long(36), dinh Độc Lập, Bưu Điện Sài Gòn(37), và Sở Thú(38). Tại quận nhứt còn có dinh Norodom hay dinh Độc Lập(39).
Sau năm 1975, để hấp dẫn du khách, nhà nước Cộng Sản đã cho xây dựng những khu du lịch Đầm Sen ở quận 11, Kỳ Hòa ở quận 10, Công Viên Văn Hóa ở quận nhứt(40), khu du lịch Văn Thánh ở quận Bình Thạnh, công viên nước nằm bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức, khu du lịch Suối Tiên trong quận Thủ Đức, khu du lịch Một Thoáng Việt Nam trong xã An Phú quận Củ Chi, khu 18 Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn Bà Điểm, khu du lịch Vàm Sát ở Cần Giờ cách Sài Gòn khoảng 50 cây số, với diện tích trên 70.000 mẫu trong đó có hơn phân nửa là rừng tràm. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1A, từ Cà Mau đi Hà Nội, chạy ngang qua Sài Gòn. Từ Sài Gòn có quốc lộ 22 đi Tây Ninh, quốc lộ 50 cắt quốc lộ 1A ở Thủ Đức, chạy dài xuống Nhà Bè, rồi đi Cần Giuộc. Quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Bình Dương. Tỉnh lộ 15 từ Sài Gòn đi Cần Giờ.
Sài Gòn Sau Năm 1975:
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh. Dù mang tên gì đi nữa, thì cái tên Sài Gòn với chiều dài lịch sử trên 300 năm vẫn là cái tên thân thương đối với người Việt Nam, bạo lực có thể cướp mất cái tên Sài Gòn trong chốc lát, nhưng không bạo lực nào có thể vĩnh viễn xóa được cái tên Sài Gòn trong lòng dân tộc Việt Nam, nhứt là trong lòng những người con dân Nam Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, chánh quyền mới sáp nhập Gia Định và Chợ Lớn vào Sài Gòn, và đổi tên Sài Gòn làm thành phố Hồ Chí Minh, gồm các quận Củ Chi, quận Hóc Môn, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, quận Tân Bình(41), quận Bình Thạnh, quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, quận Bình Chánh, quận Nhà Bè, quận Cần Giờ. Tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên tổng diện tích Sài Gòn lên tới 2.095 cây số vuông, gồm 19 quận nội thành gồm các quận từ 1 đến 12 và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Thủ Đức, và 5 quận ngoại thành gồm các quận Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, với tổng dân số lên tới 5.073.800 người. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, hiện tại thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận nội thành(42) và 5 huyện ngoại thành(43). Quận 1 có diện tích là 7,7 cây số vuông, dân số 201.500 người, mật độ trung bình là 26.169 người trên một cây số vuông. Quận 2 có diện tích là 50,2 cây số vuông, dân số 130.700 người, mật độ trung bình là 2.604 người trên một cây số vuông. Quận 3 có diện tích là 4,9 cây số vuông, dân số 199.400 người, mật độ trung bình là 40.694 người trên một cây số vuông. Quận 4 có diện tích là 4,2 cây số vuông, dân số 189.000 người, mật độ trung bình là 45.000 người trên một cây số vuông. Quận 5 có diện tích là 4,3 cây số vuông, dân số 139.800 người, mật độ trung bình là 32.512 người trên một cây số vuông. Quận 6 có diện tích là 7,2 cây số vuông, dân số 250.600 người, mật độ trung bình là 34.806 người trên một cây số vuông. Quận 7 có diện tích là 35,5 cây số vuông, dân số 194.300 người, mật độ trung bình là 5.473 người trên một cây số vuông. Quận 8 có diện tích là 19,2 cây số vuông, dân số 376.800 người, mật độ trung bình là 19.625 người trên một cây số vuông. Quận 9 có diện tích là 114 cây số vuông, dân số 216.500 người, mật độ trung bình là 1.899 người trên một cây số vuông. Quận 10 có diện tích là 5,7 cây số vuông, dân số 237.800 người, mật độ trung bình là 41.719 người trên một cây số vuông. Quận 11 có diện tích là 5,1 cây số vuông, dân số 227.500 người, mật độ trung bình là 44.608 người trên một cây số vuông. Quận 12 có diện tích là 52,8 cây số vuông, dân số 314.900 người, mật độ trung bình là 5.964 người trên một cây số vuông. Quận Bình Tân có diện tích là 51,9 cây số vuông, dân số 458.900 người, mật độ trung bình là 8.842 người trên một cây số vuông. Quận Bình Thạnh có diện tích là 20,8 cây số vuông, dân số 459.800 người, mật độ trung bình là 22.106 người trên một cây số vuông). Quận Gò Vấp có diện tích là 19,7 cây số vuông, dân số 495.700 người, mật độ trung bình là 25.162 người trên một cây số vuông. Quận Phú Nhuận có diện tích là 4,7 cây số vuông, dân số 175.400 người, mật độ trung bình là 37.319 người trên một cây số vuông. Quận Tân Bình có diện tích là 22,4 cây số vuông, dân số 390.400 người, mật độ trung bình là 17.429 người trên một cây số vuông. Quận Tân Phú có diện tích là 16,7 cây số vuông, dân số 378.300 người, mật độ trung bình là 23.497 người trên một cây số vuông. Quận Thủ Đức có diện tích là 47,8 cây số vuông, dân số 360.700 người, mật độ trung bình là 7.546 người trên một cây số vuông. Huyện Bình Chánh có diện tích 252,7 cây số vuông, dân số 340.800 người, mật độ trung bình là 1.349 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Giờ có diện tích là 704,2 cây số vuông, dân số 67.900, mật độ trung bình là 96 người trên một cây số vuông. Huyện Củ Chi có diện tích là 434,5 cây số vuông, dân số 315.100, mật độ trung bình là 725 người trên một cây số vuông. Huyện Hóc Môn có diện tích là 109,2 cây số vuông, dân số 266.200, mật độ trung bình là 2.438 người trên một cây số vuông. Huyện Nhà Bè có diện tích là 100,4 cây số vuông, dân số 75.600, mật độ trung bình là 753 người trên một cây số vuông.
Hiện tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đang dẫn đầu toàn quốc về tổng sản lượng quốc dân, về bình quân lợi tức trên đầu người, và cả về nhịp độ tăng trưởng về kinh tế. Dù có thay đổi tên và chức năng, không còn là thủ đô của quốc gia, nhưng với chiều dài lịch sử trên 300 năm, khu vực Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã và vẫn đang nghiễm nhiên là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Mà thật vậy, ngay từ khi mới được khai sanh, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại lớn với hải cảng Cần Giờ. Gần 300 năm trước đây, các tàu buôn ngoại quốc đã đến đây để mua gạo và các thổ sản khác, và bán các sản phẩm của họ. Hiện tại, dù không còn là thủ đô của Việt Nam, nhưng Sài Gòn chính là thành phố vực dậy cả nước trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Không có thành phố Sài Gòn, không biết giờ nầy nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao.
Về vị trí, TPHCM phía tây bắc giáp với Trảng Bảng (Tây Ninh), phía tây giáp Long An và Tiền Giang, phía nam giáp Biển Đông, phía đông nam giáp Đồng Nai, và phía đông bắc và phía bắc giáp tỉnh Bình Dương. Về phía đông nam của Sài Gòn là một bán đảo rất đặc biệt, bán đảo Cần Giờ. Bán đảo nầy bị cắt rời với đất liền bởi 3 con sông, sông Soài Rạp về phía tây bắc và tây nam đổ ra biển tại vịnh Đồng Tranh, phía đông bắc là sông Lòng Tàu đổ ra biển tại vịnh Gành Rái. Chỉ với khoảng 705 cây số vuông diện tích mà Cần Giờ đã có trên 20 cây số bờ biển. Bên cạnh đó, toàn bộ đất Cần Giờ được bao bọc bởi những con sông lớn, như sông Soài Rạp về phía tây, sông Bà Giỏi về phía đông; bên trong Cần Giờ lại bị cắt thành nhiều khoảnh nhỏ bởi nhiều con sông, từ tây sang đông có các sông Vàm Sát, sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu, sông Dừa và sông Ngã Bảy. Chính vì thế mà phần lớn đất Cần Giờ được phủ xanh bằng thảm thực vật rừng ngập mặn. Sau năm 1975, chánh quyền mới đã tái lập con đường xe lửa Xuyên Việt vào năm 1977, nối liền Sài Gòn với Hà Nội, chạy dọc theo các thành phố ven biển của Việt Nam.
Chú Thích:
(1) Tiếng Miên Prey Nokor có nghĩa là khu rừng của quốc gia.
(2) Hiện những khám phá về chứng tích của thời đồ đá vẫn còn được lưu trữ bên Viện Bác Cổ Ba Lê. (3) Còn có tên là thành Sài Gòn.
(4) Hoàng Đế Quang Trung băng hà vào lúc mới 40 tuổi.
(5) Tức Rạch Tàu hay Arroyo Chinois.
(6) Thành Sài Gòn đã bị người Pháp phá hủy ngay sau khi họ chiếm xong Gia Định.
(7) Khi người Pháp chiếm thành Gia Định vào năm 1860, chợ Bến Thành hay chợ Mới nằm gần bến nước và thành Sài Gòn.
(8) Chợ Cũ bị Pháp phá bỏ năm 1913.
(9) Khi đào mống để xây nhà thờ Đức Bà, người ta bắt gặp một lớp tro, gạch và đá cháy vụn mà bề dầy khoảng 3 tấc tây. Có thể đây là kho chứa lương thực của Lê văn Khôi bị binh lính Minh Mạng đốt vào năm 1835, người ta cũng bắt gặp rất nhiều tiền kẽm bị cháy rồi quện lại thành khối, súng đạn, và những hũ đựng hài cốt trẻ em.
(10) Cửa Gia Định hướng ra chợ cũ và cửa Phan Yên nằm trên con đường bọc theo kinh Cây Cám, ngày nay đã bị lấp mất.
(11) Cửa Vọng Khuyết tọa lạc khoảng Cầu Bông và Cung Thìn tọa lạc lối Cầu Kiệu ngày nay.
(12) Cửa Hoài Lai tọa lạc lối rạch Thị Nghè và cửa Phục Viễn cũng tọa lạc lối rạch Thị Nghè.
(13) Cửa Định Biên tọa lạc lối ngã tư Công Lý và Hồng Thập Tự và cửa Tuyên Hóa tọa lạc lối đường Võ Tánh.
(14) Năm 1860, trong khu vực Sài Gòn, thực dân Pháp đã phá sập chùa Khải Tường, chùa Từ Ân và đình Tân Khai.
(15) Bây giờ là các quận 5, 10, 11, 6, và 8.
(16) Năm 1923, Sài Gòn-Chợ Lớn có tổng dân số trên 600 ngàn người.
(17) Nhưng mãi đến năm 1946, dân số Sài Gòn mới lên tới 492 ngàn người. Theo thống kê dân số thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, năm 1884, 15 ngàn; năm 1923, 117 ngàn; năm 1936, 256 ngàn; năm 1946, 492 ngàn; năm 1967, 1.376.00; năm 1975, 1.825.000 người.
(18) Vào năm 1860, thành phố Chợ Lớn cách Sài Gòn khoảng 6 cây số về phía tây nam.
(19) Sài Gòn là thành phố của người Việt.
(20) Chợ Lớn là thành phố của người Hoa.
(21) Rạch Bến Nghé.
(22) Đường xe lửa Sài Gòn-Chợ Lớn-Mỹ Tho dài khoảng 72 cây số, song song với Rạch Tàu.
(23) Có lẽ do chiến tranh, dân chúng các vùng nông thôn bất ổn đã dồn về thành phố.
(24) Tướng Trần Thượng Xuyên và 3.000 người Minh Hương đã đến đây khai hoang lập ấp từ năm 1679.
(25) Ngay từ lúc thực dân Pháp mới chiếm Nam Kỳ, ngành thương mãi lúa gạo ở Sài Gòn đã nắm giữ một vai trò quan trọng tại xứ Nam Kỳ.
(26) Sau năm 1975, là quốc lộ 1A.
(27) Khúc từ Cát Lái đến Vàm Cỏ Đông.
(28) Trong số 5,5 nầy có 2,5 triệu tấn dành cho dân sự và 3 triệu tấn dành cho quân sự.(29) Sau năm 1954, các tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho và Sài Gòn-Gò Vấp đều bị hủy bỏ.
(30) Phúc Đức Chính Thần.
(31) Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1877 (do Thống sứ Nam Kỳ cung cấp 2.5 triệu quan Pháp để xây cất. Thánh đường dài 133 mét, rộng 33 mét và cao 21 mét. Tháp chuông cao 57 mét được xây năm 1895.
(32) Nhà thờ được ông bà Huyện Sỹ, một gia đình trọc phú thời bấy giờ, bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1902, bên trong hậu cung còn có phần mộ bằng cẩm thạch của ông bà Huyện Sỹ.
(33) Nhà thờ Chợ Quán được xây lên từ năm 1674, do giáo dân Bắc và Trung xây dựng. Năm 1887 cha xứ Nicolas Hamm khởi công xây dựng lại toàn bộ. Đây là ngôi nhà thờ uy nghi và lớn bậc nhất ở vùng Chợ Lớn.
(34) Nhà thờ Cha Tam được xây dựng từ năm 1900.
(35) Đến năm 1924, sở thú được nới rộng thêm 10 mẫu tây nữa nên người Pháp cho xây thêm viện Bảo Tàng Blanchard de la Boss trong khuôn viên sở thú. Viện Bảo tàng nằm về bên trái, gần cửa Vườn Bách Thảo. Viện Bảo Tàng Quốc Gia được chính thức xây dựng từ năm 1927, hiện có trên 17.000 cổ vật được lưu trữ tại đây. Trong viện Bảo Tàng có phòng trưng bày về lịch sử các triều đại từ thời nguyên thủy, đến Hùng Vương, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long... Còn có phòng trưng bày các tượng Phật cổ, đồ gốm các xứ Á Châu bao gồm các quốc gia đã bị diệt vong như Phù Nam và Chiêm Thành...Ngoài ra, năm 1968, người ta còn khai quật được tại xóm Cải thuộc quận 5, một xác ướp trên 2000 năm, hiện được trưng bày trong viện bảo tàng. Ngoài ra, Bảo Tàng Viện Việt Nam còn lưu trữ rất nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bia đá khắc chữ Khmer, và nhiều trụ đá chạm trổ rất mỹ thuật, cùng nhiều tượng Phật (tượng Cổ Phật ngồi buông chân thõng xuống, xuất xứ từ Xuân Thọ và Sa Thịnh, thuộc tỉnh Trà Vinh; tượng Phật đứng, đào được ở Trung Điền, tỉnh Vĩnh Long; những tượng Phật khác đào được ở Bến Tre. Ngoài ra, còn có những tượng Đầu Phật đào được ở Rạch Giá, Sa Đéc, Tiểu Cần, Trà Vinh, Cần Giuộc, Tân An, vân vân), tượng Bồ Tát (tượng Lokavara ở Trà Vinh; tượng ở Lưu nghiệp An ở Trà Vinh; tượng Hộ Pháp ở Bến Tre; tượng Nam Thần 4 tay ở Kiến Tường; tượng Nam Thần đào được ở Núi Sập; tượng Nam Thần đào được ở Óc Eo; tượng Visnu đào được ở Tây Ninh; tượng Nữ Thần Uma giết hung thần Trâu ở Trà Vinh; tượng Nữ Thần đào được ở An Giang; tượng không đầu đào được ở chùa Linh Sơn trong tỉnh An Giang. Ngoài ra, còn có rất nhiều tượng người múa khăn, tượng voi, tượng sư tử, tượng đầu quái vật Garada đào được ở Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam), vân vân. Năm 1929, người Pháp cho xây Temple de souvenir phỏng theo kiến trúc cung đình Huế, trên lầu có thư viện rộng rãi. Năm 1956, chính quyền VNCH tu sửa lại viện Bảo Tàng và cho đổi tên là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn, và cho đổi tên Sở Thú làm Thảo Cầm Viên. Hiện Thảo Cầm Viên có trên 590 con thú thuộc 125 loài; thực vật có trên 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài; 23 loài lan quốc nội; 33 loài xương rồng; 34 loại bonsai và thảm cỏ trên diện tích 20 mẫu tây.
(36) Dinh Gia Long được thực dân Pháp xây vào năm 1890, do một kiến trúc sư người Pháp tên Alfred Foulhoux vẽ kiểu, dùng để trưng bày các đặc sản của Nam Kỳ, nhưng sau đó Thống đốc Nam Kỳ trưng dụng làm tư dinh, rồi lần lượt trở thành tư dinh của Thống đốc Nhật Minoda, tư dinh của Khâm sai đại thần Nguyễn văn Sâm, trụ sở của Cao Ủy Cộng Hòa Pháp, dinh Thủ hiến Trần văn Hữu, dinh của Thủ hiến Nam Phần, dinh Gia Long của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau năm 1963 dinh Gia Long được làm trụ sở Tối Cao Pháp Viện VNCH.
(37) Bưu Điện Sài Gòn được xây dựng từ năm 1861, chiếc đồng hồ lớn treo trên cửa chính Bưu Điện có tuổi thọ bằng tuổi thọ của tòa nhà.
(38) Sở Thú được chính quyền thuộc địa Pháp xây từ năm 1864 trên khu đất rộng 12 mẫu tây, do một nhà nghiên cứu thảo mộc nhiệt đới tên là J.B. Louis Pierre phụ trách. Sở Thú tọa lạc ở cuối đường Thống Nhất, giáp ranh với rạch Thị Nghè và chạy ngang phía trước là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong vườn, người ta xây dựng những con đường ngang dọc thẳng tắp, rất sạch sẽ khang trang. Ngoài ra, còn có nhiều con rạch là những chi lưu của rạch Thị Nghè, hoặc được người ta mới đào sau nầy. Có nhiều loại động vật nhiệt đới được đưa về nuôi tại đây.
(39) Dinh Norodom hay dinh Độc Lập, được Pháp xây từ năm 1873, được chính phủ đệ nhị Cộng Hòa dùng làm dinh Tổng Thống, sau năm 1975, chánh quyền mới dùng nơi này làm Hội Trường.
(40) Vườn Tao Đàn.
(41) Toàn bộ quận Tân Bình gần như nằm tại trung tâm của thành phố Sài Gòn mới (HCM) nầy.
(42) Gồm các quận 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức.
(43) Gồm các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:
B/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định (Gồm 8 Phần )
Đất Phương Nam I- Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong
Đất Phương Nam I - Sài Gòn Dưới Thời Pháp Thuộc
Đất Phương Nam I- Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong
Đất Phương Nam I - Sài Gòn Dưới Thời Pháp Thuộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét