Phòng Triển lãm chính thức thời ấy, được biết dưới tên gọi Le Salon officiel và đặt trụ sở tại Viện bảo tàng Louvre, là nơi hàng năm tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa hoặc điêu khắc được đánh giá là có mỹ thuật. Đây chính là cơ hội để tác giả được quần chúng biết đến và đem lại cho họ danh vọng tiền tài. Nhưng muốn vậy họ phải có tác phẩm lọt được vào mắt xanh của một Ban Giám Khảo mà thành viên hầu hết đều là hội viên của Học Viện Mỹ Nghệ (Académie des Beaux-Arts). Tiêu chuẩn đánh giá và chọn lựa, cho tới giữa thế kỷ 19, vẫn là dựa trên mỹ học kinh viện (académique) và truyền thống Phục Hưng La Mã (La Renaissance romaine).
Bởi lẽ cách sử dụng màu sắc và đường nét cách tân của nhóm không hợp nhãn Ban tuyển trạch nên tranh họ đã bi loại bỏ. Đó cũng là lý do khiến bọn họ đứng ra tổ chức riêng cuộc triển lãm từ 15-4 đến 15-5-1874 đúng hai tuần trước ngày khai mạc Phòng Triển lãm chính thức. Với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với Phòng triển lãm kỳ cựu, một thành viên đã không ngần ngại phát biểu một câu xanh rờn : « Cuộc triển lãm lưu vong này là một thắng lợi lớn và tranh của bọn ta sẽ là một cạnh tranh chí tử với đám khứa lão đui chột ngốc nghếch ấy… ». Nhưng cuộc trưng bày của họ lại hầu như là một thất bại. Suốt một tháng trời mở cửa chỉ có khoảng 3500 khách vãng lai, chưa bằng một phần mười tổng số người kéo đến coi Phòng Triển lãm chính thức.
Về phần giới phê bình chính thức cũng chỉ bình phẩm qua loa hoặc nhắc chiếu lệ về phòng tranh mà thôi. May thay, một vài nhà phê bình thuộc loại nghiệp dư, không mấy tiếng tăm lại « đánh hơi » được tính khai phá cách tân của đường lối hội họa mới này, như nhận xét của nhà phê bình nào đó trên tờ RAPPEL: « Bạn hỡi, khi tới đây bạn hãy vứt bỏ mọi thành kiến cổ lỗ sĩ đi. Hẳn một thời đã có những họa sĩ khờ khạo cứ tưởng rằng khi muốn cho ta ý niệm về một cái cây là phải vẽ đúng một cái cây đủ cả thân lẫn cành và lá. Tội nghiệp thay, họ đâu biết răng hội họa phải đem lại cho ta trước hết « ấn tượng » về các sự vật, chứ không phải cái chúng là hiện thực. » (… Vous qui entrez, laissez tout préjugé ancien. Il fut un temps sans doute où des peintres naïfs, lorsqu’ils voulaient donner l’idée d’un arbre, peignaient un arbre en effet avec un tronc, ses branches et ses feuilles. Ils ignoraient que la peinture doit donner avant tout « l’impression » des choses, non leur réalité même" Theo J.J LÉVÊQUES – Les Années Impressionnistes _ 1870 - 1889, ACR Éditions Internationales 1990, tr. 284)
« Hội họa phải đem đến cho ta cái ấn tượng về các sự vật chứ không phải cái chúng là hiện thực.»: Nhà phê bình nào đó, khi phát biểu như trên, hẳn đã nắm được ý nghĩa mang tính chất sáng tạo của từ Impression đặt trước hai chữ Soleil levant dùng làm tựa cho bức « RẠNG ĐÔNG » (Impression, soleil levant-1872) của Claude Monet. Đó cũng là cảm nhận của nhà phê bình Louis Leroy, cha đẻ ra từ Impressionnisme, trong bài tường thuật « L’exposition des impressionnistes » trên tờ « LE CHARIVARI » số ra ngày 25-4-1874 khi, đứng trước bức « RẠNG ĐÔNG », ông đã phải thốt lên: «Bức tranh này phô bày cái gi? Ấn tượng! Ấn tượng, phải rồi.Tôi thầm nhủ bởi vì chính tôi cũng bị ấn tượng, quả là đã có ấn tượng trong đó.» (« Que représente cette toile? Impression! Impression, j’en étais sûr. Je me disais aussi, puisque je suis impressionné, il doit y avoir de l’impression là-dedans… » - Laure-Caroline SEMMER .- Les œuvres-clés de l’Impressionnisme, p. 84 – Coll. Comprendre & Reconnaître, Edit. LAROUSSE, Paris 2007).
Vậy là cũng như đồng nghiệp của mình trên tờ Rappel, nhà phê bình nghiệp dư Louis Leroy, không ngờ lại tỏ ra có cặp mắt tinh tế hơn người vì đã sớm phát hiện những đường nét cách tân trong bức họa của Monet. Trong khi ấy, hầu hết giới phê bình chính thức đươc mô tả là có thẩm quyền và uy tín, có lẽ còn say sưa với hào quang của danh hiệu trao tăng, nên vẫn miệt mài trên những lối mòn khiến chưa biết nhìn ra tính sáng tạo của bức tranh báo hiệu một bình minh rạng rỡ cho hội họa.
Vậy tính cách tân sáng tạo ấy là gì ? Để có được câu trả lời thích đáng không gì bằng quan sát và tìm hiểu từng đường nét của bức tranh được coi là cái đinh của buổi ra mắt và đã trở thành đầu đề tranh luận bàn tán trong suốt thời gian phòng tranh mở cửa.
Nhưng trước hết, tưởng cũng nên nhắc lại một sự kiện nay được coi thuộc loại bên lề, nhưng với chúng ta có thể lại hữu ích. Trong thư sau này gửi cho một người bạn, Monet cho biết bức tranh, thực hiện năm 1872 tại Le Havre, là cảnh tượng dã đập vào mắt ông một sớm mai khi, vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến tàu. Sau đó bức tranh đã được gửi tới Ban Triển lãm mà không có thêm tựa đề. Tới khi được Ban Tổ chức đề nghị chọn cho nó một cái tên, ông đã chỉ đáp lại bằng một chữ ngắn ngủn: « Impression ». Với từ này, hẳn Monet muốn lưu ý mọi người rằng tranh của ông không phải là một hình ảnh về cảng Le Havre (une vue du Havre) theo quan niệm hội họa cổ điển.
Trái lại điều ông muốn phơi bày trên tấm bố chính là cái cái cảm nhận do ánh sáng cảnh vật bên ngoài đã ùa tới đập vào mắt ông một buổi sáng khi , vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến cảng. Và điều mà ông muốn truyền đạt, qua bức tranh, chính là cái ấn tượng hay đúng ra cái cảm nhận qua thi giác của riêng ông trong khoảnh khắc đó và ở vị trí đó. Có lẽ muốn tránh cho khách viếng thăm khỏi bỡ ngỡ, Edmond Renoir, em của họa sĩ Auguste Renoir và cũng là người phụ trách lập danh mục các tác phẩm trưng bày, đã thêm vào hai chữ soleil levant thành cái tựa « Impression, soleil levant » nhằm giúp cho khách coi tranh hình dung được cụ thể nội dung bức tranh hơn.
Dần dà, khi mỹ quan ấn tượng đã trở nên quen thuộc, người ta mới cắt bỏ từ " Impression" để chỉ còn lại hai chữ « Soleil levant » mà thôi. (Sdd, tr. 84). Sự kiện này, ngày nay chẳng còn được mấy ai quan tâm đến; đôi khi nếu có đem ra nhắc lại, thì cũng chỉ như là giai thoại thêm mắm thêm muối cho vui câu chuyện tại các buổi tiệc tùng hay trong những lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Nhưng đặt vào thời điểm bức tranh được đem ra trình làng thì sự hiện diện của từ « Impression » mới quan trọng và cần thiết làm sao. Nó chính là chìa khóa giải mã, là câu niệm chú giúp ta lọt được vào thế giới hội họa ấn tượng và nắm bắt được ý nghĩa của sự tìm tòi sáng tạo cách tân của Monet cùng các đồng môn của ông.
Trước hết, khi đề nghị từ "Impression" làm tựa cho tác phẩm của mình, Monet hẳn muốn nhắc nhở rẳng tác phẩm của ông không phải là một họa lại hiện thực theo mỹ quan cổ điển. Bởi vậy ta đừng trông mong tìm thấy ở đấy một bức tranh về bến cảng Le Havre vào lúc bình minh: quang cảnh rạng đông tuyệt mỹ với các đường nét rõ rệt trong một bố cục phân đối hài hòa, những hình thể, những khối thể hiển lộ nhờ vào sự pha trộn màu sắc khéo léo tạo ra những khoảng sáng tối đậm nhạt đem lại cho ta một ảo giác về chiều sâu không gian.
Trái lại ta phải luôn tự nhủ rằng điều mà nhà danh họa muốn truyền đạt tới chúng ta chính là cái ấn tượng mong manh, bất chợt hay đúng ra là cái cảm xúc trong khoảnh khắc trước cảnh tượng ánh sáng chói lọi đã ùa tới tác động vào thị giác ông một buổi sáng khi ông nhìn ra bến cảng. Le Havre, như chúng ta cũng biết, là một hải cảng trên biển Manche thuộc vùng Normandie tây bắc nước Pháp nên buổi sáng ở đây thường ướt đẫm sương mù.
Khi vừa mở tung cửa sổ, nếu ông đã bị chóa mắt bởi mặt trời như một đĩa lửa xuyên thủng màn sương dày đặc và phản chiếu lấp lánh trên mặt biển, thì ánh sáng chói lọi đó vẫn chưa hội đủ nội lực để làm tan loãng bàu khí quyển còn đậm đặc hơi nước. Bởi vậy đồng thời với mặt trời đỏ chói và cũng do tác động của ánh sáng chói lọi này, trước mắt ông còn lại chỉ là một khung cảnh mơ hồ: một bàu trời ửng hồng còn nhập nhòa với biển cả, bóng dáng của một số ống khói nhà máy và một vài cây cần trục chập chờn ẩn hiện trong bàu không khí vẩn đục, dăm ba chiếc thuyền nhấp nhô mập mờ trên mặt nước…
Ngần ấy thứ cùng một lúc ùa tới tác động vào thị giác khiến, trong khoảnh khắc ấy, ông chỉ có ấn tượng về các sự vật chứ không phải là một hình ảnh của cảnh vật. Làm sao để nói lên cái ấn tượng gây cho ông một cảm xúc mạnh mẽ trong khoảnh khắc bất chợt đó ? Thấy rằng không thể dựa trên các phương pháp bài bản cổ điển được, Monet cũng như các đồng môn của ông đã phải đi tìm một ngôn ngữ hội họa (language pictural) mới bằng một phương pháp tiếp cận mới với những kỹ thuật biểu thị mới. Cái ngôn ngữ hội họa mới ấy chính là thành quả của một tìm tòi học hỏi về tác động của ánh sáng trên màu sắc và cảnh vật.
Trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói hội họa ấn tượng là hội họa của ánh sáng, là hội họa về ánh sáng, là kết quả của tìm tòi về tác động của ánh sáng trên vạn vật. Ứng dụng qui luật quang học Newton về di động ánh sáng, Monet cũng như các đồng môn của ông đã bỏ công sức và thời giờ quan sát ngoại cảnh để ghi nhận rằng: Cùng một cảnh vật nhưng, do tác động của ánh sáng, nó lại cho ta nhiều cảnh tượng khác nhau, nhiều hình ảnh khác nhau, nhiều ấn tượng khác nhau về cảnh vật đó tùy theo điều kiện thời tiết khác nhau, thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí có khi còn cả tùy theo vị trí đứng quan sát nữa.
Bởi vậy các bức họa được coi là hoàn mỹ theo quan niệm cổ điển chưa hẳn đã toàn bích vì nó chỉ cho ta hình ảnh một thực tại cứng nhắc, im lìm, bất biến. Mà đời sống lại là một dòng chảy không ngừng. Và chỉ những cái thuộc về hiện tượng, tức là những cái chợt hiện trước mắt ta rồi biến đổi, những ấn tượng của ta trong khoảnh khắc ấy mới là phản ánh đích thực của dòng chảy đời sống luân lưu. Nghệ thuật, do đó, phải biết nói lên tính sinh động của hiện thực trong từng khoảnh khắc biểu hiện của nó.
Bởi vậy các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho bức tranh của họ. Chủ đề hay đúng ra là đối tượng hội họa, với họ, chính là tác động của ánh sáng trên cảnh vật chứ không phải bản thân cảnh vật. Cũng vì thế các họa sĩ ân tượng đã hướng về ngoại cảnh nhiều hơn, thay vì thu mình trong xưởng vẽ, để tìm cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm của mình. Và cũng trong chiều hướng nghiên cứu này Monet đã để lại cho ta hàng loạt các bức tranh về cùng một chủ dề nhưng ở các thời điểm khác nhau trong ngày hay trong các mùa thời tiết khác nhau. Thí dụ như loạt tranh về Thánh đường Rouen (série «Cathédrales de Rouen»), về các Đống rạ (série « Les Meules ») hay về các Bông súng (série «Les Nénuphars »).
Không chỉ sưu tầm tác động của ánh sáng trên cảnh vật, trường phái ấn tượng còn khai thác một phát hiện khoa học mới mẻ khác, đó là qui luật về"tác động tương phản đồng thời của màu sắc" của Eugène Chevreul (De la loi du contraste simultané des couleurs, 1839). Theo qui luật này, không hề có vật nào giữ được một màu nguyên thủy (couleur primaire) bất biến. Trái lại màu của nó luôn biến đổi do tác động của màu sắc cảnh vật xung quanh.
Do đó khi ta có hai màu kế cận nhau, do tác động tương phản của chúng, mắt ta lại nhìn ra thành một màu thứ ba. Thí dụ như đỏ đứng cạnh vàng, ta lại nhìn ra màu cam hoặc màu xanh lơ bên cạnh màu vàng sẽ cho ta màu xanh lá cây. Kết hợp qui luật Newton về di động ánh sáng với qui luật Chevreul về tác động hỗ tương giữa các màu sắc nhóm họa sĩ ấn tượng đã đề xuất một phương thức biểu thị mới (nouveau mode d’expression) để hình thành ngôn ngữ hội họa ấn tượng. Phương thức biểu thị ấy dựa trên nguyên lý được biết dưới tên gọi le mélange optique mà chúng tôi xin tạm dịch là nguyên lý hòa nhập hình ảnh và màu sắc do di động của ánh sáng hay, để cho ngắn gọn, nguyên lý điều hợp quang học.
Theo nguyên lý này, khi ta có nhiều hình ảnh tách biệt với những màu sắc khác nhau nhưng tiếp giáp nhau, các hình ảnh và màu sắc ấy lại có khuynh hướng hòa nhập với nhau do tác động của ánh sáng di động lên cặp đồng tử của ta, và sư hòa nhập ấy gia tăng theo tỷ lệ thuận với khoảng cách và với tốc độ ánh sáng. Nguyên lý này chính là phương thức tìm kiếm để Monet thể hiện cảm quan của mình lên bức tranh, và tiến hành cuộc cuộc cách mạng ấn tượng như là một nhãn quan mới về hiện thực, một quan niệm mới về hội họa đánh dấu một đứt đoạn với mỹ quan cổ điển.
Giả dụ ta là một khách tới dự buổi khai mạc cuộc triển lãm hội họa ấn tượng với một nhãn quan cổ điển. Tiến về phía bức tranh "Rạng Đông" (Impression, soleil levant) đang được mọi người xúm lại chỉ trỏ bàn tán, ta đã thấy gì ? Ngoại trừ cái vòng trỏn đỏ cam phía trên gần chính giữa là tương đối rõ nét, còn lại chỉ là những khoảng loang lổ những quẹt sơn khi thì chồng chất lên nhau, khi thì quẹt dọc, khi thì quẹt ngang nom chẳng ra hình thù gì cả. Bức tranh này vẽ cái quái gì đây nhỉ? Ta tự hỏi. Tìm đọc cái tựa « Impression, soleil levant »: « A, thì ra đây là một bức họa phong cảnh bình minh.»
Thế nhưng, ngoại trừ cái vòng tròn màu đỏ cam và phần không gian nhuộm hồng ở đỉnh bức tranh cùng vài vết quẹt loằng ngoằng màu cam ngay phía dưới là gợi cho ta ý tưởng về mặt trời mọc ; còn lại toàn thể bức tranh chỉ là một hình ảnh nhập nhòe, hình chẳng ra hình, nét chẳng ra nét khiến ta khó hình dung nổi phong cảnh đó ra sao cả. Cảm nghĩ này của ta chắc cũng là cảm nghĩ chung của đa số khách tới coi tranh bữa đó còn ôm theo nhãn quan cổ điển. Và cái cảm nghĩ này đã được nhà phê bình bảo thủ Emile Cardon nói lên dùm bằng những lời lẽ châm biếm trên tờ La Presse (29-4-74) như sau: « Cái trường phái này loại bỏ hai điều: đường nét là cái không thể thiếu được nếu ta muốn đem lại cho một sinh vật hay một sự vật một hình thể, và màu sắc là diều giúp cho hình thể đó được hiện ra như thực.
Hãy lấy sơn trắng hay sơn đen bôi lên ba phần tư một tấm bố, và phần còn lại màu vàng. Sau đó chỉ việc lấy cây cọ quệt những vệt xanh vệt đỏ trên đó,thế là là anh đã có một bức tranh ấn tượng về mùa xuân để các đệ tử tha hồ trầm trồ tán tụng.»(Cette école supprime deux choses: la ligne sans laquelle il est impossible de reproduire la forme d’un être animé ou d’une chose, et la couleur qui donne à la forme l’apparence de la réalité. Salissez de blanc ou de noir les trois quarts d’une toile, frottez les restes de jaune, piquez au hazard des taches rouges et bleues, vous aurez une impression de printemps devant laquelle les adeptes tombent en extase. Theo Dominique LOBSTEIN.- Au temps de l’impressionnisme 1863-1886, p.63 _ Gallimard 1993/ Réunion des Musées nationaux ).
Vậy là, mặc dù đã có sự cảnh báo của Monet với từ Impression, nhà phê bình Emile Cardon đã không chịu mở rộng tầm nhìn để đón nhận tính cách tân sáng tạo trong bức họa. Cứ khư khư ôm lấy các chuẩn mức của mỹ quan cổ điển, ông vẫn muốn đi tìm ở « Rạng Đông » một bức tranh hoàn chỉnh với chủ đề là một phong cảnh, một chân dung, một điển tích trong đó người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình bằng những hình thể, đường nét cân đối trong một bố cục pha trộn ánh sáng, màu sắc hài hòa.
Do tầm nhìn còn bị giới hạn bởi lập trường bảo thủ ấy nên ông ta mới đánh giá bức họa của Monet bằng những lời lẽ mỉa mai riễu cợt. Ông đâu biết rằng điều mà ông cho là những vệt sơn quét của một thủ pháp lố lăng để lòe thiên hạ ấy, lại chính là kết quả của một khổ công tìm tòi của Monet dựa trên các phát hiện khoa học mới mẻ để thể hiện cái nhìn khai phá và thổi một luồng sinh khí mới cho hội họa.
Như đã trình bày ở trên, các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho tác phẩm của họ. Cũng như chất súc tác để gây ra một phản ứng hóa học, ngoại cảnh hay chủ đề, với các họa sĩ ấn tượng, chỉ được coi như một thứ nền tạo điều kiện hay cơ hội cho họ phô bày các ấn tượng, cảm xúc chủ quan trong một khoảnh khắc và ở vào một thời điểm nào đó mà thôi. Mà muốn biểu thị các sắc thái biến đổi chập chờn thoáng hiện ấy : bàu không khí ẩm ướt sương mai, sóng nước long lanh, chân trời mặt biển nhập nhòa, cảnh vật nhóe nhoẹt …
Monet, cũng như các đồng môn của ông, đều thấy rằng không thể tiếp tục vay mượn các thủ pháp cổ điển được. Trái lại chỉ có phương pháp dựa trên nguyên lý điều hợp quang học (le principe de mélange optique) mà họ đã chịu khó bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu mới giúp họ vững bước trên con đường sáng tạo. Cũng vi vậy các họa sĩ ấn tượng đã từ bỏ việc minh họa các hình thể với những đường nét ước lệ (conventionnel) cứng nhắc.
Thay vào đó là những quẹt sơn kế cận, khi dọc, khi ngang, khi ngắn khi dài, có khi chồng xéo lên nhau để tạo ra những bóng dáng mơ hồ… Nhìn gần, những lát sơn quẹt này chỉ cho ta một hình ảnh nhòe nhoẹt chẳng rõ hình thù ra sao. Nhưng với khoảng cách, do tác động của ánh sáng, chúng lại hòa hợp với nhau và đem lại cho ta hình ảnh của một cảnh vật không ngừng chuyển động.
Ngoài ra, cùng với việc bỏ rơi các hình thể đậm nét, họa sĩ ấn tượng cũng thay thế cách pha trộn màu sắc bài bản để tạo ra các khoảng không gian sáng tối, đậm nhạt bằng những quẹt sơn màu tiếp cận nhau hoặc chồng chất lên nhau. Hệ quả là, với khoảng cách và do tác dụng của truyền bá ánh sáng, những quẹt sơn màu này, thay vì là những vết loang lổ, lại truyền đạt cho ta cái ấn tượng của một bàu khí quyển với ánh sánh đang nhảy múa trên mặt biển lung linh sóng nước ; hoặc đem lại cho ta cảm giác đang đứng trước một thực tại sinh động như khi ta đưa mắt lắng nghe tiếng gió reo vui trên cánh đồng rực đỏ hoa mào gà. (coi Monet, Les Coquelicots 1873).
Trên đây là trình bày sơ lược về ý nghĩa nội dung và về môt vài bí quyết thủ thuật trong ngôn ngữ sáng tạo của hội họa ấn tượng. Chúng tôi xin dành cho quí độc giả phần quan sát bức « Impression, soleil levant » (1) để thưởng lãm và đánh giá công trình nghiên cứu và học hỏi của trường phái ấn tượng đã đóng góp cho sự cách tân hội họa như thế nào.
Nguyễn Bảo Hưng
(Février – Avril 2011, cập nhật hóa Janvier 2016)
(1) Có thể truy cập dễ dàng trên Google bằng cách gõ: « soleil levant monet». Về phần quí vị nào viêng thăm Paris muốn được coi tận mắt bức tranh này của Monet, xin mời tới Le musée Marmottan Monet 2, rue Louis – Boilly, 75016 Paris. Mở cửa từ 10 giờ tới 18 giờ mỗi ngày, ngoại trừ thứ hai hàng tuần và hai ngày 1-5 và 25-12. Riêng với các du khách rộng rãi thời gian và không chỉ muốn biết nước Pháp qua một số hình ảnh chụp trên dại lộ Champs Elysée, trước Khải Hoàn Môn, trước Tháp Eiffel hay tại khu Montmartre, quí vị nên dành một ngày tới thăm Giverny để khám phá vẻ đẹp mang bản sắc riêng của nước Pháp. Giverny là một ngôi làng thuộc hạt Eure, cách Paris khoảng 80 cây số và cũng không xa thành phố Rouen là bao. Giverny không chỉ là một trong những ngôi làng được xếp thuộc loại đẹp nhất nước Pháp, mà còn là nơi Monet đã chọn để tạo dựng một cơ ngơi làm nơi an dưỡng cuối cùng của ông. Tới viếng thăm cơ ngơi này vào mùa xuân, bạn không chỉ được coi ngôi nhhà ở của Monet mà còn được chiêm ngưỡng khu vườn bông với trăm hoa khoe màu sắc; nếu vào mùa thu, bạn sẽ có cơ hội đứng trên cây cầu nhật bản (le pont japonais) ngắm cảnh những bông xúng soi bóng trên mặt hồ lung linh ánh nắng, từng làm chủ đề cho loạt tranh « Les Nénuphars » nổi tiếng của ông. Muốn viếng thăm với tư cách cá nhân, chỉ cần lên internet gõ « Monet-Giverny » là sẽ được hướng dẫn đầy đủ về thời điểm viếng thăm và thể thức ghi tên viếng thăm.
***
Tài liệu tham khảo:
- Elisabeth LIEVRE-CROSSON: Comprendre la peinture – Les Esentiels Milan , Editions Milan 1999.
- J.J LEVEQUES: Les Années Impressionnistes 1870-1889 - ACR Editions Internationales 1990.
- Nadeije LANEYRE-DAGEN: Lire la peinture dans l’intimité des œuvres – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2002.
- Patricia FRIDER-CARASSAT & Isabelle MARCADE : Les Mouvements dans la peinture – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2003.
- Nicole TUFFELLI: L’art au XIXè siècle – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 1987.
- Dominique LOBSTEIN : Au temps de l’impressionnisme – Gallimard 1993/Réunions des Mussées Nationaux.
- Laure-Caroline SEMMER : Les œuvres-clés de l’Impressionnisme – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2007.
- Isabelle CAHN: Comment regarder Monet – Edit. Hazan, Paris 2010.
- Maurice SERULLAZ: L’Impressionnisme – Collect. Que sais-je ? No 974 , Presses Universitaires de France 1967.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét