Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Đất Phương Nam I - Sài Gòn Dưới Thời Pháp Thuộc




Sài Gòn Dưới Thời Pháp Thuộc


Đến khi Pháp chiếm Sài Gòn, lịch sử lại tái diễn, họ đã cho đặt 35 ổ cốt mìn để phá tan tành thành nầy vào ngày 8 tháng 3 năm 1859. Sau đó họ cho đốt toàn bộ những gì mà quân Nam đã bỏ lại trong thành, gồm 20 ngàn cây súng đủ cỡ, vô số gươm giáo, 85 thùng thuốc súng và vô số hỏa bì, hỏa pháo, diêm sanh... Số lúa gạo còn lại trong thành, trị giá trên 3 triệu quan Pháp, có thể nuôi được 8 ngàn lính trong một năm và số tiền điếu trị giá 130 ngàn quan Pháp cũng bị đốt sạch. Ngay chính thống kê của quân đội Pháp mà họ còn cho biết trận hỏa thiêu nầy là một biến cố đáng tiếc. Một người Pháp tên Charcles Lemire đã thuật lại vào ngày 27 tháng giêng năm 1862 tại Paris rằng mãi về sau nầy ngay tại bên Pháp người ta đã tỏ ra hối tiếc về hành động hủy hoại vô ích của Thủy sư Đô đốc Rigault de Genouilly về việc ông cho phá hủy và hỏa thiêu thành Sài Gòn. Sau khi phá hủy thành Gia Định người Pháp mới nhận thức được sự sai lầm lớn lao của mình, nên trong khi còn đang xây dựng lại thành phố mới và việc bình định vẫn chưa xong, vào đầu năm 1860, giặc Pháp đã phải cho phép các tàu buôn ngoại quốc vào thương cảng Sài Gòn để buôn bán. Riêng năm 1860 có gần 250 với tổng trọng tải lên đến hơn 63 ngàn tấn đã đem hàng hóa vào cảng Sài Gòn, và sau đó đã mua đi gần 54 ngàn tấn gạo với trị giá trên 5 triệu quan thời bấy giờ, đủ cho thấy sự quan trọng của cảng Sài Gòn.

Kể từ sau khi người Pháp chiếm thành Gia Định, họ cho xây dựng thành phố Sài Gòn trên bề mặt của hai thành phố mà trước đây có tên là Bến Nghé (Kas Krobei) và Chợ Lớn (Prei Nokor). Trước khi người Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1859, ngoại trừ Chợ Lớn và khu vực xung quanh thành Gia Định là còn có một ít phố sá, chứ vùng Bến Nghé thật ra không hẳn là một thành phố đã được xây dựng có qui củ, mà nó chỉ là những làng mạc rải rác bên bờ sông Sài Gòn, trong phạm vi thành phố Sài Gòn ngày nay. Ông Léopold Pallu de la Barrière, một người Pháp theo chân đoàn quân viễn chinh, đã mộ tả Sài Gòn trong quyển “Histoire de l’expédition en Cochinchine en 1861” (Lịch Sử Cuộc Viễn Chinh Ở Nam Kỳ vào Năm 1861) như sau: 

“Đường phố băng xuyên qua vùng trũng thấp, nhà phố ẩm thấp, nghèo nàn, đó là Gia Định Thành mà ngày nay chúng ta gọi là Sài Gòn. Chắc có lẽ một ngày nào đó, nó sẽ trở thành một thành phố tráng lệ và đông dân cư tại những nơi mà người ta hiện còn thấy dấu vết của làng mạc bị chiến tranh tàn phá.” Trong khi đó ông Rodolphe Lindan, tùy viên tòa đại sứ Phổ tại đây đã ghi nhận về Sài Gòn năm 1861 như sau:

“Sài Gòn không tương xứng với danh nghĩa kinh đô hoàng gia. Đó chỉ là một làng mạc nghèo nàn, gồm nhiều chòi lá, không có lấy một biệt thự hay công ốc nào đáng được du khách lưu ý đến. Để giải thích một thành phố như thế, đã trở thành trung tâm của một chánh phủ và trung tâm thương mại thịnh vượng, người ta phải nhớ rằng lúa gạo giữ vai trò quan trọng ở Nam Kỳ, hầu hết đều do nhóm lưu dân người Hoa nắm giữ. Họ sinh sống tập trung ở một thành phố riêng biệt, thành phố người Hoa cách vùng Bến Nghé khoảng 6 cây số.” Kỳ thật, thành phố người Hoa nầy mới chính là vùng Prei Nokor thuở trước, và những người Hoa lánh nạn chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn ở vùng Cù Lao Phố đã chạy về đây lập nên từ năm 1776. Người Hoa đặt tên cho thành phố nầy là “Tài Ngon” và sau nầy người Pháp đã đọc trại ra làm “Sài Gòn”. 

Như vậy, rõ ràng trước khi người Pháp đánh chiếm miền Nam, trong thành Gia Định có hai thành phố khác biệt nhau, thứ nhất là khu Bến Nghé (Kas Krobei) có người Việt sống tập trung; và thứ nhì là khu Chợ Lớn (Prei Nokor) có người Hoa sinh sống. Giữa hai thành phố là những khu đồng ruộng với làng mạc rải rác. Sau khi xâm chiếm và biến Nam Kỳ thành thuộc địa, người Pháp đã sáp nhập và biến đổi hẳn hai thành phố nầy làm thành phố Sài Gòn. Tuy vậy, lúc nào khu Chợ Lớn của người Hoa cũng là một trung tâm thương mại sầm uất nhất cả nước.

Mặc dầu vùng Bến Thành là nơi giao tiếp giữa các thương nhân và các nhà truyền giáonhưng những yếu tố văn hóa Đông Tây đã thâm nhập vào đời sống của cư dân vùng nầy rồi vì, đặc biệt là từ khoảng 1790 đến 1802 khi Nguyễn Ánh tỏ ra ưu đãi và trọng dụng các chuyên gia kỹ thuật phương Tây để xây dựng thành trì và trang bị vũ khí cũng như khí cụ theo kiểu Âu Châu. Tuy nhiên, văn hóa phương Tây thật sự ăn sâu vào vùng đất nầy kể từ khi người Pháp chiếm miền Nam. Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, đến năm 1862, Thống Đốc Bonard chia Gia Định ra làm 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Lúc bấy giờ Sài Gòn vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, mà cũng vừa là huyện lỵ của huyện Tân Bình. Trong khi đó Chợ Lớn (Đê Ngạn) là huyện lỵ của huyện Tân Long cũng thuộc phủ Tân Bình. Theo cuốn “Annuaire de la Cochinchine” in vào năm 1865, lúc Pháp chiếm Sài Gòn vào năm 1859, vùng Sài Gòn có 40 làng dọc theo hai bên bờ sông Bến Nghé. Ngay khi vừa chiếm xong Sài Gòn, giặc Pháp đã cho lấp toàn bộ những kinh rạch và san bằng chùa chiềng đình miếu(14) để xây dựng dinh thự, công sở, nhà thờ Thiên Chúa Giáo, đường sá và phố xá. Chỉ trong vòng 4 năm sau đó, thực dân Pháp đã biến toàn bộ vùng Bến Nghé thành khu vực trung tâm quận nhứt của thành phố Sài Gòn sau nầy, với dinh thự tổng hành dinh của phủ Toàn Quyền Đông Dương. 

Năm 1862, Thống Đốc Nam Kỳ Bonard đã duyệt xét và phê chuẩn phương án xây dựng thành phố Sài Gòn theo phong cách Âu châu do Đại tá Coffyn đưa ra, và thành phố Sài Gòn mới nầy được bắt đầu xây dựng vào tháng 4 năm 1862. Theo phương án của đại tà Coffyn, thành phố Sài Gòn sẽ được xây dựng với 3 con sông bao quanh, đó là sông Thị Nghè, sông Bến Nghé và sông Sài Gòn. Đến sau năm 1780, nó được mở rộng về phía Nam đến Kinh Tẽ, nay thuộc quận 4. Đến năm 1882, do nhu cầu dân cư, thành phố Sài Gòn bắt đầu phát triển ra ba hướng; về phía Bắc phát triển về phía Bình Thạnh, dọc theo kinh Văn Thánh chạy dài đến kinh Thanh Đa; về phía Đông Bắc phát triển qua khỏi sông Thị Nghè; về phía Tây tiếp tục phát triển về phía thành phố Chợ Lớn(15). Trong khi đó về phía Nam và phía Đông không phát triển được vì bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn và Kinh Tẽ. Tuy nhiên, đến năm 1923, do nhu cầu dân cư(16), thành phố đã được nới rộng phát triển về phía Nam kinh Tẽ phía hướng Bình Chánh, bây giờ là quận 7, và về phía Đông phát triển qua bên kia bờ sông Sài Gòn, bây giờ là quận 2. Theo phương án của đại tá Coffyn, sau khi hoàn tất, thành phố nầy có thể tiếp nhận từ 500 ngàn dân trở lên(17). Người Pháp đã dự định xây dựng Sài Gòn-Chợ Lớn(18) thành một thành phố lớn theo qui hoạch của họ. Lúc đó vùng Sài Gòn-Gia Định ngày nay được chia ra làm 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện. Tưởng cũng nên nhắc lại, lúc thực dân Pháp chiếm thành Gia Định thì tại đây có 2 thành phố riêng biệt: Sài Gòn(19) và Chợ Lớn(20). Sài Gòn lúc bấy giờ là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, cũng vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, mà cũng vừa là huyện lỵ của huyện Bình Dương. Trong khi đó, Chợ Lớn là huyện lỵ của huyện Tân Long, thuộc phủ Tân Bình. Kỳ thật, trước khi người Pháp bắt đầu xây dựng Sài Gòn theo 2 trục Bắc-Nam và Đông-Tây, thì vùng Gia Định tuy đã có sẵn những con đường lớn, dành cho các loại xe ngựa, mặc dầu những con đường nầy vẫn còn là những con đường đất nung và phải băng qua những vùng trũng thấp, nhưng dọc theo những con đường đó chỉ là những khu nhà lá nghèo nàn, thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà bằng gỗ. Nhìn chung, bộ mặt Sài Gòn từ những năm 1859 đến 1862, không phải là bộ mặt của một thành phố thật sự. Chính vì vậy mà người Pháp đã quyết định phá bỏ tất cả để làm lại từ đầu theo qui hoạch của họ. Kể từ đó thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định được bắt đầu xây dựng với nhiều đường phố và cao ốc, cũng như nhà dây thép (bưu điện), công viên, bến cảng... theo kiểu Tây phương. Và cũng kể từ đó nhiều khu chợ mới được thành lập, có chợ được xây ngay trên nền những chợ cũ như chợ Bến Thành, chợ Cầu Ông Lãnh, chơ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Cây Đũi, vân vân. Ngay từ những năm 1861 và 1862, trong khi Sài Gòn đang chuẩn bị xây cất lại, đã có nhiều giới thương gia người Pháp đến đây mua đất xây dinh thự. Ít lâu sau đó, các công ty thương mãi, ngân hàng, khách sạn, và nhiều cửa hàng cũng mọc lên như nấm dọc theo các trục giao thông nối liền vùng hào thành với cảng Sài Gòn. Hồi nầy trục giao thông bằng đường bộ chỉ có hai con lộ trải đá, chạy song song với Rạch Tàu(21), nằm trong khu vực quận 1 và quận 3 ngày nay, còn lại đa phần công việc vận chuyển hàng hóa đều bằng đường thủy với những lộ trình ăn thông với sông Sài Gòn. Hệ thống kinh rạch tại đây là huyết mạch của vùng Sài Gòn từ xưa đến nay. Lúa gạo từ miền Tây lên Sài Gòn-Chợ Lớn đều vận chuyển qua hệ thống giao thông thủy huyết mạch nầy. Lúa gạo và hàng hóa có thể vận chuyển từ miền Tây qua Tiền Giang bằng ngã Trà Ôn-Măng Thít; đến Mỹ Tho vào sông Bảo Định đến Vũng Gù, theo sông Vàm Cỏ Tây đến Kinh Thủ Thừa qua Vàm Cỏ Đông, đi về phía hạ lưu đến sông Bến Lức, rồi từ đó đi vào Chợ Lớn, rồi theo sông Bến Nghé vào Sài Gòn. Đến năm 1885, đường xe lửa Sài Gòn-Chợ Lớn-Mỹ Tho(22) bắt đầu hoạt động. 

Kể từ đó hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và dễ dàng hơn. Sau năm 1923, cả hai vùng Sài Gòn và Chợ Lớn đều tiếp tục phát triển rộng lớn về mặt địa bàn. Thành phố Sài Gòn mở rộng dần về phía Tây Nam, trong khi Chợ Lớn mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, lúc nầy giữa hai thành phố vẫn còn nhiều vườn cây ăn trái xanh um, đầm lầy và ruộng lúa. Sau đệ nhị thế chiến vào năm 1945, dân số Sài Gòn-Chợ Lớn tăng vọt từ 600 ngàn vào năm 1923 đến gần 2 triệu vào năm 1946, nghĩa là tăng gấp 4 lần(23). Đến năm 1936, đường xe lửa nối liền Hà Nội-Sài Gòn-Nam Vang cũng bắt đầu hoạt động. Chính nhờ những tuyến đường hỏa xa nầy mà thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn cũng bắt đầu phát triển rất mạnh. Do đó thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đã phải mở rộng tứ phía, các vùng đồng ruộng cách biệt giữa Sài Gòn và Chợ Lớn đều biến thành phố xá nhà cửa. Từ đó Sài Gòn trở nên náo nhiệt và sầm uất hơn xưa nhiều.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau biến cố Cù Lao Phố(24) từ 1776 đến 1779, người Hoa rời Cù Lao Phố, nơi mà cha anh của họ đã xây dựng thành một thành phố lớn. Họ đã đi khoảng 100 cây số về hướng tây nam, xuôi theo rạch Bến Nghé để lánh nạn, và tại đây họ đã lập nên thành phố Đê Ngạn. Đây là một khu vực lý tưởng cho việc vận tải đường thủy. Dưới thời Gia Long, vị hoàng đế nầy đã đặc biệt nâng đỡ cho sự phát triển của thành phố Đê Ngạn, nên chẳng bao lâu sau đó, thành phố nầy đã trở nên một khu vực buôn bán sầm uất. Dưới thời Tổng trấn Lê văn Duyệt, ông đã cho thiết lập một giang cảng tại đây, cũng như cho xây dựng nhiều kho chứa hàng ở hai bên bờ rạch. Đồng thời, ông cũng cho đào kinh, vừa thuận tiện cho giao thông đường thủy, vừa dẫn thủy nhập điền, mà cũng vừa giúp thoát nước ra khỏi các vùng trũng ngập nước và các đầm lầy quanh thành phố. Sau khi chỉnh trang, thành phố Đê Ngạn trở thành một thành phố lớn nhất trong vùng, nên người Việt Nam gọi nó là ‘Chợ Lớn’, trong khi người Hoa vẫn tiếp tục gọi nó là ‘Đê Ngạn’ hay ‘Tây Cống’. Vào năm 1861, thành phố Chợ Lớn đã có 40 ngàn dân, với 400 nhà ngói với phong cách Trung Hoa. Ban đêm họ để đèn (dầu phộng) soi sáng toàn thành phố suốt đêm. Từ năm 1862, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được xây dựng song hành, đến năm 1864 thì hai thành phố gần như liền nhau.

Đến năm 1864, về mặt hành chánh, người Pháp tách Chợ Lớn ra khỏi Sài Gòn vì thành phố của người Hoa này đang trên đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, sau năm 1870, Sài Gòn bắt đầu phát triển về mọi mặt, nhứt là về mặt thương mại(25), và chẳng bao lâu sau đó Sài Gòn đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm thương nghiệp thịnh vượng nhất của bán đảo Đông Dương. Từ đó, Sài Gòn bắt đầu có dáng vẻ của một thành phố Tây phương với sự phát triển theo hai trục Bắc Nam và Đông Tây. Và cũng kể từ sau năm 1870, các thương thuyền của người Tây phương và các nước lân cận bắt đầu lui tới tấp nập tại thương cảng Sài Gòn, và những cái tên chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn đã trở nên rất quen thuộc với mọi người. Mãi đến năm 1874, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Lúc bấy giờ Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương với những công trình xây dựng lớn, công sở, trung tâm thương mại, công nghệ, dịch vụ và giao thông. Trong bài khảo cứu của Trương Vĩnh Ký “Souvenirs historiques” đã ghi lại chung quan Sài Gòn xưa có những làng như Hòa Mỹ, Tân Khai, Long Điền, Trường Hòa, Mỹ Hội, Nam Chơn, Long Hưng, Cầu Kho, Chợ Quán, Tân Kiểng, An Bình, Hòa Nghĩa... Thành phố Sài Gòn lúc đó nằm trong vùng đất thôn Mỹ Lợi, từ kinh Cây Cám tới làng Tân Khai. Tân Khai có tục danh là Chợ Sỏi, hoặc chợ Vàm Bến Nghé. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên Sài Gòn trở thành một đô thị lớn nhất Đông Dương. Năm 1944, Pháp tách một phần đất Chợ Lớn và một phần của tỉnh Gia Định để thành lập thêm tỉnh Tân Bình.

Sau đệ nhị thế chiến (1945) thì Sài Gòn được xem như là hòn ngọc Viễn Đông. Sài Gòn chính là con mắt của chín con rồng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất pha trộn rất nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, do các di dân từ khắp nơi mang đến, từ người Việt, người Hoa, đến người Khmer, người Chăm, vân vân. Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại Sài Gòn là thành phố lớn nhất cả nước, có trên 200 ngôi chợ lớn nhỏ. Trong số đó có những chợ nổi tiếng như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông... Chợ Lớn được xây từ năm 1788 do một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán, và chính khu chợ đó đã phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể được xem như một China Town của Sài Gòn với đầy đủ hàng hóa từ thổ sản đến hàng công nghiệp nặng nhẹ được bày án trong những khu phố của người Hoa nằm san sát nhau. Chợ Bến Thành có mặt từ trước những ngày Pháp chiếm Sài Gòn, nhưng đó chỉ là một ngôi chợ nhỏ nằm bên bờ sông Bến Nghé và sát cạnh thành Gia Định xưa. Lúc đó chợ được xây bằng gạch, khung gỗ và lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần nhưng vẫn hoạt động đến năm 1911, Pháp cho phá chợ cũ để xây ngôi chợ mới rộng rãi và khang trang hơn, có tháp đặt đồng hồ ngay cổng chánh. Chợ An Đông nằm trong vùng Chợ Lớn, đây là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất của vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Hiện tại chợ An Đông gồm năm tầng lầu, trong chợ có đầy đủ các mặt hàng bán lẻ cho dân địa phương và bán sỉ cho các chợ tỉnh ở miền Đông và miền Tây.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

A- Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6(Gồm 40 phần)
B/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định (Gồm 8 Phần )
C/Đất Phương Nam I- Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét