Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Đất Phương Nam I - Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong



Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong:

Đối với lịch sử hình thành xứ Đàng Trong thì Thuận Quảng là trung tâm chính trị và văn hóa, mà cũng là chân đứng của dòng họ Nguyễn trong suốt hai thời kỳ ‘chín chúa mười ba vua’ của dòng họ nầy, vì trong tình hình gần như thập tử nhứt sanh của Nguyễn Hoàng trước sự đe dọa của Trịnh Kiểm, thì vùng biên địa hoang vu với đầy dẫy những khó khăn thử thách ‘Thuận Quảng’ chẳng những đã mở ra cho Nguyễn Hoàng con đường sống, mà lại còn chính là nơi phát tích cho dòng họ Nguyễn.
Chính vùng đất ‘Thuận Quảng’ đã khai sanh ra xứ Đàng Trong, một dãy giang sơn gấm vóc có tầm vóc không thua gì nơi xuất phát của dân tộc Việt năm xưa. Thật vậy, xứ Đàng Trong đã sớm tạo cho dòng họ Nguyễn một thế lực tương xứng với vùng lãnh thổ của vua Lê và chúa Trịnh ở bờ Bắc sông Gianh. Tuy nhiên, nếu nói vùng Thuận Quảng là đất dựng nghiệp của dòng họ Nguyễn thì cũng phải thành thật mà nói rằng Sài Gòn đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển và giữ vững xứ Đàng Trong.

Nói về vùng Sài Gòn, không phải đợi đến lúc chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp là Chei Chetta II, hoặc đến khi xứ Đàng Trong mở ra hai trạm thâu thuế Kas Krobei và Prei Nokor vào năm 1623, mà trước đó rất lâu vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã từng là chứng nhân lịch sử cho các cư dân bản địa ngay từ thời tiền sử và sơ sử, nghĩa là hàng chục thế kỷ trước tây lịch. Rồi đến khi vương quốc Phù Nam được thành lập trên vùng đất nầy, chắc chắn Sài Gòn cũng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong thời kỳ văn hóa Óc Eo phát triển, từ đầu thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ sáu sau tây lịch. Đến khi vương quốc Phù Nam bị phiên quốc Chân Lạp tiêu diệt, không riêng gì vùng Kas Krobei và Prei Nokor bị vương quốc Chân Lạp bỏ quên trong suốt mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười bảy, mà cả vùng Thủy Chân Lạp hầu như cũng bị lãng quên.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ mười bảy, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây họ chỉ thấy nơi giao tiếp giữa rạch ‘Bến Nghé’ và sông Sài Gòn chỉ là một làng chài nhỏ mà người Khmer gọi là Kas Krobei. Đi xa khỏi ‘Bến Nghé’ về phía tây nam là cả một khu rừng rậm với lác đác vài xóm nghèo mà người Khmer gọi là ‘Prei Nokor’. Tuy nhiên, chỉ khoảng vài năm sau khi xứ Đàng Trong được Miên vương cho phép đặt hai trạm thu thuế tại Kas Krobei và Prei Nokor vào năm 1623 thì lưu dân người Việt đã đổ xô nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp. Mặc dầu người Việt đến đây và sống rất hài hòa với cả người Khmer lẫn cư dân bản địa, nhưng có thể vì sự khác biệt quá xa về văn hóa nên hễ người Việt đến đâu là người Khmer và cư dân bản địa lui sâu dần vào vùng rừng rậm, để rồi chỉ trong vòng mộ thế kỷ sau đó, không riêng gì hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor, mà hầu như toàn thể miền Đông Nam Phần còn rất ít người Khmer cư trú.
Đến năm 1679, các cựu thần nhà Minh được chúa Nguyễn cho phép đến khai phá vùng Bàn Lân lập nên Cù Lao Phố, rồi sau đó quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược xứ Nông Nại vào năm 1698, đã khiến cho vùng đất nầy phát triển nhanh chóng.

Sài Gòn Của Xứ Đàng Trong: 

Có nhiều giả thuyết về cái tên Sài Gòn, ở đây chúng ta không bàn đến những giả thuyết ấy. Sài Gòn, Chợ Lớn, Kas Krobei, Prei Nokor Đê Ngạn hay Xi Koong... là những danh xưng rất quen thuộc cho thành phố đã từng là thủ phủ của nước Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ý nghĩa của cái tên Sài Gòn cho mãi đến hôm nay vẫn còn là một câu hỏi chưa có giải đáp. Ngay từ khi mới chiếm Nam Kỳ, chính cái dáng vẻ quyến rũ của Sài Gòn đã khiến nhiều nhà khảo cổ học người Pháp bỏ công ra tìm hiểu về ý nghĩa của địa danh Sài Gòn.
Nhưng trải qua nhiều thời kỳ với nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng nào được công nhận. Có người cho rằng chữ Sài Gòn tự nó không có ý nghĩa gì cả mà chỉ là âm đọc trại từ tiếng Miên “Prei Nokor” mà thôi(1). Giả thuyết nầy không đứng vững vì dưới thời vương quốc Phù Nam và Chân Lạp, chưa bao giờ có một sử liệu nào nói đến cái tên “khu rừng quốc gia” cả. Dân Lâm Ấp vùng Bình Thuận lại gọi Sài Gòn là Prây Kor, có lẽ họ cũng gọi trại theo tiếng Cao Miên, nhưng chữ “Kor” ở đây lại có nghĩa là “bò”, có thể xưa kia dân vùng biên địa giữa hai vương quốc Lâm Ấp và Phù Nam đều biết vùng nầy là một khu rừng có rất nhiều bò nên họ gọi là khu “Rừng Bò.” Ngoài ra, theo ngôn ngữ Cao Miên thì “Ko” hay “Kor” còn có nghĩa “Gòn”, một loại cây có thân rất nhẹ dùng làm củi. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Xưa và Nay thì chữ Sài có nghĩa là củi để đốt lò, còn chữ “Gòn” là một loại cây bông, gỗ nhẹ, có bông dùng làm chất độn gối. Tuy nhiên vì chữ Hán không có chữ “Gòn” nên tổ tiên ta đã viết chữ “Côn” nhưng vẫn đọc là “Gòn.” Thuyết nầy có phần hợp lý với từ “Prây Kor” của người Lâm Ấp. Dù thế nào đi nữa thì cái tên Sài Gòn đã quá quen thuộc và thân thương với chẳng những dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà còn với cả nước.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng ta cũng không bàn nhiều chi tiết của các địa danh ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà chúng ta chỉ gợi lại những kỷ niệm xa xưa của tổ tiên trên bước đường Nam tiến mà thôi. Và trong suốt bài viết “Sài Gòn Theo Dòng Thời Gian” cũng như bộ tuyển tập “Đất Phương Nam” nầy, mỗi khi nói đến Sài Gòn kể từ sau thời Pháp Thuộc, người viết muốn ám chỉ cả ba vùng: Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Từ khi người Phù Nam còn làm chủ trên mảnh đất Nam Kỳ, lúc đó còn là rừng rậm và đầm lầy, thì dân Chân Lạp cũng đã có mặt và sống lẫn lộn với người Phù Nam tại vùng Sài Gòn, nhưng cả hai dân tộc này không khai khẩn chi cả, mà họ chỉ thu hái hoa lợi tự nhiên. Hễ hết chỗ này thì họ đi đến chỗ khác thu hái tiếp và cứ thế mà họ lòng vòng lẩn quẩn quanh vùng Sài Gòn. Chính vì thế mà khi người Việt ta đến đây thì vùng này vẫn còn rất hoang vu, hình như chưa có tên gọi.
Vào thuở đất Sài Gòn hãy còn trực thuộc dinh Trấn Phiên (Gia Định) thì đó là một vùng đất hoang vu, nơi có rất ít người Việt đến cư ngụ. Đa phần dân cư tại Sài Gòn lúc bấy giờ là dân khờ me, Stieng và Chàm. Trước năm 1698 khi chúa Nguyễn sai Nguyễn cư Trinh vào Nam thiết lập bộ máy cai trị thì dân cư trong vùng Sài Gòn chỉ có khoảng chừng 10.000 người.
Từ lúc có cư dân Việt Nam đến khi Pháp chiếm Nam kỳ thì vùng Sài Gòn có khoảng chừng 15.000 cư dân, nghĩa là cũng không tăng là bao nhiêu trong vòng 100 năm đó. Dưới chế độ thuộc địa từ năm 1859 đến năm 1954 thì Sài Gòn có khoảng 110.000 dân. Dưới thời đệ nhứt và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), nghĩa là trong vòng 21 năm mà Sài Gòn đã có đến 3.500.000 dân. Từ năm 1975 đến nay (2005), nghĩa là trong vòng gần 30 năm mà dân Sài Gòn hiện tại đã có trên 5.000.000. Về diện tích, Sài Gòn rộng khoảng 2.095 cây số vuông. Về vị trí, phía Bắc Sài Gòn giáp Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, phía Đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa, phía Tây giáp Long An, phía Nam giáp tỉnh Gia Định.
Mãi đến bây giờ cũng chưa có tài liệu nào đích xác về lịch sử cư dân trong vùng Sài Gòn. Trước khi người Phù Nam làm chủ trên mảnh đất này, không biết có sắc dân nào đã cư ngụ tại đây. Người ta chỉ đoán là trước đó có những bộ tộc cổ Mã Lai cư ngụ. Sau khi Pháp chiếm xong Sài Gòn, người Pháp bắt đầu đào mống để xây dinh thự cho chính quyền thuộc địa thì họ khám phá ra những chứng tích của thời đồ đá(2). Người ta cho rằng thời sơ khai của Sài Gòn, có những bộ tộc của người Mạ và Stieng cư ngụ, sau đó thì dân Phù Nam, rồi dân Chân Lạp, Chăm, và cuối cùng là dân Việt. Khi dân Việt đến đây thì các sắc dân kia rút sâu về những khu rừng rậm ở phía tây bắc như Sông Bé, Tây Ninh, Snoul, vân vân. Từ thế kỷ thứ 16, do sự tăng trưởng dân số nên dân Việt từ lưu vực sông Hồng đã tiến về phương Nam mở đất.

Trong khi các sắc dân khác hãy còn sống bán khai thì người Việt chúng ta đã biết khẩn hoang, làm rẫy, làm ruộng, làm thủ công, rèn dao, làm gạch, vân vân, nên khi chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn hữu Cảnh vào đây thiết lập bộ máy hành chánh thì các sắc dân khác vốn không quen sống dưới sự kiểm soát của ai, nên họ bỏ đi và lẩn vào rừng sâu. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất mới phía Nam, ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, và lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Lúc đó dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình và dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long. Tuy nhiên, trước khi các chúa Nguyễn đưa lưu dân vào Sài Gòn thì ở đây đã có dấu chân của người Hoa lai vãng. Người Hoa đã đến đây bằng những thương thuyền, họ chở hàng hóa buôn bán với các vùng Mã Lai và Tân Gia Ba, khi về ngang qua một vùng xanh ngát, họ ghé thuyền lại và khám phá ra vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn. Lúc ấy Sài Gòn có khoảng dưới 10.000 cư dân. Thế rồi từ đó về sau những thương thuyền Trung Hoa tiếp tục lui tới và biến nơi đây thành một vùng tương đối sầm uất.
Kỳ thật vùng mà người Hoa hay lui tới là vùng mà bây giờ mình gọi là Chợ Lớn, nhưng người Hoa gọi là “Đê Ngạn.” Khi người Việt đến đây đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, khi chúa Nguyễn sai Nguyễn cư Trinh vào đây bình định thì cư dân tại đây chỉ có khoảng chừng 10.000 kể cả các sắc dân, thế mà chỉ ba thế kỷ sau, dân số ở đây đã lên đến con số 5 triệu. Về sau này thì hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại làm một và Gia Định được tách ra riêng làm một tỉnh.

Tuy nhiên, ba từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đối với người Việt Nam chúng ta hình như đã ăn sâu vào tim óc của mọi người. Kỳ thật cho tới bây giờ chưa có ai có thể xác định rõ địa điểm Gia Định và Sài Gòn khi xưa nằm ở đâu. Năm 1789, sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho xây lại thành trì kiên cố để chuẩn bị lương thực cho chiến tranh giành lại giang sơn.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

A- Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6(Gồm 40 phần)
B/ Đất Phương Nam 1-Từ Đất Phiên Trấn - Tỉnh Gia Định (Gồm 8 Phần )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét