Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Đất Phương Nam I - Sài Gòn Và Nguyễn Ánh



Sài Gòn Và Nguyễn Ánh

Trong suốt thời Nguyễn Ánh bôn tẩu để lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xem miền Nam như là căn cứ địa và là hậu cứ cho công cuộc giành giựt lại giang sơn cho dòng họ Nguyễn. Mùa xuân năm Ất Mùi 1775, Nguyễn Ánh theo chân Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Sài Gòn, trú ngụ tại thôn Tân Khai. Sau đó, cả Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chánh vương Nguyễn Phúc Dương đều bị nghĩa binh Tây Sơn bắt giết. Mùa thu năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Ánh xưng vương tại thành Gia Định. Ban đầu, ông trú ngụ trong đồn quân Tây Sơn trước đây để nghỉ ngơi dưỡng quân. Sau đó, Nguyễn Ánh cho khởi công xây thành mới vào ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất 1790 trên gò Tân Khai, thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay. Thành mới được xây theo hình ‘Bát Quái’ như hình một bông sen nở, tám bức tường thành có 8 cửa. Xuyên qua 8 cửa nầy là 8 con đường giao nhau tại tâm điểm của thành Gia Định(3). Sau khi xây xong, Nguyễn Ánh đặt tên là ‘Kinh Gia Định’.

Từ bờ thành đông qua bờ thành tây rộng khoảng 131,2 trượng. Từ bờ thành nam lên bờ thành bắc cũng rộng như vậy. Tường thành cao khoảng 13 thước ta, chân tường thành rộng khoảng 7,5 thước ta. Bên trong thành, phía trước bên trái là nhà Thái Miếu, chính giữa làm sở hành tại, bên trái là kho chứa, đối diện là ‘cục chế tạo’. Xung quanh các dãy nhà là trại lính của quân túc vệ. Phía trước trại lính là cột cờ cao 12,5 trượng. Bên trên tường thánh có tháp canh. Bên ngoài có hào sâu và rộng, có cầu bắc ngang các chiến hào. Tổng chu vi của ‘Kinh Gia Định’ khoảng 794 trượng. ‘Kinh Gia Định’ là một thành lũy vừa nguy nga tráng lệ, mà cũng vừa hiểm trở nhất thời bấy giờ. Bên ngoài ‘Kinh Gia Định’ là phố xá bốn hướng, nhưng được sắp xếp rất có thứ tự. Bên trái là đường cái quan từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ, đến sông Bình Đồng tới vùng Trấn Biên. Đường cái quan bên phải từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An, qua gò Chùa Tuyên đến sông Bến Nghé (Thuận An). Từ bến đò Thủ Đoàn qua sông Hưng Hòa, qua gò Trấn Định đến Gò Triệu. Đường rộng khoảng 6 tầm, hai bên đường đều có trồng những hàng cây mù u. Lúc đó ‘Kinh Gia Định’ là kinh thành của Nguyễn Ánh, trong khi lỵ sở của trấn Phiên An được đóng tại xóm Tân Thuận, thuộc tổng Bình Trị. Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), lỵ sở được dời qua thôn Hòa Mỹ, dựa lưng vào sông Bình Trị, ở về phía đông bắc thành Gia Định.

Sài Gòn Dưới Thời Gia Long:

Dưới thời Tây Sơn, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc chỉ lo củng cố Qui Nhơn mà thôi, trong khi Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì không màng gì đến thế sự, ông chỉ theo lệnh anh mình cầm quân đánh đông dẹp bắc cho có lệ chứ kỳ thật ông không thiết tha gì đến việc chiếm giữ vùng đất Gia Định. Chỉ có Hoàng Đế Quang Trung là luôn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc trên cả ba miền Nam-Trung-Bắc. Nhưng cuộc đời của ngài quá ngắn ngủi, nên ngài đã không có cơ hội làm được những gì mà ngài mong muốn. Sau khi dẹp xong giặc Mãn Thanh ở phương Bắc vào năm 1789, chỉ ba năm sau là ngài băng hà(4). Sau khi ngài băng hà, vận mệnh của triều Tây Sơn cũng suy thoái một cách thảm hại vì không có ai có được tầm cỡ chỉ huy và cai trị như ngài. Người kế vị ngài là vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cũng chú trọng đến việc bình định và phát triển đất nước, nhưng Quang Toản hãy còn quá nhỏ, triều thần lại chia năm xẻ bảy, nên ông cũng không làm gì được cho đất nước. Năm 1800, đời vua Tây Sơn Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản thứ 8, nhà vua đã ban sắc lệnh cuối cùng của triều Tây Sơn về vùng đất phía Nam. Ông cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định, nhưng không nói gì đến việc bổ nhậm quan quân, vì toàn vùng Gia Định thời đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nguyễn Ánh.

Trong các vị vua chúa triều Nguyễn, có lẽ Nguyễn Ánh là người biết về miền Nam nhiều hơn ai hết, nhứt là vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Trước năm 1776, khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, ông đã đến ẩn náu tại một vùng chài lưới nghèo nàn của người Cao Miên tại ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé(5), vùng Prei Nokor, và từ đó về sau nầy ông đã phải nhiều lần về đây nương náu. Nguyễn Ánh đã từng gắn bó với Sài Gòn trong suốt 22 năm dài, kể từ năm 1779 đến năm 1801. Đến khi Gia Long lên ngôi vào năm 1802, ông đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương mại trong thành Gia Định vì nguồn tài chánh của thành nầy đã đóng góp một phần rất lớn trong ngân quỹ của quốc gia. Năm 1808, trấn thành Sại Gòn đóng tại huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình. Vào năm 1820, tức là năm đầu đời vua Minh Mạng, tổng trấn Gia Định Thành là đức tả quân Lê văn Duyệt đã cho mở cửa thương cảng Sài Gòn và hàng loạt tàu bè Tây phương đã cập bến Sài Gòn, trong đó có những thương thuyền của người Mỹ đã ghé lại đây mua đường và nhiều nông phẩm khác. Phải thành thật mà nói, sự phát triển vượt bực của phủ Tân Bình cũng như vùng Sài Gòn Gia Định đa phần là nhờ ở những người Minh hương.
Họ đã đến đây từ giữa thế kỷ thứ XVII và họ đã liên kết với nhau thành những bang hội rất có thế lực. Chính họ là những chủ vựa đóng vai trò rất quan trọng việc phân phối hàng hóa từ các nơi đưa về Sài Gòn-Gia Định. Thêm vào đó, dưới thời nhà Nguyễn, vua chúa nhà Nguyễn đã tuyệt cấm người Việt Nam đóng ghe tàu biển nhằm buôn bán với người ngoại quốc, nhưng triều đình chẳng những không cấm đoán người Hoa mà còn khuyến khích và hỗ trợ họ trong việc nầy. Ngoài ra, Hoa kiều còn được phép thu mua gỗ quý, gạo và đường để phân phối các nơi. Mãi cho đến ngày nay vẫn chưa có nghiên cứu chính xác nào về những nguyên nhân khiến các vua nhà Nguyễn không cho phép người Việt Nam hoạt động trong những lãnh vực quan trọng nầy mà chỉ cho phép người Hoa. Có thể các vua nhà Nguyễn cho rằng người Hoa rất giỏi về thương mại nên khi cho phép họ làm những việc thương mại lớn lao nầy các ngài sẽ thu về một số tiền thuế lớn lao. Tuy nhiên, chính những chánh sách ưu đãi Hoa kiều nầy đã chẳng những chặn đứng bước phát triển của các thương nhân Việt Nam mà hậu quả của nó đã làm tê liệt toàn bộ thương nhân Việt Nam mãi cho đến ngày hôm nay.

Nhìn lại quá trình giành giựt lại giang sơn từ tay ấu chúa Tây Sơn, chúng ta thấy rõ Sài Gòn là hậu cứ không thể thiếu được của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, đến khi ông lấy lại được ngôi báu thì mặc dầu ông vẫn chủ trương cho Sài Gòn phát triển về thương mãi và kinh tế, nhưng về mặt hành chánh dưới thời Gia Long, Sài Gòn xuống địa vị chỉ là một trấn biên thành mà thôi. Vào thời Nguyễn Ánh đang tranh giành ngôi báu với ấu chúa Tây Sơn, thì Sài Gòn-Gia Định giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với nhà Nguyễn, vì Sài Gòn cách xa biển đến gần 90 cây số, nên nếu có tàu chiến từ ngoài khơi kéo vào thì quân tiền sát có dư thời giờ chạy về Sài Gòn báo cáo với Nguyễn Ánh để chuẩn bị thủ thế và nghênh chiến. Mặt khác, Sài Gòn còn có hai dãy hào chiến lược thiên nhiên là sông Thị Nghè và sông Bến Nghé. Và từ Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đi Mỹ Tho không xa lắm, nên Nguyễn Ánh thường chạy về vùng Ba Giồng (Mỹ Tho) ẩn trốn mỗi khi bị đại quân Tây Sơn truy đuổi. Thời đó, Nguyễn Ánh đã nắm lấy tất cả những nguồn hàng hóa nhu yếu như gạo và đường để đổi lấy khí giới với Tây phương.
Năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây Qui Thành tại Sài Gòn-Gia Định. Đến thời Lê văn Duyệt làm Tổng trấn, ông cho xây cất bến cảng Sài Gòn và các nhà kho chứa hàng hóa về phía Nam và phía Đông Nam thành phố, dọc theo bờ hữu ngạn của sông Sài Gòn. Đồng thời, quan Tổng trấn cũng cho thành lập những vườn cây ăn trái xanh tươi giữa hào thành và trung tâm thành phố, khiến cho bộ mặt của thành phố dưới thời đức tả quân Lê văn Duyệt rất đẹp. Một thương nhân người Anh tên Finlayson, đã ghé lại Qui Thành vào năm 1821, có ghi lại như sau: “Không ngờ ở miền đất xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy. Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang, thứ tự hơn nhiều kinh đô ở Âu Châu.” Tuy nhiên, thành nầy bị vua Minh Mạng phá bỏ vào năm 1835 để quên đi nỗi nhục bị Lê văn Khôi đánh chiếm Quy Thành 3 năm.

Sài Gòn-Gia Định Dưới Thời Minh Mạng:

Năm 1836, vì muốn quên đi nỗi nhục đã làm mất Quy Thành 3 năm vào tay Lê văn Khôi nên vua Minh Mạng cho triệt hạ Quy Thành, lúc đó vẫn còn là một thành trì kiên cố. Minh Mạng cho xây lại thành Sài Gòn-Gia Định với qui mô nhỏ hơn Quy Thành, có lẽ gần sở Ba Son bây giờ. Thành mới nằm về hướng đông bắc của Quy Thành. Thành mới có 4 cửa, chu vi 429 trượng, cao khoảng 10 trượng, hào sâu 7 thước (xích), bề ngang hào khoảng trên 11 trượng. Thành mới tọa lạc tại làng Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Đến năm 1859 thì thành thành bị giặc Pháp triệt hạ. Như vậy thành Sài Gòn-Gia Định do Minh Mạng xây chỉ tồn tại được có 23 năm, còn ít hơn số năm Quy Thành tồn tại (45 năm).
Dưới thời Minh Mạng, ở Sài Gòn có ba nơi đáng lưu ý là Thành Sài Gòn(6), chợ Bến Thành hay chợ Mới(7), và chợ Cũ(8). Vua Minh Mạng vì sợ nạn Lê văn Khôi tái diễn mà cho tiêu hủy Quy Thành là một điều đáng tiếc và đáng trách vì mặc dầu nhà vua đã cho dùng lại một phần vật liệu cũ còn dùng được để xây thành mới, nhưng để xây xong thành mới nhà vua đã phải chi phí một khoảng không nhỏ trong ngân sách quốc gia. Thế mới biết được uy quyền của một ông vua, làm vua thì muốn làm gì mà chẳng được, có ai dám hạch hỏi ngài đã chi tiêu bao nhiêu trong ngân quỹ quốc gia đâu!
Theo Trương Vĩnh Ký thì cột cờ của thành Sài Gòn Gia Định xây năm 1790 ở ngay tại nhà thờ Đức Bà hiện nay(9). Phía Đông thành là đường Lê Thánh Tôn, phía Tây thành là đường Phan Đình Phùng, mà hào thành vẫn còn mãi đến năm 1920 mới lấp để xây sở Canh Nông và trại gia binh của Hội Hồng Thập Tự, viện Pasteur, và dinh thự của hãng Hàng Không. Phía Bắc của thành là đường Đinh Tiên Hoàng nối dài qua Cường Để. Phía Nam thành là đường Công Lý.

Cửa Tiền hay cửa Đông gồm hai cửa Gia Định và Phan Yên(10). Tây môn hay cửa Hậu gồm hai cửa Vọng Khuyết và Cung Thìn(11). Bắc môn hay cửa Tả cũng có hai cửa là Hoài Lai và Phục Viễn (12). Nam Môn hay cửa Hậu gồm hai cửa Định Biên và Tuyên Hóa(13). Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng cho đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An. Đến năm 1833 thì Lê văn Khôi nổi lên, hai năm sau, sau khi dẹp xong Lê văn Khôi thì Minh Mạng cho triệt hạ thành Phiên An. Thành Sài Gòn được xây bằng đá ong. Thuở ấy các kinh rạch dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn đều được lót bằng đá nguyên miếng lớn rất đẹp, tuy nhiên, vì thiếu săn sóc tu bổ nên không được sạch sẽ.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét