Hàng đứng: Can, Nho, Khanh, Điều, Quang, Lâm văn Ty (nhân viên HV/QGHC),Nghĩa, Mẫn, Nguyễn Ngọc Châu, Quân, Các, (thân hữu),Thiện (y tá HV/QGHC)
Cúi đầu ở giữa: Bùi Xuân Thích (ban KT).
Hàng ngồi: Quí, Thanh, Nhơn,Trực, Thêm, Nguyễn văn Đức. (Đi thăm Khu Trù mật Vị Thanh-Hoả Lựu)
1/-Nhập học và tốt nghiệp:
Khóa 6 nhập học vào tháng 2 năm 1959 gồm có 51 sinh viên trúng tuyển so với 100 sinh viên dự tuyển. Đây là cuộc thi concours d’examen nên có lẽ không đủ số sinh viên có khả năng hội đủ điều kiện để trúng tuyển.
Sinh viên đậu thủ khoa nhập học là Nguyễn mạnh Huyên thi tại trung tâm Huế. Thời tôi học, Học viện tổ chức tuyển sinh tại 2 trung tâm, một tại Sài Gòn và một tại thị xã Huế. Tôi không biết việc tổ chức này khởi đầu và kết thúc vào năm nào. Sau khi thi năm thứ nhất có 17 sinh viên phải xuống học khóa 7, và có 3 sinh viên từ khóa 5 xuống học khóa 6 là Nguyễn văn Tiên, Trần thanh Sử và Nguyễn hữu Các. Tháng 1 năm 1962 có 36 sinh viên tốt nghiệp gồm 21 ban Hành Chánh và 15 ban Kinh Tài, trong số đó có 3 sinh viên gốc công chức, anh Nguyễn hữu Các không tốt nghiệp.
-Ngoài anh Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên công chức, các sinh viên tốt nghiệp ban Hành Chánh xếp theo thứ tự như sau: Triệu Huỳnh Võ (thủ khoa), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Nguyễn đắc Điều, Phạm Đức Nhuận, Lê minh Quang, Nguyễn văn Tiên, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Đức, Nguyễn văn Quí, Nguyễn trọng Can, Đoàn Nghĩa, Ngô Đức Lưu, Nguyễn thành Long,
Lê văn Thêm, Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Nho, Nguyễn công Khanh, Trần thanh Sử, Nguyễn khai Sơn.
-Ban Kinh Tài ngoài hai anh sinh viên công chức Trương quang Sáng (thủ khoa) và Nguyễn văn Tri, các sinh viên tốt nghiệp theo thứ hạng : Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Vỵ, Bùi Xuân Thích, Nguyễn như Ky, Thái hà Chung, Hà Ngọc Nghinh, Trần Nhật Ưng, Nguyễn văn Thâu, Trần Ngọc Bình, Huỳnh văn Báu, Nguyễn Vịnh, chị Thái thị Minh Nghiêm và Trần công Toàn.
2/-Bổ nhiệm:
Điều, Nguyễn hữu Các (không tốt nghiệp), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Lê bỉnh Trực(Bàng thính viên), Trần thanh Sử, Đoàn Nghĩa (mất tích khi vượt biên), Tiêu Ngọc Ninh, Nguyễn văn Nho, Nguyễn thành Nhơn. (Đi thăm hãng Shell- Nhà Bè)
Sau khi tốt nghiệp ngoài chị Thái thị Minh Nghiêm được bổ nhiệm riêng, và 17 sinh viên được bổ nhiệm phục vụ tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, số còn lại được gửi ra Đồng Đế (Nha Trang) để thụ huấn quân sự.
Trong lúc phải ôm súng gác đêm hay đi di hành hàng 50,60 cây số khi thì lội suối băng rừng, khi thì đi trên đường tráng nhựa của quốc lộ 1 dưới nắng gay gắt của mùa hè Nha Trang làm lột da chân trong giày botte de saut, hay đi giây tử thần, hay thực tập những bài học tấn công bắn bằng đạn thật thì không sao tránh khỏi những ghen tỵ với các bạn được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng tại Phủ Đặc Uỷ; nhưng sau này trong một bài viết anh Tiêu Ngọc Ninh cho biết các anh được chọn sang Phủ Đặc Uỷ do một tờ trình của Sở Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ Trần kim Tuyến thì mới ngộ ra các bạn được tuyển chọn là xứng đáng.
(Tờ trình có nội dung trình bày sự tuyển chọn và thủ tục điều tra an ninh kỹ lưỡng về quá trình hoạt động của các đương sự và nó đã được chính Cố vấn Ngô đình Nhu đệ trình Tổng thống với bút phê “ Kính bẩm anh: đã duyệt xong và kính đề nghị cho bổ nhiệm”. Cùng thời gian này, tôi chợt nhớ khi trình diện để nhận nhiệm sở mới, nhóm Phó Đốc sự khóa 6 chúng tôi được vị Đặc Uỷ trưởng đầu tiên là Đại tá Nguyễn văn Y tiếp kiến và thân mật cho biết: “Các bạn là những viên ngọc quý được Thượng Cấp tuyển chọn về đây phục vụ…“ [Trích bài viết “Những chuyện ít ai biết” của tác giả Tiêu Ngọc Ninh trong Đặc san Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ].)
18 sinh viên được theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang có biệt danh “Lò luyện thép” hay “Trường Đồng Đế đánh giầy cả đế” dưới quyền chỉ huy của Đại tá Đỗ Cao Trí. Sau khóa học chỉ có 13 người tốt nghiệp Chuẩn úy xếp theo thứ tự : Nguyễn Ngọc Vỵ (thủ khoa), Thái hà Chung, Lê văn Thêm, Nguyễn Vịnh, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn công Khanh, Nguyễn văn Tiên, Nguyễn khai Sơn, Trần thanh Sử, Hà Ngọc Nghinh, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Nho và Trần Nhật Ưng. Hai anh Ngô Đức Lưu và Nguyễn trọng Can không đủ sức khỏe: anh Lưu được trả về bộ Nội Vụ từ đầu khóa học nhưng anh Can bị quân trường giữ lại cho đến hết khóa. Các anh Trần Ngọc Bình, Trần công Toàn và Phạm Đức Nhuận không tốt nghiệp khóa quân sự Đồng Đế.
Sau khi tốt nghiệp khóa Đồng Đế vào tháng 12 năm 1962, các sinh viên ban Kinh Tài được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thanh Niên thuộc Tổng Nha Thanh Niên gồm có: Nguyễn Ngọc Vỵ (Bình Định), Trần Nhật Ưng (Pleiku), Thái hà Chung (Đà Lạt), Nguyễn Vịnh (Bình Thuận), Hà Ngọc Nghinh (?).
Riêng sinh viên ban Hành Chánh được bổ nhiệm tại bộ Nội Vụ như sau: Nguyễn đắc Điều (Quảng Đức), Lê văn Thêm (Chương Thiện), Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn), Trần thanh Sử (Long Khánh), Trương minh Nhuệ (Gia Định), Nguyễn công Khanh (Kiên Giang), Nguyễn khai Sơn và Phạm đức Nhuận (Phước Long), Nguyễn trọng Can (Phước Tuy), Nguyễn văn Nho (An Xuyên), Trần công Toàn (?); riêng Trần Ngọc Bình bị chậm bổ nhiệm một năm.
Hàng 3: Quang, Điều, Sử, Trần Huỳnh Thanh, Nho (đeo kính đen), Nguyễn công Khanh (áo ca rô). Hàng 2: Các, Trực, Quí, Triệu Huỳnh Võ, Đức, Nguyễn khai Sơn (đeo kính trắng).
Hàng đầu: Thêm, Quân, Ngô Đức Lưu (đeo tang trước ngực), Đoàn Nghĩa, giáo sư Nguyễn quang Quýnh, Tiêu Ngọc Ninh, Lâm văn Mẫn, Trương minh Nhuệ. (Hình chụp trước thềm Học viện QGHC 4 Alexandre de Rhodes)
3/-Lễ tốt nghiệp:
(Nghị Định khóa 6 QGHC tốt nghiệp Đồng Đế)
Hàng đứng: Lê văn Thêm, Thái hà Chung, Nguyễn đắc Điều, Trần Ngọc Bình, Hà Ngọc Nghinh, Trần thanh Sử.
Hàng ngồi: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Ngọc Vỵ, Nguyễn khai Sơn, Trương minh Nhuệ, Trần Nhật Ưng. (Quân trường Đồng Đế-Nha Trang: hình chụp khi thi hành 15 ngày phạt trọng cấm lúc về Học viện nhận bằng Tốt nghiệp “ra trình diện quân trường trễ vì không có máy bay”).
Khoá 6 từ quân trường Đồng Đế về Học viện Quốc Gia Hành Chánh lãnh văn bằng tốt nghiệp [Hình chụp trước Đại giảng đường Học viện].
Hàng sau: Nguyễn Vịnh, Nguyễn văn Tiên, Lê văn Thêm, Trần nhật Ưng, Trương minh Nhuệ, Nguyễn công Khanh, Trần thanh Sử.
Hàng trước: Nguyễn đắc Điều, Trần công Toàn, Trần ngọc Bình, Nguyễn khai Sơn, Nguyễn ngọc Vỵ, Hà ngọc Nghinh, Nguyễn trọng Can.
Theo thông lệ những khóa đàn anh trước thì Lễ tốt nghiệp được ông Viện trưởng dẫn toàn thể sinh viên mặc complet trắng vào trình diện Tổng thống Ngô đình Diệm tại dinh Độc Lập và đồng thời nghe Tổng thống huấn dụ; nhưng kỳ này nhân dịp làm Lễ Khánh thành trụ sở mới của Học viện nên Lễ tốt nghiệp được tổ chức chung cho cả 3 khoá 5,6 ,7 và được diễn ra tại Đại giảng đường toạ lạc tại số 10 đường Trần quốc Toản, dưới quyền chủ toạ của Tổng thống Ngô đình Diệm, ông Cố vấn Ngô đình Nhu, bác sĩ Trần kim Tuyến cùng một số Bộ trưởng. Tất cả mọi sinh viên tốt nghiệp đều mặc complet màu trắng. Riêng chúng tôi, các sinh viên đang thụ huấn quân sự tại trường Đồng Đế-Nha Trang thì mặc đồ đại lễ cũng màu trắng. Các anh thủ khoa ban Hành Chánh khóa 5 Tô tiếng Nghĩa, khóa 6 Triệu Huỳnh Võ, khóa 7 Phan công Tâm được đích thân Tổng thống phát văn bằng tốt nghiệp. Đặc biệt nữa là các sinh viên thụ huấn quân sự tại Đồng Đế-Nha Trang lại được Tổng thống Ngô đình Diệm chủ tọa Lễ tốt nghiệp Chuẩn Uý khóa Ấp chiến lược: như vậy chúng tôi vinh dự được Tổng thống chủ tọa lễ tốt nghiệp cả Văn lẫn Võ. Sinh viên sĩ quan thủ khoa Nguyễn ngọc Vỵ được Tổng Thống Ngô đình Diệm trao cung tên để bắn đi bốn phương trời.
4/-Nhân vật nổi trội:
Hàng đứng: Nguyễn minh Quân, Lê văn Thêm, Nguyễn văn Đức, Tiêu Ngọc Ninh, Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn văn Quí (Dân biểu), Điều, Lê bỉnh Trực.
Hàng ngồi: Nguyễn văn Nho, Đoàn Nghĩa, Nguyễn thành Long, Trần thanh Sử, Lê minh Quang, Lâm Văn Mẫn. (Đi thăm Ký Nhi Viện- Khánh Hội).
-Về ban Hành Chánh có:
*anh Triệu Huỳnh Võ từng giữ nhiều chức vụ Phụ tá Bộ Trưởng và Phụ tá Tổng trưởng;
*anh Lê văn Thêm giữ nhiều chức vụ Phó Tỉnh trưởng HC tại miền Tây, sau anh đắc cử do Hạ nghị viện bầu làm Giám sát viên của Viện Giám Sát.
*anh Phạm Đức Nhuận đã đỗ Thủ khoa năm thứ nhất Luật khoa và có bài viết đăng trong Nguyệt san Quê Hương là tập san chỉ đăng bài của các giáo sư Đại học Luật khoa.
*anh Nguyễn văn Quí đã đắc cử Dân biểu nhiều nhiệm kỳ tại đơn vị Hậu Nghĩa.
*anh Trần thanh Sử nổi tiếng là đẹp trai “đàn giỏi hát hay” nên có rất nhiều bóng hồng . Khi nghe được tin anh Sử gặp rắc rối về tình sử trong khi đi tập sự tại tỉnh Phước Tuy, nghiêm trọng đến độ Tỉnh trưởng phải viết báo cáo mật về Học viện, chị Thái thị Minh Nghiêm đã cười nói: “ Trần thanh Sử bị rắc rối là phải, sinh như nghệ, tử ư nghệ mà.” [Trích bài viết “Tưởng niệm Đoàn Nghĩa” của tác giả Trần huỳnh Châu trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn.]
*anh Nguyễn thành Nhơn, sau khi tốt nghiệp anh làm một thời gian ngắn tại Phủ Đặc Uỷ và tỉnh Chương Thiện, rồi thuyên chuyển phục vụ tại tỉnh Biên Hoà từ Trưởng ty Nội an, Hành chánh, Chánh văn phòng và Phó Tỉnh trưởng cho tới ngày 30 tháng 4-1975. Đi tù Cải tạo từ Nam ra Bắc rồi định cư tại San Jose cùng vợ và 4 con. Anh là một mẫu người công chức gương mẫu, trung thành với lý tưởng quốc gia trước sau như một. Anh đã xuất bản 2 tuyển tập “Một thời” và “Thao thức” tập hợp những bài viết đã đăng trên báo địa phương và những bài phát biểu trong các buổi biểu tình chống Việt cộng và bè lũ tay sai.
-Về ban Kinh Tài có:
*anh Nguyễn Ngọc Vỵ là một trong 5 Quận Trưởng dân sự tại tỉnh Bình Định. (Trần dược Vũ, khóa 3, Nguyễn Ngọc Vỵ, khóa 6, Trần Hồng, Trương văn Tuyên và Phạm gia Định cùng khóa 8).
*anh Thái hà Chung làm Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao. (Hồi đó có 3 Phát ngôn viên: Đại tá Lâm đại diện cho bộ Quốc Phòng, Bùi bảo Trúc đại diện bộ Dân Vận, Thái hà Chung đại diện bộ Ngoại Giao tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo Chí Quốc gia trên đường Tự Do để giải thích đường lối và chính sách của Chính Phủ cho ký giả trong và ngoài nước).
*anh Nguyễn văn Tri là sinh viên cao tuổi nhất của khoá. Anh có người em ruột là anh Nguyễn văn Nhi tốt nghiệp khoá 4 Đốc sự.
-Giữ chức Phó Tỉnh/Thị Trưởng HC:
Trần Huỳnh Thanh (An Xuyên, Darlac, Phong Dinh, Sa Đéc)
Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn, Bình Thuận, Bình Dương)
Trương minh Nhuệ (Long Khánh)
Nguyễn trọng Can (Bình Long, Đà Lạt)
Lê văn Thêm (Chương Thiện, Kiên Giang, Định Tường)
Nguyễn thành Nhơn (Biên Hoà).
Trần thanh Sử (Quảng Đức, Bình Tuy)
Nguyễn khai Sơn (Phước Long)
Nguyễn Ngọc Vỵ (Quảng Đức, Cam Ranh, Darlac).
Bùi Xuân Thích (Bình Định, Quy Nhơn)
Nguyễn Vịnh (Chương Thiện, Phong Dinh).
5/-Những đồng môn quá vãng:
-Ngô Đức Lưu 35 tuổi (7-4-1972, tại Sài Gòn khi đang làm Trưởng ty Tài Chánh-Kiến Phong)
-Đoàn Nghĩa (1978) và Hà Ngọc Nghinh (1979): trên đường vượt biên.
-Thái thị Minh Nghiêm (1988, tại Việt Nam).
-Nguyễn văn Tiên (30-10-2009, tại Canada)
-Lê minh Quang (2005, tại Little Sài Gòn, Nam Cali)
-Trần Huỳnh Thanh (2011, tại Sacramento)
-Nguyễn như Ky (7-2010, tại Texas).
-Thái hà Chung (10-3-2014, tại Little Sài Gòn, Nam Cali).
-Huỳnh văn Báu (2014, tại Canada)
-Trương minh Nhuệ (17-12-2014, tại Đức quốc).
-Nguyễn văn Thâu (?, tại Sài Gòn).
-Tiêu ngọc Ninh (6-12-2017, tại Oxnard, Nam Cali).
-Bùi Xuân Thích (31-1-2022, tại Boston).
-Trần thanh Sử (2022, tại Pháp quốc).
-Nguyễn thành Long (18-4-2023, tại Michigan).
-Nguyễn thành Nhơn 85 tuổi (28-4-2023, tại San Jose).
- Nguyễn Văn Tri 96 tuổi (6-5- 2023, tại Sacramento, Bắc Cali)
Tính từ người quá vãng đầu tiên 35 tuổi năm 1972 Ngô Đức Lưu đến người quá vãng mới đây 85 tuổi năm 2023 Nguyễn thành Nhơn thì khoảng cách vừa đúng nửa thế kỷ cho cả tuổi thọ lẫn thời gian. Đúng theo ý thơ của Khoa Nghi: “Đứa đã ra đi về cõi trước/ Đứa còn chậm bước xếp hàng sau”. Mà hàng sau của khóa 6 Đốc sự bây giờ ngắn lắm rồi. (Tỷ lệ 17/36).
6/-Trụ sở và Ban giảng huấn:
- Khóa 6 học từ ngày khai giảng tới ngày thi mãn khóa tại số 4 đường Alexandre de Rhodes. Khóa 6 là khóa Đốc sự cuối cùng thi tốt nghiệp tại địa chỉ này; và cũng là khóa cuối cùng nhập học vào đầu năm. Các khóa tiếp theo nhập học vào tháng 9 hàng năm.
-Ban Giảng huấn gồm các giáo sư cơ hữu của Học viện và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Luật khoa. Sau đây là danh sách các giáo sư xếp theo vùng miền:
* Giáo sư sinh trưởng tại miền Nam và miền Trung: Tôn thất Trạch, Cao hữu Đồng, Nguyễn Xuân Khương, Trần ngọc Liên, Trương ngọc Giàu, Trần văn Phò, Trần văn Binh, hai Đốc phủ sứ có bằng Cử nhân Luật: Lê văn An và Bùi quang Ân, Phan tấn Chức, Châu tiến Khương và Nguyễn tấn Thành (giáo sư đại học Luật khoa).
*Giáo sư sinh trưởng miền Bắc: Vũ quốc Thông, Nghiêm Đằng, Trần văn Đỉnh, Trần văn Kiện, Nguyễn quang Quýnh, Nguyễn mạnh Tư, Vũ Uyển Văn, Lê đình Chân, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn cao Hách và Nguyễn Độ (giáo sư đại học Luật khoa).
{Sở dĩ tôi ghi rõ thành phần giáo sư theo vùng miền vì tôi có đọc một bài mới đây nhận xét trước năm 1963 từ Viện trưởng tới lao công tài xế đều là người miền Bắc}.
Đoạn 7/- Lời đồn đoán và Thực tế
(Khóa sinh Nguyễn Đắc Điều và Nguyễn Ngọc Vỵ trình diện quân trường Đồng Đế-Nha Trang)
18 sinh viên tốt nghiệp khóa 6 ĐS được bổ nhiệm đãi lệnh tại Tổng nha Công vụ chờ đi thụ huấn quân sự, không có công việc gì làm chỉ đến tụ tập nghe ngóng tin tức, nên có một bạn tỏ ra “am hiểu tình hình” đưa ra lý do tại sao chúng tôi phải đi học quân sự:”Trong bảng đúc kết kế hoạch Kinh tế Hậu Chiến của phái đoàn Stanley-Vũ quốc Thúc có đưa ra giải pháp dân sự hóa nền hành chánh địa phương bằng cách thay thế các Quận trưởng quân đội bằng các Đốc sự, nhưng các Đốc sự này phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự tại một quân trường như Đà Lạt hay Thủ Đức”. Sở dĩ có ý kiến này vì nếu đưa các Quận trưởng đi học hành chánh thì mất nhiều thời gian hơn là đưa các Đốc sự học quân sự. Khi học tại Học viện cứ mỗi năm, vào dịp hè, các nam sinh viên phải theo học lớp quân sự lúc thì tại vườn cao su Phú Thọ, lúc thì tại xa lộ Biên Hoà, lúc thì tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung của chương trình huấn luyện cấp Trung đội trưởng.
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm tờ trình lên Tổng thống Ngô đình Diệm đề nghị chúng tôi theo học khóa 12 Thủ Đức cùng với các sinh viên bị động viên. Tổng thống bút phê trên tờ trình “Gửi tham dự khóa Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế-Nha Trang”. Thế là 18 chúng tôi ra trình diện trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang để theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch cùng với hơn 400 khóa sinh hạ sĩ quan được tuyển chọn học khóa này.
Lúc tới quân trường chúng tôi mới được sĩ quan cán bộ cho biết, Tổng thống Ngô đình Diệm có ra kinh lý quân trường Đồng Đế vào hè năm 1961; và Chỉ huy trưởng quân trường đã dẫn Tổng thống quan sát các lớp học “Trung đội vượt sông”, “Trung đội tấn công tác xạ với đạn thật không phải đạn mã tử (đạn giả)”, “Kỹ thuật tuột núi”; và khi đoàn xe của Tổng thống di chuyển trên đường thì bắt gặp một trung đội vượt cầu khỉ (cấu tạo bởi 3 sợi dây) đi từ đồi này sang đồi kia. Tổng thống ấn tượng nhất khi chứng kiến cảnh các khóa sinh đi dây tử thần. Khi đó chúng tôi mới biết mục đích của Tổng thống gửi chúng tôi ra Đồng Đế để học tập kinh nghiệm thực hành tác chiến chứ không phải học lý thuyết chỉ huy như tại quân trường Thủ Đức. Tổng thống Ngô đình Diệm đã đến chủ tọa và đặt tên cho khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch là “Ấp chiến lược” cùng tên với khóa 16 tốt nghiệp tại trường Võ bị Đà Lạt và khóa 12 tại trường Võ khoa Thủ Đức mãn khóa cùng năm.
(Chứng chỉ tốt nghiệp khóa Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch của Trần Thiện Tích, ĐS 7).
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch Đồng Đế, đa số 13 Đốc sự được bổ nhiệm phục vụ tại các tỉnh thuộc loại “rừng thiêng, nước độc”, và chúng tôi cũng không thắc mắc gì về lời đồn đoán dân sự hóa trong kế hoạch” Kinh tế Hậu chiến Stanley-Vũ quốc Thúc”.
Khi Trung tướng Đỗ cao Trí làm Tư lệnh Quân đoàn II kiêm Đại biểu Chính phủ Vùng 2 Chiến thuật đã ra chỉ thị “ Những Đốc sự nào đã tham dự các khóa 3, 3 phụ và 4 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế khi giữ chức vụ Phó Quận trưởng được và phải mang cấp bậc Trung úy”. Chỉ có 3 khóa ĐS 6,7 và 8 tham dự các khóa huấn luyện quân sự này trước năm 1963 (Quân trường Đồng Đế tổ chức được có 4 khóa đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch ).
Cũng trong thời gian Trung tướng Đỗ cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II, bộ Nội Vụ có bổ nhiệm 5 ĐS giữ chức vụ Quận trưởng thay thế cho các Quận trưởng quân đội và được mang cấp bậc Trung úy tại tỉnh Bình Định, đó là: anh Trần dược Vũ (khóa 3), Quận trưởng An Túc, anh Nguyễn Ngọc Vỵ (khóa 6), Quận trưởng Bình Khê, anh Trương văn Tuyên (khóa 8), Quận trưởng Hoài Ân, anh Phạm gia Định (khóa 8), Quận trưởng An Nhơn, và anh Trần Hồng (khóa 8) thay thế anh Nguyễn Ngọc Vỵ trong cương vị Quận trưởng Bình Khê. (Anh Trương văn Tuyên đã được đặc cách thăng cấp Đại úy tại mặt trận trong trận chiến thắng đẩy lui cộng quân đánh trụ sở quận Hoài Ân).
Có phải việc bổ nhiệm các ĐS giữ chức vụ Quận trưởng tại tỉnh Bình Định là sự thử nghiệm thi hành khuyến cáo dân sự hóa nền hành chánh địa phương chăng? Nếu vậy, cũng chỉ là một sự thử nghiệm muộn màng và đoản kỳ có tính cách “cục bộ tượng trưng” cho nên cũng không có ảnh hưởng dây chuyền trong tổng thể nền hành chánh địa phương của Việt Nam Cộng hòa.
Dù các Quận trưởng dân sự này làm việc rất thành công và được bộ Nội Vụ tưởng thưởng cho thuyên chuyển nắm giữ chức vụ cao hơn trong ngành hành chánh như anh Trần dược Vũ làm Phó Thị trưởng thị xã Cam Ranh, anh Nguyễn Ngọc Vỵ làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức và anh Phạm gia Định làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kontum nhưng kế hoạch “dân sự hóa Quận trưởng” cũng dần dần chấm dứt. Tất cả các Quận trưởng vẫn do các quân nhân đảm nhiệm như cũ dù tại các Thị xã rất an ninh.
Báo chí thời đó đã gọi nền hành chánh công quyền của nền đệ Nhị Cộng hòa là quân đội trị dưới sự chỉ huy của “đảng kaki”
Tượng chiến sĩ VNCH thao diễn nghỉ tại trường HSQ Nha Trang.
(Tượng chiến sĩ VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô do khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch xây dựng theo sáng kiến của Tiểu đoàn phó sinh viên sĩ quan gốc QGHC Thái hà Chung (khóa 6 ĐS). Sau năm 1975, người dân vùng Đồng Đế có loan truyền mấy vần thơ sau: “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ/ Em nằm xõa tóc đợi chờ ai?”. Hay: “Em nằm đấy, ngàn năm còn xõa tóc/ Ta muôn đời, thao diễn giữa trời mây/ Nghe nhung nhớ, rụng rời trên sườn núi/ Đá núi buồn, trăn trở với cỏ cây”. Rất tiếc tượng người lính VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ nay đã bị đập phá, không còn dấu tích gì nữa).
8/-Hội ngộ:
Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Tri (KT), Triệu Huỳnh Võ, Nguyễn huy Lãng, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn văn Nho, Nguyễn văn Phước (KT)
Khóa 6 ĐS đã liên kết với khóa 7 và 8 để tổ chức 2 buổi hội ngộ:
-Hội Ngộ 40 năm khóa 6 & 7 ĐS vào ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1999 tại Little Sài Gòn. Bích chương 40 năm Hội ngộ: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn kiếm chồng Quốc Gia Hành Chánh”. Trong ngày cuối của buổi Hội ngộ, MC Thái hà Chung đã nói: “Xin cám ơn, lẽ ra nói cám ơn chúng mày nhưng vì có vợ chúng mày nên phải nói cám ơn các anh các chị đã cho nhau một ngày để nhớ”.
-Nửa Thế kỷ Hội ngộ khóa 6 & 7 & 8 tại Little Sài Gòn vào các ngày 25, 26, 27 tháng 9 năm 2009. Nguyễn ngọc Vỵ kết thúc một bài viết bằng nhận xét: “Những ai tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành Chánh là những người suy nghĩ như một ông Hoàng, nhưng phục vụ lại là một đầy tớ”.
-Đặc san Mùa Thu nhớ bạn xuất bản năm 2010 phối hợp với các khóa Đốc sự 5,6,7 và 8. Đặc san gồm có 33 bài dầy 401 trang.
“Trước đây Học viện QGHC là nơi đào tạo cán bộ cao cấp cho quốc gia. Khi ngồi trên ghế nhà trường, người sinh viên chỉ học và học với một lý tưởng là bảo vệ tổ quốc và chống cộng. Từ Viện trưởng sáng lập Học viện là Giáo sư Trần Cửu Chấn, tới Giáo sư Vũ quốc Thông, đều là khoa bảng, không đảng phái nên nhờ đó sinh viên từ khi vô tới khi ra trường không bị móc nối vô đảng phái nào. Nhưng đến thời Giáo sư Nguyễn Văn Bông làm Viện trưởng thì tình trạng “trung lập giữa các đảng phái” không còn nữa. Nhiều sinh viên được kết nạp vô đảng của Giáo sư Bông là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Các đảng phái khác thấy thế cũng mở chiến dịch kết nạp trong Học viện. Thành ra không khí Học viện đang bị đảng phái hóa và địa phương hóa. Rất may là 3 khóa 6,7 và 8 của chúng tôi không rơi vào trường hợp này vì đến khi chúng tôi tốt nghiệp, vẫn còn Giáo sư Vũ Quốc Thông làm Viện trưởng". [Trích bài viết “Bốn mươi năm” của tác giả Đỗ tiến Đức trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn].
9/-Thay cho lời kết:
Thư của Nguyễn Thành Nhơn
Khởi đi cho bài viết là nghe được tin buồn 2 đồng song Nguyễn thành Long và Nguyễn thành Nhơn ra đi vào tháng 4 năm 2023, nên tôi tìm những hình ảnh thời sinh viên ra coi lại thì ngộ ra đời sống thật vô thường : “Sắc bất thị không, không bất thị sắc/ Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ngẫm ra đôi khi những học vị, chức tước như là một đám mây che nắng cho ta, hưởng được bóng mát; nhưng đôi khi đám mây đó lại trở thành mưa to gió lớn hay những trận bão cuồng phong lôi cuốn tất cả vợ con và tài sản mà chúng ta trong bao năm mới tạo dựng ra được. Đang loay hoay không biết kết thúc bài viết ra sao, thì ngày mùng 3 tháng 5 năm 2023, tôi nhận được thư của chị Nguyễn thị Ngoan, hiền thê của anh Nguyễn thành Nhơn, chuyển lá thư không ghi ngày của anh Nhơn viết cho tôi nhưng chưa gửi. Nguyên văn lá thư:
“Điều thân,
Đọc bài DUYÊN TU, cảm thấy thương bạn. Bao nhiêu công phu, kỳ vọng rốt lại hoàn không !. Đó là không phải nói chuyện bây giờ. Ngay cả ngày xưa ấy, e rằng địa phương cũng không đáp ứng lòng mong mỏi cải tiến công vụ của bạn được bao nhiêu. Nhưng bạn cũng đừng trách họ, bởi vì các anh, em cán bộ xã, ấp hồi ấy tất bật trăm công, ngàn việc. Nào là việc làng, việc ấp, nào lo an ninh bản thân, lại còn bươn chải lo sinh kế vì đồng lương đâu có bao nhiêu. Cho nên, “việc làm” đã hết hơi, hết sức làm sao nghĩ đến “việc TU” (nghiệp). Việc đời là như thế, xin bạn chớ buồn. Bằng như vẫn thấy lòng buồn man mác thì cứ gọi TOÀN KHÔNG Đỗ Đăng Tiến gửi cho bài VÔ THƯỜNG đọc chơi là hết chuyện.
Chúc Anh chị và bửu quyến MÙA GIÁNG SINH AN BÌNH.
Thân,
Nhơn”.
Xin mượn lời thư của đồng môn Nguyễn thành Nhơn làm lời kết cho bài viết.
Nguyễn đắc Điều
(San Diego, California 5-5-2023)
đông thế
Trả lờiXóa